Friday, October 21, 2011

Ai đang chống đỡ cho Gaddafi?

Frank Gardner
Phóng viên an ninh BBC
Thứ năm, 24 tháng 2, 2011 
 Gaddafi thường có vệ sĩ vây quanh

Không giống như ở Ai Cập hay Tunisia, lực lượng giữ cân bằng quyền lực ở Libya không phải là quân đội chính qui.
Thay vào đó là một hệ thống phức tạp các binh đoàn tự vệ, các "ủy ban cách mạng" của những thành viên đáng tin cậy, các lãnh đạo sắc tộc và lính đánh thuê nhập khẩu.

Quân đội Libya hiện nay hầu như chỉ là hình thức, là một đội quân yếu kém chưa đầy 40.000 quân, trang bị và huấn luyện kém.
Đó là một phần trong chiến lược dài hạn của đại tá Muammar Gaddafi để loại nguy cơ đảo chính quân sự, mà chính ông đã dùng để lên nắm quyền hồi 1969.
Cho nên chuyện một số lãnh đạo quân đội bỏ ngũ theo người biểu tình ở Benghazi sẽ khó gây ra phiền phức gì cho đại tá Gaddafi.
Không chỉ ông ta có thể tồn tại không cần đến họ, bộ máy an ninh của ông không ngại gọi máy bay đến ném bom vào các doanh trại nổi loạn ở miền đông đất nước.
Vậy thì ai đang chống đỡ cho chính quyền của ông ta và cho phép bộ máy đó tiếp tục nắm quyền trong lúc hai lãnh đạo láng giềng phải bỏ chạy giữa phong trào quần chúng nổi dậy làm thay đổi khắp Trung Đông?

An ninh nội địa

Như nhiều nước trong khu vực, Libya có một bộ máy an ninh nội địa hung ác, mở rộng và được trang bị tốt.
Đại tá Gaddafi thường đi giữa nhóm vệ sĩ riêng mỗi lần ra trước công chúng.
Hãy nghĩ đến bộ máy Stasi của Đông Đức và Securitate của Rumania trước 1989, nơi không ai dám chỉ trích chính quyền ở nơi công cộng, vì sẽ bị báo cho cảnh sát chìm, thì quí vị sẽ hiểu điều tương tự.
Khi đến Libya tôi luôn thấy khó tìm được người bình thường nào chịu nói chuyện thoải mái cho nhà báo ghi âm, vì người của chính phủ luôn đi theo, quan sát và ghi chú xem ai nói gì.
Một số con trai của đại tá Gaddafi làm trong ngành an ninh nhưng hôm nay nhân vật then chốt trong bộ máy an ninh ở Libya, cả nội địa lẫn hải ngoại, là nằm trong tay người anh em rể của ông ta Abdullah Senussi.

 Abdullah Senussi, trùm an ninh, tình báo của chế độ Gaddafi

Vốn cứng rắn nổi tiếng là côn đồ, ông ta bị nghi ngờ rất nhiều là quyền lực chỉ đạo đằng sau vụ đàn áp bạo lực với các vụ biểu tình, đặc biệt là ở Benghazi và miền đông đất nước.
Đến khi nào ông ta còn tiếp tục cố vấn cho Gaddafi thì vẫn còn ít khả năng vị đại tá này chịu từ chức.

Dân quân
Libya có nhiều "binh đoàn đặc biệt" không thuộc quyền điều động của quân đội mà Các ủy ban cách mạng của Gaddafi.
 
Quyền lực bộ lạc nay không còn quan trọng như thời 1969

Một trong số các binh đoàn đó được tin là thuộc quyền chỉ huy, ít nhất là về mặt tượng trưng, của người con trai nổi tiếng của ông Gaddafi là Hannibal, gần đây từng va chạm với cảnh sát Thụy Sĩ ở Geneva sau cáo buộc rằng ông ta hành hạ các nhân viên phục vụ khách sạn ở đó.
Các lực lượng bán vũ trang mà thỉnh thoảng được gọi là "dân quân" cho đến nay rất trung thành với đại tá Gaddafi mà giới thân cận hay gọi bằng tiếng Ả-rập là Ahl al-Khaimah, tức là "Người trong Phủ".
Nếu phe dân quân chuyển hướng và tham gia cuộc biểu tình đông người này thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tồn tại của đại tá Gaddafi.

Lính đánh thuê
Đây là một trong số những mặt đen tối và khó chịu nhất trong cuộc nổi dậy của người Libya.
Có những tin liên tục báo rằng chính quyền của đại tá Gaddafi dùng nhiều lính đánh thuê người châu Phi, đa số từ các quốc gia thuộc khối Sahel như Chad và Niger, để thực hiện các vụ tàn sát nhắm vào thường dân biểu tình không vũ khí.
Các nhân chứng người Libya nói các nhóm này bắn từ mái nhà xuống đám đông người biểu tình, thực chất là thực hiện các lệnh mà nhiều binh sĩ Libya không chịu tuân theo.
Đại tá Gaddafi từ lâu xây dựng quan hệ thân thiết với các nước châu Phi, một thời gian từng quay lưng lại các nước Ả-rập, và có chừng 500.000 người châu Phi ở Libya trên tổng số dân là 6 triệu.
Con số lính đánh thuê ủng hộ Gaddafi được cho là khá nhỏ nhưng lòng trung thành của họ với chế độ được coi là không có gì nghi ngờ, và có tin về các vụ giao tranh mới nổ ra thêm trong những ngày qua.

 Lính đánh thuê cho Libya người dân tộc Tuareg được thuê để đàn áp quân nổi dậy với giá là 10 ngàn đô la nếu chịu gia nhập và sau đó mỗi ngày được trả thêm1000 đô la.

Các bộ lạc
Libya cũng giống các nước cộng hòa cách mạng khác ở khối Ả-rập như Yemen và Iraq, là một nước bộ lạc của lãnh đạo thể hiện lòng trung thành, nhưng trong những năm qua sự phân biệt giữa các bộ lạc mờ dần và đất nước này ít lệ thuộc vào các bộ lạc hơn là thời 1969.
Bản thân đại tá Gaddafi là người của bộ tộc Qadhaththa.
Trong 41 năm cầm quyền ông đưa rất nhiều người trong bộ lạc của mình vào các vị trí quan trong trong chính quyền, bao gồm cả những người lo về an toàn cho chính ông.
Giống như Saddam Hussein từng làm ở Iraq hay tổng thống Saleh ở Yemen, đại tá Gaddafi cũng giỏi đặt các bộ lạc vào thế chống lại nhau, bảo đảm không có lãnh đạo nào dám mạo hiểm tạo ra nguy cơ cho chính quyền của ông.
Những người quan sát Libya hiện đang dự đoán liệu chính quyền của đại tá Gaddafi liệu có thực hiện điều họ đã dự đoán về nội chiến hay không, đưa súng cho các bộ tộc trung thành với chính quyền để dập tắt biểu tình như tình trạng ở nửa miền đông của đất nước.

No comments:

Post a Comment