Saturday, April 14, 2012

Mỹ đóng siêu chiến hạm

BBC - Hoa Kỳ đang tăng phát triển hải quân trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Thái Bình Dương

Một chiến hạm khổng lồ, ̣đắt tiền và được trang bị đầy đủ những công nghệ tối tân nhất đang được hình thành tại nhà máy đóng tàu của thành phố Bath thuộc tiểu bang Maine của Hoa Kỳ, hãng thông tấn AP đưa tin.




Dự án chiến hạm này trước đây đã từng bị một số tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ khai tử vì quá đắt đỏ nay lại được xem là một cấu phần quan trọng của sự đổi hướng chiến lược của chính quyền Obama sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.


 Tối tân nhất

Đây là tàu chiến lớn nhất Hải quân Mỹ đã từng đóng.

Được đặt tên là Zumwalt, chiến hạm sử dụng công nghệ tàng hình, có trang bị tên lửa.

Bên cạnh thân tàu có tính năng xé sóng, chiến hạm này còn có boong làm bằng vật liệu tổng hợp, động cơ sử dụng điện năng, hệ thống radar âm thanh, tên lửa tối tân và súng phóng hỏa tiễn.

Sau này, chiến hạm sẽ được trang bị thêm súng điện từ – một vũ khí tấn công mạnh mẽ sử dụng từ trường và dòng điện và có tốc độ bắn nhanh gấp vài lần tốc độ âm thanh.

Zumwalt có kích thước dài hơn và nặng hơn bất cứ tàu chiến nào hiện nay nhưng lại chỉ cần phân nửa thủy thủ đoàn do đã có các hệ thống tự động.

“Với độ êm, hệ thống phát hiện tàu ngầm hiệu quả đến kinh ngạc, khả năng tấn công trong khi chỉ cần ít người vận hành – đây là tương lai của chúng tôi,” Đô đốc Jonathan Greenert, người đứng đầu các chiến dịch hải quân Hoa Kỳ, nhận xét sau khi ông đến thăm nhà máy đóng tàu ở Bath hồi tuần trước.

Tuy nhiên, có quan ngại rằng Hải quân Mỹ đang cố trang bị cho chiến hạm này quá nhiều công nghệ.

Một số sỹ quan hải quân thậm chí còn chỉ ra rằng năng lực của chiến hạm này không bằng các chiến hạm hiện tại về khả năng phòng thủ tên lửa. Một nhà phân tích quân sự còn cảnh báo rằng nó dễ bị tổn thương khi hoạt động gần bờ để hỗ trợ hỏa lực.

Quá đắt đỏ

 

Chiến hạm dài 600 foot (180 m) này lớn đến nỗi xưởng đóng tàu do công ty General Dynamics sở hữu này phải bỏ ra đến 40 triệu đôla để xây dựng một nhà máy lắp ráp cao đến 106 foot (30 m) để làm chỗ lắp ráp các bộ phận của con tàu khổng lồ này.

Và còn giá thành ‘khủng’ nữa – ước tính vào khoảng 3,8 tỷ đôla, theo dự toán ngân sách mới nhất của Hải quân Hoa Kỳ.

Nếu gộp luôn các chức năng nghiên cứu và phát triển thì chiến hạm này có giá thành lên tới 7 tỷ đôla, Winslow Wheeler, giám đốc Dự án Straus về cải cách quân đội tại Trung tâm thông tin quốc phòng ở Washington.

Chiến hạm Zumwalt sẽ hỗ trợ thủy quân lục chiến trong các cuộc đổ bộ

Do chi phí quá cao mà mục tiêu ban đầu là đóng 32 chiến hạm như dạng này được giảm xuống còn 24 và sau đó là 7 chiếc. Cuối cùng, dự án bị cắt giảm chỉ còn 3 chiến hạm.

Chiếc đầu tiên sẽ được ra mắt vào năm tới và sẽ được bàn giao cho Hải quân Mỹ vào năm 2014.

Tuy nhiên, Đô đốc Greenert nói với các phóng viên rằng chiến hạm này hoàn toàn phù hợp với chiến lược chuyển trọng tâm quân sự của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước sự lớn mạnh của kinh tế châu Á và sự vươn lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự.

Ông không nói rõ chiến hạm mới này sẽ được sử dụng như thế nào. Tuy nhiên Bộ quốc phòng Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang hiện đại hóa hải quân của họ với mục tiêu ngắn hạn là ngăn chặn hoặc đẩy lùi sự can thiệp của Mỹ vào một cuộc xung đột với Đài Loan.

Các quan chức quốc phòng của Mỹ cũng nhìn thấy nguy cơ một cuộc xung đột ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Các công nghệ mới của Zumwalt sẽ giúp chiến hạm này phát hiện và đánh bại các cuộc tấn công và duy trì hoạt động được ở những vùng biển mà đối phương tìm cách phong tỏa, ở cả trên đại dương và khu vực gần bờ, theo Hải quân Mỹ.

Jay Korman, một nhà phân tích công nghệ quốc phòng ở công ty Avascent, nhận xét Zumwalt được trang bị quá nhiều công nghệ mới đến nỗi nó được xem như là câu trả lời cuối cùng đối với các mối đe dọa. Vấn đề duy nhất là chi phí.

“Họ tìm cách đưa vào chiến hạm quá nhiều công nghệ mới cùng một lúc và chi phí bị đội lên,” ông nói, “Tôi không nghĩ mọi người đã thay đổi suy nghĩ rằng đây là một chiến hạm mạnh mẽ. Họ chỉ nghĩ rằng nó quá đắt đỏ.”

Cập nhật: 12:57 GMT - thứ sáu, 13 tháng 4, 2012








Đặc điểm của khu trục hạm Zumwalt (DDG-1000)

Phi Long

Chiếc chiến hạm Zumwalt (DDG-1000) thuộc hạng Khu Trục Hạm của Hải Quân Mỹ có nhiều chức năng và chức năng chủ yếu là tấn công các mục tiêu trên đất liền . Khu trục hạm này là loại thu nhỏ của chiến hạm DD-21 được dự định đóng nhưng vì quá đắt tiền nên bị hủy bỏ. Trông bề ngoài, chiếm hạm có hình thù giống như các chiến hạm bằng gỗ được bọc thép của Mỹ vào cuối thế kỷ 19.

 Chiến hạm bọc thép của Mỹ, USS Cairo, đi trên sông Mississippi năm 1862

Chiến hạm được dự trù sẽ có các đặc tính như hiện hình nhỏ ở trên màn ảnh ra đa, có hệ thống năng lượng tổng hợp cung cấp điện cho động cơ của tàu và các vũ khí trên tàu. Vũ khí có thể bao gồm loại đại bác điện từ, súng laser. Hệ thống computer của tàu phục vụ mạng lưới nối các thiết bị và phụ trách liên lạc với toàn thể software trên tàu. Hệ thống khai hỏa được tự động hóa và các hư hại trên tàu được tự động cô lập với các ống dẫn của phần còn lại trên tàu. Chiến hạm này sẽ dùng ít thủy đoàn và sẽ ít tốn kém trong việc sử dụng, săn sóc và bảo trì hơn loại chiến hạm hiện hành.

Khả năng tàng hình của tàu có được là do vỏ tàu phản xạ lại các tia ra đa ít hơn các tàu thông thường. Vì thế vỏ tàu được làm nghiêng vào phía trong để ít phản xạ lại tia sóng về phía ra đa đã phóng đi.

Chiếc tàu đầu tiên của hạng này được đặt tên là Zumwalt lấy từ tên đô đốc Elmo Zumwalt và số ghi trên vỏ tàu là DDG-1000. Khởi đầu, 32 tàu được dự định đóng nhưng vì giá thành quá cao nên cuối cùng chỉ có 3 chiếc được đóng . Hải Quân Mỹ ước lượng mỗi chiếc tàu trị giá 3,8 tỉ đô la. Nếu cộng thêm chi phí về nghiên cứu và phát triển thì giá thành lên đến 7 tỉ đô la mỗi chiếc.

Khả năng tàng hình

Mặc dù lớn hơn chiến hạm hạng Arleigh Burke 40% nhưng trên màn ảnh ra đa chiến hạm này chỉ trông nhỏ như một chiếc tàu đánh cá và tiếng động mà các tàu khác nghe được chỉ ngang với chiếc tàu ngầm hạng Los-Angeles. Vỏ tàu nghiêng vào phía trong, boong tàu làm băng vật liệu tổng hợp có tác dụng làm tia ra đa phản xạ lại yếu đi. Hông tàu được làm nguội bằng nước đông lạnh và có các ống dẫn không khí lạnh chạy bên trong phần trên của tàu để làm giảm việc phát nhiệt khiến cho tàu khó bị phát hiện hơn.

Hệ Thống Súng Hiện Đại, AGS – Advanced Gun System

Hệ thống Súng Hiện Đại (AGS – Advanced Gun System) gồm hai súng đại bác 155 mm với loại đầu đạn bắn tầm xa gọi là LRLAP (Long Range Land Attack Projectile) do hãng BAE chế tạo. Mỗi đầu đạn trên thực chất là một hỏa tiễn được bắn đi bằng thuốc súng rồi khai hỏa hỏa tiễn để đẩy tiếp đầu đạn đi xa hơn. Hỏa tiễn được hướng dẫn đến mục tiêu bằng hệ thống GPS (Global Positioning System). Tầm bắn của đại bác là 150 km và độ chính xác trong vòng tròn đường kính 50 m. Mỗi đầu đạn nặng 11 kg. Nòng súng có hệ thống làm nguội bằng nước. Tốc độ bắn là 10 phát mỗi phút. Nhờ hệ thống nạp đạn tự động và hệ thống làm nguội nòng, đại bác này có thể bắn với tốc độ nhanh nên hai khẩu đại bác này có hỏa lực tương đương với 18 khẩu đại bác M198 155 mm. Vì thế người ta không thấy tàu cần mang một dàn súng đại bác hàng chục khẩu như các chiến hạm thời xưa. Để gia tăng độ ổn định của tàu khi đại bác khai hỏa, dưới đáy tàu có những ngăn chứa nước . Khi cần gia tăng độ ổn định, nước sẽ được hút vào các hầm này để tàu chìm sâu hơn dưới nước và làm cho trọng tâm tàu thấp hơn. Tàu có thể mang đến 900 viên đạn loại này.

 Ảnh vẽ chiến hạm Zumwalt bắn một đầu đạn phóng đi từ nòng đại bác 155 mm. Đầu đạn này là một hỏa tiễn tên là LRLAP (Long Range Land Attack Projectile), được thiết kế để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong đất liền 



Hệ Thống Phóng Thẳng Đứng Ngoại Vi– Peripheral Vertical Lauch System (PVLS)

Các ống phóng hỏa tiễn không đặt ở giữa lòng tàu như cách các tàu hiện hành vì muốn dành khoảng không gian này cho các thiết bị quan trọng hơn mà được làm thành từng đơn vị chứa trong các ống thẳng đứng được đặt ở sát phía ngoài vỏ tàu. Mỗi đơn vị này có vỏ phía trong dày, phía ngoài mỏng để khi tàu bị trúng đạn, hỏa tiễn bị nổ thì sức nổ sẽ dội ra phía ngoài vỏ tàu chứ không dội vào bên trong làm vỡ tàu. Các ống phóng được đặt rải rác cách xa nhau để lỡ khi bị trúng đạn thì chỉ bị mất các hỏa tiễn chứa trong phần đó mà không bị nổ toàn bộ hỏa tiễn mang theo trên tàu.

Dự định là tàu sẽ được trang bị các hỏa tiễn sau:

Tomahawk BGM-109, loại hỏa tiễn này khi bắn sẽ bay xà sát mặt đất vài chục mét để tránh ra đa, tầm bắn từ 1300 km đến 1700 km, đầu đạn mang chất nổ thường (450 kg), hay loại đầu đạn khi nổ bắn ra nhiều lựu đạn nhỏ để sát thương bô binh, hoặc đầu đạn nguyên tử.

SM-3 (Standard Missile 3). Hỏa tiễn SM-3 là loại hỏa tiến chống hỏa tiễn đạn đạo, có khả năng bắn rơi các hỏa tiễn bay trên độ cao sát không gian hoặc các hỏa tiễn bay ở quĩ đạo thấp trong không gian. Như vậy chiến hạm này có thể triển khai để trở thành một bộ phận trong hệ thống lá chắn phi đạn của Mỹ. Hệ thống lá chắn phi đạn gồm các ra đa để phát hiện phi đạn liên lục địa của đối phương khi mới bắn lên rồi dùng hỏa tiễn bắn hạ. Chiến hạm này có thể đi tuần tiễu bên ngoài bờ biển Mỹ, khi thấy ra đa phát hiện có phi đạn bắn đến Mỹ thì chiến hạm này sẽ phóng hỏa tiễn SM-3 lên bắn hạ. Khu trục hạm này đi hộ tống các hàng không mẫu hạm sẽ bảo vệ cho hàng không mẫu hạm, bắn rôi các hỏa tiễn đạn đạo chống hàng không mẫu hạm của Trung Quốc.

Hỏa tiễn phòng không sẽ là loại Evolved Sea Sparrow Missile (ESSM).


Peripheral Vertical Lauch System (PVLS) chế tạo bởi hãng Raytheon


Hỏa tiễn hành trình Tomahawk BGM-109

Hỏa tiễn SM-3

 Evolved Sea Sparrow Missile (ESSM)

Súng tầm ngắn - Close In Gun System (CIGS)

Để phòng thủ và bắn các mục tiêu gần xung quanh tàu như các tàu địch đến tấn công hay máy bay địch bay đến gần loại đại bác 57 mm MK110 hướng dẫn bằng ra đa của hãng BAE được sử dụng. Tầm bắn là 14 km, tốc độ bắn là 220 phát/phút. Khi không sử dụng đến, súng được gấp vào bên trong một hộp có các cạnh nghiêng để giảm bớt sự phản xạ tia ra đa.



Trực thăng và xuồng

Chiến hạm sẽ được trang bị sàn đáp cho trực thăng ở boong sau và xuồng chứa bên trong tàu sẽ được thả ra bên ngoài qua cửa nằm ở đuôi tàu từ các tấm bửng dốc.

Ra đa

Tàu sẽ được trang bị ra đa Air Missile Defense Radar (AMDR), hiện nay đang được chế tạo. Ra đa AMDR có khả năng phát hiện ở tầng cao và cả ở tầng gần phía ngoài bầu khí quyển. Ra đa này cũng có khả năng phát hiện các hỏa tiễn tầm xa và cũng được sử dụng cho việc phát hiện các hỏa tiễn phóng từ không trung và từ đất liền. Để làm nhiệm vụ có thể phát hiện ở độ cao và phát hiện ở độ thấp ra đa sử dụng hai băng phát sóng. Chức năng này khiến cho ra đa có khả năng phát hiện cao hơn và khó bị phá sóng hơn.

Sonar

Hệ thống sonar được điều khiển bằng hệ thống computer tự động có hai băng phát sóng. Sonar này có khả năng phát hiện khá hơn sonar của các chiến hạm loại Burke khi dùng ở các vùng biển gần bờ nhưng kém hiệu quả hơn ở các vùng biển sâu.


Mỹ tổ chức lễ khởi công đóng khu trục hạm đầu tiên lớp Zumwalt

QĐND - 5 tháng trước 378 lượt xem 1 tin đăng lại

QĐND Online - Theo trang tin Defense Aerospace, Mỹ đã khởi công đóng mới chiếc khu trục hạm DDG-1000 Zumwalt đầu tiên thuộc lớp cùng tên. Buổi lễ khởi công tại cơ sở của công ty đóng tàu Bath Iron Works ở thành phố Bath Maine. Chiếc khu trục hạm DDG-1000 đầu tiên được đặt theo tên cựu lãnh đạo hải quân Mỹ Elmo Russell Zumwalt.

Mặc dù quá trình đóng mới khu trục hạm đầu tiên lớp Zumwalt đã được thực hiện từ lâu, nhưng tới thời điển hiện tại, Mỹ mới làm lễ khởi công đóng mới chiếc chiến hạm này. Quá trình chuẩn bị đóng chiến hạm lớp Zumwalt đầu tiên đã được tiến hành từ tháng 2-2009. Tới cuối tháng 10-2011, Bath Iron Works đã hoàn tất modune đầu tiên của chiến hạm Zumwalt. Modune này nặng khoảng 4.000 tấn, dài 55 m và cao 18,3 m.

Chiến hạm Zumwalt đã hoàn tất và đang chạy thử




Tính tới thời điểm hiện tại, tổng khối lượng đóng mới chiến hạm Zumwalt đã hoàn tất tới 60%. Dự kiến, chiếc khu trục hạm thế hệ mới này sẽ được chuyển giao cho quân đội Mỹ vào năm 2014.

Ngoài chiến hạm Zumwalt, tháng 3-2010, Iron Bath Works đã đóng mới khu trục hạm lớp Zumwalt thứ 2 và là chiếc đầu tiên thuộc quy trình đóng hàng loạt dòng chiến hạm mới này với tên gọi DDG-1001 Michael Monsoor. Lễ khởi công đóng mới chiếc chiến hạm này không được thông báo.

Trung tuần tháng 9-2011, Bộ Tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ đã ký hợp đồng với hãng General Dynamics về việc đóng mới khu trục hạm thứ 2 và 3 lớp Zumwalt với tổng trị giá ước tính 2 tỉ USD (nếu toàn bộ trang thiết bị tiêu chuẩn trên khoang đều được chọn). Tuy nhiên, không rõ số tiền nêu trên đã bao gồm cả các khoản chi phí phải trả cho các nhà thầu phụ của General Dynamics hay không?

Với tổng chiều dài đạt 183 m, khu trục hạm lớp Zumwalt có khả năng đạt tốc độ tới 30 hải lý/giờ. Trang bị vũ khí cơ bản của lớp tàu này là 20 ống phóng thẳng đứng MK 57 VLS với 80 đạn tên lửa, 2 hải pháo 155 mm và 2 pháo phòng không Mk 110 57 mm. Ngoài ra, khả năng tác chiến của khu trục hạm lớp Zumwalt còn được mở rộng nhờ mang theo một máy bay trực thăng hải quân đa nhiệm Sikorsky SH-60 Sea Hawk và 3 UAV MQ-8 Fire Scout.

Tuấn Sơn (theo Lenta)


BAE Systems thử nghiệm tên lửa cho khu trục hạm thế hệ mới của Mỹ

Hải quân Mỹ đã ký hợp đồng trị giá 185,3 triệu USD với hãng BAE Systems về việc phát triển loại tên lửa “hạm đối đất” có điều khiển bắn qua nòng pháo mới (LRLAP- Long Range Land Attack Projectile - Đầu Đạn Tầm Xa Để Tấn Công Đất Liền). Theo DefPro, loại đạn –tên lửa mới sẽ được trang bị cho các khu trục hạm thuộc lớp Zumwalt (DDG-1000) mới.

LRLAP là loại tên lửa có độ chính xác cao, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết được phóng qua nòng pháo 155mm. Trong quá trình thử nghiệm của hãng BAE Systems, LRLAP đã chứng tỏ khả năng tiêu diệt chính xác các mục tiêu ở khoảng cách 63 hải lý (116,7km). Theo kế hoạch, quá trình thử nghiệm LRLAP sẽ hoàn thành trong tháng 12 - 2012.

LRLAP

Khu trục hạm đa năng lớp Zumwalt được thiết kể để tấn công và tiêu diệt các mục tiêu trên bờ và mặt đất. Thậm chí, hỏa lực của khu trục hạm thuộc lớp này còn đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ phòng không và yểm trợ hỏa lực. Việc khởi công chế tạo chiếc khu trục hạm đầu tiên thuộc lớp Zumwalt được tiến hành từ năm 2008. Dự kiến, khu trục hạm đầu tiên mang tên Zumwalt sẽ được bàn giao cho hải quân Mỹ vào tháng 4- 2013 và chiếc thứ 2 - Michael Monsoor sẽ được bàn giao vào tháng 5-2014.

Trực thăng thám thính không người lái MQ-8B Fire Scout, có khả năng mang hỏa tiễn diệt xe tăng Hellfire hoặc các loại hỏa tiễn hướng dẫn bằng tia laser.

Các khu trục hạm thuộc lớp Zumwalt có khả năng đạt tốc độ hành trình 30 hải lý/h trên biển. Trang bị hỏa lực của khu trục hạm thuộc lớp này là 20 ống phóng thẳng đứng MK 57 (có khả năng mang 80 tên lửa), một hải pháo 155mm và 2 pháo phòng không Mk 110 57mm. Ngoài ra, khu trục hạm lớp Zumwalt còn chở theo 2 máy bay trực thăng Sikorsky SH-60 Sea Hawk và 3 máy bay không người lái MQ-8 Fire Scout.

Tuấn Sơn (theo Lenta)






No comments:

Post a Comment