Friday, June 11, 2010

Các phiên tòa Mạc Tư Khoa trong thời kỳ tranh trừng của Stalin


Công tố viên Vychinski đứng đọc cáo trạng trước tòa

Các phiên tòa Mạc Tư Khoa trong thời kỳ tranh trừng của Stalin

Le Monde, 2003.02.26

 Công tố viên Vychinski đứng đọc cáo trạng trước tòa

Trong ba đợt xử án xảy ra từ 1936 đến 1938, các nhân vật cách mạng nổi tiếng trong lịch sử và những nhà Stalinist kiên cường đã “thú nhận” những tội lỗi tưởng tượng rồi bị đưa đi tù cải tạo hoặc bị xử bắn. Một vụ tranh trừng vĩ đại. Sự sùng bái cá nhân được chế độ dựng lên.


Ngày 5 tháng 6 năm 1936, báo Pravda đăng tin: “Với bàn tay sắt chúng ta tiếp tục tiêu diệt những kẻ thù của nhân dân, những tên Trốt kít điên cuồng chống phá". Đằng sau những tấm bảng dựng ngoài đường với khẩu hiệu như “Đời sống tươi đẹp hơn, đời sống tuyệt vời” là một cuộc thanh trừng, giết chóc ngoài sức tưởng tượng đang được tiến hành. Trong cuộc thanh trừng đó, ba phiên tòa sẽ được đem trình diễn cho công chúng xem.

Từ năm 1932 đến năm 1934, vô số các vụ xử án kín đã quét sạch mọi chống đối lại Stalin. Lần này, Ngài Vojd, Người Cầm Lái Vĩ Đại, (tức là Stalin) thay đổi cách thức. Một nhóm Bôn sê vích kỳ cựu, họ là những kẻ đã tham gia Cách Mạng Tháng Mười, bị truy tố về tội âm mưu ám sát lãnh tụ, phá hoại kinh tế, làm gián điệp cho ngoại bang ... Mọi người dân sẽ biết đến hành vi của chúng . Hãy đoàn kết với nhà nước, Iouri Piatakov tuyên bố sau phiên tòa đầu tiên: “Máu sẽ đóng băng trước tội ác của chúng. Toàn thể đất nước đoàn kết chặt chẽ với lãnh tụ vô vàn kính yêu Stalin”. Rồi thì sau đó Piatakov lại trở thành “diễn viên” của phiên tòa kế tiếp và thú nhận các “tội lỗi” tương tự như những kẻ trước.

Mục đích của các phiên tòa này là: nới rộng phạm vi khủng bố ra đến cả các đảng viên và có thêm tác dụng nữa là để nói với quần chúng rằng các khó khăn trong đời sống là do “bọn phá hoại” gây ra chứ không phải là do chế độ.

Đáng buồn nôn...

Trong phiên tòa ngày 19-8-1936 xử “bọn mười sáu tên”, cùng với các nhà lãnh đạo tên tuổi trong lịch sử, Zinoviev và Kamenev đồng thú nhận đã cấu kết thành “trung tâm” để phá hoại nền kinh tế và âm mưu ám sát Stalin, Vorochilov và Jdavov. Tất cả đều bị án tử hình và đem bắn vào ngày 25-8-1936. Một tháng sau đó, Stalin phong cho Nikolai Ejov chức bộ trưởng nội vụ, nhà tổ chức vĩ đại các cuộc “điều tra”. Người tiền nhiệm là Henrik Iagoda bị đưa ra ngồi ghế bị cáo của phiên tòa thứ hai. Phiên tòa này xử từ ngày 23 đến ngày 30 tháng giêng, năm 1937. Cùng với Piatakov, Radek và Mouralov là mười lăm bị cáo khác . Ngoài việc thú nhận các “tội phạm” tương tự như phiên tòa trước, những người này còn thú tội “làm gián điệp” cho Đức Quốc Xã, Anh và Ba Lan. Ngoài Karl Radek bị đưa đi tù cải tạo, tất cả các bị cáo kia đều bị xử bắn. Trò hạ thấp nhân phẩm trong sự sỉ nhục được tiếp tục với phiên tòa cuối cùng (từ ngày 2 đến ngày 13 tháng ba năm 1937), nhắm vào Nikolai Boukhanine, nhà lý thuyết gia lẫy lừng này thú nhận đã làm “gián điệp” cho Anh và Đức từ những năm trong thập niên 1920, cùng với ý đồ định ám sát Lênin vào năm 1918.

Cứ mỗi lần cung khai trước tòa, các bị cáo khai ra một cách đáng buồn nôn là Trotski (lúc đó đã phải lưu vong từ năm 1929) là “linh hồn và người tổ chức những trung tâm khủng bố”; tất cả những điều đó nói lên sự trì độn đáng thương hại của “thiên tài Stalin”. Làm sao những người này lại có thể hạ phẩm giá của mình đến mức đó?

Phải chăng là những nhà tranh đấu kỳ cựu này đã bị bẻ gẫy bởi những năm trong tù đã làm vậy để phục vụ cho đảng mà họ đã từng dâng hiến cả cuộc đời? Lời giải thích rất ngắn gọn. Trong số 90 đảng viên Bôn Sê Vích kỳ cựu được nêu tên trong các phiên tòa, chỉ có mười sáu người là chấp nhận ra trước tòa cung khai. Số còn lại, mặc dầu bị tra tấn, hăm dọa hại đến gia đình vẫn không chịu khai những tội lỗi tưởng tượng và đã bị thủ tiêu trong bí mật. Trước vành móng ngựa, một số bị cáo “phản cung”. Krestinski tuyên bố: “Tôi không hề phạm các tội mà người ta gán ghép cho tôi”. Thế là phiên tòa bị đình lại . Ngày hôm sau, phiên tòa tiếp tục, ông ta lại thú nhận. Radek nói vào mặt các quan tòa rằng: “Nếu các ông chỉ làm việc với bọn tội phạm, bọn chỉ điểm thì làm sao các ông có thể chắc chắn được những điều chúng tôi nói ra ở đây là đúng sự thật ?”.

“Anh ta đã thay đổi nhiều đến nỗi...”

 Nicolas Bukharine, 1888 - 1938

Trong số những người đó, Boukharine đã đóng vai trò của mình hùng hồn nhất khi nói với quan tòa Vychinski: “Bắt bị cáo phải xưng tội là nguyên tắc của thời trung cổ”. Khi Vychinski hỏi ông ta có biết nhân chứng Kaeline hay không, ông ta trả lời: “Có đấy, chúng ta đã gặp nhau trong văn phòng của ông ấy mà”, ý Boukhaline nói những lời làm chứng và thú tội đều đã được dàn dựng trước. Vychinski nhấn mạnh: “Ông đã quen biết với anh ta trước đây”. Boukhanine đáp lại: “Đó là hồi 1918 hay 1919. Nhưng bây giờ ông ta đã thay đổi nhiều đến nỗi tôi khó mà nói đó là cùng một người”.

Những lời làm chứng, cũng như vô số những mâu thuẫn và vô lý trong các hồ sơ kết tội, đã không được ai nhận ra. Các nhà văn Xô Viết Babel, Pasternark, Grossman, Alexei Tolstoi đồng thanh lên tiếng: “Không thương xót gì với bọn đồng lõa với chủ nghĩa phát xít!” Hàng triệu người cộng sản trên thế giới chấp nhận các bản án mà Hội Những Nhà Pháp Lý Quốc Tế cho rằng “hoàn toàn hợp pháp”. Ngoài một vài nhà trí thức hiếm hoi, tại phương Tây chẳng ai xúc động gì.

Sylvain Cypel

Đoạn video dưới đây chiếu phiên tòa xử Boukharine:




Lời nhận xét trong “di chúc” của Lenin

Ngày 24 tháng 12 năm 1923, Lenin, lúc rất yếu, đọc “di chúc” chính trị phải giữ bí mật của mình . Cảm thấy “nguy cơ của chia rẽ” trong đảng Bôn Sê Vích chung quanh mối quan hệ giữa Trotski và Stalin, ông bàn về hai người có thể kế vị mình . “Đồng chí Stalin, đang trở thành Tổng Bí Thư, đã tập trung quyền lực vô biên trong tay và tôi không chắc rằng đồng chí ấy luôn luôn biết cách sử dụng quyền lực đó một cách thận trọng”. “Đồng chí Trotski chẳng những nổi bật về các khả năng phi thường mà về mặt bản thân, đồng chí ấy là người có khả năng nhất trong trung ương đảng hiện nay, nhưng đồng chí ấy mắc khuyết điểm là quá tự tin và để bị lôi kéo vào khía cạnh hanh chánh của các sự việc”.


Trước khi qua đời, ngày 21 tháng giêng, 1924, Lenin ngày càng xa rời Stalin, người mà Lenin cáo buộc là đã tiến hành một cách tàn bạo một “chiến dịch quốc gia đích thực mang tính Đại Nga” tại Georgia, và Lenin chỉ trích: “cái guồng máy mà đồng chí ấy lãnh đạo, cho thấy thực ra chúng ta đang dùng cái guồng máy giống như là của chế độ cũ”.

Bài viết được đăng trong số ngày 26-3-2003.

No comments:

Post a Comment