Ngay từ khi bắt đầu vào cuốn Luận Ngữ của Nho Giáo thì có câu "Có bạn từ xa đến chơi, không phải là vui hay sao?" . Câu này khiến cho nhiều người hơi ngỡ ngàng vì sao một câu nói tầm thường như vậy lại ghi vào sách. Bạn bè thì ai cũng có. Còn có bạn đến chơi mình thấy vui thì có gì là cao siêu về mặt tư tưởng, ai cũng thấy được như vậy. Tuy nhiên nếu đọc thêm một số chương khác trong sách thì thấy câu này và các câu nói khác của Khổng Tử ráp lại với nhau có mang một số ý nghĩa.
Về tư tưởng Nho Giáo, cuốn sách chính về tư tưởng Nho Giáo là cuốn Luận Ngữ. Cuốn Luận Ngữ chép lại những lời mà ông Khổng Tử nói với học trò trong lúc giảng dạy, cũng như trong lúc suốt hàng chục năm các thày trò đi cùng với nhau từ nước này đến nước kia để ông Khổng Tử xin với vua các nước cho mình lên nắm quyền để mình thực hiện tư tưởng của mình. Các cuốn sách khác là do đệ tử của ông Khổng Tử viết ra. Những người theo Nho Giáo thấy lời của các đệ tử cũng cùng với tư tưởng của Khổng Tử nên chép lại để giảng dạy.
Chúng ta có thể tìm thấy trong sách Luận Ngữ một số câu nói của Khổng Tử và các học trò cho thấy những người theo học ông Khổng Tử là những người như thế nào và tư tưởng của ông Khổng Tử ra sao. Một số đặc tính của những người theo học Khổng Tử như:
Tôn trọng người trên không làm loạn chống lại người trên, có hiếu với cha mẹ.
Giữ chữ tín với nhau. Người dân giừ chữ tín với nhau. Chính quyền giữ chữ tín với dân.
Trong cách đối xử, lòng nhân, đối xử tử tế với người khác là quan trọng nhất.
Trong cách xử sự ở đời có những đạo lý cần phải tôn trọng.
Không dùng vũ lực, sức mạnh mà lấn hiếp nhau. Giữ chữ tín với nhau, đối xử với nhau có lòng nhân là để tránh xung đột, dùng vũ lực với nhau.
Trong xã hội Trung Quốc lúc đó, tuy có thể có một số đạo đức nhưng tình trạng dùng vũ lực đối với nhau, người dưới giết chết vua để cướp ngôi là điều thường xuyên xảy ra. Cướp được ngôi vua rồi thì quy tụ một bọn người có sức khỏe để bảo vệ uy quyền của mình, bắt dân phải đóng thuế nuôi tập đoàn của mình, dùng sức mạnh để đàn áp ai dám phản đối. Trong xã hội như thế, ai khỏe thì được. Những người theo đạo Nho là những người không chấp nhận lối sống như vậy mà cho rằng trong đời sống có những đạo lý cần phải theo thì tránh được xung đột, tránh được việc mạnh hiếp yếu.
Ông Khổng Tử dạy học trò cách cư xử theo đạo lý. Đạo Nho khởi đầu từ một người nói lên tư tưởng của mình rồi những người khác thấy những điều đó thích hợp với bản tính và cách suy nghĩ của mình nên đi theo. Vì thế khi ông Khổng Tử thấy có người từ xa đến thăm nhóm của mình thì cho đó là điều vui vì có thể là có thêm người thấy thích cách suy nghĩ của nhóm mà gia nhập nhóm mình. Người đó sẽ học tập tư tưởng của nhóm rồi làm theo trong đời sống để nhừng người biết sống theo đạo lý ngày càng đông đảo.
Xét một cách tổng quát, dân tộc nào cũng có những người thích dùng sự khôn ngoan, sức khỏe của mình mà lấn át kẻ khác, thủ lợi cho mình. Lại có những người cho rằng sống ở đời nên theo đạo lý để ai cũng được sống một cách an lành, không cần phải tranh chấp, đánh nhau, dùng mưu mô lừa lọc nhau để thủ lợi. Nho Giáo phát xuất từ những người có bản tính không thích tranh chấp, dùng sức mạnh lấn át nhau. Ông Khổng Tử là người có khả năng phát biểu ra những điều mình nghĩ và những người theo học ông Khổng Tử là nhừng người thấy tư tưởng ông Khổng Tử phù hợp với bản tính của mình, với cách suy nghĩ của mình. Vì thế nhừng người này gọi mình là Nho. Nho là từ chữ Nhu mà ra. Nhu là mềm mỏng, không dùng bạo lực, không dùng sức mạnh.
Minh Đức
No comments:
Post a Comment