Saturday, October 8, 2011

Tìm xương lính Mỹ được sao không tìm xương lính VNCH?

Ngày 30-9-2011, Thượng Nghị Sĩ Mỹ Jim Webb tuyên bố khoản tiền 1 triệu đô la để dùng cho chương trình tìm kiếm hài cốt lính mất tích của cả hai bên Việt Mỹ trong chiến tranh chỉ nên được dùng khi bên phía Việt Nam bao gồm cả việc tìm kiếm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa chứ không phải chỉ tìm hài cốt lính Mỹ và bộ đội, du kích bên phía Cộng Sản mà thôi .



Những ai hiểu chính sách và lối suy nghĩ của đảng Cộng Sản Việt Nam thì có thể thấy ngay là bên phía Cộng Sản Việt Nam không thể nào chấp nhận việc tìm kiếm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa. Nếu chính quyền hiện nay cũng bỏ công ra đi tìm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa như là tìm kiếm hài cốt bộ đội thuộc Quân Đội Nhân Dân Việt Nam thì hóa ra là đánh đồng ta và địch, như thế là xem những kẻ phản quốc, cộng tác với kẻ xâm lăng là Mỹ, ngang hàng với những kẻ chống xâm lăng là bộ đội Việt Nam.

Thế nhưng nếu không tìm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa vì họ là kẻ cộng tác với kẻ xâm lăng thì tại sao lại đi tìm hài cốt của kẻ xâm lăng là lính Mỹ? Đã đi tìm hài cốt cho kẻ xâm lăng mà không tìm hài cốt cho kẻ tuy cộng tác với xâm lăng nhưng lại là đồng bào của mĩnh thì xem ra rất vô lý. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb xem ra cũng có cái lý của ông ta.

Phải chăng lý do đi tìm hài cốt cho kẻ xâm lăng là lính Mỹ chẳng qua là vì Mỹ bỏ tiền ra nên đi tìm hài cốt cho lính Mỹ, còn việc bao gồm đi tìm hài cốt cho bộ đội Việt Nam chẳng qua là góp vào đó để cho có vẻ là hòa giải để có lý do mà nhận một triệu đô la như là nỗ lực để hòa giải hai phía Mỹ, Việt?

Nếu đảng Cộng Sản Việt Nam hòa giải được với Mỹ bằng cách đi tìm hài cốt cho lính Mỹ thì sao đảng Cộng Sản Việt Nam không hòa giải được với Việt Nam Cộng Hòa bằng cách đi tìm hài cốt lính Việt Nam Cộng Hòa. Thế chẳng phải là đảng Cộng Sản Việt Nam ra nghị quyết 36 để hòa hợp hòa giải với người Việt ở nước ngoài đó hay sao?

Đối xử bình đẳng là điều kiện phải có để có hòa hợp hòa giải. Thì chẳng phải là chính phía Cộng Sản Việt Nam đối xử bình đẳng với Mỹ trong việc tìm hài cốt lính Mỹ để tỏ ra hòa giải đó hay sao? Tại sao đối với Mỹ thì tỏ ra bình đẳng để có hòa giải còn đối với Việt Nam Cộng Hòa thì cũng nói hòa giải nhưng lại không chịu đối xử bình đẳng?

Xem ra đảng Cộng Sản Việt Nam chịu đối xử bình đẳng với Mỹ chỉ vì Mỹ bỏ ra một triệu đô la và cũng vì Mỹ là nước mà Việt Nam có thể xuất cảng hàng sang nhiều và việc xuất cảng này có thể làm giàu cho nhiều gia đình đảng viên, cán bộ tại Việt Nam.

Có người bảo là Mỹ đã chịu hòa giải với phía Cộng Sản Việt Nam rồi tại sao người Việt chống Cộng không chịu hòa giải với Cộng Sản. Thế thì lại phải hỏi lại tại sao phía Cộng Sản chịu đối xử bình đẳng với Mỹ để có hòa giải mà lại không chịu đối xử bình đẳng với Việt Nam Cộng Hòa?

Đối xử bình đẳng với Việt Nam Cộng Hòa là trái với lý thuyết của chủ nghĩa Mác Lê. Chủ nghĩa Mác Lê có phần Lê Nin nói trong đường lối của đảng Cộng Sản phải có phân biệt giai cấp. Đảng Cộng Sản là đại diện cho giai cấp vô sản nên phải được đặt lên trên hết vì giai cấp vô sản là giai cấp đáng được nắm quyền theo như chủ nghĩa Mác đã nói. Do cách nhìn này mà Cộng Sản không chấp nhận việc làm "đánh đồng ta với địch".

Trong khi đó, tại các nước dân chủ đa đảng thì mọi người quan niệm đảng chỉ là một nhóm người có chính kiến giống nhau, kết hợp nhau lại vì cùng tư tưởng vì cùng quyền lợi và các đảng đều bình đẳng với nhau cả, chỉ là khác nhau về chính kiến mà thôi. Chính vì xem các đẳng đều bình đẳng nên chế độ đa đảng mới tổ chức bầu cử cho tất cả cách đảng tham dự và tất cả đều có cơ hội vận động tranh cử bình đẳng với nhau.

Nếu nhìn theo cách của Lê Nin, phải phân biệt ta và địch, phải đặt ta cao hơn địch thì sẽ chẳng bao giờ có chế độ đa đảng dưới một chế độ theo chủ nghĩa Mác Lê. Theo cách nhìn của Lê Nin thì hễ không phải là đảng cộng sản thì đều là kẻ thù hết thảy. Đã là kẻ thù thì không thể đánh đồng ta và địch mà cho các đảng khác tranh cử bình đẳng với đảng cộng sản.

Trên thực tế, nhiều người quốc gia tuy không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản nhưng họ vẫn cho rằng những người Cộng Sản là những người khác chính kiến, chứ họ không xem là kẻ thù phải tiêu diệt. Vì thế mà tại miền Nam trước đây, có những chính trị gia chủ trương giữ cho Việt Nam trung lập, không đứng về khối Mỹ cũng không đứng về khối Liên Xô để cho Việt Nam khỏi trở thành đất xung đột giữa hai khối Mỹ và Liên Xô. Vì nghĩ như thế nên họ đòi Mỹ phải rút đi để chiến tranh Việt Nam chấm dứt. Sau khi Cộng Sản thắng, họ nghĩ rằng họ có thể cộng tác với đảng Cộng Sản Việt Nam vì họ cho rằng người Cộng Sản là người khác chính kiến nhưng vẫn là người cùng nước nên có thể bắt tay hợp tác được. Họ không ngờ là chính quyền Cộng Sản Việt Nam đối xử với họ như kẻ thù, bắt họ đi học tập và có người đã chết trong trại học tập cải tạo.

Những người chủ trương trung lập đó nhìn sự việc với quan niệm các đảng bình đẳng với nhau của chế độ đa đảng còn người Cộng sản thì nhìn sự việc theo quan niệm của chủ nghĩa Mác Lê là đảng Cộng Sản là trên hết ngoài ra hết thảy là kẻ thù, dù là chống cộng hay trung lập, lưng chừng đều là kẻ thù cả.

Với cách nhìn theo chủ nghĩa Mác Lê thì sẽ chẳng bao giờ có hòa hợp hòa giải ở dưới một chế độ theo chủ nghĩa Mác Lê cả vì đảng Cộng Sản luôn luôn cho mình là tối cao. Hòa hợp hòa giải theo chủ nghĩa Mác Lê chẳng qua chỉ có nghĩa là đừng chống lại đảng Cộng Sản nữa mà phải làm tay sai phục vụ cho đảng Cộng Sản.

Lối suy nghĩ bất bình đẳng của Lê Nin này cũng còn tiếp tục tồn tại ở nước Nga ngày nay mặc dù chính quyền Nga không do đảng Cộng Sản lãnh đạo. Từ khi ông Vladimir Putin lên cầm quyền năm 2000 thì chính quyền của ông ta áp dụng chính sách bất bình đẳng với các đảng phái khác. Trong cuộc vận động tranh cử thì chính quyền của ông ta dành mọi phương tiện cho đảng của mình trong khi chèn ép các đảng đối lập. Khi phe đối lập thuê hội trường thì hội trường lấy cớ này có kia mà từ chối. Khi chính trị gia đối lập đang nói chuyện với cử tri tại sân vận động vào ban đêm thì bị cúp điện nửa chừng. Khi lãnh tụ đảng đối lập bay đến các tỉnh xa để vận động tranh cử thì lúc đến nơi phi trường nói không có chỗ đáp bắt máy bay phải quay về. Khi phe đối lập biểu tình thì chính quyền bắt họ phải biểu tình ở ngoại ô mà thôi , còn phe của Putin thì lại được biểu tình ở giữa thành phố .

