Friday, November 1, 2013

Thư viết cho Stephen

Paris ngày 11 tháng 2 năm 2013

Thân gửi anh Stephen,

Vì bài viết trước chưa đủ cho những điều cần nói, nên tôi viết tiếp thư này cho anh.

Trước hết, tôi xác định lại với anh đúng là Mạc Ngôn, tác giả cuốn Ma chiến hữu đã được lĩnh giải Nobel văn chương năm 2012.

Ông Mạc Ngôn sinh năm 1955, tên thực là Quản Mạc Nghiệp, được nhận giải Nobel vào ngày 11, tháng 10 năm 2012. Còn cuốn Ma Chiến Hữu (Les fantômes camarades) được viết vào mấy năm trước, in tại nhà xuất bản Văn học Việt Nam, bản dịch của Trần trung Hỷ. Cứ nhìn vào giải Nobel thì có thể khẳng định đây là nhà văn lớn Trung Hoa, không phải thứ vô danh tiểu tốt. Tuy nhiên, trong cuốn Ma chiến hữu, ông ta đã viết, “Chúng tôi đi chiến đấu để chống lại quân xâm lược Việt Nam”.

Ông Mạc Ngôn viết những dòng này một cách bình tĩnh, thản nhiên, coi như đó là sự thực ai ai cũng chấp nhận. Điều này cho ta biết tâm lý của các bậc gọi là văn nhân Trung quốc, họ tin vua chúa của họ một cách vô điều kiện, không thèm đếm xỉa đến sự thật, bất kể tính lô-gic. Thử tưởng tượng một nhà văn Việt Nam kêu thật to, “Chúng tôi phải cầm súng để chống lại quân xâm lược Lào!”

Người Lào xâm lược Việt Nam còn dễ tin hơn là Việt Nam xâm lược Trung quốc. Một nhà văn lĩnh giải Nobel có thể tin đinh ninh vào một sự vu khống như thế chứng tỏ, hoặc là một niềm tin mù quáng, hoặc là sự vâng phục hèn hạ của kẻ cầm bút trước nhà cầm quyền. Vậy là, tuy cầm bút nhưng hành vi ứng xử của Mạc Ngôn là hành vi nô bộc của quan lại. Ông ta không có tự do tư tưởng nên không thể phán xét sự vật một cách khách quan. Ông ta lặp lại những điều cấp trên dạy bảo hệt như một con vẹt. Hành vi này là sự nối tiếp một cách ngoan ngoãn truyền thống Trung Hoa: kẻ có chữ phải tìm được một chỗ đứng trong triều đình, coi điều đó như sự thành đạt.

Không riêng Mạc Ngôn, tôi cho anh một ví dụ khác, Trương Nghệ Mưu. Đây là một trong những nhà điện ảnh Trung Hoa tài năng mà tôi vô cùng ái mộ. Ông ta sinh năm 1950, làm những bộ phim vô cùng lộng lẫy, chiếm vô số giải trong các cuộc liên hoan phim thế giới. Bộ phim nổi tiếng trước hết là “Cao lương đỏ”. Sau đó đến “Thu Cúc thưa kiện”. Tiếp theo “Đèn lồng đỏ”…. Tuy nhiên, ông Trương Nghệ Mưu cũng là con người truyền thống, có nghĩa rằng ông ta rất hài lòng được phục vụ cho Đảng cộng sản Trung Hoa. Khi vụ Thiên an Môn xảy ra, dư luận thế giới chỉ trích nền độc tài. Sau đó, người ta lật lại liên tục những vụ án oan xẩy ra dưới thời Mao Trạch Đông, những cuộc thanh trừng nội bộ vô tiền khoáng hậu mà ngay đến bạo chúa Tần Thủy Hoàng cũng không đạt được cường độ của sự tàn độc. Ông Trương nghệ Mưu đã làm một bộ phim hoành tráng để biện minh cho Tần Thuỷ Hoàng, tựa đề Anh hùng (Hero, năm 2002), ý nghĩa chính thức là để ca ngợi Tần Thuỷ Hoàng, ý nghĩ ngầm ẩn là bào chữa cho các tội ác của Mao Trạch Đông: tuy tàn ác nhưng đã có công thống nhất được đất nước. Bởi vì, trong lịch sử dài dặc của Trung Hoa, các cuộc tranh chấp chưa bao giờ ngừng, bất phân thắng bại. Chỉ có hai hoàng đế thống nhất được xứ sở này là Tần Thuỷ Hoàng và Mao Trạch Đông. Thế nên, nhắc đến Tần Thuỷ Hoàng ắt phải liên tưởng đến Mao Trạch Đông, theo lối ám chỉ quen thuộc của người châu Á: “Nói ở đây nhưng chết cây ngô đồng”.

Nhờ “trung với vua” nên ông Trương nghệ Mưu đã được giao nhiệm vụ mà hàng ngàn người mơ ước: Tổ chức cuộc diễn hành cho Olympic 2008 tại Trung Hoa.
Trương Nghệ Mưu. guồn: OntheNet

Trương Nghệ Mưu. Nguồn: OntheNet

Nhà Trung quốc học François Julien viết, “Tầng lớp trí thức thật sự chưa có ở Trung Hoa.” Nguyên văn: “L’intelligentsia n’existe pas encore au Chine”

Đây là điểm dị biệt giữa phương Đông với phương Tây, giữa một Đại đế quốc Trung Hoa với một Nước Mỹ Lớn.

Nước Mỹ lớn vì nó là xứ sở của một dân tộc yêu tự do hơn hết thẩy và vì nó có một tầng lớp trí thức tiêu biểu, lương tâm của đất nước.

Nước Trung Hoa lớn và mạnh khi nó chưa có những con người được tự do tư tưởng và chưa đủ khát vọng tự do. Tự do, Dân chủ, hoặc còn mới lạ hoặc còn quá xa xỉ đối với đa số đám người này.

Điểm khác biệt ấy đặt ra sự nghi vấn và nỗi lo âu cho nhân loại.

Nước Trung Hoa không chỉ khó hiểu đối với các dân tộc khác nhưng nó còn khó hiểu ngay với chính một bộ phận dân cư của mình. Một thanh niên Trung quốc, sau khi chứng kiến cảnh bố mẹ bị giết trong cuộc Cách mạng văn hoá đã tìm cách vượt biên giới sang tị nạn chính trị châu Âu. Sau này, trở thành nhà tạc tượng, anh ta viết:

    “Các bạn hãy thử tưởng tượng xem, tượng Hitler năm này (khoảng 2006-2007) hãy còn được dựng ở Berlin và y vẫn còn được coi như thần tượng của dân tộc Đức. Tội ác của Mao Trạch Đông còn lớn hơn tội ác của Hitler nhưng xác ông ta vẫn nằm ở Thiên An Môn và vẫn được chiêm ngưỡng như một thần tượng…”

Nhà điêu khắc này sống khá lâu ở phương Tây nên muốn hay không cũng ảnh hưởng văn hoá phương Tây. Vì lẽ đó, ông ta không hiểu hết tâm hồn dân tộc của chính mình. Những gì người Đức không làm thì người Trung Hoa làm. Người Trung quốc tôn thờ sự vĩ đại cho dù sự Vĩ đại đó kèm theo Tính phi nhân và Sự huỷ diệt.

Mao Trạch Đông khi sống đã từng tuyên bố:

    “Dân Trung quốc bây giờ là gần bẩy trăm triệu, tôi sẵn sàng hy sinh một nửa số đó để cắm ngọn cờ hồng lên toàn thể hành tinh.”

