Thursday, October 19, 2017

BBC: Người Việt thờ ơ dân chủ và thích quân đội?

Một cuộc thăm dò ý kiến của tổ chức PEW cho thấy số người Việt Nam ủng hộ dân chủ không nhiều, trong khi số người ủng hộ quân đội cầm quyền thì khá cao so với ý kiến của người dân các nước dân chủ Tây Phương. Vì sao có sự khác biệt này?


Người Việt Nam đang sống trong một xã hội mà mọi người thấy có nhiều sự vi phạm pháp luật, có nhiều trường hợp cả viên chức lẫn người dân không tuân theo pháp luật mà không bị trừng trị. Phải chăng vì vậy một số người không muốn có chế độ dân chủ vì chưa có tự do mà đã hỗn loạn thì có thêm sự tự do sẽ hỗn loạn hơn? Số người ủng hộ quân đội cầm quyền có lẽ cũng phát xuất từ cùng lý do, nghĩa là cho rằng quân đội cai trị chặt chẽ hơn sẽ làm giảm bớt việc vi phạm pháp luật. Đó là vì người Việt Nam không được sống trong một chế độ pháp quyền thật sự. Một chế độ pháp quyền thật sự thì từ tổng thống hay thủ tướng cho đến dân thường hễ ai vi phạm pháp luật đều bị trừng trị. Ngay cả đến các ông tướng, tá, những kẻ nắm cơ quan an ninh, tình báo, có quyền uy hễ vi phạm pháp luật dù nhỏ cũng vẫn bị trừng trị. Một chế độ mà mọi người từ lớn đến nhỏ vi phạm pháp luật đều bị trừng trị cộng thêm với có tự do cho mọi người dân, quyền con người được tôn trọng là điều mà người dân các nước ủng hộ. Họ ủng hộ vì chính ở nước họ chế độ đó đã có và họ thấy như vậy là tốt đẹp. Điều này cho thấy việc thực hiện một chế độ thực sự phải tôn trọng pháp luật là điều quan trọng nhất. Đó là điều ông Lý Quang Diệu đã làm tại Singapore khi ông ta lên cầm quyền từ năm 1965. Đó là một chế độ mà mọi người phải tôn trọng pháp luật, ngay cả bản thân ông thủ tướng cũng phải tôn trọng. Cộng thêm là các luật lệ được soạn thảo một cách khôn ngoan, vừa dành thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động vừa cấm các viên chức tham nhũng, cấm dân làm các việc gây rối loạn trật tự xã hội.

Minh Đức

Người Việt thờ ơ dân chủ và thích quân đội?

Một thăm dò quốc tế vừa cho thấy đa số người Việt Nam chỉ ưa thích "vừa phải" hệ thống chính trị dân chủ nhưng đồng thời cũng ủng hộ một chính phủ do quân đội nắm quyền.

Trung tâm Nghiên Cứu PEW, trụ sở tại Washington D.C, công bố khảo sát đã làm ở 38 quốc gia (www.pewglobal.org/2017) để hỏi người dân nghĩ gì về dân chủ.
Ba mức độ khác nhau

Báo cáo này phân loại người trả lời khảo sát thành ba nhóm.

Đầu tiên là những người "ủng hộ dân chủ hết lòng" nếu họ ủng hộ hệ thống chính trị do dân bầu, phản đối cai trị của giới chuyên gia (kỹ trị), và không ưa một lãnh đạo mạnh hay quân đội nắm quyền.

Nhóm thứ nhìn là người trả lời "ủng hộ dân chủ vừa phải" (less-committed democrats) nếu họ cho rằng nền dân chủ đại diện thì tốt nhưng cũng thích ít nhất một hình thức chính quyền phi dân chủ (như quân đội).

Loại thứ ba là những người "phi dân chủ" vì không thích chế độ dân chủ đại diện và ủng hộ ít nhất một hình thức phi dân chủ khác.

Chiếu theo xếp loại này, khảo sát tại Việt Nam cho thấy chỉ có 8% được xem là "ủng hộ dân chủ hết lòng", còn kém hơn cả 9% "phi dân chủ".

Còn lại, 79% người Việt được thăm dò được xem là "ủng hộ dân chủ vừa phải", nghĩa là vừa ủng hộ nền dân chủ đại diện nhưng cũng thích ít nhất một hình thức phi dân chủ.

Nền dân chủ đại diện hay dân chủ đại nghị được sự ủng hộ cao nhất tại Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu, trong đó có Thụy Điển là cao nhất, nơi 52% người dân hoàn toàn ủng hộ dân chủ (xem bảng cuối bài).

Trong 38 nước được khảo sát, Việt Nam là nước ủng hộ mạnh nhất cho một chính quyền quân nhân.

Khi được hỏi về chính quyền quân nhân (military rule), tới 29% người Việt Nam xem đây là thể chế "rất tốt", 41% coi là "hơi tốt" và chỉ có 3% xem là "rất xấu".

Khác biệt thế hệ

Khảo sát nói rằng một nguyên do có thể vì hoài niệm quá khứ ở riêng Việt Nam, nơi 46% người Việt trên 50 tuổi được hỏi đã thể hiện quan điểm ủng hộ một chính quyền quân nhân, trong khi chỉ có 23% người trong độ tuổi 18 đến 29 ủng hộ.

Người Việt được khảo sát cũng thích một chính quyền "kỹ trị", tức là để các chuyên gia, thay vì người do dân bầu, quyết định theo cách mà họ nghĩ tốt cho đất nước.

Khảo sát cho thấy Việt Nam có vẻ 'lạc điệu' với thế giới khi chuẩn toàn cầu của PEW cho thấy 78% người trả lời câu hỏi coi 'dân chủ đại diện' là rất tốt, và chỉ có 17% coi là thể chế xấu.

Các câu hỏi trong khảo sát liên quan Việt Nam

Mức độ tin tưởng của bạn về việc chính phủ làm điều tốt cho đất nước - nhiều, một chút, không nhiều, không hề?
Nhiều     Một chút     Không nhiều     Không hề
31          51               16                    1

Hệ thống dân chủ mà ở đó, công dân - chứ không phải viên chức do dân bầu - sẽ bỏ phiếu trực tiếp về những vấn đề lớn của quốc gia để quyết định có trở thành luật pháp hay không
Rất tốt     Hơi tốt     Hơi xấu     Rất xấu
28            45           12             4

Hệ thống dân chủ, mà ở đó đại diện do dân bầu sẽ quyết định ra luật pháp.
Rất tốt     Hơi tốt     Hơi xấu     Rất xấu
33           54            4               2

Một lãnh đạo mạnh có thể quyết định mà không bị can thiệp của quốc hội hay tòa án?
Rất tốt     Hơi tốt     Hơi xấu     Rất xấu
9             33            30             17

Chuyên gia, thay vì người do dân bầu, quyết định theo cách mà họ nghĩ tốt cho đất nước?
Rất tốt     Hơi tốt     Hơi xấu     Rất xấu
17           50            17              5

Quân đội cai trị đất nước?
Rất tốt     Hơi tốt     Hơi xấu     Rất xấu
29           41            19             3

Khảo sát tại Việt Nam cho thấy chỉ có 8% được xem là "ủng hộ dân chủ hết lòng", còn kém hơn cả 9% có quan điểm "phi dân chủ"

1 comment: