Friday, September 20, 2013

Chế độ Phát Xít tại Ý

Chế độ phát xít thường được dùng gọi các chế độ độc tài dùng sức mạnh mà cưỡng ép người đân phải phục tùng và nghe lời. Chữ Phát Xít thật ra lúc đầu chỉ để gọi chế độ độc tài tại Ý, do Benito Mussolini thành lập và lãnh đạo. Nhưng về sau, chữ phát xít trở thành danh từ chung để chỉ sự độc tài. Dưới đây là bài viết về chế độ Phát Xít tại Ý, trích từ tác phẩm Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.


Những chủ nghĩa phản đối lại lý thuyết dân chủ và lý thuyết xã hội: 
Chủ Nghĩa Phát Xít và Chủ Nghĩa Quốc Xã

Trong khi người Á-Châu vẫn trung-thành với tư-tưởng thần-quyền và nền lý-luận siêu-hình, từ thế-kỷ thứ 17 trở đi, người Âu-châu đã hướng đến lý-tưởng nhơn-quyền và những khoa-học thực-nghiệm. Do xu-hướng mới này, trong mấy thế-kỷ gần đây, những dân-tộc Âu-châu đã bị lôi kéo vào một phong-trào biến-động không ngừng làm xáo trộn cả đời sống xã-hội của họ.

Dẫn đầu trong cuộc thay cũ đổi mới này, là người Anh. Chính họ đã nêu ra trước tiên tư-tưởng dân-chủ tôn-trọng sự tự-do cá-nhơn của người. Chính họ đã đi tiên-phong trong công việc đả phá quyền chuyên-chế của nhà vua và thi-hành chế-độ đại-nghị. Nhưng nhờ những điều-kiện đặc-biệt thuận-tiện, cũng như nhờ những đức-tánh hiếm có của họ, người Anh đã đạt được một thế quân-bình cần-thiết cho sự tiến-hóa thuận-lợi của quốc-gia.

Tuy cũng phải chịu những họa-hại của chế-độ tự-do,trải qua những cuộc khủng-hoảng kinh-tế, chứng-kiến việc tư-bản bóc lột vô-sản, nước Anh đã giải-quyết được những vấn-đề xã-hội của mình một cách êm thắm và dung-hòa được xu-hướng canh-tân với xu-hướng bảo-thủ. Tinh-thần ái-quốc của họ vẫn còn nguyên vẹn và sự hùng-cường của quốc-gia họ đã giúp cho họ nhiều phương-tiện để nâng cao đời sống chung lên, làm dịu bớt tánh-cách cay nghiệt của chế-độ tư-bản.

Người Pháp đã nối chân người Anh trên con đường cách-mạng dân-chủ. Sự nóng nảy quá-khích của họ làm cho cuộc tranh-đấu họ đeo đuổi có một tánh-cách mãnh-liệt. Hai phái bảo-thủ và canh-tân đã cương-quyết đương đầu nhau đến kỳ cùng. Do đó, người Pháp đã phải phí rất nhiều thì giờ và xương máu mới đặt được một nền tảng vững chắc cho chế-độ đại-nghị ở nước họ. Nhưng chế-độ này không phải nhờ đó mà hoàn-mỹ hơn chế-độ Anh. Những lưu-tệ của chánh-sách dân-chủ tự-do đã hiện ra ở Pháp rõ ràng hơn ở Anh. Cuộc xung-đột tư-tưởng và quyền-lợi cũng mãnh-liệt hơn. Do đó, nước Pháp bị suy yếu nhiều hơn nước Anh.

Tuy-nhiên, nhờ chánh-sách thuộc-địa, nước Pháp cũng có nhièu phương-tiện để giải-quyết những vấn-đề xã-hội. Bởi đó, cuộc xung-đột giữa lý-thuyết dân-chủ và lý-thuyết xã-hội trên đất Pháp có mãnh-liệt, nhưng vẫn chưa đến nỗi đưa đến sự hỗn-loạn. Sự phản-ứng của những tổ-chức hữu-phái thiên về kỷ-luật quốc-gia cũng có gây những phong-trào chống chọi lại chế-độ cộng-hòa, nhưng nói một cách khái-quát, những phong-trào này không đủ sức đánh đổ xu-hướng yêu chuộng tự-do của dân-tộc Pháp. Nhờ đó, chế-độ cộng-hòa vẫn còn đứng vững, tuy nước Pháp có kém lần thế-lực trên trường quốc-tế.

