Sunday, September 8, 2013

Simson - huyền thoại sang trọng một thời

Sở hữu xe máy Simson cách đây vài chục năm thể hiện sự sang trọng như các thương hiệu xe hơi hàng đầu hiện nay.

Simson là hãng xe nổi tiếng của Đông Đức (cũ) trước chiến tranh thế giới thứ II. Thành lập năm 1856 bởi Lob và Moses, xuất phát của Simson là nhà máy sản xuất vũ khi phục vụ chiến tranh. Đến năm 1936, chiếc xe máy đầu tiên nhãn hiệu BSW (Berlin Suhler Waffen) ra đời mang tên BSW 98 sử dụng động cơ 2 thì 98 phân khối, hộp số truyền động hai cấp.

Simson BSW 98

Sau thế chiến II, chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson được Liên xô tiếp quản. Năm 1947, nhà máy sáp nhập vào SAG Awtowelo (Soviet Avtovelo Company Limited). Phần lớn các sản phẩm mà Simson sản xuất ra ở thời kỳ này dành để xuất khẩu sang các nước thuộc liên bang Xô Viết.

 Simson AWO 425, 250 cc hoặc 350 cc, 1947

 So sánh với mô tô của Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức), BMW R35, 350 cc, 1947

 Mô tô của Anh, Triumph 350 cc, 1945

 Harley Davidson của Mỹ, 750 cc, 1945


Cùng thời đó, Honda Type D của Nhật, 98 cc máy hai thì, 1948

Giai đoạn từ năm 1949-1962 là thời kỳ hưng thịnh của những mẫu môtô 4 thì do Simson sản xuất với khoảng 209.000 xe xuất xưởng. Đặc trưng là các mẫu xe thuộc phân khúc 250 và 350 phân khối. Chiếc AWO 425 nổi tiếng thời kỳ đó với động cơ 4 thì 250 phân khối, hộp số 4 cấp. Các mẫu xe thời này mang nhiều ảnh hưởng của phong cách thiết kế thời kỳ trước đó của các hãng Trabant, Wartburg, MZ và Simson.

Simson S 51, 1976

Bên cạnh những mẫu xe phổ thông, Simson cũng sản xuất xe đua như chiếc AWO 425R, chỉ có 15 chiếc và không được bầy bán rộng rãi. Ngoài ra còn có các mẫu Simson 425 GS, MZ và các mẫu xe đua 350 phân khối.

 Simson AWO để đua, 1954

Giai đoạn xe 2 thì của Simson phát triển từ năm 1955 đến 1990, đây cũng chính là khoảng thời gian sản sinh ra các mẫu 2 thì được ưa chuộng tại Việt Nam. Năm 1955, khi mà chiếc 425S 4 thì ra đời cũng là thời điểm Simson giới thiệu các mẫu xe 2 thì, đầu tiên chính là SR 1 sử dụng động cơ 48 phân khối công suất 1,5 mã lực. Tiếp sau đó là SR 2 năm 1957, SR 2E năm 1959. Bên cạnh dòng SR còn có dòng KR sử dụng cùng động cơ nhưng có công suất cao hơn.

 Simson SR 1, 1956

 Simson SR 2E, 1959


Simson KR-51 Shwalbe, máy 48 phân khối nhưng sức ép trong xy lanh cao hơn nên mạnh hơn, công suất 2,1 mã lực

Năm 1970, Simson cho ra mắt chiếc xe moped đầu tiên (dòng xe máy có bàn đạp) mang tên SL1 Mofa 50 phân khối, cho công suất 1,6 mã lực. Tới năm 1972 thì dòng xe này ngừng sản xuất.

 Simson SL 1 Mofa, 1971

Năm 1975, chiếc S50 ra đời với hình ảnh hoàn toàn mới so với các mẫu xe trước đó giúp Simson thực sự lột xác. Tiếp theo đó là S51, S70, những cái tên xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Ngoài ra, Simson cũng sản xuất scooter với những đại diện SR 50, SR 80. Năm 1994, hai chiếc SR 53 và SR 83 được đổi mới với hai phiên bản, dành cho đường phố với tên Alpha và dành cho off-road tên Beta. Những năm sau đó, Simson tiếp tục tung ra nhiều mẫu xe như SC, Shikra, Simson 125.

Simson S 50, 1977

Ở Việt Nam, khoảng những thập niên 70-90 thế kỷ trước Simson xuất hiện như những xe hơi sang trọng ngày nay. Những chiếc xe chủ yếu được mang về từ nước ngoài bởi những người đi học tập và lao động. Vì thế, gắn liền với hình ảnh những chiếc xe hai thì khói bụi thì Simson còn thể hiện sự sang trọng, cái "danh" khá quan trọng là học tập làm việc tại nước ngoài.

 Simson S51

Những mẫu xe ngày nay còn thấy nhiều như S51, S70 , S83...Người chơi Simson tụ họp nhau thành câu lạc bộ để có thể tận tay sờ nắm, trực tiếp sửa chửa những đứa con tinh thần, vì chơi Simson cũng như các xế cổ 2 thì khác đều khá vất vả trước những cơn "trái gió trở trời",và chắc chắn phải có một tình yêu thật sự lớn mới có thể theo đuổi niềm đam mê này.

 Simson S 83


Đức Huy

Simson Shikra với máy 125 cc do Đài Loan chế tạo mua lại bản quyền của Honda. Shikra ra đời năm 1998, chấm dứt năm 2000.


Simson 125, máy 125 cc. Sản xuất năm 2000, chấm dứt năm 2002

 Simson scooter SR 50


 Simson SC 050


Nguồn VNExpress
http://vnexpress.net/tin-tuc/oto-xe-may/simson-huyen-thoai-sang-trong-mot-thoi-2841615.html


Áo lông Đức, xe đạp Mifa,máy ảnh Pratica hoành tráng một thời cũng chỉ là "tép" so với những chiếc xe máy Simson, Spat hay MZ của Đông Đức.

 Xe dạp Mifa

Người đi những xe đó, sang trọng đại khái cũng giống cưỡi Lexus, Infiniti hayCamry bây giờ. Còn nhớ, cán bộ trung cấp của cục, vụ, viện... dù có tiêu chuẩn thì cũng phải "chạy chọt" mới có thể mua chiếc Spat 49,9 cm3, hai số tay.


Simson Spatz (Chim Én) SR4

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác lần đầu tiên được "ngự" trên chiếc Simson S51 đi mượn. Lúc nổ máy, chưa đi vội mà cứ ngẩn ra nghe tiếng ống bô tanh nổ "phạch phạch tanh tanh" đặc trưng của dòng Simson, rồi hít hà làn khói tỏa ra từ sau xe.

Một anh bạn, chỉ là thợ điện bình thường, khi được anh ruột đi lao động xuất khẩu gửi về cho một chiếc xe Simson, thì "lột xác" hoàn toàn. Con người thâm trầm ít nói trước kia, nay cười nhiều nói nhiều, và cứ chiều chiều là diện áo lông, quần bò đi bát phố. Một thời gian sau bố bắt bán xe lấy tiền xây nhà, anh lại tư lự như xưa.

 MZ ES 1969

Chiếc xe Simson đời đầu, dung tích 49,9 cm3, máy hai thì chạy xăng pha nhớt, ba số chân, tiếng nổ êm ru đó - một thời cũng là niềm sung sướng của tôi. Hễ hỏng là anh bạn lại nhờ tôi sửa, "tiền công" là một ngày dùng xe "không phải nghĩ". Có lần đang đi xe của ông bạn thì công an gọi kiểm tra bằng lái. Tôi giơ chiếc bằng in toàn chữ Đức, có ảnh của ông anh bạn, khuôn mặt trong bằng béo trắng. Anh công an nhìn một lúc rồi bảo: "Dạo này về nước gầy nhiều đấy", rồi cho đi.

Mà xe Đông Đức  xưa máy móc đơn giản, sửa chữa rất dễ. Bệnh thường gặp của loại xe này là cứ đi khoảng một vạn cây số là xảy ra hiện tượng tiếng nổ không đều, tốc độ tối đa bị giảm hẳn. Khi ấy, mở đầu máy ra, gạt cần khởi động từ từ cho đế khi nó đẩy piston lên từ từ đến khi ngang bằng với mặt máy, rồi lắy con dao inox cạo cho hết muội khói đóngtrên đầu piston đi, làm sạch bugi, lắp lại máy và thế là phạch phạch tanh tanh, tiếng máy lại giòn tan, lại có thể vi vu dạo phố.

Thời đó, ai có Simson cũng phải cẩn thận, vì chìa khóa điện xe này hầu như cái nào cũng giống cái nào, một chìa mở được mấy xe. Vì thế, việc đầu tiên của người "tậu" được Simson thời đó là sắm một chiếc khóa dây thật chắc chắn.   

KS Nguyễn Chí Luận


Đặc tính kỹ thuật của xe Simson S-50

Động cơ: máy 2 thì, chạy xăng
Xi lanh: 1
Lòng máy: 49.6 phân khối
Momen: 5,0 Nm với số vòng quay 4800/phút
Hiệu suất: 3,6 PS với số vòng quay 5500/phút
Tốc độ tối đa: 60 km/giờ
Hộp số: 3 cấp, sang số chân
Nhiên liệu: xăng pha nhớt với tỉ lệ 1:50 nhớt/xăng
Tiêu thụ xăng cho 100 km: 2.8 lít
Dung tích bình xăng: 9.5 lít (đời 1978 8.7 lít)
Trọng lượng: 75 kg
Chỗ ngồi: 2


Đặc tính kỹ thuật của xe Simson S-51

Động cơ: máy 2 thì, chạy xăng
Xi lanh: 1
Lòng máy: 49.8 phân khối
Momen: 5,0 Nm với số vòng quay 4800/phút
Hiệu suất: 2,7 kw (3,7 PS) với số vòng quay 5500/phút
Tốc độ tối đa: 60 km/giờ
Hộp số:
3 cấp, sang số chân với đời S-51 N và S-51 B1-3,
4 cấp, sang số chân, với đời S-51 B1-4, S-51 B2-4, S-51E và S-51 C
Nhiên liệu: xăng pha nhớt với tỉ lệ 1:50 nhớt/xăng
Tiêu thụ xăng cho 100 km: 2.5 lít
Dung tích bình xăng: 8,7 lít (với 0,7 lít dự phòng)
Trọng lượng: 78,5 kg
Chỗ ngồi: 2


Simson, niềm tự hào của quá khứ 



Từng là một thương hiệu xe máy nổi tiếng và phổ biến của Đông Đức, giờ đây Simson, dòng xe mơ ước một thời của người Việt Nam đang dần chìm vào quên lãng để lại sau lưng một quá khứ “oanh liệt”.

Hãy cùng điểm lại lịch sử huy hoàng của một dòng xe, từng được coi là “hàng xịn” tại Việt Nam những năm 70-80.
Những chiếc xe đua và xe thường thời kỳ đầu

Được thành lập tại thành phố Suhl bởi Lob và Moses, Simson ban đầu như là một nhà máy chế tạo vũ khí. Simson bắt đầu sản xuất xe máy vào năm 1934 với nhãn hiệu BSW (viết tắt của Berlin-Suhler Waffen, nghĩa là nhà máy vũ khí Berlin-Suhler).

Một trong những model do hãng này sản xuất là kiểu xe hai thì cổ BSW 100. Trong suốt thời kỳ Đức quốc xã, gia đình Simson vốn có nguồn gốc là người Do Thái bị ngược đãi và buộc phải dời bỏ đất nước còn nhà máy bị Hitler biến thành trung tâm sản xuất vũ khí. Sau khi chủ nghĩa phát xít bị lật đổ, Simson là một trong những nhà máy đầu tiên của Đức được tiếp quản bởi Xô Viết.

Do đó, rất nhiều ô tô và mô tô trong DDR có nguồn gốc từ những mẫu xe tiền chiến do các hãng của Đông Đức sản xuất như Trabant, Wartburg, MZ và cả Simson. Phiên bản đầu tiên của Simson là AWO-Simson 425 – một chiếc BMW xi-lanh đơn tiền chiến đi kèm động cơ 4 thì 250cc (đặt nằm dọc) và hộp số 4 cấp.

Tiếp theo là phiên bản Sport sở hữu hệ thống giảm xóc cải tiến (cần quay sau) cùng diện mạo hoàn toàn mới với công suất 15 mã lực và tốc độ tối đa 110km/giờ. Hiện nay 425 vẫn khá phổ biến tại khu vực Đông Đức cũ. Đôi khi phiên bản này còn được sử dụng như là nền tảng để chế ra những chiếc xe kỳ quái.

Sau này, nhiều chiếc xe đua cũng lấy cảm hứng từ model AWO-Simson 425. Điển hình là model năm 1951 và 1954 có công suất 26-28 mã lực trong khi model năm 1955 với trục khuỷu tương tự “hai vị tiền bối” chỉ khác ở trục cam nắp đôi lại tạo ra công suất 30 mã lực ở vòng tua máy 9200 vòng/phút.

Từ năm 1952 - 1953, hãng Simson cho ra đời một chiếc xe đua 4 thì mới toanh mang tên RS 250 được trang bị động cơ xi-lanh đơn, trục cam nắp đôi do hộp số 6 cấp truyền động. Động cơ này được đặt tên “The Seven” theo hình dáng của đường dẫn động trục cam có khả năng tạo ra công suất 33 mã lực. Khung xe đi kèm chạc Earles và bộ giảm sốc kép.

 Simson để đua RS-250

Đến năm 1956, một model xe đua khác mang kiểu dáng rất đẹp mắt lại lại trình làng. Model này gồm động cơ 2 xi-lanh dung tích 250cc công suất 35 mã lực ở vòng tua máy 10.200 vòng/phút, hệ dẫn động theo chuỗi DOHC vàbộ khung gần giống của RS 250. Tuy nhiên, theo lệnh của chính quyền Xô Viết, việc sản xuất xe đua phải ngừng lại. Dù sao đi nữa, những sản phẩm xe đua này đã đủ chứng tỏ hãng Simson không chỉ dừng lại ở việc sản xuất những model hai thì.

Cùng thời kỳ đó, hãng Simson bắt đầu nỗ lực hết sức trong cuộc cạnh tranh cho dòng xe Enduro. Ví dụ điển hình của “cuộc chiến” này là GS 350 được độ từ model 425 với dung tích động cơ tăng lên 350cc và công suất 20 mã lực. Sản phẩm cải tiến cuối cùng của model Simson 4 thì là E-350 chế tạo năm 1960 nhưng chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt.

Đây thực sự là một điều đáng tiếc bởi E-350 mang kiểu dáng rất thanh lịch và hiện đại. Hơn thế nữa, E-350 còn là chiếc xe đầu tiên được trang bị đèn xi-nhan. Sau thời gian này, hãng Simson chuyển hẳn sang sản xuất những dòng xe rẻ và nhỏ hơn như Schwalbe công suất 2,1 mã lực và vận tốc 50 km/giờ, xe gắn máy SR-2E công suất 1,5 mã lực và S3-Star. Tất cả những model này đều được sản xuất trong khoảng giữa thập kỷ ’50 và ’60. Trong số đó, có khoảng trên 1 triệu chiếc Schwalbe xuất hiện trên thị trường.

Còn lại những model khác đều được sản xuất từ những năm 70 trở đi. Đáng chú ý là S-51 – chiếc xe gắn máy duy nhất còn thịnh hành tại Đông Đức cho đến khi chủ nghĩa phát xít tan rã. Chiếc xe này cũng dùng động cơ 70cc gắn cố định với duy nhất hộp số 3 hoặc 4 cấp và khung xe làm bằng một ống thép. Phiên bản enduro của S-51 (động cơ 70 hoặc 80cc) nổi bật hơn với khung xe gắn thêm ống chịu lực, hộp số 5 cấp và công suất 7,5 mã lực.

Những chiếc enduro đua vốn chỉ được sản xuất với số lượng có hạn mang nhiều đặc điểm rất khác biệt so với model thông thường. Một vài mẫu enduro trong những năm ’60-’70 được thiết kế rất độc đáo với hộp số 8 cấp có nguồn gốc từ hộp số 4 cấp thông thường kèm theo một bộ giảm tốc. Điển hình là GS 75 sản xuất năm 1976. Chiếc “xế nổ” này không chỉ là xe enduro mà còn được sử dụng làm xe đua.

 Simson GS-80, 1981

Từ những năm ’80, xe enduro của hãng Simson được cải tiến hoàn toàn khác. Ví dụ như chiếc GS 80 ra đời năm 1981 sở hữu động cơ làm mát bằng chất lỏng hiện đại, hộp số 6 cấp và công suất 23 mã lực. Ngoài GS 80 còn có GS 80 WKH năm 1987 hộp số 7 cấp và phiên bản năm 1990 – quán quân của giải Vô địch Thế giới và từng giành nhiều chiến thắng khi đua với enduro của TM Italia.

 Simson GS-80 WKH-W, 1987

Ở Việt Nam hiện nay, Simson là đối tượng tìm kiếm của giới chơi xe cổ và vẫn thấp thoáng xuất hiện trên đường phố.

Khoảng thời gian này hãng Simson đã sản xuất ra rất nhiều “tay đua kiệt xuất” như model năm 1975 động cơ 50cc độ từ chiếc xe ga Schwalbe, hộp số 6 cấp cải tiến, hệ thống làm mát bằng chất lòng, van nạp quay, công suất tối đa 16,5 mã lực. Thêm vào đó còn có mẫu xe độ từ S-51 động cơ 80cc, khung nhôm liền, bộ ba phanh đĩa và bộ giảm sốc đơn.

 Simson để đua RS-80, máy 80 cc, hai thì

Những “đứa con cưng” của hãng Simson trong suốt thời kỳ này tương đối rẻ và có kết cấu đơn giản. Simson SR-1 có thể chứng minh được khẳng định đó. SR-1 mang kiểu dáng gần giống những chiếc xe ga đời đầu của Italia, động cơ độ từ xe gắn máy của Simson, cần số tay và khung xe làm bằng phoi thép. Đến đầu thập kỷ ’90, do cuộc khủng hoảng hậu cộng sản những chiến thắng vinh quang bấy lâu của hãng Simson không còn đất sống.

Sau sự sụp đổ của Đông Đức, hãng Simson lâm vào khủng hoảng trầm trọng do dây chuyền sản xuất lỗi thời và sản phẩm lạc hậu. Một vài mẫu xe mới cũng được tung ra như Simson AT 50 theo phong cách “Châu Phi”, Sperber 50 phanh đĩa và giảm sốc đơn, Star 50 độ từ SR-1.


Simson Sperber MS-50



Simson Schikra 125

Bên cạnh đó, hãng Simson còn sản xuất một vài dòng xe 125cc khá thú vị cho thị trường Pháp và Đức. Một trong số đó có Schikra 125 đi kèm khung hình ống, động cơ xi-lanh đơn 4 thì làm mát bằng không khí tạo ra công suất 15 mã lực và Schwalbe được trang bị bánh xe đường kính lớn, động cơ hiện đại với hộp số tự động.

Simson kiểu Enduro 125 GS do hãng Pháp HRD sản xuất dưới tên Simson dành cho thị trường Pháp và Đức

Tuy nhiên quá trình sản xuất những dòng xe mới tiếp tục đình trệ trong khi model cũ chỉ được cải tiến một chút về kiểu dáng (ví dụ như S-53 phiên bản thường và enduro).

Hiện nay, hãng Simson chỉ còn là một phần lịch sử của DDR. Mặc dù đã rất cố gắng hiện đại hóa nhưng nhà máy vẫn phải đóng cửa năm 2002 còn dây chuyền sản xuất động cơ được chuyển đến Nga. Có một điều thực sự đặc biệt là các sản phẩm của hãng Simson tuy rẻ và không có đặc điểm nào nổi bật nhưng lại rất hữu dụng đối với người dân Đức.

(Theo Zing/Autosoviet)

No comments:

Post a Comment