Thursday, February 4, 2016

Khu vực văn hóa Nga bị co lại dần

Ukraine đang hạ tượng Lenin
Bản tin với tựa đề như “Khối NATO tiến về phía Đông” làm cho người đọc có cảm tưởng là khối NATO đang xâm lăng Nga, đe dọa đến nền an ninh của Nga.  Bản tin có tựa đề “Ukraine tháo gỡ tượng đài thời Liên Xô” có nghĩa là Ukraine, một nước Cộng Hòa trong Liên Bang Xô Viết, đoạn tuyệt với quá khứ của Liên Xô. Các bản tin này làm cho người Nga và những người ủng hộ Nga không vui. Nhưng nó cũng nói lên điều văn hóa Nga đang bị giảm dần ảnh hưởng trên thế giới, khu vực văn hóa Nga đang bị co lại.

Ukaine nơi tranh chấp văn hóa

Khi vụ tranh chấp giữa Nga và Ukraine xảy ra vào năm 2014, bà Hillary Clinton, một nữ chính trị gia Mỹ, nói rằng đó là sự xung đột về văn hóa, giữa văn hóa phía Tây Châu Âu và văn hóa Nga. Ukraine xin gia nhập Liên Âu và Nga thì không muốn điều đó. Nga đã cung cấp khí giới cho những người chống lại việc Ukraine gia nhập Liên Âu để họ tách miền Đông Ukraine ra khỏi nước Ukraine và dàn dựng việc trưng cầu dân ý để sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên Bang Nga.

Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, khi đến thủ đô Kiev của Ukraine năm 2014, đã đưa ra ý kiến rằng thế giới đều biết là Nga có quyền lợi tại Ukraine, thề thì Nga nên tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình tại Ukraine qua con đường dùng luật lệ, định chế và các thỏa ước thay vì dùng sức mạnh và mưu mô để giữ Ukraine trong vòng ảnh hưởng của mình . Đó là lời đề nghị giải quyết quyền lợi giữa Ukraine và Nga theo lối văn hóa của Tây Phương . Nga đã không nghe theo lời đề nghị này .

Tây Âu – Nga, định chế - mưu mô thủ đoạn, luật lệ - sức mạnh

Ukraine gia nhập Liên Âu là gia nhập một khối được điều hành bởi qui chế, luật lệ rõ ràng. Mọi nước gia nhập vào khối đó đều phải tôn trọng qui chế, luật lệ đã vạch ra. Trong khi đó, khi Ukraine ở trong vòng ảnh hưởng của Nga thì quan hệ hai nước tùy thuộc vào thế lực của mỗi bên. Nga có lợi khí dầu hỏa nên bán rẻ cho các nước láng giềng, trong đó có Ukraine, để đổi lại các nước này cho Nga hưởng lợi ích nào đó về kinh tế. Về chính trị thì ủng hộ tiếng nói của Nga trên trường quốc tế. Ngay cả trong thời kỳ Liên Bang Xô Viết còn tồn tại thì một số nước Cộng Hòa nằm trong Liên Xô là vì họ bị cưỡng bách bằng sức mạnh, vì trong lịch sử có lúc họ bị rơi vào cái thế phải lệ thuộc Nga và không vùng vẫy ra được. Khi ông Gorbachev cho phép các nước Cộng Hòa Nga được tự ý đi hay ở trong Liên Bang Xô Viết thì nhiều nước đã tách ra. Ngay cả trước khi ông Gorbachev tuyên bố cho các nước Cộng Hòa Nga được tự do chọn lựa thì đa số dân tại các nước này cũng đã xuống đường biểu tình đòi ra khỏi Liên Xô.

Mới đây, vào tháng Giêng năm 2016, ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, tuyên bố rằng Lenin đã sai lầm khi thành lập Liên Bang Xô Viết mà viết trong Hiến Pháp của Liên Xô là các nước Cộng Hòa Nga có quyền tự tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết nếu muốn. Sau này, khi Stalin lên cầm quyền, Stalin đã xóa bỏ điều này. Có nghĩa là Stalin dùng sức mạnh để bắt các nước Cộng Hòa Nga phải ở trong Liên Bang Xô Viết.

Trong khi đó, tại Liên Âu, thường có những tin tức hay ý kiến nói rằng sự kết hợp các nước thành Liên Âu là không thể được, là việc một nước gia nhập Liên Âu có sự bất tiện. Có thể đến lúc nào đó các nước trong Liên Âu thấy ra sự tồn tại của Liên Âu có nhiều điều trở ngại cho các nước hội viên thì họ tuyên bố giải tán Liên Âu. Việc kết hợp hay giải tán Liên Âu là do tự nguyện, không nước nào dùng sức mạnh để bắt nước khác phải gia nhập.

Sự khác nhau giữa văn hóa Tây phương và văn hóa Nga là một đằng tổ chức theo định chế, luật lệ, một đằng hành xử theo sức mạnh, mưu mô, thủ đoạn.

Ranh giới văn hóa lùi dần

Cái ranh giới giữa văn hóa Tây Phương và văn hóa Nga vào thời Chiến Tranh Lạnh là ranh giới ngăn đôi giữa các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa kiểu Nga và các nước theo chế độ dân chủ kiểu Tây Phương. Ở Đức, ranh giới này nằm giữa nước Đức, chia đôi nước Đức. Tại thành phố Berlin, ranh giới đó nằm ở bức tường ngăn đôi thành phố Berlin. Vào thời bức tường đó mới được dựng lên vào năm 1961, người dân phía Đông Đức còn được phép đến gần bức tường thì những người Đông Đức ở trong các căn nhà nằm sát bức tường ngăn chia có thể nhìn qua cửa sổ nhà mình thấy ở bên kia Tây Đức người dân được tự do ăn nói, đi lại còn mình thì bị ngăn cấm đủ thứ. Cùng là người dân một nước nhưng họ sống trong hai nền văn hóa khác nhau.

Trước khi bức tường Berlin được xây lên, chỉ có hàng rào ngăn cách phía Đông Đức và Tây Đức. Vào ngày 12 tháng 8, 1961 hàng ngàn người dân Đông Đức đã xé hàng rào trốn sang phía Tây Đức. Sau đó ba ngày, bức tường được xây lên để ngăn cách hai phía

Trước khi bức tường Berlin được dựng lên, một người lính Đông Đức đang canh gác tại biên giới đã nhảy qua hàng rào kẽm gai để trốn qua Tây Đức. Phóng viên Tây Phương đang đứng đó đã chụp dược bức hình này


Sau khi bức tường Berlin được dựng lên, một phụ nữ Đông Đức trốn được qua phía Tây Đức đứng nói chuyện với mẹ mình còn ở lại Đông Đức

Khi vụ xung đội tại Ukraine xảy ra thì ranh giới này đã chuyển dịch về phía Đông để nằm giữa Ukraine, phía Tây Ukraine thì vẫn gia nhập khối tự do mậu dịch của Liên Âu, phía Đông Ukraine do những người ly khai, dùng khí giới do Nga cung cấp, giữ sự liên hệ chặt chẽ với Nga.

Việc trong năm 2015, Ukraine đã phá bỏ hàng trăm tượng đài đã được dựng lên thời Xô Viết là dấu hiệu Ukraine đang xóa bỏ dần ảnh hưởng của văn hóa Nga và để cho văn hóa Tây phương ảnh hưởng nhiều hơn. Trong lịch sử Ukraine từng bị cai trị bởi người Nga, đã có thời người Nga chủ trương xóa bỏ ngôn ngữ Ukraine, không cho phép dùng ngôn ngữ Ukraine trên mặt chính thức. Việc Ukraine tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng văn hóa Nga ngày nay là hiện tượng một nước nhỏ có các nỗ lực để mình khỏi bị đồng hóa và sáp nhập vào nước láng giềng lớn hơn và mạnh hơn. Chuyện này đã từng xảy ra trong lịch sử và có thể trong tương lai, Ukraine bị thất bại và lại bị sáp nhập vào Nga, như đã từng xảy ra trong lịch sử.

Cái ranh giới giữa văn hóa Tây Âu và Nga vào thời thế kỳ 19 trở về trước nằm ở biên giới giữa Ba Lan và Nga. Ba Lan là nước mà ảnh hưởng của thời kỳ Phục Hưng và thời kỳ Lý Tính tại Tây Âu, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, lan đến. Nhưng ảnh hưởng này không  lan đến nước Nga. Ba Lan là nước đầu tiên trong các nước Đông Âu có quốc hội do dân bầu lên. Vì thế việc Ba Lan tách ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô là nỗ lực của dân Ba Lan thoát ra khỏi văn hóa Nga mà trở về văn hóa mình mang màu sắc Tây Phương như trước.

Việt Nam  - ranh giới vĩ tuyến 17

Tại Việt Nam, vào thời chiến tranh, cái ranh giới văn hóa giữa Tây Phương và Nga nằm ở vĩ tuyến 17. Ở miền Nam, có những nỗ lực xây dựng một chế độ dân chủ, đa đảng tuân theo định chế và luật lệ giống như một số nước Tây Phương. Tại miền Bắc là chế độ đảng trị, với lối cai trị quyền mưu thủ đoạn. Hiến pháp và luật pháp có được viết ra thì cũng chỉ để làm cảnh mà chính quyền có toàn quyền không tôn trọng hiến pháp và luật pháp do chính mình viết ra. Tại miền Nam, vì chính quyền phải tôn trọng hiến pháp và các định chế cho dân có quyền tự do nên cán bộ Cộng Sản đã lợi dụng để xâm nhập các mặt trong đời sống, kể cả báo chí, tôn giáo, lũng đoạn gây rối.

Chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị tiêu diệt vào năm 1975 là sự thắng thế của văn hóa Nga trước văn hóa Tây Phương. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thân Nga vào năm 1989, khiến cho một số đảng viên và người dân Việt chuyển sang tranh đấu cho dân chủ là dấu hiệu văn hóa Tây Phương có ảnh hưởng trở lại tại Việt Nam.

Với chiều hướng hiện nay, văn hóa Tây Phương với cách cai trị theo định chế và luật lệ đang thắng thế và lan rộng trên thế giới. Trái với thời thập niên 1960, 1970, tại một số nước Tây Phương, có một số khá đông trí thức cho rằng cách cai trị theo định chế và luật lệ của các nước Tây Phương có nhiều khuyết điểm và họ nghĩ rằng cai trị theo lối xã hội chủ nghĩa như ở Liên Xô và Trung Quốc lúc đó là tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn.

Minh Đức


Ukraine tháo gỡ hàng trăm tượng đài thời Liên Xô
09:48 PM - 02/02/2016 Thanh Niên Online

Trong năm 2015, Ukraine đã tháo dỡ gần 140 tượng đài các nhà lãnh đạo Liên Xô trong khuôn khổ đạo luật về cải cách xã hội, theo báo cáo về hoạt động của Nội các nước này, công bố trên trang web của chính phủ.

“139 di tích của chế độ độc tài toàn trị đã được dỡ bỏ. Chúng ta cần có phương pháp tiếp cận mới đối với những ngày lễ kỷ niệm các sự kiện lịch sử và tưởng niệm các nhân vật từng chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít”, trích thông báo số 977 ngày 26.11.2015 của Bộ Văn hóa Ukraine.

Hãng tin Nga RIA Novosti ngày 2.2 cho biết, theo báo cáo của Văn phòng chính phủ Ukraine, trong năm 2015 có 40 tượng đài Vladimir Ilich Lenin trên cả nước bị xóa bỏ danh hiệu di tích văn hóa - lịch sử.

Trong năm 2015, Ukraine bắt đầu thực thi một đạo luật có tên gọi “lên án cộng sản và quốc xã”, trong đó nghiêm cấm tuyên truyền các biểu tượng của Liên Xô. Đặc biệt, đạo luật này quy định phải đổi tên các làng mạc, thị trấn, thành phố và những con đường mang tên các nhà lãnh đạo và các chính khách lớn của Liên Xô.

Viện quốc gia Ukraine về di tích lịch sử đã công bố danh sách 520 nhân vật lịch sử bị điều luật về cải cách xã hội lên án và do đó tên của họ phải bị xóa khỏi các tên gọi địa lý. Viện này cho biết, đến cuối tháng 11.2016, có tới hơn 900 khu dân cư (bao gồm làng mạc, thị trấn, thành phố…) phải đổi tên, không mang tên các nhân vật lịch sử thời Xô viết nữa.

Tài liệu này gây ra những dư luận trái chiều trong xã hội, vì nó chưa xác định rõ ràng giới hạn ứng dụng. Các nhà chức trách đã hứa sẽ điều chỉnh một số điểm trong điều luật và loại bỏ những điểm không chính xác.

Tình hình này cho thấy chính quyền Ukraine hiện nay đã quyết đoạn tuyệt hoàn toàn với giai đoạn lịch sử của đất nước gắn với thời Liên Xô, theo nhận xét của các nhà quan sát.

No comments:

Post a Comment