Tranh cổ động của phong trào Phát Xít vẽ hình lãnh tụ Mussolini trong đồng phục của đoàn thanh niên Áo Đen, vung kiếm bảo vệ tổ quốc

Tình-thế các nước ở miền trung và nam Âu-châu thì khác hẳn. Tư-tưởng dân-chủ chỉ tràn đến nước họ sau cuộc Đại Cách-mạng Pháp năm 1789, và từ đó, những biến-động ở nước họ thường chỉ là phản-hưởng của những phong-trào phát-khởi từ nước Pháp. Sự xung-đột giữa hai xu-hướng chuyên-chế và tự-do ở những nước này cũng mãnh-liệt không kém gì ở Pháp.

Về phía nước Ý, cuộc tranh-đấu cho lý-tưởng dân-chủ đi chung với cuộc tranh-đấu giải phóng dân-tộc và thống-nhứt quốc-gia nên đã huy-động được toàn-dân và cáo-chung bằng sự thắng-lợi của phái tự-do. Chế-độ đại-nghị bắt đầu được thi-hành ở nước này từ khoảng giữa thế-kỷ 19.

Ở nước Đức, trái lại, công cuộc vận-động thống-nhứt quốc-gia dựa vào nguyên-tắc quyền-lực nhiều hơn là vào lý-tưởng tự-do. Do đó, cho đến đầu thế-kỷ thứ 20, những nhóm người Đức thờ phụng lý-thuyết dân-chủ và xã-hội chưa hề nắm được phần thắng-lợi, tuy họ đã tranh-đấu một cách mãnh-liệt. Chế-độ cộng-hòa chỉ được thiết-lập ở nước Đức năm 1919, sau một cuộc cách-mạng chống lại nhà vua để chấm dứt trận thế-giới đại-chiến thứ nhứt.

Sau trận đại-chiến này, cả hai nước Ý và Đức đều ở vào một tình-trạng khó khăn. Vì không đủ phương-tiện vật-chất, vì thiếu một truyền-thống dân-chủ lâu dài, những nước này không giải-quyết được vấn-đề xã-hội một cách ổn-thỏa. Sự xung-đột giữa hai phái chủ-trương dân-chủ và xã-hội trong nước làm cho tình-thế đã rối loạn càng rối loạn thêm. Do đó, phong-trào phản-ứng lại xu-hướng tự-do phóng-túng cùng tư-tưởng dân-chủ xã-hội phát-khởi lên, và đưa hai nước Ý, Đức trở về chế-độ quyền-lực, dưới sự lãnh-đạo của hai đảng Phát-xít và Quốc-xã.

Chủ Nghĩa Phát Xít

Tình trạng nước Ý sau trận Đại Chiến 1914 - 1918

Sau khi trận Âu-chiến 1914-1918 chấm dứt, nước Ý ở vào một tình-trạng hết sức khó khăn. Cũng như mọi nước tham-chiến khác, nước ấy bị tàn-phá rất nhiều, và lâm vào một cuộc khủng-hoảng kinh-tế trầm-trọng. Đồng Ý-kim bị mất giá, sự sanh hoạt trở thành mắc mỏ và khó khăn.

Một mặt khác, kết-quả của cuộc chiến-tranh đã làm cho dân Ý vô cùng thất-vọng. Người Ý trước kia vốn là bạn đồng-minh của Đức. Họ không bị nước Đức trực-tiếp uy-hiếp và không có lý-do gì chánh đáng để chọi lại nước Đức. Bởi thế, sau khi chiến-tranh khởi-diễn, chánh-phủ Ý đã tiếp-xúc và thương-thảo với cả hai bên đối-địch nhau, để mặc cả những điều-kiện tham-dự của mình. Chỉ đến lúc hai nước Anh và Pháp bí mật chấp-nhận nguyên-tắc thỏa-mãn những yêu-sách của mình về vấn-đề lãnh-thổ, chánh-phủ Ý mới khai-chiến với Đức. Vậy nước Ý tham-chiến vì muốn mở rộng cương-vực mình chớ không phải vì lý-tưởng tự-do.

Nhưng các yêu-sách của Ý không phù-hợp với nguyên-tắc dân-tộc tự-quyết của Tổng-thống Mỹ Wilson nên Hội Quốc-Liên do ông này chủ-trương không chịu chấp-nhận nó. Hai nước Anh, Pháp nhơn cơ-hội này mà nuốt lời hứa hẹn của mình. Hơn nữa, trong việc qui-định những điều-kiện hòa-bình, các cường-quốc Mỹ, Anh, Pháp chỉ để cho nước Ý đóng một vai tuồng hoàn-toàn phụ-thuộc. Chung-qui, sự tham-chiến chỉ đem những họa-hại đến cho nước Ý mà chẳng đưa đến một mối lợi nhỏ nhen nào, cho dẫu là về phương-diện tinh-thần.

Những kỳ-vọng về lãnh-thổ của người Ý không thỏa-mãn được, mà giấc mộng được đãi-ngộ như một cường-quốc cũng vỡ tan. Do đó, người Ý vô cùng tức bực, càng tức bực hơn nữa là họ có cảm-tưởng rằng chính nhờ sự tham-chiến của họ mà sự thắng-lợi ngã về phía các nước đồng-minh. Lẽ tự-nhiên là chánh-phủ Ý đã chủ-trương tham-chiến không sao thoát khỏi sự công-kích của quần-chúng về vấn-đề này.

Sau trận Đại Chiến 1914-1918, kinh tế nước Ý suy sụp, nạn thất nghiệp lan tràn, nhiều thanh niên lớn lên mồ côi cha mẹ, không được chăm sóc, giáo dục. Sự khó khăn của xã hội khiến cho nhiều thanh niên gia nhập các phong trào chính trị có tính cách quá khích, sử dụng bạo lực để đạt được mục đích của mình

Đảng xã-hội Ý trước kia hô-hào bất-tham-chiến, đã nhơn cơ-hội thuận-tiện, đứng ra bài-xích chánh-phủ để bành-trướng thế-lực của mình. Họ gieo rắc tư-tưởng giai-cấp tranh-đấu, kích-thích thợ thuyền, tổ-chức những cuộc bạo-hành, chiếm-cứ các thị-xã, các hãng xưởng. Hàng-ngũ các chiến-sĩ xã-hội ở Ý vốn chưa được chặt chẽ lắm, các lãnh-tụ của họ lại thiếu tài chỉ-huy nên phong-trào họ gây ra có tánh-cách một cuộc manh-động hơn là một cuộc cách-mạng có phương-lược hẳn hòi. Sự thành-công của đảng cách-mạng vô-sản ở Nga còn nung nấu thêm những phần-tử quá-khích, và điểm cho sự hoạt-động của họ một tánh-cách tàn-bạo phũ phàng.

Muốn giải-quyết tình-thế khó khăn đó, nước Ý cần một chánh-phủ cương-quyết và mạnh mẽ. Những chế-độ đại-nghị lúc ấy đã tỏ ra bất-lực hoàn-toàn. Trong Nghị-hội, các đảng phái cạnh-tranh nhau kịch-liệt vì quyền-lợi riêng. Không một đảng nào có một chương-trình rõ rệt và xung-đột chỉ quy về cá-nhơn các lãnh-tụ. Do đó, các chánh-khách thay đổi thái-độ rất thường tùy theo đảng họ có nắm được chánh-quyền hay không. Những công việc do một đảng đối-lập chủ-trương, dầu cho có ích quốc lợi dân cũng đều bị nhiệt-liệt công-kích.

Trong trường-hợp đó, các chánh-phủ không thể đứng vững được lâu dài và không sao giải-quyết được những vấn-đề nghiêm-trọng đặt ra cho quốc-gia Ý. Chưa lúc nào, sự tệ-hại của chế-độ đại-nghị lại hiện ra rõ ràng đến như thế. Dân-chúng Ý vốn chưa thâm-nhiễm tinh-thần tự-do nên đâm ra thù ghét chánh-thể đại-nghị. Sự hỗn-loạn do những đảng-viên xã-hội gây ra càng làm cho họ mất tín-nhiệm nơi chế-độ đương-hữu.

Chủ-trương của đảng Xã-hội đòi hủy-diệt tất cả các nền tảng của xã-hội Ý, cũng như các hành-động quá-khích của họ làm kinh-hoảng một số đông người trưởng-giả, nhưng cũng gây một sức phản-ứng mạnh trong những giới có tinh-thần chiến-đấu hơn. Ban đầu, những lực-lượng phản-động còn tranh-đấu một cách rời rạc mơ hồ. Nhưng sau đó, nó qui-tập lại làm một mối dưới sự điều-khiển của Benito Mussolini làm cho phong-trào Phát-xít do ông này khởi-xướng được thành-công.

Benito Mussolini và phong trào Phát Xít

Benito Mussolini, lãnh-tụ phong-trào Phát-xít sanh ngày 29 tháng 07 năm 1883 tại Predappio, tỉnh Romagne. Thân-phụ ông là một đảng-viên xã-hội, nhưng thân-mẫu ông lại là một người đàn bà rất sùng-tín Thiên-chúa-giáo.


 Benito Mussolini, 29-7-1883 – 28-4-1945

Lúc thiếu thời, ông làm nghề giáo-viên, nhưng đến năm 1902, không chịu nổi cuộc đời tầm-thường của một viên-chức hạ-cấp, lại không muốn nhập-ngũ, ông bỏ nhà trốn sang Thụy-sĩ. Trong thời-kỳ lưu-lạc tại nước này, ông tìm cách học thêm và làm nghề viết báo, rồi gia-nhập đảng Xã-hội. Bị chánh-phủ Thụy-sĩ trục-xuất, ông phải bỏ sang Pháp. Kế đó, ông trốn trở qua Thụy-sĩ, nhưng ông lại bị đuổi và phải về nước Ý năm 1904. Ông bị gọi nhập-ngũ, nhưng chỉ ít lâu sau đó, ông xin giải-ngũ để phụng-dưỡng cha già. Ông lại làm giáo-viên, nhưng đồng-thời hoạt-động cho đảng Xã-hội. Khoảng năm 1913, ông được xem là một đảng-viên xã-hội quá-khích ở cánh tả.

 Ảnh chụp Benito Mussolini trong hồ sơ cảnh sát Thụy Sĩ, 1903, lúc ông bị chính quyền Thụy Sĩ bắt và trục xuất

Khi trận Âu-chiến 1914-1918 khởi-diễn, ông nhiệt-liệt bài xích sự tham-chiến của nước Ý. Nhưng sau đó, ông lại đổi ý-kiến và bị trục-xuất ra khỏi đảng Xã-hội. Ông bèn nhận tiền của chánh-phủ Pháp, xuất-bản một tờ báo chủ-trương đưa nước Ý tham-chiến và mạt-sát lại các đồng-chí cũ của mình.

Mussolini đứng trên xe tăng với quân đội Ý lúc đánh chiếm Ethiopie, sáp nhập Ethiopie vào Ý và gọi tên là vùng Đông Phi của đế quốc Ý

Năm 1915, ông lập ra một đảng quốc-gia cách-mạng. Mussolini vốn chủ-trương hợp-tập tất cả những người có xu-hướng quốc-gia lại làm một khối để thực-hiện sự hùng-cường cho Tổ-quốc nên lấy bó búa lịnh của những vệ-binh La-mã xưa kia làm biểu-hiệu cho đảng mình. Bó búa lịnh này tiếng Ý là fascio. Do đó, Mussolini mạng-danh đảng mình là " Fascio d’azione revoluzionare " (nhóm hoạt-động cách-mạng). Vì tiếng fascio, về sau, người ta gọi đảng của ông là đảng phát-xít.

 Huy hiệu của đảng Phát Xít Quốc Gia, với bó búa lệnh của vệ binh La Mã xưa

Khi nước Ý tuyên-chiến với Đức, Mussolini lại nhập-ngũ và ra chiến-đấu ở tiền-tuyến. Năm 1917, ông bị thương và được đưa về làm việc ở hậu-phương. Từ đó, ông chỉ viết báo và khuyến-khích quân-sĩ tranh-đấu. Năm 1919, ông ra ứng-cử nghị-viên tại Milan, nhưng bị thất-bại.

Sau đó, nhơn sự bất-lực của chánh-phủ Ý trước cảnh hỗn-loạn do đảng Xã-hội gây ra, ông phát-động phong-trào chống lại sự bạo-động của những môn-đồ Karl Marx, dùng võ-lực đối-phó với võ-lực. Tất cả những đối-thủ của phái xã-hội, từ những tín-đồ Thiên-chúa-giáo, qua những người tiểu-địa-chủ, tiểu-tư-sản đến những thương-gia, kỹ-nghệ gia và trí-thức, vốn đã kinh sợ sự hỗn-loạn và chế-độ cộng-sản, lại mất tin tưởng nơi lý-tưởng dân-chủ nên sẵn sàng hưởng-ứng theo Mussolini. Năm 1922, sau nhiều lần tổ-chức những cuộc phô-trương lực-lượng để thị-oai, Mussolini được Ý-hoàng mời đứng ra lập nội-các.

Ngày 29-10-1922, 50 ngàn đoàn viên thanh niên phát xít Áo Đen tiến vào thành phố Rome dưới sự lãnh đạo của Benito Mussolini và 6 vị tướng phát xít. Trước sức mạnh của đảng phát xít, vua Ý chấp nhận cho Mussolini được cầm quyền . Hình dưới cùng: tướng Italia Balbo, chỉ huy đoàn thanh niên Áo Đen.


 Benito Mussolini (thứ hai từ trái sang, đeo băng trắng chéo) diễn hành cùng các đồng chí trong đảng Phát Xít Ý

Ban đầu, Mussolini cũng muốn giữ một hình-thức dân-chủ cho nước Ý và kêu gọi đến sự hợp-tác của những phần-tử còn trung-thành với lý-tưởng tự-do. Nhưng lần lần, sự bất-đồng ý-kiến lại phát-hiện. Để có thể kiến-thiết nước Ý theo nguyện-vọng của mình, ông phải thi-hành chế-độ độc-tài.

Năm 1940, Mussolini đứng bên cạnh Hitler tuyên-chiến với đồng-minh. Đến năm 1943, khi trục Bá- linh La-mã bắt đầu núng thế, và quân Đồng-minh đổ bộ lên đảo Sicile, ông bị Ý-hoàng ra lịnh bắt giam. Được người Đức giải-thoát, ông thành-lập một chánh-phủ tân Phát-xít ở Bắc Ý để tổ-chức sự kháng-chiến, nhưng đến năm 1945, ông bị bắt và bị xử tử tại Côme.

 Mussolini bị xử bắn và bị treo xác ngược đầu (thứ hai từ bên trái qua) tại Piazzale Loreto, Milan, 28-4-1945

Những nguyên tắc căn bản của Chủ Nghĩa Phát Xít

Xét tiểu-sử Mussolini, ta nhận thấy rằng ông là một người hiếu-động. Đối với ông, chỉ có công việc làm là đáng kể, vấn-đề lý-thuyết chỉ là phụ-thuộc mà thôi. Do đó, ông đã nhiều lần thay đổi ý-kiến. Trước, ông theo đảng Xã-hội, sau lại phản đảng ấy ; trước ông chủ-trương chống chiến-tranh, sau lại hô-hào cho nước Ý tham-dự chiến-tranh ; trước ông muốn liên-minh với những người cấp-tiến, sau lại đàn-áp giết hại họ. Tuy vậy, khi đã gây được một phong-trào mạnh mẽ rồi, ông nhận thấy cần phải có một hệ-thống tư-tưởng làm gốc để cố-kết các nhơn-viên ủng-hộ mình. Do dó, ông nêu ra chủ-nghĩa Phát-xít.

 Benito Mussolini, từ khi lên cầm quyền, Mussolini thường mặc quân phục

Tư-tưởng của Mussolini phần lớn dựa vào nền triết-lý của nhà học-giả Ý : Gentile. Ông này sanh năm 1875, chết năm 1944, và là tác-giả thuyết hiện-tại. Theo thuyết ấy, các ngành hoạt-động của tinh-thần người đều qui về một mối, mà tư-tưởng với hành-động người cũng luôn luôn phù-hợp nhau.

Tư-tưởng và hành-động người phải dựa vào hiện-tại vì chỉ có cái hiện-tại là thật-sự, chánh-đáng và thiêng liêng. Mà hiện-tại, người sống trong quốc-gia, nên phải lấy quốc-gia làm trọng.

Quốc-gia sở-dĩ xây dựng được phần lớn là nhờ nơi ý-chí tinh-thần của người ; do đó, ngưòi cần phải có lòng tin tưởng nơi quốc-gia. Lòng tin tưởng này cần có một tánh-cách tôn-giáo, và ý-niệm tổ-quốc của người phải là một ý-niệm thiên liêng tối thượng.

Ngoài ảnh-hưởng của Gentile, Mussolini còn chịu ảnh-hưởng của Malaparte chủ-trương rằng trong một quốc-gia, dân-chúng là một khối thụ-động, kém hèn, và chỉ có những bực anh-hùng hào-kiệt là đáng kể mà thôi.

Sau hết, Mussolini cũng muốn dựa vào quá-khứ huy-hoàng của Đế-quốc La-mã để kêu gọi người Ý xây dựng một nước Ý hùng-cường, xứng đáng với tiền-nhơn họ.

Noi theo những nguyên-tắc trên này, Mussolini tạo ra chủ-nghĩa Phát-xít. Theo chủ-nghĩa ấy, xã-hội trong đó người sống không phải là nhơn-loại, mà là dân-tộc tổ-chức thành quốc-gia. Quốc-gia không phải chỉ là một hợp-tập những cá-nhơn, nó là một thực-tại có một giá-trị cao hơn những yếu-tố cấu-tạo nên nó. Do đó quốc-gia phải được xem là một thực-thể tối-cao. Chính nó mới là cứu-cánh của mọi hoạt-động xã-hội, chứ không phải cá-nhơn. Nó là nguồn gốc mọi quyền-lực ; quyền của cá-nhơn, quyền của những đoàn-thể đều do nơi quốc-gia mà phát-xuất. Vậy, cá-nhơn phải phục tùng quốc-gia, phải khép mình vào khuôn khổ quốc-gia và tan biến trong quan-niệm quốc-gia, trong ý-tưởng Tổ-quốc.

Nền tảng của một quốc-gia là đời sống quá-khứ của nó, là lịch-sử những tục-truyền cổ-kính dạy con người lấy nghị-lực mà chiến-đấu để xứng đáng với chức-trách của mình.



Vì dựa vào những quan-niệm trên đây, chủ-nghĩa phát-xít chống với lý-tưởng tự-do cá-nhơn trọng cá-nhơn hơn quốc-gia ; nó cũng nghịch với thuyết duy-vật chú-trọng đến lực-lượng vật-chất nhiều hơn đến giá-trị của tinh-thần. Đối với chủ-nghĩa phát-xít, chỉ có quyền-lợi quốc-gia là trên tất cả, còn hình-thức quốc-gia là một vấn-đề phụ-thuộc, vì chánh-thể chỉ là một trạng-thái tiêu-biểu cho trình-độ chánh-trị, lịch-sử và tâm-lý của một dân-tộc vào một thời-kỳ nhứt-định mà thôi. Nhưng dầu sao, muốn đứng vững được, quốc-gia cũng phải có oai-lực va cơ-quan hành-chánh cũng phải nắm nhiều quyền-thế trong tay.

Chế độ Phát Xít

Chủ-trương phát-xít trên này tự-nhiên đưa Mussolini đến chỗ thi-hành chế-độ độc-tài. Ý-hoàng vẫn còn được công-nhận là Quốc-trưởng, song không nắm được một tí quyền gì. Thượng và Hạ Nghị-viện cũng không bị hủy bỏ, Mussolini chỉ sửa đổi cách thức bầu cử lại mà thôi. Trong Thượng Nghị-viện, kế bên những nhơn-viên giữ trách-vụ đến mãn đời, đảng Phát-xít chỉ-định một số nhơn-viên có một nhiệm kỳ hữu-hạn và dễ sai khiến hơn. Nghị-sĩ Hạ Nghị-viện thì được dân-chúng bầu kín trong số những người được các nghiệp-đoàn phát-xít giới-thiệu va được Đại Hội-đồng phát-xít chọn lựa sẵn. Chung-qui, quyền-hành tối-cao trong nước Ý thuộc về Đại Hội-đồng phát-xít này. Trong Đại Hội-đồng ấy, Mussolini đóng vai tuồng thủ-lãnh và trở thành vị chủ-nhơn độc-tài của nước Ý.

 Hitler (bên trái) và Mussolini (bên phải)

Để cho chế-độ mình xây dựng được vững chắc, Mussolini hướng tất cả mọi ngành hoạt-động giáo-dục và văn-hóa trong nước vào lý-tưởng phát-xít. Sự huấn-luyện tinh-thần của người dân Ý đã bắ đầu từ tuổi thiếu-niên, với những tổ-chức thiếu-sanh và thanh-niên phát-xít, và tiếp-tục cho kẻ thành-niên với những đoàn-thể được chánh-phủ phát-xít chánh-thức công-nhận.

