Monday, February 27, 2012

Xét người

Tục ngữ có câu:

Họa hổ họa hình nan họa cốt
Tri nhân tri diện bất tri tâm


Nghĩa là

Vẽ hổ thì chỉ vẽ được hình bên ngoài, khó mà vẽ được xương bên trong
Nhìn người thì chỉ biết bề mặt bên ngoài chứ không biết được lòng dạ trên trong



Xét người khó vì vẻ bên ngoài không phải bao giờ cũng biểu hiện lòng dạ, những toan tính bên trong. Lại thêm con người ta có thể có thái độ giả vờ một lúc nào đó, rồi sau đó thay đổi cách hành xử. Lại thêm con người có thể thay đổi, hôm nay nghĩ thế này, muốn thế này, sau này lại nghĩ thế khác, muốn khác đi.

Khổng Tử có câu nói về cách xét người như sau :

Nhìn để biết người đó làm để nhắm vào mục đích gì, quan sát để biết lý do tại sao, xem người đó có thể ở an tâm vào hoàn cảnh nào, thì người ta không thể che dấu được.

(Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai, nhân yên sưu tai?>

Cùng là hai người đi chùa đem tiền cúng cho chùa nhưng hai người đó không nhất thiết giống nhau. Có người bỏ tiền cúng cho chùa vì nghĩ rằng tiền đó để làm phương tiện để sư sinh sống, chùa hoạt động và cứu giúp người nghèo. Có người cho tiền vì nghĩ kiếp này mình cúng chùa nhiều tiền thì kiếp sau sẽ được sung sướng hơn . Xét mục đích cho tiền để làm gì thì người đầu tiên cho tiền không phải là vì mình mà vì lợi ích chung, người thứ hai tuy hành động giống như người thứ nhất nhưng làm vì mình chứ không phải vì lợi ích chung.

Một chàng trai đem quà cáp đắt tiền biếu cô gái mà anh ta theo đuổi nhưng mục đích của anh ta khi biếu quà là vì anh ta thật lòng yêu cô gái hay anh ta chỉ muốn làm vui lòng cô gái, làm cho cô này tưởng là anh yêu cô ta mà ngủ với anh ta, sau đó, khi đã chán cô gái này, anh ta ruồng bỏ mà chạy theo cô gái khác. Cùng là hành động biếu quà nhưng trong lòng dạ con người có thể không giống nhau. Thử quan sát xem chàng trai đó là người an tâm trong hoàn cảnh nào. Nếu đó là người không yêu một cô gái nào lâu dài, chỉ cặp một thời gian, lợi dụng cô gái đó rồi bỏ thì đó là người không an tâm với việc chung thủy với một người yêu duy nhất. Việc biếu quà có thể là không phát xuất từ tình yêu chân thật.

Một ông chủ cho những người thợ của mình ăn uống đầy đủ và trả lương sòng phẳng, hậu hĩnh. Xét mục đích của ông chủ này thì ông muốn gì? Có thể là ông thương người, đối xử với người thợ tử tế. Cũng có thể ông muốn đối xử tốt với thợ để người thơ ra sức làm việc, sản xuất nhiều hàng hóa hơn, như thế có lợi cho ông ta hơn là đối xử tệ với thợ. Trong trường hợp sau, thì tuy lý do làm là vì mình nhưng cũng là cách làm tốt vì cũng có lợi cho người khác. Vì thế cũng xét thêm là ông ta an tâm trong hoàn cảnh nào. Nếu trong nhiều hoàn cảnh khác ông ta rất quan tâm đến lợi lộc của mình mà có nhiều lúc ông ta lại không quan tâm đến cảnh khổ của những người xung quanh thì việc làm của ông khi đối xử tốt với thợ chỉ là vì mình.

Truyện Đông Châu Liệt Quốc kể về Ngô Khởi là tướng giỏi của nước Ngụy, chưa ăn khi quân lính chưa nổi lửa nấu bếp, trời mưa không che dù khi quân lính chưa dựng lều trại. Có lần Ngô Khởi thấy một người lính bị mụn nhọt, Ngô Khởi ghé miệng hút mủ trên mụn nhọt cho người lính. Mẹ của người lính đó nghe thấy chuyện khóc và nói không biết rồi đây con bà sẽ chết trên chiến trường nào, vì trước đó cha của người lính này cũng được Ngô Khởi hút mủ nên cảm động hăng hái chiến đấu, rốt cuộc đã bỏ mạng trên sa trường. Bà ta khóc vì biết con mình sẽ cảm động vì sự săn sóc của chủ tướng nên sẽ hăng hái chiến đấu rồi sẽ bỏ mạng. Ngô Khởi hút mủ cho người lính là để cho người đó chiến đấu hăng hái hơn cho mình. Xét mục đích của việc làm thì đó không phải là lòng trắc ẩn thương người bị đau mà do tính toán cách làm có lợi cho mình.


Trong truyện Tam Quốc Chí, Từ Thứ tìm đến Lưu Bị để theo nhưng trước khi theo Lưu Bị hẳn thì đem chuyện ngựa Đích Lư ra thử để xét xem Lưu Bị là người như thế nào.

Lưu Bị bị Tào Tháo đánh phải chạy đến Kinh Châu nương nhờ Lưu Biểu. Lưu Bị có có ngựa to đẹp thuộc giống Đích Lư, Lưu Biểu nhìn con ngựa rất thích. Lưu Bị thấy Lưu Biểu thích bèn biếu Lưu Biểu con ngựa. Sau đó có người biết xem tướng ngựa nói với Lưu Biểu:

-    Con ngựa này cạnh mắt có chỗ trũng như vệt nước mắt, trên trán có vệt trắng, là loại ngựa hại chủ.

Lưu Biểu đem trả lại Lưu Bị con ngựa. Người dưới quyền của Lưu Biểu là Y Tịch đem chuyện này nói lại cho Lưu Bị. Lưu Bị không tin những chuyện như thế nên vẫn cưỡi con Đích Lư. Y Tịch thấy thế phục Lưu Bị là người sáng suốt và rất quí mến Lưu Bị.

Ở với Lưu Biểu một thời gian, thuộc hạ của Lưu Biểu là Thái Mạo thấy Lưu Bị có các tướng khỏe lại có quân đội đóng trong lãnh thổ của mình nên e ngại Lưu Bị sẽ cướp Kinh Châu. Thái Mạo dùng kế bày tiệc, mời Lưu Bị đến dự rồi cho lính núp phía sau để nửa chừng tiệc xông ra giết. Giữa bữa tiệc, Y Tịch mách với Lưu Bị là có lính núp phía sau sắp giết Lưu Bị. Lưu Bị giả vờ ra ngoài đi tiểu rồi leo lên ngựa Đích Lư bỏ chạy. Thái Mạo đem quân đuổi theo. Lưu Bị chạy đến một giòng nước sâu tên là Đàn Khê thì cùng đường, phải thúc ngựa lội qua giòng nước. Giữa giòng, ngựa Đích Lư khuỵu hai chân xuống không chạy được làm ướt cả áo bào Lưu Bị. Lưu Bị quất ngựa và nói:

- Đích Lư, Đích Lư, cứu ta với .

Ngựa Đích Lư bỗng phóng lên đem Lưu Bị qua bờ bên kia. Quân Thái Mạo đuổi đến thấy nước sâu không dám vượt qua, để cho Lưu Bị chạy thoát.


Khi Từ Thứ gặp Lưu Bị nhìn thấy Lưu Bị cưỡi ngựa Đích Lư bèn nói:

-    Đây là con ngựa tốt có thể đi ngàn dặm nhưng trán của nó có vệt trắng. Đó là tướng ngựa hại chủ.

Lưu Bị kể chuyện ngựa bị lún tại Đàn Khê. Từ Thứ nói:

- Trường hợp đó là ngựa cứu chủ chứ không phải là ngựa hại chủ. Để giải trừ cái tướng hại chủ, xin tướng công đem ngựa này cho người nào mà tướng công ghét cưỡi để người này bị hại trước rồi sau chúa công lấy ngựa về dùng thì sẽ không bị hại.

Lưu Bị không nghe nói :

-    Ông mới đến không khuyên tôi làm việc tốt lại khuyên tôi làm việc lợi cho mình hại cho người là thế nào?

Từ Thứ thấy Lưu Bị không nghe lời mình khuyên vì không muốn làm hại người khác thì biết Lưu Bị là người nhân từ. Người không muốn làm việc có lợi cho mình nhưng có hại cho người khác mà khởi binh đánh nhau với Tào Tháo thì đó là người thật sự có lòng lo cho xã tắc, đại cuộc không phải là người làm để có lợi cho bản thân mình.

Từ Thứ đem chuyện biếu ngựa để xét xem Lưu Bị an tâm trong hoàn cảnh nào. Lưu Bị không an tâm trong hoàn cảnh làm lợi cho mình mà làm hại cho người khác. Đó là người không ích kỷ, biết nghĩ đến người khác.


Cũng trong truyện Tam Quốc, chỗ Tào Tháo định ám sát Đổng Trác không thành rồi bỏ trốn. Quan huyện Trần Cung cho rằng Tào Tháo là người trung nghĩa, muốn giết Đổng Trác để trừ hại cho triều đình bèn bỏ quan đi theo Tào Tháo. Giữa đường, ban đêm hai người ghé nhà người bạn của Trần Cung là Lã Bá Xa để trú ngụ. Lã Bá Xa đi vắng, người nhà của Lã Bá Xa vẫn tiếp. Khi Tào Tháo đi gần xuống bếp thì nghe tiếng mài dao và lõm bõm nghe người nhà của Lã Bá Xa bàn với nhau là : « Trói lại rồi hãy giết » . Tào Tháo nghĩ rằng những người này định bắt trói mình rồi giết nên rút kiếm ra giết hết những người này. Sau khi giết xong thì thấy một con lợn bị trói nằm dưới bếp. Hóa ra là những người này nói là trói lợn để giết. Tào Tháo thấy mình đã giết người nên rủ Trần Cung bỏ trốn. Hai người đang trên đường đi thì gặp Lã Bá Xa đi về nhà. Tào Tháo nói với Lã Bá Xa là đằng sau có người đuổi theo anh kìa. Lã Bá Xa quay lại nhìn thì Tào Tháo rút gươm chém chết Lã Bá Xa. Trần Cung kêu lên là:

-    Trước đây đã giết nhầm nay đã biết Lã Bá Xa là người quen sao lại giết?

Tào Tháo trả lời:

-    Để Lã Bá Xa sống thì anh ta thấy cả nhà bị giết sẽ đi báo quan. Quan quân sẽ đuổi bắt chúng ta. Thà là ta phụ người còn hơn người phụ ta.

Trần Cung nghe Tào Tháo nói câu : « Thà là ta phụ người còn hơn người phụ ta » thì thấy rằng Tào Tháo chỉ lo nghĩ đến lợi ích của mình, còn người khác bị hại thì mặc kệ. Từ đó Trần Cung suy ra rằng việc Tào Tháo mưu giết Đổng Trác chăng qua là vì mình chứ không phải là vì lo cho sơn hà, xã tắc nên đợi dịp thuận tiện lẳng lặng bỏ Tào Tháo mà đi.

Trần Cung cũng xét xem Tào Tháo an tâm trong hoàn cảnh nào. Tào Tháo có thể an tâm trong hoàn cảnh làm hại cho người khác nhưng có lợi cho mình.

Quả nhiên về sau, Tào Tháo dẹp được các sứ quân làm loạn rồi tự phong chức Ngụy Công, lấn ép vua chứ chẳng phải là muốn dẹp loạn để giúp cho vua nắm được quyền.

Tuân Húc, một mưu sĩ của Tào Tháo thấy Tào Tháo tự phong làm Ngụy Công, lấy nghi lễ dành cho vua mà dùng cho mình thì vỡ lẽ ra rằng Tào Tháo là kẻ đánh dẹp thiên hạ là vì mình chứ chẳng phải là vì vua nên than:

-    Ta không ngờ lại có ngày hôm nay!

Có người mách lại lời này với Tào Tháo, Tào Tháo cho người biếu Tuân Húc một hộp quà gói đẹp đẽ. Tuân Húc mở ra thì thấy đó là cái hộp rỗng, chẳng có gì bên trong. Tuân Húc hiểu ý Tào Tháo không muốn dùng mình nữa nên tự sát. Nếu Tuân Húc không tự sát thì Tào Tháo cũng giết vì bao nhiêu năm làm mưu sĩ, Tuân Húc biết bao nhiêu là bí mật, nhìn và nghe thấy biết bao nhiêu là hành vi không phải của Tào Tháo.

Các câu chuyện kể trên trong Tam Quốc Chí có thể là không có thật hoặc sự thật không hoàn toàn giống thế, nhưng những loại người kể ra trong truyện có thật ngoài đời, có kẻ làm vì quan tâm đến lợi ích chung, có kẻ làm vì muốn phục vụ lợi ích của mình.

Cách xét người của Khổng Tử đòi hỏi người ta phải quan sát hành vi, ghi nhận lời nói, có khi phải mất thời gian, và cũng phải có dịp tiếp xúc gần gũi người đó mới có thể tận mắt quan sát. Có những chính trị gia, những con buôn luôn luôn dùng lời nói đẹp để làm cho mọi người tin. Người làm chính trị nào cũng có những bài diễn văn hay, hãng sản xuất nào cũng quảng cáo là hàng của mình tốt. Nhưng cũng phải xét người làm chính trị đó trong một quá trình qua một  thời gian nào đó và có khi cũng phải tiếp xúc với người đó để xem con người thật của người đó qua các hành vi, lời nói khi không có công chúng nhìn vào ra sao để biết được lòng dạ người đó khác với bề mặt bên ngoài ra sao và cũng để biết được là họ an tâm trong hoàn cảnh nào. Việc đó đòi hỏi thời gian và cũng đòi hỏi óc quan sát và suy luận tinh tế.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment