Monday, February 21, 2011

Bình luận: Hội thề, tiểu thuyết lịch sử hay phản lịch sử?


Bàn về bài phê bình Hội Thề của Trần Mạnh Hảo:

Qua những đoạn trích trong bài này thì Ng Quang Thân không viết truyện này để bôi bác những tướng sĩ theo Lê Lợi mà chỉ muốn mô tả lịch sử trần trụi và tàn nhẫn, không tô vẽ, màu mè. Trong lịch sử, vào thời loạn thì những kẻ ít học thức, nhưng gan dạ, nhiều mưu kế, sảo quyệt là những kẻ dám đứng ra đánh nhau chứ không phải là hạng Nho sĩ, trí thức trói gà không chặt. Thời xưa có câu “Tú Tài tạo phản tam niên bất thành”, cho thấy trong tình trạng nhiễu nhương, hạng trí thức bất lực lại không bằng những kẻ thất học dám tuốt gươm đánh nhau.

Nhưng những kẻ ít học nhưng dám đánh nhau đó lại có những tật xấu của họ như tham lam, tàn nhẫn, hiếu sắc. Rồi khi lên cầm quyền được lại sinh ra xa hoa, dâm dật, lạm quyền. Hội Thề là cuốn truyện mô tả tình trạng thời loạn, giới trí thức cùng giới ít học sát cánh nhau chiến đấu.

Điều này vẫn thường thấy xảy ra trong xã hội Trung Hoa. Lưu Bang dựng nên nhà Hán, Chu Nguyên Chương dựng nên nhà Minh đều là những kẻ ít học, khinh bỉ trí thức, dùng trí thức nhưng không tin. Lưu Bang có lần đã lột mũ của một Nho sinh rồi tụt quần đái vào tỏ ý khinh bỉ bọn trí thức chỉ biết làm văn thơ, không biết đánh nhau, hay nói “Trẫm ngồi trên yên ngựa mà được thiên hạ cần gì bọn đọc sách, làm thơ”. Sử Ký Tư Mã Thiên chép ngày ăn mừng chiến thắng các tướng sĩ của Lưu Bang uống rượu say rồi sinh ra cãi cọ, đánh nhau. Có kẻ rút kiếm đuổi chém kẻ khác, chém cả vào cây cột lớn trong cung điện. Lưu Bang ngồi trên chứng kiến cảnh đó rất ngao ngán, nói rằng: “Tưởng làm vua như thế nào chứ làm vua như thế này thì có gì hơn làm thằng nhà giàu”. Rồi Lưu Bang lại phải dùng Nho sĩ để định lễ nghi trong triều đình, ổn định trật tự xã hội. Chu Nguyên Chương vì ít học nên rất nghi kỵ giới trí thức. Đọc sách thấy có chữ gì nghi là có ý nói xỏ xiên mình thì ra lệnh chém người viết sách.

Truyện Hội Thề làm cho người đọc liên tưởng đến phong trào CS. Các cán bộ CS nhiều người ít học, nhờ can đảm, quỉ quyệt mà đánh thắng quân thù, lên nắm quyền lực. Nhưng rồi sinh ra xa hoa, dâm dật, lạm quyền.

Minh Đức




Dưới đây là bài viết của Trần Mạnh Hảo được đăng trên Thông Luận:

Hội thề, tiểu thuyết lịch sử hay phản lịch sử?

Tác giả: Trần Mạnh Hảo

Hội thề là tên cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Quang Thân, do NXB Phụ Nữ ấn hành đầu năm 2009, viết về giai đoạn cuối cùng của nghĩa quân Lam Sơn sau trận đại thắng quân Minh ở Chúc Động, Tốt Động, Chi Lăng.

Năm 2010, tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân được Hội nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng hạng A cuộc thi tiểu thuyết (2006-2010) có 247 nhà văn dự thi. Xin quý vị vào http://goole.com, đánh từ khoá Hội thề sẽ hiện ra mấy chục bài báo ca ngợi hết lời cuốn sách này của Nguyễn Quang Thân.

Đầu năm 2009, khi ra hiệu sách, chúng tôi đã toan mua cuốn này, nhưng thử đọc bốn dòng đầu: “ Trời đất xám xịt, cùng một màu, dồn nén và bất trắc. Hai người cưỡi ngựa phi nước đại trên con đường mòn giữa bãi ngô. Ngô uốn lượn bí ẩn như cái bẫy đang chờ sập xuống…”, chúng tôi bèn tắc lưỡi: viết tào lao, năm 1427, năm Lê Lợi tiếp nhận sự đầu hàng của Vương Thông, cũng là năm diễn ra các sự kiện của cuốn tiểu thuyết này, thì Việt Nam ta làm gì đã có cây ngô mà Nguyễn Quang Thân dám tả như thế? Hư cấu kiểu này, khác gì tác giả tả cảnh đầu thế kỷ thứ 15, Nguyễn Trãi và người vợ lẽ của ông là Nguyễn Thị Lộ vừa uống cà phê vừa hát ca ra ô kê (!).

Xin quý vị vào http://google.com, đánh từ khoá “Ngô” sẽ tìm thấy trong từ điển mạng Wikipedia nói về nguồn gốc cây ngô như sau:

    “Ngô, bắp hay bẹ (danh pháp khoa học: Zea mays L. ssp. mays) là một loại cây lương thực được thuần canh tại khu vực Trung Mỹ và sau đó lan toả ra khắp châu Mỹ. Ngô lan toả ra phần còn lại của thế giới sau khi có tiếp xúc của người châu Âu với châu Mỹ vào cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16”.

Nên nhớ cây ngô sinh ra từ Trung Mỹ, sau khi Christopher Columbus (1451-1506) tìm ra Mỹ Châu, cây ngô mới được các lái buôn mang về trồng tại châu Âu rồi lan toả ra khắp thế giới. Năm 1427, khi Phạm Vấn băng qua bãi ngô ven sông Hồng theo cách tả phi hiện thực của Nguyễn Quang Thân, người tìm ra Mỹ châu 24 năm sau mới sinh, thì cây ngô sao có được ở đại lục Âu-Á hả trời?

Viết truyện lịch sử trước hết phải tôn trọng sự thật lịch sử, tuy rằng cần phải có hư cấu mới thành tiểu thuyết; nhưng việc hư cấu ra cây ngô khi nó chưa có mặt trên cõi Việt Nam như tác giả Hội thề đã viết thì chỉ là sự hư cấu phi hiện thực.

Trong Hội thề, tác giả cũng từng hư cấu ra bao nhiêu thứ phi lịch sử.

Ví dụ khi tác giả viết về bà Nguyễn Thị Lộ vào năm 1427: “Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ (tức Nguyễn Thị Lộ)…” Xin thưa, chức đại học sĩ của bà Lộ mãi đến mười năm sau mới có, khi sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua thích vợ của thừa chí Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ gọi vào cung làm lễ nghi học sĩ”…

Ở trang 324, tác giả tả cảnh người dân Thăng Long ăn mừng đại thắng quân Minh dưới Khuê Văn Các. Thưa rằng, Khuê Văn Các do Tổng trấn Bắc hà Nguyễn Văn Thành xây từ năm 1802, tức là tác giả đã bịa ra Khuê Văn Các trước khi nó được xây dựng tới 375 năm. Bó tay!

Trang 307, tác giả tả Vương Thông cưỡi ngựa chạy trên đường Cổ Ngư. Thưa hơn ba trăm năm sau sự kiện này đường Cổ Ngư mới được dân ba xã quanh Hồ Tây đắp nên, làm gì có đường cho quân Minh phi ngựa lúc đó?

Tiền thân của tiểu thuyết Hội thề là kịch bản phim truyện “Hội thề Đông Quan” của chính tác giả, đã được giải nhất cuộc thi kịch bản phim truyện trong cuộc thi viết kịch bản phim mừng 1000 năm Thăng Long. Trớ trêu thay, kịch bản giành giải nhất này không được dựng thành phim vì như tác giả trả lời phỏng vấn nhà văn Nguyễn Quang Lập báo Sài Gòn Tiếp Thị như sau:

    «Chỉ nghe nói dựng phim Hội Thề Đông Quan là một việc nhạy cảm, không được phép, thế thôi!»

Nhà văn Bảo Ninh từng tiết lộ sở dĩ kịch bản Hội thề không được dưng phim là do “nhạy cảm”:

    “một người trong ngành văn hoá cho biết rằng, có nhiều lý do lắm ạ, mà lý do thấy rõ nhất là “tính nhạy cảm”. Hội thề, tuy là hội thề để đem lại hoà bình, nhưng vẫn liên quan đến đại thắng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, mà như thế thì… không có lợi”

Thì ra là thế!

Từ kịch bản phim truyện rất hoành tráng tả cảnh chiến thắng oai hùng (rất cứng) của Lê Lợi trước quân Minh, tác giả đã sửa cho “mềm” hơn khi triển khai thành tiểu thuyết.

Có lẽ, vì muốn tiểu thuyết Hội thề “mềm” hơn kịch bản phim “ Hội thề Đông Quan”, để khỏi bị chê là “nhạy cảm”, hợp với quốc sách “16 chữ vàng” hơn mà Nguyễn Quang Thân đã bị nhà văn Trần Hoài Dương chê là “Hội thề nhằm bôi nhọ nghĩa quân Lam Sơn và ca ngợi giặc Minh” (trên web http://lethieunhon.com được http://trannhuong.com đưa lại), khiến thiên hạ mới chú ý đến cuốn sách này ? Sau tết nguyên đán, nhà văn Hoàng Tiến đã cho in bài “Sáng tác cần tôn trọng lịch sử” trên http://trannhuong.com, phê bình Hội thề một cách khá khoa học, nghĩa là mọi kết luận đều có dẫn chứng:

    “… một cuốn sách như thế mà trao giải nhất về tiểu thuyết, thì ban chấm giải cần xem lại. Có chịu sức ép ở đâu không? Ban giám khảo có công bằng trong giám định không? Đọc có kỹ không? Trình độ ban giám khảo thế nào? Tôi cũng có một suy nghĩ như nhà văn Trần Hoài Dương…” (nghĩa là Hội thề ca ngợi giặc Minh và hạ bệ nghĩa quân Lam Sơn)…

Từ hai bài viết của Trần Hoài Dương và Hoàng Tiến, người ta mới chú ý đến tiểu thuyết Hội thề.

Chúng ta đều biết, trong các giặc phương Bắc xâm lược từ Ân, Thương, Tần, Hán , Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh… xâm lược nước ta thì quân Minh là thứ giặc tàn bạo nhất, độc ác, gian hiểm nhất.

Minh Thành Tổ (Chu Đệ) (1402-1424) đã sai các tướng Chu Năng, Trương Phụ, Mộc Thạnh cầm đầu đoàn quân viễn chính sang xâm chiếm Đại Ngu, đã đánh bại nhà Hồ và bắt cha con Quý Ly đưa về Trung Quốc. Sau khi nhà Hồ sụp đổ, ông đã đặt Bố chính ti để cai trị đất Đại Việt.

Khi đoàn quân viễn chinh sắp lên đường, Thành Tổ ra lệnh cho tướng Chu Năng:

    “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở của đạo Phật và đạo Lão, còn thì mọi sách vở, văn tự, cả những dân ca, sách dạy trẻ (…) đều phải đốt hết, một mảnh, một chữ cũng không chừa. Những bia nào Trung Hoa xây dựng từ trước thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá huỷ cho hết… ”
    (Trích: Wikipedia)

Lịch sử Việt Nam (sách giáo khoa) dạy học trò viết:

    “Quan lại nhà Minh thi hành chính sách triệt để cướp bóc, vơ vét chỉ trong 6 tháng xâm lược, quân Minh đã cướp của nước ta 235.900 con voi, ngựa, trâu bò; 13.600.000 thạch thóc; 8.670 chiếc thuyền và nhiều vàng bạc, châu báu đem về Trung Quốc. Chính quyền đô hộ tăng thuế ruộng đất lên gấp ba lần (bằng cách bắt ghi một mẫu thành ba mẫu) so với thời nhà Hồ. Tất cả nghề thủ công, buôn bán, v.v. đều bị đánh thuế. Chính quyền đô hộ kiểm soát việc sản xuất muối, nắm độc quyền buôn bán muối. Người đi đường chỉ được phép mang nhiều nhất là ba bát muối. Nhân dân còn phải cưỡng bức đi khai thác vàng, bạc, mò ngọc trai dưới biển, khai thác lâm thổ sản, các hương liệu quý, đi lao dịch. Nhiều người còn bị bắt làm nô tỳ, hoặc bị bắt đưa về Trung Quốc, phục dịch bọn quan lại nhà Minh. Năm 1407, Trương Phụ bắt đem về nước 7.700 thợ thủ công. Nhiều thầy thuốc, thợ thủ công, dân phu, phụ nữ, trẻ con, đào hát, phường nhạc cũng bị bắt đem về Trung Quốc.

    Quân Minh còn cướp ruộng đất của nhân dân chung quanh trại của chúng, biến thành đồn điền giao cho quân lính cày cấy.

    Đồng thời, các quan lại nhà Minh còn ráo riết thi hành chính sách ngu dân, đồng hoá dân tộc.

    Trong suốt hai mươi năm đô hộ nước ta (1407-1427), chính quyền đô hộ nhà Minh đã thực hiện nhiều chính sách và biện pháp từ tinh vi đến trắng trợn nhằm xoá bỏ quá khứ đấu tranh, dựng nước và giữ nước bất khuất của dân tộc ta, thủ tiêu những di sản văn hoá truyền thống tốt đẹp của nhân dân Đại Việt để chiếm đóng vĩnh viễn đất nước ta. Nhà Minh nhiều lần đốt sách vở, kể cả sách học của trẻ em, phá huỷ các bia đá. Tháng 8 – 1418, chính quyền đô hộ tịch thu những sách còn sót lại đem về nước. Nhiều tác phẩm có giá trị về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, quân sự về thời kỳ lịch sử từ thế kỷ XIV trở về trước đều bị cướp hoặc bị thiêu huỷ, trong số đó có bộ Đại Việt sử ký gồm 30 quyển của Lê Văn Hưu, Vạn Kiếp bí truyền, Binh thư yêu lược của Trần Quốc Tuấn, Tứ thư thuyết ước của Chu An, các bộ luật Hình thư, Hình luật của nhà Lý, nhà Trần, Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc, v.v.. Năm 1414, chính quyền đô hộ mở trường học ở phủ, châu, huyện để tuyên truyền, nhồi nhét tư tưởng mê tín với đội ngũ giáo viên là những thầy cúng, thầy chùa, thầy phù thuỷ, đạo sĩ. Chúng bắt nhân dân Đại Việt ăn mặc theo phong tục tập quán người Hán. Năm 1414, cấm con trai, con gái không được cắt tóc ngắn, phụ nữ phải mặc áo ngắn, quần dài”

“Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi từng viết:

    Quân cuồng Minh thưà cơ gây loạn
    Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
    Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
    Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
    Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
    Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
    Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
    Nặng thuế khoá sạch không đầm núi.
    Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
    Ngán thay cá mập thuồng luồng.
    Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
    Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
    Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
    Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
    Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
    Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng.
    Thằng há miệng, đứa nhe răng,
    Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
    Nay xây nhà, mai đắp đất,
    Chân tay nào phục dịch cho vừa ?
    Nặng nề những nổi phu phen
    Tan tác cả nghề canh cửi.
    Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,
    Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi!
    Lòng người đều căm giận,
    Trời đất chẳng dung tha;

Sách Việt sử thông giám cương mục từng viết:

    “Giặc Minh đi đến đâu chém giết thả cửa, chất thây người làm núi, rút ruột người cuốn vào cây, rán thịt người lấy mỡ, làm nhục hình bào lạc để mua vui, mổ bụng người có thai, cắt tay của mẹ và con để dâng cho giặc…”

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:

    “…Những người sống sót bị bắt hết làm nô tì và bị đem đi bán mà tan tác bốn phương…”

Sách Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

viết:

    “Theo Lê Quý Đôn thì “đời nhà Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gởi theo đường sông về Kim Lăng và sau đó nhà Lê ra sức thu thập, nhưng mười phần còn được bốn năm phần”. Tướng giặc Vương Thông còn cho quân phá chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí đàn áp nhân dân ta…” ( tr.13)

Lạ thay, hai tướng giặc là Thái Phúc và Vương Thông được Nguyễn Quang Thân mô tả trong Hội thề là những kẻ rất nhân từ, hào hoa phong nhã, mã thượng, hết lòng thương quý dân Đại Việt, như thể hai kẻ hung thần này chợt biến thành hội viên hội từ thiện quốc tế vậy.

Thái Phúc từng là đô đốc trấn thủ thành Nghệ An, tội ác mà ông ta và binh lính quân Minh gây cho vùng Hoan Ái quả tình không bút nào tả xiết. Thái Phúc đã quy hàng nghĩa quân Lam Sơn vì ham sống sợ chết. Nhờ sự độ lượng và động viên của Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Thái Phúc đã giúp nghĩa quân một số việc ví như tham gia kêu gọi đầu hàng một số thành trì quân giặc chiếm đóng.

Việc tác giả Hội thề mô tả Nguyễn Trãi và Thái Phúc kết giao thân tình kiểu Bá Nha, Tử Kỳ là hư cấu quá đà, không logic; rằng trong hàng ngũ nghĩa quân, Nguyễn Trãi rất cô đơn, chỉ có Nguyễn Thị Lộ là vợ lẽ và Thái Phúc là bạn tâm giao để bớt nỗi u uẩn bị số đông tướng lĩnh võ biền vô học của Lê Lợi tẩy chay. Nên nhớ Nguyễn Trãi từng đậu tiến sĩ, đạo “chính danh” ông thuộc làu làu, không có kiểu ông ngồi trong thuyền đánh cờ huynh huynh đệ đệ cá mè một lứa với kẻ hàng tướng như Nguyễn Quang Thân mô tả. Lạ hơn nữa, quân hồi vô phèng hơn nữa là hình ảnh Nguyễn Trãi, một chính nhân quân tử, nhân vật số hai của khởi nghĩa Lam Sơn lại nhường “khoang mũi ấm cúng luôn có nến thắp sáng” trên thuyền cho Thái Phúc chơi gái… Thái Phúc còn tâm sự với “người bạn” tri kỷ Nguyễn Trãi về đức tính nhân từ rất ư đạo đức của một tướng sĩ Trung nguyên như sau: “Thú thực với huynh, mười năm đánh nhau hết Thanh Hoá đến Nghệ An, đệ không hề biết mùi đàn bà… Kẻ làm tướng có thể cướp một thành, diệt một nước nhưng không được o ép liễu yếu đào tơ…” (tr.23). Với một đội quân xâm lược tàn bạo hơn quân Nguyên như giặc Minh sang cướp nước ta từ năm 1407-1927, cướp của giết người, hãm hiếp đốt phá hãi hùng như thế mà lại có một vị tướng từ bi như Phật sống thế này thì hỏi Nguyễn Quang Thân đang viết truyện lịch sử hay phản lịch sử đây?

Nguyễn Quang Thân tả tiếp bằng cách bộc bạch nội tâm nhân vật Nguyễn Trãi: có vẻ cảm động vì mối tình cao đẹp của hàng tướng Thái Phúc với một cô ca kỹ ông ta cứu trên đường đi thuyết phục Mộc Thạnh trở về. Nguyễn Trãi bèn nhớ đến cảnh các tướng lĩnh nghĩa quân Lam Sơn (phái võ biền vô học – theo cách gọi của Nguyễn Quang Thân) như Phạm Vấn, Lê Ngân, Lê Sát, Nguyễn Chích… nghĩa là đa số các anh hùng quê Thanh Hoá dự hội thề Lũng Nhai (trừ bốn vị Nho sĩ Bắc Hà khoa bảng là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú…) đều là bọn tướng vô đạo, khác hẳn vị hàng tướng nhà Minh Thái Phúc rất thanh cao này, bằng những từ thoá mạ như sau:

    “Họ dũng mãnh trên trận tiền, có thể cầm dáo xông vào doanh trại chém đầu tướng giặc, lúc lên cơn có thể sai lính bắt vào lều những cô thôn nữ ngây thơ để chiếm đoạt trinh tiết của họ. Khi có lệnh chúa công phải giữ nghiêm quân kỷ, họ có thể tự tay chém đầu những kẻ phạm tội cướp hay hiếp, những cái tội chính họ đã từng phạm không ít lần nhưng được bộ hạ giấu nhẹm cho mà thôi. Họ không đủ lòng bao dung để nhìn người khác hạnh phúc, không đủ lòng nhân để rung động trước một yểu điệu thục nữ, không đủ liêm sỉ để tự răn mình…” ( tr. 24)

Sao Nguyễn Quang Thân lại dám nhét vào đầu Nguyễn Trãi những ý nghĩa vô cùng bậy bạ, “phủ nhận sạch trơn” tính nhân văn và tính chính nghĩa của tướng lĩnh Lam Sơn, trong khi lại ca ngợi tướng giặc là hiền nhân quân tử, là nhân bản, nhân tình, là thương dân Việt, chưa từng hãm hiếp một cô gái nào suốt gần hai mươi năm tham chiến ? Vậy thì để giặc Minh đồng hoá nước ta, cai trị dân ta cho rồi, cớ gì phải dùng bọn “tướng lĩnh Lam Sơn” quá ư vô đạo, vô luân, vô học, phi nghĩa kia “giải phóng”? Thế này là thế nào hả trời?

Trong cuốn tiểu thuyết viết rất kém này, Nguyễn Quang Thân luôn dùng các nhân vật làm cái loa phát ngôn của mình. Không, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Tư Tề, Lê Sát, Trần Nguyên Hãn, Lê Ngân, Nguyễn Chích… không thể nghĩ như thế, không thể nói như thế, không thể làm như thế… Tất cả tâm trạng, ý nghĩ của hầu hết nhân vật trong cuốn sách này đều bị bàn tay thô kệch của tác giả áp đặt một cách vô lối và phi lý… Từ đầu đến cuối sách, mặc dù tác giả tả Lê Lợi, Nguyễn Trãi và nhiều nhân vật khác, nhưng tất cả chỉ là hình nộm, chỉ là chiếc loa vô hồn, tất cả chỉ còn một nhân vật nói năng vung vít, đánh tráo thiện ác, địch ta… là chính Nguyễn Quang Thân…

Rất nhiều trang tác giả nhét vào mồm, vào đầu Nguyễn Trãi những lời thoá mạ độc ác tướng lĩnh Lam Sơn, thậm chí còn dùng Nguyễn Trãi làm phát ngôn cho Mao Trạch Đông (tác giả câu nói nổi tiếng: “trí thức không bằng cục phân”) khi quy kết tướng lĩnh Lam Sơn căm thù trí thức bằng những lời rất-Nguyễn-Quang-Thân như sau:

    “Là người từng sống nhiều năm với chúa công và tướng lĩnh Lam Sơn, ông biết họ không thuộc dòng thi thư, niềm vui của họ là tuốt kiếm ra. Dưới mắt họ những kẻ ham đọc sách chỉ là một lũ thầy cúng thầy mo hay vẽ chuyện lung lạc chúa công và tướng sĩ. Phạm Vấn đã nhiều lần lén nhổ nước bọt khi ông đọc thơ. Lê Sát từng nói khi biết chúa công giao một cánh quân lớn cho Trần Nguyên Hãn: “Đưa lính cho cục phân chó ấy thì nó nướng sạch”. Sát nhiều lần mắng mỏ mấy ông đồ coi sổ sách quân lương: “Ngữ các ông không bằng cục phân…” (tr.29)…

Còn đây là sự khinh rẻ, thoá mạ các tướng lĩnh Lam Sơn của Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn Trãi:

    “ …Bọn người vô học trong cái triều đình không ngai…”(tr.40)…

Theo sử, Lê Lợi tuy ở chốn thôn dã nhưng ngài vừa luyện võ vừa đam mê kinh thư, nghĩa là văn võ song toàn, trí dũng toàn tài. Các tướng lĩnh quê Thanh Hoá của ngài tuy học không cao, nhưng cũng có đọc sách, tuy là tướng võ nhưng mưu lược hơn người, hầu như cầm quân đi là chiến thắng… Họ, những tướng lĩnh cùng quê với Lê Lợi là những người trọng chữ thánh hiền, không bao giờ dám khinh rẻ thi thư, càng không căm thù trí thức đến nỗi phải mượn lời của kẻ sinh sau mình 500 năm là Mao Trạch Đông để nguyền rủa trí thức… Nguyễn Quang Thân viết như thế này mà dám gọi là tiểu thuyết lịch sử ư?

Đây là đoạn Nguyễn Quang Thân, sau khi lên án sự vô đạo, vô học, vô văn hoá của tướng lĩnh Lam Sơn, bèn tả hàng tướng nhà Minh Thái Phúc là con người cao cả, tuyệt vời nhân nghĩa và bao dung, hào hoa phong nhã, ngay cả một gái điếm (ca kỹ) mà viên tướng giặc này còn nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, thông qua tâm trạng của nàng ca kỹ:

    “Từng là kỹ nữ chốn kinh kỳ, cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm, đã qua vòng tay nàng không biết bao nhiêu đàn ông trẻ có, già có. Nhưng nàng không thương lấy được một người. Cho đến lúc nàng được gặp ông qua bản vắng. Thoạt tiên, nàng không biết ông là người phương Bắc. Ông nói với nàng tiếng Đại Việt lớ giọng Nghệ, giọng nói ông thô lậu nhưng chân thành, rắn chắc. Ông nhận miếng trầu nàng têm mời. Ông dắt nàng xuống cầu thang gỗ. Bàn tay ông ấm áp, tin cậy. Rồi ông cõng nàng qua suối… Ông ấy yêu nàng, chăm sóc nàng như một công tử tốt bụng lại hào hoa, phong nhã, chẳng chút thô lậu võ tướng…” ( tr. 68)

