Monday, March 4, 2019

Vua Quang Trung có công phá quân Thanh

"Vua Quang Trung có công phá quân Thanh", đó là điều các học sinh tại miền Nam trước 1975 được dạy. Vua Quang Trung có công chống xâm lăng giống như vua Lê Lợi, giống như Lý Thường Kiệt, giống như Trần Hưng Đạo. Không ai nói là vua Quang Trung giải phóng nông dân.

Nói là vua Quang Trung giải phóng nông dân là luận điệu của các chế độ Cộng Sản. Trong cuốn 100 Sự Kiện Trung Quốc do Việt Nam dịch của Trung Quốc, các phong trào nổi lên mà do nông dân đều được người viết sách ca ngợi như là người tốt, người tiến bộ. Ca ngợi như vậy là nằm trong chính sách tuyên truyền của đảng Cộng Sản là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân là giai cấp tiến bộ. Đó là vì đảng Cộng Sản Trung Quốc muốn lấy nông dân làm chỗ dựa để lôi kéo họ chiến đấu cho đảng Cộng Sản.

Nói đúng ra, chủ nghĩa Cộng Sản chỉ xem giai cấp công nhân là giai cấp tiến bộ. Nhưng vì tại Nga, Trung Quốc và Việt Nam số công nhân rất ít trong khi nông dân thì đông vì các nước này chưa phải là nước công nghiệp hóa mà vẫn là nước nông nghiệp, nếu đảng Cộng Sản theo đúng lý thuyết của Karl Marx chỉ dựa vào giai cấp công dân mà thôi thì đảng Cộng Sản rất yếu vì công nhân chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong dân số các nước này.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu hoạt động từ những năm thuộc thập niên 1920. Lúc đầu đảng Cộng Sản Trung Quốc theo đúng lý thuyết của Mác là huy động công nhân biểu tình, đình công. Các hoạt động đó chỉ có ở Thượng Hải là nơi có một số nhà máy, công xưởng. Những người Mác xít đi biểu tình như vậy không có sức mạnh và nhiều người Trung Quốc nhìn đám biểu tình không biết họ làm gì, mục đích của họ là gì. Đến năm 1927, Mao Trạch Đông đọc tham luận trước đại hội đảng đưa ra ý phải dùng nông dân làm chủ lực. Đó là vì Mao thấy nông dân tại Trung Quốc thì đông, nếu lôi kéo họ được thì mới đem lại sức mạnh cho đảng Cộng Sản. Muốn có một quân đội nhiều quân thì phải dùng nông dân. Mặc dù nông dân không được Karl Marx xem là giai cấp tiến bộ nhưng vì đảng Cộng Sản cần họ để chiến đấu nên cũng sửa lý thuyết lại là nông dân cũng là giai cấp tiến bộ, cũng đi giải phóng nhân dân như giai cấp công nhân. Đó là lý do tại sao các nhà viết sử Trung Quốc hễ thấy trong lịch sử Trung Quốc có phong trào nổi dậy nào do lãnh tụ có nguồn gốc nông dân đều ca ngợi là tiến bộ, là có ý muốn giải phóng nông dân. Cái thuyết cho rằng vua Quang Trung giải phóng nông dân phát nguồn từ đó.

Những điều mà sử gia Mỹ George Dutton nói là phong trào Tây Sơn tàn ác, đốt phá, bắt dân lao dịch thì trước 1975, những giáo sư dạy sử ở miền Nam cũng biết. Trong các số của Tập San Sử Địa do một số thầy giáo dạy Sử Địa họp lại biên soạn hồi trước 1975 có số dẫn ra các ghi chép của các giáo sĩ Tây Phương về phong trào Tây Sơn. Giáo sư Mỹ Geroge Dutton cũng lấy tài liệu từ ghi chép của các giáo sĩ.

Các học sinh tiểu học, trung học tại miền Nam trước 1975 chỉ được dạy về chiến công phá quân Thanh của vua Quang Trung nhưng không dạy vào chi tiết là phong trào Tây Sơn tàn ác, đốt phá ra sao vì có quá nhiều chi tiết để học cho học sinh. Chỉ có những giáo sư chuyên nghiên cứu về sử thì biết các chuyện tàn ác, đốt phá của Tây Sơn. Nhưng điều này cũng không làm cho họ thay đổi cách nhìn về vua Quang Trung. Vua Quang Trung vẫn là người có công chống xâm lăng, lập được chiến công phá quân Thanh. Còn cách hành xử như tàn ác, bắt dân lao dịch thì được nhìn dưới con mắt đó là thực tế của đời sống là như vậy. Ông vua nào nổi lên, đánh nhau trong thời loạn cũng phải hành xử như vậy. Con người võ biền giỏi đánh trận nhưng cũng lại là người kém lòng nhân. Điều này các nhà Nho cũng biết vậy. Thời xưa người Trung Hoa có câu "Nhân giả nan tác tướng", nghĩa là người có lòng nhân khó mà làm tướng được.

Nói tóm lại, những chi tiết mà giáo sư Mỹ George Dutton đưa ra vào thời trước 1975, các giáo sư ở miền Nam nghiên cứu về sử cũng biết nhưng không vì thế mà có cái nhìn xấu về vua Quang Trung vì người giỏi đánh trận, chống lại được ngoại xâm là người khó tìm thấy trong lịch sử, nếu không có họ thì bị mất nước. Khi viết sử thì vẫn đề cao cái công của người có khả năng chống ngoại xâm. Còn những việc làm tàn ác thì không nói đến nhiều để cho mọi người noi gương tốt mà chống xâm lăng. Nếu có biết đến các điều tàn ác thì xem đó như là thực tế của xã hội loài người.

Minh Đức
2019.03.03






No comments:

Post a Comment