Saturday, November 24, 2018

Sinh viên miền Nam trước 75 biểu tình có bị đuổi học?

Trong phong trào sinh viên, học sinh miền Nam biểu tình chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa thời trước 1975 thì các trường trung học, đại học đối xử với các học sinh, sinh viên đó ra sao? Học sinh, sinh viên miền Nam trước 75 biểu tình phản đối chính quyền có bị đuổi học?

Các trường học từ tiểu học đến đại học tại miền Nam trước 1975 không quan tâm đến thái độ chính trị của học sinh, sinh viên. Có chủ trương ngay từ đầu khi thiết lập nền giáo dục là không đem chính trị vào học đường. Chính trị ở đây là chính trị đảng phái. Không đem chính trị vào học đường có nghĩa không bắt giáo dục, các trường học làm công cụ phục vụ cho đảng nào cả. Còn giáo dục lòng yêu nước cho học sinh thì vẫn nằm trong chương trình giáo dục. Học sinh học trong lịch sử ai là những người yêu nước, ai là những người làm điều tốt cho đất nước, ai là những người làm điều có hại cho đất nước. Chẳng hạn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi là người tốt, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống là người xấu. Để từ đó khi ra đời mà phán xét các đảng chính trị, các chính trị gia xem ai là người làm tốt cho đất nước, ai là người làm xấu cho đất nước.

Các trường học chỉ xét xem các học sinh, sinh viên học hành ra sao. Một sinh viên đi biểu tình nhiều, người lãnh đạo trường đại học dù có biết nhưng không lấy việc sinh viên đó biểu tình chống chính quyền mà đuổi học. Nếu sinh viên đó lo biểu tình, sao nhãng việc học hành mà thi trượt thì sinh viên đó sẽ bị ở lại lớp hay đuổi học. Nghĩa là trường chỉ xét sinh viên đó về việc học hành mà thôi. Còn sinh viên đó khi ra ngoài đời hoạt động gì thì đó là trách nhiệm của cảnh sát.

Đối với các học sinh, sinh viên biểu tình chống chính phủ thì cảnh sát sẽ xét xem họ có vi phạm pháp luật hay không. Tham gia biểu tình dù là phản đối chính phủ không phải là vi phạm luật pháp dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Vì thế cảnh sát không bắt học sinh, sinh viên đi biểu tình. Khi các học sinh, sinh viên này đập phá, đánh nhau với cảnh sát thì sẽ bị bắt về tội phá rối trật tự công cộng. Khi cảnh sát biết học sinh, sinh viên nào hợp tác với Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam hay Cộng Sản thì sẽ bắt vì tội vi phạm pháp luật. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đặt các tổ chức Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam và đảng Cộng Sản Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật vì hai tổ chức này chủ trương không tuân theo luật pháp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, dùng vũ lực lật đổ chính quyền. Những người nào hợp tác với các tổ chức đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật thì bị xem là phạm pháp và sẽ bị bắt rồi đưa ra tòa.

Cảnh sát không làm chuyện báo cáo cho trường trung học, đại học biết là học sinh, sinh viên nào đã biểu tình để đuổi học. Mà dù lãnh đạo các trường đọc báo có biết được ai đã đi biểu tình họ cũng không trừng phạt vì việc đó nằm ngoài trách nhiệm của họ. Lãnh đạo của các trường chỉ có trách nhiệm về việc học hành của học sinh, sinh viên mà thôi. Trên thực tế, ban lãnh đạo nhà trường không biết học sinh hay sinh viên nào đi biểu tình. Thời xưa hay thời nay cũng thế. Nhưng vì cảnh sát thời xưa không báo về cho trường nên trường cũng không biết nên cũng không có biện pháp gì đối với người đi biểu tình.Mà dù cảnh sát có báo về trường thì trường cũng không có biện pháp gì vì cho rằng đó là việc của cảnh sát, không phải việc của trường.

Sự khác nhau là về vai trò của trường đại học. Trường đại học dưới chế độ cộng sản cũng để quản lý con người của các sinh viên, kiểm soát lời ăn tiếng nói và việc làm của họ ngay cả khi họ sinh hoạt ở ngoài trường đại học. Trường đại học miền Nam trước đây chỉ quản lý về mặt học hành mà thôi.

Nói tóm lại, ở miền Nam trước đây không đặt ra các tổ chức để quản lý con người như dưới chế độ cộng sản. Con người có quyền tự do có chính kiến của mình, có quyền phát biểu chính kiến đó dù là để chỉ trích chính quyền. Chỉ khi nào con người đó vi phạm điều luật nào đó thì sẽ bị xem là phạm pháp, thì sẽ bị bắt và truy tố ra tòa.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment