Thursday, April 13, 2017

Khi óc bè đảng là tiêu chuẩn cao nhất

Óc bè đảng là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá mọi thứ trong chế độ đảng trị. Điều này có thể nghiệm thấy qua nhiều việc xảy ra trong xã hội. Óc bè đảng có những nhược điểm có hại cho quốc gia, xã hội.

Bốn bài hát Nối Vòng Tay Lớn, Huế-Sài Gòn-Hà Nội, Ca Dao Mẹ, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ là bốn bài hát không nằm trong danh sách được hát. Khi đại học Y Dược Huế tổ chức buổi văn nghệ hát nhạc Trịnh Công Sơn xin phép nhà nước rồi bị lệnh cấm thì mới khám phá ra là đây là những bài hát không được phép hát. Nhưng từ bao nhiêu năm nay, các bài hát này vẫn được hát công khai, thậm chí các buổi văn nghệ do chính quyền tổ chức vẫn hát các bài hát này. Làm thế nào mà một chính quyền lại có thể hát bài hát mà cũng do chính quyền đó không cho phép hát? Đó là vì Trịnh Công Sơn thuộc phe ta. Nếu là thuộc phe ta thì nói gì, làm gì cũng vẫn được xem là đáng tin tưởng, không có ý định phá hoại chế độ. Trước khi Phạm Duy về Việt Nam thì Phạm Duy còn bị liệt vào loại nhạc sĩ phản động. Lúc đó Phạm Duy chưa thuộc "phe ta" nên các bài hát của Phạm Duy đều bị cấm, mặc dù biết bao nhiêu bài hát của Phạm Duy không có hại gì cho văn hóa hay cho chế độ cả. Như thế việc cho và cấm không do nội dung của bài hát mà là do kẻ đó có thuộc phe ta hay không.

Vụ bài hát chỉ là một thí dụ cho thấy cách hành xử của chế độ đem chuyện phe đảng được xem là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá các con người, các hành vi là đúng hay sai. Lối suy nghĩ này có thể thấy ở khắp nơi chứ không phải chỉ trong văn hóa, nghệ thuật. Hễ mày thuộc phe tao thì mày có thể làm các điều vi phạm pháp luật, mày có thể làm thất thoát công quỹ, mày có thể rút ruột công trình. Cũng giống như là Trịnh Công Sơn là phe ta thì dù các bài hát của Trịnh Công Sơn không nằm trong danh sách được hát thì ta cứ hát, hát không bị tội.

Lối suy nghĩ xem bè đảng cao hơn luật pháp này là lối suy nghĩ của chế độ đảng trị, xem đảng là cao nhất, cao hơn pháp luật. Cách suy nghĩ này đem lại rất nhiều cái hại cho xã hội. Nó làm cho luật pháp không được tôn trọng. Nó làm cho óc bè phái nặng nề, chỉ dùng người cùng phe phái làm uổng phí nhân tài của đất nước. Nó làm cho đường lối chính sách của nhà nước bị thực hiện sai lạc, hễ là phe ta thì có thể làm trái với đường lối của nhà nước...

Lối suy nghĩ lấy bè đảng làm tiêu chuẩn để đánh giá đúng hay sai làm cho việc cho phép người dân có quyền phản biện trở nên rất khó khăn. Nếu lấy tiêu chuẩn bè đảng làm tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá thì mọi người lên tiếng phản biện đều là kẻ sai vì những người đó không thuộc phe ta. Dùng tiêu chuẩn bè đảng để đánh giá thì sẽ không xem xét xem nội dung những người phản biện là đúng hay sai, việc làm phản biện đó có vi phạm pháp luật hay không. Chỉ cho mình là đúng, ai nói khác với mình thì đó là phe địch, là kẻ thù, sẽ làm cho nhiều ý kiến hay không được lắng nghe, không được áp dụng. Khi có tổ chức quốc tế đề cao những người tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam thì có những kẻ phản đối nói là đề cao những kẻ phản đối chính quyền thì sẽ làm cho đất nước bị loạn. Bị loạn thật vì người lãnh đạo không dùng tiêu chuẩn luật pháp để đánh giá các hành vi, không dùng nội dung người phản biện nói để đánh giá hành vi mà lại cho phép dân tự do nói thì biết ai đúng, ai sai? Muốn tránh loạn thì chỉ có cách cấm dân nói.

Chế độ đảng trị với cách suy nghĩ bè đảng không thể đi xa hơn trong việc cho phép có nhiều đảng chính trị đại diện cho nhiều thành phần xã hội khác nhau, không thể cho phép người dân được tự do nói để thu thập các ý kiến hay. Nó chỉ mãi nằm trong vòng để cho một thiểu số trong đảng tự định đoạt mọi thứ cho quốc gia. Các chế độ dân chủ thành công là các chế độ đặt sự tôn trọng luật pháp lên cao nhất.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment