Friday, February 26, 2010

Hiểu Thế Nào Là Tách Đảng Ra Khỏi Nhà Nước

 Minh Vũ Hồ Văn Châm

Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là phục hồi tinh thần thượng tôn pháp luật và xây dựng một hệ thống pháp luật thỏa đáng. Tinh thần thượng tôn pháp luật cần được tôn trọng từ phía những người cầm quyền lẫn từ phía những người thuộc thành phần bị trị. Xây dựng hệ thống pháp luật thỏa đáng là phát triển một hệ thống luật lệ vô tư, công bằng, trong sạch, và hữu hiệu, về cả hai lãnh vực lập pháp và lập quy, trong khuôn khổ hiến định. 


Hiểu Thế Nào Là Tách Đảng Ra Khỏi Nhà Nước

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Tác giả đã nhiều lần đề cập đến vấn đề ‘Muốn có Dân Chủ ở Việt Nam phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước’. Đảng đây là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhà Nước đây là Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đó là hai hệ thống quyền lực song hành đang thống trị nhân dân Việt Nam.

Sự trình bày của tác giả liên quan đến vấn đề này thường không đi vào chi tiết như là một kế hoạch hay một chương trình hành động giai đoạn, mà chủ yếu là để đưa ra một đòi hỏi tiên quyết làm tiền đề cho đề cương dân chủ hóa chế độ chính trị hiện thời tại Việt Nam. Trong vòng dăm bảy tháng tới đây, Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ lại họp Đại Hội. Mọi người đang theo dõi hành trạng những người lãnh đạo cộng sản để đo lường mức độ biểu hiện ý muốn cải tiến chế độ chính trị hiện hành. Mặt khác, trong mấy tháng gần đây đã xẩy ra nhiều sự kiện liên quan đến vấn đề Dân Chủ cho Việt Nam, nào là sự hiện diện của một số nhân vật ‘đối lập’ tại buổi tiếp tân mừng Độc Lập của Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn, nào là cuộc Họp Mặt Dân Chủ 2005 của các nhà ‘đấu tranh dân chủ’ ở khắp nơi tụ về Nam Cali, nào là lời đề nghị họp bàn tròn ‘Tiểu Diên Hồng’ 3 bên của Hoàng Minh Chính. Những sự kiện này đã làm xôn xao dư luận, gây nên nhiều tranh cãi, nhưng gần như tuyệt đối không có tiếng nói nào nêu lên cốt lõi của vấn đề là hiện thời mọi rối rắm đều phát sinh từ sự kiện Đảng Cộng Sản phủ lấp Nhà Nước. Vì vậy, bài này xoáy trọng tâm vào việc trình bày cho bạn đọc hiểu rõ ý của tác giả khi nêu lên vấn đề cốt lõi đó: muốn có Dân Chủ phải tách Đảng ra khỏi Nhà Nước. Nói khác đi, mời bạn đọc hiểu thế nào là tách Đảng ra khỏi Nhà Nước để có Dân Chủ tại Việt Nam.

Trước hết, việc đòi hỏi tách Đảng ra khỏi Nhà Nước không nhất thiết đồng nghĩa với việc đòi hỏi giải thể Đảng Cộng Sản. Trong tình huống Việt Nam hiện nay, không thể có chuyện tự tay những người lãnh đạo cộng sản giải thể Đảng Cộng Sản. Cũng chưa thể có khả năng xẩy ra một cuộc can thiệp vũ trang của nước ngoài xâm lược và chiếm đóng Việt Nam để giải thể Đảng Cộng Sản. Càng chưa thể có đột biến phát sinh một cuộc cách mạng bằng bạo lực của quần chúng quốc nội lật đổ chính quyền và giải thể Đảng Cộng Sản. Lại càng chưa thấy bóng dáng những nhân vật có tư thế và bản lãnh của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm, để lãnh đạo đồng hương hải ngoại trở về giải thể Đảng Cộng Sản, làm cái công việc tương tự như những người đời trước đã từ Trấn Ninh trở về lật đổ nhà Mạc, trung hưng nhà Lê.

Trong một định chế dân chủ pháp trị, đa nguyên đa đảng, Đảng nào được dân chúng ủng hộ mà chiếm được đa số phiếu bầu, thì đảng ấy trở thành Đảng cầm quyền. Đảng ấy sẽ lãnh đạo Nhà Nước. Đương nhiên là sự lãnh đạo ấy được tiến hành theo những phương thức khác biệt với lề lối và tố chức hiện hành của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Vì vậy, đòi hỏi tách Đảng ra khỏi Nhà Nước không có nghĩa là phủ nhận sự kiện Đảng lãnh đạo Nhà Nước một khi được đa số dân chúng ủng hộ, chiếm được đa số phiếu bầu. Thật vậy, công việc của một chính đảng cầm quyền là gì nếu không phải là chỉ đạo các cơ quan Nhà Nước thi hành, trong khuôn khổ hiến pháp và luật lệ quốc gia, các chính cương chính sách do Đảng vạch ra. Không cần phải có một chế độ độc đảng, chuyên chính, toàn trị mới có vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà Nước.

Như vậy, đòi hỏi tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là đòi hỏi Đảng Cộng Sản trả lại Nhà Nước cho người Dân. Nhà Nước phải là của Dân, do Dân, và vì Dân. Nhà Nước hiện tại không phải của Dân làm chủ, không phải do Dân bầu ra, nên không phải vì Dân mà hoạt động. Nhà Nước hiện tại là của riêng Đảng Cộng Sản, do Đảng Cộng Sản sắp xếp tổ chức và lãnh đạo điều hành, nên không phục vụ quyền lợi của người Dân mà chỉ là công cụ khống chế người Dân để bảo vệ quyền lợi của thiểu số cầm quyền là các đảng viên Đảng Cộng Sản. Trả lại Nhà Nước cho người Dân có nghĩa là Đảng Cộng Sản Việt Nam từ bỏ vị thế độc tôn, chấm dứt hành động độc đoán, không ngăn cản người Dân tham gia các sinh hoạt chính trị, không loại bỏ người Dân ra khỏi các cơ cấu công quyền bằng các phương thức hạn chế quyền bầu cử và triệt tiêu quyền ứng cử. Trả lại Nhà Nước cho người Dân là để cho người Dân tự do tuyển chọn đại biểu soạn thảo Hiến Pháp để thiết lập một Nhà Nước dân chủ pháp trị, để người Dân được thực sự làm chủ bản thân và xã hội, tuyển chọn chính quyền và kiểm soát chính quyền.

Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là dẹp bỏ hệ thống Đảng song hành với hệ thống Nhà Nước ở tất cả mọi cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương, trong các ngành hành pháp cũng như lập pháp và tư pháp. Hiện tại ở đâu cũng có Đảng. Cấp ủy Đảng chỉ huy và kiểm soát cấp Nhà Nước tương ứng. Thủ trưởng cơ quan phải là Bí thư Đảng ủy, Đảng đoàn, hoặc là đảng viên cấp nhỏ hơn, chịu sự lãnh đạo của Bí thư Đảng ủy, Đảng đoàn. Hệ thống Đảng song hành với hệ thống Nhà Nước vừa vô ích cho công vụ, vừa tốn kém cho ngân sách. Không có ai phủ nhận vai trò Đảng lãnh đạo Nhà Nước, nhưng Đảng lãnh đạo có nghĩa là Đảng hoạch định chính cương chính sách, chứ không phải Đảng chỉ đạo và giám sát cơ cấu Nhà Nước các cấp các ngành làm công việc thừa hành. Đảng chỉ cần lãnh đạo ở cấp trung ương, trong lãnh vực chính trị, chứ không phải đâu đâu cũng chen chân vào. Đặc biệt là trong các lãnh vực chuyên nghiệp, Đảng chỉ cần nắm vững chính sách chứ không dẫm chân vào việc thi hành chính sách, can thiệp thô bạo vào các công tác chuyên môn đến độ các công tác này đôi khi trở thành phản khoa học, phi nhân bản, hay vi hiến vi luật.

Ở Việt Nam ngày nay, Đảng là tối thượng. Đảng đứng trên tất cả mọi thứ. Đảng phủ lấp Quốc gia, Đảng phủ lấp Dân tộc. Đảng độc quyền chỉ đạo và giám sát Nhà Nước, Đảng độc đoán cai trị và kềm kẹp Nhân Dân. Không có cơ chế công quyền nào câu thúc Đảng. Không có tổ chức quần chúng nào kiểm soát Đảng. Đảng hoạt động bằng tiền của ngân sách nhưng không đóng góp một chút gì cho ngân sách. Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là dân chủ hóa định chế chính trị, sửa đổi chế độ chuyên chính toàn trị hiện hành, để Đảng từ bỏ vai trò độc quyền lãnh đạo Nhà Nước, lui về cương vị một đảng chính trị hoạt động trong khuôn khổ một định chế dân chủ pháp trị đa nguyên mà mọi người dân không phân biệt nam nữ, mỗi người một lá phiếu, tự do tuyển chọn người đại diện cho mình thành lập chính quyền và kiểm soát chính quyền. Đảng lúc đó sẽ là Đảng do Dân mà ra, vì Dân mà làm việc. Đảng hoạt động bằng tiền của quần chúng ủng hộ đóng góp. Đảng có cầm quyền hay đứng ngoài chính quyền, Đảng giữ nguyên hình trạng hay phải biến thể, Đảng còn tồn tại hay bị đào thải tiêu vong, tất cả là do sự phán xét mang tính cách trọng tài của đại khối nhân dân, là do tương quan lực lượng của các chính đảng cạnh tranh, là do quần chúng ủng hộ đông đảo hay rời rạc, là do đường lối hành động và thiện chí phục vụ của Đảng có đáp ứng các điều kiện phát triển đất nước, có thoả mãn kỳ vọng mưu cầu phúc lợi của đại đa số cộng đồng dân tộc hay không.

Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là phục hồi tinh thần thượng tôn pháp luật và xây dựng một hệ thống pháp luật thỏa đáng. Tinh thần thượng tôn pháp luật cần được tôn trọng từ phía những người cầm quyền lẫn từ phía những người thuộc thành phần bị trị. Xây dựng hệ thống pháp luật thỏa đáng là phát triển một hệ thống luật lệ vô tư, công bằng, trong sạch, và hữu hiệu, về cả hai lãnh vực lập pháp và lập quy, trong khuôn khổ hiến định. Tại Việt Nam ngày nay, Đảng Cộng Sản khống chế Nhà Nước, pháp luật do Đảng vo tròn bóp méo tùy ý, nên pháp luật hiện hành là "luật rừng". Không còn ai biết đến tinh thần thượng tôn pháp luật. Do đó mà dân quyền và nhân quyền bị chà đạp. Cũng do đó mà nạn cửa quyền và tệ tham nhũng phát sinh. Cần tách Đảng ra khỏi Nhà Nước để người Dân có thể dự phần vào việc qui định pháp luật, xuyên qua các đại biểu do họ tuyển chọn. Một khi pháp luật không còn là sản phẩm của thiểu số cầm quyền cưỡng bức mọi người phải tuân hành, mà là do chính người Dân đã dự phần vào việc qui định pháp luật thì đương nhiên người Dân sẽ chấp nhận thi hành, tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Lúc đó, pháp luật một phần do Dân mà ra nên sẽ vì Dân mà phát huy tác dụng. Pháp luật sẽ là công cụ của Nhà Nước dùng để mang lại ổn định và trật tự cho xã hội, chứ không còn là công cụ của Nhà Nước dùng để bảo vệ Đảng và bao che các đảng viên.

Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là chấm dứt tình trạng giành giật đặc quyền đặc lợi kinh tế cho giai cấp có chức, có quyền xuyên qua các công ty công quản và các xí nghiệp quốc doanh. Trước xu thế tiến hóa của nhân loại, kinh tế xã hội chủ nghĩa phải lùi bước, nhường chỗ cho kinh tế thị trường, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam còn cố bám víu lấy cụm từ "theo định hướng xã hội chủ nghĩa", nghĩa là nền kinh tế hiện tại tuy chấp nhận có năm thành phần nhưng chủ yếu vẫn là kinh tế quốc doanh. Kinh tế quốc doanh là gánh nặng cho ngân sách. Vốn liếng do ngân sách đài thọ, lời lãi thì công ty, xí nghiệp chia nhau hưởng, mà thua lỗ thì ngân sách phải trầm bù. Rút cục, sự phân hóa xã hội mỗi ngày một thêm sâu sắc, đảng viên có chức có quyền và giới phe phẩy theo đóm ăn tàn mỗi ngày một giàu có, còn đại khối quần chúng mỗi ngày một thêm lầm than cơ cực. Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là giải tư tất cả các công ty công quản và các xí nghiệp quốc doanh, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường tư bản tư doanh mà vai trò của Nhà Nước là dần dà từ bỏ chức năng quản lý để chỉ giữ vai trò điều hợp. Nhà Nước chỉ còn quản lý những lãnh vực hoạt động nào mà tư nhân không đủ khả năng và phương tiện đảm trách, nhưng cũng không giữ độc quyền.

Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là thể hiện cụ thể sự tôn trọng các quyền căn bản của người Dân và của con Người. Thể hiện cụ thể sự tôn trọng các quyền căn bản này có nghĩa là không chỉ thừa nhận suông trên giấy tờ mà phải thực hiện trong cuộc sống thực tế. Nhà Nước cần dẹp bỏ những hình thức hạn chế, uốn nắn, kìm hãm, lũng đoạn, ngăn cản, cấm đoán các tổ chức và các hoạt động của quần chúng trong các lãnh vực ngôn luận, hội họp, cư trú, đi lại, giáo dục, tín ngưỡng, hành đạo, hành nghề. Hiến pháp thừa nhận mọi thứ tự do liên hệ đến dân quyền và nhân quyền, nhưng các văn kiện lập quy bao giờ cũng trói buộc hoạt động của các cá nhân hay đoàn thể thực hiện các thứ tự do đó bằng điều kiện phải tiến hành trong khuôn khổ các quy định của Đảng Cộng Sản. Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là cởi bỏ các ràng buộc, tháo gỡ các vướng mắc hiện nay đang kìm hãm các hoạt động của các cá nhân và đoàn thể để tất cả được tự do thực hiện các quyền căn bản của người Dân và của con Người. Được vậy thì các mâu thuẫn giữa quần chúng Nhân Dân và Nhà Nước sẽ được giải hóa, thảm họa nội chiến có thể tránh khỏi, và triển vọng Đại Đoàn Kết Dân Tộc mới có cơ may thực hiện.

Tóm lại, tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là tiến hành công việc dân chủ hóa chế độ chuyên chính toàn trị hiện hành về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Từ khi con người bước ra khỏi tình trạng ăn lông ở lỗ, các tổ chức nhân quần đã tiến hóa từ thị tộc, bộ lạc, thành quốc gia, liên bang, hợp quốc, liên quốc. Con người ngày hôm nay đang bước vào xu thế sinh hoạt toàn cầu, và đã bắt đầu phác họa các viễn kiến giao tiếp liên hành tinh. Việt Nam không thể đóng cửa để cứ ù lì kéo dài cuộc sống lây lất bên lề thế giới loài người. Việt Nam không thể không hòa nhập với xu thế thời đại, tham gia thị trường mậu dịch tự do, tiến hành dân chủ hóa chế độ. Đi ngược trào lưu tiến hóa của nhân loại, quốc gia Việt Nam mỗi ngày sẽ mỗi lạc hậu, đất nước Việt Nam mỗi ngày sẽ mỗi kiệt quệ, dân tộc Việt Nam mỗi ngày sẽ mỗi hèn yếu. Đó là con đường dẫn đến diệt vong.
Tách Đảng ra khỏi Nhà Nước là để cho Tổ Quốc sống còn.

12 tháng 10 năm 2005

Minh Vũ Hồ Văn Châm

No comments:

Post a Comment