 Mussolini với đoàn viên đoàn thiếu niên phát xít Opera Nazionale Balilla (ONB), 1935

Đặc-điểm của chế-độ phát-xít là sự tôn-trọng cần-lao. Tất cả mọi người đều bắt buộc phải làm việc. Những quyền tự-do và tư-hữu bị khiên-chế chặt chẽ, sự ăn không ngồi rồi bị xỉ mạ và những người địa-chủ không khai-thác sản-nghiệp mình bị bắt buộc phải nộp đất đai cho chánh-phủ. Chế-độ nghiệp-đoàn được khuếch-trương rộng rãi. Các nghiệp-đoàn phát-xít được quyền qui-định lương bổng thợ thuyền và được chọn lựa những nhơn-viên ứng-cử vào Hạ Nghị-viện. Tuy-nhiên, sự đình-công bị cấm tuyệt và chủ-trương giai-cấp tranh-đấu bị đàn-áp thẳng tay.

Những nhược điểm của Chủ Nghĩa và Chế Độ Phát Xít

Tinh-thần của chủ-nghĩa Phát-xít có thể tóm lại trong câu "duy quốc độc tôn". Những nhà lãnh-tụ phát-xít lấy quốc-gia làm cứu-cánh cho mọi hành-động của con người, và bắt cá-nhơn hoàn-toàn lệ-thuộc quốc-gia. Quan-niệm này là một quan-niệm hết sức sai lầm.

Thật ra, quốc-gia tự nó không có nghĩa gì cả. Nó chỉ nhờ cá-nhơn mà thành-lập được. Nó chỉ duy-trì được khi dân-chúng vui lòng chấp-nhận nó và chỉ có lý-do tồn-tại khi nó bảo-đảm được quyền-lợi của phần đông dân-chúng. Vậy, nó chỉ là một phương-tiện để mưu-đồ sinh-tồn cho cá-nhơn. Vì đó, mặc dầu cao quý hơn cá-nhơn, nó vẫn phải được phê-phán theo sự ích-lợi nó mang đến cho cá-nhơn. Ý-tưởng lấy quốc-gia làm cứu-cánh cho mọi hành-động không có một nền tảng hợp-lý, và chỉ có thể đưa đến sự chuyên-chế của nhà cầm-quyền, biện-chánh cho sự hà-lạm của họ.

Chủ-nghĩa Phát-xít xem thế, chỉ là một chủ-nghĩa quốc-gia cổ-điển không có lý-luận gì đặc-biệt. Nó sở-dĩ được dân Ý chấp-nhận lúc ban đầu không phải vì nó hợp-lý, mà vì nó hiện ra như một cây sào có thể cứu vớt dân-chúng trong khi mọi người bị lôi cuốn trong dòng nước hỗn-loạn.

Khi nắm được chánh-quyền rồi, những người theo chủ-trương phát-xít đã kiến-thiét nước Ý thành một nước hùng-cường. Chế-độ họ xây dựng cũng có nhiều điểm tốt đẹp : sự tôn-trọng cần-lao và quan-trọng-hóa các nghiệp-đoàn kể ra cũng là những sáng-kiến hay. Nhưng thật-sự, những đảng-viên phát-xít không có lý lẽ gì vững chắc để đánh đổ lý-thuyết dân-chủ và xã-hội, họ chỉ dùng võ-lực để đàn-áp những người theo hai thuyết ấy mà thôi.

Thêm vào đó, cái quá-khứ không được trong sạch của Mussolini cũng làm cho người ta thiếu tin cậy nơi đảng Phát-xít. Những chiến-sĩ của ông ta lại là những kẻ thuộc đủ hạng người hốt-nhiên hợp lại, không có sự chọn lọc về mặt đạo-đức và tinh hần. Đến lúc thành-công, nhiều phần-tử bất lương đã thừa thế làm những điều càn dỡ. Chủ-trương độc-tài của Mussolini khiến cho dân-chúng không có một cách nào để tự-vệ đối với hạng người bất-lương ấy.

Do đó, chế-độ phát-xít đã bị nhiệt-liệt chỉ-trích về những hành-vi quá bạo-tàn của nó. Nhiều nhà học-giả nổi danh của Ý phải lén xuất-ngoại để thoát khỏi bầu không-khí khắc-nghiệt của nước mình, và dư-luận thế-giới lần lần mất hết thiện-cảm đối với Mussolini cùng chế-độ của ông.


Mười đặc điểm của phong trào Phát Xít Ý

Mười đặc điểm của phong trào Phát Xít Ý qua nhận xét của giáo sư Emilio Gentile. Ông Emilo Gentile là giáo sư đại học Ý dạy tại đại học Sapienza University of Rome . Ông là một trong những sử gia đầu tiên nghiên cứu về ý thức hệ phát xít:

Giáo Sư Emilio Gentile



1
Một phong trào quần chúng bao gồm nhiều giai cấp xã hội, kể cả lãnh tụ và đoàn viên, ở vào khoảng giữa của tầng lớp xã hội. Phần lớn là mới đến với hoạt động chính trị, được tổ chức thành một đảng của đội quân vũ trang. Họ kết hợp không vì cùng tầng lớp trong xã hội hay giai cấp mà do do tình đồng đội, tin tưởng rằng mình dấn thân vào sứ mạng phục hưng quốc gia. Họ cho rằng mình ở trong tình trạng chiến tranh với các đối thủ chính trị. Họ nhắm vào việc độc quyền nắm quyền lực qua các biện pháp bạo lực cùng với các hoạt động trong nghị viện, họ liên kết với các nhóm có thế lực trong xã hội để tạo nên một chế độ mới, tiêu diệt chế độ dân chủ nghị viện.

2
Tư tưởng của phong trào phát xít là tư tưởng thực tiễn, có tính cách vô thần . Tư tưởng này chống lại chủ nghĩa vật chất, ham mê lợi lộc cho cá nhân, chống lại chủ nghĩa cá nhân, chống lại thái độ tự do, chống lại tư tưởng dân chủ , chống lại thuyết Mác xít. Tư tưởng này nhằm vào phục vụ quần chúng và có khuynh hướng chống lại chủ nghĩa tư bản. Các biểu hiện tư tưởng của phát xít có khuynh hướng phát xuất từ tình cảm và thẩm mỹ hơn là phát xuất từ lý thuyết, giáo điều và tạo nên một phong khí chính trị mới với các truyền thuyết, các biểu tượng gần giống như là một loại tôn giáo. Thứ tôn giáo vô thần này qua văn hóa, qua tổ chức tập thể kết hợp quần chúng có cùng niềm tin để tạo nên con người mới cho xã hội.

3
Văn hóa phát xít xây dựng trên các tư tưởng có màu sắc  bí hiểm và sự bi thảm cùng với đời sống tích cực hoạt động phát xuất từ lòng ham muốn quyền lực, được xây dựng trên niềm tin tuổi trẻ là người làm nên lịch sử. Văn hóa này cổ súy việc dùng bạo lực trong chính trị đề cao hoạt động tập thể.

4
Có tinh thần tập thể, muốn cho cá nhân phải hòa lẫn vào quần chúng thành một tập thể duy nhất, xem những kẻ không thuộc tập thể của mình như là kẻ thù hoặc là loại người xấu xa, thấp kém nếu không thì cũng là kẻ thù nguy hiểm cho sự đoàn kết của quốc gia.

5
Có luân lý đặt nền tảng trên việc toàn tâm toàn ý phục vụ cho lợi ích của quốc gia, tuyệt đối tuân lệnh, đề cao tinh thần anh hùng, tình đồng chí và tính chiến đấu.

6
Có một đảng có nhiệm vụ vũ trang để bảo vệ chế độ, kết nạp cán bộ và huy động quần chúng trong quốc gia bằng cách thường trực tuyên truyền để nhào nặn tình cảm và niềm tin của quần chúng.

7
Có một lực lượng cảnh sát để ngăn cản, kiểm soát và đàn áp tất cả các bất đồng ý kiến và có thể dùng các biện pháp qui mô để đàn áp, khủng bố.

8
Một chế độ chính trị được tổ chức theo nhiều bậc cấp mà ở trên đỉnh cao là lãnh tụ được đề cao trở thành thiêng liêng, có sức thu hút và sai khiến quần chúng. Lãnh tụ này ra lệnh, điều khiển và phối hợp mọi hoạt động của đảng cũng như của toàn thể chế độ.

9
Đặt ra các tổ chức nhằm tiêu diệt quyền tự do thành lập công đoàn. Gia tăng sự can thiệp của chính quyền vào kinh tế. Tìm cách nắm các ngành kinh tế có lợi nhuận lớn với mục đích làm gia tăng quyền lực của chính quyền trong khi vẫn duy trì sở hữu tư nhân và sự phân chia giai cấp xã hội.

10
Về mặt ngoại giao, dùng các luận điệu, các truyền thuyết có tính cách cường điệu về sức mạnh quốc gia, về sự vĩ đại của quốc gia để kích động quần chúng tham gia vào công cuộc xâm lăng, bành trướng lãnh thổ.

No comments:

Post a Comment