Thursday, February 11, 2016

Nơi mà công việc không phải là hoàn toàn 100% của bạn

Tất cả trong gia đình: cái hay, cái dở và cái xấu xa trong việc giữ công việc cho người thân trong gia đình

Bất cứ nơi làm việc nào trên thế giới, nạn thiên vị - cho bạn bè và người thân hơn là người ngoài – là một phần của cách làm ăn, dù cho lộ liễu hay kín đáo.

Hãy hỏi bà Ana Patricia Botin, người được kế vị cha giữ chức lãnh đạo ngân hàng Santander vĩ đại của Tây Ban Nha. Hay Rupert Murdoch, người đặt con mình vào chức vụ Giám Đốc Điều Hành của các công ty thuộc hãng News Corp 21st Century Fox. Hay cứ năm dân biểu Anh thì có một người dùng người thân trong gia đình trong công việc văn phòng.

Nạn thiên vị cho người thân có thể phổ biến khắp nơi nhưng các nước có thái độ trái ngược đối với việc này.

Hiếm khi công việc được mở ra cho mọi người ganh đua để được chọn


Thí dụ, tại Mỹ, luật liên bang cấm viên chức chính quyền dùng người thân trong gia đình, mặc dù việc này không phải là phạm pháp trong lãnh vực tư nhân. Và tại cả Anh lẫn Mỹ, ông chủ nào ưu đãi bạn bè hay người thân hơn là các nhân viên khác có thể sẽ phải trả giá đắt vì bị khiếu nại là thiên vị.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, tổ chức của nhà nước chống tham nhũng mạnh tay với nạn dùng người thân và tham nhũng – nhắm vào các nhóm có thế lực nắm các ngành kinh doanh quan trọng.

Trong khi đó tại Ý hay Tây Ban Nha, không ai ngạc  nhiên khi có người được tuyển dụng hay thăng cấp nhờ có quen biết. Điều đó được xem như là chuyện thường tình.

Bà Valerie Berset-Price sinh tại Thụy Sĩ, người sáng lập ra công ty tuyển người Professional Passport, nhằm để giúp các công ty giải quyết các vấn đề liên quan đến sự khác biệt về văn hóa, nói rằng tại nơi bà lớn lên “nếu bạn có thể giới thiệu bạn bè hay người thân, hay có thể thuê mướn họ thì nên làm. Đó là cách mà người ta giúp đỡ lẫn nhau để duy trì một mạng lưới bảo vệ quyền lợi cho nhau.

Tuy nhiên khi bà sang Mỹ học về kinh doanh tại đại học thì bà ngạc nhiên là giáo trình mô tả việc nâng đỡ người thân là xấu và trong một số trường hợp bị xem là có tội trước pháp luật.

Bà nói:

“Quả là cho đến lúc đó tôi chưa thật sự hiểu rõ chữ của thiên vị”.

Khi bà thành lập công ty bà ngạc nhiên là bạn bè của bà, tuy giữ chức vụ cao trong các công ty lớn nhưng không muốn giới thiệu dịch vụ của công ty bà với công ty của họ.

Bà Berset-Price nói: “Đó không phải là vì họ không muốn tôi thành công hay họ không thích tôi hay không tin vào công ty của tôi mà bởi vì công ty của họ có qui định là công ty tôi sẽ không được chọn nếu biết rằng công ty của tôi quen biết với họ.

Nhiều khi một người xin việc tuy kém khả năng hơn nhưng lại được chọn vì quen biết với ai đó một cách trực tiếp hay gián tiếp.


Dĩ nhiên là cách nhìn về vấn đề này tùy theo văn hóa. Tại các nước mà việc duy trì liên hệ họ hàng chặt chẽ được ăn sâu vào văn hóa (thường được khuyến khích bởi tôn giáo) xem việc dùng người thân là chuyện tự nhiên và người có họ hàng với nhau giúp cho nhau thăng tiến là điều nên làm.

Ông Joe Haslam, sống và làm việc tại Milan, Ý, là chủ doanh nghiệp và giám đốc điều hành chương trình dạy về làm chủ và quản lý xí nghiệp của trường kinh doanh IE Business School nói: “tại Tây Ban Nha hiếm khi công việc được mở ra cho mọi người ganh đua để được chọn .

“Công việc không bao giờ được xem là hoàn toàn 100% của bạn – gần như là bạn cũng dành cho những người khác trong họ hàng. Ở đây, khi một người trong gia đình không có việc làm thì đó là vấn đề chung của cả gia đình. Vì thế có nhiều khi một người đi xin việc tuy kém nhưng lại được chọn vì có quen biết trực tiếp hay gián tiếp với ai đó.

Ông Haslam giải thích rằng cách làm này cũng có một số ưu điểm. Mối liên hệ gia đình củng cố lòng trung thành với công ty, chủ nhân không sợ người có tài bị công ty cạnh tranh với mình thuê mất. Chọn người trong số những người mình biết sẵn ít tốn kém hơn là phải qua một quá trình phiền phức tuyển lựa các đơn nộp vào.

Tuy vậy, việc dùng người thân thuộc sẽ làm hại cho nền kinh tế nói chung. Đầu tiên là nó làm cho doanh nghiệp ngoại quốc muốn mở công ty ở nước đó nản lòng. Theo Báo Cáo Chống Tham  Nhũng của Liên Âu năm 2014 thì có 67% nhà đầu tư thấy rằng nạn bè phái dùng người thân là vấn đề rất nghiêm trọng cho việc vận hành công ty ở Hy Lạp.

Nghiêm trọng hơn là theo một cuộc nghiên cứu nạn tham nhũng vốn đi kèm theo nạn dùng người thân thuộc làm cho tuổi thọ người dân ngắn đi. Tử suất của trẻ em tại xứ có nhiều tham nhũng cao hơn các nước ít tham nhũng một phần ba.

Về mặt cá nhân thì đến khi bạn không thể dựa vào người thân được thì bạn gặp khó khăn.

Ông Gabriel Fabrizio Sbalbi, một nhà kinh doanh địa ốc nói:

“Tại Ý anh phải quen biết để kiếm được việc làm. Điều này đặc biệt xảy ra với những người mới tốt nghiệp mà không quen biết ai. Điều đó có nghĩa là những người có trình độ bằng cấp cao (tổng cộng 60 ngàn mỗi năm – cứ mười người thì bảy người có bằng cấp) phải bỏ nước để đi kiếm việc ở nơi khác.

Ông Sbalbi nghĩ rằng nạn thất nghiệp đương nhiên là nguyên nhân làm cho người ta phải bỏ nước – tỉ lệ người trẻ ở Ý thất nghiệp vào tháng 6 năm 2015 là 44,2%. Nhưng hệ thống đóng kín cửa với người không quen biết cũng đóng vai trò trong đó.

Một cuộc khảo sát của Bộ Lao Động Ý nói rằng 61% các công ty dựa vào sự giới thiệu quen biết cá nhân để tuyển người – và ông Sbalbi nói rằng một số chức vụ trong chính quyền coi như là cha truyền con nối. Lấy thí dụ một trường hợp điển hình là tại trường Đại Học Palermo, tính ra hơn một nửa nhừng người giảng dậy ở đó có thân nhân làm việc trong trường.

Anh bỏ lỡ những người có thể đưa ra sang kiến và có tài năng về kỹ thuật.


Dùng người thân và người quen biết có khả năng phù hợp với chức vụ là một chuyện, nhưng khi điều kiện để được chọn chỉ là vì có họ hàng thì lối tuyển chọn này sẽ chặn đường nhiều người có tài năng tham gia và thị trường lao động, bà Jane Sunley, sáng lập viên của công ty tuyển người Purple Cubed có văn phòng đặt tại Luân Đôn nói:

“Điều này sẽ làm một thảm họa cho lối làm việc của công ty vì họ bỏ lỡ những người có sáng kiến và có tài năng. Hơn nữa, trong một thị trường có tính cách toàn cầu, bạn làm việc với thành phần đa dang về nhân sự, sẽ là điều khó khăn cho công ty của bạn hơn khi nhân viên của bạn chỉ có một thứ kiến thức giống nhau.”

Bạn chán cái văn hóa dùng người thân thuộc ở nơi bạn sống chăng? Bạn có thể gia nhập những người bỏ xứ để đến làm việc ở nơi mà sự quen biết không là điều quan trọng để có việc. Đó là điều ông Sbalbi đã làm khi nạn suy thoái xảy ra vào năm 2008. Ông ta đã bỏ Ý để đi lập một công ty địa ốc tại Mexico.

Ông nói:

“Không ai biết tôi hay công ty của tôi nhưng họ vẫn tìm đến tôi đặt hàng vì họ thấy công ty tôi cung cấp dịch vụ tốt. Muốn điều đó cũng xảy ra tại Ý, chúng ta phải thay đổi toàn thể nền văn hóa”.

Minh Đức dịch


Bài gốc tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital
 
 
 

No comments:

Post a Comment