Một chế độ độc tài như dưới triều các ông Franco ở Tây Ban Nha, Marcos ở Phi Luật Tân cũng có thể dùng pháp luật để trị dân, theo đúng "the rule of law" nếu các nhà độc tài muốn. Nhưng khi không có tự do thì các sáng kiến cũng bị bóp nghẹt. Đó là bài học khi so sánh chế độ dân chủ tự do với các chế độ khác.
Tại sao kinh tế tư bản phát triển?
Ngô Nhân Dụng
Khi một nhóm người không có cách nào làm cho mình có được một bộ mặt tốt đẹp nên đành đi bịa đặt, xuyên tạc và bôi nhọ người khác một cách vô ích, thì chúng ta chỉ có thể kết luận là kẻ đó yếu quá, hèn quá, hoặc vừa yếu lại vừa hèn.
Trong Tạp chí Cộng Sản số ra ngày 15 tháng 5 vừa qua chúng ta thấy nhiều bài viết về "nhiệm vụ trọng yếu của công tác lý luận" nhưng rút cục chẳng thấy một lý luận, một tư tưởng nào đủ để cho chính các đảng viên cộng sản cảm thấy có thể tin được. Từ ông Nguyễn Phú Trọng, ủy viên Bộ Chính trị và chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng, cho tới ông Võ Nguyên Giáp, cả hai chỉ nói được một điều,là phải lấy thực tiễn làm căn bản cho lý luận. Mà đó là một điều ở các nước có giáo dục phổ thông, trẻ em xong trung học đều biết. Ông Mao Trạch Đông đã tóm tắt cái ý kiến bình dân đó thành khẩu hiệu cho cán bộ học, "Tại sự cầu thực." Nhưng cả hai ông Giáp và Trọng đều nêu cao ý kiến đó như là một điều quan trọng nhất của "Tư tưởng Hồ Chí Minh"! Chúng ta biết rằng khi ông Đặng Tiểu Bình muốn xóa bỏ những tư tưởng hão huyền của Mao Trạch Đông, đã lấy câu tục ngữ đó ra để biện minh cho các chính sách kinh tế tư bản hóa của mình. Vì khi so sánh với thực tế thì tư tưởng của ông Mao nó hão huyền vô ích thực! Các ông làm công tác lý luận của đảng Cộng Sản Việt Nam bây giờ đang làm lại công việc bênh vực cho ông Đặng Tiểu Bình!
Ông Hà Xuân Trường là tác giả bài thứ ba trong tạp chí kể trên, cũng chỉ lập lại ý kiến "phải kiểm nghiệm trong thực tiễn" nhưng lại bỏ công viết nhiều đoạn chỉ trích hai tác giả Mỹ có sách bán rất chạy là Francis Fukuyama và Samuel Huntington (mà ông Trường viết tên là Hungtington, khiến người ta có cảm tưởng ông chưa trông thấy tên tác giả này bao giờ). Ông Trường viết những câu thản nhiên như thế này: "Cái sai của ông Phu-ku-y-a-ma thì khỏi phải nói, nhiều người đã nhận ra từ khi quyển sách của ông ra đời ..." hoặc "Chung quy cả hai ông Phu-ku-y-a-ma và Hăn-tinh-tơn đều sai lầm..."
Những công trình nghiên cứu hàng chục năm trời của người ta đã được ông Trường sổ toẹt một cách rất khơi khơi, tưởng như ngoài mình ra chẳng ai biết đến tên hai tác giả đó mà bênh vực! Chưa hết, ông Trường còn "chụp mũ" cho cả hai học giả này, rằng họ viết sách "để bảo vệ và làm đẹp cho chủ nghĩa tư bản." Viết như vậy thì phải nói là xuyên tạc và bôi nhọ. Hai ông Fukuyama và Huntington là những nhà nghiên cứu độc lập, chẳng có ý bảo vệ nền kinh tế tư bản hay là làm cho nó đẹp hơn. Ở các nước tư bản không có một Bộ Chính trị nào để bỏ tiền thuê mướn người viết sách để bảo vệ đảng hay làm đẹp cho chế độ cả. Ký giả này vẫn nghĩ rằng các cuốn sách của hai ông trên tuy rất nổi tiếng nhưng cũng chẳng có gì mới. Nhưng không ai có thể bôi nhọ quý vị đó, coi họ là những bồi bút làm công tác văn hóa tư tưởng cho chế độ tư bản.
Ông Hà XuânTrường không quên tụng niệm những câu thần chú: "Chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng nhưng vẫn không tránh khỏi những bế tắc cố hữu. Chủ nghĩa Xã hội ... khẳng định chân lý mà C. Mác đã phát hiện, tiếp tục đi tới." Chúng tôi không bàn về những lời khẳng định này vì không muốn phí thời giờ quý vị. Chỉ có thể khuyên các độc giả của Tạp Chí Cộng Sản hãy đối chiếu những suy nghĩ của ông Trường với thực tiễn trước mắt, chứ đừng nhắm mắt bịt tai.
Quý vị nào thắc mắc về tiềm năng của chế độ tư bản nên đọc một cuốn sách mới xuất bản của William Baumol, nhan đề là "The Free Market Innovation Machine: Analyzing the Growth Miracle of Capitalism ". Cả ông Hà XuânTrường cũng nên đọc nếu có thời giờ. Cái nhan đề quyển sách hàm chứa nội dung: Phân tích Phép lạ Phát triển của Kinh tế Tư bản, và đó là Một Bộ Máy Cải tiến Phát minh của Thị trường Tự do. Giáo sư Baumol, Đại học Princeton, tìm hiểu lý do tại sao hệ thống kinh tế tư bản lại mang đến sự phồn thịnh từ 200 năm nay. Và ông thấy nguyên nhân chính là hệ thống đó giống như một guồng máy đẻ ra những sáng kiến, cải thiện, phát minh không ngừng.
