Thursday, May 20, 2010

Lãnh tụ tài đức vẹn toàn


Trong một chế độ dân chủ, một lãnh tụ có thể được dân bầu với tỉ lệ thắng cử cao, nhưng sau một vài năm làm việc thì số người ủng hộ chính sách của lãnh tụ đó có thể giám sút, có khi đến cuối nhiệm kỳ lãnh tụ đó bị thất cử vì dân thấy dở nên bầu cho người khác . Ngược lại có những ông tổng thống Mỹ được bầu với tỉ lệ thắng cử thấp...

 Lãnh tụ tài đức vẹn toàn


Trong phần phát biểu của linh mục Nguyễn Văn Lý khi được phóng viên đài BBC Việt Ngữ phỏng vấn sau khi linh mục Lý được tạm cho ra ngoài để chữa bệnh năm 2010, linh mục Lý có nói:

"Nhưng tôi nghĩ quan trọng là phải nghiêm túc suy nghĩ, công việc hiện nay phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Phải có một học thuyết đủ sức thay thế chủ nghĩa Marx - Lenin, có đường hướng sát thực tế để người ta nhìn vào mà hy vọng rằng con đường ấy, tổ chức ấy sẽ làm cho Việt Nam ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines. Nếu chúng ta ảo tưởng thì sẽ thất bại."

Trên thực tế chế độ dân chủ không phải là chế độ của một lãnh tụ, một học thuyết hay một đảng. Xét các nước dân chủ thì lãnh tụ có nhiều, có thể có nhiều người giỏi, có đạo đức nhưng không nhất thiết là luôn luôn có một lãnh tụ nổi bật lên được toàn thể dân chúng theo. Đó là vì cách sinh hoạt của chế độ dân chủ. Lãnh tụ nào, đảng nào cũng có thể bị các lãnh tụ khác, đảng khác phê bình. Trong quá trình tranh cử các đảng chỉ trích lẫn nhau để bảo vệ đường lối của mình, làm cho dân thấy đường lối các đảng khác dở hơn mình. Người dân nghe, so sánh rồi cân nhắc đường lối nào có lợi nhiều hơn, có hại ít hơn thì bầu cho lãnh tụ hoặc đảng đó chứ thường thì không có đường lối nào là hoàn toàn đúng, không có nhược điểm. Đó là vì khi chú trọng vào việc giải quyết một vấn đề thì có thể xem nhẹ vấn đề khác. Trong sinh hoạt đa đảng như thế thì rất khó có lãnh tụ nào chiếm được 100% sự ủng hộ của người dân. Trường hợp của ông Gandhi được dân ngưỡng mộ vì có công tranh đấu cho độc lập của Ấn Độ nhưng chính sách kinh tế của ông về sau cũng không bảo đảm là hoàn toàn đúng, không có gì để chỉ trích.

Trong một chế độ dân chủ, một lãnh tụ có thể được dân bầu với tỉ lệ thắng cử cao, nhưng sau một vài năm làm việc thì số người ủng hộ chính sách của lãnh tụ đó có thể giám sút, có khi đến cuối nhiệm kỳ lãnh tụ đó bị thất cử vì dân thấy dở nên bầu cho người khác. Ngược lại có những ông tổng thống Mỹ được bầu với tỉ lệ thắng cử thấp, trong các năm đầu tiên số người ủng hộ thấp nhưng tên tuổi lại đi vào lịch sử vì có quyết định về kinh tế hay chính trị sáng suốt đem lại kết quả tốt cho đất nước.

Trong một chế độ báo chí tự do phê phán, đối lập tự do phê phán thì lãnh tụ tài đức vẹn toàn rất khó có. Có những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm, đem lại thịnh vượng cho quốc gia nhưng sau khi bước xuống, nhiều năm sau người ta khám phá ra là ông ta đã từng tham nhũng. Hay ông Bill Clinton bị tai tiếng trong vụ làm tình với cô Lewinsky nhưng ông đã có chính sách kinh tế khôn ngoan, đem lại kinh tế thịnh vượng cho nước Mỹ trong suốt thập niên 1990.

Còn các lãnh tụ được tôn sùng như thần thánh tại các xứ độc tài như Joseph Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành, Adolf Hitler, Benito Mussolini thì có thật là vì có tài đức vẹn toàn nên được dân tôn sùng trong khung cảnh tự do hay không hay là do guồng máy của các lãnh tụ đó, gồm những người trung thành với họ đã tạo nên hình ảnh lãnh tụ tài đức vẹn toàn trong mắt người dân? Adolf Hitler đã từng được dân chúng ủng hộ nhiệt liệt, xem như nhà ái quốc vĩ đại vì đã làm kinh tế nước Đức phục hồi, lòng tự hào của dân Đức được khôi phục, nhưng rồi lại gây chiến tranh, đối xử tàn ác với dân Do Thái. Mao Trạch Đông cùng đã được dân Trung Quốc sùng bái nhưng đưa ra các chính sách kinh tế thất bại. Mà tên tuổi các lãnh tụ này không phải là được dân ủng hộ trong tự do tranh luận, tự do phê phán như tại các nước dân chủ mà được đề cao với guồng máy tuyên truyền của chính họ đặt ra, người dân nào dám chỉ trích thì bị bỏ tù hoặc giết.

Như vậy chế độ dân chủ tuy cần có người lãnh đạo, nhưng không phải là ở mức vẹn toàn như hình ảnh các lãnh tụ của chế độ độc tài, cần có đủ khả năng lãnh đạo quốc gia, có kiến thức để đưa ra các quyết định khôn ngoan, biết cách đối xử với đảng khác, với người dân để không gây ra xung đột gay gắt, đưa đến bạo động, nhưng đồng thời biết cương quyết khi cần thiết để duy trì trật tự xã hội.

Chế độ dân chủ có thể không làm thỏa mãn tâm lý của một số người mong muốn có một lãnh tụ thiên tài, tài đức vẹn toàn để mình sùng bái. Nhưng bản chất của con người là chẳng ai không có khuyết điểm, bản chất của con người cũng là ai cũng có thể mắc sai lầm. Chế độ dân chủ để cho dân đánh giá người lãnh đạo sát với con người thật của họ hơn là che dấu cái xấu, sự sai lầm của người lãnh đạo để cho hình ảnh lãnh tụ được luôn luôn sáng chói.

Chế độ dân chủ là chế độ dành cho các nhà lãnh đạo thường thường bậc trung. Vì thế cần phải có phân quyền để tránh sự lạm quyền của lãnh đạo, cần phải có người dân, báo chí, quốc hội giám sát để theo dõi người lãnh đạo có phung phí công quĩ, có đưa ra quyết định sai lầm, có lén lút cấu kết với ngoại bang để đưa ra chính sách có hại cho đất nước hay không. Xét xem lịch sử các nước, hạng lãnh tụ thiên tài xuất chúng lâu lâu mới xuất hiện một lần. Các ông vua thánh trí, khôn ngoan không phải là đời nào cũng có. Lâu lâu mới xuất hiện một ông, còn các đời sau thì các ông vua thường thường bậc trung. Vì thế cần có chế độ thích hợp với những con người thường thường bậc trung.

No comments:

Post a Comment