Thursday, February 25, 2010

Suy nghĩ về một vài lý luận trong thời kỳ chiến tranh

Có lẽ ngày 30-4 là một dịp thích hợp để nhìn lại và suy ngẫm về những gì đã xảy ra để có thể hiểu rõ hơn về quá khứ và rút ra bài học của lịch sử.

Một trong những việc làm đó là nhìn lại một số lý luận chính trị của thời đó để có cái nhìn rõ hơn về việc gì đã thực sự xảy ra trong quá khứ. Trong khi ở miền Nam, lý do để tham dự chiến tranh là để chống lại chủ nghĩa Cộng Sản thì bên phía Cộng sản đã sử dụng nhiều lập luận khác nhau để bào chữa cho việc họ đã phát động chiến tranh. Dưới đây xin điểm qua một số lý luận chính:


Đảng CSVN phát động cuộc chiến tranh "giải phóng miền Nam" là để thống nhất đất nước.

Mới nhìn qua việc đảng CSVN đánh chiếm miền Nam quả là có thống nhất hai miền Nam Bắc thật. Nhưng để thấy mục đính của đảng CSVN khi đánh miền Nam cần phải nhìn rộng hơn ra ngoài Việt Nam mà xét đến tình hình thế giới trong khung cảnh cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản .

Đảng CSVN dĩ nhiên là theo đuổi mục đích thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam. Xét cho đến khi Liên Xô sụp đổ, mặc dù trải qua hàng chục năm, sử dụng rất nhiều luận điệu, chiêu bài, đảng CSVN luôn luôn trung thành với sách lược mà Lénine đã vạch ra từ thập niên 1920. Nếu ai đã từng sống dưới chế độ CS thì sẽ được học chính trị về sách lược của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, theo đó Lénine vạch ra rằng phong trào cộng sản sẽ "giải phóng" các nước thuộc địa để làm cho các nước tư bản mất đi nguồn cung cấp nguyên liệu, nhân công và thị trường tiêu thụ hàng hóa. Khi các nước tư bản mất hết các thuộc địa thì sẽ trở nên bị cô lập và suy yếu đi, rồi thì các đảng cộng sản sẽ nổi lên cướp chính quyền tại các nước này để đưa toàn thể thế giới đi theo chủ nghĩa Cộng Sản.



Khi Staline cầm quyền thì Liên Xô cũng vẫn tiếp tục theo sách lược này của Đệ Tam QTCS. Nhưng dần dần thế giới thấy rằng Liên Xô trở thành nước lãnh đạo trong khối cộng sản trong khi các nước nằm trong khối của Liên Xô trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu, nhân công và tiêu thụ hàng hóa cho Liên Xô và các nước khác trong khối CS, đóng góp cho sự hùng mạnh của Liên Xô và các nước CS đã kỹ nghệ hóa. Sau khi CS chiếm miền Nam thì nhiều người tại miền Nam cũng như tại miền Bắc được đưa sang Nga và các nước Đông Âu làm công nhân. Việt Nam trở thành nguồn cung cấp nhân công cho Liên Xô và các nước CS. Than đá tại mỏ than Hòn Gai, dầu hỏa VN được xuất cảng qua các nước CS. Việt Nam trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nước cộng sản đã kỹ nghệ hóa. Người dân Việt Nam sử dụng các hàng tiêu dùng từ các nước CS như xe gắn máy từ Đông Đức, máy truyền hình, radio từ Liên Xô, bình thủy, xe đạp, chăn từ Trung Quốc.... . Việt Nam trở thành khu vực tiêu thụ hàng hóa của các nước CS.

Cờ hiệu của khối kinh tế bao gồm các nước xã hội chủ nghĩa tên là Comecon do Liên Xô thành lập trong đó Việt Nam đã từng là một thành viên. Các nước thành viên được phân công chặt chẽ về kinh tế. Cuba và Việt Nam thuộc về khu vực nông nghiệp, cung cấp nông phẩm cho các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu


Như vậy cuộc Chiến Tranh Lạnh về mặt kinh tế đã trở thành cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các nước tư bản và cộng sản. Mà ảnh hưởng ở đây có nghĩa là dành được nguồn cung cấp nguyên liệu, nhân công và thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Tại Việt Nam, đảng CSVN đóng vai trò tích cực trong việc bành trướng của khối CS và đã chủ trương dùng chiến tranh, vũ lực để bành trướng. Các nhà lãnh đạo tại Hà Nội lúc đó tin tưởng rằng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về phe cộng sản, nghĩa là sẽ có lúc tất cả các nước trên thế giới sẽ được cai trị bởi đảng CS, dưới sự lãnh đạo bởi một đầu não cao nhất là Đệ Tam Quốc Tế CS. Khi tổ chức này bị Liên Xô giải tán thì đảng CS Liên Xô đương nhiên được đảng CSVN coi là tổ chức lãnh đạo phong trào CS trên toàn thế giới.

Ông Trần Trọng Kim đã nhìn thấy sự bành trướng không ngừng của CS ngay từ lúc đầu, khi CSVN chiếm được chính quyền và đã viết trong cuốn Một Cơn Gió Bụi như sau:

" Gia đình, xã hội, phong tục, chế độ cũ đều bỏ hết, bỏ đến tận cội rễ, để thành lập xã hội mới. Cái xã hội mới ấy không tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc. Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay cho dân tộc nữa, cũng chỉ là cái phương pháp dùng tạm thời trong một cơ hội nào để cho được việc mà thôi, chứ mục đích cốt yếu là tranh đấu cho giai cấp vô sản. Khi ở đâu sự tranh đấu cho giai cấp ấy được thắng lợi, thì cứ tranh đấu mãi để bảo vệ quyền lợi của giai cấp ấy và xóa bỏ hết những cương giới nước nọ với nước kia để thực hiện một thế giới đại đồng, đặt dưới quyền chỉ huy của giáo chủ cộng sản ở bên Nga."




Thế thì mục đích sau cùng của đảng CSVN đâu phải chỉ thống nhất đất nước rồi sau đó để cho đất nước muốn theo chế độ nào, chủ thuyết nào thì để cho toàn dân quyết định mà đất nước thống nhất đó nhất định là phải theo chủ nghĩa CS. Thì chính là CSVN vẫn thường nói: "Độc lập dân tộc phải gắn liền với Xã Hội Chủ Nghĩa, không còn con đường nào khác". Thế thì chính là việc đưa đất nước đi theo CNCS mới là mục đích chính, mục đích tối hậu chứ đâu phải chỉ là thống nhất. Nhưng đảng CSVN dùng chiêu bài thống nhất để được nhiều người ủng hộ hơn, chứ nếu nói thẳng ra là đánh miền Nam để đưa miền Nam đi theo CNCS thì chẳng có bao nhiêu người tha thiết. Mục đích là cái đích cuối cùng mà người ta nhắm đến chứ không phải là một điểm phải đi qua. Cái đích cuối cùng của người cộng sản là thực hiện chủ nghĩa trên toàn thế giới, còn thống nhất đất nước chỉ là một chặng đường phải trải qua để đi đến cái mục đích cuối cùng đó.



Bên phía các nước Cộng Sản có ba cách nhìn khác ở ba cấp bực khác nhau trong việc bành trướng của khối Cộng Sản:

1. Xem việc bành trướng ảnh hưởng của CS trên thực chất là để có thêm nguồn nhân công, nguồn nhiên liệu và thị trường tiêu thụ. Cái nhìn này những người nằm ở vị trí lãnh đạo các chế độ CS thấy rất rõ vì họ là người nhìn thấy sức mạnh của quốc gia, của chế độ họ tùy thuộc vào các lợi lộc về kinh tế mà họ đạt được.

2. Xem việc bành trướng của CS như là nhiệm vụ mà Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản giao cho, là việc thực hiện lý tưởng cộng sản mà họ tin tưởng.

3. Xem việc chống lại các nước tư bản là bảo vệ độc lập, chủ quyền của quốc gia, là thể hiện lòng yêu nước.

Những người trong nhóm thứ hai cho rằng quần chúng nhân dân vì lạc hậu, chưa giác ngộ chủ nghĩa Cộng Sản nên không thể đem chủ nghĩa Cộng Sản mà kêu gọi họ theo mình mà nên dùng chiêu bài độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia mà lôi kéo họ theo mình. Rồi thì cuối cũng họ cũng đạt được mục tiêu cuối cùng là thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản trên toàn thế giới.

