Saturday, October 15, 2011

Nguyễn Thái Học và hai khuynh hướng phát triển quốc gia

Nguyễn Thái Học
Tân Phong

Ông Nguyễn Thái Học ngày nay được biết đến như là người đã thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng và khởi nghĩa chống Pháp. Các nhà viết sử xem ông Nguyễn Thái Học thuộc về thế hệ Tây học hoạt động chống Pháp kế tiếp thế hệ các nhà Nho chống Pháp sau khi người Pháp bãi bỏ Nho học tại Việt Nam.


Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Việt đã nhận ra rằng vì lạc hậu mà Việt Nam bị Pháp đô hộ và họ tìm cách học hỏi Tây phương để tìm cách thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Khi cục diện thế giới bắt đầu xuất hiện mầm mống chia hai ngả, tư bản và cộng sản, thì mầm mống này cũng xuất hiện trong số những người trẻ Việt Nam đi tìm học văn minh Tây phương. Kiến thức về chính trị Tây phương được đưa vào Việt Nam qua ngả Trung Hoa với hình thức các hoạt động chính trị của Tôn Dật Tiên và Trung Hoa Quốc Dân Đảng và từ Tây phương với những người Việt du học ở Pháp và cũng đồng thời do ông Hồ Chí Minh đi Nga học tập cách mạng vô sản ở đó và rồi về Việt Nam. Kết quả của thế hệ trẻ học tập kiến thức chính trị Tây phương là tại Việt Nam, trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học tuyên truyền thu nhận đảng viên cho phong trào của mình thì Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của Hồ Chí Minh cũng ganh đua lôi kéo người về phe mình. Hai khuynh hướng này tuy giống nhau về mục tiêu trước mắt là đánh đuổi người Pháp nhưng khác nhau về quan niệm sẽ phát triển đất nước ra sao sau khi đã giành được độc lập. Hai khuynh hướng này đã tồn tại và tranh chấp với nhau sau khi người Pháp không còn cai trị Việt Nam nữa và ảnh hưởng của hai khuynh hướng này vẫn còn tồn tại đến hàng nhiều thập niên sau đó.


Lược thuật cuộc đời hoạt động

Ông Nguyễn Thái Học sinh năm 1902 tại làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên . Năm 1921, ông học trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp năm 1924, ông tiếp tục học trường Cao Đẳng Thương Mại thuộc Đại Học Đông Dương.

Năm 1925, ông đã gửi hai bức thư cho ông Toàn Quyền Đông Dương Alexandre Varenne đề nghị cải cách nền công thương nghiệp tại Việt Nam và đề nghị thành lập trường Cao Đẳng Công Nghệ tại Hà Nội. Ông cũng đề nghị chính quyền thành lập các thư viện tại các làng xã và các thành phố. Ngoài ra ông cũng đề nghị chính quyền giúp đỡ dân nghèo để họ có đời sống khá hơn. Các bức thư của ông đều không nhận được sự trả lời của ông Toàn Quyền.

Tháng 6 năm 1927, ông làm đơn gửi đến thống sứ Bắc Kỳ xin phép xuất bản một nguyệt san lấy tên là Nam Thanh với mục đích cổ vũ đồng bào tham gia các hoạt động công thương nghiệp . Đơn xin thành lập báo của ông bị từ chối.

Ngày 25-12-1927, ông cùng với một số người đồng chí hướng, trong đó có những người trong tiệm sách Nam Đồng Thư Xã, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng với mục tiêu dùng vũ lực đánh đuổi người Pháp, giành lại độc lập cho Việt Nam. Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ Tịch Đảng. Việt Nam Quốc Dân Đảng theo lý thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa do bác sĩ Tôn Dật Tiên ở Trung Hoa đề xướng và chủ trương sau khi giành được độc lập sẽ thiết lập chế độ dân chủ, cộng hòa. Trong tôn chỉ của đảng có câu:

“Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Cộng Hoà . Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặct biệt là các lân quốc: Ai Lao và Cao Miên”.

Những người thành lập Nam Đồng Thư Xã, 1925. Địa chỉ của Nam Đồng Thư Xã ở số 129 phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội

Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) (1897 - 1949), một trong những người sáng lập Nam Đồng Thư Xã rồi sau đó tham gia việc thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Việt Nam Quốc Dân Đảng sau đó kết nạp các đảng viên thuộc mọi thành phần trong nước. Đến năm 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng có 120 chi bộ và hơn 1500 đảng viên bao gồm nhiều thành phần như công chức, giáo viên, nhà Nho, học sinh, sinh viên, nhà báo, công nhân, nông dân, địa chủ, thương gia, binh sĩ trong quân đội thuộc địa...

 Đảng kỳ của Việt Nam Quốc Dân Đảng

Ngày 2-9-1929, một số đảng viên tại Hà Nội, không tuân theo lệnh trên, đã ám sát Hervé Bazin, một người có tiếng là tàn ác chuyên tuyển mộ nhân công cho các đồn điền Pháp. Vụ ám sát này làm cho chính quyền thuộc địa tìm cách tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng . Do có người trong đảng làm phản khai báo cho Pháp, chính quyền thuộc địa đã bắt 277 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng . Vì vụ ám sát này mà mấy tháng sau đó chính quyền thuộc địa truy nã các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ráo riết . Nhiều đảng viên bị bắt.

Trước tình hình này, vì lo ngại đảng sẽ bị tan rã, Nguyễn Thái Học ra lệnh cho các đảng viên sản xuất bom, thu thập vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa . Cuối năm 1929, một xưởng chế tạo bom tại Bắc Giang bị phát nổ . Người Pháp biết là Việt Nam Quốc Dân Đảng đang chế tạo vũ khí nên lại càng cố truy tầm. Sau đó một số địa điểm làm đao, kiếm và chế tạo bom bị chính quyền khám phá và thêm nhiều đảng viên bị bắt. Trước tình hình này, ngày 26-1-1930, Nguyễn Thái Học tổ một buổi họp tại làng Võng La . Nguyễn Thái Học nói rằng:

"Gặp thời thế không chiều mình, Ðảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến cho họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các nơi phòng ngục trại giam âu là chết đi, để lấy lại gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta không thành công thì thành nhân có gì mà ngần ngại"

Mọi người trong buổi họp đồng ý sẽ phát động tổng khởi nghĩa. Sau đó, Nguyễn Thái Học triệu tập một buổi họp khác ở Hải Dương và các đảng viên tại khu vực này cũng đồng ý tổng khởi nghĩa . Ngày tổng khởi nghĩa được quyết định vào đêm mồng 9 tháng 2, năm 1930. Nguyễn Thái Học sẽ đảm nhiệm việc khởi nghĩa tại miền xuôi, còn Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính sẽ đảm nhiệm việc khởi nghĩa tại miền núi . Địa điểm các cuộc khởi nghĩa bao gồm:

Khu vực miền núi: Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn Tây.

Khu vực miền xuôi: Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại và Hà Nội



Gần đến ngày khởi nghĩa, vì các cơ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại miền xuôi tương đối yếu, lại thêm bị người Pháp luôn lùng xục, bắt bớ nên Nguyễn Thái Học thấy các cơ sở miền xuôi chưa sẵn sàng để khởi nghĩa vào ngày đã định . Do đó, Nguyễn Thái Học cho người báo với Nguyễn Khắc Nhu là dời ngày tổng khởi nghĩa lại đến ngày 15-2-1930. Người đi báo tin bị bắt người Pháp bắt giữa đường nên Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính không hề hay biết là ngày tổng khởi nghĩa đã được dời lại.


Nguyễn Khắc Nhu

Đến đêm ngày 9-2-1930, các cơ sở ở miền núi từ Sơn Tây, Phú Thọ đến Yên Bái vẫn khởi nghĩa theo như kế hoạch đã định sẵn. Cuộc khởi nghĩa mạnh nhất ở Yên Bái . Quân khởi nghĩa chiếm được một phần đồn Pháp và làm chủ tỉnh lỵ Yên Bái trong gần hai ngày . Các cuộc khởi nghĩa này đều bị người Pháp dập tắt.

Đến ngày 15-2-1930, mặc dù đã biết cuộc khởi nghĩa ở các tỉnh miền núi đã bị dập tắt, các cơ sở tại miền xuôi vẫn khởi nghĩa theo như kế hoạch . Các cuộc khởi nghĩa này đều bị thất bại . Nguyễn Thái Học tìm đường trốn qua Trung Hoa nhưng rồi bị bắt tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương .

Ngày 17-6-1930, chính quyền thuộc địa đem Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ra xử chém tại Yên Bái . Ngoài 13 người này ra, chính quyền thuộc địa xử chém hơn 20 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khác trong thời gian từ 8-6-1930 đến 23-6-1930 đồng thời kết án tù chung thân nhiều đảng viên khác.

Ảnh của 12 liệt sĩ bị đem chém đầu cùng với Nguyễn Thái Học
Hàng 1: Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con, Nguyễn Khắc Nhu
Hàng 2: Nguyễn An, Lê Hữu Cảnh, Hà Văn Lao
Hàng 3: Bùi Tư Toàn, Bùi Xuân Mai, Lê Xuân Huy
Hàng 4: Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn Như Liên tức Ngọc Tỉnh, Nguyễn Văn Toại
 




Đầu của 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng


Hai đường lối phát triển

Căn cứ vào nội dung các bức thư gửi Toàn Quyền Pháp đề nghị phát triển công thương nghiệp cho Việt Nam chúng ta thấy Nguyễn Thái Học có suy nghĩ cũng giống như nhiều người thuộc thế hệ trẻ tại Việt Nam lúc đó nghĩa là muốn nâng cao dân trí, phát triển công thương nghiệp để Việt Nam trở thành một nước văn minh, giàu mạnh, thoát khỏi cảnh lệ thuộc ngoại bang. Ông chịu ảnh hưởng các sách báo của Nam Đồng Thư Xã đã xuất bản lúc đó nêu lên các tấm gương canh tân đất nước của Nhật Bản, cách mạng Tân Hợi, đánh đổ chế độ quân chủ nhà Thanh vào năm 1911 của bác sĩ Tôn Dật Tiên của Trung Hoa.

Nhiều người Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, trong đó có ông Phan Bội Châu, đã noi gương canh tân của Nhật Bản để làm cho đất nước thoát khỏi cảnh lạc hậu . Các nhà Nho trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, đã mở trường dạy học năm 1907 để dạy dân các kiến thức canh tân đất nước mà họ đã học qua tấm gương của Nhật Bản . Trong đó có việc bãi bỏ những hủ tục làm cho đất nước lạc hậu, phát triển buôn bán, kỹ nghệ để làm giàu cho đất nước . Đó cũng là con đường mà Nhật Bản bắt chước các nước Tây phương để trở thành văn minh, hùng mạnh . Những người sáng lập ra tiệm sách Nam Đồng Thư Xã vào năm 1925 cũng tiếp nối ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục đã xướng lên 18 năm trước . Để rồi Nguyễn Thái Học và các thân hữu trong Nam Đông Thư Xã đã đi đến quyết định thành lập đảng chính trị để thực hiện quan niệm của mình.

Cụ Cử Lương Văn Can, hiệu trưởng đầu tiên của trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Tên Việt Nam Quốc Dân Đảng và lý thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa cho thấy là Nguyễn Thái Học chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng Tân Hợi. Bác sĩ Tôn Dật Tiên và các nhóm trong cuộc cách mạng Tân Hợi đã thành lập Trung Hoa Quốc Dân Đảng  năm 1912 và đề ra Tam Dân Chủ Nghĩa. Tam Dân bao gồm Dân Tộc, Dân Quyền, Dân Sinh. Từ đó Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đề ra khẩu hiệu:

Dân Tộc Độc Lập, Dân Quyền Tự Do, Dân Sinh Hạnh Phúc.

Có người cho rằng khẩu hiệu Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc mà chế độ Cộng Sản Việt Nam dùng là phát xuất từ khẩu hiệu trên, trong thời gian Việt Nam Quốc Dân Đảng và đảng Cộng Sản Đông Dương thành lập chính phủ liên hiệp sau 1945.

Thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa đi với cách thành lập chính quyền theo nguyên tắc phân quyền như các chế độ dân chủ Tây phương, nhưng thay vì Tam Quyền Phân Lập thì bác sĩ Tôn Dật Tiên sửa đổi lại mà đề ra Ngũ Quyền Phân Lập. Tam Quyền Phân Lập gồm Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp trong khi đó Ngũ Quyền Phân Lập thì cũng có Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp nhưng thêm vào Giám Sát Quyền và Khảo Thí Quyền. Giám Sát Quyền để giám sát hành vi của các viên chức nhà nước và Khảo Thí Quyền để xem xét viên chức nhà nước có đủ năng lực, kiến thức để làm việc hay không .

Nói chung, Tam Dân Chủ Nghĩa chịu ảnh hưởng của chế độ dân chủ tại Tây phương vì bác sĩ Tôn Dật Tiên được gia đình gửi cho ở chung với anh ông ở Honolulu, sau đó ông tốt nghiệp y khoa ở đại học Hongkong . Trong thời gian này, ông có về Trung Hoa rồi nhận thấy Trung Hoa quá lạc hậu nên nung nấu ý chí muốn canh tân Trung Hoa . Như vậy ảnh hưởng chính trị dân chủ Tây phương đã đến với Nguyễn Thái Học và thế hệ của ông qua trung gian phong trào dân chủ tại Trung Hoa.

Bác sĩ Tôn Dật Tiên


Trong lúc Việt Nam Quốc Dân Đảng ráo riết thu nạp đảng viên thì các thành viên của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của đảng Cộng Sản Đông Dương cũng ganh đua với Việt Nam Quốc Dân Đảng để lôi kéo thanh niên vào tổ chức của mình . Các hoạt động của hai tổ chức có hai đường lối chính trị khác nhau đã cùng diễn ra một lúc trong thời kỳ đó .

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại vào tháng 2 năm 1930 thì chỉ 5 tháng sau đó, xảy ra vụ nông dân Trung Kỳ biểu tình chống thuế do các cán bộ cộng sản thuộc Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội tổ chức mà người cộng sản gọi là vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh . Một số điểm khác biệt giữa vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh và vụ khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng là trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng bao gồm toàn thể các thành phần xã hội của Việt Nam lúc đó thì những người tổ chức vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh nhắm vào nông dân nghèo khổ để kêu gọi họ nổi lên giành chính quyền và đồng thời đề ra khẩu hiệu: "Trí, Phú Địa Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ". Trí là trí thức, Phú là các nhà giàu, Địa là địa chủ, là những người làm chủ ruộng đất, Hào là những người có uy tín ở trong làng . Các đặc điểm này cho thấy chủ trương của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội sau khi đánh đuổi người Pháp là như thế nào . Những người cộng sản Việt Nam trong Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội tuy cũng giống như những đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở chỗ cùng đánh đuổi người Pháp, nhưng khác với Việt Nam Quốc Dân Đảng ở chỗ là trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng xem các thành phần xã hội được tồn tại như là điều tự nhiên thì những người cộng sản chủ trương sẽ tiêu diệt một số thành phần xã hội theo như lý thuyết của chủ nghĩa Cộng Sản sau khi đã giành được độc lập . Đó là thuyết Đấu Tranh Giai Cấp mà Karl Marx chủ trương.

Nhìn một cách tổng quát thì đường lối phát triển đất nước mà Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội chủ trương sau khi đã giành được độc lập khác nhau như sau:

Các đặc điểm của chủ trương của những người theo Việt Nam Quốc Dân Đảng là:

- Khi có được độc lập, sẽ thành lập một chính quyền dân chủ có phân quyền. Nhiều đảng với nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau cùng hoạt động và tồn tại.

- Nâng cao dân trí, bài trừ hủ tục. Xem người dân có kiến thức, hiểu biết sẽ là lực lượng đưa đất nước tiến lên văn minh, thịnh vượng chứ không phải chỉ là một thiểu số ưu tú nào đó trong xã hội. Từ đó mà có chủ trương tự do ngôn luận để người dân có thể hấp thụ các kiến thức văn minh của thế giới. Cũng từ đó mà có chủ trương nên để cho dân được tự do, xem trọng tự do cá nhân để người dân có thể thoát ra các phong tục, tập quán lỗi thời làm suy yếu đất nước.

- Xem trọng công, thương nghiệp do tư nhân làm. Điều này, người Việt học hỏi từ Nhật Bản và Tây phương. Các nước Tây phương đã trải qua thời kỳ chủ nghĩa trọng thương, xem tự do cá nhân là nguồn gốc khiến cho công dân vì ham lợi, ham làm giàu mà hăng hái buôn bán, hoạt động sản xuất trong kỹ nghệ, và nhận ra rằng buôn bán, sản xuất làm cho đất nước trở nên giàu có. Tại Á Đông, văn hóa Nho giáo đã bài bác việc buôn bán, kỹ nghệ cho đó là những ngành không làm cho đất nước giàu có thêm, chỉ có nông nghiệp mới thực sự là có sản xuất, là tạo ra sản phẩm cho đất nước. Các nhà canh tân Nhật Bản đã phải viết sách thay đổi cách suy nghĩ của dân Nhật vốn cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo, khuyên mọi người cũng coi trọng công, thương nghiệp, vì công thương nghiệp đã làm cho các nước Tây phương giàu có . Các nhà Nho trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cũng noi gương người Nhật mà khuyên dân hãy hăng hái đi theo hoạt động công thương nghiệp.

Trong khi đó những người cộng sản điều khiển Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội chủ trương như sau:

- Khi có được độc lập, sẽ thành lập một chính quyền theo mô hình của Liên Bang Xô Viết, nghĩa là một chính quyền do một đảng duy nhất là đảng Cộng Sản theo chủ nghĩa Cộng Sản lãnh đạo . Các đảng khác, theo cách nhìn của người cộng sản, dù là có yêu nước, đã chống Pháp đi chăng nữa nhưng đều là phản động, là xấu cả. Phản động vì họ không đi theo con đường mà chủ nghĩa Cộng Sản đã vạch ra. Các đảng này sẽ phải bị giải tán hoặc tiêu diệt để chỉ có mình đảng Cộng Sản được tồn tại mà thôi.

- Vì quần chúng không có bao nhiêu người biết về chủ nghĩa Cộng Sản mà phần nhiều người dân chỉ muốn đất nước có độc lập nên trong lúc đầu, những người cộng sản sẽ dùng chiêu bài Độc Lập Dân Tộc để kêu gọi người dân đánh đuổi người Pháp đi. Sau khi người Pháp đã bị đuổi đi rồi thì những người cộng sản sẽ lên nắm quyền và đưa đất nước đi theo con đường mà chủ nghĩa Cộng Sản vạch ra.

- Những người cộng sản cho rằng vì họ học được chủ nghĩa Cộng Sản nên là những người tiến bộ nhất trên thế giới cũng như ở trong nước, còn quần chúng thì chỉ là những kẻ lạc hậu, cần phải được những người cộng sản lãnh đạo, dạy dỗ và đưa đường, chỉ lối. Vì quan niệm như thế nên chế độ mà người cộng sản thiếp lập sẽ không cho phép có tự do ngôn luận. Quần chúng vì lạc hậu nên không được phép tự do phát biểu tư tưởng cũng như không được tự do tìm hiểu, học hỏi các tư tưởng khác trên thế giới hay được tham gia vào các quyết định chính trị. Chỉ có người cộng sản, là những người tiến bộ, mới được phép phát biểu, dạy dỗ cho người dân cái lý thuyết tiến bộ nhất loài người là chủ nghĩa Cộng Sản. Dân chỉ có biết nghe lời và thi hành những gì người cộng sản bảo mà không cần phải tự suy nghĩ để tự quyết định cho mình.

- Công, thương nghiệp của tư nhân bị bài bác và phải bị diệt trừ vì theo chủ nghĩa Cộng Sản thì công, thương nghiệp là các hoạt động mà giai cấp tư sản dùng để bóc lột quần chúng. Các hoạt động công, thương nghiệp phải do nhà nước đảm nhiệm. Tư nhân chỉ được đi làm cho nhà nước ăn lương mà thôi.

Sau khi Việt Nam Quốc Dân Đảng khởi nghĩa thất bại thì một số người đã chạy sang Trung Hoa tiếp tục hoạt động. Đồng thời sau này, có một số đảng phái không cộng sản khác cũng được thành lập để hoạt động chống Pháp . Nhưng tựu chung, các đảng không cộng sản này và đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn khác nhau qua hai đường lối với những đặc điểm nêu trên.

Xét về mặt nguồn gốc thì đường lối mà Nhật Bản cùng với các nhà Nho Đông Kinh Nghĩa Thục, rồi đến Nguyễn Thái Học đã theo phát xuất từ Tây phương. Đường lối mà ông Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đi theo phát xuất từ Nga, rồi lan qua Trung Hoa sau đó.

Hai đường lối này mang dấu ấn của các biến chuyển xã hội tại các quốc gia khai sinh ra chúng.

Các quốc gia Tây phương đã đi đến xã hội tư bản qua các thế kỷ với phong trào trọng công thương nghiệp, giải phóng cá nhân ra khỏi các tư tưởng tôn giáo, đề cao lý trí, lý luận thay vì chấp nhận các điều đã được xã hội tin tưởng và tuân theo trong quá khứ. Sự phát triển công thương nghiệp và chủ nghĩa cá nhân đã đưa đến sự thay đổi trong cơ cấu xã hội các nước Tây phương. Đất nước không còn nằm trong tay một thiểu số quí tộc nữa mà người dân thường cũng có quyền tham gia vào chính trị và có ảnh hưởng đến chính quyền.

Tại Nga, nơi khai sinh ra đường lối phát triển mà những người cộng sản Việt Nam đi theo đã không xảy ra các biến chuyển như các nước Tây phương. Chủ nghĩa trọng thương không lan đến Nga nên với nền văn hóa nông nghiệp, coi nhẹ công thương nghiệp, người Nga, rồi một số người Trung Hoa và Việt Nam rất hoan nghênh các lý luận bài bác óc ham lợi của Karl Marx.

 Karl Marx (1818 - 1883)

Cho đến thế kỷ 19, Nga vẫn là một nước còn duy trì chế độ nông nô trong khi một thiểu số quí tộc có uy quyền rất lớn trong xã hội, trong khi tại các nước khác trên thế giới, chế độ nông nô đã bị hủy bỏ hàng ngàn năm trước rồi. Mô hình xã hội của Nga với một thiểu số ưu tú định đoạt số phận của toàn dân được phản ảnh lại trong quan niệm người cộng sản là những người ưu tú nhất, tiến bộ nhất nên họ phải có quyền dạy dỗ, dẫn dắt toàn dân đi theo họ.

Nga cũng không trải qua một phong trào giải phóng cá nhân như các nước Tây phương nên quyền tự do ngôn luận và các quyền cá nhân khác cũng không được những người cộng sản coi trọng.

Các nước Tây phương nằm trong khu vực đế quốc La Mã xưa kia nên có tinh thần tôn trọng pháp luật. Nhờ tinh thần tôn trọng pháp luật mà nền kinh tế thị trường đã phát triển thành chế độ tư bản. Trong khi đó việc tôn trọng pháp luật rất mờ nhạt trong đường lối cai trị của người Nga và tiếp tục trong đường lối của người cộng sản. Pháp luật không phải là yếu tố quan trọng trong việc phán xét đúng sai mà sự suy nghĩ của bản thân người lãnh đạo đảng Cộng Sản mới là khuôn vàng thước ngọc để toàn dân nói theo.

Ngay cả khi Việt Nam chia làm hai miền Nam, Bắc và cuộc chiến tranh giữa hai phe Quốc Gia, Cộng Sản trở thành một phần của cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa tư bản và cộng sản thì sự khác biệt về đường lối trên cũng vẫn tồn tại.

Khi phong trào phản chiến ồn ào phản đối Mỹ can thiệp vào Việt Nam, và đòi Mỳ phải rút quân thì nhiều người phản chiến có lẽ cũng không hề biết đến sự khác biệt giữa hai đường lối mà người Việt đang tranh đấu.

Nhiều người ủng hộ phe Cộng Sản trong cuộc chiến tranh và cho rằng Mỹ là kẻ xâm lược có lẽ cũng không hay biết về sự khác biệt của hai đường lối này hoặc sự quan tâm của họ chỉ chú trọng vào sự hiện diện của người Mỹ mà không hề nhìn vào sự khác biệt giữa hai đường lối này.

Chỉ đến khi sau 30-4-1975, miền Nam bị thất thủ thì nhiều người dân miền Nam mới thấy sự khác biệt giữa hai đường lối này khi các cán bộ cộng sản từ miền Bắc vào thay đổi xã hội, guồng máy sản xuất để biến miền Nam theo mô hình Liên Xô. Hàng triệu người đã phải xuống tàu vượt biên vì không chịu nổi hậu quả khốc hại của đường lối mà người cộng sản áp dụng lên miền Nam.

Nhưng cũng phải đợi đến khi chế độ Liên Xô bị sụp đổ vào năm 1989 thì nhiều người cộng sản mới chịu mở mắt ra mà nhìn thấy đường lối mà họ cho là tiến bộ nhất loài người dẫn một quốc gia đi đến chỗ nghèo đói, cai trị không theo luật pháp và chấp nhận thay đổi đường lối.

Ngày nay, các chế độ cộng sản tại Trung Hoa và Việt Nam đều phải công nhận cho tư nhân hoạt động công thương nghiệp, giống như là Nguyễn Thái Học và các nhà Nho trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ trương. Một số bài báo của chế độ cộng sản hiện nay tại Việt Nam đã phải công nhận rằng sau 100 năm qua, những điều dạy trong trường học của Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn còn nguyên giá trị và đáng đem áp dụng cho đất nước. Nhiều người dân Việt ngày nay đã thấy cái tai hại của chế độ ngăn cấm tự do ngôn luận đã làm cho dân trí bị lạc hậu so với các nước Đông Á khác ra sao. Các cán bộ cộng sản lãnh đạo về giáo dục tại Trung Hoa và Việt Nam đã phải nhận rằng chính sách giáo dục chỉ tạo ra loại công dân chỉ biết nghe lời, không cần biết suy nghĩ không thể làm cho một quốc gia có thể đuổi kịp các nước khác để trở thành hùng mạnh được.

Nếu đem sự phát triển và tồn vong của đất nước đặt lên trên hết thì điều quan trọng nhất thì điều người ta nhìn thấy trong lịch sử cận đại của Việt Nam là sự tranh chấp giữa hai đường lối phát triển quốc gia. Trong hai đường lối đó, đường lối mà Nguyễn Thái Học đã chọn ngày nay vẫn là đường lối đúng đắn và có giá trị.



 Đài Tưởng Niệm liệt sĩ Nguyễn Thái Học (Yên Bái)

Tài liệu tham khảo:
  • Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái, trang web của Việt Nam Quốc Dân Đảng, http://www.vnqdd.org/index.htm
     
  • Việt Nam Quốc Dân đảng và người lãnh đạo Nguyễn Thái Học của tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, đài phát thanh Á Châu Tự Do.
     
  • Tiểu sử Nguyễn Thái Học, Wikipedia, http://vi.wikipedia.org
     
  • Tiểu sử Tôn Dật Tiên (Sun Yat Sen), Wikipedia, http://vi.wikipedia.org
     
  • Nguyễn Thái Học và sách lược dân chủ hóa Đông Dương của tiến sĩ Nguyễn Đại Việt.
     
  • Bài tưởng niệm Nguyễn Thái Học của Phạm Việt Khanh, viết nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
  •  
Trích đoạn "Tiểu Sử Nguyễn Thái Học" do Nhượng Tống viết

Anh bị giam hơn ba tháng trời. Chiều ngày 16 tháng 6, Anh và các đồng chí trong số án chém, tất cả 13 người bị giải đi Yên Báy. Từ trong buồng giam kín bước ra qua trại giam ngoài, Anh chào anh em nghỉ lại. Anh vừa đi vừa nói:

- Chúng tôi chắc đi chết đây! Các anh sống lại, cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu! Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa! Nhiều nữa! Rồi thế nào cách mệnh cũng có ngày thành công!

 Anh em chào tiễn các anh. Và buổi sáng hôm sau, suốt cả Hỏa Lò, thường phạm cũng như quốc sự phạm đều bỏ cơm không ăn, để tỏ tình liên lạc. Anh và 12 đồng chí với đội lính Khố Xanh, đi chuyến tàu đêm lên Yên Báy. Theo sau là bọn mật thám và hai cố đạo. Trên tàu, các anh vẫn cùng nhau nói chuyện phiếm. Anh Chính cười:

- Đến Yên Báy, chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào bốn anh Thinh, Hoàng, Thuần, Thuyết chẳng đứng chực sẵn chúng ta ở sân ga! (Bốn anh này đã bị chúng giết ở Yên Báy cũng một ngày trước các anh).

Anh Học thì cãi lý với Cố Ân:

- Việc gì chúng tôi phải ăn năn? Chúng tôi chỉ là kẻ thất bại, chứ đâu phải là kẻ có tội! Rồi Anh đọc mấy câu thơ tiếng Pháp, dịch nghĩa là:

  "Chết vì Tổ Quốc, Cái chết vinh quang! Lòng ta sung sướng! Trí ta nhẹ nhàng!...”

Khi đến Yên Báy, chúng giam các anh vào nhà pha. Rồi bắt đầu từ 5 giờ rưỡi sáng hôm 17 tháng 6, các anh đã lần lượt bước lên đài vinh dự. Đó là một khoảng đất ở gần trại Khố Xanh, chung quanh có lính ta, lính Lê Dương vác súng đứng vòng tròn. Các anh, từng người một, do lính Lê Dương dẫn từ trong ngục thất Yên Báy bước ra.

Trước khi ra, chúng đưa rượu cho Anh uống. Nhưng Anh từ chối, chỉ đòi hút điếu thuốc lào.

Người chết trước nhất là Nguyễn Như Liên, đến người thứ mười một là Nguyễn Văn Chuân, chỉ hô được hai tiếng “Việt Nam...” thì tên lính Lê Dương đứng cạnh đã bịt mồm không hô ra tiếng nữa!

Anh Phó Đức Chính thứ mười hai, đòi đặt anh nằm ngữa để xem lưỡi máy chém nó xuống như thế nào! Anh hô được đủ bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”

Anh Học lên cuối cùng, tỏ ra vẻ cực kỳ bình thản. Anh mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn công chúng, nhìn quân lính, nhìn máy chém, rồi cất giọng đỉnh đạc, trầm hùng mà hô thật lớn bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”... Nhưng không biết trong khi nhìn quanh ấy, tia mắt Anh có gặp tia mắt một người... không?

    No comments:

    Post a Comment