Thông qua mối tình của hàng tướng Thái Phúc và mối tình của Vương Thông với một cô gái Việt, ta có cảm tưởng đám tướng giặc Minh này đều là những chàng Kim Trọng sang Đại Việt để làm từ thiện, để cứu vớt chúng sinh, để khai hoá, để làm phúc cho dân tộc Việt Nam, chứ không phải sang đây để cốt cướp nước, cốt đốt sách, hãm hiếp con dân Đại Việt như chính sử của ông cha ta từng viết, và tang chứng vẫn còn trong cả Minh sử của Tàu. (Nguyễn Quang Thân tả Vương Thông trước ngày đầu hàng Lê Lợi, nửa đêm, bế người yêu là thiếu nữ Đại Việt từng là vợ y lên ngựa, tặng hết châu báu cho nàng, dắt theo hơn 200 kị binh thiện chiến, mở đường máu vượt qua mấy vòng vây của quân Lam Sơn để mang người yêu Đại Việt về trả cho cha mẹ nàng. Cuộc phá vòng vây máu của tình ái, của cao thượng, của nhân từ hết mực và cao cả sáng trưng chính nghĩa Trung nguyên này của tướng giặc Vương Thông đã thí mạng hơn trăm lính quân Minh và bằng ấy lính Đại Việt…)

Hình ảnh hàng tướng Thái Phúc còn hiện ra qua ngòi bút Nguyễn Quang Thân là một người giàu lòng nhân ái, không bao giờ giết chóc hoặc hành hạ tù nhân Đại Việt. Tác giả kể rằng khi Thái Phúc là vị tướng dẫn một đoàn tù rồng rắn gồm toàn bộ triều đình nhà Hồ và những người tài giỏi của Đại Việt bị bắt sang Trung Quốc, thấy Nguyễn Phi Khanh đi bộ mang nặng kiệt sức ngã lên ngã xuống, tướng giặc này đã tìm một con ngựa gầy gò mời người cha Nguyễn Trãi cưỡi ngựa mà đi vào chỗ chết cho sướng. Thật là nhân đạo thay! Trong khi đó, qua ngòi bút Nguyễn Quang Thân, nghĩa quân Lam Sơn thường chém đầu tù hàng binh:

    “Họ thường chặt đầu tù binh tế cờ…” (tr.199)

Cảnh tác giả tả tướng Lê Sát chém đầu mấy người tù binh xem ra thật tàn ác và rùng rợn. Cảnh tác giả tả nghĩa quân Lam Sơn chém tù binh là hàng tướng Thôi Tụ trước thành Đông Quan để cảnh cáo Vương Thông thật là cảnh man rợ hết chỗ nói. Trong khi Vương Thông, cũng qua ngòi bút tác giả bắt được tù binh Nguyễn Thống, kẻ vừa bắn trật tướng Minh Sơn Thọ, lại được đối đãi quá tử tế và tha mạng cho về. Thật là hai bức tranh trái ngược: quân Minh càng nhân đạo bao nhiêu thì nghĩa quân Lam Sơn càng man rợ, tàn bạo bấy nhiêu.

Đây là hình ảnh các tướng Thanh Hoá của Lê Lợi mà Nguyễn Quang Thân nhét vào mồm Trần Nguyên Hãn, xem ra các tướng cùng Lê Lợi ăn thề thuở Lũng Nhai chỉ là một bọn thổ phỉ không hơn không kém:

    “Một đống của cải giái đẹp tha hồ chia nhau cướp phá hiếp giết cho thoả mãn mười năm nhịn thèm” (tr 253)…

Chúng tôi xin trích những lời Nguyễn Quang Thân phỉ báng, bôi nhọ tận cùng các tướng lĩnh Lam Sơn (trừ có bốn tướng khoa bảng Bắc Hà: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Văn Xảo) thông qua các nhân vật hình nộm mà Nguyễn Quang Thân dùng làm loa phát ngôn cho mình, như sau:

    “Ta đâu có lạ cái máu dê của các người (tr. 84)… “Lê Sát là kẻ học mọn”… “đôi mắt hơi nhỏ bộc lộ tính khí cố chấp, nhiều dục vọng và có chút gì đó thô bạo” ( tr. 96,97)… “bụng hẹp như trôn kim”…(tr. 103)… “Đám công thần can trường dũng cảm nhưng ông biết là vô học, nhiều khi vô đạo, hễ ông quay gót là giở trò ngu ngốc cho thoả cái bất kham của họ” (tr. 111)… “Bọn Vấn, Sát, Ngân vẫn thường thả cửa cho quân tướng lạm dụng đồ tế nhuyễn của riêng tây của giặc Ngô và cả của dân chúng khi tràn vào chiếm lại cái thành phố giàu có nào đó…” (tr. 115)… “Lê Sát rút gươm lia mấy đường, máu phun lên xối xả. Ba cái đầu lâu lăn lóc dưới đất. Đám lính hầu thất sắc, nhớn nhác…”(tr. 117)… “Tranh nhau chiến lợi phẩm” (tr. 134)… “Bọn Sát, Ngân thù ghét, miệt thị Trãi, Hãn ra mặt” (tr. 136)… “Đưa tất cả về Thanh cho bà lớn… Dặn chôn chặt cất kỹ và khâu miệng bọn gia nhân lại…Ta lột được của thằng Hoàng Phúc. Nó lạy như tế sao, nói là vật hộ mạng truyền từ đời cụ kị nhà nó. Ha ha. Bây giờ viên ngọc sẽ hộ mệnh cho họ Phạm này…” (tr. 170)… “Tôi thì chôn sống hết lũ chuyên khua môi múa mép, cái lũ trí thức không bằng cục phân ấy” (tr.171)… “Ta nhường họ phần thanh cao, chỉ xin phần thô tục” ( tr. 172)… “Nó chịu hàng thì tôi bú buồi cho các ông” ( 173)… “Viên tuỳ tướng đứng cạnh con ngựa Thôi Tụ đang cưỡi, lia đường kiếm đánh xẹt. Chưa ai kịp nhìn, đầu Thôi Tụ đã lăn lóc dưới đất, vọt ba tia máu làm đỏ rực đám cỏ” ( tr. 183)… “Các tướng lén cho ngựa thồ vàng bạc lấy của địch về nhà” ( tr.199) … “Kẻ vô học tham lam”… “đám vô học” (tr. 200)… “Cứ có lợi thì chuyện xấu xa mấy người ta cũng làm” (tr.201)…. “Đôi mắt thăm dò sắc như dao và nham hiểm của Phạm Vấn” (tr. 219)…”…

Chúng tôi tin rằng, cuốn sách này có thể sẽ được Trung Quốc dịch in, biết đâu sẽ được giải thưởng lớn từ Bắc Kinh vì nó phục vụ đắc lực cho chiến lược “16 chữ vàng”… của những hậu duệ Minh Thành Tổ, Trương Phụ, Vương Thông… hôm nay.

Lê Tư Tề con bà vợ cả Trịnh Thị Lữ với Lê Lợi là một tướng Lam Sơn văn võ song toàn, một con người theo Nguyễn Quang Thân mô tả là học trò cưng của Nguyễn Trãi, có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, một người chí tình chí nghĩa, thấm nhuần tinh thần đạo lý Nho gia: “trai thì trung hiếu làm đầu”. Thế mà, lạ thay, Nguyễn Quang Thân đã nhét vào đầu Lê Tư Tề một ý nghĩ đại bất hiếu, đại nghịch, “phủ nhận sạch trơn” cha mình – một anh hùng dân tộc, chỉ vì Lê Lợi trót mắng con trai trưởng vì tội dám đánh em ruột cùng cha khác mẹ là Lê Nguyên Long, như sau:

    “Tư Tề dần dần hiểu ra. Ông biết sau lưng mình từ lâu người ta đã có những âm mưu hắc ám. Vua cha bận trăm công nghìn việc đâu có thì giờ tĩnh tâm để phân biệt phải trái, chính tà…”

Cái ý ngĩ quá bậy bạ này Nguyễn Quang Thân nhét vào đầu Lê Tư Tề không phải ngay sau khi ông bị vua cha Lê Lợi mắng, mà đã qua nhiều ngày “từ từ ông hiểu ra”… Nghĩa là sau khi ông nghiền ngẫm rất lâu mới đi tâm sự với Nguyễn Trãi và cho cha mình là kẻ “không phân biệt được phải trái, chính tà”, tức là Lê Lợi qua sự lên án của người con trưởng, chỉ là tên hôn quân bạo chúa…

Ý nghĩ vô đạo này dứt khoát không thể có trong đầu Lê Tư Tề một con người tôn sùng cha mình như Trời Phật, một người coi trung là hiếu, coi hiếu là trung, thà có ai chặt cổ ông, ông cũng không dám nghĩ xấu về cha mình như thế… Bằng kết luận này của Nguyễn Quang Thân áp đặt vào nhân vật Tư Tề, dù tác giả có ca ngợi Lê Lợi bằng nhiều trang sách cũng chỉ là công cốc mà thôi. Sao một vị anh hùng dân tộc, suốt mười năm nằm gai nếm mật với tài cao đức lớn có lòng dân ủng hộ, với bao hi sinh, mười năm kháng chiến (không có sự giúp đỡ hết mình của Liên Xô, Trung Quốc, lại chưa có đảng lãnh đạo) mà vẫn đuổi được giặc Minh, giành lại nước cho chúng ta hôm nay, lẽ nào Nguyễn Quang Thân lại chơi xỏ ngài, vu cho ngài là một người có bộ óc bã đậu, một kẻ tiểu nhân vô học vô luân không phân biệt được phải trái, chính tà… đến như thế này ư?

Lê Lợi người từ bé đã ham mê tập võ nghệ và ham mê đọc sách thánh hiền, theo sử chép, chẳng lẽ lại hiện ra dưới ngòi bút Nguyễn Quang thân như một anh cu trâu mù chữ, như một chú mõ làng láu cá, đê tiện khi hau háu nhìn bà Nguyễn Thị Lộ bằng cái nhìn đầy dục tính, mê đắm một bà vợ thuộc cấp theo tác giả tả là khá xấu và già, lúc đó đã ba mươi bảy tuổi, như sau:

    “Lê Lợi nhìn bà đại học sĩ giống như khi ông muốn xé một con gà luộc bốc hơi nghi ngút…” (tr.11)…

Đây phải chăng là hình ảnh vua Lê Lợi:

    “Ông ( tức Lê Lợi) đói cồn cào, chạy vô bếp kiếm một miếng cơm cháy. Trong một khắc ông không còn là minh chủ, mụ ( tức mụ bếp) quýnh lên còn ông thì làm ( làm tình) vội làm vàng, sợ mấy thằng thị vệ nhìn thấy, nhanh như con gà trống…” (tr.12)?

Với những hình ảnh trên, dù tác giả đã để nhiều trang ca ngợi Lê Lợi, thì chỉ bằng sự quy kết của Lê Tư Tề rằng Lê Lợi là kẻ “không phân biệt được phải trái, chính tà”, thì quả tình Nguyễn Quang Thân đã phủ nhận công việc chính nghĩa sáng ngời của nghĩa quân Lam Sơn là cứu nước, giành lại độc lập dân tộc đã bị nhà Minh cướp mất suốt hai mươi năm, đồng thời tô son trát phấn cho hai viên tướng giặc là những nhà nhân đạo chủ nghĩa, những chính nhân quân tử… Có phải bằng việc này, Nguyễn Quang Thân muốn đánh tráo chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa theo một câu thơ rất sai có xuất xứ từ bên Nga:

    “Trong mọi cuộc chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân cũng bại”?

Không, ngàn lần không! Năm 1427, sau mười năm kháng chiến, vua Lê Lợi đã chiến thắng giặc Minh xâm lược; chiến thắng của Ngài cũng chính là chiến thắng của đất nước và của nhân dân Đại Việt. Nhờ đó mà chúng ta còn có một nước Việt Nam hôm nay.

Cùng với Lê Lợi, Nguyễn Trãi là một nhân vật chính trong Hội thề. Nguyễn Quang Thân đã dành nhiều trang ca ngợi công đức Nguyễn Trãi. Trong chương gần chót có tên “Tứ hải giai huynh”, Nguyễn Quang Thân đã hạ bệ nhà đại trí thức của nước Việt xuống hàng phải nói là quá ngớ ngẩn. Xin chứng minh.
Trang 263, Nguyễn Quang Thân tả cuộc đối đáp của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn với hàng tướng Thái Phúc, y từng khoe đã rước Nguyễn Phi Khanh lên ngựa để đi cho đỡ cực trên đường bị bắt đi đầy sang Trung Quốc:

    “Nguyễn Trãi cười buồn hỏi:

    - Thân phụ tôi nói gì?

    - Người nói: Mang thân kẻ đi đày tôi mới hiểu thế nào là câu “tứ hải giai huynh đệ”. Ở đâu cũng có thể gặp người có nhân. Ngài ít tuổi hơn nhưng xin cho tôi được gọi ngài là anh tôi. Ôi giá như đức Khổng Khâu nói tứ hải giai huynh thì thiên hạ đã thái bình…”

    …

    “Nguyên Hãn ha hả:

    - Hay ! Giá như người Ngô các ông đừng ỉ thế mà biết nói “thiên hạ giai huynh” như ông dượng của tôi thì hay biết mấy”…

    ….

    “Mắt Nguyễn Trãi mờ đi.Ông thì thầm như đang nói mê: “Tứ hải giai huynh ! Thật chí lý. Thế nhưng mấy người làm được vậy ?” (tr.265)

Nguyễn Quang Thân sao dám mang cái bất cập của mình mà gán cho cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi như thế? Câu thành ngữ: “Tứ hải giai huynh đệ” không phải là câu của Khổng Tử mà là một câu ngạn ngữ cổ Trung Hoa. Theo cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Hoa Việt dày 1156 trang, do Lê Khánh Trường-Lê Việt Anh dịch – GS. Lê Trí Viễn hiệu đính, NXB Văn Hoá và Thông Tin 1998, trang 808, định nghĩa như sau:

    “Tứ hải chi nội giai huynh đệ”: Năm châu bốn biển đều là anh em. Hết thảy mọi người đều nên giúp đỡ lẫn nhau, như người một nhà. Năm châu bốn biển đều là anh em: tứ hải giai huynh đệ”.

Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn là những người thông kim bác cổ, không đời nào các ông lại nhầm câu thành ngữ trên là của Khổng Khâu. Vả, các vị trí thức lớn Đại Việt trên không ngu dốt đến mức bỏ đi một từ trong câu ngạn ngữ kia để thành: “Tứ hải giai huynh” vừa vô nghĩa, vừa ngầm phục vụ cho mộng bá chủ thiên hạ của các hoàng đế Trung Nguyên. “Tứ hải giai huynh” chỉ có nghĩa là: “bốn biển đều là anh” hay “bốn biển đều là của anh”. Nếu cả ba vị trên đều tâm đắc với câu ngạn ngữ cụt đuôi trên, tức là họ đã mắc mưu Thái Phúc, kẻ vừa bịa ra lời Nguyễn Phi Khanh để lừa dân Việt: “bốn bể đều là anh hai Hoa Hạ, bốn biển đều là của anh hai Đại Hán” để truyền chỉ mệnh lệnh thiên triều: bốn bể đều là của hoàng đế Trung Hoa, dưới gầm giời này không chỗ nào không thuộc quyền trẫm”. Như vậy, có khác nào chính Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn đã nhờ Nguyễn Quang Thân công khai tuyên bố với bàn dân thiên hạ rằng: Nước Việt Nam ta muôn đời chỉ là thuộc quốc của Trung Hoa? Như thế này có phải là phản “Bình Ngô đại cáo” hay không ?

Thông điệp “Tứ hải giai huynh” mà Nguyễn Quang Thân dùng các nhân vật trên để phát ngôn có phải là tư tưởng chủ đề của tác phẩm Hội thề vừa được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng hạng A chăng?

Sài Gòn chủ nhật 13-02-2011
Trần Mạnh Hảo

© Thông Luận 2011

No comments:

Post a Comment