Saturday, March 2, 2019

Nghĩ về hình tượng Lê Văn Tám

Tạp chí Xưa & Nay số 154 (202) - XII - 2003, bài Đọc hồi ký Dương Quang Đông trọn đời tận trung với Đảng tận hiếu với dân của Nguyễn Quế Lâm, trang 9, có đoạn viết:

"Vụ đốt kho đạn Thi Nghè ngày 1.1.1946 bao nhiêu năm nay quy về một huyền thoại Lê Văn Tám. Nhưng về phương diện khoa học, huyền thoại này không đứng vững được. Và chúng ta cứ chấp nhận như thế mà lưu truyền như là một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nay bác Năm Đông đưa ra một tư liệu khác. Tổ đánh mìn kho đạn Thị Nghè là công nhân nhà máy đèn Chợ Quán gồm có Ka Kim, Kỷ và Nỉ. Ka Kim là chỉ huy. Kỷ và Nỉ dùng thuyền nhỏ chở mìn chờ lúc con nước ròng đưa thuyền chở mìn và hai người chui qua ống cống thoát nước. Vì lính gác chặt chẽ nên hai anh tiến hành công việc đặt mìn rất chậm. Khi đặt xong đến giờ điểm hỏa thì con nước đã lớn, ống cống ngập lút không ra được. Giờ điểm hỏa phá tung kho đạn Thị Nghè cũng là giờ phút hy sinh của hai công nhân nhà máy điện Chợ Quán.”

Tôi xin có một vài ý kiến nhỏ, rất mong được các bạn đọc góp thêm, để tìm đúng sự thật.

Có nhiều bài báo, có cả sách viết về Lê Văn Tám. Rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước có nào là tượng đài, công viên, đường phố mang tên Lê Văn Tám, trường học Lê Văn Tám...

Tuy nhiên, nếu nghiêm túc về nguồn để tìm kiếm sự kiện lịch sử có thể sẽ nảy sinh những thắc mắc: liệu Lê Văn Tám có phải là người thật việc thật, từng lập nên chiến công oanh liệt? Xin nêu bốn điểm thắc mắc:


Qua tên gọi Lê Văn Tám, với tập quán đặt tên của người miền Nam, có thể suy ra Tám có sáu anh chị ruột lớn hơn (không kể các em). Năm 1946, Tám khoảng 10 tuổi như vậy phỏng đoán các anh chị của Tám hơn 10 tuổi đến hơn 20 tuổi. Qua 1975, tức 30 năm sau, anh chị của Tám khoảng chừng từ 40 đến 50 tuổi. Ở lứa tuổi này, rất nhiều khả năng trong số sáu anh, chị của Tám có người vẫn còn sống (ngay cha mẹ của Tám cũng có thể còn sống với lứa tuổi từ 60-80). Trước 1975, có thể họ không dám nhận là anh chị của Tám, nhưng sau khi cách mạng thành công, tại sao không thấy ai đứng ra nhận vinh dự (và cả quyền lợi) cho gia đình? Nếu gia đình khiêm tốn không nhận công lao kháng chiến, các cơ quan chức năng cũng phải đi tìm. Ngành thương binh xã hội phải lập danh sách gia đình có công, ngành viết lịch sử phải tra cứu thân thế sự nghiệp.

Chẳng lẽ tất cả sáu anh chị của Tám đều đã chết yểu ở độ tuổi từ 20 đến 30? Ngay cả trong trường hợp chuyện này xẩy ra, hẳn chú bác, cô dì của Lê Văn Tám thế nào cũng có người còn sống, vì Tám ở ngay vùng Thị Nghè chớ nào phải xa xôi, hẻo lánh gì?

Để làm rõ hơn, đề nghị nên đăng thông báo trên truyền hình, phát thanh, báo chí, cả trung ương lẫn địa phương, tìm người thân của Lê Văn Tám.


Chỉ nghe kể Lê Văn Tám là giao liên, nhưng không thấy nói cụ thể Tám là giao liên cho đơn vị nào. Phàm đã hoạt động cách mạng, thời chống Pháp cũng như chống Mỹ, dứt khoát phải hoạt động trực thuộc một đơn vị nào đó (như Thành đoàn, Công đoàn, Binh vận, Biệt động thành, Trinh sát vũ trang, Địch vận v.v.), không ai có thể một mình một cõi, tự tung tự tác, muốn hoạt động ra sao cũng được, dù là tự thiêu, phá hủy kho đạn của địch.

Thực tiễn hoạt động cách mạng tại Sài Gòn cho thấy đến tình báo hoạt động cũng phải có tổ chức. Đơn vị của Tám không đứng ra báo công trường hợp người của đơn vị mình là thiếu sót lớn, không phải để hưởng tiếng thơm lây, mà là có tội che giấu thành tích của người làm nên lịch sử. Vậy đơn vị nào có chiến sĩ Tám, cần nhanh chóng làm các thủ tục này. Không lẽ cả đơn vị lớn nhỏ đều hy sinh hết? Nhiều trường hợp cả đơn vị hy sinh, vẫn có nhiều người biết do cuộc chiến tranh của chúng ta luôn được nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ giúp đỡ.


Thông thường, theo nguyên tắc quân sự, kho đạn nào cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là khu quân sự cấm người lạ mặt lai vãng, ngoài cổng luôn có lính gác "vũ trang đến tận răng". Trong kho lại có nhiều nhà kho, mỗi nhà kho đều có cánh cửa luôn khóa chặt, đạn được bỏ trong thùng. Chỉ khi có người đến lãnh đạn hoặc quan hệ công tác, trình giấy tờ hợp lệ và đầy đủ, lính gác mới mở cổng cho vào. Tiếp đó, phải có lệnh của trưởng kho, thủ kho mới mở khóa, giao đạn.

Đằng này Lê Văn Tám chạy một hơi từ cổng đến tận nhà kho chẳng thấy lính tráng nào ngăn cản, cứ như xông vào chỗ không người, tất cả mọi cánh cổng, cánh cửa kho đều mở rộng như chờ đón sẵn!


Giả sử Lê Văn Tám đã điều nghiên kỹ lưỡng, nắm được quy luật của địch, hoặc rơi vào trường hợp may mắn ngẫu nhiên, do lính gác cổng bị bất ngờ không kịp phản ứng và tất cả mọi tình huống đều thuận lợi cho Tám, thì một người bình thường tẩm xăng đốt mình cháy như cây đuốc sống cũng khó chạy bộ một quãng vài chục mét. Nhà kho, nhất là kho đạn, không phải nhà mặt tiền, chí ít cũng phải qua cổng gác rồi cách vài chục mét.

Hình tượng Lê Văn Tám được đưa lên như thế nào? Người sáng tác hình tượng này là đạo diễn phim truyện Phan Vũ.

Theo ông Phan Vũ kể, ông không hề viết rằng Lê Văn Tám là nhân vật có thực lập nên kỳ công "cây đuốc sống", mà chỉ viết một phim truyện. Nhưng do các nhà tuyên truyền thời ấy thấy cần xây dựng một tấm gương dũng cảm hy sinh cứu nước, bèn chộp luôn sáng tác của ông, hiện thực hóa như một nhân vật có thật. Lỡ phóng lao đành theo lao luôn. Tại sao nhân vật được đặt tên là Lê Văn Tám? Vẫn theo tác giả Phan Vũ, khi ấy nhân Cách mạng tháng Tám, ông đặt luôn nhân vật của mình tên Tám, vừa có ý nghĩa, vừa dễ nhớ, vừa dân dã lại rất Nam Bộ gần gũi.

Thời chiến, có thể dùng mọi biện pháp, miễn hữu ích. Nay cũng cần trả lại sự thật cho các các sự kiện lịch sử.

Quang Hùng




 Tìm sự thật về nhân vật Lê Văn Tám?


Tại Việt Nam, câu chuyện về nhân vật Lê Văn Tám 'lấy thân mình làm đuốc sống' đốt kho đạn Thi Nghè đã được truyền tụng nhiều năm qua.

Không ít người vẫn nghĩ rằng đây là câu chuyện hoàn toàn có thật trong lịch sử.

Nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam cũng có các tượng đài, trường học, công viên, đường phố mang tên Lê Văn Tám.

Tuy vậy, trên số báo Thế giới (Hà Nội) ra ngày 27-09 vừa qua và được web site talawas đăng lại, một người viết đã đặt lại vấn đề này.

Tác giả Quang Hùng đặt câu hỏi "liệu Lê Văn Tám có phải là người thật việc thật, từng lập nên chiến công oanh liệt?"

Bài viết nhắc người ta rằng từ năm 2003, báo Xưa & Nay (thuộc Hội khoa học lịch sử Việt Nam) cũng đã đề nghị cần có sự nhìn nhận lại sự việc:

"Vụ đốt kho đạn Thi Nghè ngày 1.1.1946 bao nhiêu năm nay quy về một huyền thoại Lê Văn Tám. Nhưng về phương diện khoa học, huyền thoại này không đứng vững được. Và chúng ta cứ chấp nhận như thế mà lưu truyền như là một hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng."

Bài viết của tác giả Quang Hùng nêu lên một vài chi tiết khập khiễng trong câu chuyện về Lê Văn Tám.

"Chỉ nghe kể Lê Văn Tám là giao liên, nhưng không thấy nói cụ thể Tám là giao liên cho đơn vị nào...Đơn vị của Tám không đứng ra báo công trường hợp người của đơn vị mình là thiếu sót lớn, không phải để hưởng tiếng thơm lây, mà là có tội che giấu thành tích của người làm nên lịch sử."

"Thông thường, theo nguyên tắc quân sự, kho đạn nào cũng được bảo vệ nghiêm ngặt...Đằng này Lê Văn Tám chạy một hơi từ cổng đến tận nhà kho chẳng thấy lính tráng nào ngăn cản, cứ như xông vào chỗ không người."

Vậy hình tượng Lê Văn Tám được đưa lên như thế nào?

Đạo diễn phim truyện Phan Vũ là người đầu tiên đưa ra hình tượng này. Theo ông Phan Vũ, ông không hề viết Lê Văn Tám là nhân vật có thực.

"Nhưng do các nhà tuyên truyền thời ấy thấy cần xây dựng một tấm gương dũng cảm hy sinh cứu nước, bèn chộp luôn sáng tác của ông, hiện thực hóa như một nhân vật có thật. Lỡ phóng lao đành theo lao luôn."

"Tại sao nhân vật được đặt tên là Lê Văn Tám? Vẫn theo tác giả Phan Vũ, khi ấy nhân Cách mạng tháng Tám, ông đặt luôn nhân vật của mình tên Tám, vừa có ý nghĩa, vừa dễ nhớ, vừa dân dã lại rất Nam Bộ gần gũi."

Bài báo về nhân vật Lê Văn Tám gợi nên một ví dụ về việc cần nhìn nhận lại nhiều cách thức viết sử ở Việt Nam, cũng như những biện pháp tuyên truyền từ nhiều năm qua.



Ý kiến bạn đọc:


Thái, TP. HCM
Trong chúng ta không ai không 1 lần nói dối, nếu nói không thì chính bạn đang nói dối đấy thôi. Nếu các bạn đã và đang xem "Unknown image about VN war" thì các bạn cũng sẽ thấy sự lừa dối đối với các quân binh Mỹ khi đẩy họ vào cuộc chiến ở VN, sụ lừa dối đó cũng nhằm mục đích tăng tinh thần chiến đấu của lính Mỹ.

Có thể LVT không có thật, nhưng nhờ hình tượng đó mà nhân dân VN đã có thêm tinh thần đánh đuổi Pháp Nhật vào thời kỳ ấy.

Quốc Việt
Bác Trương Paris, Bác không thể thất vọng vì giới trẻ chúng tôi. Ngược lại, tuổi trẻ rất thất vọng vì những bậc cha chú như Bác đó! Bác viết rằng: " Tôi thấy cái ngang trái ở đây là những ai đang đứng lên chống phá cả dân tộc mình, một dân tộc đang trên đà phát triển". Tôi rất phẫn nộ khi Bác "đồng hóa" đảng và nhà nước CSVN với Dân tộc.

Bác muốn biết thực tại của Việt nam ra sao thì hãy đọc "báo cáo" của TS Lê Đăng Doanh để biết tỏ tường.

Lê văn Tám chỉ là chuyện phịa. CSVN đã lừa gạt đồng bào, phịa chuyện anh hùng giả. Nhân dân đã bị phỉnh gạt qúa nhiều rồi, ngay cả đảng viên CS cũng đã bị lạm dụng và phỉnh gạt! Dân tộc Việt nam là một Dân tộc anh hùng đã từng đứng lên đánh đuổi quân Tàu xâm lược, vì vậy mà mặc dù 1000 năm dưới sự cai trị của chúng, và gần 100 năm do giặc tây đô hộ, người Việt nam vẫn không bị mất gốc, con cháu vẫn giữ được bản sắc và ngôn ngữ dân tộc chứ không phải chỉ "xì xà xì xồ ba cái thứ ngoại ngữ xa xôi" như Bác nghĩ đâu.

Người mới đến, Oxford
Ở đây có anh chị, cô bác nào thật sự vì hình ảnh Lê Văn Tám mà đi lính không thế? Tôi không tin vào lịch sử, vì lịch sử phụ thuộc vào người viết, và tùy người đọc: lịch sử nước Mĩ sẽ là đi giải phóng Iraq khỏi chế độ độc tài năm 2003, nhưng lịch sử Iraq là đã bị xam lược bởi nước Mĩ. Có trời mới biết !!! .

Tôi nghĩ nếu bạn biết bạn là người thế nào thì việc quái gì phải gào lên là bạn đang bị tuyên truyền quá mức, tôi ngày xưa khi đọc về Lê Văn Tám, chỉ nghĩ rằng : "người này gan thiệt, tui không làm giống vậy được". Bây giờ khi biết chuyện này, thấy cũng thường thôi à. Tôi thấy nhiều người bức xúc quá nên tham gia tám chút. Thực ra, chuyện đúng sai chẳng có gì đáng làm lớn ở đây cả, tôi ghét những người đang lãnh đạo nước việt nam vì họ làm trì trệ đất nước này, làm tôi hơi xấu hổ khi phải giới thiệu tôi đến từ VN, nhưng tôi rất yêu đất nước tôi, vì nơi đó là cha mẹ tôi, bạn bè, họ hàng của tôi đang sống và làm việc.

Tôi thấy các bạn quá cực đoan khi toàn nói xấu CS, nó chỉ là cái tên là cái người ta định nghĩa cho cách làm như vậy, nó tốt hay xấu là do con người, chẳng thể nói được nếu giám đốc công ty xuất thân từ ngành học kinh tế, hoặc ngành kỹ thuật ai giỏi hơn, đó chỉ là con đường, và nhà kỹ thuật có thể thay đổi làm người làm kinh tế. CS cũng thế, có một lý thuyết rất tốt vì con người, nhưng vì con người không hoàn hảo để thực hiện tốt nên bị đào thải, chẳng nên chửi một cái tên làm gì !!

Lê Thanh, Boston, Hoa Kỳ
Tôi xin có ý kiến với bác Trương ở Paris. Suy nghĩ của bác Trương thể hiện đúng mẩu người của thế hệ Lê Văn Tám ở trong thập niên 1940s. Theo ý kiến của riêng tôi thì suy nghĩ của bác không thể nào thuyết phục được lớp trẻ, tại vì bây giờ là năm 2004. Đối với chúng tôi lịch sử phải là sự thật. Chúng tôi học ở trong trường và tin tưởng anh Lê Văn Tám là có thật, nhưng bây giờ mới hiểu ra là đây chỉ là một nhân vật tuyên truyền vì mục đích chính trị thì không thể chấp nhận được. Bác nên nhớ là chúng tôi chỉ là những đứa trẻ mà thôi. Học sao nghe vậy. Và điều này đã làm cho chúng tôi nghi ngờ đến những nhân vật lịch sử khác là có thật hay không? Chuyện lừa gạc trẻ con, tráo đổi lịch sử chỉ vì mục đích tuyê! n truyền cho chính trị thì không thể gọi là trang sử hào hùng được. Bác cũng nói về chế độ thực dân, và nhục nhã cho chúng tôi đang bị tiền của đế quốc làm mờ mắt...

Xin hỏi bác là tại sao bác lại sống ở Pháp? Khi bác gặp người Pháp thì bác nói tiếng Việt hay là tiếng Pháp vậy? Bác có xài được tiền Việt Nam ở Pháp không? Hay là bác phải xài tiền Euro? Bác đang đi làm hay la bác ăn tiền trợ cấp của người Pháp? Bác có còn nhớ là "Thực Dân" Pháp tàn ác với dân Viêt ra sao không? Tôi nghĩ bác nên về Việt Nam chứ đừng sống với tiền của đế quốc, thực dân nữa. Điều bác đang làm trái ngược với những gì bác nói. Bây giờ là thế kỹ 21. Vật chất đi đôi với cuộc sống tự do hạnh phúc. Thanh niên trong và ngoài nước đều phải đi làm tích cực để đánh đỗi lấy vật chất để phục vụ cho cuộc sống. Vật chất hay tiền của đế quốc thì cũng phải đi làm cực khổ mới có, không ai cho không cả, cho nên chúng tôi không có gì phải nhục nhã. Chúng tôi là những người Việt sống ở nước ngoài.

Nếu chúng tôi thấy những gì hay, thì chúng tôi sẽ nêu ra để mọi người trong và ngoài nước được bàn luận. Nếu chúng tôi thấy điều sai trái thì chúng tôi sẽ đã kích. Nếu chúng tôi mất gốc thì sẽ không mất thời giờ để cho ý kiến trong tiếp mục này. Cứ ngồi nhà mà tự hào anh hùng dân tộc đã đánh đuổi được đế quốc, thực dân. Tin tưởng vào trang sử hào hùng không có thật như Lê Văn Tám mà không tích cực mở cửa để học hỏi, sữa sai. Cứ bảo thủ, độc tài, không nghe ý kiến của giới trẻ và chụp mũ họ là mất gốc, ăn bám tiền đế quốc... Theo tôi thì những người có ý nghĩ như vậy sẽ làm cho người dân và đất nước Việt Nam bị tụt hậu.

Nguyễn Hương, Việt Nam
Tôi thật tiếc cho 12 năm học phổ thông của mình, bây giờ tôi hiểu đúng nghĩa thế nào 'nhồi sọ'. Tôi cảm thấy đáng buồn nhất là môn lịch sử và môn văn học. Hầu hết những bài lịch sử phải học thuộc lòng đó là gì, là ngày nào bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, ngày nào thành lập mặt trận Việt Minh, mặt trận này, mặt trân kia, ngày nào bác về nước, gặp ai, đổi tên họ gì...Tôi tiếc không được học những gì hay ho hơn, trung thực hơn. Còn về văn học, tôi học rất nhiều thơ văn của Hồ Chủ Tịch, Tố Hữu mà tôi sẽ không nhắc lại nữa làm gì cho buồn.

Một ngày trong lớp học tiếng của tôi, học sinh đủ các quốc tịch và lứa tuổi, nhưng phần lớn còn rất trẻ, khỏang 16, 18. Trong một buổi học, mọi người bàn luận về chính trị. Khi đến lượt tôi nói về VN, mọi người hỏi tôi:" Ở nước bạn có dân chủ hay không?" Tôi trả lời ngay không chần chừ ;"có". Tiếp theo đó các bạn ấy hỏi tôi về bầu cử:" Nước bạn người dân có đi bầu cử không?" Tôi cũng trả lời là có. Lý do là vì đúng là chữ dân chủ được nghe rất nhiều ở Việt Nam, trên giấy tờ, trên báo chí, chỗ nào chả thấy chữ Dân Chủ, còn đi bầu ư? đương nhiên là có rồi. Điều quan trọng là gì các bạn biết không? Trong lúc tôi trả lời những câu hỏi của các bạn ấy, trong cảm thấy trong lòng vô cùng bực bội và khó chịu. Tôi nghĩ là họ đang tìm cách nói xấu VN, lên án VN là không có nhân quyền....

Các bạn đủ thấy là tôi bị nhồi sọ đến mức nào rồi. Phải mất một thời gian lâu sau, thật lâu, khi mà tôi đã sống, đã cảm thấy sự khác nhau giữa Dân Chủ của Việt Nam và Dân Chủ thực sự thì tôi mới thấy được sự vô tư của các bạn ấy, chỉ mới có mười mấy tuổi mà họ hiểu vấn đề, bàn luận thẳng thắn cởi mở . Còn tôi lúc đó đã tốt nghiệp đại học ở VN rồi mà đầu óc thì vô cùng ấu trĩ. Đến nay thì tôi thấy rằng nước chẳng ai có thời gian đi nói xấu VN cả. Lúc ra nước ngòai tôi cứ nghĩ VN chắc nhiều người biết nhưng thực sự chả phải là nhiều đâu, nhiều người không biết VN ở đâu, họ cũng chẳng quan tâm gì mấy. Và cái điều đáng buồn là VN không giáo dục được cho học sinh hòa đồng cởi mở với các nước mà lại luôn trong tư thế phòng thủ, dè chừng và nghĩ người khác nói xấu mình (có thể các bạn không như thế, nhưng trong trường hợp cá nhân của tôi, thì đúng là họ đã thành công trong việc nhồi vào đầu óc tôi rằng các nước khác luôn nói xấu VN, vu khống VN là không có dân chủ, văn hóa phương tây là đồi trụy, bạo lực, nguy hiểm...)

Từ nhỏ, tôi được giáo dục rằng đất nước VN chúng ta rừng vàng, biển bạc, giàu tài nguyên, truyền thống chống giặc ngọai xâm... Tôi đã từng tự hào lắm nhưng giờ đây tôi thấy VN nhỏ bé lắm, phải học hỏi nhiều lắm. Xin hãy như người Nhật, họ giàu có thế, mà họ luôn dạy học sinh là đất nước ta nghèo,ít tài nguyên, dân ta còn khó khăn, chúng ta còn phải cố gắng nhiều.

Pham Dung, Renton, USA
Qua ý kiến của thính giả Trương trên diễn đàn này xin cho tôi được nói một lời minh bạch là chúng ta đừng gán ghép độc tài, tham nhũng, ngu dốt là nhân dân, là Việt Nam để làm lý lẽ cho mình . Hơn nữa người Việt Nam muốn tiến bộ, đất nước Việt Nam muốn phát triển thì cũng cần tìm ra cái mặt yếu kém của mình . Khi thính giả Quốc Huy đặt câu hỏi "...... tại sao tôi không được can ngăn hay giải thích điều gì đó ....." nó không có nghĩa là phải xông vào nhà người ta, đánh đuổi cha mẹ của đứa trẻ ra khỏi nhà rồi làm chủ gia đình như hành động ngang nhiên của ông Bush . Nếu vội lý luận như thính giả Trương thì chúng ta sẽ ở mãi trong cái vòng luẩn quẩn, khó tìm ra lẽ phải , nhất là khi chúng ta đặt vấn đề lịch sử các anh hùng cần trung thực.

