Thursday, August 10, 2017

Lưu Hiểu Ba, kẻ sĩ trong thời đại mới - Nhật báo Người Việt

Ngày 13 Tháng Bảy, các nhà đấu tranh dân chủ trên thế giới cúi đầu tưởng niệm ông Lưu Hiểu Ba, người Trung Hoa đầu tiên đoạt giải thưởng Nobel Nhân Quyền cao quý. Tin Lưu Hiểu Ba mất đến trong khi Tổng Thống Donald Trump hội đàm với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, ông không hề có một tuyên bố nào về Lưu Hiểu Ba và phong trào đấu tranh nhân quyền.


Các nhà ngoại giao trên thế giới đã thất vọng với nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong hai tháng từ khi Lưu Hiểu Ba vào bệnh viện vì bệnh ung thư gan thời kỳ cuối. Ông giữ im lặng khi Lưu Hiểu Ba yêu cầu được đi Ðức hay Hoa Kỳ chữa bệnh. Nhân quyền, vấn đề được các tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm đặt hàng đầu trong chính sách ngoại giao nay không còn là vấn đề quan trọng đối với Tổng Thống Trump. Thương mại trên hết, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sức mạnh của đồng tiền đã mua được sự im lặng và lương tâm của chính quyền Donald Trump. Không hề đề cập đến Lưu Hiểu Ba, trái lại Tổng Thống Trump một lần nữa lập lại quan điểm của ông về Chủ Tịch Tập Cận Bình. “Ông là bạn của tôi. Ông là một nhà lãnh đạo xuất chúng, ông là một người tuyệt vời, ông yêu nước và yêu dân Trung Quốc!”

Ðoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2010, Lưu Hiểu Ba được cả hai phía Ðông và Tây ca tụng. Ông được thế giới xem là một người có “lương tâm vĩ đại,” một “Mandela Nelson của thời đại chúng ta.” Hội văn bút Hoa Kỳ gọi ông là “bạn đồng hành của tất cả văn thi sĩ chống độc tài trên thế giới.” Các chuyên gia Úc về Trung Quốc gọi Lưu Hiểu Ba là “Hóa thân của một Trung Quốc khác: Trung Quốc của hy vọng và nhân bản (Geremie Barne).

Sinh năm 1955, Lưu Hiểu Ba lớn lên trong thời đại cách mạng Mao Trạch Ðông giống như Tập Cận Bình (hơn LHB 2 tuổi) nhưng hai người trẻ tuổi đi hai đường khác nhau. Con đường Lưu Hiểu Ba đi không phải là con đường đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa và thế giới. Từ khi con người xuất hiện trên mặt đất, có hai người là đã có hai quan điểm đối lập. Sử gia Tư Mã Thiên (145-90 trước Tây lịch) đã ghi nhận trong lịch sử Trung Hoa “những người đối lập là những người can đảm.” Tây phương như Pascal (thế kỷ 17) gọi những người như Lưu Hiểu Ba: “Ðối diện với sự thật, sẵn sàng hy sinh mạng sống.” Trong những năm cách mạng Mao Trạch Ðông, Lưu Hiểu Ba và Tập Cận Bình không đến trường vì chính sách của Mao Trạch Ðông. Cha (của Tập Cận Bình có lúc bị biệt đãi). Cả hai đều phải đi về vùng quê, nhưng Tập Cận Bình theo ngọn gió cách mạng, học tập chính sách Mao, Mác Lê-nin, trung thành cuồng tín với giáo điều Cộng Sản còn Lưu Hiểu Ba chọn con đường lương tri và trí tuệ, tự suy tưởng không để bóng tối Cộng Sản che mờ lương tri. Một Tập Cận Bình theo đảng, một Lưu Hiểu Ba sống và trưởng thành trong xã hội Cộng Sản thách thức quyền lực đảng vì lương tri của kẻ sĩ. Một người thắng, nắm giữ tất cả vị trí then chốt của bộ máy chính quyền Trung Quốc. Một người thua vào tù đạt được sự kính trọng của thế giới. Cả hai người, Tập Cận Bình và Lưu Hiểu Ba đều được du học ở Mỹ, một người về nước dùng kiến thức để củng cố quyền lực đảng, một người dùng sự hiểu biết để đưa Trung Quốc theo đường dân chủ.

Cuối thập niên 1960, Mao Trạch Ðông thành lập chính quyền Cộng Sản, khuyến khích trẻ em tố cáo tội ác cha mẹ và thầy cô, đóng cửa trường học để học sinh làm cách mạng. Năm 11, tuổi Lưu Hiểu Ba mê đọc sách, tự học, không đến trường, cậu bé nhờ đọc sách nên có nhiều khiến thức hơn các bạn.

Khi trường học được mở cửa lại, cậu Lưu Hiểu Ba không bị thầy cô nhồi sọ theo giáo điều đảng. Say mê đọc sách, đọc bất cứ sách nào tìm được ngoài giờ đến trường, Lưu Hiểu Ba đã biết tự suy nghĩ, không theo con đường “thiếu nhi quàng khăn đỏ,” lớn lên “không yêu bác Mao,” không gia nhập Hồng vệ Binh.

Năm 25 tuổi, Lưu Hiểu Ba bị dán nhãn “con ngựa đen” (hắc mã) vì ông chống đối tất cả các nhà văn nhà thơ trong lịch sử văn chương Trung Quốc kể cả nhà thơ Vương Mãng (quyền thần nhà Hán sau thành hoàng đế với cuộc cải cách kinh tế xã hội) vì Vương Mãng ca tụng quá đáng về giá trị cổ truyền Trung Quốc. 6 năm sau, năm 1986, Lưu Hiểu Ba đã chỉ trích giới văn thi sĩ dưới thời Cộng Sản, ông nhận thấy giới trí thức và nhất là bọn cầm bút không độc lập với chính quyền: “Họ không tự viết, tự suy nghĩ, họ không có những khả năng ấy bởi vì họ không có một đời sống độc lập.”

Chỉ trích chính quyền Cộng Sản Trung Quốc nhưng Lưu Hiểu Ba không mù quáng theo Tây Phương, ông vẫn giữ tư duy độc lập. Ðược đi ra khỏi Trung Quốc lần đầu năm 1986 ở Oslo, Na Uy, Lưu Hiểu Ba đã ngạc nhiên khi thấy các chuyên gia Tây phương về vấn đề Trung Quốc không nói tiếng Hán, họ chỉ biết đọc và nhất là chấp nhận bộ mặt chính quyền Trung Quốc như là một thực thể. Từ Oslo, Lưu Hiểu Ba qua Hoa Kỳ, Ðại Học Columbia, Nữu Ước năm 1989, đã nhận thấy rõ mô hình Tây phương cũng không rõ ràng trong hai năm khi ông ở Nữu Ước. Muốn dùng văn minh Tây phương để chỉ trích Cộng Sản Trung Quốc nhưng ông thấy Tây phương “say mê theo đuổi thương mại và khoái lạc,” các vấn đề này không đơn thuần Ðông hay Tây mà là vấn đề chung của nhân loại. Thăm viện bảo tàng nghệ thuật Nữu Ước, ông lại nhận thêm một điều, “chưa ai giải quyết được vấn đề bất toàn của cá nhân” kể cả nhà văn Lỗ Tấn một nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20 cũng không bước được bước mới, vẫn “vật vã với những tối tăm mù mịt” của Trung Quốc.

Tự tìm một con đường mới, Lưu Hiểu Ba đã chỉ trích giới trí thức chống đối Trung Quốc xem Tây phương như là kim chỉ nam để đo lường tiến bộ. Lưu Hiểu Ba suy nghĩ lại con đường của ông đi sau hai năm ở Hoa Kỳ.

Tháng Tư, 1989, Lưu Hiểu Ba về lại Bắc Kinh sau khi được tin sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn. Như những kẻ sĩ trong lịch sử Trung Hoa, Lưu Hiểu Ba cảm thấy có trách nhiệm phải ủng hộ sinh viên: “Tôi không phải là loại người đứng ở cửa địa ngục với tư thế như một người hùng rồi lưỡng lự không quyết định.” Lưu Hiểu Ba giúp sinh viên lập kế hoạch tuyệt thực sau đó tham dự với sinh viên. Phương pháp chống đối của Lưu Hiểu Ba rõ như trong bài “Tôi không có kẻ thù,” chống đối vì lý tưởng dân chủ vì lẽ phải. “Trong tuyên ngôn tuyệt thực ngày 2 Tháng Sáu,” Lưu Hiểu Ba đã cho thấy rõ lý tưởng dân chủ, tranh đấu “không thù, không hận,” tinh thần như Thánh Mahatma Gandhi, đấu tranh bất bạo động để đưa đến xã hội dân chủ “xã hội dân chủ không xây dựng trên thù hận, nó được xây dựng trên đàm thoại, tranh luận và tự do bầu cử, tương kính lẫn nhau, khoan dung, kiên nhẫn, tha thứ, sẵn sàng hợp tác.” Tinh thần dân chủ của Lưu Hiểu Ba khác với tinh thần đấu tranh giai cấp của Cộng Sản gây thù hận, dùng những ngôn từ xấu xa dành cho đối lập hay những người khác ý kiến, dùng những ngón đòn tù đày, tra tấn, bịt miệng những người chống đối.

Lưu Hiểu Ba phát biểu trong cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4-6-1989


Hai ngày sau khi viết bản tuyên ngôn, Lưu Hiểu Ba đã thực hành những điều ông viết, ông và hai người bạn đã điều đình với quân đội để sinh viên ra khỏi quảng trường Thiên An Môn an toàn. Hàng ngàn sinh viên đã được cứu thoát chết khi quân đội dùng xe tăng đàn áp. Thiên An Môn là phong trào đấu tranh dân chủ chứ không như Tổng Thống Trump đã đồng ý với Tập Cận Bình “Biến cố Thiên An Môn gây ra bởi bọn phản loạn.”

Sau đó, lẩn trốn an toàn ở tư gia của một nhà ngoại giao Tây phương, Lưu Hiểu Ba đã ân hận thú nhận ông “đã lầm khi chỉ biết nghĩ đến mình trong khi hầu hết các bạn khác đã ở lại giúp những người bị thương hay có người đã bị bắn chết” (khi chính quyền Cộng Sản Trung Quốc trừng phạt lãnh tụ Thiên An Môn những người này đã bị trừng phạt nặng hơn sinh viên, nhiều người bị xử tử hay đi tù từ 8 đến 20 năm).

Lưu Hiểu Ba sau đó bị giam ở nhà tù Tần Thành nơi nhốt trí thức và lãnh tụ phản loạn. “Hồn ma Thiên An Môn” ám ảnh Lưu Hiểu Ba suốt đời, ông nghe “tiếng rên xiết kêu cứu… từ dưới lòng đất” Mỗi năm kỷ niệm Thiên An Môn, nhà thơ Lưu Hiểu Ba làm một bài thơ (vợ ông cũng là thi sĩ).

Từ đây Lưu Hiểu Ba vào tù ra khám giống như các lãnh tụ cách mạng Việt-Trung khác trong lịch sử cận đại. Ra tù năm 1991, Lưu Hiểu Ba bị đuổi ra khỏi chức vụ giảng dạy Ðại Học Bắc Kinh, không đi dạy ông dùng thì giờ viết sách, báo, bình luận, làm thơ gởi ra nước ngoài, Ðài Loan và Hồng Kông. Ðam mê viết, tổng cộng 17 quyển sách, 100 bài xã luận, thơ, thư ngỏ đã cho thấy tài văn chương của ông. Năm 2007, ông bị tù 3 lần bắt đầu vì tội chống phá cách mạng sau vì là một trong những lãnh tụ phong trào Thiên An Môn. Ngày trước sinh viên Lưu Hiểu Ba được xem là con “hắc mã” nay đảng lại gọi ông là “bàn tay đen” có nghĩa là kẻ giấu tay giựt dây đằng sau những rối loạn. Ðối với Lưu Hiểu Ba, danh từ “bàn tay đen” là một danh dự hiếm có đảng dành cho ông. Trong tù “bàn tay trắng” (ông xem không có tội với nhân dân) đã làm thơ: “Ngoài sự nói láo (của đảng dành cho tôi)/ tôi không làm chủ bất cứ một sở hữu nào cả.”

Khi mạng lưới điện tử ra đời thập niên 2000, Lưu Hiểu Ba đã xem mạng lưới là một “tặng phẩm của Thượng Ðế dành cho người Trung Quốc.” Qua mạng lưới, vượt bức tường lửa, (Tập Cận Bình Tháng Hai năm 2018 sẽ chận các VAN (value Internet net work) giới đối lập dùng để vượt bức tường lửa) Lưu Hiểu Ba đã viết đủ thể loại từ thơ đến bình luận qua các đề tài: lịch sử, chính trị, Khổng Tử, triết gia Emmanuel Kant, St. Argustin, nông dân Trung Quốc, lực sĩ thế vận hội, cách mạng mạng lưới, óc khôi hài của người Trung Quốc, Tổng Thống Obama, Ðạt Lai Lạt Ma, v.v… Ông được xem là nhà đối lập đứng đầu ở Trung Quốc năm 2000.

Vào tù lần thứ tư và thứ năm về tội đồng ký tên đòi hỏi 19 điều cải tổ kể cả tòa án trong đó có vấn đề tư pháp phải độc lập với chính quyền và tự do bầu cử chọn người lãnh đạo chính quyền, không độc đảng. Tội của Lưu Hiểu Ba là tội “thách đố chống chính quyền.”

