Thursday, September 21, 2023

30 Tháng Tư: Nhớ trại tị nạn Pulau Besar


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sau cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn 1954-1975, miền Bắc đã thắng miền Nam, đất nước đã đổi màu cờ. Khoảng 125,000 người đã di tản khỏi Việt Nam vào ngày 30 Tháng Tư, 1975, và hầu hết sang Mỹ.

Một năm sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, xã hội miền Nam tương đối chưa bị kềm kẹp, kiểm soát, chưa thiếu thốn nhiều nên rất ít nghe ai nói đến vượt biên. Cũng có lẽ khái niệm vượt biên quá mới nên không ai biết nhiều về cách tổ chức cũng như hành trình vượt biên hoặc nghe nói có các trại tị nạn cho người Việt Nam nói riêng và người Việt, Miên, Lào, nói chung tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hồng Kông…

 


Bức ảnh chụp vào những năm cuối thập niên 1970 khi 162 thuyền nhân Việt Nam đến được bờ biển Malaysia trên một chiếc thuyền nhỏ và nhiều người đã kiệt sức sau những ngày lênh đênh trên biển. (Hình minh họa: K. Gaugler/AFP via Getty Images)

Đến năm 1977 thì lác đác nghe nói có người vượt biên và đến năm 1978 bắt đầu đi đến đâu cũng nghe bàn tán vượt biên. Đến năm 1979 thì bắt đầu có việc vượt biên bán chính thức cho người Việt gốc Hoa.


 



Ghe tị nạn đầu tiên gồm 47 người Việt Nam đến bờ biển Malaysia vào Tháng Năm, 1975 và những người này lần đầu tiên được gọi là thuyền nhân (boat people). Malaysia chính thức hợp tác với Liên Hiệp Quốc để thành lập các trại tị nạn cho người Việt Nam như Pulau Besar, Pulau Tengah, Pulau Bidong, Kota Bharu, Kuantan, Sarawak, Sabah và tại thủ đô Kuala Lumpur. Tổng cộng Malaysia cưu mang khoảng 250,000 thuyền nhân tị nạn Việt Nam trong giai đoạn này.

Nếu ngày nay coi bản đồ Google Maps tìm Pulau Besar có thấy vài chỗ cùng tên. Trại tị nạn Pulau Besar thực sự nằm trong đất liền chỉ cách một con sông nhỏ không sâu, có thể lội qua làng bên cạnh dễ dàng. Làng dân Malaysia bên kia sông thường gọi là làng Merang và xa hơn nữa là xã Tengah cũng như tỉnh Terengganu.

Không biết rõ ngày thành lập trại tị nạn Pulau Besar nhưng đến Tháng Tám, 1978 thì Malaysia chính thức không cho nhập trại nữa. Những thuyền nhân Việt Nam mới đến sẽ qua đảo Pulau Bidong cạnh đó và ở ngoài khơi xa đất liền hơn. Từ Pulau Besar có thể nhìn thấy Pulau Bidong nếu trời trong.

Khởi đầu chính quyền Malaysia muốn di chuyển tất cả thuyền nhân tị nạn từ Pulau Besar sang Pulau Bidong nhưng gặp chống đối dữ dội của mọi người trong trại nên cuối cùng Malaysia hủy bỏ chuyện này. Tất cả thuyền vượt biên mới tới sẽ sang thẳng Pulau Bidong. Nghe nói có một số thanh niên tình nguyện tạm thời sang đảo Pulau Bidong thiết lập lều trại tại trại tị nạn mới nơi mà hoàn toàn hoang vu không người ở trước đây. Cuối cùng trại Pulau Bidong cũng chính thức đóng cửa ngày 30 Tháng Mười, 1991.

Không có tài liệu nào nói rõ ngày thành lập trại Pulau Besar nhưng nghe đồn ghe tị nạn đầu tiên đến làng Merang là một gia đình bác sĩ Việt Nam cùng năm đứa con. Sau đó gia đình này được sang định cư tại Úc.

Trại tị nạn Pulau Besar cũng như hầu hết các trại khác tại Đông Nam Á thời bấy giờ, có một ban điều hành trại dưới hình thức tự trị do người Việt Nam tình nguyện hay được đề cử làm việc. Ban điều hành gồm trưởng trại, phó trưởng trại, trưởng ban an ninh, trưởng ban thông tin, trưởng ban cứu trợ, ban thông dịch, ban thể thao cùng bốn hoặc năm trưởng khu A, B, C, D… Do đó ban điều hành trại tị nạn Pulau Besar là toàn dân tị nạn Việt Nam tự đứng lên điều hành trại. Tuy vậy nhà cầm quyền địa phương cũng có quyền không bằng lòng với người nào đó trong ban điều hành người Việt Nam.

Tôi nhớ rõ ngày đó khoảng 10 giờ 30 phút tối, loa phóng thanh từ ban thông tin cho biết một phó trưởng trại người Việt gốc Hoa tên Chí bị cách chức ngay lập tức các chức vụ, phó trưởng trại và trưởng ban an ninh.

Anh Chí này khoảng 35-40 tuổi, đi cùng ghe với tôi, nguyên là thông dịch viên tiếng Anh trong QLVNCH. Có lẽ anh bênh vực người Việt Nam trong trại nên làm các sĩ quan cảnh sát Malaysia không bằng lòng.

Ôi thân phận của những người mất nước là như vậy.

Người trong trại Pulau Besar là toàn dân tị nạn Việt Nam, hoàn toàn không có cảnh sát, lính hay nhân viên Malaysia, hoặc ngay cả nhân viên Liên Hiệp Quốc ở trong trại. Khoảng năm 1978, khi tôi đang sống ở đó, trại có khoảng chừng 6,000 đến 7,000 người. Tổng số thuyển nhân từng ở trại Pulau Besar không có con số chính thức nhưng tôi nghĩ cũng khoảng 12,000 đến 13,000 người.

Trại không có hàng rào dây kẽm như hình ảnh trên báo chí ở trại tị nạn Thái Lan. Một mặt là biển mặt kia là con sông nhỏ chia cách với làng Merang. Vì số người trong trại ngày càng nhiều nên khoảng Tháng Năm, Tháng Sáu, 1978 trại chính thức bị biệt lập, không được tự do đi lại làng Merang bên cạnh nữa.

Trước đó tôi thường thấy nghệ sĩ Văn Phụng và nghệ sĩ Châu Hà thường ngồi chơi trong các quán nước của người Malaysia trong làng Merang. Dân làng hiền lành chất phác, đời sống thoải mái, đầy đủ như trong các làng quê Việt Nam thời 1960. Trong quán nước ven hè họ thường để dĩa trứng luộc trên bàn, ăn xong đếm vỏ trứng tính tiền. Mấy anh chàng người Việt láu cá, bóp nát vỏ trứng liệng ra ngoài vườn để bớt số trứng đã ăn. Người Việt mình thì thông minh láu cá vặt. Cũng thỉnh thoảng nghe nói có vụ dân làng bị mất gà vịt hay ngay cả dê nữa. Thuyền nhân tị nạn Việt Nam ở đâu cũng vậy, cũng nhiều thành phần.

Tôi thường thấy dân làng nuôi khỉ hái dừa vì vùng này chỉ toàn dừa, không thấy trồng trọt rau xanh vì toàn là đất cát. Trước khi bị chính quyền Malaysia cấm qua sông để sang làng Merang, những người có tiền trong trại thường sang làng mua gà vịt và các đồ dùng cùng nhu yếu phẩm khác. Sau ngày bị cấm thì cũng có một số buôn lậu buổi tối lội sang sông mua đồ mang về trại.

Trong trại Pulau Besar, ngoài trụ sở của ban điều hành, ngay giữa trại có một nhà thờ và một chùa. Thỉnh thoảng buổi chiều sau khi ăn xong, tôi lang thang đi qua chùa, cũng vào thắp nhang khấn tùm lum cầu mong có tên trong danh sách đi Mỹ. Không hiểu ai mua nhang để đầy trước cửa chùa. Chùa thì không đông đúc nhưng hầu như lúc nào cũng có hương khói và người trong đó. Còn nhà thờ thì ít thấy ai trong đó và thường dành cho các phái đoàn dùng để phỏng vấn. Ngoài ra còn có một nhà bằng tôn khá lớn xa trụ sở của ban điều hành, có lẽ dùng như trung tâm sinh hoạt cộng đồng nhưng không thấy dùng đến bao giờ có lẽ vì xa trung tâm 300m-400m.

Phía sau văn phòng ban điều hành là sân khấu có tivi được bật mỗi tối cho mọi người xem. Nơi đây cũng là nơi phát thư cũng như ngân phiếu của gia đình, thân thuộc từ các nước khác gửi đến cho người trong trại. Những thư này đều dùng địa chỉ của một linh mục người ngoại quốc và vị linh mục này sẽ mang thư vào phát tại trại. Riêng ngân phiếu gửi qua linh mục đều được chuyển tận tay cho người nhận.

Chưa bao giờ nghe ai phàn nàn mất chi phiếu được gửi qua địa chỉ của linh mục. Vị linh mục này là ân nhân của thuyền nhân Việt Nam và là một Bồ Tát trong trại tị nạn. Khi tôi mới vào trại đang lớ ngớ đi loanh quanh trong trại thì được nhiều người chỉ “đi lăng bác thì phía này, đi lấy củi thì phía kia.” Tôi thực sự ngớ ra không hiểu gì. Mấy hôm sau mới biết một khu chỉ có các bụi cây nhỏ còn khu vực đốn củi là rừng thưa các cây tràm to bằng bắp chân thường thấy dùng làm cột chống khi đổ sàn xi măng.

Có lần tôi một mình xách dao vào rừng đốn được một cây thẳng rất đẹp hùng dũng vác về trại. Vì đi trên nền cát nên rất mệt, vác chừng 100m nặng quá không đi nổi nữa. Có một đám thanh niên cũng đang đi tìm cây đốn. Tôi gọi lại cho nửa khúc cây, họ rất mừng lấy dao đốn một nửa. Tôi vác về được một đoạn nhưng nặng và mệt quá không đi nổi nữa. Thấy có vài người đi vào rừng tôi gọi và cho một nửa khúc cây. Cuối cùng tôi vác khúc củi về lều đủ dùng cho ba, bốn ngày. Vào những tháng cuối tôi đi kiếm củi cùng với đám thanh niên chuyên chài lưới ở Việt Nam. Chúng tôi đi rất xa và bó cây vào từng bó rồi chuyển theo đường sông, đốn nhiều cây và vận chuyển nhẹ nhàng hơn một chút.

Khi mới nhập trại nhiều người hỏi thăm “đi mình ên hả?” Tôi chưa hề nghe chữ này hồi nào. Sau đó mới được giải thích nghĩa là “đi một mình.” Ngoài ra trong trại cũng hay hỏi nhau “phái đoàn Mỹ xù chưa?” Thật tình tôi chưa nghe chữ này hồi ở Sài Gòn nhưng cũng đoán được.

Thỉnh thoảng có các ông đại diện cho Liên Hiệp Quốc đến để nhận các đơn xin các nước như Tây Đức, Thụy Sĩ, New Zealand, Bỉ… Những người đi các nước này đều có thân nhân đang cư trú tại đó bảo lãnh. Ngoài ra có bốn phái đoàn Mỹ, Pháp, Úc, và Canada thường xuyên vào trại để phỏng vấn.

Trong thời gian hình như khoảng trước Tháng Năm, 1978, phái đoàn Mỹ chỉ chấp nhận ai có thân nhân tại Hoa Kỳ mới được nộp đơn. Trong thời gian này các quân nhân và nhân viên sở Mỹ vẫn không được đi Mỹ. Trong ghe của tôi có hai chị là nhân viên sở Mỹ và hai anh cựu sĩ quan QLVNCH cũng bị phái đoàn Mỹ từ chối. Sau đó hai anh phải đi Pháp. Sau đó khoảng Tháng Sáu, 1978, Quốc Hội Mỹ thay đổi điều kiện để được vào Hoa Kỳ gồm cả quân nhân và những nhân viên sở Mỹ cũng như diện mồ côi con bà phước cũng được nộp đơn. Thỉnh thoảng có phái đoàn Pháp đến thì có loa thông báo ai muốn đi Pháp thì lên nộp đơn và phỏng vấn.

Một lúc sau lại thông báo ai muốn Pháp xù thì lên nộp đơn. Thế là rất nhiều người không có thân nhân bên Mỹ, không phải cựu quân nhân, không làm sở Mỹ ùn ùn lên nộp đơn để được phái đoàn Pháp đóng dấu từ chối mà không cần qua giai đoạn phỏng vấn. Sau khi Pháp và các phái đoàn khác từ chối thì Mỹ sẽ đương nhiên nhận. Cũng có khi có phái đoàn khác như Thụy Sĩ đến nhận những người thuyền nhân tị nạn ngay cả không có thân nhân tại nước này.

Khoảng năm 1978, khi tôi đang trong trại thường nghe tin đồn nên khai thụt tuổi để được đi học hay được ưu tiên trợ cấp xã hội khi đến Mỹ. Tuy vậy đa số không thể khai thụt tuổi vì ngày tháng năm sinh sẽ khác với lời khai của thân nhân bảo lãnh. Nhiều người mang theo căn cước hay bằng cấp cũng không thể khai khác trong giấy tờ được. Do đó chỉ một số người không mang theo giấy tờ hay không có người thân bảo lãnh là có thể khai thụt tuổi. Nhưng sau này tất cả mọi người mới biết chuyện khai thụt tuổi là sai lầm.

Trại Pulau Besar được Liên Hiệp Quốc thông qua chính quyền Malaysia cung cấp thực phẩm tương đối đủ dùng so với các trại tị nạn tại Thái Lan. Mỗi tuần một hay vài lần đều có thuyền của Malaysia mang thực phẩm đến và ban điều hành trại tự phân phát cho mọi người. Ban đầu họ phân chia các thùng thực phẩm theo khu. Sau đó các khu trưởng sẽ phân chia thực phẩm theo danh sách gia đình.

Có lần mì gói với tiêu chuẩn mỗi người một gói để ăn sáng. Gạo thì từng bao đóng sẵn 20kg hay 25kg gì đó. Nghe nói có gia đình dư gạo mang đi đổi gà trong làng. Còn cá thì toàn là cá nục tươi lớn bằng ba ngón tay chứa trong thùng gỗ. Cá bắt tại khu biển đó nên cũng nhiều. Nhiều khi nghe ban thông tin loan báo ra bờ lãnh cá nhiều gia đình không thèm đi lấy vì ăn hoài ớn quá. Nhiều khi sau khi tính toán và chia cá cho các gia đình mà vẫn còn dư cá vì nhiều người không muốn lãnh cá. Trưởng khu lại chia thêm cho những gia đình có mặt tại đó. Có lần phải chia đến đợt ba mới hết cá vì thật tình ai cũng ớn quá. Bữa nào trời lất phất mưa mà phát cá thì tha hồ lãnh cá. Trong lều tôi các chị đúng là dân Sài Gòn thứ thiệt chỉ làm cá chiên và cá kho xì dầu. Sau này mỗi lần lãnh cá nhiều tôi làm cá tại bờ biển và về lều chỉ băm nhỏ làm chả cá. Tuy mới lạ nhưng thiệt tình cũng không ngon hơn hai món trước bao nhiêu.

