Wednesday, July 4, 2018

Khán giả tự nhặt rác và tính tự giác

Khán giả Nhật dọn dẹp chỗ ngồi sau trận Nhật thua Bỉ 2-3 tại World Cup Nga 2018
 Người Nhật được nhiều người trên thế giới để ý và khen ngợi khi khán giả Nhật xem đá bóng ở World Cup sau trận đấu đã tự ý ở lại thêm vài phút để nhặt rác trong khu vực mình ngồi rồi đem đến thùng rác bỏ vào . Điều đó đã xảy ra ở World Cup Brasil 2014, và cũng xảy ra ở World Cup Nga 2018.

Không có khán giả nước nào làm như họ cả. Tất cả mọi người xem thi đấu xong rồi bỏ ra về. Rác thì có người hốt rác lo. Khán giả Nhật làm việc này không phải là để trình diễn để được nổi danh. Cũng không ai trả tiền cho họ để họ nhặt rác như thế. Cũng không ai phạt tiền hay phạt tù họ nếu họ không ở lại nhặt rác. Họ ở lại nhặt rác rồi đem đến thùng rác gần đó bỏ vào vì họ được giáo dục là đừng vứt rác bừa bãi, hãy vứt rác vào thùng rác.

Điều mà người Nhật làm là khi được giáo dục điều gì là điều phải nên làm thì cứ thế mà làm trong cuộc sống. Làm không phải là để được tiếng khen. Làm không phải là để được ai trả tiền, để có lợi. Làm không phải là vì sợ bị trừng phạt. Họ làm vì đó là điều phải, nên làm.

Làm vì đó là điều phải không phải làm vì danh, vì lợi hay vì quyền là cách giáo dục của Nho Giáo. Nho Giáo chủ trương giáo dục cho con người biết là điều gì là điều phải, rồi khi đã được giáo dục như thế thì cứ thế mà làm điều gì là phải khi gặp các trường hợp xảy ra trong cuộc sống. Cách giáo dục như thế đưa đến tính tự giác cao của người dân.

Tự giác là biết đó là điều phải thì làm. Không cần chính quyền phải có một đội ngũ mật vụ theo rình mỗi người dân để xem ai làm điều gì sai thì bắt.

Sách Đại Học của Nho Giáo có câu nói rằng người quân tử khi ở một mình không ai biết đến mình thì cũng không làm điều bậy.

Cách giáo dục của Nho Giáo tạo ra cho con người biết điều gì là phải, điều gì là trái. Nếu mình không làm điều phải mà làm bậy thì tự lấy làm hổ thẹn vì đã không xứng đáng là con người có giáo dục. Vì thế mà nhà Nho thời xưa có câu: "Người quân tử sợ mình hơn là sợ người". Người quân tử sợ mình là khi mình làm điều bậy thì thấy tự hổ thẹn là mình không xứng đáng là con người có đạo đức, là con người lương thiện mà thành kẻ gian tham. Mình sợ lương tâm của mình phê phán mình. Không cần phải ai biết là mình đã làm bậy mà chê cười thì mới làm cho mình sợ mà không làm bậy.

Ông Phan Bội Châu, vào đầu thế kỷ 20, khi sang Nhật để xin Nhật giúp đỡ trong việc đánh Pháp đã kể người kéo xe cho ông ta đi lạc đường, quanh co, mất nhiều thì giờ nhưng khi nhận tiền thì người này xin lỗi là đã không biết đường phải đi mất thì giờ và chỉ nhận món tiền phù hợp với khoảng cách thật của chuyến xe mà thôi. Nếu người kéo xe này không nói ra mà cứ đòi tiền cao vì đã phải kéo xe vòng vèo đi lâu thì ông Phan Bội Châu cũng không biết. Nhưng ai ta đã không làm chuyện gian mặc dù người khác không biết là anh ta làm gian. Đó là một người có giáo dục.

Nhà văn Trung Hoa, Lâm Ngữ Đường viết trong sách của ông ta vào thập niên 1930 nói rằng có lần ông ta nói với người bạn theo Nho Giáo là: "Nếu không có Thượng Đế thì sẽ không ai làm điều thiện".

Người bạn này trả lời:

"Chúng ta làm điều thiện vì chúng ta biết đó là điều thiện. Có thế thôi".

Nhà văn Lâm Ngữ Đường là người theo đạo Tin Lành nên ông ta nghĩ rằng mọi người phải làm điều thiện nếu không sẽ bị Thượng Đế trừng phạt. Còn người bạn theo Nho Giáo thì cho rằng con người làm điều phải vì biết đó là điều phải, không phải vì sợ bị trừng phạt, không phải là để được nổi danh, cùng không phải là để được có lợi về tiền bạc.

Sự khác nhau giữa hai nền văn hóa ở trên cho thấy tính tự giác cao trong văn hóa Nho Giáo. Đó là nguyên tắc mà mọi người nên noi theo. Nhưng trên thực tế thì không phải là ai cũng có tính tự giác cao được như vậy. Có những người vì lòng tham danh, lợi, quyền mà làm bậy. Ở thời thanh bình, thịnh trị thì số người được giáo dục biết tự giác cao hơn, ở thời suy đồi, chiến tranh, nạn đói làm cho đời sống khó khăn thì số người có tính tự giác có thể giảm đi. Thời xưa gọi đó là những lúc đạo lý suy đồi.

Minh Đức
 

No comments:

Post a Comment