Wednesday, April 28, 2010

'Hòa giải dân tộc phải dần dần'


 Vì thế nêu lên vấn đề hòa hợp hòa giải là cách nhìn hẹp hòi, sai lầm. Là chỉ vẫn xem mình là đại diện cho dân tộc, chỉ muốn cho mọi người đừng chống đối mình nên mới kêu gọi hòa hợp hòa giải. Nên nhìn vấn đề rộng rãi hơn là phải thay đổi thái độ, mọi người không ai xem mình là đại diện cho dân tộc mà xem đường lối, ý kiến của mình là một trong những đường lối, ý kiến mà mọi người cùng có quyền nêu lên

Bình luận về bài đăng trên trang web của BBC:
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100426_30april_general_thai.shtml

'Hòa giải dân tộc phải dần dần'

Tại Việt Nam đang có nhiều hoạt động kỷ niệm ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam 30/04/1975.

Đúng 35 năm trước, chiến dịch Hồ Chí Minh của quân đội miền Bắc Việt Nam đã đi vào giai đoạn cuối, mà hồi kết là trận tấn công vào nội thành Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập và nội các Dương Văn Minh đầu hàng.

Đài BBC đã hỏi chuyện trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên phó chính ủy sư đoàn bộ binh số bảy, quân đoàn bốn, một trong các quân đoàn tiến về Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975.

BBC: Vào những giờ phút đó, ông đang có mặt ở đâu, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Văn Thái: Ngày 30/04/1975, tôi ở mũi thọc sâu của sư đoàn bộ binh 7, quân đoàn 4, mà nhiệm vụ là chiếm Dinh Đ̣ôc lập.

Nhưng phải đánh qua sở chỉ huy vùng 3 chiến thuật Biên Hòa, mà xe tăng không đi qua được cầu ghềnh và chúng tôi phải đi vòng qua xa lộ, do vậy chúng tôi đến sau quân đoàn 2.

Tuy thế đến 4 giờ chiều ngày 30/04/1975, quân đoàn 2 đã bàn giao lại nhiệm vụ Dinh Độc lập cho Sư đoàn 7. Từ đó, chúng tôi làm nhiệm vụ quân quản trong bốn quận nội thành: quận 1, quận 2 cũ, quận 4 và quận Bình Thạnh.

BBC: Thưa ông, nay có đánh giá rằng vai trò của ông Dương Văn Minh (cựu tổng thống Việt Nam Cộng hòa vào thời điểm 04/1975) trong những giây phút cuối cùng đã giúp giảm thiểu thương vong của cả hai bên. Ý kiến của ông ra sao về vấn đề này?

Trung tướng Nguyễn Văn Thái: Đúng là ông Dương Văn Minh là một người có đầu óc dân tộc. Ngay cả sau cuộc đảo chính ông Diệm năm 1963, ông Minh sau đó lên làm tổng thống, đã có ý muốn thương thuyết với chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam. Chính vì vậy, Mỹ đã lật ông Dương Văn Minh, thay bằng ông Nguyễn Khánh.

Trong khi gặp Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban quân quản, ông Minh cũng đã nói rõ ý đồ của mình, rằng ông sẵn sàng trao trả quyền lực.

Vì ý thức đúng đắn như vậy, nên thiệt hại đã được hạn chế.

Nhưng thực ra ban đầu, ông Dương Văn Minh chưa có ý định như thế mà muốn có một chính phủ liên hiệp các thành phần.

BBC: Nói về tổn thất thì mất mát về người trong chiến dịch Hồ Chí Minh là bao nhiêu, thưa ông?

Trung tướng Nguyễn Văn Thái: Con số tổn thất trong chiến dịch Hồ Chí Minh được công bố hiện nay là 6.000 người hy sinh, không kể con số bị thương. Từ Xuân Lộc, Nước Trong, Cầu Bình Triệu, ngã tư Bảy Hiền... hướng nào cũng có thương vong.

Nhưng thương vong lớn nhất là ở Xuân Lộc, vì một bên quyết giữ và một bên quyết chiếm. Người Mỹ đã nói: 'Mất Xuân Lộc mà mất Sài Gòn' nên đã có cuộc chiến thật dữ dội từ 09/04-21/04.

BBC: Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói về cuộc chiến, là khi nó kết thúc thì hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn. Thưa, ông nghĩ thế nào về ý tưởng hòa hợp, hòa giải dân tộc?

Trung tướng Nguyễn Văn Thái: Tôi cho rằng phải dần dần mọi người mới bắt đầu có ý thức về hòa giải dân tộc.
Ngay cả bản thân tôi, khi đã là cán bộ cao cấp rồi mà nghe Thượng tướng Trần Văn Trà nói với ông Dương Văn Minh ( "Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng, mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng đế quốc Mỹ” ), tôi vẫn băn khoăn thắc mắc.

Nhưng dần dần cái ý tưởng đó nó cũng thấm vào mình.

Lúc đầu nhìn vẫn coi bên kia là địch-ta, dần dần nó mới quen đi. Bây giờ thì thấy nó là đúng, đúng với tinh thần dân tộc ta là 'yêu nước thương nòi'.
________________________________________
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100426_30april_general_thai.shtml
© BBC 2010

Bình luận:

Việc tướng Nguyễn Văn Thái nói rằng “Đúng là ông Dương Văn Minh là một người có đầu óc dân tộc.” khi ông Dương Văn Minh không có ý chống lại Cộng Sản cho thấy cách lập luận của những người CS là ai chống lại CS là chống lại dân tộc, ai theo CS là có đầu óc dân tộc, là đứng về phía dân tộc. Tự đồng hóa mình với dân tộc là thủ đoạn của các chế độ độc tài. Các chế độ Phát Xít Ý, Đức Quốc Xã cũng tự đồng hóa mình với dân tộc. Ai chống lại họ bị gán cho tiếng chống lại dân tộc và bị trừng phạt.

Tự đồng hóa mình với dân tộc có nghĩa là cấm người khác có suy nghĩ, đường lối khác với mình. Nghĩa là hễ ai có suy nghĩ, đường lối khác với mình bị xem là không đứng về phía dân tộc, là phản quốc.

Nhìn một cách khách quan thì những người CS cũng chỉ là một nhóm người chủ trương phát triển quốc gia theo chủ nghĩa Mác Lê. Chủ nghĩa Mác Lê cũng chỉ là một chủ nghĩa trong nhiều chủ thuyết chính trị khác nhau. Những người Việt Nam khác cũng có quyền có ý kiến về đường lối phát triển đất nước theo quan niệm mà họ cho là đúng đắn nhất, có hiệu quả nhất.  Nếu ai cũng cho đường lối của mình là tuyệt đối đúng và mình tức là dân tộc, ai không đồng ý với đường lối của mình là không đứng về phía dân tộc rồi dùng bạo lực mà đàn áp những người không đồng ý với mình thì sẽ sinh ra nội chiến.

Nguyên do của sự thù hận sinh ra trong cuộc chiến vừa qua là thái độ xem ai khác chính kiến với mình là không đứng về phía dân tộc, là phản quốc . Thái độ này chẳng những đã gây thù hận giữa đảng CSVN và người quốc gia mà còn gây ra thù hận giữa những người tranh đấu cho dân chủ đang bị đàn áp, bỏ tù và đảng CSVN.

Muốn hòa hợp hòa giải thì trước tiên phải chấm dứt thái độ đã gây ra thù hận . Nếu không chấm dứt được thái độ gây ra thù hận thì sẽ tiếp tục gây thêm các thù hận mới với những người khác chính kiến với mình.

Việc khác chính kiến là hiện tượng tự nhiên trong xã hội loài người. Nhưng trong cách nhìn của người CS thì nghĩ rằng chỉ cần cướp chính quyền, dùng bạo lực cai trị để tiêu diệt bọn phản động là từ đó vĩnh viễn không ai còn có ý kiến khác với đảng CS nữa . Điều này không xảy ra trong thực tế vì sự khác ý kiến xảy ra mọi lúc, và ngay trong đảng CS cũng có.

Trước đây tại Liên Xô trong đảng CS Nga sự khác đường lối giữa Trostky và Stalin, rồi sự khác đường lối giữa Breznev và Khroushchev, rồi khác đường lối giữa Gorbachev và các đảng viên khác . Bên Trung Quốc, có sự khác đường lối giữa Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông.

Vì hiện tượng khác ý kiến luôn luôn có thể xảy ra trong mọi chế độ nên thái độ làm cách nào chọn được đường lối hay nhất để theo có lợi là thái độ tìm cách củng cố quyền lực của phe mình cho mạnh rồi tự đồng hóa mình với dân tộc, ai dám có ý kiến khác với mình thì gán cho tội phản quốc mà trừng trị.

Giả sử tại Trung Quốc trước đây có cách nào chọn được đường lối của Đặng Tiểu Bình sớm thì Trung Quốc đã được đổi mới theo kinh tế thị trường sớm hơn, có lợi cho Trung Quốc hơn.

Giả sử trước đây tại Liên Xô, những đảng viên có khuynh hướng giống Khroushchev chủ trương phát triển Xã Hội Chủ Nghĩa trong hòa bình thay vì sản xuất vũ khí cho nhiều để gây chiến tranh tiêu diệt tư bản được có tiếng nói và ảnh hưởng trong việc quyết định chính sách của đảng CS thì chế độ Liên Xô đã có thể đã đem lại cho dân Nga một đời sống vật chất tương đối khá hơn và chế độ cộng sản tại Liên Xô không đến nỗi bị sụp đổ vì dân bất mãn, và Liên Bang Xô Viết cũng không bị tan rã.

Vì thế nêu lên vấn đề hòa hợp hòa giải là cách nhìn hẹp hòi, sai lầm. Là chỉ vẫn xem mình là đại diện cho dân tộc, chỉ muốn cho mọi người đừng chống đối mình nên mới kêu gọi hòa hợp hòa giải. Nên nhìn vấn đề rộng rãi hơn là phải thay đổi thái độ, mọi người không ai xem mình là đại diện cho dân tộc mà xem đường lối, ý kiến của mình là một trong những đường lối, ý kiến mà mọi người cùng có quyền nêu lên. Có như thế thì mới có được thái độ xét xem đường lối nào hay để mà chọn.

Vì sao giữa hai miền Tây và Đông Đức đã hòa hợp hòa giải rồi mà tại Việt Nam vẫn nói rằng “hòa hợp hòa giải phải từ từ”? Vì Tây Đức có thái độ tôn trọng với các đảng viên CS và người dân Đông Đức. Các đảng viên CS và dân Đông Đức có quyền ngang với dân Tây Đức trong việc nêu lên ý kiến, lập đảng hay ra tranh cử vào các chức vụ chính quyền. Nếu những người làm chính trị tại Tây Đức nói với các đảng viên CS Đông Đức là “các anh chịu thống nhất với chúng tôi tức là các anh đứng về phía dân tộc” thì các đảng viên CS Đông Đức chẳng đời nào chịu thống nhất vì như thế có nghĩa là phía Tây Đức xem các đảng viên CS trước đây là không chịu đứng về phía dân tộc, là phản quốc.

Trong trường hợp Dương Văn Minh thì ông ta đã sai lầm khi nghĩ rằng ông ta có thể hợp tác được với người CS. Tướng Thái nói rằng "Nhưng thực ra ban đầu, ông Dương Văn Minh chưa có ý định như thế mà muốn có một chính phủ liên hiệp các thành phần."

Đó là vì trước đây, để phân hóa hàng ngũ Việt Nam Cộng Hòa, đảng CSVN đã làm cho một số người có ảo tưởng là nếu không chống lại CS thì có thể hợp tác ngang hàng với đảng CS trong việc cai trị đất nước . Khi gọi là ông Dương Văn Minh có đầu óc dân tộc chẳng qua là nói về việc ông Dương Văn Minh bị mắc lừa CS, tưởng là hễ không chống lại CS thì có thể hợp tác được với CS, là ông ta sẽ có chân đứng trong một chính phủ liên hiệp nhiều thành phần . Sau này, ông Dương Văn Minh bị gạt ra rìa, không có quyền làm chính trị nừa vì đảng CS bao giờ cũng giành độc quyền làm chính trị . Ông Dương Văn Minh sang Pháp, rồi sang Mỹ sống hết quãng đời còn lại 

No comments:

Post a Comment