Saturday, July 16, 2022

Cuộc Đời Lưu Vong Của Một Người Mỹ Da Đen Say Mê Cộng Sản

 

Lovett Fort-Whiteman, chụp năm 1925 trong buổi ra mắt của tổ chức ANLC ở Mỹ
 
Khoảng giữa thập niên 1930’s, ông Fort-Whiteman, một người Mỹ Da Đen, say mê chủ nghĩa Cộng Sản, tự ý bỏ nước Mỹ sang Nga để sống lưu vong. Sau đo, cuộc sống lưu vong của ông  kết thúc trong đau thương, tủi nhục trên đất nước của Stalin. 

 

Mùa Xuân năm 1936, ông Lovett Fort-Whiteman, một người Mỹ gốc Phi châu ở Dallas , Texas , bỗng dưng biến mất khỏi thành phố, để sang sống ở Mạc Tư Khoa. Ông ta  sống ở nước Cộng Sản Liên Bang Xô Viết gần mười năm, trong một căn hộ chật hẹp. Lần gần nhất người ta thấy ông là khi ông đang sống với vợ, bà Marina , một cán sự hóa học, người Nga gốc Do Thái. Căn hộ của họ ở gần khu bin đinh Central Telegraph. Lúc bấy giờ ở Mạc Tư Khoa chỉ có khoảng năm sáu người Mỹ Đen sống thường xuyên tại đây. Trong đám người Mỹ gốc Phi châu ít ỏi này, ông Fort-Whiteman, 46 tuổi, là người nổi bật nhất. Ông thường đi đôi “bốt” cao đến gần  đầu gối, đầu đội chiếc nón bê rê bằng da màu đen, và mặc chiếc áo sơ mi dài phủ lưng, theo kiểu cán bộ Bolshevik. Một ký giả Da Đen ở Minneapolis, ông Homer Smith, bạn thân của ông Fort-Whiteman, đã viết về Fort-Whiteman như sau: “Anh ấy bắt chước lối trang phục, dáng điệu của các cán bộ chính trị Bolshevik, chẳng hạn như cạo trọc đầu, và với cái mũi nhọn trên mặt, trông anh ta giống như một tu sĩ Phật Giáo.”  

 

Lovett Fort-Whiteman (1889 - 1939)

 

Gần hai chục năm sau ngày Cách mạng Bolshevik thành công trên đất Nga, chế độ Cộng Sản ở Liên Bang Xô Viết  hứa sẽ tạo lập sự công bằng, bình đẳng, và nhân phẩm cho mọi công nhân lao động, và cho người nông dân. Ở Liên Bang Xô Viết, thành kiến về chủng tộc, màu da bị coi là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản bóc lột, và đối với điện Cẩm Linh, việc chống lại sự kỳ thị chủng tộc là một khẩu hiệu rất lớn dùng để tuyên truyền  chính trị. Trong hai thập niên 1920’s, 1930’s hàng chục nhân vật hoạt động chính trị Da Đen ở Hoa Kỳ đã bỏ nước Mỹ sang sống lưu vong ở Mạc Tư Khoa. Bất cứ nơi nào những người Mỹ Đen này đến, đều được người Nga dành ưu tiên, chẳng hạn như cho họ ưu tiên đứng xếp hàng trước, hay nhường ghế ngồi trên xe lửa…một cử chỉ mà tổ chức NAACP của Mỹ gọi là “quá lịch sự đến nỗi khiến chúng tôi phải lấy làm ngượng.”. Năm 1931, sau khi một nhóm con nít 9 thằng nhãi con Da Đen ở Scottsboro bị đưa ra tòa xử về tội hãm hiếp hai phụ nữ Da Trắng ở Alabama, đảng Cộng Sản Mỹ đã bỏ tiền, chạy luật sư biện hộ cho mấy chú lỏi này. Đảng Cộng Sản Mỹ tổ chức nhiều cuộc biểu tình ở các thành phố rải rác trên lãnh thổ Liên Bang Xô Viết để ủng hộ mấy cậu bé Da Đen. Hai năm sau, ca sĩ, kiêm diễn viên điện ảnh Paul Robeson sang thăm Mạc Tư Khoa, và tuyên bố một câu để đời: “Ở đây là nơi lần đầu tiên trong đời tôi có thể đi ngẩng mặt lên trời với nhân phẩm của một con người.”. Anh ta hết lời khen ngợi thủ đô Cộng Sản.  

Paul Robeson (1898 - 1976)

 

 Cuối cùng, ký giả Homer Smith đã viết được cuốn hồi ký tựa đề: “Black Man in Red Russian.” tạm dịch là “Một ngưới đàn ông Da Đen trên đất nước Nga Cộng Sản.”, trong đó nhà báo kể lại rằng ông Fort Whiteman là một trong “những người Da Đen sớm nhất thực hiện cuộc hành hương đến Mạc Tư Khoa để tôn thờ Chủ Nghĩa Cộng Sản.”. Ký giả Smith còn viết thêm rằng: “Ông Fort-Whiteman đã trầm mình, giao trọn cả  linh hồn cho chủ nghĩa Cộng Sản.”, với lời tâm sự tự đáy lòng. Ông tâm sự rằng khi về Hoa Kỳ rồi trở lại Mạc Tư Khoa “giống như đứa con đi xa trở về nhà.”. Mê chủ nghĩa Cộng Sản như ông Fort-Whiteman quả thực là đến mức độ cuồng si.  

Nhưng rồi vào khoảng giữa thập niên 1930’s, tâm lý mê say chủ nghĩa cộng sản của nhóm người Mỹ bỏ xứ ra đi bắt đầu phai nhạt. Năm 1934, một công chức cao cấp của nhóm Bolshevik tên là Sergey Kirov bị bắn chết ở Leningrad. Joseph Stalin dùng vụ ám sát này để lấy cớ tàn sát những nhân vật tài giỏi trong hàng ngũ đảng Cộng Sản. Ông ta đã dành ra nhiều năm để thanh trừng những kẻ đối lập, và củng cố quyền lực. Người nước ngoài  trước đây từng được đón tiếp nồng hậu nay trở thành những mục tiêu bị nghi ngờ. Ký giả Smith kể lại như sau: “Việc quét sạch những kẻ chống đối được làm hết sức tàn bạo và chóng vánh. Theo chỗ tôi được biết, hàng ngàn nạn nhân với tội trạng ở mức nhẹ đã bị thanh trừng hay biến mất mà không được xét xử.”.  

Ký giả Homer Smith (1909 - 1972), chụp năm 1932, 23 tuổi, lúc vừa mới đến Mạc Tư Khoa

 


Ông Fort-Whiteman trở thành một khuôn mặt mang những nét xung đột, mâu thuẫn. Ông ta có thể là một nhà mô phạm đáng kính. Ông Smith kể lại rằng ông ta tìm đủ mọi cách để giảng giải, nhồi sọ cho những người Mỹ gốc Phi châu rằng kỳ thị chủng tộc chính là một cuộc đấu tranh giai cấp, gây ra nhiều gian truân khổ ải cho người Da Đen.  

Một hôm, ông Smith ghé vào căn hộ của vợ chồng ông Fort-Whiteman. Gõ cửa một hồi lâu mà không có ai ra mở cửa. Cuối cùng người ra mở cửa là bà Marina. Ông Smith dùng đúng ngôn từ kinh điển của người Cộng Sản để hỏi thăm:” Đống chí Fort-Whiteman có nhà không hả chị?”. Bà Marina rõ ràng tỏ ra lúng túng, trả lời như sau: “Ông ấy không có nhà. Tôi xin ông từ nay đừng đến đây tìm ông ấy nữa.”. Với việc ruồng bố đang xảy ra lúc bấy giờ, ông Smith đoán ngay ra hậu quả như thế nào đối với bạn của ông. Ông viết như sau: “Tôi đã sống ở Nga khá lâu, và tôi hiểu rằng chuyện gì đã xảy ra đằng sau câu nói của bà Marina .”.  

Giống như nhiều người Mỹ gốc Phi châu thời đầu thế kỷ 20, cuộc đời của ông Fort-Whiteman bị ảnh hưởng bởi sự tàn bạo xảy ra trước cuộc nội chiến ở miền Nam. Cha của ông là cụ Moses Whiteman từng là nô lệ ở đồn điền tiểu bang North Carolina . Sau thời kỳ Tái Thiết, ông dời về sống ở Dallas , lấy một cô gái ở địa phương tên là Elizabeth Fort. Vợ chồng trẻ này có hai đứa con, con trai tên là Lovett sinh năm 1889, và con gái là Hazel. Khi cậu bé Lovett được 16 tuổi, cậu xin vào học trường đại học nổi tiếng dành cho người Da Đen ở tiểu bang Alabama, tên là Tuskegee Institute, lúc đó do ông Booker T. Washington làm Viện trưởng. Vài năm sau ông Moses qua đời, bà Elizabeth đem con gái, cô Hazel sống ở khu Harlem , New York . Cuối cùng cậu con trai Lovett cũng dọn về Harlem sống với mẹ và em gái. Cậu làm trong tiệm bán chuông, và làm thêm nghề phụ là diễn viên kịch trong rạp hát của người Da Đen.   

Vào giữa thập niên 1920’s, người thanh niên Fort-Whiteman đi sang Mễ Tây Cơ, không mang theo passport, đến thẳng tỉnh Yucatan để thăm. Lúc bấy giờ cuộc Cách Mạng Mễ Tây Cơ đang bùng phát rất mạnh, dân chúng muốn dẹp bỏ chính phủ, và phong trào xã hội công khai thách thức nhà cầm quyền lúc đó gồm giai cấp giàu có làm chủ nhiều đất đai, bất động sản. Bốn năm sau, Fort-Whiteman quanh trở về Harlem , khi đó, anh ta đã say mê chủ nghĩa Marxist, và trở thành tín đồ nhiệt tình.   

Ở nước Nga lúc bấy giờ là năm xảy ra cuộc Cách Mạng Tháng Mười. Năm đó Vladimir Lenin và những người cộng sản Bolsheviks lật đổ được Tsar Nicholas II (Sa Hoàng Đệ Nhị) tuyên bố thành lập một chế độ độc tài vô sản. Tại Hoa Kỳ, dư âm của cuộc cách mạng tháng 10 khiến cho chủ nghĩa Cộng Sản lôi cuốn được rất nhiều người di dân, và những người da màu thiểu số, bởi vì lúc đó hiếm có một triết lý chính trị nào hứa hẹn có thể đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người.  Glenda Gilmore, tác giả cuốn sách “Defying Dixie” cuốn sách viết về lịch sử phong trào đòi nhân quyền, xuất bản năm 2008, giải thích như sau: “Hồi đó, không có ai nhìn nước Nga Xô Viết bằng cái nhìn của những gì xảy ra dưới thời Stalin. Ai cũng cũng nghĩ nó rất đẹp đẽ, và lý tưởng. Họ không nhìn với ánh mắt ảo tưởng, mà suy nghĩ rất thực tế.”.   

Anh thanh niên trẻ tuổi Fort-Whiteman ghi danh xin học khóa huấn luyện về chủ nghĩa xã hội của trường Rand School ở một biệt thự trên đường East Fifteenth Street . Anh nói với ký giả của báo The Messenger  như sau: “Chủ nghĩa xã hội cho tôi giải pháp để cứu chữa những căn bệnh trầm kha về kinh tế đè nặng lên đầu người da màu.”. Tờ báo này là báo của người Da Đen ở Harlem , chuyên về văn chương và chính trị.  

Những năm sau đó, ông Fort Whiteman quanh trở lại với nghề diễn xuất, và bắt đầu viết những bài phê bình về kịch nghệ, viết tiểu thuyết để đăng trên tờ The Messenger . Truyện của ông viết có nhiều điều tưởng tượng phong phú, và thường mang nét bậy bả, bất chấp tín điều căn bản của tờ báo. Chẳng hạn như trong truyện “Wild Flower” “Bông Hoa Dại” ông kể về một phụ nữ da trắng ở miền Bắc tên là Clarissa, có dáng dấp thanh tú lịch sự, song lại gian díu với Jean, một thanh niên Da Đen miền Nam. Cô có bầu với người thanh niên Da Đen này, cô cố gắng che dấu sự ngoại tình của bình bằng cách tố cáo rằng chồng của cô có dòng dõi Da Đen.   

Sau khi Thế Chiến Thứ Nhất kết thúc, nhiều người lính trở về quê nhà khiến cho việc tranh dành việc làm và nhà ở trở nên khó khăn, và căng thẳng, xáo trộn xảy ra khắp nơi tại Hoa Kỳ. Riêng trong mùa hè năm 1919 xảy ra 26 vụ bạo động, biểu tình vì lý do chủng tộc. Tại Chicago, một thiếu niên Da Đen tình cờ chèo xuống trong khu vực chỉ dành cho người Da Trắng thuộc Hồ Michigan, bị người Da Trắng đang tắm gần đó ném đá, tấn công, để mặc cho cậu ta chết đuối trong hồ nước. Sau tai nạn này, hàng trăm cửa hàng kinh doanh, và nhà ở của người Da Đen trong khu Southside bị đốt cháy, thiêu hủy, và gần bốn chục người bị giết.  

Fort-Whiteman bắt đầu đi diễn thuyết, với hy vọng sẽ làm giảm căng thẳng, và biểu tình bạo động. Những buổi diễn thuyết của ông nằm trong chương trình Red Summer- Mùa Hè Đỏ. Ông đưa ra những lời kêu gọi giới trẻ Da Đen hãy vùng dậy để làm cách mạng. Một người chuyên phụ trách tổ chức nghiệp đoàn lao động ở Youngstown, Ohio đã hết lời ca ngợi Fort-Whiteman và ví ông như một “ánh đuốc soi đường giữa đám cỏ khô.” khi ông Fort-Whiteman kêu gọi được những công nhân Da Đen tham gia vào cuộc đình công của công nhân ngành thép. Nhưng ở St. Louis , ông chỉ lôi cuốn được một nhóm khán giả ít ỏi, và ông bị cảnh sát bắt giam. Tờ báo ở địa phương đăng tin là nhà chức trách đã bắt được “một thằng Cộng Sản Xô Viết ở St Louis .”.  

Ít lâu sau, Fort-Whiteman bị Cục Điều Tra để ý theo dõi. Cơ quan này là tiền thân của FBI. Tháng Hai năm 1924, một điệp viên của Cục Điều Tra, tên là Eral Titus trông thấy Fort-Whiteman đứng nói chuyện ở Chicago . Ông Titus là người da Đen đầu tiên được làm trong Cục Điều tra. Ông ta viết trong phúc trình như sau: “Ông ta nói với khán giả tham dự rằng ở đây chẳng có việc làm gì cho người Da Đen, cho đến khi nào người Da Đen đứng dậy làm cuộc cách mạnh như ở các nước khác.”. Ông Fort-Whiteman còn nói thêm: “Tôi sẽ đi nước Nga để học hỏi về làm cách mạng.”.  

Bốn tháng sau, ở tuổi 34, ông có cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Ông được chọn là đại biểu đi dự Đại Hội Cộng Sản Quốc Tế kỳ thứ Năm. Đây là cuộc họp mặt của các thành viên của Cộng Sản Quốc tế tổ chức tại Mạc Tư Khoa trong mùa hè.   

Khi đến Mạc Tư Khoa, ông Fort-Whiteman và các đại biểu tham dự Comintern, tên của tổ chức Cộng Sản Quốc Tế được mời đi thăm lăng Lenin, ở Quảng trường Đỏ. Người cha đẻ của Cách Mạng Xô Viết đã chết trước đó sáu tháng, và xác của ông ta được ướp, đem trưng bày tại đây, thu hút sự viếng thăm của những tín đồ khắp thế giới đi hành hương thăm quê hương khai sáng ra chủ nghĩa cộng sản. Stalin được bổ nhiệm là người lãnh đạo của Đảng, nhưng  ông ta chưa củng cố được quyền lực. Tình hình chính trị của nhóm Bolshevik lúc bấy giờ vẫn còn sơ khai, họ đang ồn ào tranh luận về tương lai của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Mọi thứ còn bỏ ngỏ, ai muốn dành cái gì thì cứ việc lấy, ngay cả việc đề ra chính sách của Comintern đối với người Mỹ gốc Phi Châu.  

 

Hình chụp một số người cộng sản từ các nước đến Liên Xô và hoạt động trong Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Ông Lovett Fort-Whiteman đứng ở ngoài cùng bên trái. Ông Hồ Chí Minh đứng thứ ba từ trái sang.



Trong một buổi hội thảo dành riêng về chủ đề “ câu hỏi về vấn đề dân tộc và chủ nghĩa thuộc địa”, ông Fort-Whiteman được giữ vai trò chủ tọa. Về phía khán giả, người ta thấy có Stalin, ông Palmiro Togliatti, chủ tịch đảng Cộng Sản Ý , và một thanh niên trẻ người Việt Nam, theo chủ nghĩa xã hội, tên là Hồ Chí Minh, anh ta đã đi đến Mạc Tư Khoa bằng một giấy thông hành giả của Trung Hoa. Fort-Whiteman bắt đầu diễn giải về chủ đề: “Hiện tượng di dân vĩ đại: Người Da Đen di cư hàng loạt lên miền Bắc không phải chỉ vì mục đích tìm cơ hội thăng tiến về kinh tế, mà còn biểu lộ sự đề kháng, chống lại sự hành hạ, ngược đãi của các chủ nô lệ ở miền Nam.”.  

Fort-Whiteman cho rằng vấn đề chủng tộc và giai cấp trùng lấp lên nhau, và chúng là nguyên nhân của những đàn áp đối với người Mỹ gốc Phi châu. Ông nói người Da Đen, Negroes, không phải bị đàn áp vì giai cấp xã hội, mà vì màu da, chủng tộc. Ông thừa biết khi nói đều này sẽ gây tranh cãi. Ông còn nói thêm: “Đối với người Cộng sản, vấn đề Negroes, người Da Đen là một vấn đế có tính chất tâm lý khá kỳ lạ,”.  

Đa số các sinh hoạt trong kỳ đại hội cộng sản quốc tế đều có vẻ thư dãi, vui chơi nhiều hơn là tranh luận chính trị. Các đại biểu được mời đi bằng tàu thủy trên sông Mạc Tư Khoa, và đi xem hòa nhạc dọc theo hai bên bờ sông. Sau ba tuần bế mạc đại hội, Fort-Whiteman quyết định ở lại  sống tại Mạc Tư Khoa. Ông là người gốc Phi châu đầu tiên được mời vào học trường đại học Phương Đông của Cộng Sản tên là Communist University of Toilers of the East (gọi tắt là K.U.T.V). Người Mỹ Da Trắng thì theo học ở trường International Lenin School , một trường đại học dành riêng cho sinh viên ngoại quốc ở Mạc Tư Khoa. Theo chính sách của Xô Viết người Mỹ gốc Phi Châu được xem là dân “thuộc địa”, nên họ phải học ở trường KUTV cùng với các sinh viên từ các nước bị làm thuộc địa như Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Dương và những nơi khác. (Hồ Chí Minh cũng là sinh viên ở trường này, và Đặng Tiểu Bình sau này trở thành lãnh tụ cộng sản Trung Hoa). Mỗi ngày sinh viên học về nước Nga trong 90 phút, sau đó, thời giờ còn lại đọc những bài viết về Cộng Sản.   

Mùa hè năm đó, Fort-Whiteman tham dự chuyến du lịch khắp nước Nga, bà Gilmore kể lại trong cuốn sách của bà rằng người dân thiểu số Cossack, ở Ukraine rất thích Fort-Whiteman, và họ vinh danh ông ta bằng cách đặt tên một tỉnh nhỏ của vùng Soviet Turkestan là Whitemansky. Trong văn khố tài liệu về tác giả W.E.B Du Bois còn giữ một lá thư do Fort-Whiteman viết. Trong đó, ông ca ngợi rằng Liên Bang Xô Viết là nơi nhiều dân tộc khắp nơi có thể sống “như một đại gia đình, cùng nhau chăm lo, và giúp đỡ lẫn nhau như những con người. Ông kể cho nhà văn Du Bois về những buổi tối cùng xem kịch với các bạn trong lớp ở trường đại học Phương Đông K.U.T.V, trình diễn ngoài trời,  trong rừng cây, ông ca ngợi: “Cuộc sống đẹp như một bài thơ.”.  

 Khi quanh trở lại mạc Tư Khoa, Fort-Whiteman sống trong một căn phòng của khách sạn   Hotel Lux. Tại đây ông viết một số lá thư gửi lên các cán bộ Cộng Sản cao cấp nhất. Tôi có dịp đọc được những lá thư này trong văn khố của Comintern, lưu trữ ở bin đinh năm tầng lầu, trước đây từng là Viện Nghiên Cứu Marx-Engels-Lenin. Bây giờ bin đinh đó vẫn còn, và ở ngay trung tâm Mạc Tư Khoa, đối diện với cửa tiệm Prada. Fort-Whiteman từng yêu cầu một đảng viên Bolshevik có rất nhiều quyền lực lúc đó là Grigory Zinoviev, lãnh tụ Comintern, xem có cách nào giúp đưa “những người Mỹ Da Đen bất mãn, đang sống ở Mỹ gia nhập vào phong trào cách mạng.”. Ông nhận thấy mặc dù người Mỹ gốc Phi châu là nhóm người bị đàn áp nặng nề nhất, song những tổ chức Cộng Sản Mỹ  chỉ làm việc lơ là để vận động lôi cuốn những người bị đàn áp này.Mặc dù rất nhiều công nhân Da Đen chưa hề đọc về lý thuyết Marx, họ bị xô đẩy chung vào tình trạng kỳ thị chủng tộc ở Mỹ. Ông đề nghị Đảng Cộng Sản cần phải :thực hiện việc quảng bá, dạy về chủ nghĩa Cộng Sản cho khối đông công nhân Mỹ Da Đen.”. 

Oliver Golden (1887 - 1940) chụp với vợ là Bertha. Oliver Golden là con một người nô lệ da đen.
 

Ít lâu sau, Fort-Whiteman trở về Chicago . Tại đây, ông thành lập Đại Hội Lao Động Da Đen Mỹ- American Negro Labor Congress (A.N.L.C) một diễn đàn nhằm quảng bá chủ nghĩa Cộng Sản trong giới công nhân Da Đen. Sau khi về Mỹ một thời gian ngắn, Fort-Whiteman gặp lại người bạn cũ Oliver Golden, ngày xưa học chung với nhau ở trường đại học Tuskegee Institute. Bây giờ Golden làm nghề tiếp khách, mang hành lý cho khách đi xe lửa. Oliver Golden vào khoảng trên 30, anh ta nhớ lại là đã thấy Fort-Whiteman mặc áo sơ mi kiểu người Nga, đi giày cao cổ, bước vội vàng trên hè phố. Oliver kể lại: Tôi hỏi anh ta: “Mày làm gì mà không thay quần áo mặc trên sân khấu ra? Đi ngoài đường má ăn mặc kỳ cục quá.”. Anh ta nói với Oliver rằng anh mới từ nước Nga trở về, và hỏi thăm Oliver có muốn đi học ở Mạc Tư Khoa không?. Lúc đầu, Oliver nghĩ rằng Fort-Whiteman chỉ nói đùa, anh không để ý. Nhưng vài tuần sau, Oliver đã xuống tàu vượt Đại Tây Dương để đi sang Nga.  

Năm đó, Fort-Whiteman đã gửi 10 sinh viên Da Đen sang học ở Đại Học Đông Phương – K.U.T.V. Ông ta viết cho giám đốc Đại Học Phương Đông: “Tôi tin chắc rằng nhà trường sẽ hài lòng về những thanh niên nam nữ tôi gửi sang học.”. Tờ báo Herald Tribune ở New York viết rằng Fort-Whiteman hy vọng những tuyển sinh của ông được chuẩn bị đầy đủ đề sau này khi về nước sẽ làm được việc. Ông dự tính sẽ lập ra một kiểu Đại học Đông Phương K.U.T.V ở khu Harlem với những khóa học về “Kinh tế và Chủ Nghĩa Đế Quốc” và “Lịch sử của Chủ Nghĩa Cộng Sản.”. Tờ báo lên tiếng cảnh cáo: “Ngọn lửa cách mạng Bolshevik, do Lenin khởi xướng, một thời đã đốt cháy Âu châu, bây giờ đang âm thầm len lỏi sang Hoa Kỳ qua dụng cụ tuyên truyền là đám Mỹ Da Đen.  

Harry Haywood, con của một gia đình nô lệ, từng phục vụ trong Trung Đoàn lính Da Đen thời Đệ Nhất Thế Chiến, phụ giúp Fort Whiteman tổ chức Đại Hội Lao Động Da Đen. (Anh trai của Harry là Otto từng được Fort-Whiteman thuyết phục sang Nga theo học trường Đại Học Đông Phương K.U.T.V. Trong cuốn hồi ký “Black Bolsheviks”, Haywood viết về Fort-Whiteman như sau: “Hiển nhiên ông ta là một kịch sĩ tài ba. Lúc nào cần ông ta cũng đóng trọn vẹn vai trò kịch sĩ của mình.”.   

Chiều tối ngày 25 tháng 10 năm 1925, khoảng năm trăm người tụ tập trong đại sảnh đường của một địa điểm được thuê sẵn trên đường Indiana Avenue , Chicago để tổ chức hội nghị thành lập Đại Hội Lao Động Công nhân Da Đen. (A.N.L.C). Chương trình đại hội do Fort-Whiteman hoạch định, bỗng dưng bị tan rã, không thành. Một thành viên trong vũ đoàn “Russian ballet” thực ra chỉ gồm toàn người Mỹ, đứng lên sân khấu lớn tiếng chửi rùa, nhục mạ khán giả bằng những lời miệt thị Da Đen, khiến mọi người hết sức kinh ngạc. Khán giả đứng ở dưới hô hào: “hãy tống cổ con đĩ ấy ra khỏi sân khấu.”. Vũ đoàn từ chối không chịu rút lui. Họ trình diễn một màn trong vở kịch múa của Pushkin. Tác giả Haywood kể lại rằng màn kịch múa rất khá, nhưng không liên hệ gì đến chủ đề công nhân Da Đen.  

Sau khi tổ chức xong đại hội, Fort-Whiteman bắt đầu chuyến đi diễn thuyết vòng quanh các thành phố kỹ nghệ ở nước Mỹ. Đi đến đâu, ông ta cũng mời ký giả đến dự để họ đăng báo. Nhưng nhìn chung báo giới không có nhiều cảm tình với việc rao giảng chủ nghĩa cộng sản của Fort-Whiteman. Ở Baltimore , tờ báo địa phương của người Mỹ gốc Phi châu viết: “Nếu đây là việc tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản, thì lạy Chúa hãy cho 12 triệu người Da Đen ở nước này được sơn màu đỏ để trở thành cộng sản.”. Báo chí của người Da Trắng thì hoài nghi và chê bai những buổi diễn thuyết tuyên truyền, năm 1925, một bài bình luận trên báo TIME gọi Fort-Whiteman là “Tên Cộng Sản đỏ từ đầu xuống chân trong số những người Da Đen.”.  

Fort-Whiteman chưa từng đi sâu xuống miền Nam , nơi có nhiều người Da Đen sinh sống. Việc tuyển mộ người vào Tổ Chức Đại Hội Lao Động Da Đen trở nên suy yếu. Một chỉ thị của Đảng Cộng Sản được tìm thấy trong văn khố của Comintern vạch rõ ra sự thất bại, và yêu cầu phải tìm hiểu cho rõ ai là người chịu trách nhiệm. Một viên chức cao cấp trong tổ chức Workers Party of America nói thẳng ra là tổ chức ANLC hoàn toàn xa cách với khối dân chúng Da Đen ở Mỹ.”.   

Năm 1927, Fort-Whiteman bị mất chức, không còn được làm người đứng đầu tổ chức ANLC nữa. Thế là là tham vọng của ông ta trở nên tiêu tan. Ông không thể thuyết phục được người Mỹ gốc Phi châu rằng cách mạng xã hội chủ nghĩa là phương tiện để chống lại sự kỳ thị chủng tộc, cũng như điều mà ông học hỏi được từ lý thuyết cộng sản ở Mạc Tư Khoa rằng việc người Mỹ gốc Phi châu bị đàn áp là vì lý do chủng tộc. Nhưng ông Fort-Whiteman vẫn không chịu từ bỏ đề tài này.  

Trong một bài viết đăng trên tài liệu chính thức của Comintern, ông ta viết: “Sự thù ghét về chủng tộc là một phần trong tâm lý của bọn da trắng khinh miệt giai cấp, tất cả các giai cấp của người Da Đen, negro race.”. Đề tài tranh luận về vai trò của chủng tộc và giai cấp đua đến sự tồn tại của tình trạng bất công cho đến nay vẫn tiếp tục trong số những nhà hoạt động, và  nhà tư tưởng thiên tả ngày nay. Tác giả Gilmore nói với tôi: “Ngày xưa người ta cho rằng ở Mỹ xung đột về chủng tộc đưa đến xung đột giai cấp. Ngày nay điều này vẫn còn đúng. Fort-Whiteman  và nhiều nhà hoạt động khác tranh luận về việc nên giải quyết vấn đề nào trước: chủng tộc hay giai cấp.”. Nếu chủng tộc là mộ thành tố tạo ra xã hội, thì cuộc cách mạng đem lại sự bình đẳng sẽ giúp giải quyết luôn sự bình đẳng về chủng tộc. Song tác giả Gilmore viết thêm rằng: Mặc dù là một người Cộng sản nhiệt tình, nhưng theo ông ta thì ở Mỹ đều quanh trở lại vấn đề Fort-Whiteman chẳng qua chỉ là một gã Mỹ Đen.”.   

Trong hồ sơ lưu trữ của Comintern, chúng tôi đọc được lời “nhận định” rằng sau này các đồng chí của Fort-Whiteman cảnh cáo bài tiểu luận của ông có tính chất “phiến diện” và có lẽ Fort-Whiteman có thể đang chuyển biến tư tưởng từ một người Cộng Sản sang tư tưởng của một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc nhỏ bé.   

Tại đại hội Cộng Sản Quốc tế kỳ thứ Sáu, tổ chức vào mùa hè năm 1928 có một cuộc tranh luận quan trọng về chủ đề làm cách nào để kích động cuộc cách mạng kiểu Cộng Sản trong khối người Mỹ gốc Phi châu. Một số người trong Đảng đề nghị nên thu dụng những người làm ruộng chia, và công nhân trong nghề nông ở miền Nam . Nhưng Fort-Whiteman là một đại biểu vừa từ Mỹ trở lại Mạc Tư Khoa lại đề nghị là nên chờ cho Cuộc Di Cư Vĩ Đại Xảy ra. Đó là việc tổ chức những người lao động da Đen ở khu thành thị thành khối dân vô sản lớn trong các xưởng sản xuất ở nhiều thành phố miền Bắc. Quan điểm của ông ta lại giống với quan điểm của Nikolai Bukharin, chủ nhiệm tờ báo Pravda .Ông này cho rằng chủ nghĩa tư bản đang thời kỳ thắng thế, cách mạng trên toàn thế giới sẽ phải tạm thời hoãn lại. Dĩ nhiên, Stalin không đồng ý với ý tưởng này.   

Mặc dù Fort-Whiteman có tư tưởng đi ngược lại đường lối của chủ nghĩa Cộng Sản dòng chính liên quan đến chủ đề “người Da Đen”, song trong lòng ông ta vẫn phấn khởi, và sung sướng khi sống ở Liên bang Xô Viết. Ông ghi tên theo học về  môn “Dân Tộc học” tại trường đại học Moscow State University, và ở suốt một mùa hè tại vùng Murmansk, một vùng gần bắc cực để nghiên cứu về ảnh hưởng của chất hydrogen đông đặc đối với những chất liệu trong loài  cá. Tờ báo Moscow Daily News, một tờ báo viết bằng tiếng Anh, mướn ông vào làm việc.  Những bài viết của ông hết sức đa dạng, đủ mọi đề tài, thể loại, từ phương pháp trị liệu bằng phóng xạ đến phương pháp trị liệu bằng nước nóng của người miền Tây Siberia. Trong một lần được phỏng vấn, ông Fort-Whiteman đã nói với báo Defender ở Chicago rằng: “Liên Bang Xô viết là nơi người da Đen có thể đóng góp phong phú vào văn hóa của loài người, và họ không bị giới hạn vì sự kỳ thị màu da.”.  

Trong cuộc sống lưu vong ở Nga, ông đã kết hôn với Marina , một cán sự hóa học ở tuổi gần 30. Theo ông Smith, mặc dù vốn tiếng Nga của ông Fort-Whiteman rất sơ đẳng, và tiếng Anh của cô Marina cũng không khá cho lắm, nhưng hai người đã được nhà chức trách Xô Viết cho phép mở trường tiếng Anh để dạy cho con em của công nhân ngoại quốc. Ông Fort-Whiteman đảm nhận vai trò giáo sư dạy môn khoa học. Trong một lần đến thăm trường, nhà thơ Nga nổi tiếng Yevgeny Dolmatovsky đã sáng tác một bài thơ hết lời ca ngợi Fort-Whiteman một người Đồng chí Da Đen tuyệt vời.  

Fort-Whiteman sốt sắng trong việc dạy dỗ những trẻ em người Mỹ gốc Phi Châu sống ở Mạc Tư Khoa. Ông thường tổ chức những bữa ăn trưa ngay tại nhà của ông để đãi học sinh. Ông dạy họ rất nhiều về chủ nghĩa Marxism, và khoe với họ rằng ông quen nhiều nhân vật cao cấp của Bolshevik, chẳng hạn như Bukharin, và Karl Radek, một người Cộng Sản Áo gốc Do Thái, từng làm bí thư trong Comintern. Ông cũng thường xuyên nhắc nhở họ về thân phận Da Đen của mình. Nhiều khi màu da đó không được ưu đãi trong chính quyền Cộng Sản lúc đó. Một người khách nói với ông Fort-Whiteman rằng nếu ông e ngại điều này, có lẽ ông nên về miền Nam nước Mỹ để sống. Ông Smith viết như sau: “Những khách đến ăn trưa nhà ông Fort-Whiteman chỉ thích ăn uống cho no say, họ chẳng hề tiêu hóa những điều ông nhồi sọ về chủ nghĩa cộng sản.”.  

Năm 1931, một công ty sản xuất phim, được sự tài trợ hùng hậu về tiền bạc của Comintern để thực hiện cuốn phim: “Black and White” miêu tả những vấn đề về chủng tộc ở Mỹ. Cuốn phim được quay lấy bối cảnh ở Birmingham, Alabama trình bày sự cực khổ của công nhân da đen trong nhà máy sản xuất thép, của vú em da đen hầu hạ trong các gia đình da trắng giàu có. Ông Fort-Whiteman được tuyển làm cố vấn cho việc viết kịch bản. Một số tài tử  Hoa Kỳ nổi tiếng tỏ ý muốn tham gia vào phim này. Langston Hughes tham gia với tư cách một nhà văn.  

Langston Hughes (1901 - 1967)
 

Sáng sớm ngày 14 tháng Sáu năm 1932 hai mươi hai học sinh, thầy giáo, tài tử, văn sĩ Da Đen rời New York để đi đến Đức bằng chuyến tàu Europa, và sau đó đáp xe lửa đến Mạc Tư Khoa. Fort-Whiteman đón họ ở sân ga xe lửa và mở tiệc mừng họ đến nước Nga. Đây là nhóm người Mỹ gốc Phi châu lớn nhất trong thành phố từ trước đến nay. Sau này, ông Hughes kể lại rằng buổi tiếp đón ấy có giá trị tinh thần rất lớn. Ông viết: “Hiển nhiên là đồng chí Fort-Whiteman trông không giống như một đứa con mồ côi trở về nhà.”.  

Những người du khách Mỹ đó lưu lại khách sạn Metropol Hotel trong vài tuần. Ở đó, họ nhảy đầm, ăn nhậu, làm tình, và yêu nhau. Một người trong họ yêu một phụ nữ Nga. Anh sinh viên mỹ thuật Mildred Jones bị một viên chức Bộ Ngoại Giao Nga theo dõi rất sát. Ông Smith kể thêm rằng có một đôi nhân tình mải mê yêu nhau trên tàu đến nỗi suýt nữa bị chìm xuống sông.   

Fort-Whiteman giúp thảo ra kịch bản cho cuốn phim “Black and White”. Trong văn khố của Nhà Nước Nga, chúng tôi tìm thấy một bản nhận định về cuốn phim này do nhà sản xuất phim Xô Viết nổi tiếng Boris Barnet viết. Ông nhận định rằng: “Cuốn phim này cố gắng miêu tả quá trình lịch sử của chế độ nô lệ ở Mỹ. Họ đã hành hạ người Da Đen như thế nào. Đó chính là một phần trong kế hoạch bóc lột của hệ thống tư bản.”.  

Nhà văn Hughes lãnh trách nhiệm duyệt xét lại bản thảo, ông nói rằng ông lấy làm ngạc nhiên về những gì ông đọc được. Ông cười vang, rồi lại khóc. Có một số kết cấu trong phim hầu như không thể nào xảy ra được. Ví dụ con trai của nhà kỹ nghệ da trắng ngỏ lời mời cô hầu gái Da Đen khiêu vũ với cậu ta. Hay trường hợp một nhà tư bản âm mưu dẹp bỏ thái độ hận thù vì chủng tộc bằng cách biện minh rằng nhờ có thù ghét nhau vì chủng tộc, nên tránh được những xung đột khác.  

Cuốn phim “Black and White” là một thành quả mà ông Fort-Whiteman ôm ấp cả đời để làm cho được. Ông Smith viết: “Ông ta là một nhà trí thức Da Đen và quá mê say giáo điều cộng sản đến nỗi ông ta mất hẳn liên hệ với về nước Mỹ.” Ông Hughes thì nói với những người Xô Viết chủ trương cuốn phim rằng bản thảo của cuốn phim không nên giữ lại để làm gì.  

Cuối cùng thì dự án thực hiện cuốn phim “Black and White” hoàn toàn bị hủy bỏ không liên quan gì đến ông Hughes và ông Fort-Whiteman. Mùa thu năm 1933, sau nhiều năm thương thuyết, cuối cùng Hoa Kỳ đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với chế độ cộng sản Xô Viết. Với thỏa thuận này, Stalin hy vọng có thể vay được tiền của chính phủ Hoa Kỳ để mua máy móc, trang thiết bị thực hiện Kế Hoạch Năm Năm của ông đề ra. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng nhằm canh tân ngành kỹ nghệ, và hạ tầng cơ sở nước Nga. Đổi lại, Điên Cẩm Linh phải cam kết giới hạn tối đa những  hoạt động tuyên truyền chống lại Mỹ. Dự án làm cuốn phim “Black and White” bị hủy bỏ trước được đem ra đóng thử. 


Vào giữa thập niên 1930, Stalin đã hoàn toàn dẹp tan những chống đối nội bộ liên quan đến mục tiêu và tốc độ thực hiện chế độ Cộng Sản ở Nga. Mạng lưới công an mật vụ của Stalin, gọi tắt là NKVD bắt giam và lưu đầy nhiều Đảng Viên trung thành với đảng Cộng Sản. Họ bị đưa đến những trại lao động cải tạo hẻo lánh xa xôi gọi là  Gulag- Quần Đảo Ngục Tù. Ông Smith bắt đầu hoài nghi về chế độ Cộng Sản Xô Viết, ông tự hỏi: “Liệu có nên đánh đổi một xã hội công bằng cho mọi người bằng một chế độ sống trong nghi kỵ, và sợ hãi?”.  

Thậm chí ngay cả ông Fort-Whiteman cũng bắt đầu hoài nghi chế độ cộng sản dưới thời Stalin. Ông tâm sự với ông Smith rằng ông sợ rằng Stalin sẽ đưa đất nước Nga xa lìa những tinh túy của cuộc Cách Mạng Vô Sản. Tháng Mười năm 1933, ông gửi một lá thư cho trụ sở chính của Đảng Công Nhân Mỹ – American Workers Party- ở New York . Ông viết: “Tôi muốn quay trở về Mỹ.” trong đó ông liệt kê mình đã từng làm giáo sư thuyết giảng cho trường của Đảng Công Nhân trên đường East Fourteenth. Nhà chức trách Xô Viết theo dõi mọi thư từ của người nước ngoài sống ở Mạc Tư Khoa, và bức thư của Fort-Whiteman bị bắt gặp trước khi ông ta rời Nga về Mỹ. Tôi tìm thấy trong văn khố về người Mỹ Anglo-American của Comintern một mảnh giấy viết tay của một quan chức cao cấp. Ông ta ra chỉ thị cho người phụ tá phải mời ông Fort-Whiteman đến để làm việc. Đơn xin rời nước Nga của Fort-Whiteman bị từ chối.   

Những tài liệu thu thập về thư từ, hoạt động của Fort-Whiteman tới tấp được gửi về, trở thành một hồ sơ dày cộm. Việc ông ta thường xuyên tổ chức nhóm họp không chính thức tại apartment của ông là một hành động đáng nghi ngờ. Theo họ thì việc thuyết giảng những giáo điều cộng sản là việc làm độc quyền của Đảng Cộng sản, Fort-Whiteman rao giảng những điều lạc hậu, sai lầm về chủ nghĩa cộng sản. Từ nay, ông ta bị cấm tuyệt không cho giảng dạy về lý thuyết cộng sản.   

Trong giai đoạn thanh trừng, những bất đồng ý kiến về ý thức hệ, hay những chỉ trích về tính quan liêu của guồng máy cai trị thường pha lẫn những phiền hà, chê trách cá nhân. Tháng Tư năm 1935, tại Câu Lạc Bộ Công Nhân Ngoại Quốc, ông Fort-Whiteman đứng chủ trì cuộc thảo luận với chủ đề: “Phương cách xử thế của những người Da Trắng”. Đây là tài liệu gồm nhiều truyện ngắn của của nhà văn mô tả thái độ kỳ thị chủng tộc, và những chèn ép về kinh tế thường xảy ra. Có lẽ vì bị cấm thực hiện cuốn phim “Black and White” nên Fort-Whiteman nói rằng những truyện ngắn của Hughes không phải là tài liệu tuyên truyền, mà là những áng văn chương, nghệ thuật.   

William Patterson (1891 - 1980)
 

Trong số khán giả đến nghe Fort-Whiteman thuyết giảng đêm hôm đó có ông William Patterson, một tay Cộng Sản Da Đen nổi tiếng, và cũng là một luật sư hàng đầu về nhân quyền. Ông này từng đi từ Harlem sang thăm Mạc Tư Khoa trước đó vài tháng. Patterson có ý không hài lòng với luận cứ của Fort-Whiteman. Ông cho rằng ông Fort-Whiteman chỉ mượn cớ giới thiệu truyện của Hughes để mở cuộc tấn công thẳng vào Comintern về chủ đề liên quan đến người Da Đen. Ông đề nghị phải gửi Fort-Whiteman đi làm việc ở nơi nào mà sự tiếp xúc với các đồng chí Da Đen không thể có được.  

James Ford (1893 - 1957), bên phải, trong bích chương tranh cử tổng thống năm 1940 của đảng Cộng Sản Mỹ.

 



Mùa hè năm đó, trong Đại Hội Comintern kỳ thứ Bảy, một số đại biểu Mỹ gặp nhau để bàn luận về việc ông Fort-Whiteman đã hướng dẫn sai lầm nhiều đồng chí Da Đen. Đại hội giao trách nhiệm tìm hiểu vấn đề này cho hai đồng chí Patterson và James Ford. Ông Ford này là một người Cộng Sản Da Đen nổi tiếng, từng ra tranh cử Phó Tổng Thống Hoa Kỳ trong liên danh của Đảng Cộng sản Mỹ. Trong ít tháng theo sau, ông Patterson liên tiếp gửi rất nhiều thơ đến Comintern kết án ông Fort-Whiteman là phần tử hư đốn, xấu xa lên tiếng chống Đảng chỉ vì quá vướng bận với chủ đề người Da Đen.  

Một khi đã bị liệt là thành phần không đáng tin cậy, sau đó thì sẽ có rất nhiều tài liệu, chứng từ cho thấy đương sự quả thực đáng nghi ngờ. Tôi có dịp đọc một tài liệu mật ghi lại rằng: “Một điềm chỉ viên đã từng nghe Fort-Whiteman nói rằng Comintern bàn luận toàn là những “đề tài rỗng tuếch” và “Stalin trong cuộc cách mạng Bolshevik chỉ là một tay “con nít” không có tầm quan trọng. Fort-Whiteman còn cho rằng chính ông mới xứng đáng làm “lãnh tụ của nhân dân”, ông sẽ trở về Hoa Kỳ lập ra một phong trào của những người Mỹ gốc Phi châu để làm cuộc cách mạng, ngoài tầm ảnh hưởng của Xô Viết.   

Đọc lại những việc làm bị coi là sai trái của Fort-Whiteman, tôi hình dung ra hình ảnh ông ta đang đi lang thang trong thành phố Mạc Tư Khoa, đầu óc luôn luôn bận rộn suy nghĩ đến công việc. Ông ta đang cố gắng sắp xếp về ý tưởng cần nói trong bài diễn thuyết sắp tới, bài giảng trong trường, hay dự tính đi du thuyết, và tham dự vào việc đóng kịch. Nói chung ông là hình ảnh của một trí thức theo xu hướng xã hội hết sức bận rộn trong việc du thuyết, rao giảng, nhưng tinh thần luôn luôn phấn chấn, hăng say vì lý tưởng của mình. Đó lại là những điều ông không thể làm được ở nơi sinh quán của ông. Mùa xuân năm 1936, khi ông được lệnh phải trình diện trụ sở chính của Sở Mật Vụ, NKVD, ở quảng trường Lubyanka Square, với tinh thần phấn chấn như vậy, làm sao ông có thể tưởng tượng ra nổi sự ác độc của đất nước ông mới xin nhận làm quê hương đối xử với ông? Vào lúc ông Homer Smith đến nhà gõ cửa tìm ông thì ông đã bị tống đi lưu đày nơi hẻo lánh xa xôi.  

Sau khi chế độ cộng sản Xô Viết sụp đổ, nhiều tài liệu trong văn khố của nước Nga bỗng dưng được giải mật. Ông Alan Cullison, ký giả làm việc cho hãng thông tấn AP ở Mạc Tư Khoa thời thập niên 1990’s đã chịu khó dùng nhiều thời giờ tìm hiểu về số phận của những người Mỹ sống ở Liên Bang Xô Viết.  Trong hồ sơ tài liệu của Đảng Cộng sản, ông  tìm thấy hồ sơ về Fort-Whiteman, cho biết ông này bị đưa đi lưu đày ở Semipalatinsk , một tỉnh hẻo lánh ở phía đông nước Kazakhstan Xô Viết. Cuộc sống lưu đày ở đây vô cùng khó khăn, cực khổ, nhưng ông Fort-Whiteman đã cố gắng xoay sở sống qua ngày. Ông tìm được việc làm là dạy ngoại ngữ, và dạy đánh quyền anh. Ông lôi cuốn được khá đông người địa phương ưa thích thể thao.   

Tình hình ở Mạc Tư Khoa lúc bấy giờ khá căng thẳng, cuộc thanh trừng đẫm máu lên đến hồi cao điểm. Radek, cựu bí thư của Comintern tuyên bố rằng tất cả những kẻ phản bội phải đưa đi lưu đày trong trại lao động tập trung. Radek trước đây từng là người thầy bảo bọc cho Fort-Whiteman. Tên Bukharin bị xử tử hình sau khi khi cung khai gian dối trong một phiên tòa xử. Ngày 16 tháng 11 năm 1937, một tiểu đội đi bắt người của Sở Mật Vụ NKVD đến căn hộ của Fort-Whiteman ở vùng Semipalatinsk để bắt ông đem đi. Một nhà nghiên cứu của trường đại học Pittsburgh , ông Sean Guillory, chuyên nghiên cứu về tài liệu thu âm liên quan đến người Mỹ gốc Phi châu đến sống ở Liên Bang Xô Viết vào thời gian đầu, đã tìm được lý do vì sao ông Fort-Whiteman bị mật vụ đến bắt đi. Hồ sơ vụ bắt giữ này có ghi lại lời khai của một thanh niên trẻ được Fort-Whiteman nhận làm học trò để dạy đánh quyền anh. Người học trò đó khai rằng ông Fort-Whiteman khuyên học sinh nên đọc những áng văn chương nước ngoài, học đánh quyền anh, kiếm được rất nhiều tiền, sau đó đi du lịch khắp Liên Bang Xô Viết, hay xuất ngoại.   

Trong vài tháng sau ngày bị mật vụ bắt, ông Fort-Whiteman bị giam trong nhà tù ở Semipalatinsk, trong lúc một “hội đồng đặc biệt”  của Sở Mật Vụ được thành lập để quyết định về số phận của Fort-Whiteman. Văn phòng Công tố ở Kazakh gửi cho tôi xem một bản sao về kết quả vụ án. Tài liệu cho biết vào tháng tám năm 1938, ông Fort-Whiteman bị quy kết một số tội trong đó có tội xúi dục chống lại nhà nước Liên Xô, nói xấu Đảng, nuôi dưỡng tinh thần phản động. Ông ta bị kết án năm năm trong trại lao động cải tạo.   

Địa điểm lao động cải tạo được chỉ định dành cho Fort-Whiteman là Kolyma , một vùng Viễn Đông xa xôi mà nhà văn Aleksandr Solzhenitsyn miêu tả là “cực kỳ rét lạnh và ác độc”. Fort-Whiteman được đưa vào toán lao động có tên là Sevvostlag. Tù cải tạo trong nhóm này có nhiệm vụ đào mỏ vàng và đặt đường rầy xe lửa. Tù nhân chỉ được mang giày bốt và áo lạnh mỏng trong lúc phải làm việc với cái lạnh 50 độ dưới zero.

Làm việc sau vài tháng, Fort-White đối sức không thể lao động đủ chỉ tiêu, nên khẩu phần ăn của ông ta bị cắt giảm. Bọn cán bộ coi trại tù thường xuyên đánh đập ông hết sức tàn nhẫn. Một con người từng có sức sống linh hoạt, sung sức như ông trước bây giờ trở thành tiều tụy suy tàn đến mức chỉ còn chờ chết, tiếng dùng trong trại cải tạo là dokbodhgaya.  

Không một người trong số bạn của ông ở Mạc Tư Khoa biết rõ chuyện gì đã xảy ra cho ông ta về sau. Trong số những bạn của ông có ông Robert Robinson, một người Mỹ gốc Phi châu làm nghề chế tạo dụng cụ cơ khí. Ông này là cư dân ở Detroit được tuyển sang làm việc ở Liên Xô trong chuyến công tác của hãng xe hơi Ford. Cuối cùng ông Robinson ở lại sống ở Liên Xô trong hơn bốn chục năm. Trong cuốn hồi ký của ông, ông kể lại rằng ông đã gặp một người bạn ở Mạc Tư Khoa, ông này từng ở tù cải tạo chung với Fort-Whiteman ở Kolyma . Người bạn kể lại rằng: “Ông Fort-Whiteman đã chết vì thiếu ăn, đói mệt, thiếu dinh dưỡng, đói lả. Răng của ông ta gãy hết không còn cái nào cả.”  

Tài liệu sau cùng về hồ sơ rất dài của ông Fort-Whiteman là mảnh giấy khai đã phai màu để trong văn khố ở kazakhstan . Cái xác đông lạnh của Fort-Whiteman được đưa đến bệnh viện ở Ust-Taezhny vào nửa đêm ngày 13 tháng Giêng năm 1939. Đây là bệnh viện dã chiến lập ra ngoài cánh đồng tuyết trắng xóa. Nguyên do chính thức của cái chết đề trong giấy khai tử là “Suy tim mạch, đột quỵ”. Fort-Whiteman là người Mỹ gốc Phi châu duy nhất chết trong trại cải tạo Gulag của Nga Xô. Song chính cái chết của ông ta vào giờ chót nói lên sự khác biệt với những người tù khác. Ông ta được chôn trong nấm mồ chôn tập thể với hàng ngàn bạn tù khác  có chung một số phận.  

Nguyễn Minh Tâm  dịch theo THE NEW YORKER  25/10/2021   


Nhật báo Calitoday, California, Hoa Kỳ
https://www.baocalitoday.com/giao-duc-gia-dinh/cuoc-doi-luu-vong-cua-mot-nguoi-my-da-den-say-me-cong-san.html?fbclid=IwAR2O3l3IKkV5fym8T7fSEmPARmERjBqopq8p3ul-M4YoY9gnXoT6fOb4wjQ


Bình Luận:

Lúc đầu, khi Lenin còn cầm quyền thì những người Mỹ sang Liên Xô sống còn được tương đối tự do. Họ được tự do phát biểu và mọi người tin tưởng vào chủ nghĩa Cộng Sản, được phép phát biểu theo cách riêng của mình. Khi Joseph Stalin lên cầm quyền thì từ thập niên 1930 trở đi, chế độ Liên Xô trở nên khe khắt, mọi người chỉ được nói giống như những gì chính quyền nói mà thôi, dù là phát biểu phù hợp với chủ nghĩa Cộng Sản mà khác với chính quyền thì cũng không được.

Vào thập niên 1930, nhiều người Tây Phương tin tưởng chế độ tại Liên Xô thực hiện đúng như chủ nghĩa Mác và có đời sống tự do, no ấm tốt đẹp hơn Mỹ. Nhiều người Mỹ sang Liên Xô sống rồi thì họ thấy đó là chế độ mất tự do. Muốn quay về Mỹ thì khó khăn vì Mỹ sợ họ là cán bộ cộng sản được Liên Xô huấn luyện để trở về hoạt động tại Mỹ.

Đại sứ quán Mỹ ở Liên Xô đòi hỏi người Mỹ nào muốn trở về Mỹ phải chứng minh mình là người Mỹ bằng cách đưa ra đồng một đô la Mỹ bằng giấy. Đô la Mỹ lúc đó rất hiếm ở Liên Xô. Chỉ có người nào từ Mỹ sang sống mới có thể có đồng đô la Mỹ. Có người không còn đồng đô la để xuất trình thì bị từ chối, không cho trở về Mỹ. Có người vừa từ tòa đại sứ Mỹ trở ra thì bị mật vụ Nga bắt đưa đi tù ở Siberia ngay lập tức vì tội muốn đi nước ngoài.

Người Tây Phương tin vào thuyết Mác Xít khác với người Nga vì văn hóa khác với người Nga. Người Tây Phương coi trọng lý luận nên họ nhìn thuyết Mác Xít theo cách phù hợp với lý luận trong khi người Nga lý luận kém và dùng bạo lực bắt dân phải tin. Người Tây Phương coi trọng sự tự do phát biểu, không xem khác ý kiến là có tội trong khi người Nga không cho phép dân khác ý kiến với chính quyền. Do đó những người sống ở Tây Phương tin vào thuyết Mác Xít khi sang xứ cộng sản thấy mình lạc vào một thế giới không giống như mình tưởng. Đó cũng là trường hợp Trần Đức Thảo từ Pháp trở về miền Bắc. Số phận của Trần Đức Thảo cũng khốn khổ như ông này. Có lúc chính quyền muốn giết nhưng không dám ra tay giết vì sợ bị mang tiếng với người cộng sản Pháp đã tìm cách cô lập Trần Đức Thảo để cho chết đói. Nhưng có người lén thảy thức ăn cho Trần Đức Thảo.


No comments:

Post a Comment