Mùa Xuân 2005, Hiến Chương 08 ra đời phỏng theo tinh thần Hiến Chương 77 của Havel Howel (nhà văn đấu tranh nhân quyền sau thành tổng thống đầu tiên cộng hòa Tiệp). Lưu Hiểu Ba không tham dự từ đầu nhưng sau đó tham dự nồng nhiệt, kêu gọi chữ ký từ công nhân viên đến đảng viên “phải bỏ đặc quyền độc đảng,” đòi hỏi “tam quyền phân lập, tự do phát biểu, tự do lập đảng chính trị” đưa đến thành lập chính quyền liên bang. Ðúng ngày Giáng Sinh 25 Tháng Mười Hai 2009, đảng xử Lưu Hiểu Ba 11 năm tù vì tội lãnh tụ tổ chức bất hợp pháp không được đảng và chính quyền cho phép. Lưu Hiểu Ba và phong trào “Hiến Chương 08” bị xem là bọn làm “Cách Mạng Màu.” Năm 2005, Hồ Cẩm Ðào đã cảnh cáo “không được để Cách Mạng Màu lan đến Trung Quốc” (cách mạng Hoa Hồng 2003, Cách Mạng Cam 2004 ở Ukrain, Cách Mạng Cây Tùng 2005 Liban, Cách Mạng Hoa Tulip 2005 Kyrgystan). Lech Walesa, Nelson Mandela, Aung San Suu Kyi là những tên nguy hiểm. Tập Cận Bình từ ngày lên làm lãnh tụ hoàn toàn theo chính sách của Hồ Cẩm Ðào, chống phong trào Hiến Chương 08 trong khi nguyên tắc của Hiến Chương 08 giản dị theo những quyền căn bản. “Dân chủ, nhân bản, bất bạo động.”

Tại sao Hồ Cẩm Ðào kết án Lưu Hiểu Ba 11 năm tù mà không 10 năm hay 15 năm? Giới thân cận Hồ Cẩm Ðào tiết lộ là “11 năm có 4018 ngày gần bằng số 4024 chữ trong Hiến Chương 08!.”

Lưu Hiểu Ba bị tù 11 năm, đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc ông là tội nhân, đối với thế giới ông là trí thức, nhà đấu tranh nhân quyền vĩ đại xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa Bình. Người tù lương tâm giải Nobel Hòa Bình đầu tiên của Trung Quốc là người thứ hai đoạt giải Nobel chết trong tù. Người thứ nhất là Carl Von Ossietzky đối lập với Ðức Quốc Xã chết năm 1938, cả hai đều không được chính quyền độc tài cho đi nhận giải

Lưu Hiểu Ba suốt đời tranh đấu nhưng cũng như các nhà bình luận trên thế giới lời tuyên đoán “Trung Cộng sẽ cởi mở khi kinh tế phát triển” không thành sự thật, đảng vẫn giữ bàn tay sắt. Những điều tiên đoán khác như trong bài bình luận năm 2008 “Ðằng sau mầu nhiệm của Trung Quốc”: “Nhìn từ bên ngoài, kinh tế Trung Quốc thay đổi sâu rộng nhưng thật ra là phiến diện và dễ vỡ, nền kinh tế không có sự đi đôi giữa các yếu tố tinh thần và vật chất.” Ông đã cảnh cáo: “CSTQ tập trung vào kinh tế tham dự vào toàn cầu hóa làm bạn với các nước trên thế giới, ở trong nước bọn chúng bảo vệ hệ thống độc tài với bất cứ giá nào, ở ngoài nước bọn chúng là hệ thống truyền máu cho các chính quyền độc tài khác trên thế giới.” Lời cảnh cáo này của Lưu Hiểu Ba lúc này hầu như là lời cảnh báo dành cho Tổng Thống Trump.

Năm 2010, giải Nobel Hòa Bình được Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển trao cho “chiếc ghế trống” Lưu Hiểu Ba, “Chiếc ghế trống” ấy năm 2010 tượng trưng cho chính sách đàn áp nhân quyền của Cộng Sản Trung Quốc, năm nay “chiếc ghế trống” tượng trưng cho chính sách nhân quyền của Tổng Thống Donald Trump.

Nhật báo Người Việt, California, Hoa Kỳ

Bình Luận:

Sự khác nhau giữa Tập Cận Bình và Lưu Hiểu Ba, giống như sự khác nhau giữa những người cầm quyền và các kẻ sĩ, trí thức, là một bên làm vi động cơ ham muốn quyền lực, một bên muốn tìm hiểu đâu là sự thực, đâu là chân lý.

No comments:

Post a Comment