Monday, June 15, 2015

Xuất cảng lậu khoáng sản sang Trung Quốc

http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2015/06/150609_buikienthanh_china_vn_trade_deficit

BBC - Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng chính quyền Việt Nam biết về tình trạng buôn lậu tài nguyên khoáng sản sang Trung Quốc nhưng không có biện pháp thích đáng.

"Vấn đề xuất khẩu tài nguyên thì mọi người đều thấy, đều biết," ông nói với BBC trong cuộc phỏng vấn ngày 9/6.

"Quản lý nhà nước thế nào mà để hàng chục nghìn tấn than đá từ Việt Nam sang Trung Quốc trên tàu ngoài biển mà hải quân hay hải quan không thấy được".

"Các tài nguyên khác như khoáng sản đồng, sắt, cũng vậy, trong khi vận chuyển bằng những phương tiện rất lớn."

"Những chuyện đó hiển nhiên nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước biết, nhưng không có những động thái cứng rắn."

"Điều này tác động rất lớn trong giao thương với Trung Quốc, không thấy được bộ mặt thật trong vấn đề giao thương giữa hai nước".

Ông cho rằng thiếu sót trong quản lý và thống kê khiến nền kinh tế bị chi phối và gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.

"Việt Nam mua trang thiết bị của Trung Quốc rất nhiều và thường là những thiết bị mà các nhà máy của họ không còn dùng nữa, nhập những công nghệ phế thải khiến sản phẩm chất lượng không tốt, giá cao không cạnh tranh được với nước ngoài mà chỉ trong nước thôi."

"Việc mua bán khoáng sản và những hàng hóa khác với Trung Quốc qua đường lậu thì điều kiện giao thương không tối ưu, bị áp những điều kiện hoàn toàn bất lợi."

"Nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc thì giá rẻ, không qua hải quan, khi đưa ra thị trường tiêu dùng giá rất rẻ, mặt hàng trong nước không cạnh tranh nổi, nên một số mặt hàng bị Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường đến 100%."

"Những hàng hóa Trung Quốc xuất sang Việt nam cũng rất độc hại như lương thực, đồ chơi trẻ em, không kiểm soát được vì không qua kênh chính thức."

"Thuốc lá bán trên chợ không qua các đường chính thức nhưng vẫn bán trước mặt các cơ quan quản lý nhà nước, hay như thuốc trừ sâu độc hại vẫn không có ai kiểm soát."

"Đây không phải là vấn đề kinh tế mà là vấn đề môi trường và sức khỏe của cả một dân tộc đối mặt với nguy hiểm."

9 tháng 6 2015


Bình Luận:

Trích lời ông Bùi Kiến Thành: Quản lý nhà nước thế nào mà để hàng chục nghìn tấn than đá từ Việt Nam sang Trung Quốc trên tàu ngoài biển mà hải quân hay hải quan không thấy được.

Xuất cảng lậu than đá sang Trung Quốc có nghĩa là những kẻ xuất cảng than đá lấy tiền bỏ túi, không đóng thuế cho nhà nước và cũng không đem tiền bán được bỏ vào công quĩ.

Hiện tượng xuất cảng lậu tài nguyên, khoáng sản cũng thấy tại Nga, sau khi chế độ Liên Xô bị sụp đổ. Vào giữa thập niên 1990, tạp chí The USA Today của Mỹ có một bài báo viết về việc một nhóm người Nga xuất cảng kim cương qua Mỹ. Mỗi tháng, nhóm này nhập vào Mỹ một tấn quặng kim cương chưa cắt. Ngoài ra, nhóm này cũng nhập vàng vào Mỹ, nguồn gốc vàng này lấy từ ngân khố nước Nga, trong đó có cả các đồng tiền vàng thời vua Peter The Great, mà từ xưa đến nay, Nga giữ làm tài sản cho quốc gia, không bao giờ bán ra ngoài. Nhóm người này đã biếu xén các viên chức thành phố San Francisco để họ cho tự do làm ăn, trong đó có cả việc biếu một chiếc trực thăng cho thành phố San Francisco, để dùng vào việc quan sát lưu thông. Nhóm này yên chí là chính quyền thành phố San Francisco sẽ không làm khó dễ họ nhưng rồi họ bị cảnh sát liên bang FBI bắt. Nhóm này chỉ hối lộ được cho cảnh sát địa phương nhưng không hối lộ được cho cảnh sát liên bang.

