Saturday, October 22, 2011

Những giây phút cuối cùng của đại tá Gaddafi




Hình trên kể lại câu chuyện chiếc máy bay Tornado của Anh nhìn thấy đoàn xe trong đó có đại tá Gaddafi bỏ trốn khỏi thành phố Sirte, nơi đang có giao tranh. Chiếc Tornado gửi tín hiệu cho chiếc máy bay không người lái Predator. Chiếc Predator bắn một hỏa tiễn vào đoàn xe để ngăn chận đoàn xe này. Một chiếc máy bay Mirage 2000 của Pháp cũng bắn chận đoàn xe này. Quân nổi dậy kéo đến tấn công đoàn xe và giao tranh xảy ra. Những người trong xe bỏ trốn vào trong ống thoát nước gần đó. Đại tá Gaddafi trốn trong ống thoát nước. Khi thấy có người vào bắt, ông ta nói: "Đừng bắn". Những người trong phe nổi dậy bắt ông ra, đem lên một xe tải nhỏ, chở đi. Trong lúc bị dẫn đi, có lúc ông nói: "Tôi có làm gì các người đâu". Sau đó ông ta bị bắn chết. Xác ông ta được chở đến thành phố Misrata trên một chiếc xe tải đi diễu qua các đường phố để mọi người thấy.

Sau khi bị máy bay bắn và giao tranh với quân nổi dậy, đại tá Gaddafi bị thương ở hai chân và trốn vào ống thoát nước này.

Xác cận vệ bảo vệ cho đại tá Gaddafi đến phút chót và bị bắn chết

Đoàn xe chở đại tá Gaddafi và cận vệ bị bắn cháy

Đại tá Gaddafi bị áp giải ra xe tải

Máu chảy từ trên đầu xuống
Đại tá Gaddafi lấy tay vuốt mặt đầy máu
Đại tá Gaddafi bị dúi đầu xuống và một người chĩa súng vào gáy
Một vết đạn ở màng tang và một vết đạn khác ở ngực
Mọi người xúm nhau lại chụp hình
Con trai đại tá Gaddafi tên là Mutassim cũng bị giết cùng với cha trong trận giao tranh cuối cùng này
Khẩu súng lục bằng vàng mà đại tá Gaddafi thường đeo bên mình bị tịch thu

Đại tá Gaddafi thời còn trẻ chụp chung với Fidel Castro, người lãnh đạo Cuba
 




Tiết lộ mới về giây phút cuối của Gaddafi

BBC, Cập nhật: 21:59 GMT - thứ bảy, 22 tháng 10, 2011
Khi bị bắt, ông Gaddafi vẫn sống tuy bị nhiều vết thương.

Chỉ huy các lực lượng bắt giữ được ông Muammar Gaddafi đã đưa ra chi tiết về những giây phút cuối cùng của nhà cựu lãnh đạo Libya.
Omran al-Oweib nói với BBC rằng ông đại tá bị thương đã bị lôi ra từ một ống thoát nước, nơi ông chui vào trốn ở Sirte, sau đó đi được 10 bước và ngã gục giữa những tiếng súng hôm thứ Năm.
Ông nói không thể biết ai đã bắn ra viên đạn gây tử vong.
Hiện đang có những tin khác nhau quanh việc liệu ông Gaddafi đã được khám nghiệm tử thi toàn diện hay chưa.
Thi thể ông và con trai ông Mutassim, người cũng thiệt mạng hôm thứ Năm được đặt trong một phòng chứa thịt đông lạnh của thành phố Misrata.
Phát ngôn viên ngoại giao của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya (NTC), Ahmed Gebreel nói với BBC rằng việc khám nghiệm tử thi đã được thực hiện trong ngày thứ Bảy.
Tuy nhiên, một quan chức y tế cao cấp trong NTC, Nagy Barakat nói là việc khám nghiệm như vậy là không cần thiết, bởi nguyên nhân cái chết đã được thể hiện trong bản báo cáo bệnh học.
Chôn cất bí mật
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với BBC, ông Oweib nói: "Tôi không nhìn thấy người giết cũng như loại vũ khí giết chết Gaddafi."
Ông nói thêm rằng một số chiến binh của ông đã muốn bắn đại tá, nhưng ông đã tìm cách đảm bảo để ông ta vẫn sống.
Sau khi Đại tá Gaddafi ngã khuỵu, ông Oweib nói ông đã lái xe đưa ông ta đến một bệnh viện dã chiến, nơi ông ta được tuyên bố là đã chết.
"Tôi đã cố gắng cứu mạng sống cho ông ta, nhưng tôi không thể," viên chỉ huy nói.
Các câu hỏi ngày càng tăng về cái chết. Cảnh quay video cho thấy ông Gaddafi bị kéo lê qua các đường phố.
Mỹ đã kêu gọi các quan chức hãy giải thích “một cách công khai và minh bạch”.
Xác nhà cựu lãnh đạo hiện được để trong phòng lạnh chứa thịt gia súc tại thành phố Misrata.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói "cách thức ông ấy chết khiến người ta phải đặt ra hàng loạt các câu hỏi".
Ông Lavrov kêu gọi mở cuộc điều tra đầy đủ, tương tự như lời yêu cầu của Trưởng cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Navi Pillay.
Quyền Thủ tướng Mahmoud Jibril nói với BBC: "Ở cấp độ cá nhân tôi muốn Đại tá Gaddafi còn sống. Tôi muốn biết lý do tại sao ông đã làm điều này với nhân dân Libya. Tôi muốn tôi là công tố viên trong phiên tòa xử ông ta..."
Ông Jibril nói thêm rằng việc thực hiện cuộc điều tra đầy đủ dưới sự giám sát quốc tế là "hoàn toàn được", miễn là các quy tắc chôn cất Hồi giáo được tôn trọng.
Các phóng viên nói một số người Libya quan ngại về cách thức bị kết liễu nhục nhã của nhà độc tài, điều vẫn đang được ăn mừng trên khắp đất nước.
Việc chôn cất đã bị trì hoãn trong bối cảnh người ta vẫn đang phân vân là nên làm gì tiếp theo đối với thi thể ông Gaddafi.
Chưa rõ liệu nhà cựu lãnh đạo sẽ được chôn cất ở Misrata, ở quê nhà Sirte, hay ở nơi khác.
Các quan chức NTC nói họ muốn tiến hành an táng bí mật để ngăn chặn nguy cơ mộ ông Gaddafi bị biến thành nơi thờ phụng.
Bầu cử
Libya dự kiến ​​sẽ chính thức công bố đất nước đã được giải phóng trong dịp cuối tuần.
Cuộc bầu cử đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới, Thủ tướng lâm thời của Libya nói.
"Theo điều mà chúng tôi gọi là tuyên bố hiến pháp, kỳ bầu cử đầu tiên sau khi giải phóng đất nước ... cần được thực hiện trong vòng tối đa là tám tháng," ông Mahmoud Jibril phát biểu tại một hội nghị ở Jordan.
"Đại hội dân quốc Libya ... đảm trách hai nhiệm vụ, đầu tiên là soạn thảo một bản hiến pháp để đưa ra trưng cầu dân ý, và tiếp theo là hình thành chính phủ lâm thời nhằm hoạt động cho tới khi kỳ bầu cử tổng thống đầu tiên được tổ chức."
NATO cho biết sẽ kết thúc chiến dịch tại Libya vào ngày 31/10.
Đại tá Gaddafi lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính hồi năm 1969 và bị lật đổ hồi tháng Tám. Ông đã có trận kháng cự cuối cùng tại Sirte cùng với hai con trai là Mutassim và Saif al-Islam
Hiện đang có những tường thuật trái ngược nhau về nơi trốn của Saif al-Islam và giám đốc an ninh của ông Gaddafi; cả hai đều chưa bị bắt.

No comments:

Post a Comment