Còn vô số điểm dị biệt giữa phương Đông và phương Tây, giữa người với người khiến Sự bất khả tri trở thành một thách thức thường trực. Nếu anh đọc cuốn “Ma chiến hữu” của Mạc Ngôn, sẽ bắt gặp những đoạn miêu tả cảnh bắt cá, bắt chim vô cùng sống động, văn phong lôi cuốn. Xen vào các đoạn trên, tâm tư người cầm súng được bộc lộ như sau, “Vào quân đội nhân dân, được ăn cơm toàn gạo trắng, sung sướng thay!”

Tôi nghĩ thứ “sung sướng” kiểu này, người châu Âu cũng như người Mỹ khó mà hình dung được.

Độ chênh lệch giữa các ngôn ngữ cũng dẫn đến nhiều nhầm lẫn. Ngay tiếng Việt cũng có hiện tượng một từ mang nhiều nghĩa khác nhau, huống hồ tiếng tượng hình của người Hán. Tôi không còn thời gian học tiếng Hán cũng như tiếng Anh, nhưng nhờ một người bạn giảng giải, tôi hiểu rằng thứ tiếng này có thể giăng ra vô số cái bẫy cho những người phương Tây muốn tìm hiểu nó. Ví dụ, chỉ một từ THIÊN, có thể dịch thành 5 nghĩa chính sau đây:

1. Nghĩa vật lý: Thiên tức là trời, đối lập với địa là đất.
2. Nghĩa ngự trị: như câu Hoàng thiên Thượng Đế. Nôm na: Thiên và Đế:Trên trời có Thượng hoàng, dưới đất có Vua.
3. Nghĩa định mệnh: chữ Thiên được áp dụng vào tất cả các biến cố trong đời người mà người ta không điều khiển được. Mạnh Tử nói: Nhược phù thành công tắc thiên dã.
4. Thiên là thế lực tự nhiên, cũng như chữ Nature ở phương Tây. (Tuân Tử luận về Thiên)
5. Thiên có nghĩa luân lý nhân sinh: chữ Thiên mở đầu sách Trung dung; Thiên mệnh chi vị tinh, có nghĩa: cái mà trời san sẻ cho người gọi là tính của nó.

Tôi đặc biệt khó chịu với các nhà nho Việt Nam thời xưa bởi tôi thấy họ coi thứ chữ của Khổng Tử là niềm say mê đầu bảng, rồi họ chìm đắm vào thứ ngôn ngữ này để tự cho mình là “tinh tuý của trời đất”. Tuy nhiên, tôi cũng muốn biết đôi điều về nó để cắt nghĩa một số hiện tượng đáng quan tâm. Những năm gần đây, khá nhiều lần tôi được nghe các nhà Hán học phương Tây bàn về “Mã đầu đới kiếm”. Theo họ, “Kiếm treo trên đầu ngựa là tình thế khó tránh đối với tất cả các nước chịu ảnh hưởng của nền văn mình cầm đũa như Nhật, Hàn quốc, và các nước Đông Nam Á.”

Nhưng Mã đầu đới kiếm cũng còn dành cho cả các anh, những người Mỹ, những người tự coi là mạnh nhất hoàn cầu. Họ nói rằng:

    “Lẽ ra, tổng thống Bush, thay vì tiến công Iraq để làm một cuộc chiến tranh dự phòng nên làm cuộc chiến tranh dự phòng ngay trong lòng tổ quốc của ông ta, số lượng người Hoa sống ở đó đủ tạo thành tư thế Mã đầu đới kiếm. Lúc nào cây kiếm này bổ xuống, đó chỉ còn là vấn đề thời cơ.”

Đội ngũ các nhà Trung Hoa học ở Pháp tương đối đông, cứ nghe các buổi truyền thanh của France Culture là thấy rõ. Nhận thức và kinh nghiệm của họ khác nhau nên các câu chuyện trong các sa-lông cũng nhiều mầu sắc. Năm 2010, tôi có ăn cơm tối với một người trong số họ, François Julien, giáo sư đại học Paris VII cùng Hoàng ngọc Hiến, người dịch sách của ông ta sang tiếng Việt. Françoise Julien có bảo tôi rằng CIA mời ông ta cộng tác, nhưng ông ta đáp: “Tôi chưa nghèo đến mức phải làm việc đó”. Đáng tiếc, theo tôi, ông ta khá hiểu người Tầu.

Bây giờ, trở lại chuyện của chúng ta, tôi nghĩ rằng chính sách của ông John Kerry bộc lộ phần tiêu cực trong tâm thế và tính cách của ông ấy. Ông ấy đã được trao quyền lực khi còn quá trẻ. Ở tuổi ấy, trác việt đến đâu cũng không thể thâu tóm được mọi vấn đề. Vì kiến thức, không chỉ đòi hỏi trí thông minh, mà còn yêu cầu sự nhạy cảm và nghiệm sinh (Expérimenté, Vécu). Nghiệm sinh đòi hỏi thời gian. Có thể rút ngắn nhưng không ai có thể bỏ qua giai đoạn này, thành tố bắt buộc cho sự trưởng thành của con người về mặt tâm lý cũng như hoạt động trí não. Mọi sự bỏ qua giai đoạn đều nguy hiểm, mà bằng chứng hiển nhiên nhất là khẩu hiệu của những người cộng sản, “Chúng ta tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn chủ nghĩa tư bản.”
Ngoại trưởng HK, John Kerryy (hình thời trẻ và khi là Ngoại trưởng). DCVOnline tổng hợp.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerryy (hình thời trẻ và khi là Ngoại trưởng). DCVOnline tổng hợp.

Vì lãnh nhận một nhiệm vụ nặng nề trong điều kiện nghiệm sinh thiếu hụt, cuộc chiến tranh do ông ấy chủ trương là một thất bại hiển nhiên không chỉ trước mắt người Mỹ mà còn trước mắt thế giới. Sau sự kiện này, ông John Kerry giống như con chim sợ cành cong, nếu muốn ví von theo kiểu Việt Nam (con chim thoát chết nhìn thấy cành cây nào cong cũng nghĩ rằng đó là cây cung có thể bắn nó). Nếu diễn đạt theo kiểu phương Tây thì ông John Kerry của anh có một bộ não bị obnubilé par les fantômes de ses défaites. Nói theo cách thức y học thì ông ta mắc chứng bệnh Douleur Fantôme. Nửa thế kỷ đã trôi qua, chàng trai năm xưa đã thành một ông già, nếu ông ta không đủ sức giải phóng khỏi các bóng ma cũ, không hất được sức ép tâm lý như tảng đá đè nặng trên vai mình chắc chắn ông ấy sẽ tiếp tục thất bại. Chính sách mà ông ta ngỡ là sự thận trọng tối đa, trong thực tế, là hậu quả của sự rụt rè, sợ hãi. Sự rụt rè này, theo tôi, là con đường dẫn đến tự sát.

Vì sao?

Trong lịch sử loài người, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ở đâu cũng diễn ra cái kinh nghiệm này: Con người chỉ có thể chọn được những phương án hành động tối ưu, có nghĩa rằng họ chỉ có được sự sáng suốt khi ở bên ngoài ba trạng thái sau đây:

1. Sự khinh nhờn, chủ quan;
2. Sự lo lắng thái quá;
3. Sự duy ý chí.

John Kerry của anh, nếu tôi không nhầm sinh năm 1943. Ngoài hai mươi tuổi đã phải quyết định một việc quá lớn. Như vậy, vào thập kỷ 60, nhà ngoại giao này rơi đúng vào trạng thái Désinvolte, inconsidéré. Chủ bại theo sơ đồ thứ nhất.

Năm nay, ông John Kerry tròn 70, khi ông ta nhậm chức, báo chí Pháp đưa tin và nhấn mạnh sự kiện này: “Đây là kẻ đã chủ trương cuộc chiến tranh Việt Nam.” Ấy là đòn phủ đầu, ấy là sự chỉ mặt. Ngọn đòn này tạo nên sức ép tâm lý khiến ông ta phải lo lắng, phải cân đo đong đếm và lựa chọn phương án nào đó mà ông ta tự cho là an toàn. Lúc này, ông ta rơi vào sự chủ bại theo sơ đồ thứ hai: Trop angoissé, trop anxiété.

Đáng tiếc thay!

Lịch sử không là sự liệt kê nhưng là sự so sánh và quy nạp.

Phương sách ông ta chọn, nếu theo đúng như điều anh nói với tôi, ắt dẫn đến ba kết quả sau đây:

1. Nó sẽ làm phình ra các ngân khoản của bọn cộng sản cầm quyền Việt Nam ở trên khắp các nhà băng nước ngoài: Băng-cốc, Thuỵ sĩ, Mỹ, Pháp Tiệp và Ba Lan. Trái với chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, tin chắc như thành vì ẩn dưới bóng đội quân Mỹ, đám cầm quyền Việt Nam đã chuẩn bị “cuộc di dân” từ vài chục năm nay. Thời Phan Văn Khải còn làm thủ tướng, ông ta đã có tài khoản ở Băng-cốc và Thuỵ sĩ, mà người làm nhiệm vụ gửi tiền cho ông ta là bà Lộc, lãnh đạo ban xuất nhập khẩu trung ương (trụ sở ở phố Tràng Thi). Càng về sau, đám cầm quyền càng khẩn trương thúc hối việc chuyển tiền, rửa tiền. Cuộc cướp bóc càng được tổ chức với quy mô rộng lớn và với các hình thức tinh vi hơn. Không những người Việt nhưng khá nhiều người Pháp sống ở Paris biết rằng chính quyền Hà Nội có nuôi một màng lưới chuyên trách đảm nhiệm công việc này.

2. Chính sách của ông John sẽ làm thất vọng đại bộ phận dân tộc Việt Nam, những người đã hiểu thể chế dân chủ của phương Tây và đang khao khát đưa đất nước theo con đường ấy. Chớ quên rằng hàng nghìn thanh niên đứng chờ đón ông Bill Clinton dọc đường từ sân bay Nội bài về Hà Nội đa phần là nông dân, họ không được học hành nhiều, thông tin hạn chế. Thêm nữa chính quyền cố tình giấu ngày giờ bay đến của ông tổng thống Mỹ nhưng họ đã tìm mọi cách dò hỏi để có thể chào mừng ông ta, bộc lộ niềm ngưỡng vọng. Những thanh niên ấy không hân hoan chờ đón ông Bill Clinton bởi ông ta đẹp trai, dẫu rằng ông ta đẹp trai thật và là một “Séducteur inné” thật, nhưng đám người này chờ đón ông ta vì họ khao khát nền dân chủ của nước Mỹ mà ông ta là biểu trưng.

3. Chính sách của ông John sẽ không thể đưa lại một xu kết quả mà các nhà lãnh đạo Mỹ mong muốn, bởi những kẻ họ coi là đồng minh (theo nghĩa ngoại giao) hoặc là agent(theo cách hiểu ngầm ẩn) không có khả năng đáp ứng đòi hỏi của họ. Từ muôn thuở, khả năng chiến đấu của con người không chỉ phụ thuộc vào sức lực, vũ khí nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào tâm thế, tức tinh thần. Cho dù là dân Việt Nam vốn có truyền thống chống quân xâm lược, nhưng không phải bất cứ lúc nào họ cũng sẵn sàng cầm gươm cầm giáo theo lệnh triều đình. Những trận thắng đáng kể trong lịch sử chỉ được thực hiện khi các lãnh tụ được coi là xứng đáng, là tiêu biểu cho tinh thần quả cảm và đạo đức, khi lời kêu gọi của họ có đủ sức thuyết phục và cổ vũ lòng người. Hãy nhìn xem, cũng là triều đại nhà Trần, lúc triều đình còn được lòng dân, còn có những viên tướng tài ba như Trần thủ Độ, Trần quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần quang Khải…Lúc đó, các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đã thành công rực rỡ. Nhưng khi triều đình nhà Trần suy thoái, truỵ lạc, thì ngay đến giặc Chàm cũng không thắng nổi. Đã ba lần Chế bồng Nga dẫn quân đánh thọc vào Thăng long như vào chỗ không người và cả ba lần vua Trần phế Đế lẫn Thái thượng hoàng Nghệ Tông đều chạy trốn. Sau trận chiến cuối cùng, nhờ may mắn mà Trần khát Chân giết được Chế bồng Nga cũng là lúc Hồ quý Ly đoạt ngôi và triều Trần kết thúc. Còn hai cuộc chiến tranh chống quân nhà Minh và quân Thanh đều do hai vị anh hùng áo vải, cả Lê Lợi lẫn Nguyễn Huệ khi cầm quân đánh giặc đều chưa lên ngôi. Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ cũng tuân theo cùng quy luật. Năm xưa, khi chúng tôi đi ra chiến trường, ít nhất còn Hồ Chí Minh như là Ánh sáng lương tri. Muốn hay không, ông Hồ cũng được coi như Lê Lợi hoặc Quang Trung vì ông ấy là người đã kết thúc hơn tám mươi năm đô hộ của thực dân Pháp. Dù cho bao nhiêu sai lầm đã xảy ra, người dân vẫn không quên rằng chính quyền Việt minh đã thành công khi đánh đuổi thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật. Ngoài công trạng đó, điều hiển nhiên ai ai cũng thấy là ông Hồ liêm khiết. Ông ta không có ngân khoản riêng ở trong nước cũng như ngoài nước, không chiếm hữu một biệt thự cho người trong gia đình, không tơ hào một xu công quỹ. Sự liêm khiết đối với một nước giầu như nước Mỹ có thể là điều nhỏ mọn, không đáng quan tâm nhưng đối với dân Việt Nam, một nước đói dài thì vô cùng quan trọng. Dân coi sự liêm khiết là tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu để đánh giá vua chúa. Không phải vô duyên cớ mà hàng ngàn năm lưu truyền câu ca sau:

    “Con ơi mẹ bảo con này,
    Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.”

Các yếu tố tồn tại trong cuộc chiến tranh Việt-Mỹ có thể coi là những yếu tố cần và đủ để lặp lại một cuộc kháng chiến chống xâm lược theo kiểu cổ truyền. Những người trai trẻ là chúng tôi năm xưa tình nguyện đi vào chỗ chết đơn giản là vì chúng tôi coi mình là hậu duệ của các ông tổ xa xưa, những người đã chiến đấu chống ngoại xâm với một sự quyết tâm vô bờ và lòng hy sinh vô bến.

Nhưng giờ đây, năm 2013 này, muốn lặp lại một cuộc chiến tranh như thế là điều không tưởng. Những người điên là chúng tôi năm xưa, những kẻ vừa ca hát vừa đi vào chỗ chết không còn tồn tại nữa, bởi Không khí Nhập đồng đã qua và Ánh sáng Huyền thoại đã tắt rồi. Các thế hệ sau này nhìn đời bằng con mắt thực tiễn hơn nhiều. Họ cũng được trang bị thông tin đầy đủ hơn để hiểu bộ mặt thật của lớp cầm quyền. Khoảng đầu năm 2010, tôi có đọc một bài báo về Việt Nam đăng trên tờ Le Monde hoặc Libération (hai thứ nhật báo mà tôi hay đọc). Trong bài báo đó tác giả tả lại cuộc gặp gỡ của ông ta với một nhóm thanh niên Việt Nam tại một quán nhảy Sài Gòn. Nhân vật chính là một thanh niên trạc hai mươi tuổi, được giới thiệu là con trai của một quan chức cao cấp ngân hàng, đi đến quán với một nhóm bạn. Theo nhà báo, cậu này đã trả hơn mười ngàn euros cho cuộc vui tối hôm đó, và còn khoe với ông rằng sắp tới, gia đình sẽ tổ chức sinh nhật cho cậu tại một hòn đảo ở nước Mỹ, với chi phí một triệu đô-la. Cậu ấm này chưa phải là con một ông trong bộ chính trị, vậy ta có thể tưởng tượng ra cách sống của đám quan lại cộng sản bây giờ. Bài báo này xuất hiện gần như cùng thời kỳ với tin về việc ông Hồ cẩm Đào tổ chức đám cưới cho con gái ông ta cũng trên một hòn đảo nào đó, và cũng với kinh phí hàng triệu đô-la. Các anh, những người Mỹ, các anh nghĩ rằng nông dân Việt, những người sống với 9 đô-la một tháng có thể ngoan ngoãn cầm súng cho những kẻ sống phè phỡn trên đầu họ như thế sao? Người Việt cũng là người, họ không phải là những con bò và họ cũng biết làm phép so sánh.

Nói một cách ngắn gọn, có thể ví chính sách của người Mỹ với Việt Nam như sau:

Nửa thế kỷ trước, chúng tôi đang nóng sốt thì các anh chụp lên đầu chúng tôi một tấm áo khoác bông, bắt phải chịu đựng. Bây giờ, chúng tôi rét run cầm cập thì các anh ném cho chúng tôi một chiếc áo tắm và bảo rằng mặc vào đi, tốt cho mày lắm…

Thật nực cười!

Vào những năm 50, khi lập chế độ cộng hoà, các anh đưa lên ngôi ông Ngô đình Diệm, quên rằng hơn chín mươi phần trăm người Việt đi theo đạo Phật, dầu đạo Phật giống một triết lý sống hơn là một tôn giáo, nhưng nó là món ăn tinh thần chính thức mà tuyệt đại đa số dân chúng đã chọn. Khi lấy quyết định này, các anh đã quên nguyên tắc nền tảng của chính trị là Sự cai trị hoặc Nghệ thuật dẫn dụ một đám đông. Một ý tưởng dù cao siêu đến đâu, quyến rũ đến đâu mà chỉ thuyết phục được một thiểu số cũng coi như mớ giẻ rách. Thêm nữa, khi lấy quyết định này, các anh cũng lại quên rằng thiên chúa giáo du nhập vào Việt Nam cùng một lần với chủ nghĩa thực dân Pháp cho nên trong ý thức lẫn tiềm thức của dân tộc Việt, cây thánh giá thường gợi lên nếu không phải sự hờn oán thì cũng là nỗi ngờ vực. Do một quyết định đầy tính áp đặt như thế, kết quả đã xảy ra là không tránh khỏi.

Mười năm sau, khi đưa quân vào Việt Nam các anh đã không hiểu rằng Chống ngoại xâm là tôn giáo đích thực và duy nhất của người Việt Nam, cũng không biết rằng trong tình trạng bế quan toả cảng, triệt để thi hành chính sách ngu dân của chủ nghĩa cộng sản, những cư dân miền Bắc không có cách lựa chọn nào hơn là thực hiện khẩu hiệu: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Lúc đó, lẽ ra cần đắn đo thì các anh đã không đắn đo mà tưởng rằng các anh mạnh, ý chí của kẻ mạnh ắt phải thắng. Lần này, các anh lại quên rằng chủ nghĩa quyết định (Déterminisme) đã chết cùng với trào lưu ánh sáng mà đại biểu là ông Voltaire.

Bây giờ, nửa thế kỷ đã trôi qua, nương dâu đã thành bãi bể.

Bây giờ, mọi sự đã đổi thay. Dân Việt Nam đã hiểu các anh là ai, khát vọng dân chủ của họ càng ngày càng cháy bỏng, gia đình nào cũng vơ vét tiền bạc, thậm chí bán nhà bán đất cho con đi học Mỹ hoặc Úc, hoặc Pháp…Tóm lại, họ đã hoàn toàn ngoảnh mặt về nền dân chủ phương Tây và coi đó là con đường duy nhất cho tương lai của hậu duệ. Thêm nữa, bộ mặt thối nát, tham nhũng của đám cộng sản cầm quyền đã phơi ra trần trụi dưới ánh mặt trời. Xưa kia, dân chúng gọi lãnh đạo đất nước là bác Hồ, bác Tôn, đại tướng Giáp…Bây giờ, họ gọi nhà cầm quyền là: Thằng Dũng sỉn, con Hoa heo, thằng Trương Tấn Sang to ve tỏ vẻ…

Anh, Stephen, người biết nói tiếng Việt từ bốn mươi năm nay, ắt phải hiểu cách xưng hô phức tạp này. Trong gia đình, giữa bạn bè cực thân thiết, Thằng, Con chỉ sự gần gũi. Nhưng đối với người ngoài: Thằng, Con lại chỉ sự khinh bỉ tột cùng. Vậy mà, các anh muốn dựa vào đám “Thằng khỉ Con tiều” này để tập hợp dân chúng đánh Tầu!

Quả là hài hước.

Muốn xử dụng con rối thì phải chọn con rối còn múa may được. Nếu các con rối vải đã mục, chân tay đã rụng thì chẳng ích chi.

Muốn có đồng minh đánh trận thì phải chọn người khoẻ mạnh, còn đưa đứa mắc chứng si-đa theo ắt phải sa lầy.

Đám cộng sản cầm quyền Hà Nội giờ đây trước mắt dân chúng là đám người bệnh tật, ghẻ lở về tư cách. Chúng không còn triệu tập được ai mà chỉ còn biện pháp cuối cùng là dí súng vào lưng mọi người, bắt hành động. Như thế, ắt các trại thu dung, nơi chứa lính đào ngũ phải nhiều ngang ngửa với trại lính. Nếu trong cuộc chiến Việt-Mỹ chỉ có một trại thu dung thì cuộc chiến trong tương lai sẽ phải nhân lên gấp năm mươi lần. Tinh thần như thế, làm sao kháng cự được? Không cần chờ đợi, quân Trung quốc sẽ tràn sang. Việt Nam sẽ mau chóng trở thành một tỉnh lỵ của Tầu. Bọn cộng sản cầm quyền đã dọn sẵn ổ để lủi trốn. Những kẻ đã cam tâm bán đất bán biển vụng trộm dân chúng, những kẻ đã trân tráo lấy chính ngày quốc khánh Trung quốc để làm ngày Lễ ngàn năm Thăng long mà không một chút ngượng ngùng, những kẻ đã đàn áp không biết bao nhiêu cuộc biểu tình để bầy tỏ sự quy phục triều đình phương Bắc. Những kẻ ấy không quá ngu ngốc để nghĩ rằng người dân Việt Nam coi chúng nó là hạng người còn phẩm giá. Chúng cũng không quá ngu ngốc để ảo tưởng rằng có thể tập hợp được mọi người. Nhưng chúng cũng đủ khôn ngoan để hiểu rằng, hiện chúng còn đội quân cầm súng trong tay, còn có thể lợi dụng được lực lượng này để đàn áp dân chúng và để vơ vét lần cuối, sử dụng mối quan hệ với nước Mỹ như sự hà hơi tiếp sức cho chính quyền mắc chứng si-đa của chúng. Đối với đám người đó, Viện trợ Mỹ sẽ là cú “đánh quả cuối cùng”.

Nếu cần lật lại các trang sử cũ để hiểu được tình hình thực tại, các anh nên gia cố sự kiên nhẫn mà các anh vốn có nhưng chưa đủ. Hãy đọc lại một cách chăm chú mớ tài liệu của những năm 40.

Sau khi cướp được chính quyền, chính Hồ Chí Minh đã soạn thảo bản tuyên ngôn độc lập được đọc vào ngày 2 tháng 9 năm 1945:

    “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Ông Hồ nói rõ là đã lấy ý tưởng này trong “Bản tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ”. Diễn đạt một cách mộc mạc hơn, Hồ Chí Minh đã làm một bản sao các ý tưởng về độc lập và tự do của người Mỹ và các ý tưởng này chiếm gần hết diễn ngôn của ông. Nửa phần sau bản tuyên bố độc lập này, được ghép thêm một số ý tưởng lấy từ tuyên ngôn cánh mạng tư sản Pháp năm 1791. Tóm lại, đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, không ai có thể chối bỏ rằng Hồ Chí Minh đã chọn nền dân chủ phương Tây làm hình mẫu cho tương lai dân tộc Việt Nam.

Thêm nữa, bản Hiến pháp 1946 của Hồ Chí Minh cũng lại là một bản sao của hiến pháp dân chủ phương Tây, tuy có gia giảm đôi chút gia vị cho có mầu châu Á.

Khi thực dân Pháp quay trở lại, mở cuộc tái chiếm Đông Dương, Hồ Chí Minh đã tìm cách nhờ vả một vài người Pháp cánh tả tìm cách liên lạc với Harry S. Truman nhưng bất thành. Sau đó, ông quyết định gửi trực tiếp télégramme cho tổng thống Mỹ, xin giúp đỡ để đàm phán với Pháp. Truman không trả lời. Ông ta ngờ rằng Hồ Chí Minh là cộng sản. Trong khi đó, Stalin lại cho rằng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc. Điều này, nhiều người biết. Trong cuốn “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, có viết:

    “Ông Hoàng Tùng, chánh văn phòng trung ương kể: Năm 1950, khi tới điện Kremlin, Hồ Chí Minh vẫn bị Stalin quy kết: Không cải cách ruộng đất, không dựa vào nông dân, lại đoàn kết với địa chủ. Dân tộc chủ nghĩa thế này thì còn gì là đảng cộng sản nữa. Stalin đã chỉ hai chiếc ghế như là biểu tượng, một của quốc tế cộng sản, một là dân tộc chủ nghĩa, rồi hỏi Hồ Chí Minh: Đồng chí chọn ghế nào? Theo ông Hoàng Tùng thì khi ấy Hồ Chí Minh đã đứng.”

Trong những năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh để viết cuốn “Au Zénith”, tôi biết thêm chuyện sau đây: Vào một dịp được Stalin tiếp, Hồ Chí Minh đề nghị xin chữ ký Stalin làm kỷ niệm. Stalin liền vớ một cuốn tạp chí trên bàn làm việc, ký vào đó rồi đưa cho ông Hồ. Đêm đó, công an Liên Xô đã lẻn vào phòng ngủ của Hồ Chí Minh tại khách sạn để lấy lại cuốn tạp chí có chữ ký của lãnh tụ vĩ đại. Sáng hôm sau, ông Hồ thấy cuốn tạp chí biến mất, lặng lẽ mỉm cười.

Tôi cho rằng Stalin sáng suốt hơn cả Truman lẫn Mao Trạch Đông nhiều khi nhận định: “Gã này là kẻ theo chủ nghĩa quốc gia”

Dưới lớp vỏ biến hình của một con thằn lằn, và với các màn diễn xuất khác nhau, trong đáy sâu thâm tâm của ông ta, Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc. Nếu bức điện của ông ta gửi Harry S. Truman ngày 28 tháng 2 năm 1946 được đọc một cách đúng mức, bản đồ chính trị thế giới ắt đã đổi thay trên khu vực Đông Dương, và cuộc chiến tranh Việt-Mỹ đã không xẩy ra. Nếu hồi đó, ông Truman không điếc, ắt đã tránh được cho cả người Mỹ lẫn người Việt Nam biết bao tổn thất, dù rằng với thân phận là dân một nước nhỏ, phần đau khổ của người Việt phải tính theo cấp số nhân.
Telegram Hồ Chí Minh gởi Hary E. Truman. Nguồn Wikipedia.

Bây giờ, người cầm quyền nước Mỹ là Obama, trẻ hơn, mặt mũi sáng sủa hơn ông Harry S. Truman, tôi hy vọng ông Obama có đôi tai thính hơn.

Anh Stephen, thư dài quá, tôi dừng bút tại đây. Tôi cũng đặt dấu chấm luôn cho cuộc tranh đấu vì thấy đã quá đủ. Tôi không ăn lương của nước Mỹ. Tôi cũng chẳng khao khát một cái ghế nào cho chính mình. Từ lâu nay, bất cứ nhà dân chủ Việt kiều quốc tịch Mỹ nào đến tìm gặp tôi, tôi cũng mời ra cửa. Tôi tuyên bố thẳng thừng:

“Tôi không có nhu cầu liên hiệp với các ông. Các ông làm sao chống được cộng sản khi mà các ông giống cộng sản như hai giọt nước. Tôi không mơ ước làm tổng thống nên tôi không cần lấy phiếu của bất cứ ai.”

Còn đối với các nhà “dân chủ Việt kiều ở nước Pháp” chẳng những tôi từ chối giao tiếp mà tôi còn viết một bài báo, cho đăng lên tất cả các Sit-internet để nói rõ quan điểm của mình:

“Cuộc sống ngắn ngủi, tôi có quá nhiều việc để làm nên không còn thời gian à ới với mấy ông cách mạng sa-lông”.

Như thế, để anh hiểu rõ rằng tôi không hề mơ màng về khả năng tranh đấu của người Việt Nam nếu đi theo con đường của Ukrena. Vì không có lời giải chung cho tất cả các bài toán, tôi đã chọn phương án hành động cho nhóm tranh đấu của tôi xuất phát từ tình hình thực tiễn Việt Nam. Về mặt chính trị cũng như kinh tế, tôi hoàn toàn độc lập. Tôi tự do, tôi sống bằng tiền trong túi tôi, tôi viết văn bằng tay tôi, không nhờ vả ai và trước hết, không mưu cầu bất cứ điều gì cho bản thân mình. Những gì tôi đã làm chỉ do lương tâm thúc ép. Tôi biết xã hội dân chủ là con đường duy nhất để một đất nước phát triển lâu dài, để dân chúng thoát khỏi nạn thiểu trị bấy lâu “Une Oligarchie perpétuelle”.

Tuy nhiên, mọi việc trên đời đều có giới hạn. Bởi con người hữu hạn và cuộc đời cũng thế. Cho nên, phải biết đặt dấu chấm khi cần. Lương tâm tôi hài lòng với chính tôi, đó là điều quan trọng nhất. Bây giờ, tôi quay sang làm việc khác, hữu ích hơn trong những năm còn lại. Về phần anh, anh cũng chớ nên ưu tư thái quá cho mất sức. Có những điều ở bên ngoài tầm tay của anh. Hãy sống vui vẻ. Nếu anh chị có dịp qua đây, chúng ta lại sẽ cụng ly. Và tôi sẽ dẫn người đẹp Thái Hoà của anh đi mua socola và phoma. Những người đàn bà Pháp rất sợ tuổi già, họ không chấp nhận nó, họ không dám nhắc đến nó. Hệt như con đà điểu rúc đầu vào cát để khỏi nhìn thấy kẻ thù. Tôi chấp nhận tuổi già với sự thanh thản. Tôi tuyên bố một cách công khai: Tôi già rồi, tôi có quyền nghỉ ngơi.

Hôm nay là mồng hai tết Nguyên Đán, năm Quý Tỵ. Chúc anh chị một năm viên mãn, sức khoẻ dồi dào, hạnh phúc tràn trề, cười tươi như con trẻ.

Thân,

Dương Thu Hương
21-10-2013

© 2013 DCVOnline


Bình Luận:

Trích: "Ông ấy đã được trao quyền lực khi còn quá trẻ. Ở tuổi ấy, trác việt đến đâu cũng không thể thâu tóm được mọi vấn đề.... Vì lãnh nhận một nhiệm vụ nặng nề trong điều kiện nghiệm sinh thiếu hụt, cuộc chiến tranh do ông ấy chủ trương là một thất bại"

Ông John Kerry nhận lãnh quyền lực và trách nhiệm gì vào thời còn trẻ? Vào thời trẻ ông ta đi lính rồi được đưa qua Việt Nam. Khi trở về ông ta trở thành người chống chiến tranh. Ông ta chỉ là một người lính trong quân đội, ông ta đâu có quyền quyết định về việc Mỹ tham chiến mà nói đó là cuộc chiến tranh do ông ta chủ trương.


Trích: "Tôi cho rằng Stalin sáng suốt hơn cả Truman lẫn Mao Trạch Đông nhiều khi nhận định: “Gã này là kẻ theo chủ nghĩa quốc gia”

Chữ "theo chủ nghĩa quốc gia" trong câu chuyện này có nghĩa muốn nói ông Hồ Chí Minh chỉ muốn quốc gia độc lập, mà không đem quốc gia nằm trong khối Cộng Sản, không muốn nghe lời chỉ huy của Đệ Tam Quốc Tế CS, không muốn nghe lời Liên Xô lẫn Trung Quốc.

Nếu hiểu theo cách này thì Mao Trạch Đông cũng theo chủ nghĩa quốc gia, Pol Pot cũng theo chủ nghĩa quốc gia, Stalin cũng theo chủ nghĩa quốc gia. Họ cũng giống như là Tito của Nam Tư theo chủ nghĩa quốc gia. Ở đây chủ nghĩa quốc gia có nghĩa là không phải chủ nghĩa quốc tế vô sản của thuyết Mác Lê, theo đó các nước CS phải nghe lời Liên Xô.

Mao Trạch Đông về sau không nghe lời Liên Xô nữa.

Pol Pot lúc đầu gia nhập đảng CS Đông Dương và nằm dưới sự chỉ đạo của CS Việt Nam, rồi về sau cũng tách ra, độc lập, không nghe lời CSVN nữa và cũng không đứng vào phe Liên Xô mà đi theo Trung Quốc.

Stalin dù theo thuyết Mác Lê nhưng có lúc đã theo chính sách có lợi cho Nga, hy sinh quyền lợi của các đảng CS khác trên thế giới. Khi các đảng viên CS Đức bị chế độ Đức Quốc Xã truy lùng bỏ trốn qua Liên Xô thì Stalin đã bắt họ đem trao trả cho Đức Quốc Xã. Đó là lúc Liên Xô còn bắt tay với Đức Quốc Xã. Trong thời gian này, có lúc Stalin không hỗ trợ cho các đảng CS ở các nước khác, bỏ mặc họ bị đàn áp, tiêu diệt. Điều này khiến cho Trostky chỉ trích Stalin rồi sau bị Stalin giết. Khi Đức đánh Liên Xô thì Stalin đem chủ nghĩa quốc gia ra hô hào dân Nga chống lại Đức bằng cách nói dân Nga chiến đấu để bảo vệ tổ quốc mà không chiến đấu để bảo vệ chủ nghĩa CS. Đó là vì Đức Quốc Xã hô hào dân Nga nổi lên giết bọn Bôn Sê Vích. Lúc đó dân Nga bị CS tịch thu ruộng đất tài sản, nếu lại hô hào bảo vệ chủ nghĩa CS thì dân Nga sẽ chẳng ham chiến đấu.

Nhưng ở thời điểm 1945 thì những người CS như ông Hồ, như Mao, như Stalin đâu có tuyên bố là mình theo chủ nghĩa quốc gia. Họ nói là mình theo chủ nghĩa Mác Lê, mà chủ nghĩa Mác Lê chủ trương tất cả các nước CS đều phải tuân lời Liên Xô. Khi biết ông Hồ đã từng sang Liên Xô, được huấn luyện và được Liên Xô đưa sang Trung Quốc trong phái bộ của Đệ Tam Quốc Tế thì Mỹ họ không giúp ông Hồ là đương nhiên. Cũng giống như bây giờ tại Syria có lãnh tụ kháng chiến chống chế độ Syria đã từng ở trong tổ chức Al Qaeda, được Al Qaeda huấn luyện và đã từng bắt tay nói chuyện với Osama Bin Laden thì Mỹ đâu có đem khí giới mà giúp cho lãnh tụ đó. Rồi sau này lãnh tụ đó có thái độ độc lập với Al Qaeda hay không thì Mỹ làm sao biết được!

Khi ông Hồ sang Trung Quốc năm 1925 rồi ở đó huấn luyện cho thanh niên từ Việt Nam sang thì cũng huấn luyện họ về chủ nghĩa Mác Lê, nghĩa là dạy họ phải tuân lệnh Đệ Tam Quốc Tế, và vẽ ra tương lai thế giới đại đồng, toàn thể nhân loại sẽ trở thành một siêu quốc gia theo chủ nghĩa CS, không còn ranh giới quốc gia nữa, chứ đâu có nói là bây giờ giả vờ theo chủ nghĩa Mác Lê rồi sau này khi được độc lập sẽ ra mặt theo chủ nghĩa quốc gia.

Ông Truman căn cứ theo tình hình lúc đó mà quyết định. Vì lúc đó Stalin chủ trương bành trướng và các lãnh tụ CS như Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông tỏ ra là nghe lời Stalin. Ông Truman chủ trương ngăn cản sự bành trướng của Liên Xô nên không giúp Hồ Chí Minh. Cũng giống như là khi Mỹ ngăn cản sự bành trướng của Đức Quốc Xã. Mỹ nào biết đâu trong tương lai trong số các nước châu Âu nằm dưới sự cai trị của Đức Quốc Xã sẽ đòi độc lập với nước Đức để rồi mặc kệ cho Đức bành trướng.

Còn chuyện về sau các lãnh tụ CS, người nào tách ra đòi độc lập thì phải đặt câu hỏi là tại sao lúc đầu họ tuân theo chủ nghĩa quốc tế vô sản rồi sau giở chứng đi theo chủ nghĩa quốc gia? Điều này có nghĩa là tinh thần quốc gia mạnh hơn cái gọi là tinh thần đoàn kết của giới vô sản được viết trên giấy. Đệ Nhị Quốc Tế bị tan rã vì tinh thần quốc gia cao hơn là tình đoàn kết vô sản rồi Đệ Tam Quốc Tế cũng bị tan rã vì tinh thần quốc gia cao hơn là tình đoàn kết vô sản.

Nhưng thử hỏi việc ông Hồ và Mao nghe lời Liên Xô có phải vì tình đoàn kết vô sản hay không?

Ông Hồ và Mao đâu có thuộc giai cấp vô sản mà Pol Pot cũng chỉ là trí thức tiểu tư sản như hai người kia, như Hitler, như Mussolini. Lenin, ông tổ của thuyết Mác Lê, xuất thân là luật sư, cũng là trí thức tiểu tư sản nốt. Các lãnh tụ Cộng Sản liên kết với nhau vì quyền lực, vì thấy kẻ kia có thể giúp đỡ cho mình có quyền lực. Họ mượn chủ nghĩa Mác Lê vì chủ nghĩa Mác Lê đem lại cho họ quyền lực, vì chủ nghĩa Mác Lê là chiếc đũa thần làm cho hàng triệu người nghèo khổ sẵn sàng lao vào chỗ chết để chiến đấu. Stalin đã có lúc liên kết với Hitler và nói tình đoàn kết giữa Liên Xô và Đức Quốc Xã là tình đoàn kết của giai cấp vô sản, cho đến khi Hitler trở mặt đánh Liên Xô.

Dù cho họ theo chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa gì gì chăng nữa thì chế độ mà họ dựng lên là chế độ bắt dân nhịn đói để đi đánh nhau và cứ đánh nhau mãi mãi. Cái chế độ đó không đem lại hạnh phúc cho người dân.

Xem ra chỉ có ông Trần Trọng Kim chịu nhìn "những gì CS làm" mà không "nghe những gì CS nói" khi ông Trần Trọng Kim nói trong chế độ CS chính quyền cai trị phải dựa vào bọn mật vụ, chỉ có một thiểu số được sung sướng, các nước CS chẳng khác chi nước chư hầu phải nghe lời Thiên Tử.

Chính là ngày nay, tại Trung Quốc đảng CS Trung Quốc đã dựng tượng Tần Thủy Hoàng và ca ngợi cách cai trị của Tần Thủy Hoàng và Việt Nam đang làm chư hầu của Trung Quốc dù là chủ nghĩa CS đang suy tàn. Sự liên kết giữa CSVN và CSTQ là vì quyền lực cũng giống như sự liên kết giữa Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Stalin, Hitler, Mussolini... Vì quyền lực mà họ liên kết và vì quyền lực mà họ quay qua chống nhau. Các ông vua thời xưa cũng như thế. Từ hàng ngàn năm nay nhân loại đã như thế, cái thời Chiến Quốc tại Trung Hoa cũng như thế.

Chủ nghĩa chỉ là chiếc áo mỏng khoác ngoài, khi thì mặc áo này, lúc lại đổi qua áo khác, nhưng vẫn là con người đó, con người hành động vì quyền lực.


Trích: "Nếu hồi đó, ông Truman không điếc, ắt đã tránh được cho cả người Mỹ lẫn người Việt Nam biết bao tổn thất"

Nếu ông Truman giúp Hồ Chí Minh và không giúp Pháp thì lúc ông Hồ Chí Minh lên cầm quyền có tổ chức chính quyền theo lối đa đảng của các nước Tây phương và có theo kinh tế thị trường hay không?

Hay là ông Hồ cũng vẫn thực hiện chủ nghĩa CS, nghĩa là tịch thu tài sản của tư sản, tịch thu ruộng đất, tiến hành cải cách ruộng đất, đấu tố và giết hàng trăm ngàn nông dân, bỏ tù và giết vô số những người phản kháng?

Nếu ông Hồ tỏ ra là độc lập với Liên Xô, Trung Quốc và vẫn tiến hành các biện pháp trên thì cũng rất là tai hại cho đất nước, dù cho đất nước đã có độc lập.

Nhìn về phía quyền lợi quốc gia thì sự độc lập của Việt Nam dưới sự cai trị của đảng CSVN, dù cho là thực sự độc lập với Liên Xô, Trung Quốc, vẫn là rất tai hại cho đất nước, tai hại cho người dân vì bao nhiêu người dân sẽ bị giết và đất nước đi theo chính sách phát triển sai lầm. Ai có thể chứng minh được là những người CSVN không thật tâm muốn làm các biện pháp như vậy? Sau 1975, đảng CSVN cũng vẫn thực hiện tại miền Nam các biện pháp như ông Hồ đã từng làm tại miền Bắc, dù là lúc đó không còn bị nước nào cưỡng bách.

Như vậy dù Mỹ giúp ông Hồ thì chỉ tránh được tổn thất về chiến tranh mà thôi, còn tổn thất về chính sách sai lầm của đảng CSVN cho đất nước thì vẫn không tránh khỏi.

Thế thì sao lại lo thắc mắc Mỹ là có nên giúp hay là không nên giúp cho ông Hồ Chí Minh vì đằng nào cũng có hại cho quốc gia cả mà không nhìn vào việc Mỹ muốn Việt Nam đi theo chế độ dân chủ và kinh tế thị trường, là điều Mỹ định làm ở miền Nam?


Dưới đây là một đoạn trích trong Một Cơn Gió Bụi, ông Trần Trọng Kim viết là có một người của Việt Minh đến nói chuyện và trong cuộc nói chuyện này, anh ta nói đến sẽ xây dựng một xã hội mới dù cho dân Việt mười phần có phải chết đến chín phần thì "chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia". Đó là chủ trương của đảng Cộng Sản, đã giáo dục và tuyên truyền với đảng viên từ nhiều năm trước khi cướp chính quyền vào năm 1945. Giả sử tổng thống Mỹ Truman có giúp Hồ Chí Minh thì ông Hồ và các đảng viên đảng CS lúc đó có từ bỏ ý định "chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia" hay không? Người đến gặp ông Trần Trọng Kim là cán bộ tên Đoàn Xuân Tín, nhưng khi vào gặp ông Trần Trọng Kim thì lấy tên giả là Lê Trọng Nghĩa. Ông Trần Trọng Kim không nhớ tên anh ta để viết trong hồi ký thì cũng chẳng sao vì đó là tên giả, nhưng những gì anh ta nói thì đó là chủ trương thật của ông Hồ và đảng CSVN lúc đó. Vì thế nếu ông Truman có giúp ông Hồ Chí Minh thì sau này hai bên cũng chia tay nhau mà thôi. Giống như Mỹ đã giúp Saddam Hussein hay giúp Osama Bin Laden. Đoạn trích từ Một Cơn Gió Bụi như sau:

"Hôm sau ông Toại đưa một thiếu niên Việt Minh đến, tôi nói: "Chúng tôi ra làm việc chỉ vì nước mà thôi, chứ không có ý cầu danh lợi gì cả, tôi chắc đảng các ông cũng vì nước mà hành động. Nếu vậy chúng ta tuy đi con đường khác nhau, nhưng cũng một mục đích như nhau, các ông thử xem ta có thể hợp tác với nhau, kẻ ở trong người ở ngoài, để cứu nước được không?".

Người ấy nói:

- Sự hành động của chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định để đem nước đến chỗ hoàn toàn độc lập. Chúng tôi có thể làm lấy được.

- Sự mưu cầu cho nước được độc lập cũng là mục đích của chúng tôi, nhưng vì đi đường thẳng có nhiều sự khó khăn nên chúng tôi phải uyển khúc mà đi từ từ có lẽ chắc
chắn hơn.

- Chúng tôi chỉ có một con đường thẳng đi đến hoàn toàn độc lập chứ không có hai.

- Theo như ý các ông như thế, tôi sợ rất hại cho dân, mà chưa chắc đã thành công được.

- Chúng tôi chắc thế nào cũng thành công. Nếu có hại cũng không cần, có hại rồi mới có lợi. Dù người trong nước mười phần chết mất chín, chúng tôi sẽ lập một xã hội mới với một thành phần còn lại, còn hơn với chín phần kia.

Rồi người ấy ngồi đọc một bài hình như đã thuộc lòng để kể những công việc của đảng Việt Minh. Tôi thấy thái độ người ấy như thế, tôi biết không thể lấy nghĩa lý nói chuyện được.

Tôi nói:

- Nếu các ông chắc lấy được quyền độc lập cho nước nhà, sao các ông không vào chính phủ làm việc, cần gì phải đánh phá cho khổ dân?

- Chúng tôi sẽ cướp lấy quyền để tỏ cho các nước Ðồng Minh biết chúng tôi mạnh, chứ không chịu để ai nhường.

- Các ông chắc là các nước Ðồng Minh tin ở sức mạnh của các ông không?

- Chắc lắm. Chắc trăm phần trăm.

- Tương lai còn dài, các ông nhận lấy trách nhiệm đối với quốc dân và lịch sử."

(Hết phần trích)

Chuyện này xảy ra trước khi Pháp đổ quân vào Việt Nam và trước khi ông Hồ Chí Minh gửi thư cho ông Truman thì có thể nói là không phải vì ông Truman từ chối giúp Hồ Chí Minh mà Hồ Chí Minh đi theo CS. Chính người cán bộ trên đã nói "chúng tôi đã có chủ nghĩa riêng và có chương trình nhất định". Chủ nghĩa riêng đó là Chủ nghĩa Mác Lê, chương trình nhất định là chương trình theo vạch ra bởi Chủ Nghĩa Mác Lê. Còn chuyện giả vờ lúc này là quốc gia, lúc khác là cộng sản thì cũng nằm trong chương trình hành động của Chủ Nghĩa Mác Lê cả.


Trích: "Tóm lại, đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, không ai có thể chối bỏ rằng Hồ Chí Minh đã chọn nền dân chủ phương Tây làm hình mẫu cho tương lai dân tộc Việt Nam."

Nếu đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập mà thôi thì người ta sẽ tưởng là Hồ Chí Minh sẽ chọn nền dân chủ phương Tây làm hình mẫu cho tương lai dân tộc. Nhưng những gì Hồ Chí Minh làm sau đó thì thấy những lời lẽ trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập chỉ là hoa mỹ, vẽ vời mà không thật. Sau đó thì Hồ Chí Minh đã tiêu diệt các phe phái khác. Chẳng những phe quốc gia, không theo chủ nghĩa Cộng Sản bị tiêu diệt mà cả những người Cộng Sản Đệ Tứ cũng bị thủ tiêu. Tiêu diệt hết tất cả những kẻ không theo mình, đó là chính sách của Stalin. Ngay cả các đảng viên đảng CS cũng bị tiêu diệt, ngay cả đồng chí của mình, một đời hy sinh cho lý tưởng CS mà không tuân lệnh mình thì cũng bị tiêu diệt. Đó là cách làm của Stalin và ông Hồ là người học trò rất giỏi của Stalin.
Nếu nhìn thêm chính sách lâu dài của ông Hồ Chí Minh và của đảng CSVN thì sẽ thấy những người Cộng Sản Việt Nam trung thành với sách lược của Lê Nin qua một quá trình rất lâu năm

Theo sách lược của Lê Nin thì trước khi đảng CS có thể loại hết được các đảng phái khác thì người CS chỉ xây dựng chế độ gọi là Dân Chủ Cộng Hòa, chưa xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa vội. Trong giai đoạn Dân Chủ Cộng Hòa thì đảng CS phải làm ra vẻ có tinh thần quốc gia, dấu bớt bộ mặt CS đồng thời chấp nhận cho một số đảng phái khác được hoạt động trong khi hoàn cảnh chưa cho phép tiêu diệt được ngay. Giai đoạn Dân Chủ Cộng Hòa được CSVN duy trì trong thời gian lấy tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong giai đoạn này, đảng CSVN lúc đầu CS liên hiệp với các đảng phái quốc gia rồi sau ra tay tiêu diệt. Khi Việt Nam chia đôi, vì miền Nam vẫn còn phe quốc gia nên người CS chưa cho là đã chấm dứt giai đoạn Dân Chủ Cộng Hòa nên ở miền Bắc lập ra hai đảng hữu danh vô thực là Dân Chủ và Xã Hội để trình diễn bộ mặt đa đảng trong khi trên thực tế đảng CS nắm toàn bộ quyền lực. Đảng CS tránh lấy tên Cộng Sản mà lấy tên đảng Lao Động để che dấu bớt màu sắc Cộng Sản. Màn trình diễn này không phải là không có tác dụng vì vào thập niên 1960 có nhà báo ngoại quốc đến Hà Nội và đã viết lại là không nhìn thấy dấu hiệu của chế độc tài và việc đàn áp dân tại miền Bắc.

Sau khi miền Nam bị thôn tính thì đảng Lao Động lúc đó mới đổi tên thành đảng CSVN, đồng thời bỏ tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà đổi tên thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đồng thời trong Hiến Pháp mới xuất hiện những đoạn chủ trương xóa bỏ kinh doanh tư nhân. Đó là vì lúc đó đảng CS thấy mình đã hoàn toàn nắm quyền lực, thì theo đúng sách lược thì đảng CS có thể để lộ ra màu sắc Cộng Sản.

Những gì ông Hồ Chí Minh nói trong Tuyên Ngôn Độc Lập chỉ là màn khói để che đậy ý đồ thật của đảng CSVN. Nếu ông Truman giúp Hồ Chí Minh thì sau đó Hồ Chí Minh cũng vẫn tiếp tục đi theo sách lược hai giai đoạn của Lê Nin, nghĩa là ra tay tiêu diệt các phe phái khác trong khi che dấu bớt màu sắc CS, rồi sau khi đã hoàn toàn làm chủ tình thế rồi thì mới ra mặt là CS.

Cái lợi thế của người CS có được là họ không theo đạo đức thông thường mà dùng mọi mưu mẹo quỷ quyệt, miễn sao họ đạt được mục đích. Các địch thủ của đảng CS thì vẫn theo các đạo đức thông thường để xét đoán CS, vẫn tin vào những gì CS nói nên không thể lường được các thủ đoạn mà CS sẽ làm và bị đánh bại.


No comments:

Post a Comment