Saturday, August 26, 2017

Tại sao tôi không chạy án để làm giàu? - Võ An Đôn

Nghề luật sư là nghề hái ra tiền ở Việt Nam hiện nay, mỗi tháng mỗi luật sư nhận trung bình từ 3 vụ đến 10 vụ án; nếu là luật sư chân chính thì nhận vài triệu đồng mỗi vụ, còn luật sư chạy án thì nhận từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi vụ. Nhiều luật sư chạy án giàu lên nhanh chóng, họ mua nhà lầu ở nhiều nơi và tậu xe hơi đắt tiền.

Tôi chỉ là luật sư bào chữa cho người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 18 tuổi phạm tội, phụ nữ mang thai và người tàn tật. Những vụ án thuộc diện này tôi nhận bào chữa hoàn toàn miễn phí nhưng được Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hỗ trợ từ một triệu đến hai triệu đồng mỗi vụ, chi phí này chỉ đủ đổ xăng, ăn sáng. Ngoài việc làm luật sư bào chữa tại tòa án, tôi còn phải làm ruộng, cuốc đất trồng rau, nuôi bò để cải thiện cuộc sống.

Sau khi liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Tòa án thành phố Tuy Hòa kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi, nhưng bất thành vì vấp phải sự phản đối từ dư luận cả nước. Sau đó, họ tung tin đồn “Tôi sắp bị bắt về tội phản động” làm cho nhân dân trong vùng không ai dám đến nhờ tôi bào chữa.

Nhiều người nói với tôi rằng “Làm luật sư ai cũng giàu sang phú quý còn anh thì nghèo hoài; hơi đâu mà lo chuyện xã hội để tự làm khổ thân; sao anh không chạy án làm giàu như những luật sư khác…”

Làm người ai cũng muốn mình giàu sang phú quý, tôi cũng muốn có nhà lầu, xe hơi nhưng làm giàu bằng cách chạy án bất chính, lấy tiền từ sự đau khổ của người khác làm giàu cho bản thân và gia đình mình thì không nên. Bản thân tôi không bao giờ thấy hạnh phúc khi mình đi xe hơi tiền tỷ mà xung quanh mình còn rất nhiều người dân nghèo lam lũ, làm cơ cực cả đời không đủ ăn.

Nhiều gia đình nông dân quê tôi khi có việc liên quan đến kiện tụng hoặc có người thân trong gia đình lâm vào cảnh lao tù thì họ chạy vạy khắp nơi mượn tiền hoặc buộc phải bán con bò, sào ruộng là tài sản duy nhất của mỗi gia đình nhà nông để lo tiền chạy án, mong sao cho mình thắng kiện hoặc người thân của mình khỏi lâm vào chốn lao tù.

Than ôi, muốn làm một người tốt, một người sống có lương tâm trong cái xã hội này thật là khốn khổ !

Võ An Đôn, luật sư, 2015


Bình Luận:

Tình trạng xử án mà luật sư Võ An Đôn kể người dân chắc là ai cũng biết. Những người đã từng liên quan đến kiện tụng lại càng biết hơn ai hết. Điều đó nói lên tình trạng yếu kém của hệ thống tư pháp nói chung. Mà không phải chỉ ở Việt Nam mà tại các nước Cộng Sản và cựu Cộng Sản.

Ông Boris Nevsov, một chính trị gia đối lập Nga, đã bị ám sát năm 2015, cũng đã từng nói với ký giả đài BBC là tại Nga, tòa án xét xử không công minh. Một hệ thống tư pháp với các quan tòa từ xưa đến nay chỉ biết xử theo lệnh chính quyền thì tinh thần tôn trọng luật pháp rất kém. Ngày nay, trong các vụ xử giữa dân với nhau thì họ cũng không xem trọng việc phải xử theo đúng luật mà chỉ xử cách nào có lợi cho túi tiền của mình. Thời xưa họ xử theo lệnh chính quyền thì cũng là xử thế nào có lợi cho quyền lợi của bản thân của họ vì xử theo lệnh chính quyền thì họ mới giữ được chức vụ.

Luật sư Võ An Đôn bị nói là sẽ bị trừng phạt vì tội nói xấu Đảng và nhà nước và ngành luật sư. Luật sư Võ An Đôn chỉ nói sự thật. Sự thật đó là tình trạng yếu kém cả về kiến thức về luật pháp với tinh thần tôn trọng luật pháp của chế độ cộng sản. Không phải là không có luật sư có lương tâm nhưng cả guồng máy chính quyền tìm cách vùi dập và bịt miệng các luật sư có lương tâm thì sẽ còn lâu hệ thống tư pháp mới được cải thiện. Có những kẻ có lợi vì nhờ cho hệ thống tư pháp kém cỏi sẽ không muốn ai thay đổi tình trạng này. Họ sợ họ sẽ trở thành nạn nhân của một hệ thống tư pháp nghiêm minh.

No comments:

Post a Comment