Với cách đối xử bất bình đẳng với các đảng khác như thế chế độ nước Nga ngày này không thể gọi là chế độ dân chủ và được nhiều tổ chức trên thế giới xếp vào hạng chế độ độc tài, không có tự do.

Không có sự bình đẳng thì cũng không có hòa giải thực sự và cũng không có dân chủ thực sự.

Câu nói của ông Hồ Chí Minh trong Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945, "Mọi người sinh ra đều bình đẳng và có quyền mưu cầu được bình đẳng" là câu lấy của nước Mỹ. Nước Mỹ chủ trương xây dựng chế độ dân chủ nên họ thực sự chấp nhận quan niệm mọi người đều bình đẳng. Còn ông Hồ chủ trương xây dựng chế độ Mác Lê độc đảng tất nhiên là không chấp nhận quan niệm "mọi người sinh ra đều bình đẳng" nhưng ông Hồ vẫn dùng câu nói đó để tạo bộ mặt dân chủ giả cho thế giới thấy, còn thật sự ra, khi đảng Cộng Sản Việt Nam củng cố được quyền lực thì đảng Cộng Sản Việt Nam theo quan niệm của Mác Lê không xem "mọi người sinh ra đều bình đẳng" nữa mà tiêu diệt tất cả mọi thành phần nào không chịu theo đảng Cộng Sản.

Chính vì thái độ đối xử bình đẳng mà Mỹ trở thành Hợp Chủng Quốc nghĩa là quốc gia tập hợp các chủng tộc khác nhau . Một quốc gia có nhiều dân tộc, nhiều chủng tộc, nhiều văn hóa khác nhau sống chung nếu không có sự đối xử bình đẳng với nhau thì sẽ sinh ra tranh chấp giữa các dân tộc, giữa các nhóm có văn hóa khác nhau . Nếu nhóm dân tộc nào cũng muốn ưu đãi cho mình mà bạc đãi các dân tộc khác thì sẽ sinh ra thù hận, tranh chấp thậm chí đi đến nội chiến . Quốc gia đó không thể phát triển phồn thịnh được .

Trong thời Chiến Tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô tranh giành ảnh hưởng trên thế giới thì dân số Mỹ và Liên Xô xấp xỉ ngang nhau, khoảng trên 200 triệu người . Ngày nay, dân số Mỹ trên 240 triệu người còn dân số Nga chỉ còn 140 triệu người . Nhiều người ngày nay vẫn muốn đến Mỹ sống vì họ được đối xử bình đẳng trong khi người ngoại quốc ở Nga bị đối xử phân biệt, bị các nhóm mang tinh thần dân tộc cực đoan thù hận, đánh đập, giết chóc . Một số nước Cộng Hòa cũ của Liên Xô không muốn nằm trong ảnh hưởng của Nga mà xin gia nhập khối Liên Âu vì trong Liên Âu họ được đối xử bình đẳng còn Nga không đối xử bình đẳng với họ . Lối suy nghĩ của người Nga đưa đến việc giữa người Nga cũng đối xử phân biệt với nhau, thiếu bình đẳng, đối với các dân tộc khác họ cũng có thái độ như thế . Kết quả là nhờ sự đối xử bình đẳng mà dân số của Mỹ và của Liên Âu ngày càng gia tăng, dân số của Nga giảm xuống . Với dân số 140 triệu, dân số nước Nga kém Mỹ 100 triệu thì việc Nga ganh đua với Mỹ trở nên thất lợi hơn vì với sức lao động của 100 triệu dân sẽ đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế Mỹ hơn .

Vì thế thái độ đòi đối xử bình đẳng của thượng nghị sĩ Jim Webb là một ý kiến đáng để những người Cộng Sản Việt Nam suy nghĩ: những người Cộng Sản muốn một quốc gia có tinh thần bình đẳng mọi người cùng đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước hay họ muốn bảo vệ cho địa vị của phe nhóm họ trong khi nghi kị toàn dân, lúc nào cũng nhìn người dân như những phần tử xấu, những kẻ thù, những kẻ chỉ chực phá hoại địa vị, quyền lợi của họ.

No comments:

Post a Comment