Thursday, October 25, 2012

Vì sao kinh tế nước Đức mạnh?

Hãy tưởng tượng có một nước mà người dân làm việc ít giờ hơn phần lớn các nước khác, lực lượng lao động không có sức sản xuất cao cho lắm và học sinh thì học ít giờ ở trường hơn các nước láng giềng.

Bạn có thể nghĩ rằng những đặc điểm trên sẽ là điều không làm cho nền kinh tế hùng mạnh.


Nhưng nước được mô tả ở trên không phải là nước nào khác mà chính là nước Đức, một bộ máy sản xuất mạnh của châu Âu và là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất cảng hàng hóa, và cũng chính là nước đơn thương độc mã đứng ra cứu cho khu vực kinh tế dùng đồng Euro khỏi rơi vào khủng hoảng và là nước giàu có đủ sức cứu đồng tiền Euro.

Khi bạn xét đến lực lượng lao động Đức làm ít giờ hơn 34 nước hội viên của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD, Organization of Economic Co-operation and Development), số giờ ngồi trong lớp học của trẻ em Đức ít giờ hơn trẻ em nước Ý 25%, và có sáu nền kinh tế tại châu Âu có sức sản xuất cao hơn nước Đức, thì các sự kiện này là điều đáng để suy nghĩ.

Thế thì tại sao kinh tế Đức lại mạnh như thế và chúng ta có thể rút ra bài học gì từ các sự kiện này?

Nhờ đồng Euro

Nước Đức được hưởng lợi nhờ đồng Euro là điều không ai nghi ngờ.

Khi chuyển sang chọn đồng Euro làm đơn vị tiền tệ, nước Đức hội nhập với các nền kinh tế yếu hơn tại vùng phía Nam châu Âu và việc đồng Euro có giá trị yếu hơn đồng tiền Đức trước đó khiến cho nước Đức ở vào tình trạng mà một số ít nước trên thế giới được là có lời lớn về mặt cán cân thương mại với các nước khác.

Điều này khiến cho hàng hóa Đức trở thành rất rẻ đối với người tiêu thụ tại các nước khác. Đây là yếu tố đẩy mạnh sự xuất cảng của Đức.

Nhưng đây cũng chỉ là một cách để giải thích vì sao nước Đức có sức mạnh về kinh tế.
Yếu tố quan trọng không kém là nước Đức có mức độ nợ tư rất thấp. Trong khi phần lớn châu Âu mang nợ đầm đìa với các món nợ lãi suất thấp thì cảc công ty lẫn người dân Đức không tiêu quá khả năng tài chánh của mình.

Lý do của việc này, ông David Kohl, một kinh tế gia làm việc trong nhà băng Julius Baer tại Frankfurt nói, đó là vì lãi suất thật sự của Đức được giữ ở mức gần như không thay đổi, so với các nền kinh tế khác tại châu Âu.

Ông nói:

“Thí dụ tại Anh, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nạn lạm phát làm cho lãi suất trở thành thấp, khi lãi suất hạ xuống thì việc mượn tiền trở nên mạnh mẽ hơn”
.

Nhưng yếu tố văn hóa mới là quan trọng . Điều giản dị là người Đức không thích vay mượn tiền và chọn cách sống trong vòng khả năng kiếm tiền của mình.

Ông Kohl nói:

“Trong tiếng Đức, chữ “schulden” có cùng nghĩa với chữ “tội lỗi”. Như thế thái độ của người Đức là nếu anh phải mượn tiền là anh có vấn đề”.

Điều này rất có lợi cho nước Đức những năm gần đây. Không như các nước châu Âu khác, người tiêu thụ và các công ty Đức không phải cắt giảm chi tiêu khi ngân hàng ngưng cho vay tiền trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Công ty không phải cắt giảm chi tiêu nghĩa là công ty vẫn còn tiền để chi trả cho việc kinh doanh. Người tiêu thụ không phải cắt giảm chi tiêu nghĩa là mức tiêu thụ vẫn mạnh và các nhà sản xuất vẫn có thế tiếp tục bán được hàng.

Cải cách về lao động

Nhưng có một lý do sâu xa trước khi nền kinh tế Đức trở thành mạnh hơn hẳn so với các nước khác, đó là số giờ lao động của Đức và số giờ học của học sinh Đức mặc dù không phải là thấp nhất nhưng ở vào mức tương đối thấp so với các nước khác.

Nước Đức đã tiến hành một chương trình cải cách về lao động căn bản năm 2003, khi mức lương bị gia tăng quá mức sau khi hai miền Đông và Tây Đức hội nhập.

Luật lệ bảo vệ việc làm và lòng tin tưởng cao trong lực lượng lao động tại các công ty có vốn vững chắc nhờ không vay nợ quá mức khiến cho chính quyền đảng Dân Chủ Xã Hội có thể hợp tác với công đoàn để điều chỉnh mức lương công nhân.

Cải cách này đặt nền tảng cho việc ổn định việc làm và đưa đến sự điều chỉnh linh hoạt về số giờ lao động trong thị trường lao động. Trong khi nạn thất nghiệp lên cao tại Mỹ và toàn thể châu Âu trong thời kỳ kinh tế đi xuống thì con số người thất nghiệp tại Đức chỉ thay đổi chút ít.

Công nhân Đức đơn giản chấp nhận làm việc ít giờ hơn vì biết rằng mình có thể giữ được việc làm nhờ sự nhượng bộ này.

Công nhân dễ dàng chấp nhận làm ít giờ đi nhờ quan hệ vững chắc giữa giới công nhân và giới chủ nhân so với quan hệ này tại các nước khác.

Ông Andreas Woergoetter, người đứng đầu trong việc nghiên cứu kinh tế của các nước trong Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) nói:

 “Có thứ văn hóa mà những người kinh doanh Đức tin tưởng là phải trả công xứng đáng cho những người làm việc cho mình”.

Chẳng trách gì người lao động Đức làm việc ít giờ hơn các người dân các nước khác mà nền kinh tế vẫn mạnh.

Trình độ chuyên môn

Yếu tố quan trọng hơn nữa cho sức mạnh của công nghiệp Đức là hệ thống giáo dục.

Trường học tan vào buổi trưa tại toàn thể nước Đức. Điều mà ông Woergoetter cho rằng đó là do “sự chọn lựa xã hội” của dân Đức để cho trẻ em có thể có nhiều thì giờ hơn sống với gia đình.

Nhưng những năm sau cùng của chương trình học của Đức khác hắn các nước khác.
Ông Woergoetter nói:

“Tại các lớp cao ở bậc trung học, một nửa số học sinh trung học được học nghề và  một nửa số những học sinh này được thực tập”.

Những người trẻ tuổi ở tuổi 15, 16 tuổi học nghề nhiều hơn là số giờ ngồi trong lớp học để học chữ, như thế sau ba hay bốn năn thực thập họ có đủ tay nghề bảo đảm cho họ có thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp trung học.

Tại Đức, người ta không quá coi trọng bằng cấp trong huấn luyện chuyên môn và về các đại học kỹ thuật hơn tại các nước khác .

Ông Woergoetter nói:

“Người ta không nghĩ rằng việc học hỏi trong nghề nghiệp có lúc chấm dứt. Tại một số nước, những người quản lý công ty được chọn từ nhưng người tốt nghiệp tại các trường kinh doanh, nhưng tại Đức, nếu anh có tài và có chí tiến thủ anh có thể leo cao ngay cả trong các công ty lớn.”

Hệ thống giáo dục Đức đã cống hiến các công nhân lành nghề phù hợp với nhu cầu của các công ty tồn tại từ lâu đời và có sức sản xuất mạnh mẽ. Các công ty lớn này xuất phát từ các công ty nhỏ do gia đình điều khiển từ bao nhiều đời nay là cột trụ của nền kinh tế Đức.

Bài học rút ra được

Hiển nhiên là có nhiều điều học hỏi được từ mô hình nước Đức, nhưng bắt chước một cách mù quáng thì có thể không phải là một cách hay.

Nhiều nước ngày nay mong muốn có một sức sản xuất mạnh như nước Đức, nhất là trong tình hình hiện nay các nước này phải đối phó với sức mạnh kinh tế từ các nước đang vươn lên như Trung Quốc chẳng hạn.

Nhưng trước đó chẳng lâu, thì tình hình lại trái lại.

Ông Kohl kể:


“Trong lãnh vực sản xuất hàng hóa, rất khó gia tăng thêm giá trị. Nếu anh muốn giàu có nhanh hơn và mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế anh phải gia tăng khu vực dịch vụ”.

Vì thế rất có thể một ngày nào đó, nước Đức sẽ phải một lần nữa nhìn vào các nước khác để bắt chước.

Tác giả: Richard Anderson, phóng viên kinh tế của BBC New
Người dịch: Minh Đức

Nguồn: BBC
http://www.bbc.co.uk/news/business-18868704

No comments:

Post a Comment