Tuesday, October 4, 2011

Những người căm ghét giai cấp trung lưu

David Brooks – Giang lược dịch
Tại sao châu Âu và Ả Rập ghét Hoa Kỳ và Do Thái

Khoảng năm 1830, một nhóm nghệ sĩ và trí thức Pháp nhìn ra thế giới chung quanh và bỗng nhận ra cái bọn kém trí tuệ hơn mình đang điều khiến thế giới. Bỗng dưng những chủ tiệm, nhà quản lý, và nhà buôn làm ra hàng khối tiền, sống trong những ngôi nhà rộng lớn và nắm giữ những chức vụ quan trọng. Họ không có phong cách của giới quí tộc hay sự chất phác của nông dân. Thay vào đó trông họ thật đáng tởm. Họ là những người chạy theo vật chất một cách thô bỉ, gió chiều nào xoay chiều ấy, thiếu văn hóa nhưng tự mãn, những kẻ ít khi nào chịu thừa nhận sự kém cỏi về đời sống tinh thần so với những nghệ sĩ và trí thức. Đã thế, chính sự tầm thường ấy lại mang đến thành công. Không hiểu tạo hóa đã lầm lẫn như thế nào mà sự tham lam nhỏ mọn của họ lại mang đến tài sản khổng lồ, quyền lực vô biên và cả những sự trọng vọng của xã hội.



Dĩ nhiên là những nghệ sĩ và trí thức này phải nổi giận. Sự căm ghét đám trung lưu trở thành tình cảm được công nhận trong giới trí thức Pháp. Stendhal nói những chủ tiệm, những nhà buôn làm ông ta “vừa muốn khóc vừa muốn ói.” Flaubert nghĩ rằng họ “cần cù và tham lam.” Sự căm ghét đám trung lưu tiểu tư sản, ông viết, “là điểm khởi đầu của mọi đức hạnh.” Ông ký tên trong các bức thư “Căm Ghét Tiểu Tư Sản” để cho thấy ông khinh bỉ bọn buôn bán tạp hoá ngu xuẩn và những bọn cùng loại như thế nào.

Trong tất cả những tín điều của thế kỷ 19, một tín điều vẫn còn phát triển mạnh cho đến ngày nay: căm thù bọn tiểu tư sản. Chủ nghĩa Marx đã chết. Tư tưởng Freud đã chết. Tư tưởng Darwin đã chết, cùng với nó là những lý thuyết về chủng tộc thuần chủng. Nhưng những xúc động và phản ứng được bày tỏ của Flaubert, Standhal và nhiều người khác nữa vẫn còn ở lại với chúng ta, càng ngày càng lớn mạnh. Trên thực tế, sự căm thù giới tiểu tư sản, được phát triển thành nhiều kiểu khác nhau và lan tràn khắp chốn như Baghdad, Ramallah, và Bắc Kinh, là một tín điều chính của thời đại chúng ta.

Ngày nay, dưới mắt của thế giới, hai dân tộc Hoa Kỳ và Do Thái đã nổi lên như là thí dụ điển hình cho sự thành công không xứng đáng. Dưới cái nhìn của họ, Hoa Kỳ và Do Thái là những con thằn lằn tối mắt vì tiền, những kẻ làm băng hoại đạo đức, phá hủy giá trị văn hóa, sùng bái giá trị vật chất. Hai dân tộc này thành công vì bị tê liệt về tinh thần, không biết đến những điều thánh thiện trong đời sống, chạy đuổi theo quyền lực và lợi nhuận. Chính những điều này đã giúp họ xây dựng sản nghiệp, chế tạo vũ khí, và đóng vai trò siêu cường.

Và như thế, cũng như đám trí thức Pháp của những năm 1830 đã đứng lên để bày tỏ sự khinh bỉ đối với bọn con buôn và chủ nhà băng, một số người ngày nay đã đứng dậy theo tiếng gọi của những thảng thốt, nhục nhã, và mơ mộng tiêu diệt Hoa Kỳ và Do Thái. Ngày nay những kẻ căm thù tiểu tư sản trong lòng cháy bỏng với mặc cảm tự ty. Họ cảm thấy nhục nhã vì không thể làm gì để ngăn chặn sức mạnh của kẻ thù. Ngày nay họ không những chỉ là giới nghệ sĩ và trí thức, mà còn là những kẻ khủng bố, những người ôm bom tự sát.

Sự căm ghét giai cấp trung lưu thực ra là sự căm ghét thành công. Đó là sự căm thù của những người tự cho là mình cao quý hơn vẻ mặt tinh thần nhưng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội thì bị bỏ xa. Họ kết luận rằng thế giới đang mang bệnh nặng, cái thế giới bệnh hoạn nầy ban thưởng cho những giá trị sai lầm, những con người và những khả năng không xứng đáng. Trong cái đầu của những kẻ căm thù giai cấp trung lưu, những dân tộc và quốc gia thành công không những chỉ là những kẻ thô bỉ, may mắn, mà lẽ ra không đáng được hưởng. Đó còn là những con quái vật, có bị giết đi cũng chẳng có gì phải bận tâm. Nhà thi sĩ Đức đầu thế kỷ 19 Holderlin không những chỉ làm ngơ xem thường những nhà buôn tiểu tư sản, ông tuyên bố rằng bọn trung lưu “không có khả năng cảm nhận tình cảm thánh thiện” nói cách khác, gần như không phải là người.

Khi những kẻ căm thù giai cấp trung lưu mô tả kẻ thù của mình, họ luôn luôn diễn tả bọn tiểu tư sản như là những kẻ điên cuồng vì tiền, mải mê buôn bán. Và cái chủ nghĩa duy vật chất này, dưới cái nhìn của họ, không những làm băng hoại tâm hồn của đám tiểu tư sản, mà còn qua những lũ này làm mất đi giá trị của văn minh nhân loại và toàn thể giới. Nó đe dọa, như lời của đại lãnh tụ chống tiểu tư sản, Karl Marx, biến tất cả những điều thánh thiện thành những điều thô bỉ.

Thực đáng ngạc nhiên khi mà ngay cả Hoa Kỳ thời lập quốc được mô tả như là vùng đất của những kẻ chúi mũi kiếm tiền. Francois La Rochefoucauld-Liancourt khi du hành đến Hoa Kỳ trong những năm 1790 tuyên bố, “sự khao khát trở thành giàu có là nỗi đam mê thống trị họ." Vào năm 1805, một du khách người Anh nhận xét, “Tất cả mọi người đều chạy theo đồng tiền.”

“Lợi nhuận! Lợi nhuận! Lợi nhuận! Lợi nhuận! Lợi nhuận!” Triết gia người Anh Morris Birbeck tóm lược tinh thần dân Mỹ vài năm sau đó. Năm 1823 William Faux viết rằng “hai vị thần vị kỷ, khoái lạc và lợi nhuận, biến dân Mỹ thành nô lệ.” Mười bốn năm sau đó văn sĩ người Nga Mikhail Pogodin than thở “Hoa Kỳ, những người của thời đại chúng ta kỳ vọng vào họ, đã cho thấy những khuyết tật như của những đứa con rơi vô thừa nhận. Nó không phải là một quốc gia, mà là một công ty buôn bán.”

Mỗi đợt sóng quan sát viên nước ngoài lại làm tăng thêm thành kiến. Charles Dickens mô tả Hoa Kỳ như là một kẻ khoe của thô tục chạy đuổi theo “đồng đô la tối thượng.” Oswald Spengler lo lắng rằng nước Đức sẽ trở thành “nước Mỹ vô hồn” với sự sùng bái “khả năng kỹ thuật, đồng tiền, và những dữ kiện.” Matthew Arnold lo ngại rằng các động lực toàn cầu sẽ Mỹ hoá nước Anh. “Họ sẽ thống trị nước Anh bằng năng lực của họ, nhưng họ sẽ làm băng hoại nước Anh bằng những ý tưởng thấp hèn và sự thiếu văn hóa.” Đến năm 1904, dân chúng toàn thế giới lo ngại Hoa Kỳ sẽ thống trị về văn hóa. Trong năm đó văn sĩ người Đức Paul Dehns viết một tiểu luận gây nhiều ảnh hưởng “Sự Mỹ hóa toàn thế giới.” “Mỹ hoá là gì?’ Dehns hỏi. “Mỹ hoá, trong ý nghĩa rộng nhất của nó, bao gồm cả lãnh vực xã hội và chính trị, có nghĩa là sự nổ lực theo đuổi lợi nhuận, sự giàu có và ảnh hưởng một cách liên tục, dốc trọn tâm trí và không ngừng nghỉ.”

Kể từ biến cố 9 tháng 11, có rất nhiều những bài phân tích về nguồn gốc của sự giận dữ của những người Hồi giáo. Nhưng đối với những người thông hiểu về lịch sử của tính đấu tranh giai cấp, sự giận dữ của những người Hồi Giáo đan quyện lấy sự căm thù truyền thống chống chủ nghĩa tư bản dựa trên năng lực cá nhân. Người Hồi giáo cuồng tín và những kẻ đấu tranh giai cấp đều căm thù những điều giống nhau. Họ dùng những từ ngữ như nhau, thốt ra những lời phản kháng như nhau. Trong một bài tiểu luận đăng trên New York Review of Books với tựa đề “Occidentalism” Avishai Margalit và Ian Buruma liệt kê ra những điểm làm cho al Qaeda và những nước chống Mỹ và chống phương Tây ở thế giới thứ ba căm giận. Thứ nhất, họ ghét thành phố. Thành phố đại diện cho thương mại, dân chúng gồm nhiều chủng tộc sống hòa lẫn vào nhau, tự do cho nghệ sĩ, và tự do tình dục. Thứ hai, họ ghét các phương tiện truyền thống đại chúng: quảng cáo, truyền hình, âm nhạc phổ thông, và phim ảnh. Thứ ba, họ ghét khoa học và kỹ thuật — sự tiến bộ của suy luận kỹ thuật, hiệu quả cơ khí, sự hiểu biết về vật liệu. Thứ tư, họ ghét sự thận trọng, niềm ước mơ được sống yên bình, thay vì tìm đến cái chết và bạo động. Thứ năm, họ ghét tự do, cái tự do dành cho cả những kẻ tầm thường. Thứ sáu, họ khinh bỉ sự giải phóng phụ nữ. Như là Margalit and Buruma ghi nhận, “giải phóng phụ nữ đưa đến sự băng hoại của đám tiểu tư sản.” Đàn bà lẽ ra phải ở nhà, chỉ có nhiệm vụ sinh đẻ ra những anh hùng. Khi đàn bà đi ra khỏi nhà, bước chân vào thế giới bên ngoài họ đã tước mất người đàn ông cái nam tính và làm suy yếu sức sống của đàn ông.

Nếu bạn kết hợp sáu điều kể trên lại với nhau, bạn sẽ có được những trụ cột của xã hội tư bản dựa trên năng lực cá nhân, được thực hiện ở các quốc gia như Hoa Kỳ và Do Thái. Cơn giận dữ của những người Hồi giáo hiện đại còn được thổi bùng lên bởi hai tình cảm thôi thúc khác nữa. Một là cái cảm giác hổ thẹn về tình dục. Một nghi thức cần cho bất kỳ một kẻ muốn đấu tranh giai cấp nào là một chuyến đi Mỹ hay các nước phương Tây, nơi mà tác giả gần như bị cám dỗ bởi sự thụ hưởng khoái lạc trần tục của đời sống của xã hội tư bản, nhưng đã quay lưng chối từ một cách anh dũng. Sayyid Qutb, một trong những người hùng trí thức của những kẻ quá khích Hồi Giáo, du hành quanh nước Mỹ từ năm 1948 đến năm 1950. Ông ta tìm thấy một thế giới đầy nhạc jazz, banh bầu dục, phim ảnh, xe hơi, và những người mê làm vườn đến mức ám ảnh. Ông ta viết, đó là một vùng đất “trống rỗng, và đầy những điều mâu thuẫn, đầy những khuyết tật và đầy quỷ dữ”. Có một lúc Qutb bỗng thấy mình đang ở giữa một buổi sinh hoạt ở nhà thờ. Người thay đĩa nhạc mở lên bản “Baby, It's Cold Outside." Qutb viết "các điệu nhảy gia tăng cường độ… sảnh đường tràn ngập những cặp đùi… những cánh tay quấn xiết những cánh tay, những đôi môi gắn chặt những đôi môi, ngực kề ngực, và tình yêu tràn ngập trong không gian.” Đó là một sinh hoạt trong nhà thờ. Bạn thử tưởng tượng những kẻ không tặc al Qaeda của biển cố 9 tháng 11 có cảm giác như thế nào khi họ ghé vào một tiệm vũ khỏa thân ở Florida trước khi tìm về với thiên đường tinh khiết của họ.

© DCVOnline

Nguồn:

(1) Among the Bourgeoisophobes. "Why the Europeans and Arabs, each in their own way, hate America and Israel." The WeeklyStandard,com, April 2002

No comments:

Post a Comment