Họ còn phát dầu ăn, còn rau chỉ có bắp cải và cải bắp thảo. Ngoài ra thỉnh thoảng còn được phát gà làm sẵn và thùng thịt bò Úc. Khi loa loan báo ra bến lãnh thịt bò thì cả trại nhốn nháo, mang cưa mang búa để lãnh thịt bò. Khi mới tới trại lần đầu tiên tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhiều người mang theo cưa, dao và búa. Lúc đó mới biết thùng thịt bò Úc dài gần gấp đôi thùng mì và đông lạnh rất cứng phải dùng các dụng cụ kia mới chia ra nhỏ được.

Đến việc chia gà thì thật là buồn cười. Nếu tôi nhớ không lầm thì cứ bốn hay năm người một con gà không cần biết trẻ hay già. Lúc mấy tháng đầu thì gà tương đối bằng nhau nhưng sau đó có lúc có con lớn như gà tây có con nhỏ bằng hai nắm tay.

Do đó khi móc gà ra khỏi bao mà người ta thấy nhỏ quá bèn quay mặt làm lơ không nhận. Sau đó thấy con gà lớn họ mới nhận làm chuyện phân phát gà rất khó khăn và lâu lắc. Sau đó có luật gọi tên có người thì người phát mới thò tay lấy gà, bốc trúng con nào chịu con đó. Thỉnh thoảng cũng có trứng gà. Ngoài ra các thứ cần thiết khác như dép, bàn chải, xà bông… đều phải tự mua.

Có lần tôi thấy người ta đang làm thịt một con khỉ lớn như một đứa trẻ. Lúc lột lông da trắng bóc. Nhiều khi thấy bẫy được kỳ đà vì vùng này đất cát có nhiều kỳ đà lớn như con cá sấu nhỏ. Có lúc tôi lang thang trong trại thấy người ta đang nướng thịt chó, chẳng hiểu họ kiếm đâu ra chó ở làng chung quanh hay mang từ ghe ở Việt Nam. Tôi cũng lần đầu tiên ăn thử một miếng thịt chó, có mùi vị là lạ.


 


Người tị nạn Việt Nam từ đảo Poulo Bidong, Malaysia, được đón nhận ở phi trường Roissy-Charles de Gaulle, Paris, Pháp, ngày 7 Tháng Bảy, 1979. (Hình minh hoạ: Binh/AFP qua Getty Images)

Có một kỷ niệm tôi làm nước mắm trong trại. Trong lều có anh Hải, một cựu sĩ quan QLVNCH, anh rất tháo vát, biết làm nhiều thứ. Có lần lãnh nhiều cá quá, anh bỏ thêm đầu cá mà người ta vất đi, xếp lớp chung với muối trong một xô nhựa lớn. Bên trên lọc tấm nylon. Sau khi bị phái đoàn Mỹ xù, anh phải đi Pháp. Gia tài xô cá bây giờ do tôi coi sóc. Để được hơn một tháng thì không hiểu sao có giòi bò chung quanh tấm nylon mặc dù tôi lau rửa tấm ny lon sạch sẽ. Mọi người trong nhà la quá chừng, nên tôi phải mang xô này ra vườn sau cho xa nhà. Mỗi chiều đều dội nước cho giòi bám ở ngoài rớt xuống đất. Tôi thấy trong xô vẫn sạch sẽ không có giòi.

Khoảng năm, sáu tháng sau tôi mở tấm nylon thấy cá vẫn còn nguyên nhưng khi đụng vào nó tự nát ra. Tôi lọc bớt xương, được một thùng nước như sình. Tôi mang đi nấu chín và dùng cát lọc được 2.5 chai nước mắm màu như nước trà. Để ra nắng một, hai hôm trở thành màu cánh gián.

Ăn rất ngon không thua gì nước mắm mua. Mới dùng được nửa chai thấy ngon, tôi khoe hàng xóm. Hôm sau thấy mất cả hai chai nước mắm mới làm treo trên mái nhà.

Aerogram là loại thư là một tờ giấy màu xanh lơ đã in tem sẵn. Người ta chỉ viết đầy mặt sau, gấp lại và đề địa chỉ người nhận ở ngoài. Giá rẻ hơn là mua tem. Trong trại tị nạn Pulau Besar người ta dùng loại này rất nhiều. Thứ này không thấy ở Việt Nam cũng như ở Mỹ. Sau này tôi mới biết thư từ gửi đi thường bị mất do khi có người xuất trại, lính Malaysia tịch thu tất cả thư từ để ngoài giỏ xách. Những thư này do người trong trại đưa tay cho người xuất trại. Lúc tôi đi nhiều người cũng gửi nhưng đến bến tàu Malaysia bị tịch thu hết, trừ những thư đã bỏ trong vali từ trước.

Khi ở trong trại Pulau Besar tôi thường nghe loa kêu tên danh sách các thuyền nhân tị nạn sẽ đi đệ tam quốc gia vào giờ nào đó. Tôi có hỏi thì được biết đệ nhất quốc gia là ám chỉ Việt Nam, còn đệ nhị quốc gia là quốc gia mình đang tạm trú như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Và đệ tam quốc gia là nước mà mình chọn đinh cư sau này. Khi đệ tam quốc gia là các nước khác ngoài bốn nước chính như Mỹ, Úc, Pháp, Canada thì chỉ lác đác một hai gia đình hay vài người chấp nhận đi. Lần tôi xuất trại, Malaysia gọi một lúc ba danh sách gần 500 người xuất trại cùng một lúc.

Khi xuất trại, mọi người từ các trại khác tập trung ở trại chuyển tiếp ngay Kuala Lumpua để khám sức khỏe và chờ ra phi trường. Thủ tục này tốn chừng một tuần đến 10 ngày. Nếu ai bị bệnh hoa liễu mà trong trại thường gọi là bị máu dơ thì phải ở lại chừng một, hai tháng cho đến khi uống thuốc hết bệnh. Trường hợp tôi họ mang danh sách cho xuất trại quá trễ sau khi chuyến máy bay đã đi rồi nên phải chờ đợi bên Mỹ mua vé trở lại. Tại trại chuyển tiếp ở Kuala Lumpua có nhà thầu nấu ăn nên ăn uống khá ngon. Quần áo chăn mền rất dư thừa không thiếu thốn như ở trại.

Trong thời kỳ vượt biên của các thuyền nhân Việt Nam, Malaysia cưu mang khoảng 254,000 người trong tổng số hơn 800,000 người tại các trại tị nạn Đông Nam Á kéo dài suốt 20 năm từ 1975 đến 1995. Ngoài ra, cũng theo thống kê của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, có từ 200,000 đến 400,000 thuyền nhân Việt Nam vùi thây dưới biển cả hay rừng sâu núi thẳm ở các biên giới Thái Lan-Cambodia-Việt Nam. Chương trình tị nạn Việt Nam chấm dứt vào năm 1995 đánh dấu một giai đoạn đen tối của dân tộc. [đ.d.]

Ghi chú:

Tọa độ chính thức của trại tỵ nạn Pulau Besar http://wikimapia.org/#lang=en&lat=5.532526&lon=102.941530&z=14&m=w&search=pulau%20besar
Thuyền nhân Việt Nam: https://en.wikipedia.org/wiki/Vietnamese_boat_people#:~:text=A%20total%20of%20more%20than,statistics%20see%20Indochina%20refugee%20crisis)


Nguyễn Văn Dũng


Khôi Nguyên

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/30-thang-tu-nho-trai-ty-nan-pulau-besar/

No comments:

Post a Comment