Saturday, November 5, 2022

Hiện tượng "Báo Hóa" mạng xã hội


"Báo Hóa" trên mạng xã hội là người dân cũng tham gia vào thông tin trên mạng xã hội. Nhà nước không còn độc quyền thông tin nữa. Báo Hóa là tốt hay xấu, có đáng lo ngại hay không?

Nếu nhà nước chỉ thuần túy thông tin thì dân tham gia vào thông tin cũng không có vấn đề gì quan trọng khi ai cũng chủ ý là đăng sự thật. Tại nhiều nước, nhà nước có đài phát thanh, truyền hình của nhà nước, trong khi dân vẫn được tự do ra báo. Trong trường hợp nhà nước và dân đều chủ ý là loan báo sự thật thì báo chí tư nhân hay mạng xã hội có thể vạch ra cái sai trong bản tin của nhà nước. Đài phát thanh của nhà nước có thể là nguồn tin đáng tin cậy khi có báo chí hay tin trên mạng nào cố tình đăng tin sai lạc.

Còn nhà nước độc quyền thông tin mà thật ra là tuyên truyền để ảnh hưởng đến dân, để dân suy nghĩ theo cách chính quyền muốn thì "Báo Hóa" sẽ làm cho nhà nước tuyên truyền kém hữu hiệu vì dân được đọc tin tức từ nhiều nguồn. Trong trường hợp này, nhà nước vẫn có thể gây ảnh hưởng đến tư tưởng quần chúng qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí của nhà nước nhưng đến một mức độ nào đó. Nhưng nhà nước không thể đi quá xa mà nói ra các luận điệu quá vô lý hay đưa ra các bịa đặt dối trá vì báo chí tư nhân và mạng xã hội sẽ vạch ra các dối trá.

Nếu nhà nước có chính sách chủ ý là không ngại dùng sự sai lạc, bịa đặt để tuyên truyền miễn sao làm cho dân nghĩ theo cách nhà nước muốn thì "Báo Hóa" rất tai hại cho nhà nước vì dân cũng đăng tin tức thì sẽ làm mọi người biết nhà nước nói dối, bịa đặt, sự tuyên truyền của nhà nước mất đi nhiều tác dụng.

Việc xem "Báo Hóa" mạng xã hội là có lợi hay có hại là tùy theo nhà nước trung thực đến mức nào trong việc thông tin. Nhà nước càng có chủ ý dối trá thì việc "Báo Hóa" mạng xã hội hay cho dân có báo chí tư nhân là điều nhà nước cảm thấy là nguy hại cho chính sách thông tin của mình.

Minh Đức

2022.11.05

2 comments: