Friday, February 18, 2011

Dựng tượng Tần Thủy Hoàng, Trung Hoa thời xưa không làm

 Tượng Tần Thủy Hoàng, mới được dựng lên sau này tại Trung Quốc

Nhưng luật lệ của nhà Tần quá khe khắt khiến cho người dân trở thành công cụ của quốc gia. Luật lệ khe khắt bất chấp tâm tư, hạnh phúc của người dân. Như thế quốc gia không còn phục vụ cho hạnh phúc của người dân mà toàn thể người dân phải hy sinh hạnh phúc của mình để phục vụ cho quốc gia, mà quốc gia ở đây tức là cho bản thân Tần Thủy Hoàng, giòng họ nhà Tần và tầng lớp quan lại cai trị bên trên.




Dựng tượng Tần Thủy Hoàng, Trung Hoa thời xưa không làm




Ngày nay, khi chế độ tại Trung Quốc để cho thuyết Mác xít mờ nhạt dần, đồng thời phục hồi văn hóa, lịch sử cũ thì sách bàn về Khổng giáo được lưu hành lại, tượng Khổng Tử được dựng và đồng thời tượng của nhiều nhà chính trị, nhà thơ thời xưa, trong đó có tượng của Tần Thủy Hoàng và cả tượng của Thương Ưởng, người đã giúp nhà Tần xây dựng chế độ pháp trị, rồi sau đó nhà Tần đánh bại sáu nước khác trong nước Trung Hoa để gồm thâu thành một nước duy nhất . Đồng thời với việc dựng lại tượng Tần Thủy Hoàng là xuất hiện luận điệu ca tụng Tần Thủy Hoàng có công thống nhất đất nước.


Tần Thủy Hoàng là người có sự nghiệp ảnh hưởng lớn đến nước Trung Hoa, các việc làm của ông được sử gia ghi lại nhưng các nhà Nho không ca tụng Tần Thủy Hoàng vì hai lý do chính:

- Việc làm của Tần Thủy Hoàng vì lòng tham, dục vọng, không phải xuất phát từ lòng tốt muốn lo cho dân, cho nước .

- Tần Thủy Hoàng đối với dân quá ác .

Quả đúng là Tần Thủy Hoàng có công lớn trong việc thống nhất Trung Hoa . Sử gia ghi lại là sau khi thống nhất, Tần Thủy Hoàng bắt các xe phải có cùng bề ngang để có thế làm đường cho các xe lưu thông trên khắp nước, bắt tất cả mọi vùng đều phải dùng chữ viết giống nhau. Trước đó, vì Trung Hoa chia ra thành nhiều nước trong thời gian dài hàng trăm năm nên đường xá, kích thước xe cộ, chữ viết của các nước không giống nhau. Tần Thủy Hoàng cũng thống nhất các đơn vị đo lường. Nhưng việc Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa là vì lòng tham quyền lực, muốn bành trướng sự thống trị của mình . Lòng tham đó càng thấy rõ khi Tần Thủy Hoàng lập Cung A Phòng với ba ngàn gái đẹp riêng cho mình, lại bắt dân làm lụng, cực khổ để xây đền đài cung điện tráng lệ cho mình . Tần Thủy Hoàng là biểu tượng của sự thắng lợi của dục vọng, của lòng ích kỷ, không phải là biểu tượng của sự vô tư, bất vụ lợi khi làm việc công.

Theo Nho giáo mẫu người đáng đề cao là mẫu người làm vì muốn làm tốt cho con người, cho xã hội, làm vì muốn làm tốt cho chính công việc đó chứ không phải là làm vì động cơ ham lợi, ham quyền hay ham danh.


Y phục một vị tướng thời nhà Tần

Một vị tướng thời nhà Tần cưỡi ngựa


Tần Thủy Hoàng thắng được các nước khác nhờ cách cai trị theo lối dùng luật pháp bắt mỗi người dân phải đóng góp cho sức mạnh của quốc gia. Chế độ nhà Tần là một bộ máy chiến tranh toàn hảo có hiệu quả rất cao biến mỗi người dân thành một bánh xe trong guồng máy, phải quay theo guồng máy, không được cưỡng lại. Đó là chế độ độc tài toàn trị đầu tiên của nhân loại được ghi trong sử. Nhưng luật lệ của nhà Tần quá khe khắt khiến cho người dân trở thành công cụ của quốc gia. Luật lệ khe khắt bất chấp tâm tư, hạnh phúc của người dân. Như thế quốc gia không còn phục vụ cho hạnh phúc của người dân mà toàn thể người dân phải hy sinh hạnh phúc của mình để phục vụ cho quốc gia, mà quốc gia ở đây tức là cho bản thân Tần Thủy Hoàng, giòng họ nhà Tần và tầng lớp quan lại cai trị bên trên.

Các nhà Nho cực lực lên án lối chế độ nhà Tần bắt dân phải rình mò, dò xét lẫn nhau để báo cáo cho chính quyền. Chế độ nhà Tần lập ra chính sách Ngũ Gia Liên Bảo, năm gia đình dò xét lẫn nhau. Năm gia đình được đặt thành một tổ. Mỗi người người đều phải dò xét những người khác nếu thấy ai vi phạm pháp luật thì phải báo cáo ngay cho chính quyền, nếu không khi việc phạm pháp bị chính quyền khám phá ra thì cả năm nhà đều bị trị tội. Chính sách này làm cho mọi người dân đều sống trong nơm nớp, lo sợ, không ai dám tin ai. Trong nhà cha, con, vợ, chồng không tin lẫn nhau, hàng xóm láng giềng nhìn nhau với con mắt ngờ vực, dò xét. Cuộc sống như vậy không còn gì là hạnh phúc.

Nhà Tần đặt ra luật pháp để cưỡng bắch bắt mọi người đều phải ra sức làm việc, làm điều có lợi cho nhà nước. Ai nấy đều phải có công ăn việc làm, ai không có việc làm thì bị bắt đi làm nô lệ, lao động nặng tại các vùng rừng núi, xa xôi, xây thành, đắp đường. Ông Nguyễn Gia Kiểng sau khi đi thăm Trung Quốc, xem triển lãm về Tần Thủy Hoàng có kể đời nhà Tần có điều luật qui định trong lúc lao động ai khiêng một phiến đá mà làm rơi vỡ thì bị tội chém. Điều này cho thấy sự khe khắt ghê gớm của luật pháp nhà Tần. Những người mệt mỏi, lỡ tay làm rơi phiến đá cũng có thể bị chém. Nó cũng cho thấy là vì người dân bị cưỡng bách lao động nên có kẻ bất mãn, tìm cách giả vờ làm cho các dụng cụ, vật liệu bị hư hỏng để phản kháng hoặc để bớt phải làm việc. Để đối với với sự phản kháng ngầm đó, nhà nước phải làm luật thêm khe khắt để cưỡng bách dân cho có hiệu quả hơn.


Tượng nàng Mạnh Khương, mới được dựng sau này

Đông đảo người dân bị cưỡng bách đi xây thành, đắt đường, xây lâu đài dinh thự cho vua, xây mồ mả, lăng tẩm cho vua nên làm cho cha xa con, vợ xa chồng. Đời sau còn truyền tụng câu chuyện nàng Mạnh Khương đan áo, đi tìm đưa cho chồng tại Vạn Lý Trường Thành, khi biết chồng bị chết Mạnh Khương khóc đến nỗi nước mắt làm trôi một khúc Vạn Lý Trường Thành. Câu chuyện có chỗ phóng đại, cường điệu nhưng nó mô tả tình cảnh của người dân dưới thời nhà Tần gia đình, tình thân bị chia lìa.

Vì luật lệ quá khe khắt, nên trong sinh hoạt hàng ngày, người dân không tránh khỏi có lúc vi phạm điều luật nào đó, người dân phải nói dối, che dấu việc làm thật của mình vì thế trong xã hội sinh ra thói dối trá, ai cũng giả vờ ngoài mặt mình là người tốt, chấp hành pháp luật của nhà nước, nhưng hễ có dịp không ai nhìn thấy thì làm bậy.

Tuy nhà Tần xây dựng được một quốc gia hùng mạnh về quân sự, kinh tế nhưng đời sống người dân không có hạnh phúc. Các nhà Nho sau này đánh giá các chế độ bằng cách xem đời sống người dân có được hạnh phúc hay không. Đây là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá một chế độ, chứ không phải là xem chế độ đó có quân đội hùng mạnh hay không, có bành trướng được nhiều hay không. Chế độ nhà Tần tuy làm được nhiều điều to lớn cho quốc gia, nhưng người dân không có hạnh phúc thì không phải là chế độ đáng khen và đáng noi theo.

Trong các đời sau, mỗi khi có người đề nghị phải làm luật lệ cho chặt chẽ thì có nhà Nho đem tấm gương nhà Tần ra để can ngăn nói rằng luật lệ quá khe khắt thì dân không còn có thể sinh hoạt được nữa mà sinh ra thói giả dối, gian xảo.

Tần Thủy Hoàng và chế độ độc tài toàn trị của nhà Tần được các nhà Nho xem là tấm gương xấu phải tránh để khỏi làm hại dân. Sau khi nhà Tần sụp đổ, Lưu Bang lập nên nhà Hán, giữ nhiều điều do Tần Thủy Hoàng lập ra như các đơn vị đo lường thống nhất, thống nhất chữ viết, chia nước thành quận huyện... nhưng không làm luật pháp khe khắt quá mức như đời nhà Tần. Hàng ngàn năm sau, các triều đại khác cũng theo cách của nhà Hán để cho dân sống thong thả. Vì thế thời xưa không thấy Trung Quốc làm tượng để đề cao Tần Thủy Hoàng.

Minh Đức

Tượng Thương Ưởng mới được dựng sau này .
Thương Ưởng làm tướng quốc, giúp vua Tần xây dựng chế độ độc tài toàn trị

No comments:

Post a Comment