Friday, July 19, 2013

Câu chuyện Vận động Thành lập Trung học Cộng đồng Quận 8

Câu chuyện Vận động Thành lập Trung học Cộng đồng Quận 8 Năm 1965 - 66

Vào giữa tháng 8 năm 1965, Chương trình Phát triển Quận 8 khởi sự hoạt động. Đó là một chương trình phát triển cộng đồng do một số anh chị em thanh niên chúng tôi tự nguyện đến sát cánh với bà con ở địa phương, trong ý hướng góp phần cải thiện đời sống của người dân về các mặt xã hội, y tế, giáo dục và văn hóa. Chương trình được sự chấp thuận của chánh phủ và do Bộ Thanh niên và Tòa Đô chánh Saigon bảo trợ.

Hồi đó đang có nạn thiếu cơ sở phòng ốc, nên các học sinh trường tiểu học ở Saigon nhiều nơi phải học thành 3 ca, mà ca buổi trưa từ 11.00 đến 14.00 giờ thì rất nóng bức, gây vất vả mệt nhọc cho cả thầy lẫn trò.Vì thế, công tác đầu tiên của chương trình chúng tôi là phải xây dựng ngay được một ngôi nhà 5 phòng học, giúp cho trường tiểu học Hưng Phú có thể giải tỏa các lớp học ban trưa. Việc này đã gây thêm phấn khởi hào hứng cho bà con phụ huynh học sinh, cũng như các thầy cô giáo.
Nhưng thời đó thì trong toàn quận 8 với dân số cỡ 150,000 dân, lại không có được một trường trung học công lập nào cả. Và các vị hiệu trưởng các trường tiểu học trong quận, thì đều than phiền là : Trong số học sinh ở quận 8 mà đi thi vào các lớp đệ thất ở trường Petrus Ký, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi ở bên phía Saigon-Chợ lớn, thì số được chấm đậu rất là ít. Do vậy, mà nhiều em đã phải bỏ học. Thật là điều đáng lo ngại cho các phụ huynh.


Sau nhiều lần tìm hiểu và thảo luận với các thân hào nhân sĩ, các thầy cô giáo cũng như các phụ huynh trong quận, chương trình phát triển đã thành lập được một tổ chức với danh xưng khiêm tốn là : “ Ban Vận động Thành lập Trường Trung học Quận 8”. Ban đầu, chúng tôi chưa hình dung được là đó sẽ là một trường công lập, bán công hay tư thục theo quy chế hiện hành của bộ giáo dục vào thời đó. Phải sau một thời gian tìm hiểu, nghe ngóng và cân nhắc, Ban Vận động mới đi tới được một quyết định là : “ Trường Trung học này sẽ là một trường công lập”, để cho các học sinh trong quận được “ đi học miễn phí, khỏi phải đóng tiền”. Khốn nỗi là khi tiếp xúc với các viên chức của bộ Giáo dục, thì chúng tôi được trả lời rằng : Bộ chưa có dự trù ngân sách cho việc xây cất ngôi trường nào ở trong phạm vi cả thành phố Saigon. Vả nữa, thủ tục ngân sách cũng rất phức tạp, bộ Giáo dục phải có sự thỏa hiệp của Nha Ngân sách thuộc Bộ Tài chánh để mà có được ngân khoản cần thiết, và sau đó thì mới có thể tiến hành việc xây cất trường học qua thủ tục đấu thầu như thường lệ. Đó là vấn đề khúc mắc, mà Bộ không thể tự mình vượt qua được. Bộ Giáo dục chỉ có thẩm quyền cử nhân viên giáo chức, do chính bộ quản lý để gửi họ về dậy học ở các trường mà thôi.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi đó có sự phân công giữa bộ Giáo dục và địa phương các tỉnh, thành phố như sau : Các tỉnh và thành phố quản lý mọi mặt về các trường cấp tiểu học. Còn cấp trung học thì do Bộ trực tiếp quản lý cho mọi đơn vị trên toàn miền Nam. Như vậy là chúng tôi cứ phải liên hệ trực tiếp với các nha sở của bộ Giáo dục, để mà xúc tiến việc thành lập ngôi trường trung học công lập đầu tiên cho quận.

Và lần hồi ban Vận động đã đề ra được một sách lược “thỏa hiệp với bộ Giáo dục” như sau : “ Địa phương quận 8 sẽ phụ trách hoàn toàn vấn đề xây cất cơ sở trường ốc và trang bị bàn ghế dụng cụ cho các lớp học, bộ không còn phải bận tâm về chuyện cơ sở vật chất nữa. Do đó bộ Giáo dục chỉ có trách nhiệm cung ứng cho đủ số giáo chức cần thiết cho việc giảng dậy tại trường mà thôi…” Như vậy trách nhiệm của Ban Vận động rất là nặng nhọc, để lo kiếm địa điểm tọa lạc, vật liệu và kỹ thuật xây cất cho trường, cũng như là trang bị đày đủ bàn ghế cho các phòng học.

Nhờ Chương trình Phát triển Quận 8 lúc đó lại đang thực hiện nhiều dự án chỉnh trang tái thiết, nên mới có thể sắp xếp cho có được khu đất đủ rộng rãi dành cho ngôi trường. Và vật liệu xây cất cũng như kỹ thuật thì cũng do Chương trình này cung ứng tương đối đày đủ. Như vậy, ban Vận động cũng đỡ được mối lo phải đi chạy vạy xin các nhà hảo tâm giúp đỡ về mặt tài chánh, vật chất.

Học sinh không phải đóng học phí, vì đây là trường công lập. Nhưng phụ huynh phải đóng góp dưới hình thức “lệ phí”, mà mỗi tháng chỉ phải góp đồng hạng chung cho mọi lớp với số tiền rất thấp, bình quân là 100$00. (So với học phí ở các trường tư lúc đó vào năm 1966 cũng cỡ 300-800$00 mỗi tháng, tùy theo lớp). Số tiền lệ phí này do Ban Điều hành cùng với Ban Đại diện phụ huynh quản lý việc chi tiêu, chứ không phải đem nộp cho bộ Giáo dục. Như vậy nhà trường có chút ngân quỹ dành cho việc bảo trì dụng cụ, bàn ghế và chi phí linh tinh. Do vậy mà nhà trường có được sự tự trị về tài chánh, không phải lệ thuộc vào một nguồn tài trợ nào khác. Và đó là lý do để trường này có danh xưng là : “Trung học Cộng đồng Quận 8”. Đây là loại trường ” Trung học Cộng đồng” đầu tiên tại miền Nam thời đó.

Về thành phần nhân sự đã tham gia trong “chiến dịch vận động” cho việc thành hình ngôi trường trung học đầu tiên của quận 8 này, thì có rất đông đảo thân hào nhân sĩ, các giáo chức, các vị phường trưởng, khóm trưởng, các phụ huynh học sinh trong toàn quận. Mà nay sau trên 40 năm, phần lớn các nhân vật này đã lìa trần rồi. Hơn nữa, sổ sách hồ sơ liên quan đến nội vụ cũng đã bị thất lạc hết. Do vậy mà người viết không thể liệt kê đầy đủ chi tiết về danh tánh từng nhân vật trong bài viết này được. Mà chỉ có thể ghi nhận rằng : Gần như tuyệt đại đa số các phụ huynh, các thầy cô giáo, các chức sắc lãnh đạo tôn giáo, các nhân viên chánh quyền cấp địa phương đều tham gia vào việc vận động này, mỗi người đóng góp tùy theo khả năng của mình. Do tính cách “quần chúng nhân dân như vậy”, mà bộ Giáo dục mới có sự thông cảm tín nhiệm và dành mọi sự dễ dãi cho công cuộc thiết lập ngôi trường được thành công viên mãn.

Dĩ nhiên là chương trình phát triển quận 8 là đơn vị chủ chốt trong việc phát động chiến dịch vận động này. Nhưng cũng cần phải ghi nhận công lao của vị lãnh đạo Tòa Đô chánh Saigon hồi đó là Bác sĩ Văn Văn Của Đô trưởng, và của vị Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Kỹ sư Võ Long Triều. Đó là hai vị đã nhiệt tâm kêu gọi giới lãnh đạo Bộ Giáo dục đồng ý chấp thuận cho ngôi trường được thành lập. Và nhất định là phải ghi rõ công lao của vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục là Giáo sư Nguyễn Văn Trường và của vị Đổng lý Văn phòng là Giáo sư Lý Chánh Trung. Đó là hai vị đã ra quyết định tối hậu chấp thuận cho thành lập Trung học Cộng đồng Quận 8 và cho bắt đầu khai giảng năm học đầu tiên ngay vào tháng 10 năm 1966.

Trên đây là mấy nét chính yếu, mà bản thân người viết vẫn còn nhớ được, và xin ghi lại như là một hồi tưởng cá nhân của một người đã từng có duyên tham gia trong công cuộc vận động này. Về các chi tiết khác, xin để dành cho quý vị nguyên ở trong Ban Quản lý Chương trình Phát Triển Quận 8, cũng như một số phụ huynh, giáo chức và thân hào nhân sĩ khác tại địa phương cùng nhau bổ túc thêm cho thật hoàn chỉnh. Đây quả là một kỷ niệm đẹp của cả một tập thể những người đã có chung một sự quan tâm đối với tương lai của thế hệ trẻ thân yêu tại quận 8, cách nay đã trên 40 năm rồi

California, Tháng 11 Năm 2009
Đoàn Thanh Liêm
Nguyên Phụ tá Quản lý
Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon (1965-66)


Bình Luận:

Bài viết trên nói về một khía cạnh khác của miền Nam mà các sách báo khi nói về chiến tranh tại Việt Nam vào thời đó không nhắc đến. Đó là giới thanh niên được tự do làm những việc phục vụ cho xã hội khi thấy trong xã hội có vấn đề.

Nếu nhìn vào thời điểm thì vào những năm 1965, 1966, những năm sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ bởi các quân nhân đã xảy ra nhiều vụ biểu tình của sinh viên, học sinh, sư sãi làm rối loạn xã hội. Tại Huế lúc đó, các sinh viên Huế biểu tình đuổi Mỹ đi và có nhóm vũ trang định cướp chính quyền để tách miền Trung ra khỏi lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập khi được BBC phỏng vấn đã kể là vào lúc đó, ông tham gia vào phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe và được chính quyền cho một tiếng đồng hồ trên đài phát thanh để ca hát, phát biểu. Nhóm của ông Tôn Thất Lập đã lợi dụng cơ hội này kêu gọi hòa bình, kêu gọi binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hòa buông súng, ngưng đánh nhau với Cộng Sản. Chính quyền miền Nam thấy thế không cho họ lên đài phát thanh nữa. Sau đó thì ông Tôn Thất Lập và các thanh niên khác, dưới sự chỉ đạo của Cộng Sản Việt Nam liên tục tổ chức các cuộc biểu tình đòi dân chủ để gây rối loạn trong xã hội. Đồng thời gian đoạn 1965, 1966 là giai đoạn đặc công Cộng sản hoạt động mạnh mẽ ám sát những người tích cực hoạt động mà không theo cộng sản. Một số sinh viên, chính trị gia, giáo sư, nhà báo đã bị ám sát trong thời gian này và ngày nay được ca tụng trong cuốn Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. 

Những thanh niên, sinh viên, học sinh do cộng sản chỉ đạo cũng đòi dân chủ, cũng lập ra các nhóm hoạt động xã hội giống như ông Đoàn Thanh Liêm kể trên nhưng sự khác nhau giữa họ và ông Đoàn Thanh Liêm là các thanh niên do cộng sản chỉ trá hình làm việc xã hội nhưng mưu đồ gây rối loạn trong thành phố còn nhóm của ông Đoàn Thanh Liêm thì thực sự muốn làm gì có lợi cho xã hội. 

Câu chuyện của ông Đoàn Thanh Liêm cho thấy vào thời đó chế độ quân nhân tại miền Nam tuy bị một số nhà báo ngoại quốc gọi là độc tài nhưng vẫn để cho người dân, thanh niên được tự do hoạt động. Trong trường đại học, các sinh viên họp nhau thành lập các hội, các tổ chức. Dân chúng được tự do lập hội, lập đảng, Khác với chế độ Cộng sản không cho phép dân được tự ý làm điều gì cả, tất cả các hoạt động xã hội của người dân phải nằm trong tổ chức mà đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền kiểm soát. Ngay cả việc biểu tình chống Trung Quốc tuy phát xuất từ lòng yêu nước cũng không được chế độ Cộng Sản Việt Nam cho phép dân tự ý làm.

Trường hợp ông Đoàn Thanh Liêm cho thấy khi chính quyền để cho dân tự do, người dân có thể làm nhiều điều hữu ích cho quốc gia xã hội mà chính quyền không phải tốn ngân sách, nhân lực để làm. Trường hợp các thanh niên do Cộng Sản giật dây quấy rối rồi cho thấy luôn luôn có những phần tử lợi dụng tự do, cũng núp dưới cái vỏ vì dân, vì xã hội nhưng để gây rối, phục vụ cho mưu đồ của mình. Chính những người như ông Đoàn Thanh Liêm là những người thực sự làm những việc có ích cho xã hội.

No comments:

Post a Comment