Hệ thống chống tham nhũng tại Âu châu là hệ thống của một chế độ theo nguyên tắc pháp trị . Có theo nguyên tắc pháp trị thì mới dùng luật pháp mà chống tham nhũng được . Còn chế độ đảng trị thì vì phải dùng quyền lợi ràng buộc người dưới nên việc để cho người dưới được tham nhũng, vi phạm pháp luật là cách để giữ người trung thành với guồng máy nên việc chống tham nhũng là tùy thuộc một thiểu số nắm toàn quyền bên trên .
Tham nhũng giáo dục kéo lùi Việt Nam
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/06/100610_sweden_anticorruption.shtml
Hội thảo chống tham nhũng trong giáo dục do Thụy Điển tài trợ.
Thụy Điển, đại diện cho nhóm nước cấp viện vừa tổ chức Diễn đàn chống tham nhũng tại Hà Nội.
Chủ đề của hội thảo là làm thế nào để chống tham nhũng trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Quan chức chính phủ, đại sứ của nhiều nước, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng các nhà khoa bảng đã tới dự.
Công sứ phụ trách hợp tác quốc tế của Đại sứ quán Thụy Điển bà Marie Ottosson nói mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình của VN khó thành hiện thực nếu hệ thống giáo dục còn tham nhũng.
Trao đổi với BBC Việt Ngữ chiều 10/6 bà Ottosson nói về cách loại trừ tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Marie Ottosson: Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Đây có thể là một vấn đề. Cạnh đó chúng ta biết là nó tồn tại, hầu như khắp nơi trong hệ thống giáo dục.
Một số biểu hiện của nó là giáo viên mở lớp dạy thêm, phụ huynh sẵn sàng đóng tiền cho con để họ thêm. Chúng ta biết có chuyện tham nhũng khi giáo viên được thăng chức hay chuyển đổi nơi dạy. Từ cuộc nghiên cứu nhỏ do chúng tôi thực hiện, điều có thể nói là tham nhũng đang tồn tại, và đó là lý do tại sao chúng tôi tổ chức Đối thoại chống tham nhũng lần này. Nó mang lại cho chúng tôi cơ hội bàn luận với đại diện của chính phủ làm cách nào để loại bỏ tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.
Marie Ottosson nói mục tiêu nước thu nhập trung bình của VN khó thành hiện thực nếu hệ thống giáo dục còn tham nhũng.
BBC: Thụy Điển đại diện cho cộng đồng cấp viện hiện đang giúp Việt Nam loại trừ tham nhũng trong đời sống xã hội, thưa bà trong cuộc chiến chống tham nhũng, vai trò của cộng đồng quốc tế đến đâu, vai trò của Việt Nam đến đâu?
Marie Ottosson: Tôi cho rằng chúng ta cần làm việc cùng nhau, cần hỗ trợ nhau. Nếu quý vị nhìn vào VN hiện giờ, nước này hầu như có đủ luật định để chống tham nhũng. Điều cần làm là mang chúng ra thực hiện một cách hay nhất và minh bạch nhất. Tôi cho rằng đại diện cao nhất của chính phủ cần làm gương trong cuộc chiến chống tham nhũng. Họ cần hành động dứt khoát và không nhận hối lộ. Điều khá quan trọng là nếu người dân, hay ‘người thổi còi’ phát hiện ra tham nhũng, truyền thông phải được phép đưa tin. Tất cả các hình thức tham nhũng cần phải được đưa ra tòa, tiến trình này cần minh bạch.
Cạnh đó các nhà tài trợ cũng có thể giúp đỡ. Mỗi nước tài trợ có kinh nghiệm chống tham nhũng khác nhau. Ví dụ Thụy Điển có nền truyền thông tự do trong 300 năm qua. Hệ thống này làm việc khá hữu hiệu. Chúng tôi muốn thấy Việt Nam có nền truyền thông như vậy, ký giả có thể viết những gì xảy ra trong thực tế mà không sợ bị trừng phạt.
BBC: Liệu quý vị có thể nhập cảng quy trình chống tham nhũng của Âu châu sang Việt Nam được không?
Marie Ottosson: Tôi không nghĩ Thụy Điển có thể xếp đặt hệ thống chống tham nhũng tại Âu châu vào xã hội Việt nam nếu phía VN không muốn. Nhưng nếu phía VN muốn được giúp đỡ, chúng tôi sẽ sẵn lòng. Tôi không biết người Việt có coi tham nhũng như người Thụy Điển hay không. Ví dụ như ai cũng nghèo cả, và cần phải đóng tiền cho con đi học thêm, người nghèo sẽ gặp khó khăn. Tuy người giàu coi chuyện này không lớn lắm. Điều này cho thấy chúng ta cần coi lại toàn bộ hệ thống và cần phải thay đổi nhận thức, điều này không dễ chút nào. Thụy Điển hay bất cứ nước cấp viện nào đó có thể làm được chuyện này. Chúng tôi chỉ muốn chỉ ra cho thấy cách làm của chúng tôi ra sao, còn lại người Việt quyết định họ sẽ học hỏi và áp dụng đến đâu.
BBC: Lên tiếng tại buổi hội thảo chống tham nhũng trong ngành giáo dục, Đại sứ Thụy Điển tại Hà nội Rolf Bergman nói: “người dân không còn kiên nhẫn, thời gian chẳng còn bao nhiêu trong cuộc chiến chống tham nhũng,” bà có nghĩ chính phủ Việt Nam hiểu được tính cấp bách của vấn đề hay không?
Marie Ottosson: Tôi nghĩ ông nên hỏi chính phủ VN xem họ suy nghĩ ra sao. Cả ông đại sứ và bản thân tôi đã nói chuyện với một số nạn nhân của tham nhũng. Họ phải hối lộ hay đưa tiền để đạt được công việc. Do vậy chúng tôi hiểu được vấn đề.
BBC: Vậy theo bà làm thế nào để bắt đầu chống tham nhũng trong giáo dục tại Việt Nam?
Marie Ottosson: Đầu tiên tôi muốn nhấn mạnh hoàn toàn có khả năng loại trừ tham nhũng, chúng ta cần kiên trì, và cuộc chiến này cần thời gian. Tôi cho rằng để bắt đầu người ta nên phát triển hệ thống theo dõi và đánh giá, nhằm đánh giá đúng thực lực của học sinh, trường lớp. Bắt đầu thực hiện hệ thống như vậy là sự khởi đầu cần thiết. Cạnh đó đây chính là lúc chính phủ Việt Nam cần mang lại kết quả gì đó, vì ta biết điều luật thì đã có hết rồi. Chính phủ cần tỏ rõ ý chí và quyết tâm, công khai ý định chống tham nhũng. Khi phát hiện ra tham nhũng họ cần có hành động kiên quyết. Minh bạch có vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu mọi thứ minh bạch, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ dễ dàng hơn nhiều. Cạnh đó tôi muốn nói rằng hiện giờ lương của giáo viên rất thấp. Chính phủ cần xem xét tăng lương cho giáo viên, để ít ra họ cũng có thể sống bằng lương. Không hẳn là cứ tăng lương là cuộc sống dễ chịu hơn, nhưng ít ra đây là bước ban đầu.
BBC: Với tình trạng giáo dục như hiện giờ, liệu Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập trung bình, hay vươn tới nền kinh tế tri thức được không?
Marie Ottosson: Nếu không loại bỏ được tham nhũng trong giáo dục, câu trả lời là không. Quý vị cần lĩnh vực giáo dục không có tham nhũng, người dân tin tưởng vào hệ thống, nếu không VN không thể trở thành nền kinh tế tri thức. Điều này rất rõ ràng. Hiện nay ai cũng thấy tham nhũng trong giáo dục đang cản trở phát triển, tôi thấy thật khó, thậm chí là không bao giờ có thể dịch chuyển đến nhóm có mức thu nhập trung bình.
Bình luận:
Qua bài phỏng vấn trên người đọc có thể thấy quan niệm của bà Marie Ottosson là để chống tham nhũng thì dùng luật pháp:
"Nếu quý vị nhìn vào VN hiện giờ, nước này hầu như có đủ luật định để chống tham nhũng. Điều cần làm là mang chúng ra thực hiện một cách hay nhất và minh bạch nhất. Tôi cho rằng đại diện cao nhất của chính phủ cần làm gương trong cuộc chiến chống tham nhũng".
Nhưng điều quan trọng là chế độ cộng sản tại Việt Nam được tổ chức theo cách không cần phải theo luật pháp. Chế độ cộng sản tại Việt Nam, tại Trung Quốc và tại Liên Xô trước đây là chế độ đảng trị. Đó là chế độ do một đảng nắm mọi hoạt động và ra lệnh cho mọi hoạt động. Người dưới nằm trong guồng máy đó phải tuân lệnh ở trên vì họ ràng buộc bằng quyền lợi và bị khống chế bằng bạo lực. Nếu họ không tuân theo lề luật của guồng máy họ sẽ bị loại ra ngoài mà mất lợi lộc, địa vị hoặc bì tù đầy, đánh, giết. Họ bị trừng phạt không nhất thiết là vì họ vi phạm pháp luật mà vì họ không theo lề luật của guồng máy. Ngược lại, nếu họ tuân theo lề luật đó, thì dù họ có vi phạm pháp luật họ vẫn được an toàn, vẫn giữ được địa vị, quyền lực, danh vọng. Khi nào họ không còn tuân theo lề luật của guồng máy thì họ có thể bị dùng pháp luật mà trừng phạt, hoặc có khi bị trừng phạt theo lối phi pháp. Những kẻ ở trên chóp cái kim tự tháp của guồng máy có khi sử dụng pháp luật, có khi không, miễn sao là guồng máy của họ vận hành theo đúng ý họ muốn.
Vì thế việc bà Marie Ottosson muốn dùng pháp luật để trị tham nhũng là điều không thể làm được với cơ chế hiện nay. Và điều này bà Ottosson có lẽ cũng đã thấy khi bà nói:
"Tôi không nghĩ Thụy Điển có thể xếp đặt hệ thống chống tham nhũng tại Âu châu vào xã hội Việt nam nếu phía VN không muốn. Nhưng nếu phía VN muốn được giúp đỡ, chúng tôi sẽ sẵn lòng.".
Hệ thống chống tham nhũng tại Âu châu là hệ thống của một chế độ theo nguyên tắc pháp trị. Có theo nguyên tắc pháp trị thì mới dùng luật pháp mà chống tham nhũng được. Còn chế độ đảng trị thì vì phải dùng quyền lợi ràng buộc người dưới nên việc để cho người dưới được tham nhũng, vi phạm pháp luật là cách để giữ người trung thành với guồng máy nên việc chống tham nhũng là tùy thuộc một thiểu số nắm toàn quyền bên trên. Người dân cũng nhìn thấy điều này nên mới nói câu: "Nhà dột từ trên nóc dột xuống". Nếu ở trên dung túng tham nhũng thì dù có luật pháp cấm tham nhũng, tham nhũng vẫn hoành hành. Nhưng guồng máy dùng quyền lợi để ràng buộc nên sinh ra tham nhũng đã biến tham nhũng thành một nếp sống văn hóa. Ai ngoi lên được đỉnh cao của guồng máy thì từ ở dưới đã ngập đầu trong tham nhũng rồi không còn có đủ ý chí và lương tâm để chống tham nhũng khi lên được trên cao.
Thụy Điển viện trợ tiền cho Việt Nam chống tham nhũng chỉ để nuôi béo tham nhũng trong khi tham nhũng giả vờ tổ chức buổi hội thảo để làm ra vẻ sốt sắng chống tham nhũng.
Bệnh thối nát đã ăn sâu vào xương vào tủy của chế độ rồi, làm sao chữa được.
No comments:
Post a Comment