Quốc Huy
Ai đứng lên chống phá cả dân tộc mình trên diễn đàn này? Tôi e rằng không ai dám nhận, có chăng chỉ là sự chụp mũ nhau. Một dân tộc có nhiều chế độ, dân tộc là mãi mãi nhưng chế độ có thể thay đổi, thật buồn cho những suy nghĩ đang muốn gắn liền sự tồn vong của dân tộc vào một chế độ nào đó. Với suy nghĩ như vậy thì cũng dễ dàng dẫn đến cái lập luận "Đảng là dân, dân là Đảng"...

Tôi cũng tôn trọng những đánh giá suy luận của mỗi người, góp ý trên diễn đàn cũng chính là chúng ta đang thực tập dân chủ, có được diễn đàn tích cực như thế này tại sao lại trách móc "Đài BBC"? Chức năng chính của truyền thông báo chí là tấm gương phản chiếu sự thật, "gương" càng tốt thì phản chiếu càng chính xác, bạn Phùng Văn, TP HCM đã nhìn thấy mình trong "gương" chưa, xấu hay đẹp? Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy BBC chỉ cắt bỏ những đoạn mạ lỵ, chửi bới và không có cơ sở để kiểm chứng, không hề thêm một chữ nào kể cả lỗi chính tả. Đó là sự thật.

BBC:Đáng tiếc là chúng tôi không thể đăng những lời nói tục, những email không có nội dung mà chỉ nhằm thóa mạ vô cớ nhân viên BBC, hay thư gửi qua điện thoại di động không có dấu, không chia câu mà chỉ là một dòng liên tục các chữ kiểu như abcd....BBC cũng xin cắt ngắn và biên tập lại những thư dài tới vài trang A4 nhưng cố gắng đảm bảo nguyên ý của người viết.

Phung Van, TP HCM
Mở diễn đàn “Ý kiến của bạn” mà lại thông báo trước là “Đài BBC có thể biên tập lại ý kiến của quí vị và không bảo đảm tất cả thư đều được đăng”. Như vậy thì còn gì là dân chủ nữa. Rõ ràng là đài BBC chỉ thích đăng lên những ý kiến có lợi cho mình hoặc sẽ biên tập lại có lợi cho mình rồi mới dám đăng lên. Rất đáng hổ thẹn, thua cả báo chí của cộng sản trong nước. Chưa hết, đã biên tập và chọn lọc kỷ càng rồi mà vẫn “BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài”. Ðúng là hết ý kiến luôn. Có thể tóm tắt lại như thế này “cách làm việc của đài BBC chỉ ngang tầm với các báo miệt vườn của các nước độc tài hoặc chậm phát triển mà thôi”. Cách làm việc như thế này thì hoàn toàn! không xứng đáng và không đủ tư cách mở ra các diễn đàn để phê phán người khác.

Trương, Paris
HAHAHA...Vậy đấy, cuối cùng thì cũng có người có ý kiến, tôi đợi khá lâu để có thư phản hồi từ các bạn.. Có bạn nói, sao không xem sự nối lại hoà bình ở Đức...vậy bạn coi hoà bình là thế nào...đất nước ta đang trong thời kì chiến tranh ?? hay bị một chế độ nào không phải của nhân dân ta đô hộ. Tôi thấy cái ngang trái ở đây la những ai đang đứng lên chống phá cả dân tộc mình..một dân tộc đang trên đà phát triển. Tôi chẳng theo phe nào, chẳng theo chủ nghĩa nào ở đây cả, tôi đứng theo dân tộc tôi, tôi ủng hộ đồng bào tôi. Cũng chính vì cái lập luận chẳng nhẽ nhìn bố đứa trẻ đánh đập đứa trẻ mà chính quyền Mỹ nói chung va chính quyền BUS hiện nay nói riêng đã ngang nhiên mang quân đi xâm lược hết đất nước này đến dân tộc khác, vi phạm nghiêm trọng đến hiến trương cua Liên Hợp Quốc...bằng quá nhiều thủ đoạn bì ổi...Vấn đề cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ và các nước khác đã và có thể sẽ làm ở Việt nam đã đươc dư luận đánh giá như thế nào...ai đúng ai sai..cả thế giới biết...Tôi tôn trọng những đánh giá suy luận của mỗi người, vì đó chỉ la suy nghĩ...nhưng nếu cứ làm đúng như suy nghĩ của mỗi người đi..tôi cũng chưa tưởng tượng ra được cái viễn cảnh mọi thứ sẽ đi đến đâu...

Ẩn Danh
Bác Trương ơi! Sao bác mạt sát tuổi trẻ thế! Hiện tại bác đang sống ở đâu vậy? Bác ăn bám đế quốc Pháp đấy sao? Tôi không bao giờ nghĩ như vậy... Ở đâu cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có cơm ăn áo mặc. Ngay khi sống trên quê hương mình thì cũng có ai được nhà nước nuôi không? (Ngoại trừ cán bộ chóp bu ra). Tôi không nghĩ có ai trong trang ý kiến này lại lo bới móc cái xấu xa của lịch sử hay khinh bỉ lịch sử oai hùng của cha ông chúng ta cả. Trái lại họ muốn trang sử nước nhà trong sáng hơn chứ không phải là những trang sử nhuốm bẩn bởi những lọc lừa dối trá. Lấy lại độc lập nước nhà bằng cách nào thì tốt hơn?

Chọn lựa của cha ông chúng ta có hào hùng và nghĩa khí nhưng chưa chắc đã là chọn lựa khôn ngoan. Nếu theo lập luận của một số người cho rằng "cứu cánh biện minh cho phương tiện" thì chúng ta đã thất bại quá ê chề rồi. Bây giờ cái cứu cánh là gì! Ngoài cái độc lập ảo tưởng! Nghĩ lại xem, ngay cả cái sự toàn vẹn lãnh thổ cũng đã không giữ được, hay ít nhất không rõ ràng khi nhà nước ký với Trung Quốc hiệp định biên giới vừa qua. Làm gì mà phải làm lén lút bí mật như "mèo dấu cứt vậy". Người dân có được hỏi ý kiến không? Người dân có được thông tri cách rõ ràng không? Khi chiến thắng chúng tôi được hưởng những gì? Hay vẫn mãi phải hy sinh cho chiến dịch này chiến dịch kia. Nói chi đến chuyện độc lập khi mà chúng ta sống trong chiến lược toàn cầu hoá ngày nay... cạnh tranh kinh tế.... nên ai mạnh thì thắng thôi! Còn nữa, nước ta vẫn là một trong những nước nghèo đói nhất trên thế giới. Vậy độc lập để làm gì? Ðể bán nhân công nơi xứ người, để thiếu nữ lấy chồng ngoại quốc bị trăm đắng ngàn cay sao? Ðể con nít tuổi thơ bán mình nơi xứ chùa Tháp ư? Ðể cán bộ nay thụt kép mai tham nhũng hàng triệu tiền đô Mỹ à? Chúng ta chết hào hùng để đất nước chúng ta trở thành như thế mà không hổ thẹn sao? Lại còn vênh vang sống với cái danh ảo!!! Người trẻ chúng tôi muốn làm rất nhiều cho quê hương đất nước. Nhưng chúng tôi có được tự do cống hiến tài năng của chúng tôi không? Hay cha truyền con nối! Con ông cháu cha!!! Buồn cho đất nước chúng ta biết bao nhiêu!!!!

Quốc Huy, Việt Nam
Tại sao tôi cứ luôn phải thấy điệp khúc: Các bạn đã làm được gì cho đất nước, cho VN mà có quyền, có tư cách mà phán xét cái chính phủ này, phán xét quê hương, tổ quốc này... Thiết nghĩ những người đặt câu hỏi đó có bao giờ tự vấn xem mình nói từ tấm lòng và tư cách của riêng mình, hay cứ ngỡ rằng đang đại diện cho phát ngôn chính phủ, đại diện cho dân tộc Việt, hay đại diện cho một ai khác...? Câu trả lời của tôi là: Dù tôi chẳng làm được gì cho ai cả thì tôi vẫn có ý kiến vẫn phán xét cái gì mà tôi thấy ngang trái, đó là quyền tự do phát biểu ý kiến của tôi.

Chả lẽ khi chứng kiến một ông bố đánh đập tàn nhẫn hay lừa dối con mình mà tôi phải im lặng khoanh tay đứng nhìn sao, tại sao tôi không được can ngăn hay giải thích điều gì đó chỉ bởi vì tôi không phải là bố đứa trẻ, tôi phải lờ đi hay tiếp tục khuyến khích việc đó à? Chụp mũ người trẻ có ý kiến khác mình là “sống bằng tiền người khác”, “bị tiền của Đế Quốc làm loè mắt” là vội vã hồ đồ. Con hơn cha là nhà có phúc, cha mẹ nào cho con ăn học cũng là để mong cho con có kiến thức hơn mình, không bị dễ lừa như thế hệ mình ngày trước mà giữ gìn cái thân thể khoẻ mạnh. Hay ho gì cái cuộc chiến đầu rơi máu chảy ấy mà ca ngợi, sao không tích cực nhìn sang nước Đức thống nhất trong hoà bình mà suy ngẫm, còn hơn là tự đầu độc mình bằng suy diễn đen tối nếu thế này, nếu thế kia... !

Nguyễn Thơ, Việt Nam
Nhiều thính giả, bạn đọc đã tự nguyện làm tay sai cho nhà cầm quyền cộng sản một cách cực kỳ mù quáng....Chẳng hạn như trong chuyện Lê Văn Tám, họ còn dám nói đại khái rằng "có thể làm tất - kể cả nói láo trắng trợn - để "giải phóng dân tộc"(!!!).Tôi khoan nói đến việc liệu họ có hiểu "giải phóng" có nghĩa là gì hay không, chỉ cần nói đến cách "lập luận quái đản" như thế đã thấy họ thật đáng thương hại...

Nguyên, Lincoln, Hoa Kỳ
Tôi đồng ý là nên có một hình tượng anh hùng nào đó nhưng phải khi ghi vào lịch sử là môn khoa học thì phải cho đúng. Nước Mỹ có quá nhiều nhân vật anh hùng trên phim ảnh như Superman, hoặc Spiderman, nhưng đâu có ghi vào lịch sử để dạy học. Chẳng lẽ sau này con cháu ta học sử sẽ giải thích rằng do giai đoạn chiến tranh và chưa có người viết sử nên cây chuyện Nguyễn Văn Tám được truyền miệng. Hãy trả lại lịch sử những điều gì thật của nó một cách khoa học.

Trương, Paris
Tôi thực sự thất vọng vì giới trẻ đã viết và đang suy nghĩ như những bài trên, là môt người Việt xa xứ lâu năm..nhưng chưa bao giờ tôi nhìn nhận lich sử Việt nam cung như đất nước con người Việt nam dưới một hình ảnh xấu xa và kì quặc như các bạn đã viết. Thử đặt Việt nam vào tình huống không có những hình ảnh ngọn đuốc sống anh Lê Văn Tám, cuộc cách mạng không thành công thi đất nước sẽ đi đến đâu. Sẽ là một đất nước thuộc địa trong vòng đô hộ của thực dân, của đế quốc, và ngày nay giới trẻ sẽ không còn nói tiếng Việt nữa mà là xì xà xì xồ ba cái thứ ngoại ngữ xa xôi. Thật hổ thẹn khi dân tộc bị lai căng, đồng hoá, và cho đến bao giờ người Việt mới được đứng trên đúng cái bàn chân Việt. Chẳng lịch sử nào thật sư chính xác đến 100%, vi lịch sử tao nên bởi con người chứ không phải những cỗ máy trẻ thơ biết đến người anh hùng Lê Văn Tám thật thiêng liêng đẹp đẽ, tôi chẳng thấy có gì sai trái, có gì phải sửa chữa ở đây cả.

Chuyện bới móc và nói xấu lich sử và những thế hệ đã tạo nên những trang sử hào hùng đó mới đáng hổ thẹn. Mọi người đã làm được gì cho đất nước, mọi người đã nghĩ gì cho cuộc sống những trẻ thơ mà có quyền phán xét tương lai, hiện tại và qúa khứ dân tộc. Trước tiên phải tự xem lại bản thân mình là ai, sinh ra từ đâu, vì sao tồn tại, và tồn tại vì mục đích gì. Thật là không đồng tình với một số bạn đã mang chủ nghĩa vật chất ra để so sánh các chế độ, bị tiền của Đế Quốc làm loè mắt.

Thật là nhục nhã khi sống bằng tiền của người khác. Các bạn trẻ ạ ! Tôi thiết nghĩ, các bạn hãy cố gắng hoàn thành trách nhiệm với bản thân của các bạn cũng như với xã hội nơi mà các bạn đang sinh sống đã là quá tốt rồi, còn nếu thực sự cao cả hơn những người đã tạo ra ngọn đuốc sống Lê Văn Tám, thì hãy tạo ra hình ảnh thay thế đi.

Hoàng, Dublin, Ireland
Tôi chưa một lần tin vào hình tượng LVT nhưng đến hôm nay tôi mới biết đó cũng là một cái gọi là một công tác tư tưởng chính trị. Thế còn những vị anh hùng khác như Phan Đình Giót, hay anh gì lấy thân mình bịt lỗ châu mai .... Hãy cho thế hệ tiếp theo nhìn thấy lịch sử có thật. Tại sao fải thay đổi lịch sử như ngày Bác mất là 2-9 chứ không phải là 3-9, rồi chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập là số bao nhiêu?

Chi, TP. HCM
Tôi nhớ là mình được học về Lê Văn Tám ở môn lịch sử lớp 4 hay 5 gì đó. Qua cách giảng bài của cô, vào thời điểm đó tôi hoàn toàn tin Lê Văn Tám là một nhân vật có thật trong lịch sử dân tộc. Đến hôm nay vào trang web của qúi đài thì biết chỉ là một nhân vật hư cấu. Nhưng thật lòng mà nói, tôi chẳng hề bị sốc gì cả có lẽ một phần là do sống ở chế độ này từ nhỏ đến khi trưởng thành nên cũng thường bị sốc với những thông tin đại loại như vậy, riết rồi “miễn dịch” luôn.

Thật ra, muốn biết người ta nghĩ nhân vật LVT là thật hay bịa đặt chỉ cần các bạn thăm dò ý kiến của bạn bè hay những người xung quanh. Tôi có thử hỏi một số người và phần lớn họ đều cho LVT là một nhân vật có thật. Qua đây, tôi nghĩ nên có một văn bản cụ thể xác nhận LVT là một nhân vật hư cấu để từ đó có cở sở điều chỉnh sách giáo khoa cũng như cho thầy cô giáo thêm chút can đảm đứng trước lớp nói với học trò của mình rằng LVT chỉ là một nhân vật bịa đặt.

Có những lời nói dối nhằm mục đích tốt đẹp nhưng cũng có lắm lời nói dối vô cùng xấu xa. Việc dựng lên những nhân vật anh hùng ảo để hướng mọi người đến một cuộc sống tự do, một cuộc sống vì con người thì hoàn toàn tốt nhưng nếu lợi dụng để nhằm tạo sự ủng hộ của đông đảo quần chúng cho một cuộc chiến được gọi là chính nghĩa nhưng cuối cùng hóa ra là chế độ độc tài thì thật là đáng thổ thẹn không chỉ đối với cá nhân những nguời đã tạo ra những nhân vật ảo này mà còn đối với cả một dân tộc.

Nguyên Hương, Hà Nội
Tôi cho rằng chuyện này chẳng dính dáng gì đến chính phủ và lịch sử ở đây cả. Một hình tượng được xây dựng nên cũng có thể tình cờ như một chi tiết văn học. Người ta có thể hư cấu nó một chút để phù hợp với hoàn cảnh thực tế và có ý nghĩa thực tế tại một thời điểm nhất định. Và từ người này qua người kia nó tự dưng trở thành huyền thoại, thế thôi.

Người ghi chép lịch sử cũng là con người, và ý kiến của họ cũng là ý kiến của cá nhân thôi, họ hoàn toàn có thể nhầm lẫn. Hiểu sao cho đúng lại là nhận thức của mỗi người trong chúng ta. Đừng có cái gì cũng quy kết cho nhà nước, cho chính phủ. Những ai đang lớn tiếng chỉ trích chính phủ, "hãy thử đặt mình vào đó một lần xem, bạn sẽ biết ngay mà". Đất nước có tốt hơn cũng nhờ vào những người có thiện ý và tinh thần hợp tác, chứ không phải những người chỉ biết chỉ trích.

Phillipe, Áo
Lời đầu tiên của tôi là: Xin trả lại sự trong sáng cho trẻ thơ nhưng cũng đừng lấy/ lợi dụng chuyện như vậy mà vẽ lại và áp đặt sự trong sáng của trẻ thơ. Nó chỉ là 1 giai đoạn của lịch sử. Tôi cũng nhớ khi còn bé có học về Lê Văn Tám, khi đến khỏang cấp 3, năm 94-97 thì được thông báo là Lê Văn Tám không có thật, chính các thầy cô môn lịch sử truyền đạt. Tôi có nhớ ai đó đã nói với tôi là bài về LVT đã được cắt ra khỏi chương trình từ lâu (tôi không chắc lắm). Nếu nói là anh hùng, thì trừ khi toàn quân buông súng ôm đầu chạy, chứ tôi tin là nơi đâu cũng có quá nhiều và quá nhiều anh hùng, dù ở bất kì bên nào, góc độ nào... chỉ sợ là kể không hết.

Tôi nghĩ mọi người không nên quá cực đoan và liên tưởng tới những chuyện vĩ đại to tát. Người ta vẫn nói về thủ đoạn của chính trị là những thủ đoạn ... "bẩn thỉu" nhất. Người Mỹ dạy 1 cô bé khóc trước cả quốc hội Mỹ cho cuộc chiến 1991, rồi vẽ ra cả 1 chương trình về vũ khí tại Iraq và tiến hành cuộc chiến, cứ cho là lật được chú Hút-sen, nhưng chỉ mang lại chết chóc cho hàng ngàn chú bé như Lê Văn Tám, chứ ko phải chỉ 1. Thế những vẫn rất nhiều người chấp nhận sự lừa đối đó, vì nó đạt mục đích.

Thủ tướng Tony Blair cũng công nhận rằng ông ta nói dóc, lừa dối toàn dân nhưng cũng tuyệt không hối tiếc về cuộc chiến. Tôi chưa thấy 1 nhà chính trị nào mà thực sự gọi là có đạo đức và luân lý như lời của một số người. Giữa nói cho hay và làm được việc, tôi tin là người ta sẽ chọn con đường làm được việc, đặc biệt là trong chính trị, người ta sẽ không từ thủ đoạn.

Cường, California
Ta phải biết phân biệt giữa truyện thần thoại hay huyền thoại với lịch sử. Chuyện Lạc Long Quân, Thánh Gióng là thần thoại hay huyền sử và ai cũng biết đó là những chuyện không có thật. Những chuyện này cho chúng ta một bài học đạo đức hay luân lý nào đó chứ không nhắm đến khía cạnh có thực của dữ kiện câu chuyện.

Còn chuyện anh hùng Lê Văn Tám thì hoàn toàn khác. Nó được dựng nên như câu chuyện lịch sử có thật nhằm mục đích gây lòng căm thù trong lòng dân và nhất là tuổi trẻ... Vì thế, nó sai trái và đi ngược với đaọ đức luân lý của con người. Có nhiều bạn đã theo lý luận của kiểu: "Cứu cánh biện minh cho phương tiện" và không áy náy lương tâm khi nói rằng nói dối không sao miễn là đạt được mục đích mà mình muốn.

Nếu một xã hội có những công dân như thế thì đất nước ấy nguy to rồi. Vì ai cũng dùng đủ mọi thủ đoạn gian dối để đạt được điều mình muốn. Lý luận như thế chính là kiểu lý luận "thà giết lầm 100 người hơn là bỏ sót một người" Nếu luật lệ của một nước dựa vào tiêu chuẩn trên thì các bạn nghĩ làm công dân của nước ấy có an bình không? Xin đừng lừa dối nhau nữa. Xin đừng lừa dối con cháu của chúng ta nữa. Hãy trả lại sự thật cho lịch sử và trả lại lòng trong sáng lại cho tuổi thơ của con em chúng ta.

Nguyễn Chính, Việt Nam
Tôi ủng hộ quan điểm của bạn Vương Hùng, Hà Nội. Việc này không có gì phải ầm ĩ lên thế. Các bạn có dám khẳng định trong đời mình không bao giờ nói dối không? Dù đây là chuyện không có thật, các bạn hãy đặt vấn đề theo phạm trù lịch sử của nó. Khi đó Việt Nam phải chịu hai cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa. Tôi cho rằng, tinh thần lúc đó là quan trọng, và không có thật đi nữa cũng không sao cả. Mọi chuyện qua rồi, ta nên cho qua luôn miễn là các bạn hiểu, nhận ra điều đó và thông cảm là được rồi.

Vũ Kiệt, Houston
Chúng ta nên trả lại sự thật về cái chuyện này (không thể so sánh với những huyền thọai từ thời có thể gọi là "cổ đại" như Thánh Gióng" được). Mà chẳng thà như chuyện Thánh Gióng, chỉ nói lên niềm mơ ước của dân tộc Việt đánh cho tơi bời bọn Bắc phương luôn đe dọa, nhưng đọc là biết đó là chuyện thêu dệt, là thần thọai.

Còn Lê Văn Tám? Có thể xí xóa trong chiến tranh, nhưng hòa bình đã 30 năm rồi. Nên trả lại tuổi thơ ngây cho tuổi thơ. Vì: Mười tuổi, biết gì mà căm thù đến nổi phải làm ngọn đuốt sống. Mà nếu có căm thù thì thiếu gì cách đốt kho đạn nếu dễ dàng chạy lung tung như thế. Chẳng lẽ em Lê Văn Tám bị chậm phát triển hay sao mà không cầm cây đuốt tre để chạy được xa hơn thay vì cây đuốt sống? Nhân vật Lê Văn Tám thì chắc chắn là bịa đặt chứ không thể gọi là huyền thọai như Thánh Gióng được.

Mỹ Tiên, Paris
Theo tôi vấn đề này không có gì là lạ, đây là đặc sản của chủ ngĩa anh hùng cách mạng mà, và không chỉ ở nhân vật Lê Văn Tám không mà gần như những trường hợp, sự kiện tương tự đang nằm trong phần lớn các sách học sử mà con cháu chúng ta hàng ngày đang học, có cay đắng chăng là những người lớn lại đang tâm lừa dối chính con cháu mình và những người VN đã đổ máu cho đất nước này. Chúng tôi đang chờ một nền lịch sử để hiểu được giá trị của con người trên mảnh đất này ....chờ quá lâu.

Da Vàng, San Jose
Thưa quí vị, đây không phải là lần đầu tiên tôi hiểu được thêm sự thật của Lịch Sử Đảng Cộng Sản VN, nhưng thực sự tôi bị sốc, bởi chính tôi, sau nhiều năm tìm tòi học hỏi, vẫn ngỡ rằng Lê Văn Tám là nhân vật có thật. Vậy câu hỏi đặt ra là, có còn chút gì là sự thật trong những trang sử Việt Nam thời cận đại hay không? Mười mấy năm "dưới mái trường XHCN" tôi và hàng triệu các bạn trẻ như tôi đã bị nhồi nhét những bài học như vậy. Cái ngây thơ và sự trong sáng của trẻ thơ, bị nhét đầy những tình yêu cụ Hồ và các chú bộ đội, để đến bây giờ, làm hư hỏng cả bản tính của nhân bản vốn có của con người. Có ai đã từng nghiên cứu và đánh giá được cái "hư hại" về tâm hồn khi trẻ em nên được kể những câu chuyện thần tiên, những gương thương yêu cha mẹ, những trong sáng của cuộc sống, hay được dạy rằng hãy ghét Mỹ, Nguỵ (cha anh của mình), được dạy đánh giặc, vót chông, len lỏi làm giao liên, hay hy sinh ngay cả bản thân, khi chưa ý thức được việc mình làm.

Năm học lớp 6, tôi được phân công làm báo tường, vẽ hình anh hùng Lê Văn Tám,.. 12 tuổi, tôi ngây ngô nghĩ hằng đêm để vẽ hình ảnh 1 người bằng tuổi mình, tự thiêu để đánh giặc, tôi nghĩ không ra, nhưng vẫn tin là chuyện thật, con nít mà.

Tôi cảm thấy tội cho hàng triệu thanh niên Việt Bắc, bị tuyên truyền, bị lợi dụng lòng yêu nước, mà bỏ mình trên Truờng Sơn, hy sinh cho 1 lý tưởng, mà những kẻ sống sót trở thành cán bộ trục lợi, còn dân tình đói khổ lầm than. Lịch sử, như tên gọi của nó, là ghi chép/ phản ánh lại những sự kiện (thật) đã diễn ra trong quá khứ. Xin trả lại ý nghĩa thực tế của nó. Xin đừng băng hoại thêm chính con em của chúng ta.

Quyên, TP. HCM
Theo tôi, dù có hay không có thật thì việc tạo nên những anh hùng "mẫu" như Lê Văn Tám lúc bấy giờ là cần thiết. Không nên xem đó là sự lừa dối mà chỉ nên xem như một động thái để kêu gọi lòng yêu nước của người dân. Dẫu sao thì ta cũng đã thắng Mỹ. lật lại vấn đề này để làm gì?

Thái, Sài Gòn
Theo tôi , điểm đáng chú ý nhất không phải ở việc LVT có thật không. Vấn đề là nó chứng tỏ người VN không còn dễ bị lừa, không còn "ngây thơ" như trước nữa. Chúng ta không còn dễ dàng tin vào tất cả những gì mà chính quyền nói nữa, chúng ta đã dám suy nghĩ một cách độc lập và dũng cảm chứ không còn bị mấy ông bên tuyên huấn hay văn hoá "chăn dắt" nữa . Đó là biểu hiện của sự nâng cao dân trí . Mặc dù những tiến bộ còn quá chậm chạp , nhưng ít nhất đã có thể hy vọng. Cảm ơn trời, cuối cùng thì có lẽ dân tộc VN cũng không còn phải ở trong bóng tối lâu nữa.

Lê Huy, TPHCM
Trước đây tôi cũng từng hồ nghi với nhiều anh hùng trong thời chiến tranh, đâu chỉ có Lê Văn Tám, lại còn Kpa kơ lơng 1 phát đạn bắn chết 7 lính Mỹ, dẫu 7 người có sắp hàng cũng khó làm được, so với Lê Văn Tám còn phi lý hơn nhiều. Nếu phân tích thành tích thì chắc còn nhiều anh hùng ảo lắm.

Anh Quốc Huy, TPHCM
Mọi người nói không đúng sự thật, vậy ai có thể trưng ra bằng chứng là câu chuyện về người anh hùng Lê Văn Tám là không đúng sự thật không? Tại sao phải xem một tác giả nói rồi ùa theo, mà không có một bằng chứng nào? Chúng tôi cần bằng chứng là không đúng sự thật, ai sẽ đưa đây? hay là BBC bịa ra chuyện này?

Phát, California
Anh Vương Hùng sao mà mang tinh thần chống Mỹ cao đến vậy trong khi nhà nước của anh thì cứ theo ve vãn anh Mẽo trở lại. Ở đây tôi nghĩ chỉ nhắc đến tính cách chính xác và sự thật của lịch sử mà thôi, chứ nếu nói về tính cách tuyên truyền láo lếu thì chúng ta phải nhớ lại CS miền Bắc đã rêu rao là nhân dân miền Nam đang bị đàn áp, khủng bố ra sao. Rồi đến khi anh bộ đội cụ Hồ vào tới trong Nam thì mới hay là miền Bắc của mình thật sự nghèo nàn, lạc hậu, thua xa miền Nam đến là bao.

Hà
Chuyện Lê Văn Tám ngày xưa đi học tôi cũng nghi nghờ và tôi nghĩ nó chỉ là huyền thoại, bây giờ sự thật nếu như thế cũng giống như tôi nghĩ khi tôi còn đi học. Tuy nhiên, khi nhớ lại những gì tôi được học thời phổ thông, nhân vật LVT không được dạy chính thức trong môn lịch sử cấp II và cấp III. Thực sự theo tôi nhớ thì nhân vật LVT đuợc dạy trong môn kể chuyện lịch sử và môn Tập đọc ở bậc tiểu học, lớp 4 hay lớp 5 gì đó, và nó cũng như các câu chuyện kể lịch sử khác như Thánh Gióng, Mỵ Châu Trọng Thuỷ, Lạc Long Quân và Âu cơ, Phan Đình Giót... Như vậy có thể thấy nhân vật này được đưa vào như là huyền thoại có ý nghĩa như tuyên giáo dục tinh thần yêu nước và ý chí chống ngoại xâm của dân tộc VN ở giai đoạn này chứ không đựơc dạy trong chính sử mà tôi được đã học. Và tôi thấy chuyện này chảng có gì to tát hay là lừa dối gì cả nó cũng giống như các chuyện huyền thoại khác mà thôi.

Vương Hùng, Hà Nội
Vấn đề này chẳng có gì to tát cả. Bush đã từng lừa cả nước Mỹ, lừa cả Liên hiệp quốc, lừa cả thế giới để đem quân đánh Iraq đấy thôi. Vấn đề là nếu những dối trá ấy đem lại một ý nghĩa tích cực cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như câu chuyện của Lê Văn Tám thì nên ủng hộ, còn đem lại chết chóc cho cả người dân Mỹ và Iraq thì nên lên án.

Văn Phúc, Seattle
Tôi đồng ý với bạn Lương Tuấn và đó là vì sao sinh viên Việt Nam không thích học môn lịch sử vì họ cảm thấy bị nhà nước nói dối trắng trợn. Người ta biết đó là sai, nhưng không dám lên tiếng tìm lại sự thật vì sợ bị lên án là phản động.

Vũ Lâm, TP. HCM
Những gì tác giả nghi ngờ về Lê Văn Tám, có những thông tin bí mật mà không thể tiết lộ ra ngoài được. Cho nên những gì tác giả viết không có tính xác thực. Chỉ là sự phỏng đoán. Lịch sử đã ghi như vậy, vậy thì lật lên làm gì nữa.

Quốc Huy, Việt Nam
Tôi biết cái Đảng này đã lừa dối nhân dân nhưng không ngờ đang tâm lừa dối cả trẻ em, những con trẻ ngây thơ đó có đáng phải chịu nhồi sọ một hình tượng chết chóc như vậy không? Chúng ta đang lên án khủng bố, nhưng mấy ai hiểu rằng khủng bố được nuôi dưỡng bắt đầu bằng những hình tượng tự sát “anh hùng” như thế. Rồi đây lịch sử các anh hùng lấy thân mình chèn pháo, lấy thân mình lấp lỗ châu mai... sẽ còn đáng tin cậy bao nhiêu phần trăm nữa và chừng nào một “Phan Vũ” khác chưa lên tiếng?

Lịch sử vẫn là lịch sử và nó chỉ có giá trị khi ghi lại đích thực nhất bản chất của hiện tượng, truyền thuyết vẫn là truyền thuyết và nó chỉ mang tính thần thoại, cổ tích và duy tâm. Dù sao công khai mọi người cũng biết Thánh Gióng là nhân vật của truyền thuyết, không đặt tên đường phố, tên trường... cho một nhân vật không có thật; còn Lê Văn Tám từ một nhân vật không có thật nhưng thông qua bộ máy tuyên truyền của Đảng trở thành một nhân vật có thật trong lịch sử, Đảng chưa bao giờ công nhận Lê Văn Tám là truyền thuyết thần thoại cả. Cái việc làm ấy của Đảng phải gọi đúng tên là “bịa đặt lịch sử” với mục đích đánh lừa.

Lịch sử như chính bản thân nó phải được ghi chép lại theo đúng tên gọi của nó, nếu không dân tộc chúng ta sẽ không giữ được cái văn hoá đích thực, đừng “bịa đặt lịch sử” hay “xuyên tạc lịch sử” bởi vì nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác!

Tuấn, TP. HCM
Từ nhỏ tôi đi học đã được nghe huyền thoại anh hùng Lê Văn Tám là có thực, bây giờ tôi mới thấy những thông tin này được xem xét lại và nhìn nhận lại lịch sử thấy nhân vật này không có thật thì rõ ràng là thời đó hộ đãc thổi phồng lên sự việc này, nhằm tồn vinh ý trí chiến đấu kiên cường của người Việt Nam. Đó là sự lừa dối nhân dân. Cộng Sản rất giỏi tuyền truyền, họ thắng Mỹ và Pháp ở điểm này. Chứng tỏ sự việc này cũng nhằm mục đích đó. Trong 2 cuộc chiến tranh hàng triệu người hy sinh, sẵng sàng chết, phải nói là thời đó dân trí thấp. Còn bây giờ thông tin nhiều không ai dại như thế nữa.

Việt, Houston
Chuyện này có thể là không có thực. Trong lịch sử của bất kì nước nào cũng có những chuyện thần thoại cả. Thực vậy, bạn có thể tin Lạc Long Quân và bà Âu Cơ là có thực sao?

Nguyễn Khoa, TP. HCM
Câu chuyện về cậu bé Lê Văn Tám đã đi vào bài học của hàng triệu học sinh Việt Nam và ai cũng tưởng đó là sự thật. Tôi cũng vậy. Và tôi cũng chẳng để ý hay thắc mắc và tính xác thật của nó vì trong quá trình chiến tranh Việt Nam thời hiện đại những tấm gương hy sinh như vậy có rất nhiều như: Phan Đình Giót lấy thân minh lấp lỗ châu mai...

Mãi cho đến khi tui ngồi trên ghế giảng đường đai học được giảng viên môn Triết-Sử có nêu lên sự thực về câu chuyện của Lê Văn Tám trong đó có các ý như BBC đã trích còn có thêm các ý như một anh hùng nổi danh như Lê Văn Tám hy sinh sao lại không có thân nhân, họ hàng và cả đơn vị chiến đấu. Đáng lý một chiến công hiển hách như vậy thì phải có rất nhiều người liên quan để hưởng tiếng thơm chứ!

Rõ ràng đây là một câu chuyện được thuê dệt và dần dần được dựng lên thành một tượng đài sự thật. Điều đơn giản là một khi tượng đài sự thật đã sụp đổ thì cảm giác thất vọng trong tôi và cả những người bạn của tôi là không tránh khỏi.

Hồng, Long Thành
Bịa hay không điều đó không quan trọng. Chủ yếu là cách người đọc cảm nhận về nó thế nào, tạo dựng một anh hùng như Lê Văn Tám hay Thánh Gióng thời nào cũng cần, quốc gia nào cũng cần. Nhìn nhận nó ở mặt tích cực thì tốt, mà tiêu cực thì xấu thôi. Đừng bao giờ vì một chuyện nhỏ mà bôi xấu hình ảnh của một nhân vật lịch sử mà chúng ta chưa biết rõ.

Nguyễn Kiệt, TP. HCM
Bạn Phong so sánh vậy là khập khiễng. Chuyện Thánh Gióng hay Vua Hùng được kể lại khi mà người Việt Nam trong bối cảnh ban sơ, chưa có người viết sử, và nó được liệt vào chuyện huyền thoại.

Còn Lê Văn Tám thì hoàn toàn khác, câu chuyện lịch sử của năm 1946, và điều quan trọng là đảng Cộng sản đã xây dựng câu chuyện Lê Văn Tám là người thật, việc thật. Và tất nhiên người lớn thì chẳng mấy ai tin nhưng không dám nói thôi. Còn trẻ con thì tin lắm đấy.

Phong
Từ nhỏ tôi đã không tin chuyện này rồi. Tôi đã thử bằng cách tẩm xăng một con chuột đem đốt rồi thả. Nó chỉ chạy được 1 đoạn ngắn rồi lăn ra. Con người thì có thể chạy xa hơn nhưng chạy như Lê văn Tám thì hơi bị khó đấy. Có thể là chuyện này có thật, nhưng chắc chỉ thật cỡ 10% đổ xuống thôi.

Nhưng dựa vào chuyện này mà bảo "cần nhìn nhận lại nhiều cách thức viết sử ở Việt Nam, cũng như những biện pháp tuyên truyền từ nhiều năm qua" thì tôi thấy chưa chuẩn lắm. Phải viết là "...từ nhiều nghìn năm qua". Vì mấy nghìn năm trước còn có chuyện Thánh Gióng còn bịa ác hơn. Thánh Gióng mới 3 tuổi đầu vươn vai một cái thành người khổng lồ. Chưa kể thời bấy giờ đã làm được ngựa sắt, không cần đổ xăng mà vẫn chạy phằm phằm (Trình độ công nghệ hơi bị cao. Giỏi như Mỹ bây giờ cũng chẳng theo kịp).

Ai cũng biết là bịa mà sao bây giờ vẫn còn đền thờ Thánh Gióng, quanh năm hương khói?! Ai cũng biết là bịa nhưng câu chuyện vẫn tồn tại. Vấn đề ở đây là ý nghĩa của câu chuyện chứ không phải nội dung của nó. Giặc đã đến nhà thì đàn bà, trẻ con cũng đánh.

Lương Tuấn, Hà Nội
Nếu câu chuyện này chính xác như bài báo, thì nghĩa là chính phủ Việt Nam đã lừa dối người dân Việt Nam một cách trắng trợn. Liệu trong những người "anh hùng" mà chính phủ luôn gọi thì có mấy người là thật?

BBC

No comments:

Post a Comment