Ông Baumol không coi cạnh tranh giá cả là điểm thiết yếu trong hệ thống kinh tế tư bản. Xã hội tư bản tiến được nhờ sự cạnh tranh trong sáng kiến, phát minh. Vì cạnh tranh để sống còn cho nên các xí nghiệp phải nghiên cứu, cải thiện. Từ đó, những phát minh gây ra cách mạng kỹ thuật không phải là yếu tố ngoại lai (exogenous) của hệ thống mà chính là một yếu tố nội tại thường xuyên bên trong hệ thống (endogenous).
Năng lực bẩm sinh của con người trong xã hội nào đại khái cũng có trình độ như nhau. Vậy tại sao có những xã hội trong đó kinh tế thị trường phát triển khiến người ta đua nhau tìm những sáng chế, phát minh mới; còn ở nhiều xã hội khác thì những kẻ có tài năng thiên phú lại chỉ sử dụng tài năng của mình để tìm cách bóc lột, ăn cướp, lấy của công làm của riêng (hoặc đi nói xấu, bôi nhọ người khác để chính mình bị khinh thường?)
Giáo sư Baumol chủ tâm nghiên cứu kinh tế nên không đặt ra những vấn đề chính trị. Ông đã nêu câu hỏi: điều kiện nào cần thiết để xuất hiện những nhà kinh doanh lo cải thiện phương pháp sản xuất? Và ông cho là cần phải có tinh thần trọng pháp (the rule of law). Tất nhiên, pháp luật cần bảo vệ quyền tư hữu và quyền bình đẳng của mọi công dân. Nhưng hàm chứa trong câu trả lời của Baumol là phải có chế độ tự do, dân chủ.
Chúng ta không ngạc nhiên thấy rằng chính ở trong những xã hội tự do dân chủ đã có nhiều người phát minh và đưa ra những sáng kiến cải thiện đời sống kinh tế, giúp cho nhiều người khác được hưởng. Một chế độ độc tài như dưới triều các ông Franco ở Tây Ban Nha, Marcos ở Phi Luật Tân cũng có thể dùng pháp luật để trị dân, theo đúng "the rule of law" nếu các nhà độc tài muốn. Nhưng khi không có tự do thì các sáng kiến cũng bị bóp nghẹt. Đó là bài học khi so sánh chế độ dân chủ tự do với các chế độ khác.
Giáo sư Baumol cũng nêu ra mối mâu thuẫn trong chế độ tư bản, là một mặt phải bảo vệ tác quyền của những nhà sáng chế, mặt khác có nhu cầu phải phổ biến các sáng chế, nếu không thì nạn độc quyền chỉ làm lợi một số người còn cả xã hội sẽ tiến chậm hơn. Và ông Baumol nhận thấy chính trong hệ thống kinh tế tư bản đã có động lực nội tại thúc đẩy khiến nạn độc quyền giảm đi.
Ông Baumol nghiên cứu 46 sáng chế quan trọng nhất trong đời sống kinh tế từ 100 năm qua, chia ra làm năm quãng. Trong khoảng 20 năm từ 1887 đến 1906, thời gian từ lúc một sáng chế được tung ra cho đến lúc nó bị cạnh tranh bởi các sáng chế tương tự kéo dài 33 năm. Trong 20 năm sau đó, khoảng cách rút ngắn lại chỉ còn 24 năm, rồi xuống 14 năm, 6 năm và chỉ có 3.4 năm trong thời gian từ 1967 đến 1986. Bây giờ thì những sản phẩm mới sáng chế chỉ thọ được 3 năm là đã bị cạnh tranh, mất độc quyền rồi. Chính chế độ tự do dân chủ kích thích sự tiến bộ nhanh chóng đó.
Chúng tôi nhận thấy các người làm công tác lý luận của đảng Cộng Sản Việt Nam rất thiếu sáng kiến. Bao nhiêu năm nay họ vẫn chỉ viết lại những điều quá cũ kỹ, cán bộ nghe đến mòn cả lỗ tai, chính vì ngay trong nội bộ họ không tôn trọng tự do của nhau. Trên bảo dưới nghe là thói quen trong những chế độ độc tài. Chính ông Hà Xuân Trường cũng nhận xét: "Điều đáng nói là chúng ta ít tranh luận quá. Có những chuyện cứ úp úp mở mở, không dứt khoát, không rành mạch ..."
Có những người ở Hà Nội nói năng rất rành mạch, không úp mở chút nào. Như các ông Nguyễn Thanh Giang, Phan Đình Diệu, Phạm Quế Dương, v.v.. Nhưng họ không được phép nói dứt khoát, rành mạch cho cả nước nghe. Bao giờ Tạp chí Cộng Sản chịu đăng các bài lý luận của những người như Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến, v.v. thì lúc đó công tác lý luận, tư tưởng chắc chắn sẽ tiến bộ! Trong khi chờ đợi, ông Hà XuânTrường không cần đọc William Baumol vội mà hãy đọc cuốn Suy Tư và Ước Vọng của Nguyễn Thanh Giang, rồi tìm cách trao đổi với ông Giang một cách lịch sự coi. Còn như chưa thấy sách của người ta xuất bản ra mà đã tịch thu thì làm sao "tranh luận" được?
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment