Moscow có cuộc biểu tình mà phe đối lập nói là lớn nhất trong suốt 20 năm qua tại Nga.
Hàng chục ngàn người dự kiến tụ tập tại quảng trường phía nam điện Kremlin, nhằm thể hiện sự giận dữ đối với kỳ bầu cử quốc hội gây tranh cãi vừa qua.Các cuộc tuần hành với quy mô nhỏ hơn đang diễn ra tại nhiều thành phố trên cả nước.
Người biểu tình cáo buộc là đã có sự gian lận rộng khắp trong kỳ bỏ phiếu diễn ra hôm Chủ Nhật, tuy đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất đã bị giảm mạnh số phiếu ủng hộ.
Hàng trăm người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình chống ông Putin hồi tuần trước, chủ yếu diễn ra tại Moscow và St Petersburg.
Ít nhất 50.000 cảnh sát và lính chống bạo động đã được triển khai tại Moscow trước các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy.
Phe đối lập nói họ hy vọng sẽ có chừng 30.000 người xuống đường tại thủ đô trong cuộc biểu tình "Đòi Bầu cử Công bằng".
Phóng viên BBC Daniel Sandford tại Moscow nói trong tuần trước, thành phố trông giống như một quốc gia của cảnh sát chứ không phải là một nơi dân chủ.
Phóng viên BBC nói nếu diễn ra theo đúng dự kiến thì các cuộc biểu tình sẽ làm rung chuyển sự thống trị chính trị vốn đã kéo dài 12 năm của Thủ tướng Vladimir Putin.
Giới chức cho phép các cuộc biểu tình được tổ chức ở một số địa điểm cụ thể tại một số thành phố, sau khi đàm phán với các lãnh tụ đối lập.
Tại Moscow, hai bên đã đạt thỏa thuận theo đó giới chức cho phép lượng lớn người tham gia nếu như việc tuần hành được thay đổi vị trí, từ Quảng trường Cách mạng ở khu trung tâm ra Quảng trường Bolotnaya, một đảo nhỏ nằm trên sông Moscow.
Tại St Petersburg, 13.000 người đã cam kết trên mạng xã hội Vkontakte là sẽ đi biểu tình, với 20.000 người khác nói có thể sẽ tham gia.
Giới chức đã cấp phép cho việc tiến hành biểu tình tại một địa điểm, nhưng nói việc biểu tình ở bất kỳ nơi nào khác cũng sẽ là bất hợp pháp và sẽ bị xử lý.
Các kết quả chính thức sau kỳ bầu cử Duma Nga cho thấy đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất bị giảm số phiếu ủng hộ từ 64% xuống 49%, tuy nhiên con số này vẫn khiến đảng dễ dàng giữ vị trí là đảng phái lớn nhất.
Tuy nhiên, hiện đang có quan điểm rộng khắp, được củng cố thêm bởi các video quay bằng điện thoại di động và thông tin tải trên các mạng xã hội, rằng đã xảy ra tình trạng gian lận lớn trong kỳ bầu cử và đảng của ông Putin đã lừa dối để giành chiến thắng, phóng viên BBC nói.
Biểu tình lớn nhất hậu Liên Xô ở Moscow
BBC: Cập nhật: 23:22 GMT - thứ bảy, 10 tháng 12, 2011
Hàng ngàn người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ ở thủ đô Moscow của Nga.
Một số người cũng kêu gọi Thủ tướng Vladimir Putin từ chức.
Các cuộc xuống đường nhỏ hơn cũng diễn ra ở St Petersburg và các thành phố khác.
Những người cộng sản, quốc gia và phe tự do thân phương Tây đều cùng nhau xuống đường bất chấp các khác biệt mà họ có.
Các nhóm này cáo buộc có gian lận rộng khắp trong cuộc bầu cử hôm 4/12 cho dù đảng Nước Nga Thống Nhất của Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev bị giảm số phiếu ủng hộ xuống 49% từ con số 64% của kỳ bầu cử trước.
Các cuộc biểu tình diễn ra ngay sau bầu cử đã khiến 1.000 người bị bắt, chủ yếu ở Moscow, và một số nhà lãnh đạo biểu tình chính như nhà vận động chống tham nhũng Alexei Navalny đã bị tù.
Một thông điệp trên trang blog của ông Navalny nói: "Đã đến lúc quẳng hết xiềng xích. Chúng ta không phải là súc vật hay nô lệ. Chúng ta có tiếng nói và chúng ta có sức mạnh để bảo vệ nó."
Thủ tướng Vladimir Putin chưa bao giờ gặp phải các cuộc biểu tình như hiện nay, phóng viên BBC ở Moscow Steve Rosenberg cho biết.
Trong một thập niên cầm quyền, đầu tiên ở vị trí tổng thống, sau đó là thủ tướng ông đã quen với chuyện được coi là chính trị gia quyền lực và nổi tiếng nhất.
Nhưng như một trong những người biểu tình nói với phóng viên BBC, nước Nga đang thay đổi.
'Chúng tôi là nhân dân'
Cảnh sát nói số người tập trung ở Quảng trường Bolotnaya trong cuộc tụ họp vì "Bầu cử Công bằng" vào khoảng 25.000 trong khi những người tổ chức nói có tới 100.000 người tham gia.
Phóng viên BBC Daniel Sandford tường thuật tại chỗ nói số người tham gia có vẻ gần với con số 50.000 hơn.
Anh cũng nói: "Người ta thực sự cảm thấy cảm giác giận giữ - và cho dù số người không lớn tính theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng theo tiêu chuẩn Moscow thì đây là cuộc biểu tình rất, rất quan trọng.
Các nhóm tham gia biểu tình đã thông qua một nghị quyết kêu gọi hủy kết quả bầu cử hôm Chủ Nhật, tổ chức bầu cử mới, người đứng đầu ủy ban bầu cử Vladimir Churov phải từ chức và tổ chức điều tra cáo buộc gian lận bầu cử cũng như trả tự do ngay lập tức cho những người biểu tình bị bắt.
Konstantin Kosachyov, một dân biểu của đảng Nước Nga Thống Nhất phát biểu nhân danh điện Kremlin rằng chính quyền bác bỏ chuyện đàm phán về các đòi hỏi của người biểu tình.
"Với tất cả lòng kính trọng cho những người biểu tình, họ không phải là một đảng chính trị," ông được hãng tin Reuters trích lời nói.
Chính quyền đã đồng ý để cuộc biểu tình diễn ra với điều kiện địa điểm biểu tình chuyển từ Quảng trường Cách Mạng sang Quảng trường Bolotnaya, một đảo trên sông Moscow nằm ở phía nam điện Kremlin nhằm có thể kiểm soát được các điểm ra vào.
Những người tuần hành đã đổ tới đây qua cây cầu chạy dưới các bức tường bao quanh tường điện Kremlin và qua hàng rào cảnh sát dài.
Các nhân vật có tiếng tại biểu tình bao gồm cả nhà hoạt động đối lập trẻ tuổi hơn như Yevgenia Chirikova tới cựu Thủ tướng Mikhail Kasyanov và cựu phó thủ tướng dưới thời cố Tổng thống Boris Yeltsin, Boris Nemtsov.
Ít nhất 50.000 cảnh sát và lính chống bạo động được triển khai ở Moscow trước cuộc biểu tình hôm thứ Bẩy và phóng viên BBC nói thành phố trong giống một quốc gia cảnh sát hơn một nền dân chủ.
Không có các tin tức về tổng số vụ bắt bớ liên quan tới biểu tình ở Moscow nhưng bộ nội vụ nói họ đã bắt 130 người trên toàn quốc, đa số là ở vùng viễn đông Khabarovsk.
Trong các diễn biến khác:
- Những người biểu tình ở cảng Thái Bình Dương Vladivostock mang biểu ngữ và khẩu hiệu như "Lũ chuột xéo đi" và "Hỡi những tên biển thủ và trộm cắp - hãy trả lại bầu cử cho chúng tôi!"
- Tại Kurgan, giáp biên với Kazakhstan, cảnh sát giải tán một cuộc tụ tập không xin phép của khoảng 200-400 người.
- Khoảng 3.000 người tụ họp trong hai giờ ở Novosibirsk bất chấp thời tiết -20 độ C.
- Ít nhất 3.000 người tụ họp tại Yekaterinburg, hô vang "Tự do cho tù chính trị" và "Nước Nga không có Putin".
Tại St Petersburg, thành phố lớn thứ hai của Nga, hàng ngàn người tập trung ở Quảng trường Pionerskaya để nghe các diễn văn kêu gọi bầu cử lại và đòi ông Putin ra đi, phóng viên BBC Richard Galpin cho hay.
Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và được tổ chức tốt cho dù một số người biểu tình bị cảnh sát kéo đi ở những nơi khác trong thành phố.
Daniil Klubov, một nhà lãnh đạo sinh viên tại cuộc tụ họp ở St Petersburg, nói với BBC rằng các sinh viên chịu sức ép không được tham gia biểu tình.
"Tôi không thuộc phong trào chính trị nào cả - Tôi chỉ là một sinh viên đã chán ngấy tất cả những lời dối trá," anh nói.
Anh cũng cho biết anh và các bạn sinh viên khác đã nhận được những lời đe dọa nặc danh trên vKontakte, một trang mạng xã hội ở Nga tương tự như Facebook, rằng họ đối mặt với án tù, bị đuổi khỏi trường hay bị gọi nhập ngũ.
Cảnh sát ước tính số người biểu tình ở St Petersburg ở mức 10.000 người.
Theo kết quả chính thức của cuộc bầu cử Hạ viện Nga, đảng Nước Nga Thống Nhất được 49% số phiếu, giảm so với mức 64% họ đạt được trong lần bỏ phiếu trước.
Tuy nhiên họ vẫn là đảng lớn nhất ở quốc hội, theo sau là Đảng Cộng sản.
Hôm thứ Sáu, Ủy ban Quyền Con người thuộc phủ tổng thống khuyên ông Medvedev rằng các tin tức về gian lận bầu cử gây lo ngại sâu sắc và cần phải bầu cử lại nếu các tin tức này chính xác.
Tuy nhiên ủy ban không có quyền ra lệnh bầu cử mới
Ông Putin, người là tổng thống trong giai đoạn 2000-2008 vẫn được cho là sẽ chiến thắng trong bầu cử tổng thống vào tháng Ba.
Hôm thứ Năm ông đổ lỗi cho Hoa Kỳ tiếp sức cho các cuộc biểu tình gần đây sau khi Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ lo ngại về bầu cử ở Nga.
No comments:
Post a Comment