Monday, December 26, 2011

Bình luận: Khóc như mưa

Ông Kim Jong Il chết trên chuyến xe lửa đặc biệt vì cơn đau tim. Cậu con thứ ba Kim Jong Un mới 27 tuổi lên nối ngôi. Theo tiếng Việt, ông “Ủn” nối ngôi ông “Ỉn”. Quả thật, hai cha con đều nặng cân, ủn ỉn …

Đây là kiểu cha truyền con nối 3 đời liền trong một triều đình phong kiến cộng sản. Ông, cha và con đều là chủ tịch nước, chủ tịch đảng CS, tổng tư lệnh quân đội.


Đài truyền hình Bình Nhưỡng liên tiếp truyền cảnh người Triều Tiên, già trẻ lớn bé khóc còn hơn cha chết. Người ta khóc thảm thiết, gào thét, gục xuống đất, nức nở, mồm méo xệch, cứ như đua nhau xem ai khóc to nhất, đau đớn nhất, chân thật nhất.

Trên thế giới nhiều báo chí nhận xét, bình luận, hỏi vì sao người Bắc Triều Tiên khóc tập thể thảm thiết đến thế, có thật tự đáy lòng không? Sao lại như một cơn lên đồng lớn, một căn bệnh tâm thần nặng lây lan cực nhanh, khó hiểu cho người ngoài cuộc, người nước ngoài.



Nhớ lại khi ông Hồ Chí Minh chết, dân miền Bắc cũng khóc tập thể thê thảm như thế.

Tố Hữu mô tả: 

“Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”;

Và khi ông Staline chết, Tố Hữu cũng khóc:

Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười.

Lại còn:

Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao!

Vì sao như vậy? Khóc thật hay khóc giả? Bình thường hay lâm bệnh thần kinh? Khác gì những người làm nghề khóc thuê khóc mướn? Cố gào thét lên, cố rặn ra mà khóc ư?
Để góp phần giải đáp những câu hỏi ấy, tôi kể lại dưới đây một vài kinh nghiệm, tai nghe mắt thấy, trên đất Bắc Triều Tiên, từ hồi năm 1987, khi dự Hội nghị các nước không liên kết trong 1 tuần lễ ở Bình Nhưỡng, rồi đi thăm một số địa phương như khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, đập nước lớn phía đông và vùng sông Áp Lục.

Phụ nữ Bắc Triều Tiên ở bất cứ đâu khi có mang đến tháng thứ 8 là đại diện chính quyền địa phương, cấp khu phố hay quận, huyện đến thăm tại nhà, làm lễ trao tặng thư và quà của «Lãnh tụ Vĩ đại» gồm có một thùng tã lót, khăn bông, nôi bằng mây hay nhựa, với lời chúc mẹ tròn con vuông.

Đến tuổi nhập học, trước buổi học vỡ lòng đầu tiên khi nhập trường,cũng như mỗi lần khai giảng, đều làm lễ đón nhận quà khai giảng của «Lãnh tụ Vĩ đại», gồm có bút, sách vở, cặp sách và 2 bộ đồng phục bằng vải tốt, lụa màu cho mỗi học sinh và sinh viên.

Khi vào đội Thiếu niên và vào Đoàn Thanh niên Kim Il Sung, các em đều tham dự lễ đón nhận khăn quàng xanh và đỏ do «Lãnh tụ Vĩ đại» ban tặng.

Hệ thống Bảo tàng Kim Il Sung và Phòng Lưu niệm Kim Il Sung là hệ thống to lớn, rộng khắp nhất, gây ấn tướng nhất trên đất Bắc Triều Tiên. Mỗi nhà máy, mỗi xí nghiệp lớn nhỏ, mỗi trường học từ tiểu học đến đại học, mỗi bộ, viện nghiên cứu, mỗi bệnh viện đều có bảo tàng, cho đến mỗi nhà trẻ cũng có phòng lưu niệm ghi rất rõ, rất cụ thể công ơn của «Lãnh tụ Vĩ đại». Tại đó có ảnh phóng cực lớn, tranh, một loạt sách trước tác của ông Kim, mang chữ ký đích thân ông Kim đề tặng và ký tên. Ông Kim đến đâu, đi qua cổng nào, qua con đường nào, ngồi vào chiếc ghế nào, cầm chiếc micrô nào, uống nước ở chén nước, cốc nước nào, cầm chiếc bút nào, nói những gì, gợi ý những gì, nhận xét gì, chỉ thị những gì… thực hiện ra sao, đều ghi rất kỹ, tỷ mỷ trong bảo tàng và phòng lưu niệm. Có nơi như Đại học Kim Il Sung, ông Kim đến 8 lần, đều ghi tỷ mỷ những nội dung và tác động của mỗi lần đến thăm.

Ở mỗi tỉnh, huyện và quận cũng thế. Những thành tựu làm đường mới, xây cầu mới, mở rộng bệnh viện, xây nhà trẻ, trường học, sân vận động, đắp đập, mở rộng diện tích canh tác, thay giống lúa mới… đều ghi công lãnh tụ Kim trong các bảo tàng và nhà lưu niệm Kim Il Sung, cũng như trên sách, báo, trên bia, bảng tuyên truyền ở khắp nơi.

Bức tượng cao nhất thủ đô là tượng đuốc lửa Juche – Tự Chủ – do «Lãnh tụ Vĩ đại» giương cao cho toàn thế giới, ở dưới chân có ghi tên hơn một trăm nước có Câu lạc bộ Juche ở khắp 5 châu, suy tôn ông Kim là lãnh tụ quốc tế chỉ đường cho nhân loại. Bức tượng toàn thân ông Kim cũng là bức tượng bề thế nhất bên sân rộng để hàng ngàn diễn viên có thể nhảy múa dưới chân «Lãnh tụ Vĩ đại».

Trong tâm tưởng, suy nghĩ của người dân Bắc Triều Tiên, từ khi sinh ra đến khi khôn lớn, từ sáng sớm ngủ dậy đến đêm vào giấc ngủ, từ khi ở nhà, đi học, đi làm đâu đâu cũng nghe ra rả về công ơn như trời biển của «Lãnh tụ Vĩ đại». Việc tôn sùng bị điều kiện hóa tuyệt đối đến thế thì khi ông chết, làm sao người ta không khóc thê thảm còn hơn cha mình chết.

Ông Kim Jong Il cũng kế thừa bộ máy tuyên truyền nhồi nhét như thế, cũng là dễ hiểu. Xin chớ hiểu sai rằng họ khóc lóc thảm thê chỉ là giả vờ, là đóng kịch, vì sợ bị đưa đi cải tạo.

Với một số người bị nghi vấn, bị theo dõi, bị ghi vào sổ đen, có thể là thế.

Xin nhớ Bắc Triều Tiên vẫn còn là quốc gia riêng biệt, cô lập với thế giới. Dân thường không ai có hộ chiếu. Nghe đài “địch”, xem vô tuyến truyền hình “địch” là tội nặng.

Có những nghịch lý rất kỳ lạ. Dân nghèo nhất, đói nhất, rét nhất, nông thôn có hồi chết la liệt vào rừng đào củ, ăn dun, chuột, dán, châu chấu, lạnh cóng xuống đồng không có ủng, nhưng bộ mặt thủ đô thì tráng lệ, khách sạn cao 104 tầng, vỉa hè sạch bóng hơn cả Singapore, học sinh đi học bằng xe bus, áo quần tơ lụa đủ màu, 6 ngàn nghệ sỹ đồng diễn múa với dàn nhạc 400 cây đàn, đèn chiếu sáng rực, lộng lẫy như cảnh tiên sa.

Trong khách sạn cao cấp, các máy vô tuyến truyền hình Nhật Bản hay Hà Lan đều thay bằng nhãn hiệu Triều Tiên, các xe bus Nhật, Đức, Tiệp Khắc cũng đều mang nhãn Triều Tiên:

Thiên Lý Mã, Juche, Núi Bạch Vân, Thượng Cam Lĩnh …Tôi hỏi thế có vi phạm bản quyền nhà chế tạo không, anh phiên dịch cười nói nhỏ: không đâu, chúng tôi bỏ ngoại tệ ra mua bản quyền rồi. Một kiểu ăn gian ở trong nước, được thuận mua vừa bán, không giống ai.

Thật ra công ơn của lãnh tụ đều là từ ngân sách quốc gia, từ tiền thuế của dân. Tiền mua tã lót, nôi cho trẻ sơ sinh, đến hòm an táng cho người chết đều là của xã hội trả lại cho xã hội, xét cho cùng là “của người phúc ta”, nhưng bộ máy tuyên truyền tinh vi ma quái, cực kỳ nham hiểm đã xáo trộn trắng đen, đảo lộn phải trái, biến một chế độ phong kiến cộng sản thối nát cực kỳ lạc hậu thành những vị đại minh quân, những ông hoàng đế thời hiện đại.


Bình Luận:

Đọc đến chỗ Lãnh tụ đem phát tã lót, đồng phục cho bà mẹ có con người đọc có thể thán phục về sự chu đáo của chế độ. Đó là chế độ lo đến từng cái kim, sợi chỉ cho dân.

Nhưng nghĩ kỹ hơn thì ở các nước không có lãnh tụ cấp phát tã lót, đồng phục học sinh thì các bà mẹ khi sinh con không có tã lót để quấn cho con chăng, các bà mẹ để cho con mình ở truồng đi đến trường học chăng? Các bà mẹ họ cũng biết tự đi mua tã lót, cũng biết may hoặc mua đồng phục cho con. Miễn là họ có tiền. Thế thì chế độ chỉ cần làm cho mọi người dân có công ăn việc làm, có tiền thì người dân cầm đồng tiền trong tay họ tự lo liệu lấy cho con cái, cho gia đình, của họ. Cần gì phải bầy ra chuyện Lãnh Tụ ban phát từng món đồ dùng trong nhà cho tốn thì giờ, tốn nhân lực. Hàng triệu gia đình mà gia đình nào cũng cần phải có một nhóm cán bộ làm chuyện ban phát từng món đồ như thế thì phải dùng đến một đội ngũ đông đảo cán bộ, phải mất thì giờ. Một nhóm người đem các phẩm vật đến gia đình đó rồi ra về là cũng mất vài tiếng đồng hồ. Sao bằng cứ phát tiền lương cho dân, để dân tự do mua sắm, còn đám cán bộ làm việc đó thì để họ làm công nhân, đứng trong xưởng máy mà sản xuất. Như thế lợi cho nền kinh tế biết bao.

Mặt trái của việc ban phát từng cái kim, sợi chỉ cho dân là khi lãnh tụ và nhà nước có quyền ban phát cái kim, sợi chỉ cho dân thì họ cũng có quyền cắt đứt cái kim, sợi chỉ của dân nếu người dân đó không nghe lời chính quyền. Sự chu đáo cấp phát từng chút cho dân cũng là biểu hiện sự lệ thuộc vào chính quyền của dân. Người dân bị kiểm soát từng lời nói, hành vi. Nếu họ nói và làm những việc làm mà nhà nước không vừa lòng thì họ sẽ bị cắt các nhu yếu phẩm đi.

Đó là một chế độ mà người dân phải hoàn toàn lệ thuộc và một thiểu số cầm quyền ở trên. Nếu người dân nào không nghe lời thì sẽ bị chết đói, bị sống trong thiếu thốn, khổ sở. Nếu chỉ phát lương cho người dân thì người dân sẽ được tự do hơn vì không phải lệ thuộc từng chút vào chính quyền. Nếu để cho tư nhân được kinh doanh thì người dân lại còn được nhiều tự do hơn vì sẽ có nhiều người đi làm cho tư nhân, họ lãnh đồng lương của tư nhân họ không còn nơm nớp nếu làm phật ý nhà nước thì sẽ bị nhà nước đuổi việc, mất đi nguồn thu nhập cho gia đình. Nếu tư nhân có quyền tự do hơn thì nhà nước lại bị mất bớt uy quyền. Đó là lý do khiến cho đảng Cộng Sản Triều Tiên không muốn đổi mới, chỉ nới lỏng ít ít để dân làm ăn vì dân tự do làm ăn thì kinh tế khá hơn nhưng không muốn nới lỏng quá để bị mất quyền.

Chế độ Bắc Hàn ngày nay vẫn theo mô hình chế độ Liên Xô trước đây. Đó là chế độ được thiết lập để trở thành một guồng máy quân sự hữu hiệu nhất. Tướng Trần Độ, vào cuối đời đã nhìn ra điều này vào gọi đó là "chế độ xã hội chủ nghĩa kiểu trại lính". Trong guồng máy này, mọi người dân đều được xem là một người lính bắt buộc phải đóng góp vào cho lợi ích của guồng máy mà không có quyền từ chối hay làm khác đi. Hai vai trò chính mà người dân phải thi hành là lao động và chiến đấu. Chiến tranh, chết chóc là việc không phải là người dân nào cũng ưa thích cho nên phải cưỡng bách. Thời xưa, người cầm quân biết thế nên theo phương châm "Lính phải sợ tướng của mình hơn sợ giặc", đặt người lính vào cái thế không thể không nghe lời. Tướng đặt ra lệnh người lính nào khi đã được lệnh tiến lên mà quay lui hoặc đi ngang thì bị chém. Binh lính được xếp đi sát nhau, khiến người đi trước bị người đi sau đẩy lên nên người đi trước không còn cách nào khác là phải tiến lên phía trước. Dù đã dùng guồng máy tuyên truyền để nhồi nắn tư tưởng người dân, chính quyền vẫn bắt người dân ở vào cái thế không thể cưỡng lại lệnh của chính quyền. Cái thế đó là bắt người dân phải lệ thuộc vào chính quyền từ miếng cơm, manh áo . Nếu người dân cưỡng lệnh chính quyền thì họ sẽ không còn phương tiện để sinh sống.

Người dân Bắc Triều Tiên có thể khóc thương lãnh tụ thật nhưng nhiều người trong số họ không biết là họ bị lãnh tụ ràng buộc như nô lệ, mất tự do. Một số biết nhưng vẫn phải ngậm miệng. Một số tìm cách bỏ trốn để thoát khỏi kiếp nô lệ.

No comments:

Post a Comment