Thursday, May 12, 2016

Đời bi kịch của một vị tướng Việt Nam Cộng Hòa

Trung tướng Đặng Văn Quang
Trung tướng Đặng Văn Quang, nguyên cố vấn quân sự và an ninh quốc gia của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời tại Hoa Kỳ, khép lại cuộc đời một vị tướng miền Nam phản ánh của bi kịch chính trường Sài Gòn và quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam Cộng hòa

Ông rời Việt Nam trong những ngày cuối tháng 4-1975, đến trại tị nạn ở bang Arkansas. Sau đó tướng Quang vội vã rời đây vì e ngại nỗi uất hận của đồng hương bột phát sẽ không an toàn cho bản thân ông, vì có một số lời đồn đại không tốt từ thời chiến.

Ông sang Canada thăm con và khi trở lại Hoa Kỳ thì chính phủ Mỹ không cho nhập cảnh mà không nêu lý do. Canada cũng không muốn sự có mặt của tướng Quang trên đất nước họ vì những cáo buộc liên hệ đến ông và muốn trả ông về Việt Nam.

Sự việc đã làm xôn xao dư luận người Việt hải ngoại trong thời gian đầu định cư ở nước ngoài.

Ra đi vất vả

Theo cựu trưởng phân tích gia của CIA Frank Snepp viết trong tác phẩm Decent Interval xuất bản năm 1977, ngày 29-4 tướng Quang đến trước Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong lúc đông người đang chen lấn mong được di tản.

Từ trong sân toà đại sứ, giám đốc CIA tại Việt Nam Tom Polgar nhận ra tiếng tướng Quang gọi và ra lệnh cho lính thủy quân lục chiến mở cổng cho vào. Vào bên trong, tướng Quang tiếp tục tìm cách cầu cứu vì đã bỏ lại người con và cháu bên ngoài.

Theo Snepp, lúc này tướng Quang chẳng còn là người quan trọng đối với Hoa Kỳ vì ông đã “phản bội người Mỹ” khi không báo cho CIA biết về kế hoạch bỏ cao nguyên của Tổng thống Thiệu. Chiều hôm đó tướng Quang được di tản ra khỏi Việt Nam bằng trực thăng.

Trong Decent Interval còn ghi chi tiết là trước đó vài hôm tướng Nguyễn Cao Kỳ đã muốn bắt giam tướng Quang khi các tướng có mặt tại Bộ Tổng tham mưu, nhưng ông đã lẩn thoát được.

Những bất đồng giữa tướng Kỳ và Tổng thống Thiệu trong thời gian nắm quyền lãnh đạo miền Nam, trong khi tướng Quang lại được ông Thiệu tín cẩn, đã gây nhiều hiềm khích giữa tướng Kỳ và tướng Quang với nhiều đồn đoán. Có dư luận cho rằng do phe tướng Kỳ đưa ra, về tham nhũng, buôn bán bạch phiến dính tới tướng Quang mà người dân miền Nam có một thời gian được nghe biết.

Tuy nhiên những ghi nhận trong các tác phẩm Decent Interval xuất bản năm 1977 và CIA and the Generals của Thomas L. Ahern, Jr. xuất bản năm 2009 đưa ra những tài liệu được giải mật cho thấy tướng Quang không liên hệ đến các cáo buộc buôn bạch phiến.

Vì tướng Quang được ông Thiệu tin cẩn và ông còn là người liên lạc giữa Dinh Độc lập với CIA nên cơ quan tình báo Mỹ đã có những điều tra riêng về nhân cách và biết rõ ông không liên quan đến bạch phiến như những tin đồn hay thông tin được nhà báo Mỹ Alfred W. McCoy viết trong tác phẩm The Politics of Heroin in Southeast Asia xuất bản vào đầu thập niên 1970.

Nhiều thông tin trong sách này đã được các nhóm chống đối chính quyền của ông Thiệu, điển hình như phong trào chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh, dịch và phát tán tại Việt Nam trong những năm sau khi Hiệp định Paris được kí kết vào tháng 1-1973.

Tổng thống Thiệu lúc đó cho rằng các phong trào chống chính phủ của các tôn giáo Phật giáo, Công giáo là có người Mỹ đứng sau giật dây.

Theo Frank Snepp, tướng Quang là người giao tiếp giữa Dinh Độc lập và Đại sứ quán Mỹ. Ông đã có rất nhiều cuộc gặp với giám đốc cũng như nhân viên cao cấp của CIA ở Sài Gòn để trao đổi tin tức, phân tích tình hình chính trị, quân sự và chính sách của lãnh đạo Việt Nam Cộng hoà với người Mỹ. Snepp nhận xét tướng Quang có nếp sống với chuẩn mực đạo đức cao, sòng phẳng về tiền bạc.

Vì thế câu chuyện tướng Đặng Văn Quang sau khi rời Việt Nam không được chính phủ Mỹ cho định cư, còn Canada đòi trục xuất đã làm xôn xao dư luận một thời.

Phục hồi danh tiếng

Năm 1988, một sĩ quan Lực lượng Đặc biệt của Mỹ, cựu Trung tá Dan Marvin từng phục vụ tại Quân đoàn IV khi tướng Quang là tư lệnh, biết được việc chính phủ Hoa Kỳ không cho phép ông vào Mỹ nên đã vận động để trả lại sự thực và đòi công đạo cho một vị tướng Việt Nam Cộng hoà bị quá nhiều tai tiếng.

Marvin coi tướng Quang là người đã cứu mạng ông trong một tranh chấp lúc chiến tranh khi ông làm cố vấn tại làng Hoà hảo An Phú trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện này được Dan Marvin ghi trong tác phẩm Expandable Elite xuất bản năm 2003.

Tác giả đưa ra giả thuyết chính phủ Mỹ không cho tướng Quang nhập cư vì ông đã không tán đồng kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm ám sát Thái tử Norodom Sihanouk của Cam Bốt vào năm 1966.

Dan Marvin đã kiến nghị đến các dân cử, ban ngành liên hệ và cả với Tổng thống George H.W. Bush (Cha). Cựu giám đốc CIA tại Sài Gòn Tom Polgar, người đã có rất nhiều dịp gặp gỡ, tham khảo với tướng Quang khi còn làm việc trong một bản tường trình ủng hộ cho ông được vào Hoa Kỳ.

Tướng Đặng Văn Quang có cuộc sống khá vất vả kể cả sau khi được định cư tại Hoa Kỳ

Ông Polgar đưa ra nhận xét là tướng Quang và gia đình lúc ở Việt Nam đã không có một cuộc sống giầu sang, phú quý và những cáo buộc liên quan đến chuyện ông buôn bán bạch phiến là không có cơ sở vì theo những điều tra riêng của CIA thời đó, trước khi tổ chức này tin và liên lạc với ông, tướng Quang không có dính líu gì đến bạch phiến.

Sau đó chính quyền Canada hủy bỏ những cáo buộc liên quan đến tướng Quang và chính phủ Mỹ đồng ý cho ông định cư.

Đến Mỹ vào tháng 9-1989, hai ông bà có lúc sống ở Atlanta, khi ở nam California. Ông tiếp tục làm những việc lao động và vợ là bà Đỗ Thị Năm cũng làm bánh bán để kiếm sống.

Sau này vì tuổi già sức yếu, hai ông bà được sự giúp đỡ của cựu Thiếu tá Trần Văn Ngà, nguyên Trưởng ban Thông tin Báo chí Quân đoàn IV, đưa về sống trong một chung cư dành cho người già ở Sacramento, thủ phủ của bang California.

Mùa hè năm ngoái tôi có dịp đến thăm tướng Quang nhân cùng đi với đoàn quay phim của Hội Bảo tồn Lịch sử và Văn hoá Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đang thực hiện phỏng vấn 500 người để lưu lại trong thư viện Đại học Texas ở Austin. Tướng Quang đã yếu và trí nhớ kém nhiều vì tuổi già.

Hỏi ông về những biến cố trong đời có điều ông nhớ, có điều không. Tôi có hỏi ông trong đời ông mang ơn ai nhất, tướng Quang nói đó là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Đối với những người đã gây phiền lụy, tướng Quang nói ông tha thứ hết.

Cựu Trung tướng Đặng Văn Quang sinh ngày 21-6-1929 tại Sóc Trăng.

Ông là một vị tướng trẻ nhất của quân đội Việt Nam Cộng hoà, từng giữ chức tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh, tư lệnh Quân đoàn IV Vùng IV Chiến thuật. Chức vụ sau cùng của ông là phụ tá đặc biệt về quân sự và an ninh quốc gia cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ông qua đời hôm 15-7 tại Sacramento, California, hưởng thọ 82 tuổi, để lại vợ, 7 người con và 9 cháu nội ngoại.

Tang lễ cựu Trung tướng Đặng Văn Quang đã được cử hành theo nghi thức công giáo tại nhà thờ Các Thánh Tử đạo Việt Nam ở Sacramento, California vào chiều ngày 20-7-2011 và nghi thức hoả táng diễn ra vào trưa ngày hôm sau.

Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC từ California

Cập nhật: 15:35 GMT - thứ năm, 21 tháng 7, 2011

 Tác giả Bùi Văn Phú hiện dạy đại học cộng đồng và sống tại vùng Vịnh San Francisco.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2011/07/110721_general_dang_van_quang




Bí mật kế hoạch “Ông Trùm”

19:45 22/09/2015

Cuối năm 1973, từ căn cứ Ban An ninh T4, ông Trần Quốc Hương đã chỉ đạo Phó cụm A10 là Ba Hoàng (tức Thiếu tướng Huỳnh Huề) thực hiện một loạt chiến dịch tố cáo, tấn công chính trị bộ máy chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Mục đích của chiến dịch là tạo thế rối ren chính trị trong hệ thống chính quyền để Nguyễn Văn Thiệu không thể đối phó với các chiến dịch quân sự của ta ở mặt trận Tây Nguyên.

Nhiệm vụ này được ông Ba Hoàng chuyển giao cho họa sĩ Ớt (tức đồng chí Huỳnh Bá Thành, thời điểm đó là Giám đốc kỹ thuật tờ báo Điện tín). Các chiến dịch đấu tố ấy bao gồm sự kiện Ký giả ăn mày (10/10/1974); Tố cáo Nguyễn Văn Thiệu tham nhũng, buôn lậu...

Trong chiến dịch tố cáo tham nhũng, họa sĩ Ớt đã tình cờ thu được một bộ tài liệu đóng dấu tuyệt mật, tóm lược một phần chiến dịch mang mã danh "Mr Big", tức "Ông Trùm" từ cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ - Drug Enforcement Administration, tên gọi tắt là DEA - chi nhánh đặt tại BangKok, Thái Lan.

Tập tài liệu tuyệt mật mang mã danh “Ông Trùm” là một chuỗi chiến dịch triệt phá cắt đứt tuyến buôn sỉ ma túy của một băng nhóm tội phạm quốc tế xảy ra từ cuối tháng 7/1971.

Tuyến này được nối liền từ vùng Tam giác ma túy Lào qua các quốc gia gồm: Thái Lan - Campuchia - Nam Việt Nam - Mỹ của DEA. Đặc biệt, trạm trung chuyển ma túy tại Nam Việt Nam được lực lượng Hải quân Vùng 4 Chiến thuật (vùng đồng bằng sông Cửu Long) của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đóng vai trò chủ đạo trong khâu vận chuyển từ vịnh Thái Lan về Sài Gòn. Tại Sài Gòn, ma túy được hệ thống mai táng của quân đội Mỹ "tẩn liệm" vào các túi nhựa dành chứa tử thi các cố vấn Mỹ. Sau đó chúng được nhét vào quan tài phủ cờ rồi chuyển vào sân bay Tân Sơn Nhất, nhập vào nước Mỹ bằng con đường không vận.

Giang đỉnh - Loại tàu chiến trên sông được sử dụng làm phương tiện chuyên chở ma túy cho đường dây trung chuyển của Đặng Văn Quang.

DEA xác định, chiến dịch "Ông Trùm" tại Nam Việt Nam đã bắt giữ 60 người, tịch thu 51kg bạch nhiến và 3.334kg á phiện.

Mặc dù diễn biến kế hoạch "Ông Trùm" xảy ra rầm rộ từ cuối tháng 7/1971 nhưng do Nguyễn Văn Thiệu bí mật triệt tiêu mọi nguồn phát tán thông tin nên báo chí Sài Gòn gần như hoàn toàn không hay biết hoặc không dám đưa tin.

Ngay sau khi phát hiện tập tài liệu tuyệt mật này vào cuối năm 1973, để giấu tông tích nguồn tin, họa sĩ Ớt không đăng trên báo Điện tín mà ngầm phát tán cho giới báo chí truyền thông quốc tế có mặt tại Sài Gòn. Từ đó, hàng loạt các tờ báo tại Sài Gòn và quốc tế đã nhanh chóng tung hê, điểm mặt Nguyễn Văn Thiệu là người đứng đằng sau vụ vận chuyển ma túy.

Ít ai biết, tập tài liệu tuyệt mật mang mã danh “Ông Trùm” đã được một nữ cán bộ điệp báo của cụm A10 thu được từ tay của một nhân vật có tên là LKH. Thời điểm đó, LKH là một nhân viên cao cấp thuộc Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH.

Logo của loại ma túy "song sư hý cầu".

LKH là sĩ quan khóa 3 Học viện Cảnh sát VNCH, tốt nghiệp hạng ưu năm 1968. Nhờ tốt nghiệp hạng ưu, LKH được đưa sang Mỹ đào tạo cử nhân Luật đồng thời tham dự khóa huấn luyện chống buôn lậu và bài trừ ma túy. Năm 1971, LKH trở về Sài Gòn bổ sung vào biệt đội tình báo cấp E, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia VNCH (tiền thân là Tổng Nha Cảnh sát VNCH).

Khi Nguyễn Văn Thiệu thành lập Ủy ban Bài trừ Ma túy do chính ông ta làm chủ tịch, LKH trở thành sĩ quan  cao cấp chuyên trách bài trừ ma túy. Năm 1976, LKH làm nhân viên Đặc vụ Bài trừ Ma túy thuộc tòa Đại sứ Mỹ tại Thái Lan. Năm 2004, LKH trở thành huấn luyện viên cao cấp đào tạo sĩ quan chống khủng bố, bài trừ ma túy của Mỹ.

Cũng cần phải giải thích thêm rằng, từ ngày 1/3/1971, Tổng Nha Cảnh sát VNCH cải danh thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát. Kể từ đó, các đơn vị biệt đội chuyên ngành tình báo đều được mã hóa thành ám danh. A là Tổng thống - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang; B là Thủ tướng; C là Tư lệnh Cảnh sát; D là Trợ lý Tư lệnh, chỉ huy các khối tình báo; E là cấp chỉ huy trực tiếp từng bộ phận nghiệp vụ tình báo chuyên biệt; F là chỉ huy các đội tình báo chuyên biệt tương đương chỉ huy lực lượng tình báo cấp tỉnh, và G là các đơn vị thi hành tương đương chỉ huy tình báo cấp huyện.

Năm 1971, LKH là cấp E của bộ phận tình báo chuyên biệt Bài trừ Ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát VNCH. Còn cố vấn an ninh - tình báo Phủ Tổng thống Đặng Văn Quang là cấp B, tức quyền hành tình báo tương đương với Thủ tướng VNCH. Quang là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu và là một sĩ quan quân đội nổi tiếng với những "biệt tài" tham nhũng, mua danh bán chức và hối lộ.
Tài liệu "Mr Big" của DEA về việc Hải Quân VNCH tham gia vào đường dây buôn ma túy quốc tế năm 1970 -1971.

Nguyễn Khắc Bình, lúc ấy là Tư lệnh Cảnh sát, còn đảm nhiệm cấp C tức chỉ huy cơ quan đặc biệt có tên gọi là Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo. Có nghĩa là, về danh nghĩa, Nguyễn Văn Thiệu là cấp A tình báo nhưng về điều hành chi tiết vẫn là Nguyễn Khắc Bình - một sĩ quan CIA. Nói cách khác, Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH  là cơ sở ngoại vi của CIA nằm ngoài sự điều khiển của Nguyễn Văn Thiệu.

Vốn lo sợ những cuộc đảo chính của CIA dành cho mình, Thiệu giao cho Quang lập một biệt đội tình báo riêng của Phủ Tổng thống để giám sát ngược hệ thống tình báo của Nguyễn Khắc Bình lẫn CIA.

Nguyễn Cao Kỳ cũng có hẳn một đội tình báo riêng đặt văn phòng mật tại dinh thự riêng trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Thế là người dân đi đâu cũng gặp điệp viên. Điệp viên CIA ở Mỹ biệt phái sang Sài Gòn, điệp viên CIA ở Văn phòng Đông Nam Á Thái Lan hoạt động tại Sài Gòn), điệp viên của CIA cài cấy vào Bộ Tư lệnh Cảnh sát, điệp viên của An ninh Quân đội, điệp viên Phủ Đặc ủy Tình báo Trung ương, điệp viên của Tổng Nha Cảnh sát, điệp viên của Ủy ban Hỗn hợp Phượng hoàng, điệp viên của Nguyễn Cao Kỳ, điệp viên của Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí có nhiều trường hợp, một điệp viên ăn lương đủ tất cả các tổ chức đó.

Được Thiệu giao chỉ huy mạng lưới tình báo Phủ Tổng thống, Đặng Văn Quang tạo ngay một hệ thống đan xen vào tất cả các hệ thống tình báo khác. Đặc biệt là hệ thống bài trừ ma túy ở tất cả các đơn vị Hải quân.

Trong lực lượng Hải quân, Quang lập hẳn một Ủy ban Bài trừ Ma túy Hải quân, giao cho Lâm Ngươn Tánh - Phó tư lệnh -  làm chủ tịch ủy ban này. Tham mưu trưởng Hải quân Diệp Quang Thùy phụ trách Vùng 4 Chiến thuật làm Phó chủ tịch.

Thay vì thu nhận tin tình báo, hệ thống này chỉ phục vụ cho các tuyến vận chuyển ma túy từ trạm trung chuyển Campuchia vào xâm nhập từ vùng vịnh Thái Lan. Thật ra, trước khi thành lập Ủy ban Bài trừ Ma túy, Đặng Văn Quang đã thực hiện rất nhiều phi vụ vận chuyển ma túy từ Campuchia về Sài Gòn bằng hải quân.

Tài liệu mang mã danh “Ông Trùm” nêu: "Ngày 28/4/1970, được Chính phủ Washington bật đèn xanh, quân đội Mỹ lùa quân đội VNCH vượt biên xâm nhập sâu vào lãnh thổ Campuchia hòng xóa trắng hậu tuyến Trung ương Cục. Nhân cơ hội đó, Đặng Văn Quang lấy lý do hỗ trợ cuộc xâm nhập đã đưa một hạm đội 30 chiếc giang đỉnh thuộc Hải quân Vùng 4 Chiến thuật ngược dòng sông Hậu và sông Tiền tiến đến Neak Luong. Điều này không có trong bản soạn thảo kế hoạch xâm nhập của quân đội Mỹ lẫn quân đội VNCH. Vài chiếc giang đỉnh được lệnh ở lại Neak Luong chạy biểu diễn. Số nhiều còn lại tiếp tục theo đường sông tiến sâu vào Phnôm Pênh - thủ đô Campuchia để thu nhận ma túy giấu trong những bao gạo rồi các giang đỉnh đưa về Sài Gòn như con thoi. Khi kết thúc chiến dịch xâm nhập Campuchia vào tháng 6/1970, hạm đội giang đỉnh cũng ngừng chuyển ma túy".

Cũng thời điểm đó, viên trung tá Fred Dick đặc trách tổ Bài trừ Ma túy tại Sài Gòn được William Wanzeck - Chỉ huy Cơ quan Bài trừ Ma túy Đông Nam Á của Mỹ đặt tại Thái Lan - giao một nhiệm vụ bí mật là điều tra các điểm tiếp nhận ma túy tại khu vực Nam Việt Nam.

Sau một thời gian điều tra, Fred Dick phát hiện, sau khi quân đội VNCH kết thúc chiến dịch xâm nhập Campuchia, bỗng dưng ở khu vực Chợ Lớn xuất hiện lúc nhúc những ổ bán lẻ ma túy. Người ta có thể mua lẻ loại ma túy này ở bất cứ nơi đâu trong khu vực Chợ Lớn. Những đứa trẻ đánh giày, bán thuốc lá dạo và gái mại dâm đều có bán loại ma túy này. Trước kia, để bán ma túy lẻ, người ta cần có nhiều vốn. Vì vậy, hiện tượng những đứa trẻ đánh giày bán lẻ ma túy đã kích thích Fred Dick điều tra sâu hơn.

Đặng Văn Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH.

Sau nhiều ngày đóng vai gã Mỹ lãng tử thích chụp ảnh để lân la với những đứa trẻ bụi đời bán lẻ ma túy, Fred Dick nhận thấy chúng chỉ bán duy nhất một loại ma túy cao cấp đóng mác "song sư hý cầu" (Double U 0pium Globe) có xuất xứ từ vùng Tam giác vàng, sản xuất theo công nghệ Trung Quốc.

Cuối cùng, Fred Dick phát hiện nguồn cung ma túy là một bang hội kín của người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn do một doanh nhân tên Trần Minh cầm đầu. Bang hội này lấy hình ảnh Thái thú Mã Viện làm biểu tượng. Người này nấp dưới danh nghĩa sản xuất hàng nhựa cao cấp và là bạn thân của Đăng Văn Quang - Phó Chủ tịch Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH.

Hầu như không ai có thể đột nhập vào đội ngũ bang hội này ngoài những người được chính Trần Minh thử thách và tuyển dụng. Ngoài ra, Fred Dick còn phát hiện số lượng bán lẻ ma túy ở Chợ Lớn chỉ là một nhánh nhãi nhép. Số lượng lớn ma túy của bang hội kín này được bí mật điều chuyển đến một trạm tẩn liệm xác cố vấn Mỹ của quân đội Mỹ tại Sài Gòn.

Fred Dick gửi báo cáo về Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á của Mỹ tại Thái Lan. So sánh với những tài liệu thu thập được từ các bộ phận ở những quốc gia Đông Nam Á, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á nhận rõ, có một đường dây vận chuyển ma túy khủng được đưa từ vùng Tam giác vàng vào nước Mỹ bởi một nhân vật mafia quốc tế.

Căn cứ vào những dữ liệu đó, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á soạn thảo một chiến dịch tấn công tổng lực để chặt đứt đường dây vận chuyển ma túy quốc tế này. Chiến dịch mang mã danh “Ông Trùm”…

Hậu duệ ngoại tộc của Trần Minh vẫn còn sinh sống ở quận 6, TP HCM. Họ hoàn toàn không biết gì về chuyện ông ngoại Trần Minh đã từng là trùm kinh doanh ma túy ở Sài Gòn thời điểm trước năm 1975. Họ chỉ biết rằng, ông ngoại của họ là một trong những doanh nhân đầu tiên sản xuất hàng gia dụng bằng nhựa cao cấp ở Sài Gòn. Bất thần một ngày cuối năm 1971, ông ngoại của họ bị cảnh sát chính quyền VNCH ập vào nhà bắt giữ cùng một số người khác. Sau đó, họ hoàn toàn mất liên lạc cho đến nay.

