Monday, October 3, 2011

Sự Hình Thành Hệ Thống Lưỡng Đảng Ở Mỹ

VOA – BS Phạm Hồng Sơn chuyển ngữ

(LÊN MẠNG Thứ sáu 19, Tháng Mười Hai 2008)

Khi lên làm Tổng thống, George Washington không thuộc đảng phái chính trị nào và vào thời điểm đó, nước Mỹ cũng chưa có đảng phái chính trị. Điều đó không có nghĩa là mọi người Mỹ lúc đó đều có cùng một chính kiến. Nước Mỹ lúc đó có nhiều quan điểm chính trị khác nhau, nhưng chưa có một tổ chức nào được lập ra để đưa người ra ứng cử.

Sau đó có hai tổ chức dần dần được hình thành trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của George Washington. Một tổ chức có tên là Người Liên bang, do bộ trưởng tài chính Alexander Hamilton lãnh đạo. Tổ chức thứ hai có tên là Người Cộng hòa, đứng đầu là bộ trưởng ngoại giao Thomas Jefferson. Mỗi tổ chức đều bày tỏ quan điểm chính trị của người đứng đầu.





Hamilton và Người Liên bang muốn có một chính quyền trung ương mạnh với một tổng thống có nhiều quyền và các tòa án kèm theo. Người Liên bang có chính sách ủng hộ giới chủ ngân hàng và tầng lớp doanh nhân giàu có. Họ chủ trương thúc đẩy quan hệ ngoại giao và kinh tế chặt chẽ với Anh quốc. Người Liên bang không thích dân chủ, cái họ thường mô tả là quyền lực của đám dân đen.

Đảng người Liên bang thành lập sau này cũng do Alexander Hamilton lãnh đạo nhưng không hoàn toàn giống như tổ chức có tên Người Liên bang trước đó. Tên gọi này cũng được sử dụng để chỉ những người ủng hộ cho việc xây dựng Hiến pháp mới. Còn những người phản đối Hiến pháp thì được gọi là Người chống Liên bang.

Một số người trước đây của tổ chức Người Liên bang, như Alexander Hamilton, sau này đã trở thành đảng viên Đảng người Liên bang. Họ là những người có nhiều quyền lực. Họ là những người kiểm soát Quốc hội suốt thời kỳ George Washington làm Tổng thống và gần như kiểm soát được cả Washington bằng những ảnh hưởng của Alexander Hamilton.

Thomas Jefferson và Người Cộng hòa cũng ủng hộ Hiến pháp như một bản thiết kế chính quyền. Nhưng họ không cho rằng Hiến pháp trao cho chính quyền trung ương những quyền lực không giới hạn. Người Cộng hòa có chính sách trợ giúp nông dân và các doanh nhân nhỏ. Họ thúc đẩy quan hệ với người Pháp, những người đang nổi dậy chống lại quyền lực của vua. Người Cộng hòa đòi hỏi nhiều quyền hơn và nhiều dân chủ hơn cho toàn thể nhân dân Mỹ.

Hai vị lãnh đạo của hai tổ chức này là hai con người rất khác nhau.

Alexander Hamilton thuộc những người Liên bang quí tộc nhưng lại không được sinh ra trong một gia đình giàu có và ổn định. Ông là con ngoài giá thú, được sinh ra ở West Indies (một quần đảo ở vịnh Ca-ri-bê -ND). Tuy nhiên Hamilton được học ở Mỹ và ông đã đạt được một địa vị xã hội khi kết hôn với con gái của một chủ đất giàu có ở bang New York.

Tiền và địa vị xã hội đối với Hamilton là những điều quan trọng. Ông tin rằng sẽ tốt hơn khi người có tiền và có địa vị xã hội nắm quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi Thomas Jefferson – thuộc những người Dân chủ Cộng hòa, lẽ ra phải là người được Alexander Hamilton ưa chuộng, nhưng thực tế lại khác hẳn. Thomas Jefferson có họ xa bên ngoại với giới quí tộc Anh. Ông thích ăn ngon, uống rượu ngon, thích đọc sách và nghe nhạc. Nhưng Jefferson lại rất kính trọng những người nông dân chất phác và những người đã khai phá vùng đất phía Tây cho những người định cư. Ông cho rằng cả hai nhóm người này đều có quyền lãnh đạo quốc gia.

Trong khi cả hai, Alexander Hamilton và Thomas Jefferson, đều là những người Mỹ yêu nước, họ lại có những quan niệm hoàn toàn mâu thuẫn nhau trong việc làm thế nào để vận hành một chính quyền.
Những bất đồng cá nhân của họ đã trở thành những cuộc tranh cãi trước công luận khi cả hai người là thành viên trong nội các của Tổng thống George Washington. Tuy nhiên, hai người không phản bác nhau trực tiếp trước công luận, họ thường luận chiến với nhau trên hai tờ báo.

Cả hai đều hiểu rõ sức mạnh của báo chí. Đặc biệt là Jefferson, ông cảm nhận được sự cần thiết của báo chí đối với dân chủ. Ông tin tưởng rằng báo chí là cách thức duy nhất để công chúng có thể biết được sự thật. Jefferson đã có lần phát biểu: Nếu tôi phải lựa chọn giữa một chính quyền không có báo chí và báo chí không có chính quyền, thì tôi sẽ lựa chọn báo chí không có chính quyền.

Hamilton lại là người đã có kinh nghiệm sử dụng báo chí cho mục đích chính trị. Trong cuộc Cách mạng giành độc lập, khi Hamilton làm trợ lý cho Tổng chỉ huy George Washington. Một trong những nhiệm vụ của Hamilton là bảo đảm tiền và nhu yếu phẩm cho quân đội. Hamilton đã đề nghị chính quyền 13 bang lúc đó và cả Quốc hội (khi đó có rất ít quyền lực) để được giúp đỡ, nhưng gần như không ai đáp ứng. Từ đó, Hamilton nhận thấy hệ thống chính trị do các Điều khoản Liên bang (thỏa thuận chính trị chung trước khi có Hiến pháp năm 1787-ND) tạo ra yếu và vô tổ chức. Ông cho rằng các bang không cần có quá nhiều quyền lực. Cái nước Mỹ cần , ông nói, đó chính là một chính quyền trung ương mạnh. Nếu không có điều đó, Liên bang sẽ tan rã.

Hamilton thể hiện quan điểm của mình qua rất nhiều bài báo. Ông không ký tên thật cho các bài báo của mình, mà dùng bút danh Người Lục địa.

Không lâu sau đó, Hamilton trở thành một trong những người ủng hộ mạnh nhất cho việc triệu tập một hội nghị để tu chính các Điều khoản Liên bang. Hội nghị đó đã được tổ chức tại Philadelphia vào năm 1787 và kết quả là tạo ra Hiến pháp Mỹ.

Hamilton là một trong các đại biểu của Hội nghị và sau đó còn là người góp phần vào việc viết các bài báo kêu gọi sự ủng hộ cho Hiến pháp. Đó là những bài trên tờ báo có tên là Người Liên bang, viết chung với James Madison và John Jay.

Khi Hamilton trở thành bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống George Washington, ông vẫn tiếp tục sử dụng báo chí cho công việc của chính quyền. Nhưng, duy nhất lần này, Hamilton sử dụng báo chí nhằm cuốn hút ủng hộ cho các chính sách của riêng ông. Hamilton phát biểu qua một tờ báo có tên là Gazette nước Mỹ (Gazette of the United States), tổng biên tập là John Fenno.

Trong khi đó Jefferson cũng được nhiều chủ báo khác ủng hộ, nhưng họ không thuộc phong trào chính trị của ông. Ông cho rằng cần phải có một tờ báo làm ngôn luận riêng cho mình. Sau đó, James Madison đã giúp Jefferson có được một tờ báo, do Philip Freneau, bạn của Madison làm tổng biên tập. Tờ đó có tên là Gazette Quốc gia

Phần lớn những người ủng hộ Hamilton sống tại các đô thị vùng Đông-Bắc. Họ là những chủ ngân hàng, doanh nhân lớn, là những luật sư, bác sỹ và các linh mục.

Jefferson tôn trọng uy quyền chính trị của Hamilton, nhưng ông thấy Hamilton không có được sự ủng hộ rộng lớn từ những người dân thường.

Vào những năm 1790, chín mươi phần trăm dân Mỹ làm trang trại, lao động chân tay hoặc buôn bán nhỏ. Những người này tỏ ra bất bình với chính sách của chính quyền thường chỉ trợ giúp giới chủ ngân hàng, chủ đất lớn và giới doanh nhân giàu có. Họ không có đảng chính trị nào để ủng hộ họ. Đó chính là những người mà Jefferson đang muốn nhắm đến.

Mục tiêu của Jefferson rất khó khăn vì lúc đó nhiều người Mỹ biết rất ít về những gì xảy ra ở ngoài vùng họ đang sống, nhiều người còn chưa được phép bầu cử vì họ không có tài sản. Jefferson nghiên cứu tình hình từng bang và thấy hầu như ở khắp nơi các nhóm chính trị đều phản đối các đạo luật trợ giúp cho người giàu. Đó chính là điều Jefferson đang cần. Jefferson cho rằng, nếu các nhóm chính trị đó được kết hợp với nhau thành một tổ chức ở tầm quốc gia thì khi đó sẽ có một tổ chức đối trọng lại với Đảng người Liên bang.
Đảng của Jefferson có cả người giàu và người nghèo, họ cùng liên kết với nhau để phản bác quan điểm sai lầm về sử dụng quyền lực trong chính quyền trung ương của Đảng người Liên bang.

Thomas Jefferson và Alexander Hamilton có những ý tưởng trái ngược nhau về cách thức điều hành quốc gia. Chính sự mâu thuẫn của họ đã giúp tạo nên hệ thống chính trị lưỡng đảng của Mỹ.

Đảng Người Liên bang, do Bộ trưởng Tài chính Alexander Hamilton lãnh đạo, ủng hộ cho một chính quyền trung ương mạnh với một tổng thống uy lực và một hệ thống tòa án kèm theo. Người Liên bang cho rằng những người giàu và có địa vị xã hội nên giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Vào đầu những năm 1790, Người Liên bang đã tạo được ảnh hưởng khiến cho những lãnh đạo quốc gia Mỹ là những người như thế.
Đảng Người Liên bang giành được quyền kiểm soát Quốc hội. Họ cũng có ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống đầu tiên, George Washington.

Trong khi Đảng Người Cộng hòa, do Bộ trưởng Ngoại giao Thomas Jefferson lãnh đạo, lại không muốn một chính quyền trung ương mạnh đến mức với những quyền lực không giới hạn. Người Cộng hòa cho rằng sẽ tốt hơn nếu quyền lực chính trị được phân tán vào trong dân chúng.

Hai Đảng đều thực hiện luận chiến trên những tờ báo của đảng. Các sử gia cho rằng chính Hamilton là tác giả của phần lớn các bài luận chiến trên tờ báo Người Liên bang. Trong khi Jefferson, theo các sử gia, chỉ đóng vai trò tư vấn cho tờ báo Người Cộng hòa.

Cả hai tờ báo đều cho đăng những bài báo vô danh nhằm công kích phía bên kia. Và cả hai cùng cho đăng những câu chuyện không có thực. Thỉnh thoảng có cả những bài công kích cá nhân. Nhiều người cảm thấy hai vị bộ trưởng đã đi quá giới hạn của một cuộc tranh luận về những vấn đề chung của xã hội.

Khi gần hết nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, George Washington nhận được một lá thư của Jefferson. Trong thư, vị Bộ trưởng Ngoại giao xin từ chức. Jefferson nói rằng ông không đồng ý với phần lớn các chính sách điều hành và quan điểm ngoại giao của chính phủ. Jefferson không nhắc đến tên Hamilton. Điều đó không cần thiết vì Washington hiểu ngay, chính Hamilton là người đã chủ trương các chính sách đó.

Vị Tổng thống đã cố gắng dàn hòa hai người. Washington yêu quí và tôn trọng cả hai. Ông hiểu rằng đất nước non trẻ cần tài năng của cả hai con người đó. Tuy nhiên, sự bất đồng đã đi quá xa, vượt quá vấn đề bất đồng của hai cá nhân mạnh mẽ. Đó là cuộc đấu của hai triết lý khác nhau hoàn toàn về việc quản lý đất nước.
Wasington không dàn hòa nổi hai người. Nhưng Jefferson đã rút lại quyết định từ chức. Trong một bức thư gửi con gái, Jefferson viết: Những công kích cha đã làm thay đổi quyết định mà cha đã nghĩ là không thể thay đổi. Cha phải ở lại để đấu tranh.

Khi đó, ý tưởng về các đảng chính trị là những điều còn mới mẻ ở Mỹ. Lúc đó không có luật nào chỉ rõ các đảng được hay không được làm cái gì. Cũng không có các hạn chế các thành viên chính phủ trong các hoạt động chính trị. Do đó, trong khi vẫn đảm trách công việc Bộ trưởng Ngoại giao, Jefferson bắt đầu vận động để đưa người của mình vào Quốc hội. Ông cho rằng đó là cách duy nhất để đánh bại Hamilton. Tổng tuyển cử đã được lên kế hoạch vào năm 1792.

Lúc đó không có bất đồng gì về vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ. Mọi người đều muốn George Washington giữ thêm một nhiệm kỳ Tổng thống. Nhưng, nhiều người Cộng hòa thấy không nên để John Adams tiếp tục làm phó Tổng thống. Adams là một người yêu nước và cần mẫn phục vụ đất nước, nhưng ông ta không phải là người có đầu óc dân chủ. Adams không giấu diếm quan điểm cho rằng những người sinh ra trong các gia đình quyền quí nên trở thành lãnh đạo đất nước.

Người Cộng hòa đã tìm thấy một lý do để chống lại Người Liên bang. Chính sách tài chính của Hamilton đã tạo điều kiện cho các chủ ngân hàng và những người cho vay có thể đầu tư vào mọi lĩnh vực. Một quan chức cao cấp của Bộ Tài chính đã thực hiện một phi vụ kinh doanh bằng những thông tin riêng của Bộ. Việc đầu tư của người này đã gặp khó khăn và sau đó thất bại. Sự thất bại đó đã gây ra một loạt các thất bại khác, dẫn đến sự suy sụp tài chính ở New York, trung tâm tài chính nước Mỹ.

Người Liên bang có cơ sở rất mạnh ở vùng Đông-Bắc. Trong khi Người Cộng hòa có sức mạnh ở khắp mọi nơi. Người Cộng hòa đã giành được thế mạnh trong Hạ viện sau Tổng tuyển cử năm 1792. Tuy nhiên, Người Cộng hòa đã không thắng trong cuộc tranh cử chức Phó Tổng thống. Một lần nữa, John Adams lại giữ vị trí Phó Tổng thống. Kết quả này có thể là do nhiều người Mỹ lúc đó nghĩ rằng Tổng thống Wasington vẫn muốn John Adams tiếp tục phụ tá cho ông. Nhưng, lần này Adams chỉ hơn các đối thủ khác rất ít phiếu. Có bốn bang đã bỏ phiếu cho George Clinton – một người thuộc Đảng Cộng hòa ở New York. Một bang bỏ phiếu cho Jefferson cho dù ông không ra ứng cử.

Năm 1793 bắt đầu xuất hiện những biến đổi quyền lực của Alexandre Hamilton. Người Cộng hòa ở Hạ viện chất vấn các kế hoạch tài chính của Hamilton. Tại sao Bộ trưởng Tài chính đã từ chối cung cấp cho Quốc hội các chứng cứ, tài liệu liên quan đến các chương trình vay, cho vay và đánh thuế?

Trong suốt bốn năm, Hạ viện đã thông qua tất cả các dự luật do Hamilton đề xuất mà không được nghe giải trình. Theo Hamilton, đó là cách duy nhất để quản lý đất nước. Bây giờ chính là lúc Hạ viện cần phải biết nhiều hơn nữa.

Hamilton đã coi chất vấn đó là một xúc phạm. Ông đáp lại ngay. Hamilton đã làm bốn bản giải trình về các hoạt động của Bộ Tài chính. Người Cộng hòa nghiên cứu kỹ các bản giải trình đó để hòng chứng minh Hamilton và Người Liên bang đã dối trá. Nhưng không một chứng cứ nào như thế được tìm thấy. Người Cộng hòa không kết tội được Hamilton đã biển lận tiền bạc cho bản thân, và họ đã chuyển tấn công sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, họ cho rằng Hamilton đã không tuân theo chỉ đạo của Tổng thống Washington trong việc xử lý các khoản vay nước ngoài, Hamilton đã trả lãi suất quá cao cho Ngân hàng Quốc gia Mỹ và đã không tuân thủ chặt chẽ các luật (đã được Quốc hội thông qua) liên quan đến chi tiêu ngân sách của chính phủ.

Người Liên bang trong Quốc hội cũng đáp trả các cáo buộc. Người Liên bang luôn lên tiếng rằng Người Cộng hòa không thể chứng tỏ Bộ trưởng Tài chính đã phạm luật trong bất cứ hành động nào.

Nỗ lực phế truất Hamilton ra khỏi Quốc hội đã thất bại. Nhưng Hamilton lại sẵn sàng ra đi. Hamilton cảm thấy hài lòng với công việc mà ông đã thực hiện. Hơn bất kỳ ai khác, Hamilton là người đã định hình các chính sách cho nước Mỹ trong suốt năm năm đầu tồn tại (kể từ khi có Hiến pháp-ND). Hamilton tin rằng quốc gia non trẻ sẽ tiếp tục được điều hành bởi các quan điểm chính trị mà ông đã khởi xướng và ủng hộ. Hamilton trở về New York, làm luật sư và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Đa phần dân chúng Mỹ lúc đó không quan tâm đến những cuộc tranh cãi giữa Đảng Người Liên bang và Đảng Người Cộng hòa về những vấn đề như Ngân hàng Quốc gia Mỹ. Nông dân và người lao động chân tay không hiểu các vấn đề kinh tế. Nhưng đối với cuộc Cách mạng Pháp lại là một vấn đề khác.

Người Liên bang phản đối cuộc Cách mạng Pháp. Họ lên án việc sử dụng bạo lực và hành động xử tử vua và nữ hoàng. Người Liên bang cũng muốn có quan hệ kinh tế, chính trị tốt hơn với nước Anh. Trong khi đó, Người Cộng hòa lại chào đón cách mạng. Họ cho rằng đó là cuộc đấu tranh vì tự do và dân chủ – y như họ đã đấu tranh chống lại người Anh. Hơn nữa, Người Cộng hòa cho rằng nước Anh không phải là bạn của Mỹ.
Nước Anh đã vi phạm hiệp ước hòa bình đã được ký giữa hai nước khi vẫn cố chiếm giữ đất ở phía tây nước Mỹ. Nước Anh vẫn dùng tiền hòng xúi giục người Da đỏ bản địa hạ sát người nhập cư da trắng. Nước Anh vẫn bắt cóc thủy thủ Mỹ để làm lính trên các chiến hạm Anh.

Cuộc Cách mạng ở Pháp đã đưa nước Mỹ vào một tình thế khó khăn. Tình hình càng khó khăn hơn khi các hoàng gia châu Âu cùng gửi quân sang để chống lại nước cộng hòa non trẻ mới được thành lập ở Pháp. Nước Mỹ trước đó đã có một hiệp ước với Pháp, có qui đinh rằng Mỹ sẽ giúp đỡ Pháp khi Pháp bị tấn công. Song, Tổng thống Washington đã xác quyết là Mỹ không nên tham dự vào chính sự ở châu Âu. Và Washington đã tuyên bố Mỹ sẽ trung lập.

Lời tuyên bố đó là một chiến thắng cho Người Liên bang. Họ vẫn còn giữ được ảnh hưởng lớn đối với Tổng thống Washington. Nhưng tình hình sẽ ra sao sau năm 1796? Nhiệm kỳ hai của Washington sẽ kết thúc vào năm đó. Trong khi Washington đã tuyên bố trước đó là ông sẽ không ra tranh cử nữa. Vào lúc đó, Hiến pháp Mỹ chưa giới hạn số nhiệm kỳ của Tổng thống. Nhưng George Washington cảm thấy hai nhiệm kỳ là đã đủ.
BS Phạm Hồng Sơn, Hà Nội tháng 12-2008

(chuyển ngữ với sự cho phép của Voice of America – VOA).
(Hết phần dịch của bác sĩ Phạm Hồng Sơn)

Đoạn trên mô tả lúc đầu có sự phân chia ra hai đảng tại Mỹ ra sao . Nhưng các đảng đó không giữ nguyên như vậy và đã có một số thay đổi theo thời gian . Dưới đây là đoạn trích từ Wikipedia cho thấy các đảng tại Mỹ đã thay đổi ra sao .

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%ADnh_tr%E1%BB%8B_Hoa_K%E1%BB%B3

Các chính đảng

Nhiều người trong số các nhà lập quốc không thích nghĩ đến các đảng phái chính trị, cho rằng các phe nhóm sẽ quan tâm đến việc tranh giành quyền lợi hơn là vì lợi ích quốc gia. Họ muốn cử tri bầu phiếu cho các ứng viên độc lập mà không cần có sự can thiệp của các nhóm có tổ chức – nhưng điều này đã không xảy ra.
Trong thập niên 1790, bùng nổ các quan điểm khác nhau về một lộ trình đúng cho tiến trình xây dựng đất nước còn non trẻ này. Những người ủng hộ Alexander Hamilton, liên kết với nhau dưới tên “Phái Liên bang”, chọn mô hình chính quyền trung ương tập trung nhiều quyền lực nhằm hỗ trợ những lợi ích của giới công thương. Những người khác theo Thomas Jefferson, chống cánh Liên bang, chọn cho mình tên “Cộng hoà-Dân chủ”, chủ trương một nước cộng hoà nông nghiệp phân quyền, theo đó chính phủ liên bang chỉ có quyền lực hạn chế. Khoảng năm 1828, cánh “Liên bang” biến mất, được thay thế bởi Đảng Whig, trở nên thành phần đối lập với Tổng thống Andrew Jackson trong cuộc bầu cử tổ chức trong năm. Việc Jackson đắc cử gây chia rẽ trong đảng Cộng hoà-Dân chủ: những người ủng hộ Jackson thành lập Đảng Dân chủ trong khi những người theo John Quincy Adams thành lập Đảng Cộng hoà Quốc gia. Hệ thống lưỡng đảng, tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay, đã được hình thành vào lúc này. Như thế Hoa Kỳ, như một ngoại lệ, đã có những đảng chính trị lâu đời.

Trong thập niên 1850, vấn đề nô lệ trở nên điểm nóng trên chính trường Mỹ, với những bất đồng về việc liệu có nên cho phép chế độ nô lệ tồn tại trên nhưng lãnh thổ tân lập ở miền Tây hay không. Đảng Whig vì không thể thống nhất lập trường nên cuối cùng bị khai tử và được thay thế bởi Đảng Cộng hoà trong năm 1854, đảng này chủ trương hoàn toàn loại bỏ chế độ nô lệ. Chỉ trong vòng sáu năm, đảng chính trị tân lập này giành được ghế tổng thống khi Abraham Lincoln đắc thắng trong cuộc tuyển cử năm 1860. Đến lúc ấy, các chính đảng đã thiết lập cho mình vị trí chủ đạo trong nền chính trị của đất nước, và sự trung thành với một đảng chính trị đã trở nên một phần quan trọng trong ý thức chính trị của ngườI dân. Lòng trung thành này được truyền từ cha sang con, và các hoạt động đảng phái như tham gia các cuộc vận động bầu cử, thường kết thúc với các cuộc diễu hành của các nhóm mặc đồng phục và các buổi rước đuốc, là một phần trong cuộc sống xã hội tại nhiều cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, đến thập niên 1920, những tập quán dân dã này đã tàn lụi dần. Những cải cách đô thị, dịch vụ công, những vụ tham ô, và những cuộc bầu cử sơ bộ đã thay thế quyền lực của các chính trị gia tại các đại hội toàn quốc đã giúp tẩy sạch nền chính trị – và khiến nó bớt sôi động hơn.

Làm sao mà hệ thống lưỡng đảng phát triển trên đất nước Mỹ? Lâu rồi trong lịch sử, nước Mỹ đã từng có nhiều chính đảng nhỏ, cũng từng có đảng thứ ba, một số có được sự ủng hộ đáng kể như Đảng Xã hội, Đảng Lao động Nông gia và Đảng Đại chúng, dù không thu được kết quả khả quan nào từ các cử tri đoàn.

Lăng kính chính trị của hai đảng chính

Trong hạ bán thế kỷ 20, triết lý chính trị của cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ đã thay đổi triệt để. Từ thập niên 1860 đến thập niên 1950, đảng Cộng hoà được xem là có khuynh hướng tự do hơn, trong khi đảng Dân chủ được cho là có chủ trương bảo thủ.

Nhưng hình ảnh này đã thay đổi kể từ nhiệm kỳ tổng thống của Franklin D. Roosevelt, chính sách New Deal của ông với sự hình thành hệ thống An sinh Xã hội cũng như các dự án dịch vụ và việc làm khác của chính phủ liên bang đã giúp hồi sinh đất nước tiếp theo sau những thiệt hại gây ra bởi cuộc Đại Suy thoái năm 1929. Những thành công của Roosevelt khi đối phó với hai cuộc khủng hoảng xảy ra cùng một lúc, Đại Suy thoái và Đệ nhị Thế chiến, đã dẫn đến hiện tượng phân cực trong chính trường nước Mỹ, xoay quanh cá nhân tổng thống; điều này kết hợp khuynh hướng tự do đang gia tăng ảnh hưởng của tổng thống khiến đảng Dân chủ càng ngả về phía tả, trong khi đảng Cộng hoà càng trở nên hữu khuynh.

Suốt thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, cả hai đảng đều bày tỏ lập trường trung dung và để các nhóm bảo thủ, ôn hoà và tự do tạo lập ảnh hưởng đồng đều trong đảng.

Sau cuộc bầu cử tổng thống năm 1964, cánh bảo thủ chiếm ưu thế trong đảng Cộng hoà, trong khi cánh tự do kiểm soát đảng Dân chủ. Tiến trình này xảy ra cùng lúc với việc nhiều đảng viên Dân chủ chuyển sang đảng Cộng hoà vì chống đối Đạo luật Dân quyền năm 1964, hiện tượng này giúp đẩy mạnh Chiến lược miền Nam của Richard M. Nixon trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1968.

Sau đó, cánh tự do và cánh bảo thủ trong đảng Dân chủ cạnh tranh với nhau cho đến năm 1972 khi việc đề cử George McGovern đóng dấu chiến thắng cho cánh tự do. Tình trạng tương tự xảy ra bên trong đảng Cộng hoà cho đến khi Ronald Reagan nhận được sự đề cử rồi chiến thắng vẻ vang trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980, chứng minh ưu thế của cánh bảo thủ.

Những hàn gắn chính trị hoàn tất sau cuộc bầu cử năm 1980 giúp củng cố sự đồng thuận trong mỗi đảng.
Những người có khuynh hướng tự do bên trong Đảng Cộng hoà và những người bảo thủ bên trong Đảng Dân chủ cùng những người tân tự do có tên trong Hội đồng Lãnh đạo Dân chủ thủ giữ vai trò biểu trưng cho giới đảng viên có tư tưởng độc lập, chủ trương trung tả, hoặc tìm cách hoà giải giữa hai chính đảng. Họ giúp chiếm được những vị trí dân cử trong những khu vực trước đây đảng của họ khó tìm được chiến thắng; Đảng Cộng hoà ứng dụng đối sách này với những đảng viên có khuynh hướng tự do như Rudy Giuliani, George Pataki, Richard RiordanArnold Schwarzenegger.

Cơ cấu tổ chức của các chính đảng

Không giống các quốc gia khác, cơ cấu tổ chức của các đảng chính trị tại Mỹ rất lỏng lẻo. Đối với hai đảng chính, không có thiết chế nào ở cấp quốc gia có chức năng kiểm soát số đảng viên, các hoạt động của đảng, hoặc quan điểm chính trị, mặc dù ở cấp tiểu bang có một số cơ quan đảm nhiệm công việc này. Như vậy, khi một người Mỹ nói rằng anh ta là đảng viên Dân chủ hay Cộng hoà, điều này có ý nghĩa khác với việc một người Anh tự nhận mình thuộc đảng Lao động hoặc Bảo thủ. Tại các tiểu bang, một cử tri có thể đăng ký là thành viên đảng này hay đảng kia, hoặc bầu cho đảng này hay đảng kia trong cuộc bầu cử sơ bộ, nhưng sự tham gia ấy không hề hạn chế sự chọn lựa của người ấy; cũng không dành cho người ấy bất cứ đặc quyền hoặc nghĩa vụ nào liên quan đến đảng phái. Hôm nay người ấy có thể chọn đến dự một buổi hội họp của uỷ ban địa phương của một đảng, ngày mai lại đến dự họp tại một đảng khác.

Sự tham gia đảng phái được quan tâm đến khi một người muốn tranh một chức vụ được đảng giới thiệu. Tại hầu hết các tiểu bang, điều này có nghĩa là khi tuyên bố tranh sự đề cử của một đảng để tham gia cuộc bầu cử sơ bộ cho một chức vụ dân cử. Một uỷ ban của đảng sẽ chọn và ủng hộ một trong số những người tranh sự đề cử, nhưng cuối cùng thì sự chọn lựa phụ thuộc vào các cử tri đi bầu trong cuộc bầu cử sơ bộ, thường thì không dễ xác định thành phần cử tri chịu đi đến phòng phiếu.

Đo đó, các chính đảng ở Mỹ chấp nhận một cơ cấu yếu ở trung ương cũng như thường tập trung vào các nỗ lực xây dựng sự đồng thuận hơn là quan tâm đến các vấn đề ý thức hệ. Các chính đảng không có quyền ngăn cản một người gia nhập đảng khi người ấy bất đồng với quan điểm đa số trong đảng, hoặc hoạt động tích cực chống lại các mục tiêu của đảng, miễn là cử tri chọn người ấy trong các cuộc bầu cử sơ bộ.

Ở cấp liên bang, cả hai đảng chính đều có uỷ ban quốc gia (Xem Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủUỷ ban Quốc gia Đảng Cộng hoà) với chức năng chính là gây quỹ và điều hành các chiến dịch tranh cử, đặc biệt trong các cuộc bầu cử tổng thống. Có khác biệt đôi chút trong thành phần uỷ ban của mỗi đảng, nhưng chủ yếu vẫn là đại biểu của các đảng bộ tiểu bang, các tổ chức hữu quan, cùng các nhân vật quan trọng trong mỗi đảng. Tuy nhiên, uỷ ban quốc gia không có quyền chỉ đạo các hoạt động của đảng viên.

Dù mỗi đảng đều có chủ tịch, chức danh này không được xem là “lãnh tụ” đảng, trong thực tế không dễ gì xác định vị trí lãnh đạo trong các đảng chính trị tại Hoa Kỳ. Lãnh tụ đảng thường khi là người có khả năng thuyết phục các đảng viên đi theo sự dẫn dắt của mình. Các nhà lãnh đạo trong thực tế của đảng thường là những đảng viên đang nắm giữ những vị trí cao trong chính quyền như tổng thống hoặc lãnh đạo phe đa số ở Viện Dân biểu hoặc ở Thượng viện. Tuy nhiên, vị trí lãnh đạo ấy chỉ có giá trị khi người này có được sự ủng hộ của các đảng viên. Chính thức thì tổng thống đương nhiệm được xem là người đứng đầu đảng của mình, cũng là người chọn chủ tịch uỷ ban quốc gia. Tương tự, ứng cử viên tổng thống của đảng đối lập trong năm bầu cử cũng được xem là nhà lãnh đạo đảng.

Cả hai đảng đều thành lập cho mình uỷ ban vận động, điều hành tiến trình bầu chọn ứng cử viên tại các cấp khác nhau. Quan trọng nhất là Uỷ ban Đồi Capitol (Hill Committee), tuyển chọn ứng viên cho Quốc hội.

Các nhóm Áp lực Chính trị

Đó là những nhóm quyền lợi đặc biệt. Theo đó, các tổ chức doanh nghiệp sẽ ủng hộ mức thuế thấp dành cho công ty và hạn chế quyền đình công trong khi các nghiệp đoàn sẽ ủng luật qui định mức lương tối thiểu và bảo vệ quyền đàm phán tập thể. Những nhóm quyền lợi khác – như các tổ chức tôn giáo và các nhóm chủng tộc – quan tâm nhiều hơn về việc ban hành những chính sách có thể ảnh hưởng đến niềm tin hoặc tổ chức của họ.
Một mô hình nhóm quyền lợi đặc biệt hiện đang phát triển cả về số lượng và ảnh hưởng trong những năm gần đây là loại hình ủy ban hành động chính trị (political action committee – PAC). Đó là những nhóm độc lập, được tổ chức nhằm phục vụ một hoặc nhiều mục tiêu ví dụ như đóng góp tài chính cho các chiến dịch chính trị trong các cuộc bầu cử quốc hội hoặc tổng thống. Luật pháp hạn chế số tiền đóng góp trực tiếp cho các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử liên bang, nhưng không hạn chế số tiền các ủy ban hoạt động chính trị chi tiêu cho việc cổ xuý một quan điểm chính trị hoặc vận động bầu các ứng cử viên vào các chức vụ dân cử. Ngày nay, con số các uỷ ban này lên đến hàng ngàn.

Tác giả cuốn sách xuất bản năm 1998, The Good Citizen: A History of American Civic Life, Michael Schudson viết, “Các chính đảng hiện đang bị đe dọa bởi số lượng những nhóm quyền lợi đang mọc nhiều như nấm, ngày càng có nhiều nhóm hơn đang điều hành các văn phòng ở Washington, D.C., có mặt thường xuyên tại quốc hội cùng các cơ quan liên bang. Nhiều tổ chức tìm kiếm sự ủng hộ tinh thần và tài chính từ các công dân bình thường. Bởi vì có nhiều nhóm trong số họ tập chú vào một phạm vi hẹp các vấn đề đang được quan tâm, hoặc có khi chỉ một vấn đề, thường là điểm nóng dễ gây xúc động trong quần chúng, họ đang cạnh tranh với các chính đảng trong việc tranh thủ tình cảm, thì giờ và tiền bạc của cử tri”.

Các nhóm quyền lợi đặc biệt ngày càng chi tiêu nhiều hơn khi các cuộc vận động ngày càng trở nên tốn kém. Nhiều người Mỹ có cảm giác rằng quyền lợi của giới giàu có – các công ty hay nghiệp đoàn hoặc các ủy ban hoạt động chính trị được tổ chức nhằm vận động cho một quan điểm đặc biệt nào đó – đã có quá nhiều quyền lực đến nỗi các công dân bình thường khó có thể làm gì để kháng cự lại.

No comments:

Post a Comment