Bài báo này của USA Today cũng nói là vào lúc đó tại Nga, tình trạng xuất cảng lậu tài nguyên, khoáng sản quốc gia lan tràn. Có những kẻ xuất cảng lậu gỗ, quặng mỏ. Tình trạng buôn lậu như vậy xảy ra khi nước Nga chuyển sang chế độ dân chủ, luật lệ không đầy đủ, chính quyền trung ương không có uy quyền bắt chính quyền địa phương phải nghe lời, nạn tham nhũng lan tràn trong chính quyền. Điều này làm cho người dân Nga có cái nhìn bi quan với chế độ dân chủ. Tuy nhiên nạn xuất cảng lậu than đá tại Việt Nam vẫn xảy ra mặc dù Việt Nam không theo chế độ dân chủ, không bị cai trị một cách lỏng lẻo như ở Nga thời dân chủ, không bị nạn trung ương nói mà chính quyền địa phương không nghe như ở Nga. Đó là vì tại Nga lẫn tại Việt Nam ngày nay, tình trạng không tôn trọng pháp luật lan tràn. Dù là độc đảng hay đa đảng mà tình trạng tôn trọng pháp luật yếu kém đều đưa đến nạn buôn lậu hoành hành. Tại Nga, đó là thời chế độ mới chưa thiết lập được một thế chế cai trị theo pháp luật. Còn tại Việt Nam, chính quyền không quan tâm đến việc thiết lập một thể chế cai trị theo pháp luật. Khi Putin lên cầm quyền, nạn buôn lậu tràn lan bị chấm dứt, nhưng chế độ của Putin cũng vẫn không phải là chế đội cai trị theo pháp luật. Lợi lộc, của cải của ngành xuất cảng dầu khí vẫn chui vào túi những người thuộc phe Putin.


 
Nhập siêu ngày một tăng làm sao “thoát Trung”
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-09-30

Việt Nam hô hào giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh biển đảo bị Bắc Kinh xâm lấn. Tuy vậy doanh nghiệp Việt Nam lại tiếp tục ồ ạt nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc tạo ra mức nhập siêu với Trung Quốc gia tăng kỷ lục. Nam Nguyên trình bày thông tin này.

Phụ thuộc vào Trung Quốc

Năm ngoái qua vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, người dân phẫn nộ biểu tình chống Trung Quốc còn giới trí thức chuyên gia thì kêu gọi thoát Trung cả về chính trị lẫn kinh tế.

Hơn một năm sau, căng thẳng biển Đông vẫn tiếp tục với việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa các khu vực lấn chiếm của Việt Nam ở Trường Sa. Khí thế thoát Trung vẫn còn đó, nhưng thực tế cho thấy lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc không giảm mà còn tăng nhanh.

Thông tin chính thức từ Tổng cục thống kê vừa phổ biến cho thấy, Việt Nam đã nhập siêu với Trung Quốc tới 24,3 tỷ USD trong vòng 9 tháng tính từ đầu năm 2015, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy theo tin này, nhờ xuất siêu với các thị trường khác, nên nhập siêu cả nước ở mức dưới 4 tỷ USD.

Nhận định về vấn đề vừa nêu, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội phát biểu:

Doanh nghiệp xuất siêu qua Mỹ hay các nước khác là một cách nói thôi. Ví dụ xuất hàng điện tử, điện thoại của Samsung cũng giống như tạm nhập tái xuất thôi. Hay hàng may mặc cũng vậy, chúng ta tạm nhập rất nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc về để gia công bán qua bên Mỹ chứ thật sự Việt Nam không xuất siêu qua bên Mỹ bao nhiêu. Giày dép cũng vậy nhập nguyên liệu 80%-90% từ Trung Quốc. Nói cách khác doanh nghiệp Việt Nam làm gia công để xuất khẩu giùm cho những doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu của Trung Quốc.

Việt Nam phải xem lại vấn đề hệ thống thương mại như thế nào, chứ không thể tiếp tục khoe khoang rằng Việt Nam đã xuất qua Mỹ thị trường lớn nhất mấy chục tỷ đô la…thực sự chúng ta xuất giùm cho Trung Quốc, chúng ta đem nguyên liệu về gia công và bán đi. Chúng ta cần làm rõ ra và có những chính sách phù hợp.

Theo số liệu chính thức, trong 9 tháng đầu năm 2015,  xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đạt 120,7 tỷ USD, nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực này chiếm 70,6 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Những dữ liệu vừa nói cho thấy nếu không có nhập siêu từ Trung Quốc thì cũng chẳng có xuất siêu vào Mỹ hay các thị trường khác. Tương tự như chuyên gia Bùi Kiến Thành vừa nói, đó là Việt Nam đang xuất khẩu giùm cho Trung Quốc.

Người tiêu dùng và yếu tố dân tộc

Bên cạnh khối lượng lớn về máy móc, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Hàng tiêu dùng, thực phẩm Trung Quốc cũng đang tràn ngập thị trường Việt Nam cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch và buôn lậu qua biên giới. Ở nhiều quốc gia khác, người tiêu dùng với tinh thần ái quốc có thể tẩy chay hàng hóa của đối phương. Tuy nhiên điều này không xảy ra tại Việt Nam. Ông Đỗ Việt Khoa một giáo viên ở Hà Nội, trong tư cách người tiêu dùng nhận định:

Người Việt Nam hiện nay có thể nói là phụ thuộc hàng Tầu từ cây kim sợi chỉ, anh muốn tẩy chay hàng Tàu thì anh phải sản xuất đuợc hoặc phải có nguồn hàng thay thế, điều này là không thể. Một nguyên nhân nữa là hàng Trung Quốc tràn vào với giá cực kỳ rẻ, mà người Việt từ xưa đến nay là thực dụng lợi trước mắt đã, không cần yếu tố dân tộc. Người ta buông xuôi sản xuất để mặc cho hàng Trung Quốc tràn vào.

Ông Đỗ Việt Khoa còn đề cập tới nạn buôn lậu qua biên giới phía Bắc mà ông cho là có phần trách nhiệm của hải quan, quản lý thị trường và ý thức của người dân các tỉnh biên giới.

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, giao thương với Trung Quốc có nhiều điều cần làm rõ và cho đến nay chính quyền chưa quản lý được. Thí dụ buôn bán tiểu ngạch, buôn lậu hay Việt nam cần mua nguyên liệu Trung Quốc và xuất tài nguyên qua Trung Quốc. Tất cả những vấn đề này còn rất nhiều ẩn số cần làm rõ. Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh tới sự kiện Việt Nam với Trung Quốc ở sát nách nhau việc kiểm soát hàng qua biên giới là rất khó. Chưa kể người dân làm ăn với Trung Quốc là để kiếm lời, họ không đưa chuyện quốc gia đại sự vào trong đó. Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời:

Hàng hóa của Trung Quốc vào Việt Nam độc hại vô cùng thí dụ như đồ ăn, rau quả. Chúng ta chưa khống chế được vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm vì vậy phải xây dựng một quan hệ mới đối với những người trách nhiệm xuất nhập khẩu không chỉ riêng đối với Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia lớn cạnh Việt Nam thì chúng ta cần tìm cách bang giao cho tốt, còn những thị trường khác cũng cố gắng làm cho tốt. Đặt ra vấn đề Trung Quốc để có một giải pháp như thế nào làm sao có lợi cho tất cả các bên chứ không thể bài trừ Trung Quốc được.

Chỉ trong vòng một thập niên nhập siêu từ Trung Quốc đã tăng hơn 100 lần, dự báo năm 2015 nhập siêu với Trung Quốc có thể lên tới 35 tỷ USD. Chính những điều này mà trong giới chuyên gia đã có người mỉa mai, Việt Nam xuất siêu vào các thị trường khác cũng chỉ để cống nạp cho Trung Quốc mà thôi.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-trade-defici-wth-china-rises-up-09302015131705.html


Bờ biển Việt Nam đang rơi dần vào tay Trung Quốc
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-09-30

Biển Việt Nam đang ngày càng hẹp dần bởi đường lưỡi bò của Trung Quốc, đây là câu chuyện có thể nói rằng hiện tại, hiếm có ai là không biết chuyện này. Nhưng, bờ biển Việt Nam đã và đang rơi dần vào tay Trung Quốc, người Trung Quốc có mặt trên toàn bộ các bãi biển đẹp của Việt Nam và nơi nào họ xây dựng, nơi đó bị sóng xâm thực nặng nề, điều này cũng giống như nơi nào có mặt người Trung Quốc trên dãy Trường Sơn, nơi đó trở nên trơ trọi. Chuyện này có vẻ như không mấy ai được biết, ngoại trừ các quan chức Việt Nam.

Thế thân vạc

Một người đàn ông tên Hiệu, sống ở thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: “Bắt đầu qua Phạm Văn Đồng, đầu tiên là khu ông Thanh giao cho các ủy viên xây vila, nghỉ dưỡng vậy đó. Người Hà Nội họ vào đây mua đất nhiều lắm. Từ Phạm Văn Đồng chạy thẳng ra Furama, dân Hà Nội mua với giá cao lắm. Mà tui nghĩ sau lưng họ phải là người Trung Quốc bởi vì người Hà Nội đứng tên nhưng người Trung Quốc mở sóng bạc, mở dịch vụ… Khu An Thái cũng có thể nói là cái rốn có nhiều người Trung Quốc”.

Theo ông Hiệu, chỉ riêng thành phố Đà Nẵng nơi ông ở, cái nơi được xem là tiến bộ nhất về vấn đề vệ sinh môi trường và văn minh thành phố. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, chứ trong thực tế, nếu xét theo chiều sâu về văn hóa, chính trị và xã hội, đây cũng là thành phố có người Trung Quốc mua đất theo dạng núp bóng người Việt Nam khá nhiều.

Các chiêu thức núp bóng của người Trung Quốc cũng có lúc khá tinh vi nếu như đó là một tập đoàn kinh tế hoặc là ông chủ lớn, phần còn lại, những ông chủ Trung Quốc rất dễ dàng mua đất ở Việt Nam bởi dường như họ đã có một kế hoạch từ rất lâu mà người Việt không nhìn thấy hoặc nhà cầm quyền đã nhìn thấy nhưng bỏ lơ, xem như không có gì.

Nói về cách núp bóng đơn giản nhất, ông Hiệu cho rằng chính những cuộc hôn nhân xuyên lục địa, các cô gái lấy chồng Đài Loan hoặc lấy chồng Trung Quốc là cầu nối cho chuyện này. Một người Trung Quốc muốn mua đất tại Việt Nam để kinh doanh làm ăn một cách ung dung, ăn trên ngồi trốc, việc đầu tiên là anh ta tìm cách cưới một cô gái Việt Nam thuộc diện nghèo, ít chữ nghĩa, gia đình và họ hàng cô ta nghèo, ít chữ nghĩa thì càng tốt.

Sau khi cưới, chú rể sẽ cho gia đình vợ một số tiền khá lớn và sai vợ giúp đỡ những gia đình bà con để tạo tình cảm, tạo mối dây ràng buộc. Sau khi cặp vợ chồng Việt – Tàu này đã bén rễ trong dòng tộc, họ hàng. Anh chồng người Tàu sẽ đi tiếp bước thứ hai, rủ gia đình phía vợ kinh doanh làm ăn, điều kiện anh ta đặt ra là phía vợ phải vào làm những chức danh trong công ty của anh ta, chính cô vợ sẽ làm chủ mảnh đất và nhà cửa. Cách này, chỉ cần kéo dài cuộc hôn nhân càng lâu thì càng có lợi, nếu cô vợ giở quẻ, hai bên li hôn, chú rể Tàu cũng lấy lại được 50% tài sản sau khi thực hiện một số việc vì đây là tài sản của hai vợ chồng sở hữu sau khi đăng ký kết hôn theo luật hôn nhân Việt Nam hiện hành.

Thường thì những mảnh đất mà chú rể người Trung Quốc chọn mua, sau đó chỉ đạo gia đình vợ đến mua là những mảnh đất nằm dọc bờ biển, mua để xây dựng khách sạn cao cấp, nhà nghỉ sinh thái và sòng bạc hoặc nhà hàng, quán nhậu. Và có vẻ như các chú rể người Trung Quốc sau khi kinh doanh, chỉ đạo cho họ hàng bên vợ thực hiện những gì anh ta muốn, anh ta đạt được mục đích khá tốt và chưa có cặp nào li dị, nghĩa là người Trung Quốc vẫn cứ làm chủ trên đất Đà Nẵng dài dài.

Cách thứ hai, theo ông Hiệu, đó là thế chân vạc trong chính trị, trong kiểu mua đất này, phải có trung tâm đầu não. Thường thì một số tay tài phiệt người Trung Quốc đã được ủy nhiệm sang Việt Nam để làm mưa làm gió. Ông Hiệu nói rằng sở dĩ ông dám khẳng định họ đã có ủy nhiệm là do khi sang Việt Nam, hầu như không có bất kì sự quen biết nào ở địa phương nhưng họ lại tha hồ tác oai tác quái, ngồi trên đầu các ông chủ Việt Nam. Bởi đã có một thế chân vạc quyền lực đủ vững chãi để họ có thể làm bất cứ chuyện gì.

Thế chân vạc mà ông Hiệu muốn nói đến ở đây chính là một ông chủ người Trung Quốc được ủy nhiệm, một quan chức cấp trung ương và một ông chủ Việt Nam. Ông chủ Trung Quốc sẽ đứng ra đầu tư tiền bạc, đứng sân sau làm đạo diễn, ông chủ Việt Nam sẽ đứng tên trong dự án và để đảm bảo ông chủ Việt Nam không quỵt tiền của ông chủ Trung Quốc, phải có một quan chức cấp trung ương đứng sau lưng ông chủ Trung Quốc để chống lưng, lo mọi việc.

Một khi thế chân vạc này đã vào nề và hoạt động thì mọi chuyện sẽ mau chóng tạo mưa tạo gió trên đất Việt Nam. Ông Hiệu cho rằng hiện tại, có rất nhiều tập đoàn kinh tế, đặc biệt là một vài tập đoàn khách sạn nổi tiếng do người Việt làm chủ trên danh nghĩa nhưng trên thực tế, ông chủ đích thực của nó là người Trung Quốc.

Bờ biển đang hẹp dần

Một người dân Hà Tĩnh, đang làm ăn, kinh doanh tại Đà Nẵng, không muốn nêu tên, chia sẻ thêm: “Người Trung Quốc họ sang Việt Nam thuê đất ngon hết rồi, họ thuê lâu dài. Mình cạnh tranh không nổi đâu vì mình chỉ đủ tiền thuê ngắn hạn, chừng hai năm. Nếu năm thứ hai mà mình ăn nên làm ra, tạo được thương hiệu thì họ lại lấy đất, Trung Quốc lại nhảy vào thuê… Mình không chịu nổi đâu!”.

Vị này cho rằng từ Hà Tĩnh cho đến Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi đều có người Trung Quốc làm ăn, kinh doanh và tạo ảnh hưởng không nhỏ ở đây. Nói rộng ra, hầu hết các tỉnh có bờ biển tại Việt Nam đều có những cái vòi bạch tuộc Trung Quốc thò sang để làm mưa làm gió. Và nơi nào họ xây dựng, làm ăn, nơi đó tất nhiên phải có những sự cố đáng tiếc.

Nếu không phải là sự cố đáng tiếc về con người như tai nạn lao động, người lao động bị ép giờ làm việc, ép tiền công và ăn uống thiếu thốn… thì cũng là chuyện cứ nơi nào có người Trung Quốc thì y như rằng sau đó không bao lâu, hàng loạt tệ nạn xã hội vây bủa khu vực đó và nhiều thế hệ bị sa đọa, trở thành tay chân cho người Trung Quốc trong các đường dây xã hội đen. Đương nhiên là các thành phần người Việt Nam hư hỏng hoặc một số quan chức địa phương rất sùng bái những ông chủ người Trung Quốc.

Và có một chuyện lạ là khu vực bờ biển nào có người Trung Quốc xây dựng thì liền sau đó không lâu, bờ biển bị xâm thực nặng nề. Hầu hết các vùng bờ biển trên cả nước đều bị như thế, không riêng gì miền Trung.

Hiện tại, bờ biển trên cả nước đã có mặt các ông chủ người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam để mua đất, làm ăn kinh doanh. Và nơi nào họ đến làm ăn, nơi đó trở thành một biệt khu và là một ẩn số về tai họa lâu dài cho người Việt Nam.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/cn-own-mny-stratg-coast-area-in-vn-09302015062332.html


No comments:

Post a Comment