Friday, December 10, 2010

Lưu Hiểu Ba, sĩ phu thời đại mới



Lưu Hiểu Ba và những người tranh đấu cho dân chủ đang hoàn thiện một nước Trung Hoa mới, với chính quyền được phân quyền để giảm bớt sự lạm quyền, người dân phải được bảo vệ không bị nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực mà hà hiếp. Những người này trong tay họ chỉ có ngòi bút mà thôi. Về lâu về dài, ngòi bút sẽ thắng.




Lưu Hiểu Ba, sĩ phu thời đại mới
Minh Đức

Năm 1989, khi vụ biểu tình tại Thiên An Môn của sinh viên Trung Quốc bị quân đội bắn vào, nhiều nhà báo, chính trị gia trên thế giới lên tiếng lên án vụ đàn áp này . Trong số các nhà báo Tây phương lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền thì có nhà báo bình luận rằng vụ bắn vào sinh viên sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến xã hội Trung Quốc vì văn hóa Trung Quốc có truyền thống trọng kẻ sĩ, nghĩa là những người trí thức. Một chính quyền bắn vào kẻ sĩ thì chính quyền đó sẽ bị người dân nhìn với con mắt ác cảm và sẽ sinh ra những sự chống đối về lâu về dài. Ký giả đó không nhìn sự việc với các giá trị của xã hội Tây phương mà dùng giá trị của văn hóa Trung Hoa để đánh giá vụ đàn áp Thiên An Môn.

Lưu Hiểu Ba (thứ 2 từ bên trái) cùng các bạn biểu tình tại Thiên An Môn

Hai mươi năm qua, phong trào dân chủ tại Trung Quốc vẫn tồn tại và phát triển với các khuôn mặt đã từng tham gia cuộc biểu tình tại Thiên An Môn cho thấy lời tiên đoán của ký giả Tây phương kia là đúng. Lưu Hiểu Ba là một trong những người đó và những hoạt động của Lưu Hiểu Ba tượng trưng cho sự tranh đấu bền bỉ của sĩ phu Trung Hoa thời nay.

Cuộc đời của Lưu Hiểu Ba là sự tranh đấu liên tục cùng vớI tù đầy từ sau vụ biểu tình ở Thiên An Môn. Sau vụ biểu tình tại Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba bị tù hai năm từ 1989 cho đến 1991. Bốn năm sau, 1995, Lưu Hiểu Ba lại vào tù sáu tháng vì các hoạt động liên quan đến nhân quyền, dân chủ. Vài tháng sau đó, Lưu Hiểu Ba lại bị bắt đi cải tạo ba năm từ 1996 đến 1999 mới được tha về. Đến năm 2008, Lưu Hiểu Ba tham gia trong việc viết ra Hiến Chương 08, tuyên bố đòi hỏi dân chủ cho Trung Quốc và bị kết án tù mười một năm từ 2009 cho đến năm 2020.

Người ký giả Tây phương nói rằng giới sĩ phu đóng vai trò quan trọng trong xã hội Trung Hoa quả là am tường về lịch sử, văn hóa Trung Hoa. Nền văn minh Trung Hoa được sinh ra mà không có tôn giáo nào đi kèm. Tại Tây phương thì Thiên Chúa Giáo đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức để mọi người noi theo. Nền văn minh Ấn Độ thì có đạo Bà La Môn, nền văn minh Ả Rập thì có Hồi giáo dạy cho dân ăn ở cho có đạo đức. Còn tại Trung Hoa thì chính các Nho sĩ, tức là các sĩ phu làm công việc giáo dục cho dân ăn ở cho có đạo đức. Họ làm công việc mà các tu sĩ của các nền văn minh khác làm. Chính các tôn giáo ở các nền văn minh khác nhau và Nho giáo tại Trung Hoa đã thuần hóa quyền lực của các bậc vua chúa. Các nhà Nho đề ra tiêu chuẩn đạo đức cho nhà vua và đòi hỏi từ thiên tử cho đến thứ dân đều phải lấy tu thân làm gốc.

Gọi Lưu Hiểu Ba là con người của thời đại mới là vì Lưu Hiểu Ba đang tham gia vào việc hình thành một chế độ chính trị mới cho Trung Quốc. Trung Quốc trải qua một sự thay đổi chế độ chính trị vào cuối đời Chiến Quốc. Tần Thủy Hoàng gồm thâu sáu nước, thống nhất Trung Quốc và không cai trị theo lối chế độ phong kiến trước đó. Trước đó nhà vua cắt đất phong cho con cháu, họ hàng để thành các tiểu quốc phục tùng sự cai trị của nhà vua. Chế độ này đưa đến việc các tiểu quốc thôn tính lẫn nhau. Tần Thủy Hoàng không cắt đất phong cho con cháu để cùng nhau cai trị Trung Quốc mà dùng quan lại do vua cắt cử đến các tỉnh để cai trị. Các quan lại này không nhất thiết là họ hàng nhà vua mà là bất cứ ai có tài năng. Như vậy nhà vua tập trung hết quyền hành vào tay mình và không còn nạn các tiểu quốc không vâng lời thôn tính lẫn nhau. Đây là chế độ quân chủ. Quân là vua, quân chủ là chế độ vua làm chủ. Không còn là chế độ phong kiến, phong hầu, kiến địa (phong hầu, cắt đất) của thời trước nữa.

Sự hình thành chế độ quân chủ được khởi đầu dưới chế độ nhà Tần nhưng chưa được hoàn thiện. Sau khi nhà Tần sụp đổ vì quá tàn ác, hà khắc, nhà Hán tiếp tục hoàn thiện chế độ quân chủ mà Tần Thủy Hoàng đặt ra. Nhà Hán dùng Nho giáo làm tư tưởng chủ đạo nên đã thuần hóa quyền lực nhà nước, làm cho chính quyền trở nên khoan dung với dân hơn, không khắt khe, tàn ác như thời nhà Tần. Nho giáo tuy dạy dân trung thành với vua nhưng cũng đề cao đức nhân, nghĩa là lòng thương người, mà cả nhà vua cũng phải tôn trọng. Chế độ quân chủ này tồn tại y như vậy hàng ngàn năm từ năm 206 trước Công Nguyên cho đến khi nhà Thanh bị Tôn Dật Tiên làm cuộc Cách Mạng Tân Hợi, 1911, mớI chấm dứt.

Sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi, Tôn Dật Tiên định thành lập chế độ cộng hòa nhưng rồi xảy ra tranh chấp Quốc Cộng đưa đến phe Cộng Sản thắng. Sau đó tại Hoa Lục và Đài Loan theo hai chế độ chính trị khác nhau. Mao Trạch Đông và những người cộng sản Trung Quốc tin rằng chế độ mình dựng nên sẽ là chế độ tiến bộ nhất, chế độ cuối cùng của loài người. Nhưng ngày nay chế độ mà Mao dựng lên đã phải thay đổi. Nhiều chính sách thời Mao ngày nay bị xóa bỏ. Như vậy chế độ chính trị mới tại Trung Quốc vẫn còn đang quá trình thành hình, nó chưa ngừng ở chỗ Mao cầm quyền, nó chưa đi đến chỗ hoàn thiện. Những đòi hỏi về nhân quyền, các tiêu chuẩn về nhân quyền, tự do, dân chủ mà Lưu Hiểu Ba đưa ra trong bản Hiến Chương 08 chính là các biện pháp làm thuần hóa quyền lực của nhà nước. Các đòi hỏi phải có sự phân quyền trong chính quyền là để cho các viên chức chính quyền có đủ quyền lực để làm việc công nhưng không có quá nhiều quyền để đi đến chỗ bị lạm dụng, đàn áp dân, gây ra đau khổ cho dân.

Sĩ phu nghĩa là người dân có đi học, nghĩa là trí thức nhưng trong văn hóa Trung Quốc, sĩ phu cũng đi liền với các tiêu chuẩn đạo đức và cách hành xử theo đạo Nho. Sĩ phu là người đọc sách, không phải là loại người dùng đao kiếm nhưng không để ai dùng sức mạnh uy hiếp mình. Vì thế thái độ “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (nghèo hèn không làm đổi chí, uy vũ không làm khuất phục) là thái độ thường thấy nơi sĩ phu. Việc Lưu Hiểu Ba không sợ tù đày, từ 1989 cho đến nay, ông liên tục vào tù ra khám, rồi bị quản chế cho thấy người sĩ phu uy vũ bất năng khuất luôn luôn tồn tại trong xã hội Trung Quốc.

Tuy không dùng sức mạnh gươm đao, nhưng người trí thức Nho giáo có ảnh hưởng đến xã hội và chính quyền vì họ là người có kiến thức, họ đề ra được cách thức tổ chức xã hội mà người dân sống hòa thuận, tốt đẹp hơn là cách cai trị bằng bạo lực. Điều này không riêng gì văn minh Trung Quốc và tại các nền văn minh khác qui luật này cũng xảy ra. Vì thế mà Napoléon Bonaparte, một người tuy giỏi cầm quân nhưng cũng phải nói: “Trong sự tranh đấu giữa ngòi bút và lưỡi gươm, lúc đầu lưỡi gươm thắng nhưng về lâu về dài thì ngòi bút sẽ thắng”. Ngòi bút thì không thể dùng đấu với gươm nhưng ngòi bút tượng trưng cho sự hiểu biết về cách tổ chức xã hội cho có qui củ, cho có luật lệ.

Chế độ đảng trị tại Trung Quốc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay nhà nước trong khi luật lệ thì không được nhà nước tôn trọng. Lưu Hiểu Ba và những người tranh đấu cho dân chủ đang hoàn thiện một nước Trung Hoa mới, với chính quyền được phân quyền để giảm bớt sự lạm quyền, người dân phải được bảo vệ không bị nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực mà hà hiếp. Những người này trong tay họ chỉ có ngòi bút mà thôi. Về lâu về dài, ngòi bút sẽ thắng.



Chiếc ghế dành cho Lưu Hiểu Ba được để trống trong buổi lễ trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba vì Lưu Hiểu Ba đang ở tù và nhà cầm quyền Trung Quốc không cho họ hàng, bạn bè của Lưu Hiểu Ba xuất ngoại để nhận giải thay.

No comments:

Post a Comment