Wednesday, September 20, 2023

Cái Chết Của Prigozhin Cho Chúng Ta Biết Gì Về Nước Nga


Khi chiếc phản lực cơ chở Yevgeny Prigozhin bị rớt, và bốc cháy hồi tháng Tám, người ta không ngạc nhiên. Điều duy nhất làm người ta lấy làm lạ là tại sao phải mất đến hai tháng từ ngày Prigozhin  làm binh biến mới xảy ra vụ rơi máy bay. Trước đây, Prigozhin từng là một đại gia tỷ phú người Nga, một nhà thầu lớn cung cấp thức ăn cho trường học, cho quân đội Nga, và là thủ lãnh của tổ chức lính đánh thuê Wagner. Hiện tượng sát hại nhau một cách kỳ quái ở triều đình cai trị Nga là điều thường hay xảy ra, không làm cho người ta ngạc nhiên. 

 

Chúng ta biết rất ít về chuyện gì xảy ra trong giới cận thần thân tín rất nhỏ bên cạnh Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin. Phát ngôn viên của điện Kremlin thừa nhận rằng vụ máy bay bị rơi là hậu quả của “một sai lầm có sắp xếp.”, và ngay cả những chuyên gia về an ninh cũng chỉ biết qua bản “Điện tín” được chính thức công bố mà thôi. Tuy nhiên, việc Prigozhin được trọng dụng, và sau đó bị đập chết là điều thường xảy ra trong lịch sử nước Nga. Sự kiện đó cũng đánh dấu ngày tàn của chế độ chuyên chế, của quyền lực nhà nước, và khả năng yếu kém trong điều hành nhà nước Nga. Từ đó, người ta tin rằng nước Nga đang có nguy cơ sẽ bị tan rã.

Trước hết, tất cả những việc ám sát, giết hại nhau xảy ra khi quốc gia đặt trọn sự cai trị trong tay của một cá nhân. Trong suốt chiều dài lịch sử nước Nga, hầu như đất nước này chỉ do một cá nhân cai trị một cách chuyên quyền, độc đoán. Prigozhin là ví dụ điển hình của một nhân vật được lãnh tụ cưng chiều, sau đó, chuyện y nuôi tham vọng cá nhân là điều không thể tránh khỏi. Ngày xưa dưới thời đế chế, kẻ được cưng chiều như nữ hoàng Catherine được Hoàng tử Potemkin đưa lên để cùng cai trị việc nước với ông. Song bà là một nhà lãnh đạo tài ba, đứng ra cai trị triều đại Romanov. Cũng có trường hợp kẻ được sủng ái lại là đứa bất tài, vô dụng. Ví dụ như Rasputin dưới thời Nga Hoàng Nicholas đệ Nhị là một đứa ngu dốt, không có tài cán gì cả. Kẻ nào được nhà lãnh đạo sủng ái, trọng dụng một thời gian, đến khi không còn được che chở nữa, đương nhiên kẻ đó sẽ bị phế thải, phải bị tiêu diệt. 

 

 

Đã có một thời Prigozhin từng là cận thần thân tín của Putin ở St Petersburg. Prigozhin được Putin dành cho rất nhiều ưu đãi, đặc quyền về tài chính từ việc cung cấp thức ăn cho lính Nga thuộc Bộ Quốc Phòng cho đến những hợp đồng đấu thầu về quân sự trị giá hàng tỷ đô la. Hắn là một trong những tay giám đốc tài chính được Putin tin cậy nhất. Qua việc điều hành nhóm lính đánh thuê Wagner, hắn đã giúp nước Nga thực hiện chính sách ngoại giao hung hãn, mà vẫn có thể  giấu mặt, không để lính Nga xuất hiện. Khi Putin tung ra cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine, quân đội Nga đã phạm sai lầm nghiêm trọng trong những lần giao tranh ở giai đoạn đầu vì lãnh đạo kém, và việc tiếp tế quân cụ không được chuẩn bị trước, Prigozhin đem lính của y đánh bộc phá một cách can trường, kiên trì, và gây nhiều thiệt hại cho phía Ukraine.

Nhưng đôi khi tình trạng quân lính của mình bị chết nhiều ở mặt trận Bakhmut, nơi  nổi danh là “meat grinder”, tình hình chiến sự đi đến chỗ tuyệt vọng khiến Prigozhin có ý ghen tị, tức tối. Y cho rằng chỉ có lính Wagner mới là những kẻ anh hùng trong cuộc chiến với Ukraine, họ phải đổ máu nơi chiến trường, còn bọn lính Nga ở Bộ Quốc Phòng chỉ là những đứa dốt, hèn nhát, đưa ra những quyết định làm cản trở cuộc tiến công của lính Wagner. Bọn chúng chính là những tên phản bội. Từ đó, Prigozhin nảy sinh ra ý nghĩ chống lại cả Tổng thống nước Nga.

Đó chính là dấu hiệu cho thấy nhà nước Nga đã suy yếu, Putin cho phép những tay súng không đặt dưới quyền chỉ huy của nhà nước đứng ra chỉ huy quân đội riêng của họ ngay từ đầu. Hậu quả là Putin không thể ngăn chặn việc triều đình ở Kremlin bị nổ tung khi Prigozhin công khai làm binh biến vào ngày 23 tháng Sáu, đưa quân đội riêng của hắn đến thủ đô Mạc Tư Khoa uy hiếp chính phủ. 

Yemelyan Pugachev, một nông dân Cosack, nổi loạn cướp ngôi, 1878. Pugachev ngồi xử án
 

Hành hình Pugachev

 



Những nhà cai trị ở nước Nga đã khá quen thuộc trong việc đối phó với phản loạn, và thẳng tay đàn áp bọn làm binh biến. Tuy nhiên, việc trấn áp phản loạn thường được làm một cách sinh động, với nhiều kiểu bắn giết, bạo động kinh hoàng. Chẳng hạn như ngày xưa Đại Đế Peter đã vội vàng quay trở lại Âu châu để trấn áp bọn phản loạn musketeer, thậm chí ông còn lập ra lò sát sinh để trừng trị bọn làm loạn. Nữ hoàng Catherine ra lệnh cho các vị tướng của bà đem quân đi trấn áp bọn phản loạn Pugachev, treo cổ bọn chúng thả trôi trên sông Volga. Vua Nicholas đệ Nhất bị đơn vị lính ngự lâm ưu tú đứng lên làm phản trên đường phố St Petersburg, ông ra lệnh cho nã pháo binh bắn thẳng vào đám quân phản loạn. Chúng ta không thể biết được  đã có một thỏa thuận thực sự nào đạt được khi nhà độc tài Alexander Lukashenko của nước Belarus đứng ra thuyết phục được Prigozhin ngừng tay, không làm binh biến nữa. Nhưng sau đó, người ta thấy ông Putin lên truyền hình lên tiếng nói đôi lời về vụ phản loạn, lên án việc chống lại chính phủ, khác hẳn với thái độ thường có ở ông Putin. 

 

Vua Nicolas Đệ Nhất đàn áp vụ nổi loạn của lính ngự lâm quân, cũng được gọi là những người Decembrist. Vụ này xảy ra vào Tháng 12 năm 1825

 



Tất cả các nhà độc tài đều xem nhà nước là của riêng ông ta, hoàn toàn thuộc về tay nhà độc tài. Với Putin thì khỏi cần phải nói ra điều này. Phản loạn chống lại nhà nước tức là phản bội cá nhân ông Putin, rõ như ban ngày. Song điều chua chát, cay đắng ở đây là kẻ phản bội lại chính là người từng được ông ta nâng đỡ, che chở từ bấy lâu nay. Con trai của Đại đế Peter âm mưu phản loạn vua cha, sau đó chạy trốn sang thủ đô Vienna năm 1716. Đại đế Peter tìm cách dụ dỗ đứa con trai trở về, và hứa sẽ để cho nó được an toàn, nhưng sau đó, ông đã hành hình đứa con trai đến chết. Đại đế Peter là mẫu người hùng của Putin, Trong chiếc du thuyền sang trọng của Putin, ông ta trưng bày rất nhiều hình ảnh, tượng bán thân về Đại đế Peter và những câu nói của ông, như câu: Đã là kẻ phản bội thì nó phải chết, bất kể nó thân cận đến mức nào.

Cuộc phản loạn ngày 23 tháng Sáu đã vượt khỏi lằn ranh màu đỏ trong mọi khía cạnh. Đó là một hành vi sỉ nhục đối với Tổng thống Nga- không những là sự phản bội cá nhân ông, mà còn làm cho ông mất mặt về chính trị. Hành vi nổi loạn trưng bày cho cả thế giới thấy việc ông Putin điều khiển cuộc chiến xâm lăng Ukraine một cách yếu kém, bất lực, đầy rối rắm, và vô kỷ luật. Ông Putin nói về Prigozhin như cách nói của một người cha nói với đứa con hư hỏng, buộc lòng phải hy sinh nó cho khuất mắt.  Putin nói về Prigozhin với vẻ đăm chiêu lạ lùng: “Tôi đã biết Prigozhin từ đầu thập niên 1990’s. Ông ta là một con người có số phận phức tạp.”.

Nghe đồn rằng Cục An Ninh Liên Bang-FSB- đòi ông Putin phải thanh toán Prigozhin ngay lập tức; nhưng Putin tỏ ra thận trọng hơn. Sợi dây thòng lọng còn để lỏng ở một đầu, chỉ việc thắt nút lại là nó sẽ chết làm gì mà phải vội vàng. Putin muốn đùa giỡn một chút đối với tên Prigozhin hay nói lèm bèm, hãy cứ để cho Prigozhin có cảm tưởng hắn được yên thân sống đàng hoàng thoải mái, nói cười vui vẻ trên hệ thống truyền thông riêng của hắn. Thậm chí còn loan truyền tin tức nói rằng hắn đang sống rất mạnh giỏi, và tiếp tục điều hành việc làm ăn của hắn. Ngày xưa, Stalin từng áp dụng chiêu thức này đối với những kẻ thù của ông ta như Nikolai Bukharin.

 



Ở nước Nga, quyền bính bao giờ cũng là điều bí hiểm – từ thời Đại Đế Peter cho đến thời Stalin. Stalin đã sử dụng tay đao phủ Lavrenti Beria để tàn sát kẻ thù. Ngày nay Putin cũng vậy, ông ta thường sử dụng bạo lực theo kiểu hết sức thất thường, bất ngờ, không ai có thể tiên đoán được. Từ nay, vai trò chúa tể của Putin lại được tái lập phần nào. Cái chết của Prigozhin không thể chỉ đơn giản bằng một phát đạn bắn vào đầu, mà phải chết một cách ngoạn mục, bằng cách cho rớt máy bay, chết tan xác mới được. Dù sao đi nữa, hiện tượng kèn cựa, tranh chấp trong nhóm cận thần của Putin, sự trỗi dậy của bọn sứ quân, ấu đá công khai giữa nhiều phe nhóm, và gây binh biến phản loạn, tất cả là những điều tiên tri báo trước sự suy tàn của nhà nước Nga.

Hình ảnh mọi người trông thấy là Tổng thống và quan chức của một cường quốc nguyên tử thời hiện đại, một đế quốc khổng lồ mà phải lập âm mư, kế hoạch trừ khử một tên tử tù của họ, với lối hành xử giống như bọn băng đảng buôn bán ma túy ở một tỉnh nhỏ bên nước Ý thời Phục Hưng. Tuy nhiên, người dân Nga hiện vẫn còn đang rất tự hào về sự vĩ đại của Quê Mẹ là nước Nga, và tài lãnh đạo siêu việt của nhà cai trị là ông Putin, và vị thế vững chắc của quân đội Nga đang ngự trị trên đất nước. Uy tín của ông Putin đã bị tổn hại, hư hao, không hiểu nhà độc tài suy yếu này sẽ còn cai trị được bao lâu nữa, trong lúc cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.

Bài nhận định của Simon Sebag Montefiore trên báo TIME 25/9/23

Nguyễn Minh Tâm dịch

Ghi chú: Montefiore  là tác giả cuốn sách: “ The World: A Family History of Humanity and Stalin: Court of the Red Tsar với nhiều chi tiết về những vụ thanh trừng xảy ra trong lịch sử các triều đại cai trị ở nước Nga

No comments:

Post a Comment