Hoặc có thể họ biết rõ về ông Trần Minh nhưng không muốn nhắc lại quá khứ đen tối ấy?

(Còn tiếp)

Nông Huyền Sơn


Bí mật kế hoạch “Ông Trùm” (tiếp theo và hết)

15:00 28/09/2015

Fred Dick gửi báo cáo về Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á của Mỹ tại Thái Lan. So sánh với những tài liệu thu thập được của các bộ phận từ Đông Nam Á, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á xác nhận, có một đường dây vận chuyển ma túy lớn được đưa từ vùng Tam Giác Vàng vào nước Mỹ bởi một nhân vật mafia quốc tế Và Việt Nam là điểm trung chuyển chặng cuối của đường dây này.
>> Bí mật kế hoạch “Ông Trùm” (kỳ 1)

Căn cứ vào những dữ liệu đó, Trung tâm Bài trừ Ma túy Đông Nam Á soạn thảo một chiến dịch tấn công tổng lực để chặt đứt đường dây vận chuyển ma túy quốc tế này. Đó chính là kế hoạch “Ông Trùm”.

Thời điểm đó, Ủy ban Bài trừ Ma túy Mỹ cắt cử đại tá William Wanzeck chỉ huy hệ thống Bài trừ Ma túy Đông Nam Á bay thẳng sang Thái Lan.

Ông Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt (thứ hai từ phải sang) và đồng chí Mai Chí Thọ. Ảnh tư liệu.

Tại đây, William Wanzeck tiếp xúc với đại tá Pramual Vangibandhu - Chỉ huy trưởng Cục Ma túy Trung ương Thái Lan đề nghị tham gia chiến dịch "Mr Big". Đại tá Pramual Vangibandhu đồng ý tham gia và cắt cử 2 sĩ quan tình báo trực tiếp phá án: 1 sĩ quan xâm nhập hẳn vào đường đây hải vận trung chuyển ma túy tại Thái Lan với vai trò là tài công (lái tàu). Viên sĩ quan kia có nhiệm vụ liên lạc, tiếp nhận thông tin và hỗ trợ khẩn cấp cho đồng đội khi cần thiết.

Vài tháng sau, 2 viên sĩ quan này đã vẽ được sơ đồ ma túy xâm nhập từ Thái Lan sang Việt Nam bằng hải vận.

Đường thứ nhất: Tại vùng Tam Giác Vàng ở Lào, ma túy được giấu trong những kiện hàng đưa lên tàu theo đường sông chở thẳng về Phnôm Pênh bàn giao cho Hải quân VNCH. Sau khi tiếp nhận, Hải quân VNCH hóa trang những gói ma túy thành những kiện hàng thực phẩm rồi dùng tàu quân sự theo đường sông chở thẳng vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Châu (nay là Châu Đốc), xuôi về Long Xuyên rồi tiến thẳng vào Sài Gòn. Tuy nhiên, tuyến thủy vận ma túy này kết thúc sau khi chiến dịch xâm nhập Campuchia của quân Mỹ và VNCH kết thúc vào đầu tháng 7/1970.

Đường thứ hai: Từ Tam Giác Vàng, ma túy được đóng gói nguyên kiện đưa xuống hầm muối hải sản trên những chiếc tàu đánh cá xa bờ loại 200 mã lực chở thẳng ra bãi tàu đánh cá ở Pattaya thuộc vịnh Thái Lan, cách Bangkok 149km về hướng “5 giờ”. Từ Pattaya, các tàu đánh cá chở ma túy đến thẳng hòn đảo Củ Tron thuộc quần đảo Phú Quốc.

Tại đây, một chiếc tàu chiến hải quân VNCH do đại úy Tăng Hải sẽ cặp mạn tàu Thái Lan để chuyển nhận ma túy. Những kiện ma túy được Tăng Hải cho thuộc hạ chất công khai trên boong tàu chiến rồi quay mũi về hướng Rạch Giá.

Chiếc tàu chiến sẽ cất giấu ma túy tại một bãi rừng chồi hoang ven biển Rạch Giá về hướng chính Nam, cạnh cửa sông Cái Lớn. Một nhóm công nhân sẽ được bí mật chở đến thực hiện công đoạn nhét ma túy vào những quả dừa khô rồi đưa lên những chiếc ghe tam bản (một loại tàu vận tải đường sông).

Những chiếc ghe tam bản chở "dừa khô" sẽ được tàu chiến hải quân áp tải đi theo đường sông, xâm nhập vào bến tàu Kinh Tàu Hủ, Chợ Lớn (nay là quận 5, TP HCM). Những quả "dừa khô" được công nhân bốc lên những chiếc xe tải chở thẳng đến kho chứa hàng của hãng sản xuất đồ nhựa gia dụng do ông Trần Minh làm chủ.

Trong báo cáo của mình, 2 viên sĩ quan điệp viên người Thái Lan nằm nội tuyến trong đường dây ma túy “Ông Trùm” khẳng định, tuyến trung chuyển ma túy Nam Việt Nam đã được Đặng Văn Quang - Cố vấn an ninh Phủ Tổng thống - và Tư lệnh Hải quân Vùng 4 Chiến thuật bảo kê. Họ còn cho biết căn cứ hải quân của VNCH gồm Rạch Sỏi, Long Xuyên và Tân Châu đều trở thành lực lượng yểm trợ đặc biệt cho các ghe, tàu trong đường dây của “Ông Trùm”.

Sau khi nhận được báo cáo và sơ đồ tuyến thủy vận ma túy từ 2 điệp viên xâm nhập, William Wanzeck bay thẳng đến Sài Gòn tiếp xúc bí mật với LKH là sĩ quan đặc trách Bài trừ Ma túy VNCH. Yêu cầu đầu tiên và khẩn thiết của William Wanzeck dành cho LKH là: Tuyệt đối giữ bí mật chiến dịch tấn công đường dây trung chuyển ma túy của "Mr Big" tại Nam Việt Nam đối với tất cả các thành viên "Ủy ban Bài trừ Ma túy VNCH". LKH đồng ý.

Kế hoạch tấn công được William Wanzeck và LKH lên kế hoạch chi tiết. Theo đó, vào ngày giờ ấn định sẵn, LKH dùng tư cách sĩ quan đặc trách Bài trừ Ma túy yêu cầu lực lượng cảnh sát dã chiến khu vực quận 6 mai phục bắt quả tang chiếc ghe tam bản chở "dừa khô" và đoàn tàu chiến đang chuyển "hàng" vào kho chứa hàng của Hãng nhựa Trần Minh. Việc bắt quả tang bất ngờ như thế sẽ vô hiệu hóa quyền lực của Chủ tịch Ủy ban Bài trừ Ma túy quốc gia Đặng Văn Quang và vây cánh của y trong lực lượng hải quân.

Cụm Điệp báo A10 họp mặt truyền thống ngày 30/4/2015.

Bất ngờ kế hoạch phải dừng lại do William Wanzeck nhận được báo cáo mới của 2 điệp viên đang nằm trong đường dây trung chuyển ma túy Thái Lan. Báo cáo này cho biết, "Ông Trùm" tại Thái Lan đang nghi ngờ đại úy Tăng Hải "ăn gian" ma túy.

Báo cáo cho biết: Đầu tháng 7/1971, đại úy Tăng Hải - chỉ huy chiến đoàn Tiền doanh Yểm trợ Rạch Sỏi nhận vận chuyển một chuyến ma túy từ hòn Củ Tron đưa về Rạch Giá. Do tham lam, Tăng Hải không đưa ma túy đến Rạch Giá mà cho các tàu chiến chuyển hướng về cánh rừng hoang ở Bãi Sao, Phú Quốc ẩn nấp. Sau đó, Tăng Hải báo cáo với Trần Minh là chuyến hàng đã bị lực lượng Bài trừ Ma túy Hải quân phát hiện, câu lưu tại Phú Quốc. Tăng Hải đề nghị Trần Minh phải chi 25.000 USD để Tăng Hải hối lộ với người chỉ huy cuộc truy quét. Nhận tiền xong, Tăng Hải cho đoàn tàu chiến chở ma túy ung dung vào bãi Rạch Giá hóa trang thành dừa khô đưa lên đoàn ghe tam bản.

Không ngờ, khi đang bốc xếp "dừa khô" thì một toán lính thuộc Giang đoàn 71, Liên đoàn 1 Thủy quân Lục chiến đóng quân tại cửa sông Cái Lớn, Rạch Giá phát hiện. Toán lính này dùng súng uy hiếp và cướp trắng hàng chục kilôgam "dừa khô".

Trần Minh báo cáo với ông trùm Bangkok về 2 vụ "xui xẻo". Ông trùm Bangkok quyết định tạm dừng chuyển ma túy vào Việt Nam bằng đường biển, đồng thời yêu cầu Trần Minh và Tăng Hải chuyển tạm số ma túy ở kho chứa sông Cái Lớn về một cánh rừng chồi ở Rạch Sỏi.

Căn cứ vào báo cáo của 2 điệp viên, William Wanzeck quyết định vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch vì tang vật vẫn còn ở Rạch Sỏi. Đại tá Pramual Vangibandhu - Chỉ huy trưởng Cơ quan Bài trừ Ma túy Thái Lan bay đến Sài Gòn để cùng thực hiện chiến dịch “Ông Trùm”.

9 giờ 30 phút ngày 25/7/1971, một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến bất ngờ đột kích vào kho hàng của Hãng nhựa thu giữ 400kg á phiện và 60kg tinh chất ma túy mang nhãn hiệu "Song tử hý cầu" tức Double U 0 Globe. Trần Minh bị còng tay tại văn phòng làm việc.

Cùng thời điểm đó, William Wanzeck, Fred Dick, Pramual Vangibandhu và LKH đi trực thăng đến Rạch Giá. Nhóm đánh án đã nhờ một tiểu đội cảnh sát dã chiến Tiểu khu Rạch Giá hỗ trợ.

Chờ cho Tăng Hải rời khỏi nhà, một mình LKH vào gặp vợ của Tăng Hải. LKH vào vai của Trần Minh để khai thác thông tin từ vợ của Tăng Hải. LKH giả vờ trách Tăng Hải đã "ăn gian" một số ma túy.

Không đề phòng, vợ Tăng Hải "khai" thành thật mọi hoạt động vận chuyển ma túy của chồng. Khi đã ghi âm mọi "lời khai" của vợ Tăng Hải, LKH tiếp tục đến một nhà hàng ven biển Rạch Sỏi để gặp Tăng Hải. Lúc này, Tăng Hải đang nhậu cùng với hơn 20 sĩ quan hải quân khác. LKH đã dùng kế "điệu hổ ly sơn" mời Tăng Hải rời khỏi tiệc nhậu để bắt.

LKH phải bịa rằng, Trần Minh muốn gặp Tăng Hải ở bên ngoài cửa nhà hàng để hỏi cho ra lẽ về "những chuyến hàng xui xẻo". Tăng Hải vừa bước ra khỏi nhà hàng đã bị cảnh sát dã chiến trói gô lại ném lên xe bít bùng.

Nhóm sĩ quan hải quân thấy Tăng Hải bị cảnh sát bắt đã xách súng ào ra toan giải vây. Thấy tình hình bất lợi, LKH và bộ ba William Wanzeck, Fred Dick và Pramual Vangibandhu cùng đám cảnh sát dã chiến chở Tăng Hải đào tẩu nhanh. Nhóm sĩ quan hải quân vẫn kiên quyết đuổi theo giải cứu đồng bọn.

Bị đám sĩ quan hải quân bắn đuổi theo xối xả, nhóm Bài trừ Ma túy quốc tế chở Tăng Hải chui đại vào một nhà dân ven đường cố thủ. Nhóm sĩ quan hải quân lăm lăm súng bao vây ngôi nhà.

Nhóm cảnh sát dã chiến phải mượn điện thoại bàn của chủ nhà để cầu viện. Nhận được lời cầu viện, Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến Rạch Giá được điều đến bằng hàng chục chiếc vận tải bộ binh bao vây lấy toàn bộ khu vực.

Thấy tình hình không ổn, toán sĩ quan hải quân vừa bắn hù dọa vừa rút khỏi khu vực. Vẫn không yên tâm, LKH và nhóm Bài trừ Ma túy quốc tế nhờ Tiểu đoàn Cảnh sát dã chiến hộ tống ra sân bay để đi Phú Quốc. William Wanzeck phải dùng "sự vụ lệnh đặc biệt" để trưng dụng phòng giam của nhà tù Phú Quốc.

Sau một đêm "ăn" đủ các kiểu tra tấn, Trần Minh khai tuốt tuột tất cả.

Tại Bãi Sao thuộc Phú Quốc, nhóm Bài trừ Ma túy khai quật được 112kg thuốc phiện thô và 3,9kg ma túy tinh chất có logo "Song tử hý cầu". Tại cửa sông Cái Lớn, nhóm Bài trừ Ma túy khai quật được 35kg ma túy thô và gần 33kg ma túy tinh chất "Song tử hý cầu". Tại chiếc hầm bí mật trong khuôn viên nhà Tăng Hải, nhóm Bài trừ Ma túy thu được 88kg ma túy thô và 7kg "Song tử hý cầu".

Trong khi William Wanzeck chờ đợi ý kiến từ Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn thì đại tá Pramual Vangibandhu hồ hởi thông báo kết quả cho Tư lệnh Cảnh sát Thái Lan là Nitya Bhanumas. Vị tướng này lập tức tổ chức họp báo công bố chiến công vào ngày 29/7/1971. Đến lúc đó, Nguyễn Văn Thiệu và Đặng Văn Quang mới biết tin về chiến dịch “Ông Trùm” thông qua báo chí Thái Lan.

Ngay trong ngày 30/7/1971, Nguyễn Văn Thiệu ban hành một chỉ thị kiểm tra nghiêm ngặt và thu hồi toàn bộ các ấn phẩm báo chí nước ngoài có đưa tin về vụ ma túy “Ông Trùm”. Đồng thời, Đặng Văn Quang lệnh cho Việt Tấn xã liên tục loan tin cải chính. Thời điểm đó, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn đang "dụ ngọt" Nguyễn Văn Thiệu ngồi vào bàn đàm phán Paris nên chấp nhận ém nhẹm vụ án đồng thời yêu cầu William Wanzeck "im lặng rút về Mỹ". Nhiều phóng viên phát hiện vụ hải quân và cảnh sát dã chiến tại Rạch Sỏi đấu súng nhưng không biết đó là vụ ma túy động trời.

Trần Minh - một Mạnh thường quân tài chính của Nguyễn Văn Thiệu bị bắt và mất tích. Đại úy Tăng Hải ra tòa án binh xét xử bí mật và nhận án tù 5 năm. Năm 1974, Tăng Hải được ân xá trả tự do trước hạn. Trên đường từ nhà tù trở về nhà, Tăng Hải bị một chiếc xe du lịch cán chết một cách bí ẩn.

LKH không được khen thưởng mà còn bị điều chuyển về một trường huấn luyện sĩ quan cho đến ngày 30/4/1975.

Mãi đến đầu năm 1974, họa sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành - Cụm phó Cụm Điệp báo A10 (sau này là Tổng Biên tập Báo Công an TP HCM) mới thu được toàn bộ hồ sơ về chiến dịch “Ông Trùm”. Thời điểm đó, họa sĩ Ớt được ông Mười Hương - Trưởng ban An ninh T4 - giao nhiệm vụ tấn công chính trị trực diện vào chính phủ Nguyễn Văn Thiệu với khẩu hiệu “Đấu tranh dân sinh dân chủ vạch mặt tội ác Mỹ -  ngụy".

Sau 3 năm bị ém nhẹm, hồ sơ vụ án ma túy được các phóng viên thi nhau tung hê lên mặt báo.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy Thanh Đa, nguyên Cụm phó Cụm Điệp báo A10, khẳng định: "Với vai trò Giám đốc kỹ thuật, kiêm Thư ký tòa soạn báo Điện Tín, họa sĩ Ớt đã tác động lực lượng báo chí tẩy chay Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương, tạo điều kiện cho ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống VNCH.

Nông Huyền Sơn


TRUNG TƯỚNG ĐẶNG VĂN QUANG

    Ngày 06 tháng 10 năm 2012 - Trong mục: Lịch Sử Việt , VNCH


Những ai từng phục vụ trong các đơn vị thuộc Vùng 4 Chiến Thuật thời gian 1964 – 65 – 66… có thể công nhận rằng, Trung Tướng Đặng Văn Quang giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 4; Vùng 4 Chiến Thuật kiêm Đại Biểu Chánh Phủ Miền Tây rất “mát tay”, là thời điểm kiêu hùng nhất của quân dân miền Tây, chiến thắng nối tiếp chiến thắng, an ninh lãnh thổ được vững chắc nhất. Với 3 sư đoàn bộ binh tinh nhuệ cùng các đơn vị Biệt Động Quân biệt lập, các trại Lực Lượng Đặc Biệt biên phòng ở dọc theo biên giới từ Hà Tiên qua Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường, trên 200 cây số làm rào cản sự xâm nhập vũ khí, tiếp liệu và bộ đội chính quy CSBV xâm nhập qua từ bên xứ Chùa Tháp – Kampuchia. Cũng thời Trung Tướng Đặng Văn Quang, 3 sư đoàn cơ hữu của QĐ4: Sư Đoàn 7, 9, 21 Bộ Binh – bộ binh là hoàng hậu của chiến trường như một vị tướng của quân đội Pháp đã nói. Các đơn vị này đều tạo nhiều chiến thắng vẻ vang liên tục, đặt tên riêng các cuộc hành quân cấp sư đoàn. Khu chiến Tiền Giang với SĐ7BB, tên cuộc hành quân là Tiền Giang (Tiền Giang 1,2,3…). Khu 41 Chiến Thuật với tên cuộc hành quân của SĐ9BB là Cửu Long và SĐ21BB – Khu 42 Chiến Thuật với tên gọi là Dân Chí. Riêng Sư Đoàn 21 Bộ Binh, từ lúc Đại Tá Đặng Văn Quang về làm Tư Lệnh, ông đã đặt tên Dân Chí cho các cuộc hành quân sư đoàn. Các cuộc hành quân nhỏ cấp Tiểu khu và Trung đoàn cơ hữu của Khu 42 Chiến Thuật cũng dùng tên Dân Chí và kèm theo TK là cấp tiểu khu và TRĐ ở cấp trung đoàn… Vì vậy, khi Tướng Quang về Cần Thơ, ông đã ra lệnh 3 SĐ thuộc quyền cũng đều có tên như nêu trên.

Thời điểm này, Ban Thông Tin Báo Chi của chúng tôi được cưng chìu nhất và đích thân Trung Tướng Quang cho thêm nhiều phương tiện, thiết lập được 1 nhà in để in bán nguyệt san Chiến Sĩ Miền Tây mà tôi là Tổng Thư Ký Tòa Soạn. Ban Thông Tin Báo Chí được tăng cường thêm nhiều người có khả năng như nhà văn Nguyên Vũ – Vũ Ngự Chiêu, nhà thơ Tô Thùy Yên – Đinh Thành Tiên, giáo sư triết: Lê Văn Tấn – Nguyễn Văn Oánh (họ và chữ lót có thể sai), giáo sư Pháp văn Phan Thông Hảo, kỷ sư Canh nông Nguyễn văn Hoàng, luật sư Võ Tứ Cầu, Mai Hòa – một phóng viên chiến trường nổi tiếng, cơ hữu của Ban TTBC/QĐ4… có sĩ quan vừa ra trường được xin hoặc thuyển chuyển về đây. Ban Thông Tin Báo Chí lúc này lên cao điểm và mở rộng về thông tin, viết phóng sự chiến trường cung cấp cho phát thanh và cả báo chi trung ương. Nhà in riêng của QĐ4 (in truyèn đơn, báo bán nguyệt san Chiến Sĩ Miền Tây, in 2 tập sách cái nhìn mới mẻ về xây dựng nông thôn, chính Trung Tướng Quang gọi anh Tấn và anh Oánh lên văn phòng, ông chỉ thị 2 anh viết về đề tài này do sự chỉ đạo của ông Tướng và đích thân ông sửa chửa, hiệu đính hoàn chỉnh mới xuất bản). Ngoài ra chúng tôi có chương trình phát thanh trên hệ thống Đài Phát Thanh Ba Xuyên gọi là Tiếng Nói Vùng 4 Chiến Thuật (Đài PT Ba Xuyên ở trên đường từ Thị xã Khánh Hưng – Sóc Trăng đi Bãi Xào – quận lỵ Châu Thành hay Mỹ Xuyên, nơi bán đuông chà là sống và món nhậu tại chỗ, nhiều nhất ở miền Tây).

Tóm lại, thời Trung Tướng Đặng Văn Quang “trị vì’ miền Tây là thời cực thịnh của Ban Thông Tin Báo Chí do tôi làm Trưởng Ban, bên cạnh có 1 Thiếu Tá và 2 Đại Úy Mỹ làm cố vấn cùng với nhân viên 8 người, quân số ngang bằng với Ban TTBC của QĐ4. Chúng tôi làm việc rất dễ dàng, khi nghe có tin chiến thắng hay những cuộc hành quân lớn cấp sư đoàn với tên Tiền Giang, Cửu Long, Dân Chí chúng tôi biết thuộc khu chiến thuật nào, xin trực thăng đưa ký giả VN hoặc ngoại quốc đang ở Sài Gòn đến ngay mặt trận. Nếu phía VN chưa có phương tiện thì cố vấn Mỹ xin cho chúng tôi ngay. Thí dụ cuộc hành quân Tiền Giang, chiến thắng vẻ vang, ông Tướng Vùng ra lệnh Ban Thông Tin Báo Chí mời ký giả từ Sài Gòn xuống quay phim, chụp hình, thực hiện phóng sự. Chúng tôi liên lạc với SĐ7 đưa xe về Sài Gòn đón ký giả xuống Mỹ Tho và đến BTL/SĐ7 ở Mỹ Tho để có thể giúp phương tiện trực thăng đưa đến chiến địa. Khi Sư Đoàn 21 BB có cuộc hành quân Dân Chí ở rừng U Minh – Cà Mau và chiến thắng lớn, muốn mời ký giả xuống thì chúng tôi phải vận động, xin cấp 1 hay 2 chiếc trực thăng từ Sài Gòn (sau này, thường thông qua Khối Thông Tin Giao Tế Dân Sự của Tổng Cục Chính Trị mời giúp và xin phương tiện với Tổng Cục Tiếp Vận). Nếu tôi nhớ không lầm, tên các cuộc hành quân của các Sư đoàn không thay đổi khi Thiếu Tướng Nguyễn Văn Mạnh về thay thế Trung Tướng Đặng Văn Quang. Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng về thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Văn Mạnh sau vụ Tết Mậu Thân 68, Trung Tướng Thắng có thay tên các cuộc hành quân, tên một vị tướng anh hùng đã chống quân ngoại xâm Pháp tại chiến trường miền Tây: Trương Công Định… Năm 1966, Trung Tướng Đặng Văn Quang được Thiếu Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ “mời” về giữ chức vụ nghe thì lớn lắm, Tổng Ủy Viên Kế Hoạch trong Nội Các Chiến Tranh. Đây là chức vụ “ngồi chơi xơi nước”, Trung Tướng Quang là một vị tướng trẻ (35-36 tuổi đã đeo 3 sao) và đã hoàn thành chức trách tuyệt vời ở miền Tây tạo nhiều chiến thắng vẻ vang và được lòng dân chúng, nhất là lực lượng giáo phái Phật Giáo Hòa Hào tin tưởng và kính trọng. Có thế nói Tướng Quang là Tướng Vùng Chiến Thuật có nhiều uy tín nhất lúc bấy giờ.

