Wednesday, May 8, 2013

K-MAX, trực thăng không người lái rất hiệu quả của quân đội Mỹ

CAMP BASTION, Afghanistan (NYT) – Hồi Tháng Giêng năm nay, một toán lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ ở một tiền đồn hẻo lánh gần làng Shurakay ở tỉnh Helmand nằm về phía Bắc Afghanistan cần tiếp tế đạn dược sau các cuộc đụng độ liên tiếp trong nhiều ngày trước đó.

Con đường dẫn vào đồn rất nguy hiểm cho việc tiếp tế bằng đường bộ và trực thăng bay vào nơi này cũng rất dễ trúng đạn của Taliban.





Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau khi có lời yêu cầu, toán Thủy Quân Lục Chiến nơi đây nghe được tiếng chong chóng trực thăng quen thuộc và chiếc trực thăng không người lái loại K-MAX từ từ hạ xuống một kiện hàng đầy đủ đạn dược rồi sau đó cất cánh lên cao, bay đi mất dạng.

Chiếc K-MAX, lọai trực thăng không người lái duy nhất trong quân đội Mỹ, sau đó quay trở lại nơi này hai lần nữa để thả thêm hàng tiếp tế. Trong 16 tháng qua, hai chiếc trực thăng K-MAX được gửi sang Afghanistan để thí nghiệm, đã giao được 3.2 triệu pound hàng hóa khắp nơi trong tỉnh Helmand và bay hơn 1,000 phi vụ, giúp giảm thiểu số đoàn xe tiếp tế dễ là mục tiêu tấn công của mìn bẫy gài trên đường.



Sự thành công của trực thăng K-MAX nơi chiến trường cũng đưa đến các kế hoạch đưa trực thăng này vào lãnh vực dân sự.

Các trực thăng không người lái chỉ trong một thời gian ngắn sắp tới có thể được dùng để chuyển hàng hóa, trong việc xây cất các tòa cao ốc, cứu nạn trong vùng rừng núi hay ngoài biển khơi.



Các phân tích gia ước lượng rằng thị trường cho các phi cơ không người lái này có thể lên đến khoảng $94 tỉ trong vài năm tới đây.

Các phi cơ trực thăng không người lái chỉ cần khoảng 1.3 giờ bảo trì cho mỗi giờ bay và tốn khoảng hơn $1,300 cho mỗi giờ hoạt động, so với con số 23 giờ bảo trì cho mỗi giờ bay của loại trực thăng vận tải CH-53E với giá khoảng $11,000 cho mỗi giờ hoạt động. (V.Giang)

Theo nhật báo Người Việt, 7-5-2013

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=165974&zoneid=4#.UZK6U0r_qkw

 Hai chiếc trực thăng được chứa trong hangar

Dưới đây là đoạn video của hãng Lockheed Martin nói về việc thí nghiệm dùng trực thăng không người lái để tiếp liệu. Chiếc trực thăng này có thể câu kiện hàng nặng 3 tấn. Người điều khiển dùng bàn điều khiển loại dùng để chơi computer game. Việc thí nghiệm được thực hiện cả ban đêm để xem khả năng có thể dùng kính nhìn ban đêm để móc kiện hàng vào trực thăng.




Bình Luận:

Có thể thấy chiếc trực thăng K-MAX là loại trực thăng có người lái được biến cải thành loại trực thăng điều khiển từ xa vì nó vẫn có phòng lái có kính. Đây chỉ là thí nghiệm loại trực thăng không người lái để giải quyết vấn đề tiếp tế cho quân đội Mỹ tại Afghanistan. Các đoàn xe vận tải chở đồ tiếp liệu thường bị đánh phá, phục kích bởi quân Taliban nên quân đội Mỹ thử tìm một cách khác để tiếp tế.

Trực thăng K-MAX được chế tạo bởi hãng Kaman, là hãng chuyên thiết kế và chế tạo loại trực thăng có hai cánh quạt nằm chéo nhau. Ưu điểm của loại trực thăng này là không cần cách quạt ở đuôi để thổi cân bằng lực quay do cánh quạt chính ở phía trước gây ra. Hai cánh quạt đặt chéo nhau quay ngược chiều nhau và không va chạm vào nhau khi quay nên lực làm thân trực thăng quay do cánh quạt gây ra bị triệt tiêu. Do không cần cánh quạt ở đuôi nên thân trực thăng ngắn và vì có hai cánh quạt để nâng nên trực thăng này có sức chở cao.

 Trực thăng K-MAX nhìn từ phía trước với kính phòng lái nghiêng ra bên ngoài

Chiếc trực thăng trên được chế tạo để câu các kiện hàng hóa nặng. Thân máy bay hẹp nên không chứa được bao nhiêu nhưng phòng lái có kính nghiêng ra phía ngoài để phi công ngồi bên trong có thể nghiêng đầu nhìn xuống dưới nhìn thấy dây móc vào kiện hàng.

Một trong những công dụng của trực thăng này là dùng trong việc khai thác gỗ. Khi người ta đốn các thân cây lớn trong rừng sâu thì thay vì phải làm đường cho xe vận tải chạy vào rừng để chở gỗ ra thì người ta dùng loại trực thăng này câu các thân cây, bay ra khỏi rừng rậm, thả các thân cây xuống một dòng sông, rồi từ đó có tàu kéo các thân cây gỗ này về nhà máy cưa, cũng nằm bên cạnh dòng sông.

 Trực thăng K-MAX dùng trong việc khai thác gỗ











No comments:

Post a Comment