Tuesday, January 20, 2015

Trung Quốc: hàng trăm người tưởng niệm cựu Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương

Nhiều người đã tới dự lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của cựu lãnh đạo Trung Quốc bị thanh trừng, ông Triệu Tử Dương.

Hơn 100 người thách thức sự giám sát của công an để đến nơi từng là sân của ngôi nhà của ông Triệu ở Bắc Kinh.

Ông Triệu bị giam giữ sau khi phản đối dùng bạo lực khống chế biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc bị giam giữ tại nhà cho tới khi qua đời năm 2005 và tên ông vẫn hiếm khi được giới quan chức nhắc tới.


Những người đến bày tỏ lòng thương tiếc đặt hoa và cúi đầu trước di ảnh của ông Triệu; buổi lễ được cho là không có sự chuẩn bị từ trước.

Cảnh sát đóng chốt bên ngoài tòa nhà, ngăn không cho phóng viên vào, tuy cho phép người thường vào thăm ngôi nhà để bày tỏ lòng tôn kính.

'Giải quyết di sản'

 Ông Bào Đồng, cựu cố vấn của ông Triệu, nói rằng các lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc vẫn không biết phải giải quyết di sản của ông Triệu Tử Dương như thế nào.

“Tôi nghĩ rằng chính phủ rất mâu thuẫn về quan điểm đối với ông Triệu Tử Dương,” ông Bào Đồng nói với hãng tin Reuters.

“Họ sợ rằng nếu không cho phép người dân tưởng nhớ ông là gây ra sai lầm, và sẽ bị người dân chỉ trích.”

Nhưng ông nói thêm rằng các lãnh đạo Trung Quốc cũng sợ không muốn cho phép công chúng tưởng nhớ ông Triệu, do lo lắng người dân sẽ tra hỏi vì sao ông bị ép buộc phải rời chính trường.


Trong bài viết của ban Biên tập, tờ Hoàn Cầu Thời báo giải thích về sự im lặng của chính quyền trước vụ ông Triệu.

Theo đó, bài viết có đoạn cho rằng, sự im lặng nên được coi chính là một lời bình luận về tình cảm của đảng.

"Trong 25 năm qua, Trung Quốc đã theo đuổi con đường mà ông Triệu và nhóm những người suy nghĩ độc lập của ông phản đối lúc bấy giờ, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới," bài báo viết.

"Trung Quốc đang dùng hành động và thành tựu của mình để trả lời các câu hỏi về những vấn đề nhạy cảm.”


'Thái độ tự do'

Ông Triệu Tử Dương được cất nhắc bởi cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, người lúc đó đang tìm kiếm nhân vật có khả năng cải cách kinh tế và mở cửa với thế giới bên ngoài.

Vị trí của ông Triệu những tưởng đã được khẳng định khi ông trở thành Tổng Bí thư năm 1987.

Nhưng cuộc biểu tình của sinh viên và người dân Bắc Kinh và khắp Trung Quốc sau đó đã gây ra chia rẽ sâu sắc trong giới cầm quyền.

Hàng trăm ngàn người kêu gọi cải cách dân chủ bằng cuộc tuần hành hòa bình chủ yếu tập trung ở quảng trường Thiên An Môn.

Ông Triệu vốn có thái độ tự do hơn những lãnh đạo khác, muốn tìm cách giải quyết ôn hòa hơn với người biểu tình.


Quan điểm này đã không thắng nổi những người muốn dùng quân đội, và ông Đặng thông qua quyết định giam giữ người từng được ông yêu mến nhất.

Vụ đàn áp do chính quyền gây ra đã khiến hàng trăm người dân bị thiệt mạng trên đường phố Bắc Kinh.


Trong cuốn sách được cho là được soạn từ những đoạn ghi âm mật của ông Triệu trong lúc bị giam giữ tại nhà, ông nói giết hại những người biểu tình là một “bi kịch”.



No comments:

Post a Comment