Monday, August 17, 2015

Con đường tơ lụa mới và tham vọng bành trướng của Trung Quốc


Almaty, thủ đô kinh tế của Kazakhstan.
Le Monde hôm nay dành đến hai trang lớn cho bài phóng sự nói về « Con đường tơ lụa mới » của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn gia tăng ảnh hưởng ở Kazakhstan và các nước Trung Á khác, khi đầu tư đại quy mô vào các dự án hạ tầng, giúp kiểm soát chặt hơn hàng xuất khẩu vào châu Âu. Đây là một ván cờ kinh tế và địa chính trị có tầm quan trọng hàng đầu đối với người khổng lồ châu Á.

Đại dự án này dự kiến hoàn thành vào năm 2049, gồm một vành đai biển và một tuyến đường trên bộ. Vành đai trên biển là những con đường hàng hải và những hải cảng thương mại do Trung Quốc tài trợ. Tuyến đường bộ gồm các đường bộ, đường sắt, xa lộ nối liền miền tây Trung Quốc với Tây Âu, đường đến cảng Gwadar ; có chiều dài tổng cộng 11.000 km nối liền các trung tâm lớn thế giới - chiếm 55% tổng sản phẩm nội địa, 70% dân số và 75% lượng dầu khí đã phát hiện trên toàn cầu.

Con Đường Tơ Lụa mới mà Trung Quốc định thực hiện với đường cao tốc màu cam, đường biển màu xanh

Bắc Kinh đã bắt đầu mở rộng mạng lưới về hướng Thái Bình Dương, Mông Cổ, Nam Á…Hồi giữa tháng Tư, Tập Cận Bình loan báo kế hoạch đầu tư 46 tỉ đô la vào Pakistan, vừa đóng góp vào việc phát triển nước này, vừa đảm bảo an ninh cho tuyến đường đến cảng Gwadar, ngõ vào Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Ngân hàng Cơ sở Hạ tầng Châu Á với 100 tỉ đô la lúc khai trương vào tháng 10/2014 trong đó phân nửa của Trung Quốc, sẽ là một trong những nguồn cấp vốn chính cho dự án.

Nhà địa lý kiêm ngoại giao Pháp Michel Foucher nhận xét : « Trung Quốc cũng có cái nhìn toàn cục như Mỹ, nhưng xa hơn 50 năm. Quan niệm « Con đường tơ lụa » chưa hoàn chỉnh hẳn, nhưng đã vượt quá vấn đề giao thông. Có thể hiểu ngầm là thiết lập một hành lang đầu tư từ Trung Quốc, đặt một chân vào những nước liên quan ».

Các con đường Trung Quốc dự định thực hiện: màu đỏ: đường xe lửa, màu xanh: xe lửa xuyên Tây Bá Lợi Á, chấm xanh: phà đi trên biển

Trong dự án này, Kazakhstan đóng vai trò hàng đầu. Ngoài vị trí địa lý chiến lược, nước này còn sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn. Đứng đầu dĩ nhiên là dầu lửa, nhưng còn có khí đốt, uranium và nhiều mỏ khoáng chất khác. Đầu tư phát triển Kazakhstan, Trung Quốc còn nhằm ổn định hóa Tân Cương, nơi phong trào phản kháng của người Duy Ngô Nhĩ khiến Bắc Kinh lo sợ. Ông Foucher cho biết : « Một khi vấn đề Afghanistan chưa được giải quyết, Kazakhstan là quốc gia duy nhất được Bắc Kinh dòm ngó. Các nước Trung Á khác chỉ là ngõ cụt ».

Kazakhstan : Nơi đối đầu Nga-Trung

Kazakhstan cũng là một ví dụ cho việc giành giựt ảnh hưởng trong khu vực như Nga và Anh hồi thế kỷ 19. Nếu dự án Trung Quốc còn tùy thuộc vào những bất định địa chính trị - nhất là Iran hay việc tranh giành khu vực Thái Bình Dương với Mỹ - thì Kazakhstan đã là nơi đối đầu với một cường quốc khu vực khác : đó là Nga.

Dù gần đây đã xích lại gần Trung Quốc, nhưng Matxcơva không thể nào ưa nổi các dự án hạ tầng bao quanh lãnh địa của mình và có thể khiến Nga bị ra rìa. Tệ hơn nữa, là Trung Quốc xen vào, bắt rễ ở những nơi vốn nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga.

Đã hẳn là Matxcơva có nhiều ưu thế trong khu vực, trước hết là việc sử dụng tiếng Nga. Mối quan hệ đã có từ lâu, và còn chặt chẽ hơn với Liên minh Kinh tế Á Âu bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay. Nhưng tổ chức này hiện chỉ là một chiếc vỏ rỗng, đang bị quá trình bành trướng của Trung Quốc gặm nhấm dần dần.

Trung Quốc đang chiếm thượng phong về dầu lửa, còn Nga vẫn giữ được lãnh vực khí đốt. Nhưng khoảng cách đang được thu ngắn với việc khai trương đường ống dẫn khí nối liền Turkmenistan, Kazakhstan với Trung Quốc năm 2009. Hai ống dẫn dầu khác nối Kazakhstan với Trung Quốc đã và đang hình thành. Một chủ ngân hàng nhận định, Bắc Kinh biết cách hối lộ, và điều này không làm các lãnh đạo Kazakhstan phiền lòng. Rõ ràng là Nga đang bị đẩy lùi.

Một chuyên gia nhận định : « Trung Quốc biện minh chỉ làm kinh tế, nhưng khi nói về cơ sở hạ tầng giao thông, thì đây chính là vấn đề địa chính trị. Điều này làm một bộ phận dân chúng Kazakhstan và giới tinh hoa nước này lo sợ bị mất đi chủ quyền ».

Để thoát ra khỏi gọng kềm Nga-Trung, Kazakhstan tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ những nơi khác, trong đó Liên hiệp Châu Âu là đối tác hàng đầu. Chính sách đa phương cũng khiến Astana có được quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ. Và nhất là Kazakhstan không muốn đơn thuần đóng vai một địa điểm quá cảnh. Khác với nước láng giềng Kyrgyzstan, tại sa mạc Khorgos, các máy công cụ là của Trung Quốc, nhưng công nhân và đa số vốn đầu tư là của Kazakhstan.

Đăng ngày 15-08-2015 Sửa đổi ngày 15-08-2015 18:09

Nguồn: RFI (Radio France International)

http://vi.rfi.fr/chau-a/20150815-con-duong-to-lua-moi-va-tham-vong-banh-truong-trung-quoc

No comments:

Post a Comment