Monday, May 25, 2015

Đảo nhân tạo Trung Quốc, cái gai nhức nhối cho Mỹ

Đảo Chữ Thập (Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang bồi cát lên và xây cất căn cứ quân sự
Việc Mỹ cho máy bay và tàu chiến đi sát vào các đảo nhân tạo do Trung Quốc đang xây vào hạ tuần tháng 5, 2015 và gặp sự phản đối, đuổi đi từ phía hải quân Trung Quốc đóng tại các đảo này cho thấy vẫn đề đường lưỡi bò đang trở nên nghiêm trọng.



Trước đây, Trung Quốc đã từng tuyên bố vùng lưỡi bò là của Trung Quốc. Và Trung Quốc tuyên bố tiếp là tuy nhiên Trung Quốc vẫn tôn trọng quyền đi lại của Mỹ tại vùng này và cho phép Mỹ lưu thông trong vùng biển của Trung Quốc. Đó là một lời tuyên bố trịch trượng. Mỹ phản ứng lại bằng cách nói rằng lập trường của Mỹ vẫn cho đó vùng biển quốc tế ai mà cũng có quyền đi lại. Mỹ biết Trung Quốc không có đủ lực lượng quân sự tại vùng lưỡi bò để cấm Mỹ đi vào.

Nhưng ngày nay tình thế đã thay đổi khi Trung Quốc phun cát lên bồi đắp bốn hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Dưới đây là một đoạn video mà máy bay thám thính P-8A của Mỹ thu được cho thấy các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa mới bồi đắp lên:




Nay với việc Trung Quốc xây sân bay, đặt dàn ra đa tại một số đảo nhân tạo, do Trung Quốc phun cát lên bồi đắp mà thành, thì việc Trung Quốc có lực lượng quân sự tại vùng lưỡi bò sẽ trở thành thực tế không xa nữa. Với các đảo nhân tạo được chọn ở chính giữa vùng Trường Sa, cũng là chính giữa vùng lưỡi bò, từ đây máy bay, tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc có thể tỏa ra để cấm các nước khác đi vào.

Chấm đỏ là vị trí của Fiery Cross Reef, nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự
Hình chụp từ máy bay cho thấy các cơ sở quân sự ở trên đảo



Việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát vùng biển mà tàu bè buôn bán của các nước trong đó có Mỹ đi qua là đụng chạm đến quyền lợi sinh tử của nước Mỹ.

Trước đây, nước Anh trở thành giàu mạnh là nhờ có hải quân mạnh nên các nước Tây Ban Nha, Pháp không cấm được Anh đi buôn bán, khai thác thuộc địa tại các nơi trên thế giới. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Anh bị suy yếu vì chiến tranh thì nước có hải quân mạnh nhất là Mỹ. Mỹ cũng vẫn theo chính sách của Anh là duy trì sức mạnh của hải quân để bảo vệ các con đường thông thương, buôn bán của mình trên biển. Việc Trung Quốc chận đường giữa Thái Bình Dương là một sự việc rất nghiêm trọng đối với Mỹ. Trước đây, bà ngoại trưởng Mỹ, Hillary Cliton, đã tuyên bố rằng biển Đông là nơi tàu bè Mỹ lưu thông buôn bán với Nhật và Nam Hàn với số thương vụ hơn bốn ngàn tỷ đô la mỗi năm nên việc lưu thông ở vùng này rất quan trọng đối với Mỹ.

Về mặt pháp lý, các đảo không nổi trên mặt nước khi nước thủy triều dâng lên thì các vùng quanh đảo được xem là khu vực hải phận quốc tế, vùng trời trên đảo được xem là không phận quốc tế. Vì thế phi công Mỹ đã trả lời hải quân Trung Quốc khi bị xua đuổi ra chỗ khác là máy bay Mỹ vẫn bay trong không phận quốc tế. Sau khi đã được bồi cát lên, các đảo này không còn chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên thì Mỹ có thể không còn lý do nói đó là khu vực quốc tế nữa chăng? Việc Trung Quốc bồi thêm cát để thành đảo nổi nhân tạo thực ra không biến đảo đó thành của Trung Quốc và Mỹ vẫn được quyền xem đó là khu vực quốc tế như lúc chưa nổi trên mặt nước.


Ảnh chụp đảo Chữ Thập trước khi được bồi cát (bên trái, ảnh chụp ngày 14 tháng 8, 2014) và sau khi được bồi cát (bên phải, ảnh chụp ngày 18 tháng 3, 2015)


Vào năm 2014, một viên chức Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc cần có vùng nhận diện phòng không tại biển Đông. Việc xây cất các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo cho thấy Trung Quốc đang thực hiện lời tuyên bố đó. Với phi trường giữa vùng biển Đông, Trung Quốc có phương tiện để đưa máy bay lên ngăn chặn các phi cơ nào mà Trung Quốc không muốn cho vào vùng nhận diện phòng không.

Việc Trung Quốc xây căn cứ quân sự ngoài biển Đông đe dọa nghiêm trọng cho an ninh của Việt Nam vì tàu bè buôn bán của Việt Nam cũng lưu thông ngoài biển Đông. Với khả năng quân sự cấm các nước qua lại, nếu Việt Nam làm gì phật ý Trung Quốc, Trung Quốc có thể ra lệnh cấm vận, ngăn chặn các tàu chở dầu hỏa của Việt Nam thì sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam bị tê liệt.

Liệu Mỹ có dùng vũ lực để phá bỏ các đảo nhân tạo này hay không? Với sự bành trướng từng bước một của Trung Quốc cho thấy sự xung đột bằng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc là điều sẽ xảy ra. Chỉ không biết là khi nào nó xảy ra. Nếu Mỹ phá các đảo này khi chưa xây xong thì còn dễ. Nếu để lúc Trung Quốc đem đầy đủ máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và hỏa tiễn phòng không ra các đảo này thì việc đánh nhau trở thành khó khăn hơn, tổn thất cao hơn và có thể không thắng được.

No comments:

Post a Comment