Friday, February 12, 2016

Vì sao Mỹ đưa tàu tiến sát Hoàng Sa

Đảo Tri tôn
Mỹ chọn đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, làm nơi tiến hành hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các đòi hỏi phi pháp và quá đáng của Trung Quốc, nhưng đồng thời giữ ở mức tránh làm bùng lên xung đột quân sự.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur hôm 30/1 tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa mà không thông báo trước, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đảo Tri Tôn là một cồn cát có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974.

Lầu Năm Góc nhấn mạnh họ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Họ nói rằng hoạt động của tàu USS Curtis Wilbur chỉ nhằm thách thức các "đòi hỏi quá mức" của các bên tranh chấp làm giới hạn các quyền hàng hải và tự do hàng hải xung quanh các thực thể mà họ tuyên bố chủ quyền, bằng cách đòi nước khác phải xin phép hay thông báo trước khi đi qua.

Trước động thái của Mỹ, Việt Nam khẳng định chủ quyền với Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải, được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế

Theo James Kraska, giáo sư tại Trung tâm Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, Washington chọn quần đảo Hoàng Sa làm nơi tiến hành hoạt động tự do hàng hải (FON) còn nhằm thách thức đường cơ sở phi pháp mà Trung Quốc vạch ra.

Ngày 15/6/1996, Trung Quốc phê chuẩn UNCLOS và tự ý vẽ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, theo phương pháp đường cơ sở thẳng chỉ áp dụng cho các quốc gia quần đảo như Indonesia. Điều này hoàn toàn bất hợp pháp, bởi lẽ Hoàng Sa và Trường Sa đều không phải quốc gia quần đảo và thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc cũng yêu cầu tàu quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi đi vào một khoảng cách nhất định quanh thực thể Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Theo ông Kraska, đòi hỏi này không phải là quyền được quy định trong luật hàng hải quốc tế.

Ông Kraska nhấn mạnh, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đi ngược lại với định nghĩa về đường cơ sở thẳng trong Công ước Luật biển và luật hàng hải quốc tế. "Chúng ta từng thách thức đường cơ sở đó, nhưng bằng những chuyến bay", ông nói. "Đã rất lâu rồi mới có một cuộc thách thức đường cơ sở bất hợp pháp bằng tàu".

Không giống như hoạt động tự do hàng hải hồi tháng 10 của Mỹ ở quần đảo Trường Sa, khi tàu USS Lassen (DDG-82) đi vào phạm vi 12 hải lý đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở đá Subi, Mỹ lần này nói rõ ràng họ thách thức điều gì khi làm vậy, Kraska nói.

Các chuyên gia và các nhà lập pháp đã cảm thấy mơ hồ về mục đích chuyến tuần tra của tàu USS Lassen hồi tháng 10 đến mức Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain còn yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter giải thích về hoạt động.

"Trung Quốc đã vẽ ra một đường cơ sở trái phép bao trọn lấy quần đảo, đó là bất hợp pháp", ông nói. Kraska đánh giá rằng chuyến tuần tra của tàu Wilbur là một sự khẳng định quyền đi lại quốc tế, mạnh mẽ hơn so với chuyến tuần tra của tàu Lassen hồi tháng 10.

Theo chuyên gia này, điều Mỹ cần thực hiện là tiến hành hoạt động FON trong khu vực thường xuyên hơn. "Càng chần chừ, vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn", ông nói.

Rủi ro ít hơn

Căng thẳng ở Biển Đông ngày một gia tăng khi Trung Quốc ồ ạt cải tạo đảo nhân tạo, xây dựng đường băng có khả năng tiếp nhận máy bay quân sự, theo các nhà phân tích.

"Điều đáng lo ngại là Trung Quốc đang dần mở rộng sự hiện diện, cho đến khi họ biến sự bành trướng trên biển trở thành thực tế khó tranh cãi", Economist viết.

Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama, đặc biệt là trong năm cuối của nhiệm kỳ, hẳn sẽ không muốn kích động một cuộc đối đầu nghiêm trọng với Trung Quốc, CS Monitor nhận xét.

Thực tế, trước khi tàu USS Lassen tuần tra vào cuối tháng 10 năm ngoái, Lầu Năm Góc đã sẵn sàng thực hiện từ vài tháng trước đó, nhưng liên tục bị trì hoãn bởi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ.

"Mối lo ngại là nếu chúng ta thể hiện rằng chúng ta đang phản ứng trước Trung Quốc, nó sẽ làm suy yếu sự khẳng định rằng đây là vấn đề về luật pháp quốc tế, và quyền đi lại trên biển", một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói.

Do đó, mục đích của Mỹ hiện là tuần tra để khẳng định tự do hàng hải, nhưng làm vậy với cách thức sao cho không làm bùng phát xung đột quân sự với Trung Quốc, Michael J. Green, Bonnie S. Glaser, và Gregory B. Poling giải thích trong một bài viết cho CSIS.

"Mỹ lựa chọn tuần tra ở đảo Tri Tôn có thể là do hoạt động này ít rủi ro hơn tuần tra ở đá Vành Khăn (trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam), nơi nhiều người dự đoán sẽ là địa điểm cho các hoạt động FON sắp tới", Euan Graham, chuyên gia tại Viện Lowy ở Sydney, nhận định.

Phản ứng trước động thái của Washington, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đe dọa rằng "lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết" để bảo vệ cái mà họ gọi là chủ quyền và an ninh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng sau việc điều tàu Lassen quanh đá Subi, những gì Trung Quốc đáp lại chỉ là các tuyên bố. Lần này, phản ứng của Bắc Kinh đang dừng lại ở những lời lẽ của phát ngôn viên ngoại giao và quốc phòng.

"Quân đội của ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục lớn tiếng hăm dọa, nhưng họ sẽ nhượng bộ khi vấp phải sự phản kháng lớn", cây bút John Garnaut nhận xét trên The Age. "Trái với những gì người Trung Quốc muốn chúng ta tin, trên thực tế ông Tập không muốn mạo hiểm tất cả mọi thứ chỉ để chống lại sức mạnh quân sự Mỹ".

Phương Vũ

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/vi-sao-my-dua-tau-tien-sat-hoang-sa-3351059.html

No comments:

Post a Comment