Ông lại có công rất lớn trong việc vận động đặt nền móng thành lập Viện Đại Học Cần Thơ, chính Trung Tướng Quang là vị tướng Vùng đã xây dựng một nghĩa trang Quân Đội rộng lớn khang trang tại Cần Thơ chỉ thua tầm vóc Nghĩa Trang Quân Đội (Biên Hòa). Trung Tướng Đặng Văn Quang đã hổ trợ hết mình nhà văn nhà báo An Khê Nguyễn Bính Thinh xuất bản tờ nhựt báo Miền Tây, tòa soạn đặt gần bến Ninh Kiều mà tôi là “con thoi” (lo giúp đở tờ báo) giữa Trung Tướng Đặng Văn Quang và nhà văn An Khê (sau này thời Thiếu Tướng Nguyễn Văn Mạnh tờ báo sống ngoắc ngoải, đến Trung Tướng Nguyễn Đức Thắng về thì nhựt báo Miền Tây “tắt thở”). Tờ nhựt báo Miền Tây là tờ báo đầu tiên trong lịch sự báo chí VN xuất bản tại miền Tây.

Hiện nay, Ban biên tập của nhựt báo Miền Tây do nhà văn An Khê làm chủ nhiệm (cựu Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng bị thương nặng thành phế binh và anh An Khê đã chết ở Pháp chừng hơn 10 năm) có một người hiện đang hoạt động báo chí, văn học tại thung lũng hoa vàng San Jose: nhà báo nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn tức Lão Móc có thể biết sự kiện lịch sử này. Chính xác hơn, Vùng 4 Chiến Thuật kiêu hùng nhất là thời điểm 64 – 65 – 66 hơn hẳn các ông Tướng từng chỉ huy ở vùng này trước đó (và có thể nói sau này, cho đến ngày 30.4.75). Trung Tướng Đặng Văn Quang là tướng lãnh gần gũi nhất với Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu (cùng Khóa 1 Đập Đá ở Huế tức là Khóa Quốc Trưởng Bảo Đại, tiền thân của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Đà Lạt) và là cấp chỉ huy đại đơn vị tài giỏi được Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu tin cậy và đề bạt thay thế ông ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông là người thân cận với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong những chức vụ cao cấp nhất như Phụ Tá (Cố Vấn) Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về Quân Sự, An Ninh & Tình Báo Quốc Gia, Tổng Thơ Ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia… cho đến ngày Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức trao quyền lại Phó Tổng Thống Trần Văn Hương… Trung Tướng Đặng Văn Quang đeo 3 sao từ năm 1965 và cho đến 30.4.75, 10 năm dài.

Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây, tại sao Trung Tướng Đặng Văn Quang, người hùng của miền Tây bị Tướng Kỳ “chơi” bằng nhiều cách phao tin ông Tướng vốn sinh đẻ tại Phú Lâm Châu Đốc, sống và lớn lên ở Sóc Trăng (cùng quê vớí Trung Tướng Dương Văn Đức) là kỳ thị Nam Bắc và “xào nấu”, thổi phồng lên là tướng lãnh tham nhũng gộc. Tình báo CSBV muốn Tướng Quang phải thân bại danh liệt, mất uy tín của cấp chỉ huy tài giỏi; nên chúng phao tin xấu như buôn bán bạch phiến, thuốc tây lậu, tiền gời ngân hàng Thụy Sĩ nhiều triệu dollars… cho ông Tướng Quang nhằm trả thù, cách điều quân tài tình của ông, đánh tan tành các đơn vị chính quy của CSBV xâm nhập bằng đường biển và đường biên giới Kampuchia. Tướng Quang là cánh tay đắc lực của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sau này.

Kế đên, ông Tướng cùng với giới trí thức, dân miền Tây, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo xin thiết lập Viện Đại Học Cần Thơ. Không biết vì lý do gì, thời uy quyền Tướng Kỳ nắm hết trong tay (Nội Các Chiến Tranh) cương quyết không đồng ý. Tướng Quang theo phe miền Tây xin cho bằng được thành lập Viện Đại Học Cần Thơ nên làm phật ý Tướng Kỳ. Khi Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu lập liên danh ra ứng cử Tổng Thống năm 1967, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng có liên danh tranh cử. Cả 2 ông Tướng cùng ra tranh cử 2 liên danh khác nhau, chia phiếu quân nhân, có thể cả 2 liên danh đều thất cử và liên danh dân sự như liên danh Trương Đình Dzu (luật sư, thiên tả) hay liên danh dân sự nào khác sẽ đắc cử. Vì vậy Hội Đồng Tướng Lãnh mới có cuộc họp quyết định sáp nhập 2 liên danh của Trung Tướng Thiệu và Thiếu Tướng Kỳ làm một. Tôi nghe kể lại buổi họp đó rất gây cấn, các ông Tướng vốn xuất thân từ khóa 1 Nam Định (cùng khóa với Tướng Kỳ) đều nhiệt liệt ủng hộ Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Đối nghịch lại, Trung Tướng Đặng Văn Quang hết lòng ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và nhiều tướng lãnh khác gốc miền Trung, miền Nam cũng ủng hộ, nên có thể là cái lý do Tướng Kỳ “ghét” Tướng Quang thậm tệ nên chuyện phao tin, thêu dệt Tướng Quang tham nhũng gộc được phe Tướng Kỳ khuấy động dữ dội thời điểm đó. Chuyện này còn kéo dài đến trại tập trung người tỵ nạn CS ở Texas năm 1975, cũng có người muốn hành hung, nói ông Tướng Quang “đầu nậu’ tham nhũng nên mất nước…

Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng khác, thời Trung Tướng Đặng Văn Quang làm Tư Lệnh V4CT, cố vấn Mỹ đề nghị đưa vài đơn vị lớn của Mỹ về V4CT kể cả Đại Tướng Mỹ Westmoreland cũng có ý kiến đó nữa. Trung Tướng Đặng Văn Quang viện nhiều lý do là QLVNCH được sự tích cực ủng hộ của dân chúng và các đơn vị giáo phái tân tuyển có tinh thần chiến đấu tuyệt vời; các đơn vị chủ lực và địa phương của các tiểu khu đủ sức ngăn chặn sự xâm nhập của bộ đội CSBV và luôn chiến thắng nên không cần có các đơn vị lớn của Hoa Kỳ và xin Hoa Kỳ tăng cường giúp các Vùng Chiến Thuật khác. Nghĩa là Tướng Quang mạnh dạn từ chối Hoa Kỳ đổ quân xuống miền Tây. Có một lần Tướng Quang tâm sự với chúng tôi cùng ngồi trên trực thăng chỉ huy C & C, nếu quân Mỹ ồ ạt đổ vào miền Tây thi chúng ta mất phần nào chánh nghĩa chống quân CSBV mà chúng ta dư sức, ăn thua đủ với quân chánh quy CSBV.

Một vụ khác CIA, cố vấn Mỹ muốn Tướng Quang phải triệt hạ Đại Úy LLĐB Dan Marvin cùng với 5 nhân viên Mỹ khác luôn cả trại biệt kích hoặc bắt Đại Úy Dan Marvin giải giao về Sài Gòn. Lý do, Đại Uý Dan Marvin không thi hành lịnh ám sát Quốc Trưởng Sihanouk ở Kampuchia (nhằm bịt miệng vụ tai tiếng này). Điều cần lưu ý toán LLĐB này đang làm cố vấn cho Trại Biệt Kích biên phòng Dân Nam thuộc quận An Phú – Châu Đốc rất được sự mến mộ của dân chúng địa phương và Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo. Trại Biệt Kích biên phòng Dân Nam do các cựu chiến sĩ Hòa Hảo dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Lê Văn Phồi (Trung Tá Phồi đang định cư ở Hoa Kỳ) điều hành chỉ huy. Nếu sử dụng đơn vị chính quy QLVNCH tiêu diệt trại này thì sẽ có hàng trăm chiến sĩ chống cộng nhiệt thành cũng bị chết lây. Vì vậy, Tướng Quang cũng chống và ông tự giải quyết tốt đẹp nên cũng không được lòng Hoa Kỳ, không ngoan ngoản làm theo bất cứ cái gì cố vấn Hoa Kỳ muốn.

Thời gian sau khi Tướng Quang về Trung ương thì Mỹ đã đưa cả Sư Đoàn 9 BB đặt bản doanh tại căn cứ Đồng Tâm – Mỹ Tho, đơn vị này cũng chẳng tạo được thành tích chiến thắng vẻ vang nào như QLVNCH. Vì vậy, có thể vài phóng viên của Hoa Kỳ mượn cớ bên phía VNCH, CSBV tung tin Tướng Quang tham nhũng số 1 của chế độ và các cơ quan truyền thông bị nhiễm nộc độc của Tướng Kỳ lại phóng đại lần nữa nên giới truyền thông Mỹ lại nêu đích danh Tướng Quang tham nhũng gộc… nên có nhiều người Việt tỵ nạn CS tin mới làm phiền ông Tướng đáng thương. Chuyện tình báo CSBV phao tin Tướng Quang buôn bán bạch phiến và thuốc Tây lậu khi ông làm Tư Lệnh V4CT (và sau này khi Tướng Quang làm Phụ Tá Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu). Chuyện 1 ông Tướng ở miền Tây mà buôn bán ma tuý và thuốc Tây lậu thì quả thật là chuyện của cõi trên mà cũng có người tin cho tới ngày nay mới là lạ.

Hiện nay, ông và bà Tướng cùng đang nằm trong Nursing Home ở Sacramento do 2 vợ chồng đệ tử, làm dưới quyền ông năm xưa ở QĐ4 hết lòng chăm sóc, thăm viếng vì tất cả 7 đứa con của ông bà Tướng Quang đều ở xa như Pháp, Úc, Canada và 2 người ở Maryland và Indiana. Cuộc sống của 2 ông bà hiện nay chỉ tính bằng tháng thôi vì lớn tuổi vào hàng 8, ông bị bệnh Alzheimer, bà bị bệnh tim và tiểu đường… Xin mời các chiến hữu và độc giả tìm đọc bài báo viết về cuộc đời của Tướng Quang với những thử thách bi thảm từ Sài Gòn đến Sacramento, với cái tít: The Trial of General Dang – From Saigon to Sacramento, a South Vietnamese General’s Journey Proves Old Soldiers Don’t Fade Away, They Stick Together của nhà báo R.V. Scheide (email: rvscheide@newsrewiew.com) đăng trên tờ tuần báo Sacramento News & Review (SN & R), phát hành tại Sacramento và có ấn bản ở nhiều thành phố khác ở miền Bắc Cali. Bài báo có kèm theo nhiều tấm hình hồi còn oai quyền của Trung Tướng Quang mà cựu Trung Tá LLĐB Dan Marvin có được và ông đã viết thành sách với tựa đề “Expendable Elite – One Soldier’s Journey Into Covert Warfare” xuất bản năm 2003 nói về cuộc đời của ông Dan, 1 sĩ quan LLĐB Mỹ tham chiến tại VN và có lòng câu chuyện Tướng Quang cứu mạng tác giả. Bài báo này có trong số Volume 20, Issue 27 ngày thứ năm 4.12.08. Địa chỉ tòa soạn 1015 20th Street – Sacramento, CA. 95811, tel: 916.498.1234 và Editorial Fax: 916.498.7920 hoặc lên Web site: www. newsreview.com trong mục Local Stories.

Bài báo có trích dẫn lời của ông Tom Polgar, trùm tình báo CIA ở Sài Gòn lên tiếng chánh thức, Tướng Quang không tham nhũng, không có tiền gởi ngân hàng Thụy Sĩ và những chuyện ly kỳ khác mà người ta áp đặt tham nhũng cho một ông Tướng trẻ và thực tài của QLVNCH trong hơn 40 năm qua. Nhờ có sự xác minh của trùm CIA, Thượng Nghị sĩ, Dân Biểu Liên Bang và có đơn thỉnh nguyện của Trung tá Dan Marvin gởi lên Tổng Thống Bush (Bush cha), Bộ Ngoại Giao Mỹ cho Tướng Quang nhập cảnh và định cư ở Hoa Kỳ thập niên 90. Trước đó Bộ Ngoại Giao Mỹ từ chối cấp Visa cho Tướng Quang với 2 lý do vì ông bỏ trại tỵ nạn ở Texas hơn 1 tháng như quy định và quan trọng ông bị ghép tội tham nhũng nên không được vào nước Mỹ…

Có một lần, cách nay chừng 6 năm khi cựu Trung Tướng Đặng Văn Quang còn ở Atlanta – Georgia, tôi, từ Sacramento có bay sang thăm “thầy cũ” và đem câu hỏi ông bị tố tham nhũng gộc của chế đô VNCH mà CSBV, phe ta Quốc gia và cơ quan truyền thông Mỹ cùng “bề hội đồng” mà nay ông Tướng lại nghèo xơ xác. Trung Tướng Quang nói rằng, thiên hạ kể cả người Việt quốc gia, CSBV và vài nhà báo Mỹ thêu dệt đủ điều nào tôi buôn bán bạch phiến, đầu cơ tích trữ thuốc tây nhập vào để chuyển lên Sài Gòn bán, có tiền đến nhiều triệu dollars Mỹ gởi ngân hàng Thụy Sĩ…

Tôi (đại ý lời TT Quang) như cái thùng rác họ liệng vô những gì dơ bẩn của chế độ, tôi không lên tiếng vì tôi tin có Chúa biết là đủ, ngoài ra Tổng Thống Thiệu biết và lương tâm tôi biết, còn người đời nói gì mặc kệ họ.

Vì những lời nói chân tình đó của một người thầy cũ mà vợ chồng tôi hết lòng giúp đở mời ông bà Tướng về định cư tại Sacramento, cách nay hơn 3 năm, và chúng tôi tự nguyện lo cho 2 ông bà Tướng đến ngày được Chúa bổ nhậm lần cuối về Vùng 5 Chiến Thuật.

Trần Văn Ngà

http://www.lytuongnguoiviet.net/2012/10/vn-mung-quoc-khanh-tq-o-hoang-sa.html#.VzTZ1SFheZg

1 comment:

  1. Đời người như một vỡ kịch, xin thắp một nén nhang lòng cho những người đã khuất !!!

    ReplyDelete