Nhóm người thứ nhất thì thấy rằng không nên nói ra sự thật trần truồng về quyền lợi kinh tế cho nhóm người thứ hai và thứ ba biết mà nên lợi dụng lòng nhiệt thành với chủ nghĩa Cộng Sản của nhóm thứ hai và lòng ái quốc của nhóm thứ ba để họ tranh đấu cho mình thắng trong cuộc tranh hùng, tranh bá với các nước khác, tiến tới là bá chủ thế giới, bắt toàn thể thế giới phục tùng quyền lực của mình.


 Dân Tiệp Khắc nổi lên đòi tự do, dân chủ bị Liên Xô đem xe tăng đàn áp, 1968

Vì chính quyền Ngô Đình Diệm không chịu hiệp thương theo Hiệp Định Genève nên đảng CSVN phải thống nhất đất nước bằng vũ lực.

Vì mục tiêu của đảng Cộng Sản Việt Nam cũng như các đảng cộng sản trong Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản là làm cách mạng vô sản tại nước mình trước, đồng thời tham gia phong trào cộng sản quốc tế lãnh đạo bởi Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản để làm cách mạng trên toàn thế giới thì miền Nam nhất định phải đi theo chủ nghĩa Cộng Sản. Dù cho ông Ngô Đình Diệm có chịu chấp nhận bầu cử hay không thì mục tiêu của đảng CSVN cũng vẫn là phải nắm toàn thể đất nước, đem cả nước đi theo chủ nghĩa Cộng Sản. Mà đảng Cộng Sản bằng mọi giá phải nắm quyền lãnh đạo đất nước chứ không để cho đảng nào khác nắm. Đã như thế rồi thì khi chính phủ Ngô Đình Diệm chấp nhận tổng tuyển cử sẽ có thể có hai tình huống. Nếu ông Ngô  Đình Diệm thua thì đương nhiên là ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN sẽ nắm quyền lãnh đạo. Ông Ngô Đình Diệm nếu chịu chấp nhận làm tay sai cho đảng CSVN thì sẽ được cho một chức vụ hữu danh vô thực nào đó để làm cảnh, nếu ông Diệm còn muốn tiếp tục làm chính trị độc lập với đảng CSVN thì sẽ bị đi tù hoặc bị giết. Nếu ông Ngô Đình Diệm thắng thì ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN cũng sẽ tìm cách lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm để đảng CSVN nắm toàn thể đất nước. Ngay sau khi chính quyền miền Bắc ký hiệp định Genève thì đảng CSVN đã gài người lại thay vì phải tập kết ra Bắc theo như hiệp định Genève qui định, và chôn dấu vũ khí tại miền Nam để rồi sau này sẽ lật đổ chế độ miền Nam.  Chính đảng CSVN cũng đâu có tôn trọng hiệp định Genève, đâu phải chỉ có ông Diệm không chịu chấp nhận tổng tuyển cử mới là vi phạm hiệp định Genève.

 Ngô Đình Diệm

Chế độ miền Nam là tay sai, bù nhìn của đế quốc Mỹ.

Đảng CSVN nói rằng vì chế độ miền Nam là tay sai, bù nhìn của Mỹ cho nên miền Nam không có độc lập, còn bị ngoại bang đô hộ. Vì thế cần phải giải phóng miền Nam để miền Nam không còn bị người Mỹ đô hộ nữa.

Thực ra các chính quyền miền Nam đều muốn có sự độc lập đối với Mỹ. Nhưng vì trước sự tấn công của Cộng sản, miền Nam phải cần đến sự trợ giúp của nước Mỹ. Vì nước Mỹ trợ giúp tiền bạc, khí giới nên người Mỹ có thể đòi hỏi chính quyền miền Nam có những chính sách mà người Mỹ mong muốn. Người dân miền Nam đứng trước hai sự chọn lựa: hoặc là nhận sự trợ giúp của người Mỹ và trong khả năng của mình, làm tất cả những gì có thể làm được để giữ độc lập, chủ quyền, hoặc là từ chối sự trợ giúp của người Mỹ để rồi miền Nam sẽ bị CS đánh chiếm.

Nói chung, trong thời gian Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối tư bản và cộng sản, các nước nằm trong khối tư bản hay cộng sản đều chịu sự chi phối đến một mức nào đó. Cả hai miền Nam và Bắc nếu muốn được tiếp tục nhận viện trợ của các nước lãnh đạo các khối này đều phải tuân theo một số điều kiện nào đó mặc dù chính quyền của mỗi miền cũng vẫn có thể cai trị và quyết định chính sách của mình. Ở bên khối cộng sản thì các nước nằm trong ảnh hưởng của Liên Xô phải theo tư tưởng và cách cai trị theo lối Liên Xô, nếu nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc thì phải theo tư tưởng và cai trị theo lối của Trung Quốc. Các nước bên phía tư bản có thể tương đối có tự do về mặt tư tưởng, nhưng về kinh tế thì phải theo kinh tế thị trường.

Vì cả hai miền Nam và Bắc đều không có sự độc lập tuyệt đối nên luận điệu nói rằng chính quyền miền Nam chỉ là bù nhìn của Mỹ chỉ là cái cớ để đảng CSVN lật đổ chính quyền miền Nam. Giả sử chính quyền miền Nam không hề nhận sự trợ giúp từ nước nào cả và không bị chi phối bởi quốc gia nào cả thì đảng CSVN cũng vẫn lật đổ chính quyền miền Nam để đảng CSVN nắm toàn quyền trên cả hai miền.

Vì bên phía tư bản có sự tự do ngôn luận nên mọi nhân vật chính trị có thể tự do viết hồi ký kể lại các chuyện đã xảy ra nên có nhiều chuyện bất đồng ý kiến giữa những người cầm quyền tại miền Nam và Mỹ được nhiều người biết đến. Còn bên phía Cộng Sản thì vì các đảng CS chỉ cho phép xuất bản những gì có lợi cho mình nên các việc xảy ra sau hậu trường chính trị thường bị che dấu để giữ bề ngoài độc lập tự chủ cho các chế độ nằm trong khối CS.

Các sư biểu tình ở Sài Gòn, 1967


Cuộc chiến tranh 1958 - 1975 là cuộc chiến tranh "chống Mỹ cứu nước".

Việc Mỹ đưa quân vào miền Nam được chế độ CSVN nói với người dân là Mỹ đem quân vào miền Nam để đánh chiếm Việt Nam. Vì thế bổn phận của những người dân yêu nước là phải đánh đuổi Mỹ ra khỏi miền Nam. Vì thế mà guồng máy tuyên truyền của chế độ CSVN nói rằng cuộc chiến tranh vừa qua là cuộc chiến "chống Mỹ cứu nước".

Như đã nói ở trên, việc Mỹ đem quân vào miền Nam chẳng qua là nằm trong khuôn khổ cuộc Chiến Tranh Lạnh, trong đó hai khối tư bản và cộng sản tranh giành vùng ảnh hưởng. Mỹ đem quân vào miền Nam là để chống lại sự bành trướng của phe cộng sản, không giống như việc người Pháp đem quân vào Việt Nam để rồi người Pháp nắm quyền cai trị tại Việt Nam. Chỉ cần miền Bắc ngưng tấn công miền Nam là quân đội Mỹ sẽ rút ra hỏi miền Nam ngay. Mỹ cũng đã đem quân vào Nam Hàn để ngăn chặn sự bành trướng của CS, ngày nay Nam Hàn vẫn là một quốc gia có chính quyền riêng và vẫn có thể đem lại cho người dân đời sống no ấm.



Miền Nam là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.


Cùng lúc nói rằng Mỹ đem quân vào miền Nam tức là xâm lăng Việt Nam thì bên phía CS nói rằng miền Nam là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Chữ thuộc địa kiểu mới làm cho người nghe có cảm tưởng là người Mỹ đến Việt Nam với ý định cũng chẳng khác gì người Pháp và miền Nam nằm dưới sự cai trị của người Mỹ, chẳng các gì toàn thể Việt Nam nằm dưới sự cai trị của người Pháp trước đây. Điều này khiến cho một số người nghe theo lời kêu gọi của CSVN sẵn sàng hy sinh mạng sống để đánh đuổi người Mỹ ra khỏi miền Nam. Nhưng theo định nghĩa của thuộc địa kiểu mới hay chủ nghĩa thực dân kiểu mới thì với chủ nghĩa thực dân kiểu mới, các nước đã kỹ nghệ hóa không cần phải đem quân đến đánh chiếm các nước yếu hơn để bắt làm thuộc địa mà chỉ cần đầu tư, mở nhà máy để sử dụng nhân công tại các nước này, mua nguyên liệu của các nước này và bán các sản phẩm kỹ nghệ qua các nước này. Theo định nghĩa này thì các nước chưa kỹ nghệ hóa có bang giao buôn bán với các nước kỹ nghệ hóa đều trở thành thuộc địa kiểu mới cả. Các nước như Singapore, Mã Lai, Indonesia, Đài Loan, Nam Hàn trong các thập niên 50, 60, 70, cho đến ngày nay thì hoặc là nơi mà các nước đã kỹ nghệ hóa đến đầu tư để sử dụng nhân công tại các nước này hoặc mua nguyên liệu và bán các thành phẩm kỹ nghệ sang các nước này. Nhưng các nước trong khối CS như các nước Đông Âu, Việt Nam, Cuba cũng là loại thuộc địa kiểu mới đối với các nước CS đã kỹ nghệ hóa. Liên Xô và các nước Đông Âu cũng sử dụng nhân công Việt Nam qua chương trình gọi là "lao động hợp tác", cũng mua quặng mỏ, nông phẩm của Việt Nam và cũng bán các sản phẩm kỹ nghệ sang Việt Nam.

Thế thì việc đảng CSVN tiến hành chiến tranh để "giải phóng" miền Nam ra khỏi tình trạng thuộc địa kiểu mới của Mỹ thì cũng chỉ là để biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của các nước trong khối CS đã kỹ nghệ hóa mà thôi.

Sài Gòn trước 75


Hơn nữa, chủ nghĩa thực dân kiểu mới không dùng sức mạnh để xâm lăng mà do tình trạng kinh tế lạc hậu của các nước chưa kỹ nghệ hóa mà khai thác nhân công, nguyên liệu. Vậy thì để thoát ra khỏi tình trạng thuộc địa kiểu mới không phải là dùng sức mạnh quân sự để đánh đuổi ngoại bang mà phải phát triển kinh tế, kỹ nghệ hóa quốc gia thì mới cạnh tranh nổi với các nước kỹ nghệ hóa. Đảng CSVN đã mất bao nhiêu là công sức đánh nhau với "đế quốc" để rồi ngày nay lại để các nước tư bản đầu tư vào, sử dụng nhân công rẻ của Việt Nam, phải bán nông phẩm, khoáng sản qua các nước đã kỹ nghệ hóa và nhập cảng các sản phẩm từ các nước này để tiêu thụ cho thấy là Việt Nam vẫn là một thuộc địa kiểu  mới của các nước đã kỹ nghệ hóa mặc dù không còn bóng dáng người lính Mỹ nào trên mảnh đất Việt Nam. Như vậy việc hàng triệu người phải hy sinh trong chiến tranh chẳng đóng góp gì cho việc làm cho Việt Nam thoát khỏi cảnh thuộc địa kiểu mới cả.

