Monday, August 10, 2015

Chính quyền Việt Nam lùi một bước trên mặt trận công đoàn

Sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, phía Việt Nam ca ngợi sự đón tiếp của Mỹ dành cho ông Nguyễn Phú Trọng, đại sứ Mỹ thì ca ngợi đó là một chuyến đi rất tốt đẹp còn người Việt thì tự hỏi Việt Nam sẽ xích lại gần Mỹ như thế nào. Một trong những thay đổi trong chính sách của chính phủ Việt Nam là chính sách với công đoàn. Đã có viên chức nói đến việc công nhân được quyền tự do thành lập công đoàn. Đó là dấu hiệu chính quyền Việt Nam đã lùi một bước trên mặt trận công đoàn. Trước đây, chính quyền Việt Nam chỉ cho phép công đoàn của nhà nước hoạt động mà thôi.


Việc chính phủ Việt Nam chấp nhận người công nhân được thành lập công đoàn là kết quả của việc thương thuyết để gia nhập hội kinh tế TPP (Tran-pacific Partnership). Dấu hiệu của việc này là Đỗ Thị Minh Hạnh, người đã từng tranh đấu với công nhân, đã được thả ra mặc dù chưa hết hạn tù.

Tuy vậy, ông Võ Trí Thành, Viện Phó Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, thì tuyên bố là việc chính quyền Việt Nam công nhận công nhân có quyền thành lập công đoàn không phải là do sức ép của Mỹ là chỉ vì Việt Nam có chân trong Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO, International Labour Organization).

Việc chính phủ Việt Nam công nhận là công nhân có quyền tự do thành lập công đoàn thì lại đi ngược lại với điều 10 Hiến Pháp qui định rằng tổ chức Công Đoàn Việt Nam, công đoàn nhà nước, hiện nay là đại diện của giai cấp công nhân. Nếu hiến pháp chỉ công nhận tổ chức có tên gọi Công Đoàn Việt Nam là đại diện của giai cấp công nhân thì các công đoàn do công nhân tự đứng ra thành lập không được xem là đại diện của giai cấp công nhân.

Nội dung của điều 10 Hiến Pháp như sau:

Điều 10 

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đoạn văn trên, người soạn hiến pháp nói rõ chỉ có tổ chức tên gọi là Công Đoàn Việt Nam mới là "tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động" chứ không phải là bất cứ tổ chức công đoàn nào. Nếu nói công đoàn nói chung thì phải viết công đoàn không viết hoa:

"công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động".

Sau này, dù đảng Cộng Sản Việt Nam tìm cách thay đổi Hiến Pháp và luật lệ như thế nào cho phù hợp với những điều cam kết trong TPP thì việc phải công nhận công nhân có quyền tự do thành lập công đoàn cũng là một bước lùi của đảng Cộng Sản Việt Nam khi muốn Việt Nam nằm trong TPP.

Đây chỉ là lùi một bước trên một chiến tuyến. Rồi đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ củng cố hàng ngũ, lực lượng ở chiến tuyến sau. Cố thủ ở chiến tuyến sau có nghĩa là:

Mặc dù phải thả Đỗ Thị Minh Hạnh nhưng vẫn giam những người hoạt động trong phong trào công nhân khác như Nguyễn Tấn Hoành (cũng lấy tên là Đoàn Huy Chương), Nguyễn Đoàn Quốc Hưng, Lê Trí Tuệ.

Dù có phải thả những người nói trên ra nhưng vẫn gây khó khăn để họ không thành lập được công đoàn. Chẳng hạn, không cho họ có điều kiện gặp gỡ, kết nối với công nhân. Hoặc lấy cớ họ tuyên bố điều gì đó mà kết tội họ vi phạm luật hình sự, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước xã hội chủ nghĩa, hay âm mưu lật đổ chính quyền mà bắt giam họ.

Giả sử có người nào đó thành công thành lập được công đoàn thì cho người của đảng Cộng Sản Việt Nam chui vào đó để mà cản trở, quấy rối hay tìm cách đoạt quyền lãnh đạo của công đoàn đó làm cho công đoàn đó không còn hoạt động hữu hiệu.

Hoặc cho người của đảng Cộng Sản Việt Nam, đội lốt công nhân, đứng ra thành lập công đoàn cuội trong khi tìm cách ngăn cản những người thực tâm muốn tranh đấu cho công nhân thành lập công đoàn rồi tuyên bố với thế giới là công nhân Việt Nam có quyền tự do thành lập công đoàn.

Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam dưới chế độ độc tài toàn trị vẫn còn nhiêu cam go.

Sự lùi bước của đảng Cộng Sản Việt Nam về mặt công đoàn là do Mỹ đã dùng đòn bẩy kinh tế. Việt Nam cần nằm trong TPP để có thuế suất thấp. Nếu nằm ngoài TPP thì sẽ bị thuế suất cao hơn với một số mặt hàng. Điều này sẽ làm cho số lượng hàng xuất cảng sang Mỹ bị giảm bớt. Số lượng hàng xuất cảng sang Mỹ giảm bớt có nghĩa là làm bị thiệt cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và cũng có thể làm thiệt hại đến túi tiền của một số đảng viên hay những bà con, họ hàng của họ đang làm chủ các công ty có hàng xuất cảng sang Mỹ.

Trước đây, sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ cũng đã dùng các đòn bẩy kinh tế để làm cho chế độ độc tài của tướng Francisco Franco tại Tây Ban Nha bớt độc tài, chuyển sang kinh tế thị trường và phải công nhận người dân có nhiều quyền hơn. Sau 1953, khi quan hệ giữa Tây Ban Nha và Mỹ xích lại gần hơn, kinh tế Tây Ban Nha đã phát triển nhanh hơn, chỉ thua Nhật, có năm tăng trưởng đến 10%, và có người gọi đó là Phép Lạ Tây Ban Nha.  Chính vì tướng Francisco Franco phải nới tay cho các tổ chức của quần chúng được tự do hoạt động mà sau khi tướng Franco qua đời năm 1975, một hiến pháp mới được soạn ra và Tây Ban Nha bước qua chế độ dân chủ mà không bị những xáo trộn về chính trị, xã hội.

Minh Đức


Bắt Không Được (Nữa) Thì Tha

Sổ Tay Thường Dân: Tưởng Năng Tiến

Chúng tôi có quyền hội họp riêng tư, có quyền lập hội, gây quỹ, có quyền đấu tranh, có quyền đình công đòi hỏi các quyền lợi chính đáng, phù hợp mức lương, tương xứng với công sức lao động.

Đoàn Huy Chương (aka Nguyễn Tấn Hoành)


Từ Toà Bạch Ốc trở về, bác Trọng đã nhận được rất nhiều tràng pháo tay và không ít những lời tán thưởng:

- Đây là một sự kiện mang tính lịch sử. Kinh tế Việt Nam sẽ cất cánh bay cao.
    
- Tuyệt vời! Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn rất lớn.
    
- Quá tuyệt vời!
    
- Hãy khép lại quá khứ để tiến đến tương lai. Hoan hô!

Dân Việt vui ra mặt và vui như Tết – chỉ trừ mỗi ông Bùi Tín. Nói nào ngay thì nhà báo lão thành của chúng ta cũng có vui nhưng (xem chừng) không được vui gì cho lắm; đã thế, ông còn khuyến cáo mọi người là nên có Một Sự Dè Dặt Cần Thiết:

Quả thật mối quan hệ giữa «Hoa Kỳ – Dân chủ» với «Việt Nam – Độc đoán» đã có một bước cải thiện đáng kể so với trước. Nhưng đó là những bước tiến bộ khó khăn, còn rất hạn chế, chậm chạp, đầy trắc trở, rất xa dưới tiềm năng, càng còn rất xa so với nguyện vọng của đông đảo người dân bình thường, của giới trí thức dân tộc, của tuổi trẻ tinh hoa của đất nước, nhất là của lực lượng dấn thân cho dân chủ.

Sống trong một xã hội cộng sản thì mọi sự dè dặt, tất nhiên, đều cần thiết. Tuy biết thế nhưng vốn bản tính nông nổi (và ham vui) nên chỉ cần nghe thiên hạ “hoan hô” rầm rầm là tôi đã … mừng muốn chết luôn!

Mừng nhất là khi thấy có bài viết (“Công Đoàn Của Ai?”) trên tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, số ra ngày 24 tháng 7 năm 2015, của ký giả Tư Giang. Bằng giờ này năm ngoái mà đặt một câu hỏi (móc họng) như vậy thì đi tù là cái chắc.

Ở Việt Nam cái gì mà không của Đảng. Công Đoàn, đương nhiên, cũng vậy. Đảng đại diện cho giai cấp công nông mà. Ai mà không biết ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ Tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – đồng thời – cũng là Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN!

Vậy mà báo ra đã hơn tuần rồi vẫn chưa thấy bài bị gỡ xuống, và cũng không nghe ai bị phê bình, kiểm điểm, hay kỷ luật gì ráo trọi? Ngoài câu hỏi “tế nhị” vừa nêu, ông Tư Giang còn trích dẫn nhiều lời lẽ (nghe) hết sức “lạ tai” của giới quan chức Việt Nam:

    Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ Trưởng Thương Mại:“ILO có hàng loạt tiêu chuẩn về lao động và công đoàn được nhắc lại trong TPP. Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhóm công nhân cơ sở có quyền tự do thành lập công đoàn; các công đoàn cơ sở có quyền tự do liên kết hay không liên kết; cán bộ quản lý doanh nghiệp không được quyền tham gia vào ban chấp hành công đoàn; công đoàn cơ sở được độc lập trong hoạt động nội bộ và quản lý tài sản.”

    Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ: “Công đoàn của chúng ta mới chỉ là mậu dịch quốc doanh thôi, chứ chưa phải là đại diện thật cho người lao động. Phải trả về đúng vị trí cho người lao động”.

    Ông Võ Trí Thành, Viện Phó Viện Nghiên Cứu Quản LýKinh Tế Trung Ương: “Tổng thống Hoa Kỳ nói với lãnh đạo Việt Nam về điều này không chỉ một lần. Và chắc chắn chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này”.

Thiệt là khác xa với miệng lưỡi của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, cách đây chưa lâu:

“Nếu muốn làm điều này thì trước tiên phải hủy bỏ điều 10 Hiến pháp quy định tổ chức CĐ là đại diện hợp pháp duy nhất của giai cấp công nhân và CNVC-LĐ Việt Nam. Mà điều này cũng tương tự như việc làm của các thế lực thù địch trước đây đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một nhận thức hết sức nguy hiểm.”

Nói theo cái kiểu (phản động) của nhà văn Trần Đĩnh là Đảng đang “loạng choạng lùi” trước thằng Thời Đại. Cách nhìn thế sự của tác giả Đèn Cù, rõ ràng, không “khớp” với tâm cảm “hồ hởi” và “phấn khởi” của cả nước hiện nay. Nếu gọi đây là một bước lùi “ngoạn mục” của Đảng thì chắc dễ nghe hơn cũng hợp thời hơn – Thời Hội Nhập mà, cha nội!

Tinh thần lạc quan của tôi, tiếc thay, không được mọi người chia sẻ. Thiên hạ, không ít kẻ, cứ có voi là đòi luôn Hai Bà Trưng (nữa) mới chịu. Đảng đã lùi đến thế rồi mà vẫn còn “xỉa xói” và “đay nghiến” mãi:

    Blogger Ôsin:“Thật nực cười khi, chỉ khi chịu sức ép của ‘các nước tư bản’, ‘đảng của giai cấp công nhân’ mới (có thể) thừa nhận các quyền căn bản của công nhân.”

    Thạc sĩ Trần Kiên:“Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi được biết quyền tự do đi lại và cư trú, đặc biệt là quyền tự do xuất nhập cảnh dành cho chính công dân Việt là điều kiện tiên quyết mà Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận để nhận được các khoản vay từ World Bank. Luật doanh nghiệp thống nhất với việc tạo một sân chơi bình đẳng giữa nhà nước và tư nhân mà nhà nước thiết lập cũng là một điều kiện khác do tư bản áp đặt. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi tham gia TPP Việt Nam sẽ phải hiện thực hóa quyền lập hội cho chính dân Việt vốn chết lâm sàng từ năm 1957.”

- Blogger Nguyễn Vạn Phú : “… điều mỉa mai là Việt Nam phải trông chờ vào một hiệp định ký với các nước tư bản để các nước tư bản này gây sức ép buộc Việt Nam phải bảo vệ công nhân của mình, không để giới chủ bóc lột quá đáng!”

Thôi bỏ đi Tám, sao mà giận dai dữ vậy?

Riêng tôi, nói thiệt mà, tôi hoàn toàn và tuyệt đối không dám “nực cười” hay “mỉa mai” gì ai ráo trọi. (Thằng nào nói láo xe cán chết liền). Tui mừng thiệt và mừng lắm lận. Đảng lùi bước nào, tui mừng bước đó. Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Ngay cả chuyện Đảng chỉ làm bộ lùi thôi, tôi cũng … vui luôn! Sau bao nhiêu thập niên cứ nằng nặc “tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN” (rồi) khi khổng khi không Đảng bỗng lùi – một cái “rẹt”– như vậy, hỏi ai mà không vui chớ?

Nhân dịp vui này, tôi chỉ xin được phép nêu lại tên tuổi của vài ba người bạn trẻ – những người đã từng vận động, hoặc hoạt động cho Công Đoàn Độc Lập Việt Nam ở giai đoạn tiên phong – hiện đang bị cầm tù hay bị “dấu kín” ở một nơi nào đó:

- Lê Trí Tuệ: Sinh năm 1979, thành viên của Khối 8406, Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.Ngày 20 tháng 10 năm 2006, ông tuyên bố thành lập Công Đoàn Độc Lập.Ông bị bắt vào ngày 29 tháng 03 năm 2007, bị ép buộc phải lên tiếng công khai giải tán công đoàn này. Lê Trí Tuệ từ chối và bỏ trốn sang Cambodia, sau khi bị đánh đập tàn tệ nhiều lần ngoài đường phố. Ông đột ngột “biến mất” khỏi cõi đời này, kể từ hôm 16 tháng 5 năm 2007 đến nay!Theo bản tin của HRW, gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009: “Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.”

- Đoàn Huy Chương a.k.a. Nguyễn Tấn Hoành: Sinh năm 1985, thành viên sáng lập Tổ Chức Công Đoàn Độc Lập, bị bắt (lần thứ hai) vào ngày 23 tháng 2 năm 2010, và bị kết án bẩy năm tù vì tội “phá rối an ninh nhằm chống lại chính quyền nhân dân.”Hiện ông đang bị giam giữ tại trại giam Phước Hòa, Huyện Tân Phước, Tỉnh Tiền Giang.

- Nguyễn Hoàng Quốc Hùng: Sinh năm 1981, thành viên của Khối 8406, hội viên của Phong Trào Các Nạn Nhân Của Sự Bất Công. Ngày 27 tháng 10 năm 2010, ông bị TAND tỉnh Trà Vinh kết án chín năm tù, cùng với tội danh với Nguyễn Tấn Hoành.Hiện hai ông đang bị giam giữ trong cùng một trại.
Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương.

Trong thư của ba mươi mốt dân biểu Úc Châu kêu gọi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phóng thích hai ông Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, viết ngày 29 tháng 8 năm 2014, có đoạn như sau:

Mặc dù họ đã bị khép án vi phạm an ninh quốc gia, chúng tôi hiểu rõ những việc làm của họ đơn giản chỉ nhằm hỗ trợ quyền công nhân trong cuộc đình công.

Thêm vào đó chúng tôi cũng nhận được những tường trình cho thấy ông Đòan và ông Nguyễn đã bị đối xử khắc nghiệt, có giai đọan còn bị biệt giam.

Xét rằng Việt Nam là một hội viên của Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, do đó có trách nhiệm cổ vũ và bảo vệ quyền làm người trên tòan thế giới, nay chúng tôi tìm kiếm sự cộng tác, chúng tôi cùng kêu gọi ông thả ngay hai nhà họat động này.

Vào tháng 8 năm 2014 thì ông Dũng có thể phớt lờ lá thư thượng dẫn nhưng đến tháng 8 năm nay thì “tình hình” đã khác hẳn rồi. Cái thời mà Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động, đồng thời, cũng là Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN sẽ không còn nữa!

Không thể vừa “cho phép” giới công nhân thành lập Công Đoàn Độc Lập lại vừa cứ tiếp tục giam giữ những thành viên sáng lập của họ. Bắt không được (nữa) thì đành tha … làm phướcvậy!

Tha thì cũng dễ thôi, cái khó là làm sao mà “thả” được một người (e)không còn sống nữa, như trường hợp của Lê Trí Tuệ – theo như tường trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, vào năm 2008: “Ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.”(The US State Department noted grimly in its 2008 report on human rights in Vietnam that “Le Tri Tue was still missing … amid rumors that Vietnamese government security agents had killed him.”)

© Tưởng Năng Tiến


Công đoàn là của ai?
Tư Giang
Thứ Sáu,  24/7/2015, 08:48 (GMT+7)

 (TBKTSG) - Số lượng các cuộc đình công tăng mạnh vào những năm 2000, đạt con số trên 900 cuộc vào năm 2011, theo Ngân hàng Thế giới. Đây là một biểu hiện của những điểm yếu trong hệ thống quan hệ lao động tại Việt Nam.

Ông Thang Văn Phúc vẫn còn nhớ như in một trải nghiệm khi đi thăm Ý lúc còn làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Lần đó, ông và phái đoàn Việt Nam đến làm việc với một quan chức cao cấp trong Chính phủ Ý. Đang trao đổi, vị quan chức Ý xin dừng cuộc gặp và xin đoàn Việt Nam chờ. Một tiếng sau, ông quay lại, xin lỗi và giải thích là phải gặp đại diện một tổ chức công đoàn ngay lập tức. Kể lại câu chuyện trên, ông nói: “Họ coi tổ chức của người lao động rất quan trọng, chứ không như ta đâu. Tất cả các doanh nghiệp phải có tổ chức công đoàn để thiết lập cơ chế trao đổi tiếng nói giữa ba bên là nhà nước, giới chủ và người lao động”.

Câu chuyện của nguyên thứ trưởng được kể lại trong hoàn cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói đề nghị thay đổi hệ thống quan hệ lao động để tương thích với nền kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi. Số lượng các cuộc đình công tăng mạnh vào những năm 2000, đạt con số trên 900 cuộc vào năm 2011, theo Ngân hàng Thế giới. Đây là một biểu hiện của những điểm yếu trong hệ thống quan hệ lao động tại Việt Nam.

Trong một báo cáo về chủ đề lao động được công bố hôm thứ Hai đầu tuần, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị rằng, về dài hạn, các tổ chức công đoàn sẽ hoạt động độc lập để tập trung chủ yếu vào vai trò đại diện cho lợi ích của người lao động.

Đề xuất của báo cáo do Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, đứng đầu được đưa ra ngay sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ cam kết tiến tới khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bản Thông cáo chung nhân chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Washington gần đây nêu rõ điều này: “Việt Nam và Hoa Kỳ mong đợi phối hợp chặt chẽ với các bên tham gia đàm phán khác để hoàn tất sớm nhất có thể TPP toàn diện, nhiều kỳ vọng và tiến hành những cải cách mà thấy có thể cần thiết nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới tuyên bố của ILO năm 1998 về nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc”.

Đây là một tiến bộ vượt bậc để khỏa lấp dần hai quan điểm khác biệt. Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, kể lại: “Tổng thống Hoa Kỳ nói với lãnh đạo Việt Nam về điều này không chỉ một lần. Và chắc chắn chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này”.

Song, thực tế, những đòi hỏi về điều kiện lao động trong TPP không phải là vấn đề mới. Ông Thành giải thích: “Hoa Kỳ nói rất rõ yêu cầu trong TPP về lao động chính là tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên. Chúng ta phải nỗ lực thực hiện đầy đủ những cam kết, những nguyên tắc về vấn đề công đoàn, cải thiện điều kiện cho người lao động, và về bản chất không phải Hoa Kỳ áp đặt”.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại, ILO có hàng loạt tiêu chuẩn về lao động và công đoàn được nhắc lại trong TPP. Trong số đó, đáng chú ý nhất là nhóm công nhân cơ sở có quyền tự do thành lập công đoàn; các công đoàn cơ sở có quyền tự do liên kết hay không liên kết; cán bộ quản lý doanh nghiệp không được quyền tham gia vào ban chấp hành công đoàn; công đoàn cơ sở được độc lập trong hoạt động nội bộ và quản lý tài sản;... Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, theo ông Tuyển. Tuy nhiên, ông cho rằng, Việt Nam với tư cách là thành viên cần tuân thủ quy chế của ILO.

Theo ông Phúc, những vận động gần đây như đổi tên thành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để trở thành tập hợp của các liên đoàn ngành nghề như công đoàn đường sắt, liên đoàn ngành thép,... là “bước tiến tới”. Cách đây ba năm, ông Phúc đã xuất bản một nghiên cứu khoa học của Bộ Nội vụ, trong đó, ông đề xuất rằng, Việt Nam cần đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn vì Việt Nam không chỉ có doanh nghiệp nhà nước khi xây dựng kinh tế thị trường, bên cạnh các quyền khác của người dân như tự do lập hội, tự do tham gia hội.

Ông nói: “Chúng tôi từng đề xuất như thế và tôi tin nhận thức của chúng ta dần dần như thế. Chúng ta thực hành kinh tế thị trường, đảm bảo nhà nước pháp quyền thì phải dần dần điều chỉnh, vì không có đường nào khác. Lúc này hay bao giờ còn là câu chuyện, chứ không phải chúng ta không nhận thức được. Công đoàn của chúng ta mới chỉ là mậu dịch quốc doanh thôi, chứ chưa phải là đại diện thật cho người lao động. Phải trả về đúng vị trí cho người lao động”.
 
Có hàng vạn hội

Theo một nghiên cứu của Bộ Nội vụ, số lượng các tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ ngành càng tăng nhanh đặc biệt là sau đổi mới. Hiện nay cả nước có 500 hội cấp trung ương; 4.000 hội cấp tỉnh, thành phố; và 10.000 hội cấp huyện, xã. Hà Nội có hơn 500 hội, TPHCM có gần 600 hội, Đà Nẵng có 445 hội.
Cả nước có 1.800 tổ chức phi chính phủ là các tổ chức nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường, giáo dục đào tạo, y tế. Riêng Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam có 600 đơn vị. Hiện nay có 150 hiệp hội kinh tế như Vasep, Hiệp hội Lương thực...

Ông Thang Văn Phúc cho biết, bản thân ông đã soạn thảo 10 lần dự thảo về luật hội, và đến nay bản dự thảo đã là thứ 14, song sẽ chỉ được xem xét tại Quốc hội khóa tới.

“Tôi cho là chậm còn hơn không. Nhà nước không ban hành luật cho một mảng xã hội rộng lớn như thế này là một lỗi. Không thể quản lý bằng sắc lệnh, hay nghị định được”, ông nói.

Theo ông Lã Khánh Tùng, giảng viên khoa Luật, Đại học Luật Quốc gia, các văn bản pháp lý về hội của Việt Nam bao gồm Sắc lệnh số 102/SL/L004 ban hành năm 1957, và Nghị định số 45 của Chính phủ ban hành năm 2010. Trong khi đó, dự thảo luật về hội có quá nhiều thủ tục rườm rà, và can thiệp quá sâu vào tổ chức, hoạt động của hội.




Sửa luật, mới có đình công đúng luật!
Người Lao Động - 09/06/2011 21:15

(NLD)- Dự thảo lần này lại đưa vào khái niệm “ban đại diện công nhân” ở những nơi chưa có tổ chức CĐ. Đây chính là cổ xúy và thừa nhận “đa nguyên CĐ”, một việc làm hết sức nguy hiểm...

Ngày 9-6 tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động (BLLĐ). Hội thảo tập trung vào 4 vấn đề lớn: Đại diện tập thể lao động ở những doanh nghiệp (DN) chưa thành lập tổ chức CĐ; thỏa ước lao động tập thể ngành; thời giờ làm thêm; vấn đề bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu.

Đã hủy bỏ, lại đưa vào

Vấn đề nổi cộm trong dự thảo lần này là ban soạn thảo lại đưa vào việc thành lập ban đại diện công nhân ở những nơi chưa có tổ chức CĐ. Theo đó, ở DN chưa có CĐ cơ sở thì thành lập đại diện tập thể lao động để phối hợp với CĐ cấp trên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ) và tập thể NLĐ.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có ý kiến với ban soạn thảo mà chủ trì là Bộ LĐ-TB-XH về việc này. Bởi với quy định như vậy, các DN sẽ có lý do hợp pháp để không thành lập CĐ theo quy định mà lập thêm một tổ chức gọi là ban đại diện công nhân trong DN. Cái gọi là “ban đại diện” này có chức năng như một tổ chức CĐ cơ sở là được đại diện ký thỏa ước lao động tập thể với chủ DN, có quyền tổ chức đình công. Rõ ràng, quy định như vậy mặc nhiên dẫn đến sự hiện diện của một tổ chức không phải là CĐ nhưng lại làm thay chức năng của CĐ; nói cách khác, đó chính là cổ xúy và thừa nhận “đa nguyên CĐ”.

Ông Mai Đức Chính nhấn mạnh: “Đáng nói là, trong lần dự thảo trước, ban soạn thảo cũng đã đưa vào khái niệm “ban đại diện công nhân” nhưng vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận, cuối cùng phải hủy bỏ. Nếu muốn làm điều này thì trước tiên phải hủy bỏ điều 10 Hiến pháp quy định tổ chức CĐ là đại diện hợp pháp duy nhất của giai cấp công nhân và CNVC-LĐ Việt Nam. Mà điều này cũng tương tự như việc làm của các thế lực thù địch trước đây đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một nhận thức hết sức nguy hiểm”.

Luật một bên, đình công một bên!

Một vấn đề khác được các đại biểu thảo luận sôi nổi là các quy định về đình công và giải quyết đình công (chương 14 của dự thảo). Quy định của dự thảo cũng gây bức xúc không kém. Cả nước đã xảy ra 2.800 cuộc đình công từ khi có BLLĐ ra đời (năm 1995), nhưng tất cả đều là những cuộc đình công tự phát, không đúng trình tự luật định.

Nhiều đại biểu ví von, trong trường hợp này: “Luật một bên, đình công một bên”. Bản chất đình công của NLĐ là quyền và lợi ích của họ bị vi phạm nên đình công là chính đáng. Nhưng đình công theo quy định của pháp luật Việt Nam thì không thể thực hiện được.

Dự thảo cho rằng đình công phải do ban chấp hành CĐ cơ sở tổ chức và lãnh đạo. Đối với DN chưa có CĐ thì phải do ban đại diện tập thể lao động tổ chức. Những cuộc đình công bất hợp pháp là những cuộc không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; khi vụ tranh chấp chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức giải quyết. Ban chấp hành CĐ phải ra quyết định đình công bằng văn bản và lập bản yêu cầu khi có ý kiến đồng ý của trên 50% NLĐ hoặc trên 75% số người được lấy ý kiến đối với DN.

Theo các đại biểu, quy định về đình công và giải quyết đình công như vậy cũng không có gì khác trước bởi hơn 90% các vụ đình công vừa qua là “đình công về quyền” chứ không phải “đình công về lợi ích”. Chương về đình công và giải quyết đình công của dự thảo lần này không có gì mới, chỉ bỏ phần quy định về hội đồng hòa giải cơ sở. Nếu không được điều chỉnh thì đình công ở Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra không tuân theo quy định của pháp luật, trái với tinh thần sửa đổi BLLĐ là để đưa đình công vào khuôn khổ quản lý của pháp luật.

Phải cân nhắc quy định thời gian làm thêm

Theo quy định hiện hành, thời gian làm thêm là không quá 200 giờ trong một năm để bảo vệ sức khỏe NLĐ. Theo dự thảo sửa đổi BLLĐ, có thể tăng thời giờ làm thêm để NLĐ tăng thêm thu nhập và DN có thể phát triển sản xuất. Nhưng người sử dụng lao động phải bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 36 giờ/tháng. Các đại biểu cho rằng cần cân nhắc việc này và phải linh hoạt đối với từng ngành nghề.

Nguyễn Quyết



No comments:

Post a Comment