Saturday, September 9, 2023

BRICS là để đối đầu với khối Tây Phương


Sự hiện diện của Nga và Trung Quốc trong khối BRICS khiến cho một số người cho rằng khối BRICS sẽ là khối đối đầu với khối các nước tư bản Tây Phương. BRICS là đặt theo chữ viết đầu của các nước trong khối đó. Bresil, Russia, India, China và South Africa. Trong kỳ họp năm 2023, các nước trong khối BRICS muốn mở rộng cho nhiều nước khác gia nhập . Liệu trong tương lai, khối BRICS có lớn mạnh để đương đầu và lấn át được khối Tây Phương? Tuy hai nước Nga và Trung Quốc gia nhập các tổ chức quốc tế nhưng có sự khác nhau về văn hóa giữa Nga, Trung Quốc và các nước Tây Phương. Các nước Tây Phương quen hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, các bên cùng có lợi trong khi Nga và Trung Quốc quen hoạt động theo lối đặt quyền lợi của mình lên trên hết . Gia nhập một tổ chức mà đặt quyền lợi của mình lên trên hết thì sự hợp tác tự nguyện sẽ không được lâu dài. Trừ khi bị ép buộc thì các nước mới phải chịu ở trong tổ chức đó. Quá khứ các tổ chức trong khối cộng sản do Nga và Trung Quốc cầm đầu cho thấy các tổ chức đó có được một thời gian rồi tan rã vì Nga và Trung Quốc ai cũng đặt quyền lợi của mình lên trên các nước khác. So sánh các tổ chức bên phía tư bản như NATO và các tổ chức do Liên Xô đặt ra thì thấy sự khác biệt.

 

Sự tin cậy được chứng tỏ qua thời gian hợp tác với nhau.

Sự tồn tại của NATO và Liên Âu cho thấy các nước có tin cậy nhau thì tổ chức mới tồn tại. Đó là các tổ chức lập trên căn bản tự nguyện. Nước nào thấy có lợi thì gia nhập. Nước nào thấy nếu rút ra có lợi hơn thì rút ra. Pháp đã từng rút ra khỏi NATO, rồi sau, đến đời tổng thống khác lại cho là gia nhập NATO có lợi hơn thì Pháp lại gia nhập NATO trở lại. Sự bền vững của các tổ chức tự nguyện có được khi các nước đều thấy là có lợi khi ở trong tổ chức. Sự bền vững có được khi tất cả các nước đều tôn trọng điều lệ của tổ chức không có chuyện nước mạnh có thể vi phạm điều lệ còn nước yếu thì phải tôn trọng.

Các nước Tây Phương có thể có các tổ chức hợp tác lâu dài vì trong nước họ, toàn dân, các đảng phái, phe phái cũng hợp tác với nhau theo Hiến Pháp và Luật Pháp. Đảng phái thì nhiều, mỗi đảng theo đuổi quyền lợi của mình nhưng đảng nào cũng theo Hiến Pháp là không giết nhau, không chơi trò bịa đặt, dối trá để bôi xấu để ám sát, thủ tiêu đảng khác mà cùng tham gia bầu cử theo đúng luật lệ về bầu cử. Sự tôn trọng Hiến Pháp được tồn tại lâu là vì Hiến Pháp đó viết ra để toàn dân, tất cả các phe nhóm đều có lợi chứ không thiên vị cho một đảng nào, một nhóm lợi ích nào. Các nước Tây Phương đã quen với lối hợp tác và tôn trọng qui tắc chung ở trong nước thì khi các nước hợp tác với nhau họ cũng theo nguyên tắc đó. Đặt ra điều lệ của tổ chức để cho các nước cùng có lợi và tôn trọng các điều lệ đó.

Liên Xô và Trung Quốc đã từng có tham vọng lập ra phe xã hội chủ nghĩa để chống lại tư bản. Liên Xô dựa theo chủ nghĩa cộng sản mà đưa ra thuyết Thế Giới Hai Phe. Phe vô sản và phe tư bản sẽ đấu tranh với nhau và phe vô sản sẽ dùng bạo lực tiêu diệt phe tư bản. Các đảng viên cộng sản trong khối Liên Xô phải nhất định tin là thế giới phải chia ra hai phe và phe vô sản do Liên Xô lãnh đạo nhất định sẽ tiêu diệt phe tư bản. Nhưng rồi Mao Trạch Đông lại đề ra thuyết Thế Giới Ba Phe, một phe là tư bản, một phe do Liên Xô cầm đầu và một phe do Trung Quốc cầm đầu. Thế là sự hợp tác giữa Liên Xô và Trung Quốc tan vỡ. Một số nước cộng sản theo Liên Xô, một số nước theo Trung Quốc.

Liên Xô đã từng lập ra liên minh quân sự kiểu như NATO gọi tên là Hiệp Ước Vác Xa Va. Thời xưa miền Nam gọi theo tiếng Pháp là Hiệp Ước Vác Xô Vi. Liên Xô cũng lập ra khối kinh tế cho phe xã hội chủ nghĩa là COMECON, Việt Nam cũng có trong khối đó. Nhưng các tổ chức của Liên Xô đặt ra đã không bền vững như NATO hay như Liên Âu mà tan vỡ. Ngay chính bản thân liên bang Xô Viết cũng tan vỡ khi cho phép các nước cộng hòa được rút ra. Thời xưa tại miền Nam, báo chí, sách vở đã nói mặc dù Liên Xô đặt ra các tổ chức giống như NATO nhưng thật ra Liên Xô không tôn trọng điều lệ tổ chức mà thích cư xử với các nước theo lối song phương. Thay vì chọn cách giải quyết theo lối đa phương cho phù hợp với điều lệ của tổ chức thì Liên Xô chọn các giải quyết theo lối song phương vì Liên Xô mạnh hơn, nước kia nhỏ yếu hơn, Liên Xô sẽ có lợi hơn. Lối cư xử song phương đó dựa trên nguyên tắc mạnh được yếu thua chứ không theo nguyên tắc mọi người cùng có lợi như điều lệ của tổ chức qui định.

Ngay cả trong nước cộng sản, đảng cộng sản tuy có điều lệ bầu theo thể thức dân chủ nhưng các phe trong đảng không phải lúc nào cũng tôn trọng nguyên tắc bầu theo thể thức dân chủ, nghĩa là ai được đa số ủng hộ sẽ thắng mà cũng dùng sức mạnh tiêu diệt nhau. Vì thế tuy trong đảng có điều lệ bầu theo nguyên tắc dân chủ nhưng ai nắm được cơ quan an ninh, quân đội thì người đó sẽ nắm quyền lực. Kẻ nắm cơ quan an ninh sẽ ám sát, vu cáo cho đối thủ để bỏ tù hoặc giết . Rồi bầu cử trong đảng chỉ là để hợp thức hóa cho kẻ có sức mạnh lên nắm quyền chứ không thật sự bầu theo nguyên tắc dân chủ.

Nước Nga và Trung Quốc là hai nước mà ai cũng đặt quyền lợi của mình lên trên hết nay gia nhập tổ chức BRICS thì họ cũng là cư xử sao cho mình có lợi hơn hết, các nước khác yếu hơn gia nhập thì phải phục tùng họ, phải làm lợi cho họ. Từ trong nước, lãnh tụ cũng muốn toàn dân phải phục tùng và nghe lời mình, thì khi gia nhập tổ chức quốc tế họ cũng muốn các nước phải phục tùng và nghe lời họ. Thời xưa Nga và Trung Quốc có phe riêng cho họ nhưng nay đã tan nay họ muốn dùng BRICS để đối phó với Tây Phương. Nếu cứ giữ cái đầu óc đặt mình trên hết, ai cũng phải phục tùng và phục vụ cho quyền lợi của mình rồi thì có ngày Nga và Trung Quốc sẽ choảng nhau như thời cộng sản họ đã từng choảng nhau, rồi thì BRICS sẽ tan vỡ.

Nếu Trung Quốc nghĩ rằng mình sẽ có ngày làm bá chủ thế giới, và Nga nghĩ có ngày mình sẽ làm bá chủ thế giới thì hai bên chỉ hợp tác để đánh bại các nước Tây Phương rồi thì sẽ quay qua tranh chấp với nhau. Có khi lại tranh chấp với nhau khi chưa đánh bại được các nước Tây Phương.

Minh Đức

2023.09.09

No comments:

Post a Comment