Hán Thành, thủ đô Nam Hàn. Mỹ và các nước Tây phương muốn Nam Hàn, Nhật, Đài Loan, miền Nam tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của mình giống như Liên Xô và các nước Đông Âu muốn Việt Nam tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của họ. Nhưng Nam Hàn với sức hoạt động mạnh mẽ của người dân đã công nghiệp hóa và làm ra sản phẩm đem bán khắp thế giới

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, nhiều người trí thức tại Tây phương đã tham gia vào phong trào phản chiến. Họ phản đối lại việc Mỹ đem quân vào miền Nam vì họ nghĩ rằng mục đích của Mỹ đem quân vào miền Nam chỉ là để giữ miền Nam làm nơi mà Mỹ có thể sử dụng nhân công rẻ và đem hàng hóa của Mỹ sang tiêu thụ. Gây chiến tranh vì nguồn lợi kinh tế là vô đạo đức, vì thế phải phản đối. Điều này không sai. Nhưng nhìn sang phía Cộng Sản, thì nỗ lực của đảng CSVN đánh chiếm miền Nam thì cũng để biến miền Nam thành nơi mà Liên Xô và các nước Đông Âu đã kỳ nghệ hóa sử dụng nhân công của miền Nam và tiêu thụ hàng hóa của mình. Mà việc bành trướng khu vực ảnh hưởng là do phía Cộng sản phát động trước, bên phía tư bản lúc đó chỉ lo ngăn chận sự bành trướng của Cộng Sản. Đáng lẽ ra những người phản chiến cũng phải biểu tình phản đối Liên Xô bành trướng nhằm biến miền Nam thành nơi cung cấp nhân công, nguyên liệu và nơi tiêu thụ sản phẩm kỹ nghệ của Liên Xô. Và đồng thời những người phản chiến đó cũng phải phản đối phía Liên Xô sử dụng chủ nghĩa Cộng sản làm chiêu bài để bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô. Nhưng các vị phản chiến này không nhìn xa đến thế. Họ chỉ nhìn thấy những gì xảy ra ở bên phía tư bản. Còn những gì xảy ra sau bức màn sắt của CS thì họ không thấy hoặc không quan tâm.

Dân Hungary nổi lên đòi bỏ chế độ Cộng Sản, đuổi quân đội Liên Xô ra khỏi Hungary bị Liên Xô đem quân đội, xe tăng đàn áp, 1956.


Sau ngày 30-4-1975, chỉ có đế quốc Mỹ là kẻ bại trận còn toàn thể nhân dân Việt Nam là người thắng trận.

Lời nói trên cho đến ngày nay chế độ CS tại Việt Nam vẫn còn dùng trên báo chí và dùng mỗi khi đến ngày 30 tháng 4. Thật ra không phải là toàn thể nhân dân Việt Nam muốn theo chủ nghĩa Cộng Sản và đều muốn Mỹ rút ra khỏi Việt Nam cả. Nhiều người Việt chống lại chủ nghĩa Cộng Sản không xem ngày 30-4-1975 là ngày thắng trận của toàn thể nhân dân Việt Nam mà là ngày miền Nam phải đi theo con đường mà đảng CSVN bắt theo.

Vì đảng CS chủ trương triệt để tiêu diệt văn hóa, đạo đức, luân lý cũ để thay bằng loại đạo đức cách mạng mà người CS đặt ra căn cứ vào lý thuyết Mác xít nên phần nhiều người Việt chống lại CS vì nhiều điều CS làm vi phạm các nguyên tắc luân lý, đạo đức, cũng như đường lối cai trị từ xưa đến nay. Có lẽ động cơ chống cộng của nhiều người Việt có phần hơi khác với những gì người Mỹ vì người Mỹ chủ ý giữ miền Nam trong khu vực tư bản để họ có thể đầu tư, buôn bán. Về mặt bảo vệ cho tự do, dân chủ thì nhiều người Việt tại miền Nam cũng có mong muốn giống như người Mỹ.

Nếu nhìn cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây là sự tranh chấp giữa hai đường lối phát triển đất nước: một bên thì chủ trương nền kinh tế chỉ huy tập trung, chế độ chính trị độc đảng theo chủ nghĩa CS một bên thì chủ trương nền kinh tế thị trường, chế độ đa đảng, tự do dân chủ, thì ngày 30-4-1975 là ngày chủ trương thứ hai bị thua. Nhưng cũng chỉ là tạm thời bị thua mà thôi vì ngày nay, đảng CSVN cũng đang dần dần phải từ bỏ chủ trương thứ nhất mà đi theo chủ trương thứ hai.

Minh Đức

Tháng 4, 2007

No comments:

Post a Comment