Friday, October 7, 2011

Steve Jobs và và nước Mỹ trong cuộc cách mạng tin học

Sự qua đời của Steve Jobs, người phát minh ra iPod, iPad chẳng khỏi làm cho mọi người nhắc đến các sáng kiến của ông đã áp dụng cho máy computer Apple và nhiều phát minh khác. Nhắc đến Steve Jobs cũng làm liên tưởng đến địa danh Silicon Valley, tại vùng San Jose, tiểu bang California, Mỹ, nơi tập trung nhiều công ty công nghệ cao đã sinh ra như nấm trong thập niên 1980, 1990.

 Nhiều quốc gia khác cũng xây dựng khu công nghiệp kỹ thuật cao trong nỗ lực muốn theo kịp đà tiến bộ của nhân loại, chẳng hạn, tại Canada, các công ty kỹ thuật cao tập trung tại khu Kanata, phía Tây thủ đô Ottawa của Canada, và được mọi người gọi là Northen Silicon Valley (khu Silicon Valley ở phía Bắc), tại Mã Lai, thủ tướng Mahathir đề ra dự án thành lập khu Multimedia Super Corridor gần thủ đô Kuala Lumpua, tập trung các công ty công nghệ cao, rồi sau này là khu BioValley, nơi tập trung các công ty về sinh hóa, dược phẩm.

Nhiều nước khác cũng thiết lập các khu công nghệ cao như kiểu Silicon Valley nhưng không phải nước nào cũng thành công mặc dù trường đại học của Mỹ và các nước Tây phương có sự hiện diện sinh viên của mọi màu da, mọi quốc tịch. Thế sao các sinh viên này khi về nước lại không biến quốc gia mình thành một nước phát triển về công nghệ cao cấp như Mỹ và các nước Tây phương?

Sự thành công của Steve Jobs dĩ nhiên là do thiên tài của cá nhân ông ta. Nhưng thiên tài đó được biết đến cũng là nhờ hoàn cảnh nước Mỹ thuận lợi cho việc đem sáng kiến áp dụng ra thực tế.

Sự tập trung các khu công nghệ cao tại Silicon Valley có được là nhờ việc mở ra các công ty dễ dàng. Vào thời khu này bùng phát, nhiều kỹ sư đi làm cho các hãng nảy ra có sáng kiến gì đó về mặt kỹ thuật đã xin thôi việc và mở ra hãng riêng. Mở ra hãng riêng thì họ có cơ hội đem sáng kiến của mình ra thực hiện thành sản phẩm. Nếu thành công, công ty của mình phát triển, sản phẩm bán được nhiều thì họ sẽ giàu lớn. Đi làm kỹ sư cho các công ty tuy lương khá nhưng làm chủ một công ty thành công thì phải gọi là giàu có với tài sản bạc tỷ.

 Máy tính Apple 1, do Steve Jobs chế tạo cùng với Wozniak và đem bán


Máy tính Apple 2, được chế tạo sau khi thấy Apple 1 bán được

Thủ tục mở công ty mới rất giản dị. Việc quản lý công ty thì có thể thuê các nhà quản lý đã có kinh nghiệm. Muốn quảng cáo sản phẩm của công ty thì đã có hãng quảng cáo chuyên nghiệp biết đưa ra hình ảnh sản phẩm như thế nào để hấp dẫn người dùng.

Có những sáng kiến được tạp chí khoa học đăng rồi sau đó vài tháng hay một năm là thấy sản phẩm được tung ra bán trên thị trường. Hoàn cảnh hoạt động kinh doanh dễ dàng thuận lợi đã khiến cho thời gian đem một sáng kiến trở thành hiện thực trở nên ngắn hơn.

Sự bùng phát ra các công ty khiến cho nhu cầu dùng người gia tăng. Nhân tài của 200 triệu dân Mỹ trở nên không đủ, chính phủ Mỹ ra luật lệ nhập cư dễ dàng để thu hút nhân tài tại các nước khác. Với số người từ các quốc gia với các nền văn hóa, các tôn giáo khác nhau kéo đến nước Mỹ, chính phủ làm ra luật để bảo đảm mọi người được đối xử bình đẳng, không phân biệt chính kiến, sắc tộc, tôn giáo. Chẳng hạn, có luật giới hạn việc đòi hỏi lý lịch và phỏng vấn chỉ được tập trung vào chuyên môn mà thôi mà. Các công ty thuê người không có quyền bắt người đi xin việc phải nói họ thuộc khuynh hướng chính trị nào, thuộc tôn giáo nào hoặc là thuộc sắc tộc hay đến từ quốc gia nào. Trong bản lý lịch gửi cho hãng người xin việc cũng có quyền không nói mình thuộc phái nam hay nữ.


Các công ty giúp người tìm việc cũng không được quyền đòi người đi xin việc phải đóng tiền mà các công ty này phải tìm lợi nhuận từ phía các công ty muốn thuê người. Điều này cùng hợp lý vì người đi tìm việc thường là người không có việc làm, có ít tiền, mà lại là người đang cần việc làm nên dễ bị công ty giúp người tìm việc bắt chẹt, bắt phải đóng tiền mới giới thiệu công việc cho.

Chính những thuận lợi trong hoàn cảnh kinh doanh và làm việc đã khiến cho Steve Jobs và nhiều người khác đem sáng kiến của mình biến thành sản phẩm, đem lại tiền của cho người có sáng kiến cùng là đóng góp các phát minh của mình cho nhân loại. Trong khi tại nhiều nước khác, hoàn cảnh xã hội không được thuận lợi như vậy.

Giả sử khi Steve Jobs lập ra hãng Apple sản xuất computer rồi cứ hàng tháng phải tiếp các “thanh tra” từ các ngành đến để vòi tiền nếu không đút tiền sẽ bị làm khó dễ gây trở ngại khi hãng phải xin các giấy phép thì sẽ làm cho Steve Jobs nản chí thấy việc mở công ty quá phức tạp, phiền phức, thà là đi làm cho một hãng ngoại quốc nào đó cũng đủ sống an nhàn và lại ít nhức đầu hơn. Hay là có nhừng kẻ có quyền thế đợi cho công ty của Steve Jobs đem lại lợi nhuận cao thì vu cáo cho các tội danh vu vơ nào đó để kiếm cách tịch thu, sang đoạt công ty. Một xã hội như thế thì không khích lệ cho các tài năng như Steve Jobs cho lắm.

Những khoản đóng tiền cho các viên chức tham nhũng cũng làm trở ngại cho việc hoạt động của các công ty vì một phần lợi nhuận đã bị mất vào tay các viên chức tham nhũng không làm gì nhưng “ngồi mát ăn bát vàng”, lấy tiền từ công sức làm việc của người khác.

Tại Nga ngày nay, người ta ước lượng số tiền phải nộp cho tham nhũng chiếm đến 20% Tổng Sản Phẩm Nội Địa (GDP) của nước Nga. Trong khi đó tổng số thuế mà chính phủ liên bang Mỹ thu được từ hoạt động kinh doanh của người dân chỉ chiếm 15% GDP của nước Mỹ mà thôi. Điều đó có nghĩa là các doanh gia Nga ngoài việc nộp thuế cho chính phủ lại phải nộp tiền cho tham nhũng, khiến cho khoản tiền lời của họ khi kinh doanh bị ít đi. Điều này khiến cho các nước không muốn đầu tư vào làm ăn tại Nga và số người dân Nga muốn mở cơ sở kinh doanh trở nên ít hơn vì thấy lợi không bao nhiêu mà quá phiền phức.

Tại Việt Nam vào năm 2004 báo chí có loan tin một người dân tại Tây Ninh tên Trần Quốc Hải đã chế tạo trực thăng với tựa đề bài báo “HaiLúa chế tạo trực thăng”. Cái tựa đề gọi người chế tạo là Hai Lúa có tính cách khôi hài chế riễu xem như một nông dân mà lại đi làm công việc có tính cách khoa học là đi chế tạo trực thăng. Việc chế tạo trực thăng của ông Trần Quốc Hải bị chính quyền tỉnh cấm. Dư luận trong nước có chiều không đồng ý với việc cấm. Phải một năm sau ở trung ương mới có lệnh cho ông Trần Quốc Hải được tiếp tục công việc đồng thời phái một kỹ sư công nghệ đến để xem xét xem việc chế tạo trực thăng có an toàn hay không. Thời gian trôi qua, ông Trần Quốc Hải đã làm hai chiếc trực thăng. Chiếc thứ hai rút kinh nghiệm từ chiếc trước nên làm nhẹ hơn. Cả hai chiếc được hai viện bảo tàng của nước khác mua đem về trưng bày, một của Mỹ, một của Mã Lai. Theo một bản tin trên giadinh.net thì ông Trần Quốc Hải sẽ tiếp tục chế tạo trực thăng và lần này sẽ đem bán cho nước ngoài. Nhưng rồi lại có tin là chính quyền cấm không cho máy bay trực thăng của ông ta bay thử. Quá trình từ lúc ông Trần Quốc Hải có ý định chế tạo trực thăng đến lúc có thể sản xuất thì dài dằng dặc, mất hơn bảy năm mà rồi không có sản phẩm đem bán. Chỉ một việc xem xét có nên cho hoạt động hay không mà mất đến một năm. Vì lý do kỹ thuật nên cấm không cho trực thăng bay thì cũng là một lý do chính đáng nhưng liệu có ai ở Việt Nam có đủ kiến thức về sự hoạt động của trực thăng để hợp tác với ông Trần Quốc Hải để tiếp tục chế tạo? Nói tóm lại là hoàn cảnh đã khiến cho giấc mơ của ông Trần Quốc Hải không thể thực hiện được.

 Trực thăng của ông Trần Quốc Hải được đem về một viện bảo tàng ở New York, Mỹ.

Trong khi đó một kỹ sư Mỹ, làm việc cho hãng chế tạo máy bay đã xin thôi việc để lập một hãng mới tên là Robinson http://www.robinsonheli.com/, chế tạo ra các trực thăng kiểu giản dị, bán với giá rẻ đã thành công trong việc sản xuất ra trực thăng xuất cảng ra nhiều nước trên thế giới. Nhờ có kiến thức về ngành hàng không sẵn có của kỹ sư này và cũng nhờ điều kiện thuận lợi ở Mỹ mà thời gian từ lúc có ý định chế tạo trực thăng đến lúc làm ra sản phẩm để đem bán ngắn hơn quá trình của ông Trần Quốc Hải. Tuy rằng hãng Robinson không phải là một hãng lớn với số xuất cảng kếch xù đem lại lợi cho nước Mỹ nhưng trường hợp Robinson cũng đem lại lợi nhuận cho nước Mỹ, đem lại tiền cho người có công chế tạo và cũng là để thỏa mãn giấc mơ của một người.

 Trực thăng Robinson, kiểu R22, nhỏ và giá rẻ

Những người có óc sáng kiến và niềm say mê với kỹ thuật như Steve Jobs có thể có rất nhiều trong các dân tộc khác, chẳng riêng gì nước Mỹ. Nhưng có thể vì hoàn cảnh không thuận lợi nên họ không có được kiến thức cần thiết để có các sáng chế có giá trị, hoặc tuy có kiến thức nhưng hoàn cảnh xung quanh không thuận lợi để họ đem kiến thức của họ ra biến thành sản phẩm hiện thực.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment